Định hướng nghề nghiệp tương lai, đừng để ngày mai hối tiếc!

The happy key

Thành viên
Tham gia
9/4/2022
Bài viết
1
dream.png

Sau bao nhiêu năm làm công tác giáo dục, tôi thật sự hiểu và chia sẻ với những trăn trở trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai của các bạn học sinh. Tôi hy vọng những chia sẻ hết sức chân tình được đúc kết từ trải nghiệm sống của bản thân sẽ phần nào giúp ích cho các bạn trong hành trình tìm kiếm con đường tương lai của riêng mình.

1. Thực trạng về việc định hướng nghề nghiệp của học sinh hiện nay, nguyên nhân và những sai lầm phổ biến​




Làm sao để chọn được nghề phù hợp?






Sau bao nhiêu năm làm công tác giáo dục, mỗi khi đề cập đến vấn đề chọn nghề, chọn trường với các em học sinh Trung học phổ thông, tôi đều nhận được sự phản hồi theo hai hướng:

Một là, hết sức thờ ơ. Một số bạn khi được hỏi đến thì phần lớn câu trả lời tôi nhận được là chưa biết, không biết mình thích gì, tới đâu tính tới đó, theo xu hướng thôi, xem mấy bạn thi gì, mình thi theo hoặc gia đình bảo ngành đó tốt....
Hai là, khá quan tâm nhưng lại rất lo lắng, không biết mình nên học ngành nào. Ngành này có tốt không? Trường kia có được không?
Những câu hỏi này khiến tôi thật sự bối rối. Bởi lẽ, chính bản thân các bạn phải là người tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này mới phải.


Rồi cuối cùng thì sao?

Không ít bạn đã chọn đại một ngành nào dễ đậu, chọn đại theo mong muốn của gia đình hay sự rủ rê của nhóm bạn, chọn nghề có "mác" thật oai hoặc nghề dễ xin việc, dễ kiếm tiền mà không cần quan tâm nó có phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích của bản thân, điều kiện gia đình, nhu cầu xã hội hay không,...Thậm chí, có bạn còn nghĩ chỉ cần đậu đại học để hãnh diện với gia đình, làng xóm thôi là được. Ôi không! Đây là những sai lầm có thể gây ra những tổn thất rất lớn về thời gian, tiền bạc, công sức và cả tinh thần của bạn đấy!
Tất nhiên, ở độ tuổi này, nhiều bạn đã ấp ủ cho mình những ước mơ, hoài bão, có những hình mẫu làm mục tiêu phấn đấu hoặc được gia đình người thân chỉ dẫn, hỗ trợ. Song, thực tế vẫn còn rất nhiều bạn trẻ thờ ơ, mơ hồ trong việc định hướng nghề nghiệp cho tương lai.


Khi tiếp xúc với các bạn, tôi mới ngộ ra tất cả đều có lý do của nó.

Một số bạn vì hoàn cảnh gia đình thiếu thốn về điều kiện kinh tế hoặc thiếu tình cảm, thiếu sự quan tâm nên dần lơ là việc học, mang tâm lý chán nản. Người lớn không có thời gian tìm tòi và định hướng cho bạn những kỹ năng sống, cũng như đồng hành để chia sẻ những vướng mắc mà bạn đang gặp phải.
Một số bạn thì nhà khá giả được cha mẹ lo sẵn mọi thứ từ vật chất đến tinh thần, dọn sẵn đường cho con bước nhưng đôi khi điều này lại vô tình khiến các bạn ỷ lại chẳng hề có ước mơ, khát vọng. Bạn chẳng biết mình thích hay muốn gì. Các chuyên gia tâm lý gọi đây là hội chứng "khủng hoảng thừa" ở giới trẻ.
Đặc biệt, trong thời đại smartphone hiện nay, không ít bạn trẻ mãi đắm mình trong thế giới ảo. Ở đó có quá nhiều thứ khiến bạn phải quan tâm. Bạn có thể lắng nghe nhiều người, quan tâm đến nhiều người trên Facebook, Intergram, Youtube,... Bạn nghe họ nói, xem cách họ làm, chia sẻ cảm xúc cùng họ...nhưng cái quan trọng và cần thiết nhất mà bạn lại quên mất đó là lắng nghe chính bản thân bạn. Có thể bạn biết người khác có tài năng gì, đam mê của họ là gì,...còn bản thân bạn thì không. Nhiều bạn trẻ ảo tưởng hoặc tư ti về bản thân trước những thành công và sự giàu có của người khác mà không biết rằng những gì mình thấy chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Trong khi đó, công tác hướng nghiệp ở một số trường THPT hiện nay đôi khi còn nhàm chán và thiếu thực tế, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Các tài liệu hướng nghiệp chỉ chủ yếu giới thiệu về các ngành nghề. Các trường đại học, cao đẳng cử đại diện đến trường tư vấn thì cũng chỉ giới thiệu về trường, các ngành nghề đào tạo. Họ có thể tư vấn cho bạn, hướng dẫn bạn nhưng sẽ không ai nói cho bạn biết đam mê của bạn là gì, và quyết định rằng bạn nên học ngành nào là phù hợp nhất trừ bản thân bạn. Bạn phải trả lời được câu hỏi: Bạn muốn trở thành người như thế nào sau 5 đến 10 năm nữa? Mục tiêu đó có ý nghĩa như thế nào đối với bạn? Bạn phải làm gì để đạt mục tiêu đó? Và giờ thì Bạn là ai? Bạn đang ở vị trí nào trên hành trình chinh phục mục tiêu đó? Bạn có khả năng gì? Đâu là đam mê của bạn? Có như thế, bạn mới có thể chọn được nghề nghiệp phù hợp với mình trong tương lai.

Dù ở trong hoàn cảnh nào thì cuộc đời bạn vẫn là của bạn. Bạn có quyền làm chủ nó.

Thời gian là hữu hạn, vậy nên đừng lãng phí nó bởi những ngày tháng vô vị, không có phương hướng, chẳng có mục tiêu. Hãy đối diện với chính mình, nghiêm túc suy nghĩ, lập ra bản đồ cuộc đời của riêng bạn với lộ trình và hướng đi phù hợp. Hãy bắt đầu từ việc quay về bên trong, thực sự lắng nghe thấu hiểu chính con người bạn để biết bạn đam mê điều gì, từ đó chọn được ngành nghề phù hợp và quyết tâm theo đuổi nó. Xác định mục tiêu rõ ràng sẽ khiến các bạn có động cơ học tập tốt hơn, có niềm tin và động lực để phấn đấu.

Mỗi người đều có một khả năng thông minh khác nhau.

Có thể bạn làm toán không giỏi, viết văn không hay, học bài không nhanh thuộc như các bạn. Bạn thường xuyên cảm thấy tự ti về điểm số, về cách nhìn nhận đánh giá của thầy cô, bạn bè. Điều này có nghĩa là bạn không có khả năng về ngôn ngữ và logic toán học nhưng bạn lại có khả năng khác mà mọi người chưa nhìn thấy. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Howard Gardner, nhà tâm lý học phát triển nổi tiếng người Mỹ, kiêm giáo sư đại học Harvard, trí thông minh của con người bao gồm 8 loại: thông minh ngôn ngữ, thông minh logic toán học, trí thông minh không gian, trí thông minh vận động cơ thể, trí thông minh âm nhạc, trí thông minh xã hội, trí thông minh nội tâm, trí thông minh khám phá tự nhiên. Quan trọng là bạn phải nhận ra điểm mạnh của mình, lựa chọn ngành phù hợp để phát triển bản thân và trở nên thành công hơn.

2. Các bước gợi ý để chọn được nghề phù hợp​


2.1. Thấu hiểu bản thân để lựa chọn hướng đi phù hợp.​


Điều đầu tiên và quan trọng nhất để bạn có định hướng tốt cho tương lai là phải thấu hiểu bản thân. Khi hiểu được đặc điểm tính cách và xác định được nhu cầu sống của chính mình, bạn sẽ tìm được những ngành nghề phù hợp.


* Trắc nghiệm tính cách để hiểu bản thân.


* Xác định nhu cầu sống của chính mình?



2.2. Lắng nghe từ sâu thẳm bên trong con người bạn để biết mình thật sự thích gì, mình đam mê điều gì?​


Xuất phát từ những điều bạn hay tò mò, bạn thích khám phá, những điều bạn muốn làm khi thật sự rảnh rỗi, bạn có thể mày mò làm cho đến quên mất thời gian, dù khó nhưng bạn vẫn không bỏ cuộc... không ai yêu cầu, không ai kiểm tra hay thúc ép chỉ đơn giản là vì bạn mê, bạn muốn làm. Hãy tạo ra những khoảng lặng mỗi ngày, khi điện thoại và máy tính ở xa tầm với, gạt bỏ hết những điều chi phối bên ngoài và nghĩ về chúng. Bạn hãy đối diện với chính mình, lắng nghe tiếng nói từ trái tim của bạn. Bạn sẽ theo đuổi nó? Như một nghề thực thụ hay chỉ theo đuổi nó như một sở thích riêng? Xác định lộ trình và những kĩ năng cần chuẩn bị để đương đầu thử thách. Đây là một vấn đề đòi hỏi bạn phải thật sự nghiêm túc chứ không đơn giản là mơ mộng viển vông. Do vậy bạn cần cho mình thời gian và suy nghĩ thật thấu đáo.

* Đam mê là gì?
* Đam mê có khiến ta hạnh phúc?
* Làm thế nào để nhận ra đam mê của chính mình?
* Bạn có quyết tâm theo đuổi đam mê? Bây giờ hay bao giờ? Bạn sẽ nuôi dưỡng đam mê như thế nào?


2.3. Tìm hiểu để lựa chọn ra những ngành nghề phù hợp nhất.​


Có rất nhiều nguồn để bạn tham khảo chẳng hạn từ sách, kênh youtube, trang web hướng nghiệp, từ những người có kinh nghiệm,...thậm chí nếu có điều kiện bạn nên tham gia trải nghiệm để chọn ra những ngành nghề hợp với tính cách, đam mê và mục đích sống mà bạn muốn theo đuổi. Lưu ý rằng một nghề có thể bao gồm nhiều chuyên môn, trong công việc chuyên môn lại có nhiều vị trí, trong đó có thể có những vị trí phù hợp hoặc không phù hợp với bạn.

  • Chọn và tìm hiểu nhóm ngành thuộc các lĩnh vực phù hợp với đam mê của bản thân (tham khảo các lĩnh vực đào tạo bên dưới)
  • Lọc ra danh sách các ngành phù hợp với đặc điểm tính cách và nhu cầu cá nhân hướng theo những giá trị mà bạn mong muốn theo đuổi trong cuộc đời mình (như đã xác định ở bước 1). Mỗi nghề đều có những đặc thù riêng, các vị trí khác nhau cũng có những yêu cầu khác nhau. Do đó, hơn ai hết bạn phải hiểu rõ nhu cầu của bản thân và chọn ngành học phù hợp nhất với những tiêu chí của riêng bạn. Bạn thích làm việc ở văn phòng hay thích ra ngoài khám phá? Bạn thích làm việc độc lập hay thích giao tiếp với nhiều người? Bạn thích tiếp xúc với con người hay thích kĩ thuật, máy móc? Bạn có thích tiếp xúc với thiên nhiên, yêu cây cối và muốn chăm sóc cho động vật? Bạn mê văn hóa, nghệ thuật hay thích nghiên cứu khoa học? Bạn mong muốn có môi trường làm việc thế nào? Yên tĩnh, năng động hay có điều kiện đặc biệt như những phi công hay nhà thám hiểm? Bạn thích tận hưởng cuộc sống, không thích làm ngoài giờ hay phải thức khuya. Bạn luôn đặt nặng tình cảm gia đình không thích những nghề phải làm việc xa nhà. Bạn thích làm việc với áp lực cao, muốn làm việc sáng tạo, hay làm những việc có cấu trúc sẵn, có thể lặp đi, lặp lại? Bạn là người hướng nội?...Ngoài ra bạn cần quan tâm đến đầu ra của ngành học: thu nhập, triển vọng nghề nghiệp trong tương lai,...
  • Tìm hiểu kĩ lưỡng về các ngành mà bạn cho là phù hợp nhất trên internet, sách (có gợi ý tài liệu tham khảo bên dưới), tham khảo ý kiến của những người làm năm, hình dung hết những khó khăn, thử thách trong nghề.
  • Trải nghiệm tham quan, làm thử,...(nếu có cơ hội)

2.4. Cân nhắc các điều kiện có liên quan để chọn trường phù hợp.​


Đó có thể là năng lực bản thân, điều kiện gia đình, nhu cầu thị trường lao động, những phẩm chất, kĩ năng cần thiết, cơ hội học tập, các cấp đào tạo, thời gian, phương thức đào tạo, học phí, khối thi, điểm chuẩn, cơ sở vật chất,... Tránh chọn trường chỉ vì danh tiếng mà quên đi những tiêu chí quan trọng khác.

3. Hệ thống đào tạo và các ngành nghề đào tạo:​

76655e_18c37fc4d5f844bfb86f1d3f080a11bb~mv2.webp


Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:​


  • Trường cao đẳng: Đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp
  • Trường trung cấp: Đào tạo các trình độ trung cấp và sơ cấp
  • Trung tâm giáo dục nghề nghiệp: Đào tạo các trình độ sơ cấp và dưới sơ cấp
Với các loại hình: Công lập (thuộc sở hữu của Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất), tư thục (do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất), nước ngoài (vốn đầu tư nước ngoài).


Có 2 hình thức đào tạo:​


  • Đào tạo chính quy: là hình thức đào tạo theo các khóa học tập trung, liên tục toàn bộ thời gian do cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp) thực hiện để đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng ...
  • Đào tạo thường xuyên: là hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa hoặc tự học có hướng dẫn đối với các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, được thực hiện linh hoạt về chương trình, thời gian, phương pháp,...

Các lĩnh vực đào tạo​


(theo Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)


  • Lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: gồm các nhóm ngành khoa học giáo dục như giáo dục học, quản lý giáo dục, đào tạo giáo viên,…
  • Lĩnh vực nghệ thuật: gồm các nhóm ngành mỹ thuật, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật nghe nhìn, mỹ thuật ứng dụng, …
  • Nhân văn: gồm các nhóm ngành về ngôn ngữ, văn học, văn hóa Việt Nam và nước ngoài
  • Khoa học xã hội và hành vi: gồm các nhóm ngành kinh tế học, khoa học chính trị, xã hội học và nhân học, tâm lý học, địa lý học, khu vực học, …
  • Báo chí và thông tin: gồm các nhóm ngành báo chí truyền thông, thông tin-thư viện, văn thư – lưu trữ - bảo tàng, xuất bản - phát hành, …
  • Kinh doanh và quản lí: gồm các nhóm ngành kinh doanh, tài chính –ngân hàng – bảo hiểm, kế toán – kiểm toán, quản trị - quản lý,…
  • Pháp luật: luật, dịch vụ pháp lý
  • Khoa học sự sống: sinh học, sinh học ứng dụng
  • Khoa học tự nhiên: khoa học trái đất, khoa học môi trường,…
  • Toán và thống kê
  • Máy tính và công nghệ thông tin
  • Công nghệ kĩ thuật cơ khí, điện, điện tử, viễn thông, in, trắc địa, công nghệ hóa học, công nghệ môi trường, công nghệ dầu khí và khai thác, …các
  • Kĩ thuật: kĩ thuật cơ khí và cơ kĩ thuật, kĩ thuật điện, điện tử, viễn thông ...
  • Sản xuất chế biến: chế biến lương thực, thực phẩm, sợi, vải, khai thác mỏ,…
  • Kiến trúc và xây dựng
  • Nông lâm nghiệp và thủy sản
  • Thú ý
  • Sức khỏe: y học, dược học, điều dưỡng, hộ sinh, dinh dưỡng, răng – hàm –mặt, kỹ thuật y học, quản lý y tế,…
  • Dịch vụ xã hội: công tác xã hội
  • Du lịch, khách sạn, thể thao, dịch vụ cá nhân: du lịch, khách sạn nhà hàng, kinh tế gia đình,...
  • Dịch vụ vận tải: khai thác vận tải,...
  • Môi trường và bảo vệ môi trường: Quản lý tài nguyên và môi trường, dịch vụ an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp,…
  • An ninh, Quốc phòng: an ninh và trật tự xã hội, Quân sự, …

4. Những tài liệu hay cần tham khảo:​


  • Sách Cẩm nang nghề nghiệp hiện đại, tác giả Yến Đỗ - NXB Lao động
  • Sách Chọn nghề theo tính cách - NXB Công Thương.
  • Sách Giá như tôi biết những điều này trước khi thi đại học - tác giả Đinh Tuấn Ân - NXB Phụ nữ.
  • Thông tư Ban hành danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng Số: 26/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động - Thương binh và xã hội.
  • Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học (Ban hành kèm theo Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Nguồn: thehappykey.wixsite.com
 
×
Quay lại
Top