Âm nhạc, tình yêu và dục vọng trong 'The Piano'

hoaqn

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/2/2012
Bài viết
238
"Dương cầm" là một bản hòa âm hoàn hảo của tình yêu, chứa đựng sự hấp dẫn mãnh liệt và những dư vị bâng khuâng để lại cho người xem.

Lấy mốc thời gian vào giữa thế kỷ 19, phim xoay quanh Ada (Holly Hunter thủ vai) - một người đàn bà góa chồng và bị câm - chuyển đến New Zealand để bắt đầu cuộc hôn nhân sắp đặt với một địa chủ trong vùng. Ada mang theo cô gái nhỏ Flora (Anna Paquin thủ vai) cùng cây đàn dương cầm mà cô vô cùng yêu quý. Hành trình đến ngôi làng của người chồng mới rất vất vả nên cuối cùng, người chồng đã quyết định bỏ lại chiếc đàn của cô mà cô hết sức trân trọng bên bờ biển. Đau khổ và tuyệt vọng, cùng nỗi cô đơn nơi đất khách, không ít lần Ada muốn tìm cách ra bãi biển để mang cây đàn về.

piano.jpg
Ada và con gái trong phim.​

Tình cờ cô gặp được Baines (Harvey Keitel thủ vai), một người đàn ông nghèo cùng làng. Baines thấy được nỗi khát khao và sự cô đơn trong Ada. Anh đã tìm cách mang cây đàn dương cầm về nhà mình và tìm cách tiếp cận cô. Một tình cảm mới bắt đầu nảy sinh giữa Ada và Baines. Chồng của Ada biết được và ông vạch ra một kế hoạch để hành hạ Ada, cách ly cô khỏi tình yêu với Baines và cây đàn dương cầm. Nhưng cuối cùng, Baines cũng vượt qua mọi trở ngại để đưa hai mẹ con Ada trở về đất liền...

Xem The Piano, người xem bị ấn tượng và thu hút mạnh bởi tính cách của nhân vật chính. Cả cuộc đời cô tính đến lúc đó luôn gắn liền với hai chữ: Tình yêu.

Đầu tiên, đó là tình yêu giữa Ada và cây dương cầm. Ada bị câm, vì thế tiếng nói của cô được thoát ra qua những nốt nhạc, những giai điệu và cây dương cầm chính là phương tiện để cô giao tiếp với thế với bên ngoài, để gửi vào đấy những cảm xúc, những suy nghĩ. Trong chuyến đi ấy, hai mẹ con Ada đã cố gắng mang theo cây đàn piano yêu quý nhưng đến vùng đất của người chồng mới thì anh ta đã bỏ lại cây đàn ngay ở bờ biển. Ngay sau đó, hai mẹ con đã quyết định ngủ lại bên bờ biển bên cạnh cây đàn, nhưng sáng hôm sau, họ vẫn phải trở về nhà mà không có nó.

flora_072.jpg

Hai mẹ con thả hồn bên cây đàn piano.

Hình ảnh Ada đứng trên núi nhìn xuống, cây đàn piano chỉ là một chấm nhỏ xíu ở xa, đã lột tả phần nào tình yêu của cô đối với cây đàn. Ada hằng ngày đứng bên cửa sổ, tưởng tượng về hình ảnh cây đàn yêu quý của mình. Khi người chồng thông báo rằng anh ta sẽ đem cây đàn đổi lấy mảnh đất, Ada đã phẫn uất, cô không thể nói được nên mọi trạng thái cảm xúc cô đều bộc lộ ra hành động: cô giật quần áo, khăn vải trên dây xuống, cô đập bàn, cô ghi một một giấy “it’s mine, just mine” và gạch chân chữ “mine” như để nhấn mạnh quả quyết và triệt để sự sở hữu và tình yêu của cô với cây đàn. Sau đó, cô và con gái Flora đã đi tìm Baines để nhờ anh giúp và ngồi lỳ ở ngoài nhà cho đến khi anh ta đồng ý đưa hai mẹ con ra bãi biển để nhìn ngắm cây đàn.

Trường đoạn ở ngoài bãi biển được thể hiện rất sâu sắc và đầy tính nhạc. Người xem có thể nhìn ngắm được nụ cười của Ada khi cô đánh đàn, đúng là chỉ khi được ngồi bên cây đàn piano, được “nhảy múa” những ngón tay trên từng phím đàn và chơi những bản nhạc hay, Ada mới được là chính mình. Cô thoải mái thả hồn vào từng giai điệu, cô cười, cô vui sướng. Dường như, khoảnh khắc đó chỉ còn lại Ada, cây đàn và trời đất. Cùng đồng điệu và hòa hợp với cảm xúc của Ada là con gái Flora của cô.

Ngoài cây đàn, Flora cũng là “thông dịch viên” của mẹ, là cầu nối để Ada đến với cuộc sống giao tiếp bên ngoài. Trong lúc mẹ đàn, cô bé vô tư, hồn nhiên chạy nhảy trên bãi biển và thi thoảng cất tiếng hát, tiếng gọi “mẹ, mẹ ơi, xem con này”, đầy phóng khoáng và tự do. Còn Baines, ban đầu thấy khó chịu với hai mẹ con, nhưng khi chứng kiến cảnh hai mẹ con vui đùa bên cây đàn và thấy được tình cảm của Ada, anh ta dần dần hiểu được nỗi lòng và cảm xúc của cô. Baines chỉ im lặng, đi lại xung quanh cô, đôi lúc vẽ nguệch ngoạc gì đó xuống cát…

1267953136.jpg
Holly Hunter và Anna Paquin đều đoạt Oscar nhờ vai diễn trong bộ phim này.​

Đến lúc này, bộ phim bắt đầu đi theo hướng khác, không đơn thuần là tình yêu giữa Ada với cây dương cầm nữa, mà đã có thêm tình yêu nam nữ. Kể từ giây phút đưa hai mẹ con Ada ra bãi biển và cảm nhận nỗi lòng của cô, tình cảm trong Baines đã bắt đầu được nhen nhúm. Vì muốn hiểu cô hơn, muốn gần gũi và đồng điệu với tâm hồn của cô hơn, nên Baines đã tìm cách đưa cây đàn về nhà mình và nhờ Ada dạy anh chơi đàn. Thực chất, dù biết chơi đàn hay không với Baines không quan trọng, cái anh cần chỉ là được nhìn thấy Ada, “đem” cô về không gian riêng của mình, được lắng nghe tiếng đàn của cô, nhìn thấy cô cười hạnh phúc và được “chạm” vào nỗi lòng cô qua những khúc nhạc. Dần dần, trái tim lạnh lùng của người đàn ông đã bị chinh phục bởi tiếng đàn ấy. Và với Baines, tình cảm đó đã không dừng lại ở “nhìn”, mà anh còn muốn “sờ”, muốn cảm nhận trực tiếp d.a thịt của Ada.

Baines đã đưa ra một thỏa thuận với Ada, rằng cô sẽ được mua lại cây đàn nếu thực hiện mọi điều Baines nói, và anh sẽ bán dần từng phím đàn cho đến khi cô có thể mua lại toàn bộ nó, bù lại cô sẽ phải cởi áo, vén váy… còn anh sẽ được nhìn ngắm cô. Phải nói rằng, trường đoạn này mang đậm “tính dục” nhất trong phim, không trần trụi, phô trương mà ngược lại vô cùng kín đáo và tinh tế. Hình ảnh Baines chui xuống gầm cây đàn, nằm dưới chân cô, nhìn lên, rồi đưa tay vân vê xung quanh một lỗ rách nhỏ trên đôi tất của Ada - nơi hé lộ ra một phần nhỏ làn da trắng muốt của cô, người xem cảm nhận được rõ tình yêu và lòng h.am m.uốn của Baines, và hơn hết, đó là tình yêu nồng cháy anh dành cho cô. Tình yêu đó ngày một lớn lên, cùng những đụng chạm và gần gũi giữa hai người. Cây đàn piano đã trở thành nhân vật thứ ba trong câu chuyện tình yêu. Từng phím đàn, tiếng đàn là vật kết nối tình yêu khiến nó bùng lên và cháy mãnh liệt.

Chính bằng sự đồng cảm và tình yêu chân thành, Baines đã khuấy động tâm hồn vốn câm lặng của Ada. Không nói được thành lời, Ada đã đàn, tiếng đàn như tiếng nói của Ada, là tiếng lòng của trái tim cô. Khi phải đối diện với người chồng lạnh lùng và hung hãn, tình yêu trong Ada mới thực sự trỗi dậy. Lại một lần nữa, chúng ta được chứng kiến tính cách mạnh mẽ của Ada khi cô tìm mọi cách đến với Baines, lao vào vòng tay của anh và được anh ủ ấm, khi cô mộng mị và mơ nghĩ đến anh trong những ngày bị giam h.ãm tại nhà, khi cô gửi lời yêu thương của mình đến Baines qua một phím đàn bất chấp sự nguy hiểm nếu bị phát hiện… Người đàn bà ấy cũng đã câm lặng hoàn toàn khi bị chồng chặt đứt ngón tay, cô không rên la, không gào thét, với khuôn mặt vô hồn tưởng như cảm xúc đã chết, Ada chỉ ôm ngón tay đang chảy máu ròng ròng ngồi bệt xuống giữa đống bùn lầy, đẫm mình trong mưa. Phải chăng lúc đó, tình yêu đối với cây đàn piano đã tự động trở thành bức nền cho tình yêu của Ada và Baines, nỗi đau thể xác đối với cô lúc đó dường như không có ý nghĩa nữa.

Trong lễ trao giải Oscar năm 1993, The Piano - bộ phim của Jane Campion, một trong số ít những nữ đạo diễn gặt hái thành công, nhận nhiều đề cử và đoạt Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc (Holly Hunter), Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Anna Paquin) và Kịch bản gốc hay nhất. Ngoài ra, phim còn đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 1993.

* Thông tin phim:

The Piano (Dương cầm)

- Năm sản xuất: 1993
- Đạo diễn và Biên kịch: Jane Campion
- Hãng sản xuất: Ciby 2000 (Pháp)
- Thể loại: Tâm lý/ Tình cảm
- Diễn viên: Holly Hunter, Anna Paquin, Sam Neil, Harvey Keitel
- Kinh phí sản xuất: 7 triệu USD
- Doanh thu: 40,1 triệu USD
- Phim từng giành 54 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ trên thế giới, trong đó có 3 giải Oscar năm 1994 và giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 1993.
 
×
Quay lại
Top