Bi hài chuyện sinh viên thực tập tốt nghiệp

h.dung_15

Em luôn trong tâm trí anh
Thành viên thân thiết
Tham gia
13/1/2011
Bài viết
359
Hiện nay hàng vạn sinh viên năm cuối ở các trường đại học đang vào mùa thực tập tốt nghiệp, một học phần bắt buộc để sinh viên lấy được tấm bằng tốt nghiệp Đại học. So với 4 năm ngồi giảng đường, 3 tháng trải nghiệm thực tế không thấm vào đâu nhưng rất nhiều sinh viên đã bị “hành” và gặp nhiều chuyện trắc trở ở đoạn đường cuối cùng của thời sinh viên.
Đem con bỏ chợ

Mới đây, nhóm sinh viên ngành Việt Nam học và ngành ngoại ngữ của một trường đại học ngoài công lập tại quận 10 TPHCM được giới thiệu đến trung tâm bảo tồn di sản – di tích tại miền Trung để thực tập. Mọi việc mới vỡ lẽ khi vào ngày làm đầu tiên, cả nhóm không ai hiểu gì về khái niệm công tác bảo tồn, trùng tu giữ gìn các di sản văn hóa.

Một cán bộ tại trung tâm phàn nàn, khi tiếp nhận, chúng tôi cứ tưởng các em học ngành du lịch, Đông Phương học.. nào ngờ học trái ngành cũng đưa vào đây. Chuyên môn không có, những kiến thức cơ bản cũng không, làm sao các em có thể làm việc được… 3 tháng thực tập trôi qua chóng vánh và các em phải viết báo cáo thực tập.

Theo lời sinh viên M.L (ngành tiếng Anh), do thực tập không đúng với chuyên môn nên các em chỉ đến ngồi chơi xơi nước rồi ngắm nghía mấy bức tranh, vài cuốn sách. Trong khi đó, giảng viên hướng dẫn thì lặn mất tăm. Khi viết báo cáo, cả nhóm hì hục sao chép loạn xạ, thậm chí có bạn không làm nhưng đều được giảng viên hướng dẫn cho qua hết! Nhiều bạn tiếc rẻ, thực tập vừa dở hơi, vừa tốn sức, tốn tiền nhưng chẳng tích lũy được kiến thức gì cả. Thực tế nhiều sinh viên dù đã được nhà trường “đỡ đầu” chỗ thực tập nhưng cũng không thoát khỏi cảnh “đem con bỏ chợ”.

Một sinh viên học chuyên ngành Văn học thuộc Khoa Ngữ văn một trường đại học tại TPHCM gọi điện đến Báo SGGP chia sẻ. Trước khi đưa sinh viên đi thực tập tại Bến Tre, các thầy cô trong khoa cam kết “mục đích của việc thực tập là giúp sinh viên tích lũy, học tập kinh nghiệm thực tế và khoa sẽ đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho các em thâm nhập thực tế”. Thế nhưng, khi nhóm sinh viên vừa đặt chân đến nơi thì cán bộ địa phương... mắt tròn xoe cho rằng “chúng tôi chưa nhận được công văn của nhà trường”. Và từ đây mọi chuyện rắc rối cứ kéo dài, nhất là chỗ ở cho những sinh viên nữ.

Lúc đầu nhóm được xếp ở nhà một cán bộ của ấp nhưng... nhiều chuyện thiếu tế nhị đã xảy ra. Tối nào chủ nhà cũng mở tiệc nhậu rồi hát hò, còn ép cả giảng viên hướng dẫn uống rượu rồi gạ gẫm sinh viên tiếp chuyện cho tới khuya. Chưa dừng lại đó, chuyện đi thực tế quanh xã để sưu tầm ca dao, tục ngữ, hò vè... sinh viên bị người dân cho là dân tiếp thị, nhân viên bán hàng đa cấp...

Thêm một câu chuyện khá bi hài nữa là mới đây, nhiều sinh viên học theo học ngành điện – điện tử Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đang trong thời gian đi thực tập đã phản ánh, đơn vị nhận sinh viên thực tập bố trí việc thực hành không đúng với kiến thức chuyên môn, sinh viên phải làm các công việc như bốc xếp hàng hóa, đóng gói, giao hàng cho các đại lý... Tiếp nhận thông tin này, nhà trường như ngồi trên lửa, lập tức tổ chức buổi đối thoại để lắng nghe phản ánh của sinh viên.

Lỗi tại ai?

Mỗi năm, các trường có đến hàng ngàn sinh viên năm cuối bước vào thực tập. Thông thường các trường thông báo vài tuần để sinh viên tự tìm nơi thực tập. Nếu sinh viên nào bí lối, nhà trường sẽ liên hệ giúp. Tuy nhiên, con số sinh viên tự tìm nơi thực tập không cao, thường ở mức 20 – 30%. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa nhà trường với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội phải đủ mạnh thì mới có thể gửi gắm hết sinh viên, mà điều này không phải trường nào cũng làm được.

ThS. Trần Đình Lý, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết, hàng năm trường có trên 3.000 sinh viên học năm cuối phải thực tập tốt nghiệp. Để giúp các em có nơi thực tập, phần lớn phụ thuộc vào mối quan hệ của các thầy cô bộ môn của từng ngành, từng khoa. Song song đó, trung tâm quan hệ với doanh nghiệp cũng chuẩn bị đặt hàng sớm với các doanh nghiệp để không bị động khi sinh viên nhờ hỗ trợ. Thực tế, thầy cô và nhà trường là cầu nối để các em đến với các doanh nghiệp. “Việc thực tập tốt hay không tốt và khả năng thăng tiến, triển vọng nghề nghiệp sau đợt thực tập phụ thuộc rất lớn vào chính bản thân các sinh viên. Mặt khác, nhà trường hay giảng viên khi đã bắt tay chặt với doanh nghiệp không có nghĩa là phó mặc cho sinh viên làm sao thì làm” – ông Lý lưu ý.

Đối với những sinh viên theo học nhóm ngành kỹ thuật, chuyện thực tập đúng chuyên môn, chuyên ngành là chuyện không đơn giản. ThS. Nguyễn Anh Đức – Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thẳng thắn thừa nhận: Trước đây, việc đưa sinh viên đi thực tập rất thuận lợi và dễ dàng. Nhưng vài năm nay, chuyện thực tập của sinh viên luôn là vấn đề nan giải. Thực tế trường cũng rất đau đầu khi sinh viên thực tập phản ánh bị nhiều nơi sai vặt, không cho thực hành đúng chuyên ngành, chẳng đâu vào đâu… Để đảm bảo tốt nơi thực tập cho sinh viên, ngay đầu năm học nhà trường đã chỉ đạo các khoa phải lên trước kế hoạch thực tập để báo cho doanh nghiệp trong suốt thời gian học.

Câu trả lời cho vấn đề trên trước hết phải là bản thân nhà trường cần xem lại năng lực đào tạo của mình. Việc chạy theo số lượng, mở ngành, tăng chỉ tiêu, bỏ mặc các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo, thậm chí có trường còn đào tạo những ngành không có trong danh mục ngành nghề đào tạo… Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cũng cần chia sẻ một phần gánh nặng cùng các trường trong công tác đào tạo nhân lực cho xã hội, vì bản thân doanh nghiệp là những người thừa hưởng sản phẩm từ các trường.
 
Chuyện SV thực tập đâu phải là chuyện bây giờ mới kể đâu. "Thực tập" nhưng thật ra nhiều trường hợp có được rớ/sờ/động đến việc gì đâu. Nhưng tui thấy ăn thua cũng nhờ vào chính bản thân SV đó. Có phấn đấu/nỗ lực thì ít nhiều cũng biết được thêm thực tế nhờ vào tò mò/ngó/xem người khác làm (sau khi đã "ăn" đống lý thuyết nhồi nhét ở trường). Nhiều người nói Lý thuyết khô khan, chai sạn nhưng tui thấy nó cũng giúp ích nhiều - chính là cái nền cho ta hiểu khi nhào vô thực tế.
 
cũng phải do bản thân sinh viên chứ nhỉ? đã là sinh viên rồi, chẳng lẽ lại để người ta lót đường sẵn cho mình hoài
 
đúng rồi, mình phải tự thân vận động thôi, mai mốt còn tự đi làm nữa mà
 
×
Quay lại
Top