6 sai lầm của du khách khi đi chơi Tết

Katherin

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
30/1/2015
Bài viết
257
Bên cạnh những du khách thông thái, nhiều người vẫn thường gặp các vấn đề phổ biến trên đường du lịch như khởi hành đúng vào ngày khai hội hay mang theo quá nhiều tiền mặt.Dưới đây là những sai lầm khi đi chơi Tết mà hầu như năm nào cũng có du khách gặp phải.

Đi ngẫu hứng


Nhiều người không lên kế hoạch cụ thể nào cho ngày Tết mà thường lên đường rất tùy hứng. Kết quả là rước bực bội vào người vì bị ép giá khi mua vé, đặt phòng. Thậm chí, chuyến đi còn dở dang vì cháy vé, cháy phòng. Do đó, bạn đừng để nước đến chân mới chạy mà hãy tham khảo các thông tin trước khi xuất phát và lên kế hoạch chi tiêu, lịch trình, điểm đến, ăn uống. Điều này giúp bạn không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn cả tiền bạc và sức khỏe.

Đi vào đúng ngày khai hội

sai-lam-khi-di-choi-tet.jpg

Hàng nghìn du khách chen chân xem Hội Phết Hiền Quân ở Tam Nông, Phú Thọ. Ảnh: Lê Bích.

Tham gia các lễ hội cũng như chiêm bái chùa chiền là điều không thể thiếu trong dịp đầu năm. Tùy từng nơi mà phần hội ở các làng, chùa sẽ khai mạc vào một ngày khác nhau nhưng thường rơi vào tháng Giêng Âm lịch. Những ngày này thường thu hút rất đông người dân sống xung quanh cũng như du khách khắp nơi về trẩy hội.

Để tránh tình trạng ắc tắc, bạn nên chọn đi vào một ngày khác bớt đông hơn. Nếu có thể, bạn nên đi vào ngày thường, tránh thứ 7, Chủ nhật vì những ngày này đông không kém hôm khai hội.

Đổi tiền lẻ để đi chùa


sai-lam-khi-di-choi-tet-2.jpg

Bộ Văn hóa ra công văn chấn chỉnh việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, lễ hội. Ảnh: Tuấn Tuấn

Thói quen đi chùa của nhiều người là mang theo thật nhiều tiền lẻ để đặt lễ ở các ban thờ. Trong trường hợp thiếu hoặc quên thì các dịch vụ đổi tiền lẻ ở cổng chùa lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ. Tuy nhiên, việc rải tiền lẻ la liệt khắp các ban, bệ, thậm chí nhét cả vào những bức tượng làm xấu hình ảnh đi lễ ở các đền chùa.

Hơn nữa, việc đổi tiền lẻ lại gây lãng phí bởi bạn sẽ phải chịu thiệt một khoản không nhỏ (khoảng 10-20%) trong tổng số tiền muốn đổi. Lời khuyên là hãy đặt lễ bằng số tiền lẻ mà mình có, bằng không có thể để ở các bàn công đức.

Không mang theo đồ ăn


Nhiều người cho rằng du xuân chơi Tết sẽ tiện đâu ăn đó. Nhưng trên thực tế, thời gian này, hầu hết nhà hàng đều đóng cửa trong khi quán ăn mở gần các điểm du xuân lại không ngon và kém vệ sinh. Để tránh việc bị đói hoặc chẳng may đau bụng, bạn nên chuẩn bị một lượng đồ ăn đơn giản mang theo như bánh chưng, xôi, giò... Nếu có thể, hãy tham khảo người quen và tìm qua mạng những quán ăn ngon vẫn mở ngày Tết.

sai-lam-khi-di-choi-tet-3.jpg

Những món ăn có thể để lâu trong ngày Tết nên được tận dụng mang theo ăn trên đường. Ảnh: Tiết Liêu

Mang theo nhiều tiền mặt


So với các khoản thông thường cần chuẩn bị cho một chuyến đi, bạn sẽ cần phải mang theo nhiều hơn để lì xì khi gặp người thân, quen. Tuy nhiên, không nên vì thế mà mang quá nhiều tiền mặt bởi Tết cũng là lúc các nguy cơ cướp giật, mất cắp, móc túi xảy ra nhiều nhất. Hãy tính toán để cầm một khoản tiền mặt vừa đủ, cất ở nhiều nơi, số dự phòng còn lại nên để trong tài khoản bởi Tết không có nghĩa là các cây ATM cũng nghỉ.

Đi chơi cả kỳ nghỉ Tết


Kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài 9 ngày nên không ít người tranh thủ thời gian để đi du lịch xa như Tây Bắc, các tỉnh miền Tây hay nước ngoài. Đây có thể là cơ hội để mọi người trút bỏ những lo lắng, mệt mỏi suốt trong năm.

Tuy nhiên, nếu tận dụng cả 9 ngày để lang thang đây đó thì rất có thể bạn sẽ khó bắt nhịp công việc sau khi đi làm lại, thậm chí lại càng mệt mỏi hơn. Do đó, hãy biết sắp xếp thời gian, ăn chơi, ngủ nghỉ sao cho hợp lý. Tốt nhất, dù lên đường du lịch hay chỉ đi chúc Tết, bạn cũng nên dành 1-2 ngày cuối cùng để nghỉ ngơi và lấy lại sức.

Vnexpress/Báo Du lịch
 
×
Quay lại
Top