10 “tuyệt chiêu” của dân văn phòng

kenzizi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2010
Bài viết
1.232
Do công việc văn phòng thường đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng ban, dân công sở có những cách rất riêng để xúc tiến và đẩy nhanh công việc. Hãy tham khảo bài viết sau và xem liệu bạn đã bao giờ bị những tuyệt chiêu này điểm trúng? 1. Hứa thật nhiều…
Đây là thủ thuật giới văn phòng sử dụng khi muốn nhanh chóng có được thông tin mình cần.


Cách nói thường thấy: “Dĩ nhiên là em sẽ gửi báo cáo cho chị ngay vào ngày mai, thậm chí em tranh thủ làm hôm nay luôn cho chị cũng được mà. Em còn 3 cái báo cáo khác, nhưng dĩ nhiên là em ưu tiên cho chị trước.”
Câu nói này cho bạn cảm giác được ưu ái, tôn trọng, và khi đó bạn sẽ nhanh chóng làm đẹp lòng đồng nghiệp của mình bằng cách cung cấp thông tin mà người ấy cần ngay tức khắc.

2. Xoay chuyển… sự thật
Không hẳn là nói dối hay bịa đặt – đây chỉ là cách dân công sở dùng khi cần đưa luận điểm nhằm bảo vệ hoặc minh họa ý kiến của mình. Xoay chuyển hướng truyền đạt thông tin luôn là cách hiệu quả để có được sự tán thành của người khác.

Cách nói thường thấy: “Các nhân viên sẽ phản đối việc tái cơ cấu lại công ty. Chúng ta nên nhấn mạnh vào những phúc lợi mà nhân viên đạt được, nếu không, họ sẽ không tán đồng.”

3. Giả vờ quan tâm
Đây là chiêu thường dùng để kéo gần khoảng cách với đồng nghiệp hoặc cải thiện quan hệ với “đối thủ”.

Cách nói thường thấy: “Đây là mấy tấm hình chị chụp trong kỳ nghỉ vừa rồi ư? Ôi, cảnh sao mà đẹp, chị chụp hình ăn ảnh ghê, mấy nhóc nhà chị kháu thật.”
Ai mà chẳng vui khi có người quan tâm đến những điều mình nói? Thế là bạn nhanh chóng gỡ bỏ “hệ thống an ninh” và dễ dàng kết thân với người tiếp chuyện.

4. Cường điệu
Cường điệu hóa nguy cơ hay tính khẩn thiết là cách thúc giục người khác nhanh chóng tán thành hoặc thực thi những gì bạn yêu cầu, đề xuất.

Cách nói thường thấy: “Đây thật sự là 3 tháng có kết quả kinh doanh tệ nhất từ trước đến nay của công ty. Nếu chúng ta không cải thiện được doanh số, chúng ta sẽ mất việc ngay.”
Có lẽ sự việc không đến nỗi trầm trọng thế, nhưng hiệu suất nhân viên sẽ tăng lên đáng kể khi vấp phải áp lực.

5. Tỏ vẻ thông hiểu
Để làm dịu tình hình khi căng thẳng, dân công sở thường dùng chiêu “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.

Cách nói thường thấy: “Đừng quá lo lắng, tôi hiểu mà, cứ tập trung vào công việc của anh. Mọi thứ không tệ như chúng ta nghĩ đâu, mà dù có đi nữa, cũng sẽ qua thôi.”
Cho dù lúc đó bạn đang cảm thấy bức xúc bất kỳ chuyện gì, bạn cũng dễ nguôi ngoai và tiếp tục công việc của mình.

6. Chạm đến trái tim
Cách nói thường thấy: “Tôi biết là anh rất mệt mỏi trong khoảng thời gian này khi phải làm thêm giờ quá nhiều. Nhưng hãy nghĩ đến cảm giác đầy tự hào khi sản phẩm của mình được tung ra.”

Nghe những lời nói này, bạn hẳn là sẽ cảm động khi thành quả được người khác công nhận và lại tiếp tục “chiến đấu”.

7. Cố tình… quờ quạng
Có khi nào bạn bực mình khi hỏi một đằng mà đồng nghiệp trả lời một nẻo? Khoan hãy quy kết rằng họ làm việc chẳng ra sao. Có thể họ đang cố tình làm như thế để tránh tiết lộ ý tưởng hay những thông tin tuyệt mật nào đó.


8. Quen VIP
Cách nói thường thấy: “Tôi biết nhóm anh đã làm rất tốt dự án lần này. Tuần sau tôi có cuộc hẹn với ông XYZ và ban giám đốc, tôi sẽ đề cập đến thành tích lần này.”

Bạn đã làm rất lâu rồi nhưng vẫn chưa có dịp được thể hiện với sếp lớn. Với cách nói này, bạn lập tức bị ấn tượng ngay bởi mối quan hệ rộng rãi của người đồng nghiệp.

9. Chỉ trích
Đây là chiêu thường thấy của dân công sở khi muốn nâng mình, hạ người.

Cách nói thường thấy: “Anh hứa sẽ giao hàng cho khách trong 3 ngày nhưng giờ đây 1 tuần khách mới nhận được. Anh được việc nhỉ?”
Bình thường thì chị trưởng phòng không đến nỗi gay gắt với bạn thế. Nhưng kỳ này có sếp lớn đến “thị sát dân tình” nên bạn đành làm tốt thí mạng.

10. Nịnh nọt
Bạn đã từng sướng rơn khi đồng nghiệp khen ngợi mấy lời. Nếu để ý, bạn sẽ thấy tiếp theo sau những lời hoa mỹ ấy là một yêu cầu cũng “ngọt ngào” không kém.

Cách nói thường thấy: “Kỹ năng viết của chị là giỏi nhất ở đây còn gì. Mọi việc qua tay chị đều tốt cả. Thế nên, thông cáo báo chí lần này chị giúp em đảm nhận nhé.”

Khó có thể nói những “chiêu” này là tốt hay xấu, nhưng rất đặc chất công sở. Nếu bạn đừng lạm dụng, chúng sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để xúc tiến công việc khi cần thiết.

Hoàng Vy Ân
Theo Career
 
×
Quay lại
Top