Tiền Bạc Có Thể Mua Được Hạnh Phúc Không?

Lion King

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
28/8/2015
Bài viết
56
Tiền Bạc Có Thể Mua Được Hạnh Phúc Không?
Tác giả: Neil Levy, The Florey Institute of Neuroscience and Mental Health | Dịch giả: Nhóm biên tập Việt Nguyên

4498967476_886c1c25ff_b-676x450.jpg


Một khi người ta đạt đến một ngưỡng tiện nghi vật chất nào đó, thì việc có thêm nhiều tiền hơn nữa sẽ không tạo ra nhiều sự khác biệt. (ellyn.CC BY-SA 2.0)

Nếu các số liệu thống kê là đáng tin, thì mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc thật mỏng manh. Khi thu nhập quốc dân gia tăng, hạnh phúc sẽ không theo đó mà tăng lên.

Hãy nghĩ về điều này: mức độ hạnh phúc ở Mỹ đã rất ổn định trong vòng 50 năm qua, mặc dù trong cùng khoảng thời gian đó mức sống đã nhân lên gấp đôi. Tình trạng tương tự cũng đúng với Anh và Nhật Bản.

Sự thăng trầm

Dù vậy, tiền bạc chắc chắn có tạo ra sự khác biệt đối với mức độ hạnh phúc ở những nước nghèo hơn. Nếu bạn không có đủ tiền để đảm bảo một mức độ tiện nghi nhất định, bạn sẽ khá căng thẳng và buồn rầu.

Nhưng một khi người ta đạt được một ngưỡng nào đó (khi họ không phải lo từng bữa ăn hay về mái nhà ngay trên đầu nữa), thì dù có thêm nhiều tiền cũng sẽ không tạo ra nhiều sự khác biệt. (Tất nhiên, kể cả ở các nước giàu có, vẫn có một số người không có được mức sống cơ bản này).

Ít nhất, điều này là đúng đối với sự gia tăng của cải.

Sự tổn thất cũng có ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc, ngay cả khi mức thu nhập của người đó vẫn nằm trên ngưỡng tối thiểu sau khi bị tổn thất. Dường như chúng ta quen với việc giàu lên mà không thật sự nhận ra nó, nhưng chúng ta lại cảm thấy khó khăn khi phải thích ứng với hoàn cảnh bị mất tiền.

Ở Úc, lấy ví dụ, nhiều người đang rất lo lắng cho mức độ an toàn kinh tế của họ. Mức độ lo lắng dường như không đồng nhất với số lượng tài sản quốc gia: Có thể người dân đã không nhận thức được rõ ràng rằng họ đã trở nên giàu có hơn nhiều so với chỉ một vài năm về trước.

Thật sự là, chúng ta rất dễ bị sốc (shock) trước mức giá cả gia tăng đều, song lại không để tâm lắm đến mức độ gia tăng thu nhập của mình.

Duy trì

Nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy dễ thích ứng với tình trạng giàu lên thay vì nghèo đi? Có lẽ sự kỳ vọng của chúng ta là nhân tố chủ chốt ở đây. Khi chúng ta không thể mua nhiều hàng hóa với số lượng và chất lượng tốt như trước, chúng ta sẽ thật sự nhận ra sự khác biệt. Và mức độ thỏa mãn của chúng ta sẽ bị tụt giảm.

5025589369_b9a0cc9952_z1.jpg


Khi chúng ta không thể mua nhiều hàng hóa với số lượng và chất lượng tốt như trước, chúng ta sẽ thật sự nhận ra sự khác biệt (Chi King, CC BY-SA 2.0)

Khi chúng ta có thể mua thứ chúng ta muốn nhất mà không gặp phải khó khăn gì lớn, thì sẽ không có khác biệt gì nhiều nếu chúng ta còn lại 100USD hay 150USD tiền thừa.

Lý do khác giải thích tại sao mức độ hạnh phúc không gia tăng nhiều khi mức thu nhập gia tăng, chính là do mức kỳ vọng của chúng ta bị định hình bởi những gì người khác trong vòng tròn xã hội làm và có được. Nếu bất cứ ai trong vòng tròn xã hội của chúng ta đều có một chiếc iPhone, một cách tự nhiên chúng ta sẽ cho rằng thật hợp lý khi nghĩ rằng mình cũng có thể có một chiếc.

Chiếc máy tính bạn mua ba năm về trước giờ đây có lẽ sẽ bị coi là chậm chạp và bất tiện đến không tưởng; tuy vậy vào thời điểm đó, bạn đã có thể rất ấn tượng với khả năng và tốc độ của nó. Nhưng giờ đây bạn kỳ vọng các trang web sẽ load nhanh hơn vì đó là điều bạn từng quen.

Một yếu điểm của tất cả những thứ này là hiện nay chúng ta đang ở bên trong một cái guồng xoay liên tiếp của chủ nghĩa tiêu thụ. Nghĩa là, chúng ta phải thay thế chiếc máy tính đó (và máy tính bảng và cả chiếc điện thoại thông minh) cứ mỗi 18 tháng một lần để có được cùng mức độ thỏa mãn từ sản phẩm đó.

Di chuyển những cột mốc

Mặc dù thu nhập quốc dân không tác động đến mức độ hạnh phúc, khi đã vượt quá một ngưỡng nhất định; nhưng có một mối liên hệ nghịch lý, dẫu thứ yếu, giữa thu nhập tương đối trong một quốc gia và mức độ hạnh phúc. Song các ảnh hưởng này sẽ giảm thiểu qua thời gian.

Dường như là vậy: khi thu nhập bản thân tăng, thì nhóm người chúng ta dùng để so sánh với bản thân sẽ dần dần thay đổi.

Giả sử bạn được thăng chức tại sở làm và điều này sẽ làm gia tăng đáng kể thu nhập của bạn. Do vậy, bạn sẽ có thể mua một chiếc xe hơi đắt tiền, và việc so sánh chiếc xe mới mua của bạn với chiếc xe của bạn bè có thể sẽ mang đến cho bạn sự hài lòng.

Nhưng sự thăng chức cũng mang đến những cơ hội, có lẽ là một mong muốn được giao lưu với các quản lý cấp cao chẳng hạn, và khi đó chiếc xe mới của bạn lại chưa đủ so với xe của họ.

9239608055_cfbcebd76b_z.jpg

Tiền bạc có thể dẫn tới sự hạnh phúc nếu nó được tiêu dùng cho các sự trải nghiệm. (Marjan Lazarevski,CC BY 2.0)

Vì vậy, sự thay đổi mức độ hạnh phúc gây nên bởi những thay đổi trong thu nhập tương đối có xu hướng tiêu tan (mặc dù xu hướng này sẽ giảm ít hơn đối với những người không tự đặt mình so sánh với người khác).

Tài sản của sự trải nghiệm

Có một cách để mua hạnh phúc. Đó là chi tiêu cho các trải nghiệm chứ không phải các thứ đồ nào đó.

Dường như trải nghiệm là một thứ rất đặc thù, giá trị của nó không giảm xuống tương ứng theo các trải nghiệm khác. Có thể tất cả bạn bè của bạn cũng đến Phuket, tuy vậy bữa ăn bạn thưởng thức ở nhà hàng bên bờ biển và cuộc đi dạo thong dong sau đó trong một buổi đêm nhiệt đới nơi đây lại là của riêng bạn.

Hơn thế nữa, giá trị của những trải nghiệm không giảm theo thời gian. Trên thực tế, giá trị của nó có thể lớn mạnh hơn khi bạn làm sống lại những trải nghiệm. Mua sắm có thể giúp chặn đứng hạnh phúc đang trượt dốc, nhưng dường như chỉ có trải nghiệm mới có khả năng làm gia tăng hạnh phúc.

Nhà tâm lý chính trị nổi tiếng John Rawls đã gợi ý rằng, một cách để chúng ta tránh xa nỗi bất hạnh vốn xuất phát từ sự đố kỵ (từ việc so sánh của cải của một người với người khác) là hạn chế nhìn vào sự khác biệt trong thu nhập của mọi người.

Bất kể giá trị của đề xuất đó có là gì đi nữa, thì có vẻ như khá khó để thực hành đề xuất này trong xã hội chạy đua theo vật chất như hiện nay. Có lẽ chúng ta tốt hơn hết nên đề cao giá trị của các trải nghiệm so với các lợi ích vật chất như một con đường dẫn đến hạnh phúc thật sự.

Và tất nhiên, đồng thời chúng ta cũng cần phải đảm bảo mọi người (không kể là ở đâu hoặc là ai) không rơi xuống dưới ngưỡng vật chất tối thiểu, để đảm bảo rằng họ sẽ không đối mặt với sự căng thẳng khi phải lo lắng về những nhu cầu cơ bản nữa.

Neil Levy nhận được tài trợ từ Hội đồng Nghiên cứu Úc. Trước đó anh đã nhận được tài trợ từ Tổ chức Wellcome Trust and the Templeton. Bài viết này được đăng bài gốc trên trang The Conversation.

Nguồn : VIỆT ĐẠI KỶ NGUYÊN thời báo - Làm đẹp tâm hồn - https://vietdaikynguyen.com/v3/category/life/lam-dep-tam-hon/

Tin liên quan :
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top