6 kinh nghiệm xương máu cho người sắp đi làm

Linh Nhi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2015
Bài viết
1.309
tai-xuong-7-.jpg

Thực tiễn cho thấy, sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều bạn trẻ vẫn còn khá bỡ ngỡ khi bắt đầu làm việc trong môi trường công sở. Họ gặp khó khăn khi cần xác định các mục tiêu của bản thân, trong quá trình hòa nhập với văn hóa của công ty và chất lượng công việc thường bị chi phối quá nhiều bởi cảm xúc chủ quan. Để giúp các bạn tân cử nhân chuẩn bị tốt hơn cho quá trình làm việc trong tương lai, Việt CV xin chia sẻ một số bài học thiết thực đã được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn của doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Doanh Chủ.


1.Định hướng cuộc đời

Ngay trong khoảng thời gian vẫn còn ngồi trên giảng đường đại học, bạn cần suy nghĩ nghiêm túc về các mục tiêu của cuộc đời mình và xác định những phương hướng cụ thể để hoàn thành từng mục tiêu ấy. Sau khi tốt nghiệp đại học là thời điểm quan trọng để bạn hiện thực hóa những dự định còn dang dở chứ chẳng phải thời gian nhàn rỗi để bạn phí hoài cho việc rải hồ sơ xin việc ở khắp mọi nơi. Thay vì bị động van xin lòng thương của những nhà tuyển dụng, tại sao bạn không chủ động định hướng và điều khiển cuộc đời mình? Bên cạnh đó, bạn cần nhớ rằng các mục tiêu mà bạn đặt ra cũng chỉ mang tương đối và cần được linh hoạt thay đổi để phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.



2.Kỹ năng ngoại ngữ (tiếng Anh) và tin học
Xu thế hội nhập của nền kinh tế Việt Nam đã chứng minh Tiếng Anh là “chiếc chìa khóa vàng” để mỗi cá nhân tiếp cận với thế giới. Trong quá trình tích lũy các kỹ năng chuyên môn, hãy cố gắng rèn luyện khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh để tối ưu hóa tiềm lực của bản thân. Ngoài ra, bạn cũng cần dành thời gian hợp lý để học tập các kiến thức tin học vì chúng sẽ giúp bạn hòa nhập tốt hơn trong “một kỷ nguyên công nghệ số” như ngày nay.



3.Hãy làm tốt những công việc tầm thường nhất
1323404434-nha-tuyen-dung-1.jpg

Thực tiễn đã cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là do nhiều tân cử nhân quá ảo tưởng về sức mạnh của bằng cấp. Sau khi tốt nghiệp với mảnh bằng loại giỏi và được nhận vào các công ty, nhiều sinh viên mới ra trường đã quyết định nghỉ việc chỉ sau một khoảng thời gian ngắn chỉ vì cảm thấy các nhiệm vụ được giao không xứng đáng với thành tích học tập mà họ sở hữu. Kết quả là có ngày càng nhiều sinh viên giỏi đã không thể tìm được công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Dựa trên kinh nghiệp thực tiễn của bản thân anh Nguyễn Tuấn Quỳnh cũng đã giải đáp về vấn đề này như sau: “13 năm trước, tôi tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc và được nhận vào làm ở một công ty dầu khí lớn. Tôi có những dự định to tát, nhưng những công việc đầu tiên tôi được giao là photocopy tài liệu, đánh máy văn bản, giao nhận hồ sơ, dịch tài liệu… Thật sự đó là những công việc rất nhàm chán. Tuy vậy, tôi đã rất vui vẻ và tập trung để làm tốt. Chính những công việc “nhỏ nhoi” này đã giúp tôi rất nhiều sau này, trong những hoàn cảnh đặc biệt, tôi có thể “độc lập tác chiến” từ photocopy, fax tài liệu đến phiên dịch. Ngoài ra, các nhân viên của tôi cũng kính nể sếp hơn khi thấy sếp có thể làm tốt cả những công việc tầm thường?”.

Bằng tốt nghiệp đại học chỉ là “mảnh giấy thông hành” cho bạn “bước chân” vào các công ty. Nó chỉ thể hiện khả năng học tập của một sinh viên trên giảng đường đại học nhưng không thể chứng minh cho năng lực làm việc của một nhân viên trong môi trường công sở. Hãy bắt đầu tích lũy kinh nghiệm từ những công việc nhỏ nhất và đừng để cảm giác tự ái nhất thời của bản thân phá hoại sự nghiệp của cả cuộc đời bạn.



4.Xây dựng và phát triển các mối quan hệ
Xây dựng được mối quan hệ tốt với các bạn đồng nghiệp sẽ làm cuộc sống thêm phong phú và là cơ hội tốt để bạn học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn. Hãy chủ động, tích cực tham gia các câu lạc bộ, hội, nhóm ngành nghề, hoạt động cộng đồng.



5. Phấn đấu trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình
Chắc chắn trong cuộc đời bạn sẽ làm nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, cho dù làm việc gì, phải luôn phấn đấu trở thành người giỏi nhất. Có thể trên thực tế bạn không đạt được danh hiệu người giỏi nhất nhưng hãy tin với những cố gắng, nỗ lực của bản thân, bạn sẽ được đồng nghiệp, lãnh đạo hoặc cộng đồng nhìn nhận. Vì cuộc sống vốn công bằng nên hãy chủ động tìm kiếm những cơ hội bằng chính sự nỗ lực của bản thân.



6. Sống cân bằng
Ngày nay, các bạn trẻ thường cảm thấy căng thẳng khi phải đối mặt với quá nhiều áp lực của cuộc sống. Họ chạy đua với thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ được giao mà bỏ quên nhu cầu nghỉ ngơi và giải trí của bản thân. Theo anh Nguyễn Tuấn Quỳnh “các bạn trẻ nên có những thú vui riêng để có thể cân bằng cuộc sống và giữ cho tâm trí luôn sáng suốt, vui vẻ. Tập chơi một môn thể thao hoặc làm quen với thú sưu tập, đi du lịch, câu cá, đọc sách… sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng, xua đuổi mệt mỏi”.
 
×
Quay lại
Top