Đề cương môn học: tiền nào của nấy?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Xây dựng đề cương chi tiết môn học (ĐCCTMH) là một việc làm quá quen thuộc đối với mọi giảng viên ở các trường ĐH, CĐ. Một việc làm tưởng chừng như đơn giản nhưng sự thật lại cực kỳ phức tạp và hao tốn nhiều tâm sức, là yếu tố quyết định sự thành bại của chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng ĐCCTMH vẫn chưa được nhiều trường đặt đúng vị trí của nó và vẫn còn tình trạng GV trường này chờ trường kia tung ra để “copy” về dùng.

“Đạo” ĐCCTMH và những hệ lụy
Phần lớn việc xây dựng ĐCCTMH do bộ môn quản lý và phân công GV phụ trách giảng dạy biên soạn. Công việc này có thể do 1 người hoặc 1 nhóm người phụ trách, sau khi hoàn thành thì hội đồng khoa học của khoa sẽ họp xem xét, góp ý và thông qua. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng làm theo quy trình như vậy. Theo đánh giá của một số chuyên gia thì đây là một cách tiếp cận gần như tự phát và hiển nhiên là GV chú trọng vào nội dung kiến thức khoa học – kỹ thuật mà họ nắm rõ và muốn trình bày để hình thành ĐCCTMH.


Không hiếm các trường hợp, GV của trường này tham khảo một đề cương có sẵn của trường khác từ tài liệu hoặc trên internet và hiệu chỉnh cho phù hợp với bản thân GV (người soạn). Và hệ lụy từ chính việc “copy – paste” là dạy không theo đúng đề cương vì đó không phải là sản phẩm trí tuệ của chính người đó, thậm chí có người còn không biết đề cương của họ viết những gì. GV một trường ĐH cho rằng: nguyên nhân dẫn tới GV không mặn mà và không đầu tư vào việc soạn ĐCCTMH một phần do không có thù lao hay có nhưng rất ít. Bên cạnh đó, GV chạy “sô” nhiều dẫn đến biên soạn theo kiểu đối phó và với tình hình thiếu GV ĐH như hiện nay thì khó mà quản lý được vấn đề này. Nói về vấn đề này, tiến sĩ Lê Tuấn Sơn – ĐH HUFLIT, chia sẻ: “Việc biên soạn đề cương chi tiết rất khó và mất thời gian vì GV phải nghiên cứu, tính toán chia thời lượng giảng dạy thật khoa học và lựa chọn phương pháp dạy phù hợp với trình độ của SV và dung lượng nhà trường quy định cho môn đó sao cho đạt kết quả tốt nhất…”.


918098-images663266-image001.jpg
Tiết giảng ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng - TP.HCM
Một lãnh đạo khoa CNTT (ĐH KHTN TP.HCM) bức xúc “thật bất công khi những gì chúng ta làm tốn biết bao công sức thì GV một số trường ngồi không chỉ việc copy về, thậm chí không cần chỉnh sửa để y chang”. Và để đối phó với tình trạng này, các ĐCCTMH của khoa CNTT chỉ đưa lên mạng theo dạng tóm tắt… Còn PGS.TS Ngô Anh Tuấn – ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thì quan niệm: có gì chúng tôi đưa lên hết, ai thích “copy” thì cứ lấy, nhưng nếu anh làm GD, làm khoa học mà cứ trông chờ cái người khác đưa lên để lấy về dùng thì suốt đời chỉ đi sau người khác.

Đứng trước tình trạng “copy – paste” một cách tùy tiện ĐCCTMH, một GV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đặt ra vấn đề nên đăng ký bản quyền ĐCCTMH. Tuy nhiên, một GV ở ĐH HUFLIT lại cho rằng: đây là 1 vấn đề khá xa vời vì thật sự hiện nay bản thân mỗi người đều không có sự quan tâm đến ĐCCTMH. Nhưng đến một lúc nào đó khi xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng nhìn nhận lại vấn đề quan trọng của đề cương liên quan đến chất lượng, khi đó đề cương được chú trọng và được đặt đúng vị trí của mình thì tất nhiên việc đăng ký bản quyền là cần thiết và có hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực thi bản quyền ở VN hiện nay còn nhiều hạn chế, "cái gọi là" đề cương chưa được quan tâm đúng mức ở mức độ khoa học của nó chứ chưa nói đến giá trị sử dụng. Cũng đừng nói đến chất lượng khi những gì liên quan đến chất lượng chưa được coi trọng!

Cần được đầu tư thích đáng

Nhìn từ góc độ tổng thể thì mỗi trường có một đặc thù và theo đuổi mục tiêu đào tạo riêng. Cũng là một ngành công nghệ môi trường, nhưng nhà tuyển dụng muốn hình ảnh người kỹ sư như thế nào thì sẽ chọn SV một trường nào đó phù hợp với hình ảnh mà họ mong muốn. Cho nên việc GV trường này “đạo” ĐCCTMH của GV trường khác là việc làm không ổn, ảnh hưởng đến cả chất lượng của một quá trình đào tạo.

Xét ở một khía cạnh khác thì ĐCCTMH cũng là tài sản của nhà trường nên chính các trường cần có sự đầu tư nhiều hơn. Một thực tế hiện nay là, công việc biên soạn ĐCCTMH được nhiều trường xem là trách nhiệm của GV (người trực tiếp giảng dạy) nên chỉ chi trả một ít thù lao mang tính tượng trưng hoặc không có. PGS.TS Ngô Anh Tuấn – Trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng: Vấn đề trả thù lao cho việc biên soạn ĐCCTMH tùy vào quan điểm của Ban Giám hiệu từng trường và mục tiêu mà trường đó đang theo đuổi. Những trường có điều kiện vật chất tốt thì sẽ dành ngân sách cho việc biên soạn ĐCCTMH tương xứng với công sức mà GV bỏ ra. Ví dụ như một số ít trường đang triển khai chương trình đào tạo theo mô hình CDIO thì sẽ đầu tư một nguồn kinh phí lớn cho việc biên soạn ĐCCTMH. Còn lại, phần lớn phụ thuộc vào cái tâm và tinh thần trách nhiệm của GV. Nhưng cũng có người thì "anh trả cho tôi bao nhiêu thì tôi làm bấy nhiêu" vì GV cũng có thời gian và cuộc sống riêng của mỗi người.

Với tư cách vừa là GV vừa là nhà quản lý, một tiến sĩ ở ĐH HUFLIT cho rằng, hiện nay mức độ đầu tư và quan tâm của các trường đối với vấn đề này quá thấp gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu ra. Bởi vì thật sự chưa có gì ràng buộc GV phải chủ động xây dựng và đầu tư công sức vào đề cương. Chủ yếu là GV đối phó với Khoa, trường, còn Khoa, trường thì lại đối phó với Bộ GD&ĐT.

Mặc dù không phổ biến nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc xây dựng ĐCCTMH thì “tiền nào của nấy”. Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu, chia sẻ: Hiện tại chưa có quy định về chi trả cho công việc này. Nhà trường coi đây là nhiệm vụ của GV. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng ta nên có kinh phí cho việc xây dựng và thẩm định ĐCCTMH nhằm nâng cao trách nhiệm của người xây dựng, thẩm định cũng như chất lượng của ĐCCTMH.

Có thể nhận định không quá chủ quan rằng, ĐCCTMH của GV mỗi trường thể hiện cái mà GV trường đó muốn dạy, cái mà GV hiểu và tâm đắc. Thường thì GV các trường chú trọng vào các kiến thức khoa học và kỹ thuật. Ví dụ chúng ta hãy thử nhận diện sản phẩm đào tạo ra mà chúng ta muốn đạt được: một kỹ sư hoàn hảo. Một kỹ sư hoàn hảo phải hội tụ 3 yếu tố: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Người kỹ sư phải được đào tạo để có đủ tri thức và kỹ năng để hình thành nhận thức về sản phẩm cần xây dựng, có khả năng thiết kế và triển khai sản phẩm đó cũng như vận hành nó. Một sản phẩm đầu ra làm sao tốt khi một trong những mắc xích vận hành nó đã có sự khiếm khuyết trong quá trình đào tạo.

Quy trình biên soạn ĐCMH của một trường ĐH:
GV/Nhóm biên soạn ---> Thu thập thông tin liên quan đến môn học--> Biên soạn đề cương môn học ---> Xem xét của bộ môn ----> Phê duyệt ----> Lưu trữ đề cương đã được duyệt.

Xây dựng đề cương môn học không thể xem xét cục bộ, rời rạc mà phải được đặt trong tổng thể một chương trình đào tạo tích hợp để có thể đạt được các tiêu chuẩn của chuẩn đầu ra. Một trong những khó khăn trong quá trình triển khai thực tế là một số GV có trách nhiệm xây dựng đề cương môn học không hiểu hết hoặc hiểu chưa đúng các tiêu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, vì vậy sẽ rất khó đánh giá sự tương quan. Để xây dựng được một đề cương môn học là một công việc không đơn giản nhưng việc thực hiện được đề cương đó trong thực tế với điều kiện của chúng ta hiện nay thì cần phải có nỗ lực từ nhiều phía.

Theo PGS.TS LÊ HOÀI BắC - ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM)
Nguồ : giaoducthoidai.vn


 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top