Kafka bên bờ biển

Thiên Ngân

Love Myself
Thành viên thân thiết
Tham gia
6/10/2012
Bài viết
1.562

Cuốn sách này là một kiệt tác của Murakami, cũng là cuốn được độc giả yêu thích nhất trong số những tác phẩm của ông.

Cậu bé 15 tuổi tên là Kafka Tamura, nhân vật “tôi” trong truyện, bỏ nhà ra đi vào đúng sinh nhật của mình để thoát khỏi lời nguyền khủng khiếp mà cha của cậu, vốn là nhà điêu khắc nổi tiếng Koichi Tamura đã giáng xuống đầu mình. Kafka cao ráo và khỏe mạnh nhưng lại chẳng có một cuộc sống tinh thần vui vẻ, thoải mái như bao người bạn cùng lứa khác với những ám ảnh không nguôi về người mẹ và chị gái đã mất tích của mình.

Suốt cuốn tiểu thuyết, Kafka bị những nỗi ám ảnh vô hình ấy bủa vây. Cậu có phải kẻ giết người không? Cậu có thực sự đã làm tình với mẹ mình hay không?

Nếu tất cả những điều ấy chỉ là ảo giác mà Murakami mượn nó để tăng sự hấp dẫn, kịch tính, siêu thực cho cuốn tiểu thuyết, ông đã hơn cả thành công. Bởi khi gấp cuốn sách lại, những trăn trở đó của Kafka cũng chính là những thắc mắc mà người đọc cứ phải nghĩ suy mãi, mà nếu như một ngày nào đó Murakami không tiết lộ, nó sẽ vẫn mãi chỉ là những dấu hỏi. Nhưng nếu nó có là sự thật, thì độc giả cũng sẽ vẫn không trách Kafka. Ngược lại, ở cậu có những thứ khiến cho người ta phải ngưỡng mộ. Kafka là điển hình cho mô típ những nhân vật trong các tác phẩm của Murakami. Cậu có sự chín chắn và trưởng thành mà một đứa trẻ 15 tuổi khó có thể sở hữu. Kafka bỏ nhà ra đi không phải để vòi vĩnh ông bố mình, cũng không phải vì sợ trường học như bao thanh thiếu niên khác. Cậu ra đi vì cậu cần phải thế, bởi đó là cách duy nhất để Kafka không cảm thấy đau khổ và bất mãn về sự tồn tại của mình. Kafka tự lập, ngăn nắp, biết điều, luôn lắng nghe người trên. Cậu cũng ham học và tự học rất nhiều. Dù phải đi trên những con đường thử thách và đầy rắc rối, Kafka vẫn dành nhiều thời gian cho việc đọc. Cậu thậm chí đọc cả những cuốn sách khó và chưa phù hợp với nhận thức của một trẻ vị thành niên như là của Natsume Soseiki, Kafka, Nghìn lẻ một đêm…


Những gì mà Kafka đã trải qua trên con đường mạo hiểm chông gai ấy đều diễn ra như thể chúng được Định Mệnh sắp đặt. Bắt đầu từ người bạn mới, cô Sakura 21 tuổi mà Kafka tình cờ gặp trên một chuyến xe lửa, cho đến chàng thanh niên Oshima mảnh dẻ làm trong thư viện, bị chứng máu khó đông, giới tính không rõ ràng. Murakami đã chạm đến tận cùng những góc khuất sâu kín nhất của mỗi con người, những dục vọng, khao khát va chạm với những rào cản đạo đức, truyền thống. Kafka có thể đã phạm tội, có thể đã có những ước muốn trái với luân thường đạo lý, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn cậu bé 15 tuổi ấy là một sự trong sáng đang nỗ lực tìm kiếm bản ngã và lý tưởng cuộc đời.

Ở phía bên kia quần đảo là câu chuyện khác về lão Satoru Nakata, một ông già lẩn thẩn, thiểu năng trí tuệ nhưng có khả năng trò chuyện với loài mèo. Lão Nakata không biết đọc sau khi ông gặp tai nạn khi còn nhỏ. Ông cũng không có vợ hay con cái, lại càng chẳng có bạn bè, người thân thích. Ông chẳng bao giờ ra khỏi thành phố, luôn xa rời thế giới thực tại và từ chối tiếp nhận sự hiện đại của một Nhật Bản đang phát triển. Thế rồi một ngày, ông lão Nakata kỳ lạ ấy cũng bắt đầu một chuyến du hành của riêng mình, dù rằng bản thân lão cũng chẳng hiểu nó sẽ dẫn tới đâu. Nhân vật lão Nakata khiến cho người ta phải nghĩ suy. Sau cùng thì dù là một người thần kinh không bình thường với trí óc còn kém cả những đứa trẻ nhưng ông lại là người thảnh thơi, vô tư và có lẽ là hạnh phúc nhất cuốn tiểu thuyết. Lão Nakata không buồn, cũng chẳng đau khổ, chẳng phải tự vấn những lo toan hay bị ám ảnh bởi cuộc sống ngoài kia. Có lẽ, đối với lão mà nói, cuộc đời cứ như một dòng sông hiền hòa, lão đứng lặng lẽ ở một bên bờ sông, ngắm nhìn nó chầm chậm chảy, ngắm nhìn những chiếc lá rớt từ một thân cây nào đó xuống mặt sông như là những người chẳng thể định đoạt được số phận của mình giống Kafka. Murakami đã tạo nên những phép màu cuộc sống qua nhân vật Nakata, ông lão bị người đời nghĩ rằng là một người điên nhưng lại chính là nhân tố chính đưa cuốn tiểu thuyết lên đến cao trào đỉnh điểm với câu chuyện về phiến đá kỳ lạ. Một nhân vật dường như bị ruồng rẫy bởi chính đồng loại của mình cuối cùng lại là người sống hạnh phúc nhất trong cuốn tiểu thuyết. Những suy nghĩ của lão Nakata đều hướng tới lũ mèo hay những điều dung dị, nho nhỏ của cuộc sống với một ánh mắt của trẻ nít. Ông Nakata không điên, mà chỉ là một ông già kỳ lạ. Và lão cũng không cô đơn, trên chuyến hành trình của đời mình, ông vẫn gặp được người tốt bụng như tài xế Hoshino.


Và rồi hai số phận, của Kafka và lão Nakata, hai đường thẳng song song ấy cũng có lúc giao nhau, đan xen vào nhau tạo ra một nút thắt huyền ảo, kỳ lạ và khó hiểu cho câu chuyện.

Nhân vật phụ bí ẩn nhất trong cuốn tiểu thuyết là Miss Saeki, chủ của thư viện nơi Oshima làm việc. Bà là một phụ nữ khoảng 50 tuổi, rất đẹp và quý phái. Bà chính là tác giả của bản nhạc “Kafka bên bờ biển” – cũng là tên cuốn tiểu thuyết. Những đoạn hội thoại, những cuộc gặp gỡ và những xúc cảm kỳ lạ mỗi lần Miss Saeki và Kafka đối diện với nhau được Haruki Murakami miêu tả rất tài tình bằng thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, “Kafka bên bờ biển” có tất cả những tinh túy đã trở thành thương hiệu của Murakami, từ giọng văn chầm chậm, nhẹ nhàng cho tới nội dung hư hư, thực thực nhiều yếu tố kỳ ảo, rồi đến những khung cảnh được miêu tả ảm đạm và nội tâm nhân vật thì mâu thuẫn, rắc rối và nhiều suy nghĩ. Thế giới mà ông đã vẽ nên trong cuốn sách này là những điều tưởng như hoang đường về sự chết, lời nguyền cơn mưa đỉa, mưa cá nhưng nó truyền tải những ý rất sâu sắc.

Mỗi một lần đọc, “Kafka bên bờ biển” lại cho tôi những cảm giác khác nhau. Có lẽ cảm nhận của một người về sách sẽ thay đổi, hoặc lớn lên theo thời gian. Khi bạn già đi, có độ lùi để trải nghiệm, những suy nghĩ và cảm xúc cũng khác đi, cũng giống như việc khi bạn bước vào và bước ra từ một cơn bão cuộc đời. Đây là một cuốn sách khó hiểu, nhưng lại gây nghiện nặng. Người đọc cứ bị cuốn vào 2 mạch truyện song song, cố tìm kiếm một nút mở cho những điều ly kỳ cứ xảy ra liên tiếp, nỗ lực tìm kiếm lời giải thích cho những thắc mắc băn khoăn của họ. Nhưng càng đi sâu và nhập tâm vào cuốn sách lại càng rơi vào thế giới mông lung hơn. Chính bởi thế mà ngay cả khi đã đọc lại “Kafka bên bờ biển” tới 3 lần, mỗi khi gấp cuốn sách lại, tôi vẫn lâng lâng, như chưa từng thoát ra khỏi câu chuyện cuộc đời của những nhân vật trong sách để sống trọn vẹn với thế giới kỳ ảo của Murakami.

Và cũng như thường lệ, giống như các tác phẩm khác của Murakami, “Kafka bên bờ biển” cũng chứa đựng những triết lý rất sâu sắc về cuộc sống:


“Mất đi những cơ hội, những khả năng, những cảm giác mà chúng ta không bao giờ có thể lấy lại nữa. Đó là một phần ý nghĩa của việc tồn tại. Nhưng thẳm sâu trong tâm trí chúng ta, ít nhất theo những gì tôi tưởng tượng, thì sẽ luôn có một căn phòng nhỏ nơi người ta cất giữ những ký ức. Một chỗ giống như những giá sách trong thư viện này. Và để hiểu được hoạt động của trái tim mình, chúng ta luôn phải làm mới những phiếu tham khảo mới. Thỉnh thoảng phải hút bụi, thông khí, thay nước các bình hoa. Nói cách khác, phải mãi mãi sống trong thư viện riêng tư của chính mình.”

- Hexe -
Theo Mannup
 

Đính kèm

  • Kafka ben bo bien - Haruki Murakami.pdf
    2,2 MB · Lượt xem: 441
  • Kafka ben bo bien.prc
    555 KB · Lượt xem: 168
Hay lắm nha!lấy ý tưởng từ tiểu thuyết sao?Chap lại còn rất dài.Hâm mộ ùi nhoa!
 
×
Quay lại
Top