Tranh cãi quanh đề xuất hạn chế giờ làm thêm của sinh viên

Kienyei

Thành viên
Tham gia
11/12/2023
Bài viết
71
Đề xuất hạn chế giờ làm thêm của sinh viên, chỉ được 20 giờ mỗi tuần vừa không có căn cứ, lại thiếu khả thi, còn vướng nhiều bất cập cũng như gây khó khăn cho nhà trường và sinh viên.

Báo Pháp Luật TP.HCM vừa có bài viết "Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi". Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật việc làm sửa đổi, trong đó lần đầu tiên đề xuất học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ một tuần trong kỳ nghỉ. Đồng thời, nhà trường phải có trách nhiệm quản lý việc này.

Thông tin này khiến bạn đọc tranh cãi "nảy lửa".

Liệu có cách quản lí giờ làm việc của sinh viên?
“Công việc làm thêm của em hiện tại là phục vụ tại khách sạn. Tại đây, khách sạn sẽ hỗ trợ sinh viên tụi em bằng việc chia các ca linh động để tụi em có thể lựa chọn và đăng ký ca làm rất dễ dàng. Lịch học của em thường sẽ cố định, do đó em có thể cân bằng được giữa đi làm thêm và học tập. Tuy nhiên, em là một sinh viên có nhà ở TP.HCM, nên sẽ có điều kiện thuận lợi hơn so với các bạn sinh viên đến từ các tỉnh, thành khác. Nếu như dự thảo Luật việc làm sửa đổi giới hạn giờ làm của sinh viên, một số bạn vừa học vừa làm sẽ không thể đủ chi phí để trang trải cuộc sống”, bạn đọc Minh Trí, sinh viên trường Đại học KHXH&NV- ĐHQG TP.HCM chia sẻ.

“Hiện nay mức lương trung bình theo giờ của sinh viên tại Việt Nam là 22.500 đồng/ giờ. Mặc dù vậy, cá nhân tôi thấy các em bị chủ dồn ép, giảm tiền lương rất nhiều. Có em đi làm phục vụ rất cực nhưng mức lương lại chỉ 15-18.000 đồng/ giờ, chưa đủ để các em trang trải cuộc sống. Nếu bây giờ đưa ra việc quản lý như vậy, các em sinh viên vừa học vừa làm sẽ như thế nào đây?”, bạn đọc Nguyên Trần thắc mắc.

“Đề xuất hạn chế giờ làm thêm của sinh viên là điều đương nhiên, như các nước phát triển khác thôi. Nhưng hơi sớm với Việt Nam, giới hạn giờ làm thêm 20 tiếng/tuần là quá ít cho sinh viên khó khăn thực sự. Nếu giới hạn giờ làm thêm thì làm sao sinh viên có thể làm việc ở nhà hàng, quán cà phê, bán hàng, ..... được? Giới hạn giờ làm việc của sinh viên là hoàn toàn đúng đắn nhưng không phải bây giờ. Theo tôi, chỉ nên khuyến khích sinh viên để sinh viên biết rằng trách nhiệm của mình là học tập và nghiên cứu chứ không phải là làm thêm. Nhiều sinh viên lo làm thêm mà bỏ bê việc học tập và nghiên cứu, dẫn đến hậu quả là sinh viên bị đuổi học. Vì vậy, giai đoạn này, các tổ chức đoàn thể như Đoàn trường, Hội sinh viên hay Trung tâm hỗ trợ sinh viên có thể vận động sinh viên sắp xếp làm thêm đúng 20 giờ/tuần, khoảng vài năm sau, khi chính sách tín dụng sinh viên được mở rộng, mới dần dần áp dụng việc bắt buộc sinh viên thực hiện theo quy định. Chứ hiện nay không nên quy định cứng nhắc về thời gian làm việc”, bạn đọc Bích Thái phân tích.

Bạn đọc Nguyễn Lâm gay gắt: “Nước ngoài chỉ cấm du học sinh làm thêm vượt 20 giờ/tuần. Còn Việt Nam đi trước nước ngoài để các em học sinh nghèo, cận nghèo bít cửa đi học vì học phí cao quá. Liệu các ông tham mưu có biết nỗi cơ cực của đời sinh viên phải đi làm thêm kiếm tiền đóng học phí, sinh hoạt trong lúc học, đặc biệt là sinh viên miền Tây, miền Trung. Còn việc cho vay tiền đi học thì hiện nay sinh viên cũng rất khó tiếp cận và cũng không đủ tiền đóng học phí hay sinh hoạt khi học, do đó vừa không được tiền vay có nguy cơ bị chủ tống tiền để lấy tiền lương thấp hơn...thì rất tội các em sinh viên có chí tiến thủ, muốn vừa học vừa làm để đổi đời”.

Đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề nan giải
“Nhà trường cần phải quan tâm hơn đối với các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế để thanh toán học phí. Tôi cũng có con đang là sinh viên của hệ Chất lượng cao, nhưng đã có thời điểm nhà tôi gặp khó khăn về kinh tế, phải làm giấy xin tạm hoãn học phí nhưng lại nhận được yêu cầu là phải có chứng nhận hộ nghèo. Nếu vậy chả nhẽ cứ mang danh là học Chất lượng cao là không gặp vấn đề về học phí hay sao. Tôi cũng nghe TP.HCM yêu cầu triển khai chính sách tín dụng cho sinh viên, chứ như hiện nay, chỉ SV thuộc hộ nghèo hay cận nghèo mới được vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội Vậy khi nào SV mới tiếp cận được tín dụng sinh viên?”, bạn đọc Cúc Nguyễn bức xúc.

“Tôi thấy ở các trường đại học cũng đã có một số quy định về việc sinh viên không được nghỉ quá 20% số buổi để giám sát cũng như đánh giá sinh viên có đủ điều kiện hoàn thành môn học đó hay không. Tuy nhiên, tôi thấy một thực trạng đa số các em sinh viên vẫn nghỉ học để đi làm, đi chơi,... cho thấy được dù đã có quy chế nhưng các em vẫn cứ nhởn nhơ và nghỉ học. Tôi mong các nhà trường hãy xem xét siết chặt quy định về buổi học để các em sinh viên có trách nhiệm hơn”, bạn đọc Võ Minh góp ý.

Ngược lại với hầu hết ý kiến chỉ trích, bạn đọc Quế Tiên- một sinh viên trường ĐH KHXH&NV- ĐHQG TP.HCM cho rằng: “Việc đi làm thêm có thể cung cấp cho sinh viên kinh nghiệm thực tế và thu nhập để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, cũng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học tập. Theo tôi, vấn đề hạn chế số giờ làm thêm tối đa 20 tiếng/tuần trong dự thảo sửa đổi Luật việc làm có thể coi là một biện pháp hợp lý để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của sinh viên, giúp sinh viên tập trung vào việc học tập và tránh bị quá tải về mặt công việc, đề cao việc cân bằng giữa công việc và học tập”.

Trong khi đó, bạn đọc Hoa Biển hiến kế: "Các trường ĐH nên hạn chế tuyển nhân viên phòng ban mà hãy mạnh dạn giao việc văn phòng cho sinh viên. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho các em vừa có việc làm thêm, tích lũy kinh nghiệm mà có cơ hội tìm kiếm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt".
Sinh viên có nên làm thêm hay làm bao nhiêu giờ thì phù hợp? Nhà trường có thể quản lý việc làm thêm của sinh viên? Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến xung quanh chủ đề "hạn chế giờ làm thêm của sinh viên". Bạn đọc có thể để lại ý kiến dưới phần bình luận hoặc gửi về hòm thư bandoc@phapluattp.vn

PLO cảm ơn bạn.

Nguồn tin: Báo Pháp Luật TP.HCM
 
×
Quay lại
Top