"Bạo lực" học đường đối với học sinh là...

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
"Bạo lực học đường" - một vấn đề không bao giờ cũ và nhất là trong những năm gần đây. Hãy cùng những “nhân vật chính” tìm hiểu thêm về định nghĩa đó nhé.

"Bạo lực học đường" là đánh nhau, quay clip phát tán lên mạng


Nói đến bạo lực học đường chúng ta nghĩ ngay đến chuyện học sinh đấm đá, đánh nhau trong trường. Và đây cũng là cách nghĩ phổ biến nhất của không chỉ người lớn mà còn của tất cả những bạn tuổi teen.


bao-luc-hoc-duong-doi-voi-hoc-sinh-la-736711-4917.jpg


Hoàng (17t) nói: “Theo tớ, bạo lực học đường chính là việc các bạn đánh đấm nhau. Nhiều bạn cùng xông vào đánh một bạn khác, văng tục, chửi thề. Xé quần áo, trấn lột, quay clip tung lên mạng.”

Tương tự ý kiến của Hoàng, Thu (16 tuổi) cho hay: “Đó là việc sử dụng bạo lực để gây ra tổn thương cho người khác về thể xác hay tinh thần. Chúng ta thường quan niệm bạo lực chỉ xảy ra ở những học sinh, nhưng theo mình việc này có thể xảy ra ngay cả với giáo viên chứ không riêng gì học sinh.”

"Bạo lực học đường" không chỉ là dùng tay chân mà còn là áp lực điểm số, thi cử

Áp lực điểm số thi cử từ lâu đã làm cho học sinh không còn hứng khởi với việc đến trường. Và cái câu “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” dường như quá xa xỉ với học sinh bây giờ. Không chỉ các bậc phụ huynh mới chú ý đến chuyện thành tích của con cái, mà ngay chính cả những người làm giáo dục cũng đã và đang “mắc” phải căn bệnh này.

bao-luc-hoc-duong-doi-voi-hoc-sinh-la-736711-9450.jpg

“Việc học nhồi nhét, chỉ đọc và chép cũng là một cách "bạo lực" học đường. Bởi nó làm thui chột khả năng sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, áp lực thi cử, điểm số từ phía cha mẹ, thầy cô khiến cho chúng mình có cảm giác rất rất nặng nề. Rất nhiều bạn trong lớp mình có chung tâm trạng, không biết học vì cái gì? Nhiều khi đến lớp chỉ vì điểm số, không còn cảm giác vui sướng khi giải được một bài toán khó nữa. Học tập chỉ là đau khổ. Ai cũng mong nhanh chóng không phải học nữa
.”- L. Thu (17 t) cho hay.

Bên cạnh đó là tâm lí sợ bố mẹ mắng, sợ bị bố mẹ đem ra so sánh với bạn này bạn kia, sợ làm thầy cô thất vọng. “Và với các em áp lực từ nhà trường, từ gia đình cũng là bạo lực. Chính xác hơn nó là bạo lực tinh thần với các em. Điều này còn khủng khiếp và khổ sở hơn bạo lực về thể xác.”- H. Anh (học sinh lớp 12 trên địa bàn Hà Nội) suy nghĩ.

"Bạo lực học đường" là khối lượng kiến thức quá tải

11 môn học, trung bình mỗi buổi các bạn phải học từ 4-5 môn. Đồng nghĩa với việc về nhà học sinh phải xem lại bài của 4-5 môn này, cộng thêm soạn bài trước, học bài cũ của 4-5 môn của ngày mai. Vậy tổng cộng là học sinh ít nhất một ngày cũng phải học tới gần chục môn. Chưa kể là làm thêm bài tập của giáo viên giao thêm, bài tập ở lớp học thêm, bài tập nâng cao, bài tập bổ sung… Chính những điều này làm cho học sinh không còn thời gian để nghỉ ngơi, giải trí, hay tham gia các hoạt động tập thể, xã hội. Học sinh trở thành những “chú gà công nghiệp” suốt ngày lao đầu vào học.

Nếu không làm bài tập đầy đủ sẽ bị thầy cô bắt chép phạt, ghi tên vào sổ đầu bài, cho điểm kém, bắt viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh… vô tình làm cho học sinh cảm giác thầy cô ngày càng xa cách. Nhất là với những em học sinh tiểu học thì thầy cô là những người thật “ghê gớm”.

Em trai mình đang học tiểu học, sợ cô giáo còn hơn là cả bố mẹ. Có những hôm em đi học bán trú ở trường 4h30 ở trường về là ngồi ngay vào bàn học, ăn cơm cũng vội vàng, thế mà tới 11h đêm vẫn chưa làm xong bài tập. Bố mẹ từ nhẹ nhàng cho tới dọa nạt bắt em đi ngủ nhưng nó vẫn một mực “phải làm cho xong nếu không mai sẽ bị cô phạt” - K. Trinh nói.

"Bạo lực học đường" - trang thiết bị yếu kém, cơ sở vật chất thiếu thốn

Cách đây vài tháng, trên mạng có xuất hiện một bài nói về hiện tượng bạo lực học đường. Và một bạn đã nêu lên ý kiến của mình “bạo lực học đường không chỉ là đánh nhau, là quay clip” mà nó còn là sự thiếu kém về cơ sở vật chất. Mà cụ thể ở đây là thực trạng không đủ ánh sáng, quạt không đủ mát cho học sinh, chỗ ngồi thiếu. Và bài văn gây ra nhiều tranh cãi trái chiều, trong đó có không ít ý kiến của các bạn học sinh đồng tình với quan điểm này.

bao-luc-hoc-duong-doi-voi-hoc-sinh-la-736711-3621.jpg

“Ở nước ngoài, mỗi học sinh một bàn. Kích cỡ bàn ghế ngồi cũng rất thoải mái, phù hợp với chiều cao của các bạn. Hệ thống ánh sáng thì khỏi phải bàn. Còn ở nước mình, bàn ghế cái cao cái thấp, có khi bàn thì thấp mà ghế lại cao. Ngồi muốn “gãy cả lưng.” Gọi là bảng chống lóa nhưng những bạn ngồi ở đầu bàn ngoài vẫn không thể thấy gì vì quá lóa. Muốn không lóa thì phải tắt điện, đóng cửa. Mà như thế thì lại không đủ ánh sáng viết và đọc sách. Và thế là thêm một bệnh nữa là cận thị ngày càng tăng. Một bàn với 4 học sinh cấp 3, thậm chí những bàn phía cuối lớp còn có tới 5 bạn. Chỗ ngồi còn không đủ chứ nói gì đến việc viết lách, để sách trên bàn. Để tiết kiệm diện tích, bọn mình thường phải hai người coi chung một cuốn sách.”- Trung (16t) giãi bày.

Bên cạnh những thứ trong phòng học thì WC cũng là một nỗi ám ảnh vô cùng lớn của học sinh. Có những bạn từ bé tới giờ chưa “dám” vào WC của nhà trường một lần nào, bởi nó quá bẩn. Dù có muốn giải quyết nhu cầu cũng phải cố nhịn.

Lại thêm những cách nhìn nhận khác nữa của học sinh về "bạo lực học đường" đáng để các nhà làm giáo dục lưu tâm.
Theo Kenh14
 
Nhờ WC của trường học ở Việt Nam mà thế hệ thanh thiếu niên bị tăng nguy cơ suy thận, sỏi thận, sỏi niệu đạo, bàng quang =.="
 
×
Quay lại
Top