Dạy học cho học sinh dân tộc: Quan trọng là học sinh hiểu bài và thích đến lớp

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
“Dự án đã cung cấp cho giáo viên những kỹ năng, phương pháp giảng dạy phù hợp, điều này đã giúp các em học sinh dân tộc thiểu số tự tin hơn trong học tập, các em thích thú đến trường hơn do đó tỷ lệ học sinh đến lớp cũng ổn định hơn”.

Ngày 30/5, tổ chức Cứu trợ trẻ em phối hợp cùng Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo tổng kết và đánh giá kết quả ba năm thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục cơ bản cho học sinh dân tộc thiểu số ở 3 tỉnh vùng núi khó khăn của Việt Nam”. Giờ học Tiếng Việt ở Trường Tiểu học Nậm Lành (huyện Văn Chấn, Yên Bái) được bắt đầu bằng hiệu lệnh của cô giáo: “Mời tất cả các con… ra sân”! Sau trò “mèo đuổi chuột”, cô giáo khuyến khích các em miêu tả trò chơi và thể hiện cảm xúc của mình. Cô viết những câu trả lời được nhiều ý kiến đồng thuận nhất lên bảng và đó chính là những gợi ý để các em hoàn thiện bài tập làm văn.

Trong giờ học Tự nhiên Xã hội với chủ đề “bảo vệ môi trường”, cô chia lớp thành 5 nhóm, mỗi nhóm thảo luận trả lời 5 câu hỏi, rồi tập hợp các câu trả lời. Như vậy, với 5 phương án trả lời đa dạng cho mỗi câu trả lời, thừa dữ liệu cho các em viết bài về vấn đề môi trường.

Giờ Toán, cô giáo cho học sinh chơi trò câu cá: Mỗi chú cá bằng giấy được viết một phép tính. Học sinh được lần lượt gọi lên để “câu cá” và thực hiện phép tính trên thân cá, nếu trả lời đúng sẽ được mang con cá về, trả lời sai thì chuyển cần câu cho bạn bên cạnh… Trò chơi – giờ học cứ thế tiếp nối với những gương mặt hân hoan… Các cô tâm sự: “Người dân tộc thật thà như đếm. Với các em, điểm số chẳng quan trọng, còn giáo viên cũng chỉ mong học sinh hiểu bài và thích đến lớp”.

924357-images663393-a2-tr11.jpg
Góc đọc ngoài trời tạo hứng thú cho học sinh
Mường Chà, Văn Chấn và Hướng Hóa nằm trong số những huyện khó khăn nhất ở Việt Nam. Học sinh ở 3 huyện này hầu hết là người dân tộc thiểu số, nên khi đi học, các em gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trong khi thầy cô giáo lại không nói được tiếng mẹ đẻ của các em. Thêm vào đó, cơ sở vật chất ở nhiều trường học còn nghèo nàn; tài liệu giảng dạy ít; trang thiết bị vệ sinh cho học sinh còn thiếu; cha mẹ và cộng đồng không tham gia tích cực vào quá trình học tập của con em; nhiều nội dung trong sách giáo khoa không phù hợp với kinh nghiệm và văn hóa của học sinh dân tộc thiểu số… Những vấn đề này khiến tỷ lệ nhập học và hoàn thiện bậc tiểu học của học sinh dân tộc thiểu số bị hạn chế.

Nhờ các khóa tập huấn về phương pháp giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ, phương pháp dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai cho học sinh dân tộc thiểu số, các phương pháp giảng dạy tích cực lấy học sinh làm trung tâm… do tổ chức Cứu trợ trẻ em tổ chức, giáo viên có thêm kiến thức để giúp học sinh hiểu và nói tiếng Việt. Nhờ vốn tiếng Việt phong phú hơn, các em học tốt hơn, tiếp thu bài học hiệu quả hơn và tích cực tham gia vào các hoạt động học tập trên lớp. Học sinh cũng tự tin và mạnh dạn hơn trong nhiều tình huống. Phương pháp dạy học tích cực cũng làm cho giờ học nhẹ nhàng và hấp dẫn hơn, tạo cho học sinh hứng thú học tập và niềm vui tới trường.

Tổ chức Cứu trợ trẻ em cũng tham gia nâng cấp trang thiết bị phòng học, thư viện nhà trường; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng môi trường học tập thân thiện để giúp học sinh thêm hào hứng đến trường và tích cực trong học tập. Ngoài ra Tổ chức còn hỗ trợ sản xuất các tài liệu giảng dạy bằng hình ảnh cho giáo viên với 82 đầu sách và 9 băng hình để giúp các nhà quản lý và giáo viên tiếp tục các phương pháp giảng dạy tích cực sau khi dự án kết thúc.

Với ngân sách 1.809.000 USD, được tài trợ bởi Quỹ phát triển xã hội Nhật Bản thông qua Ngân hàng thế giới từ năm 2009, Dự án đã hỗ trợ các em học sinh thuộc cộng đồng các dân tộc thiểu số ở 3 huyện Mường Chà (Điện Biên), Văn Chấn (Yên Bái) và Hướng Hóa (Quảng Trị) hoàn thành giáo dục tiểu học và tiếp tục theo học bậc THCS.
Theo giáo dục thời đại
 
×
Quay lại
Top