10 cú sốc lớn nhất trong lịch sử World Cup

kenzizi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2010
Bài viết
1.232
Lịch sử các vòng chung kết bóng đá thế giới đã ghi lại bao thời khắc vinh quang của những nhà vô địch, nhưng bên cạnh đó cũng đã chứng kiến không ít câu chuyện buồn của những ứng cử viên vô địch sáng giá nhất. Brazil với thảm họa Maracanazo (World Cup 1950)

Brazil đã xây sân bóng đá lớn nhất thế giới để làm chủ nhà vòng chung kết World Cup 1950, nhưng hy vọng mang về chiếc cúp vô địch thế giới đầu tiên trên thánh đường Maracana của họ đã tan thành mây khói. Chức vô địch đầy bất ngờ của Uruguay đã tạo cảm hứng cho một từ mới trong tiếng Tây Ban Nha, Maracanazo, ngày nay vẫn được dùng để chỉ thất bại của Brazil trong trận đấu đó.

Brazil-1966.jpg

Gigghia khiến cả nước Brazil ôm hận



Tây Ban Nha, Thụy Điển, Uruguay và chủ nhà Brazil là 4 đội lọt vào vòng bảng chung kết World Cup 1950. Họ sẽ đá vòng tròn một lượt, đội nhiều điểm nhất đoạt chức vô địch. Brazil có một khởi đầu tuyệt vời, đè bẹp Thụy Điển 7-1. Thêm chiến thắng vang dội 6-1 trước Tây Ban Nha giúp đội bóng áo vàng xanh chạm một tay đến chức vô địch, bởi họ chỉ cần hòa Uruguay trận cuối.

Sự tự tin của các khán giả chủ nhà cao tới mức trước trận đấu, tờ báo thể thao Gazeta Esportiva ở Sao Paulo giật tít: “Ngày mai chúng ta sẽ đánh bại Uruguay”. Thị trưởng của thành phố Rio còn tuyên bố Brazil vô địch thế giới thậm chí khi tiếng còi trận đấu chưa vang lên. Tương tự như vậy, không ai trong số 200 nghìn cổ động viên đến sân Maracana nghĩ rằng họ sẽ ra về trong tư thế kẻ thua cuộc.

Bàn thắng mở tỷ số ở phút 47 của Friaca cho Brazil càng làm giấc mơ ấy tiến gần hơn đến hiện thực. Nhưng đến phút 66 thì Gigghia vượt qua Bigode ở cánh phải và chuyền bóng cho Schiaffino ghi bàn san bằng tỷ số cho Uruguay. Và khi trận đấu chỉ còn 9 phút, Gigghia vượt qua Bigode một lần nữa trước khi hạ gục thủ thành Barbosa để đưa Uruguay đến đỉnh cao lần thứ hai, trong sự tuyệt vọng của cả nước Brazil.

Nhà vô địch Brazil chào thua tại vòng bảng (World Cup 1966)

Brazil đến World Cup 1966 với tư cách nhà vô địch hai lần liên tiếp trước đó. Sức mạnh của họ càng được khẳng định nhờ chiến thắng 2-0 trong trận mở màn trước Bulgaria. Tuy nhiên, đoàn quân xứ Samba vẫn phải ngậm ngùi xách hành lý về nước ngay từ vòng bảng. Ở lượt trận thứ 2 gặp Hungary, Pele không thi đấu vì chấn thương và hậu quả là đội bóng của ông thất thủ 1-3.

Ở lượt trận thứ 3 gặp Bồ Đào Nha, dù vết thương chưa lành hẳn, “Vua bóng đá” cố ra sân. Tại Goodison Park hôm đó, vị trọng tài người Anh đã đưa ra rất nhiều những quyết định khó hiểu chống lại các nhà ĐKVĐ để rồi họ cũng thua 1-3. Chỉ kiếm được 2 điểm sau 3 trận, Pele và các đồng đội trở thành đội vô địch đầu tiên bị loại ngay sau vòng bảng. Còn HLV Vicente Feola ngay lập tức mất chức.

Italia bị loại vì một nha sỹ châu Á (World Cup 1966)

Đội bóng áo thiên thanh dự World Cup 1966 với tham vọng giành chức vô địch bóng đá thế giới lần thứ 3. Sau chiến thắng Chile 2-0 và thua Liên Xô 0-1, Italy sẽ đấu trận quyết định với CHDCND Triều Tiên. Một nhiệm vụ được đánh giá là quá đơn giản đối với đội bóng của các ngôi sao như Giacinto Facchetti, Sandro Mazzola hay Gianni Rivera.

Pak-Do-Ik-1966.jpg
Kịch bản không tưởng, Italia thua CHDCND Triều Tiên

Tuy nhiên, “cơn địa chấn” đã xảy ra. CHDCND Triều Tiên xuất sắc phòng ngự, đồng thời ghi được bàn thắng duy nhất nhờ công Pak Do Ik - vốn là một nha sĩ chơi bóng nghiệp dư. Chính đội bóng Đông Á đã đoạt ngôi nhì bảng để vào tứ kết, còn Italia về nước sớm. Xấu hổ đến nỗi các thành viên của đội tuyển Italia phải bí mật hồi hương.

Scotland mạnh nhất thế kỷ đầu hàng (World Cup 1970)

Cuối thập niên 1960 và đầu 1970, bóng đá Scotland được cả châu Âu nể sợ nhờ thành tích đoạt Cup C1 của CLB Celtic (1967) và Cup C2 của Rangers (1972). Dựa trên bộ khung của hai CLB thành Glasgow, trong đó có những tài năng như Jimmy Johnstone hay John Greig, Scotland đặt mục tiêu chinh phục Cúp vàng thế giới. Chỉ có điều, họ đã không gặp may ở vòng loại World Cup, chịu xếp sau Tây Đức. Thất bại đáng chú ý nhất là thua 2-3 ở Hamburg.

Dàn sao của Liên Xô không vượt qua vòng loại (World Cup 1978)

Lúc đó, Liên Xô sở hữu một loạt cầu thủ tài năng của Dynamo Kiev, CLB đoạt Cup C2 năm 1975, trong đó có chủ nhân Quả bóng vàng châu Âu, Oleg Blokhin. Tuy nhiên, họ đã gây thất vọng với vị trí thứ hai tại bảng 9 vòng loại, sau Hungary. Thất bại đáng tiếc nhất là để Hy Lạp vượt qua với tỷ số 1-0 tại Thessaloniki.

Hà Lan chào thua dù có “bộ ba huyền thoại” (World Cup 1986)

Van-Basten-1986.jpg
"Cơn lốc da cam" xứng danh đội bóng “học tài, thi phận”

Đất nước của những chiếc cối xay gió sản sinh ra một thế hệ cầu thủ tài năng xuất chúng, tiêu biểu là Marco Van Basten, Frank Rijkaard, Ruud Gullit và Rob De Wit. Tuy nhiên, họ không gặp may trong trận tranh vé vớt với người hàng xóm Bỉ. Pha lập công muộn của Georges Grun trong trận lượt về giúp Bỉ thắng theo luật bàn thắng sân khách để giành luôn quyền tham dự vòng chung kết bóng đá thế giới.

Pháp đã “lỡ hẹn” với Cantona (World Cup 1994)

Sở hữu dàn sao, gồm Jean-Pierre Papin, David Ginola, Eric Cantona, Didier Deschamps và Marcel Desailly và Pháp chỉ cần giành 1 điểm trong hai trận cuối, đều diễn ra trên sân nhà, trước Israel và Bulgaria. Nhiệm vụ giản đơn đó có thể đã khiến thày trò HLV Gerard Houllier chủ quan, dẫn tới thất bại 2-3 và 1-2. Đáng ngạc nhiên, các bàn thắng quyết định đều được ghi ở những phút cuối.

Bồ Đào Nha không thể đến Pháp với “Thế hệ vàng” (World Cup 1998)

Với sự trưởng thành của dàn cầu thủ được gọi là "Thế hệ vàng", trong đó có Luis Figo, Rui Costa và Joao Pinto, Bồ Đào Nha có cơ hội lớn để bước lên bục cao nhất tại World Cup, vượt qua những gì mà hai cựu siêu sao Eusebio và Mario Coluna làm được năm 1966 khi giành huy chương đồng. Nhưng tài năng không phải là tất cả. Giống như hai kỳ World Cup 1990 và 1994, Bồ Đào Nha vẫn không giành nổi vé dự vòng chung kết tại Pháp. Ở vòng loại, họ chỉ xếp thứ ba, sau Đức và Ukraina.

Bo-Dao-Nha-1998.jpg
Luis Figo không thể tham dự France 98

Lập kỷ lục, Tây Ban Nha vẫn bị loại (World Cup 1998)

Đội bóng xứ bò tót là ứng cử viên vô địch nặng ký tại vòng chung kết bóng đá thế giới 1998, với các cầu thủ dựa trên bộ khung của Real Madrid (vô địch Champions League 1998) và Barcelona (vô địch Cup C2 năm 1997).

Kết quả bốc thăm đưa Tây Ban Nha nằm cùng bảng đấu khá dễ với các đội Nigeria, Paraguay và Bulgaria, vì thế được đánh giá đã cầm chắc một vé vào vòng đấu loại trực tiếp. Nhưng sai lầm ngớ ngẩn của thủ môn Zubizarreta đã khiến Tây Ban Nha thua Nigeria 2-3 trong trận ra quân.

Dưới sức ép tâm lý quá nặng, các học trò của HLV Clemente tiếp tục để Paraguay cầm hoà 0-0. Chính vì vậy, bất chấp kết quả thắng Bulgaria 6-1 là kỷ lục tại France 98, Tây Ban Nha vẫn bị loại khi Paraguay hạ Nigeria 3-1.

"Chú gà trống Gaulois" không ghi nổi bàn thắng danh dự (World Cup 2002)

7f3Phap-20002.jpg

Pháp đã phải về nước sớm ngay sau vòng bảng tại World Cup 2002 mà không ghi
nổi một bàn nào



Trong lịch sử, chỉ có Brazil năm 1966 và Pháp năm 2002 là hai nhà ĐKVĐ phải ra về ngay sau vòng bảng. Thậm chí đội tuyển áo lam còn không ghi nổi bàn thắng danh dự. Sau trận đầu thua Senegal 0-1, Pháp tiếp tục bị Uruguay cầm hòa 0-0, và cuối cùng là thua Đan Mạch 0-2. Đội vô địch World Cup 1998 có thể đổ lỗi cho việc vắng Zidane ở hai trận đầu vì chấn thương, nhưng rõ ràng sự trở lại của anh trong trận cuối cũng chẳng làm tình hình tiến triển hơn.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top