Bộ sách về Báo chí - Xuất bản

Tham gia
14/4/2013
Bài viết
6
1. Thông tấn báo chí - Lý thuyết và Kỹ năng

Tác Giả: TS. Nguyễn Thành Lợi, TS. Phạm Minh Sơn
Khổ sách: 14,5x20,5cm
Số trang: 212 trang
Năm xuất bản: 2013
Giá bán: 55.000 VNĐ

thong%20tan%20bao%20chi1.jpg

Nội dung cuốn sách tập trung làm rõ những vấn đề lý thuyết và đưa ra các bài tập thực hành để rèn luyện những kỹ năng viết các thể loại thông tấn báo chí cơ bản như tin, phỏng vấn, bài thông tấn, phóng sự điều tra.
Từ những phân tích các ví dụ trong thực tiễn hoạt động báo chí của Việt Nam cũng như thế giới, cuốn sách cung cấp những kiến thức cơ bản, dễ hiểu nhất về các thể loại thông tấn báo chí. Trên cơ sở đó, người đọc có thể nắm bắt nhanh chóng những lý thuyết cơ bản và có thể tự thực hành, rèn luyện kỹ năng viết các thể loại đó. Mỗi chương của cuốn sách đều được kết cấu từ việc làm rõ khái niệm, đặc điểm, kết cấu các thể loại thông tấn báo chí. Tiếp theo là chỉ ra các phương pháp cơ bản để viết các thể loại đó và cuối cùng là đưa ra các bài tập thực hành, rèn luyện kỹ năng.
Chủ đề các ví dụ, dẫn chứng thường trực tiếp liên quan đến những nội dung của công tác thông tin đối ngoại. Điều này cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho những người làm báo đang thực hiện công tác thông tin đối ngoại trong công việc của mình.

2. Lý luận nghiệp vụ xuất bản
Tác Giả: Phạm Thị Thu
Khổ sách: 16x24cm
Số trang: 448
Năm xuất bản: 2013
Giá bán: 120.000 VNĐ
ly%20luan%20nghiep%20vu%20XB.jpg

Từ xa xưa khi con người xuất hiện, họ đã dùng vỏ cây, thân cây, phiến đá để lưu giữ những tri thức, những hiểu biết có được trong quá trình lao động và nhận thức… Nhờ đó mà các thế hệ sau mới có thể kế thừa những thành quả của thế hệ trước mà không phải mò mẫm, dò tìm. Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, cách thức để con người thực hiện lưu giữ cũng phát triển và tiến bộ không ngừng. Xuất phát từ chính thực tế cuộc sống cộng với sự phát triển hàng nghìn năm lịch sử, ngành xuất bản đã ra đời.
Nhận thức được tầm quan trọng cũng như nhu cầu thiết thực của bạn đọc muốn tìm hiều về lĩnh vực xuất bản cũng như nghiệp vụ xuất bản, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu bạn đọc cuốn sách “Lý luận nghiệp vụ xuất bản” do tác giả Phạm Thị Thu biên soạn.

Nội dung cuốn sách gồm 10 chương, cụ thể:

Chương 1: Lý luận cơ bản về xuất bản, xuất bản học, xuất bản phẩm

Chương 2: Biên tập và biên tập học

Chương 3: Nghiệp vụ biên tập sách

Chương 4: Thiết kế tổng thể cuốn sách

Chương 5: Sửa bài (Sửa morasse)

Chương 6: In ấn

Chương 7: Giá thành và giá bán xuất bản phẩm

Chương 8: Phát hành sách

Chương 9: Xuất bản ấn phẩm nghe nhìn

Chương 10: Xuất bản điện tử

Cuốn sách dẫn dắt bạn đọc tìm hiểu các hoạt động xuất bản: từ lý luận đến thực tiễn, từ xuất bản phẩm truyền thống đến xuất bản phẩm điện tử; từ công tác xây dựng đề tài, quan hệ với cộng tác viên, các nghiệp vụ biên tập, sửa bài, thiết kế, in ấn, định giá cho đến lưu trữ và phát hành.

Hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho tất cả cán bộ, công nhân viên chức trong Ngành xuất bản; cho các giảng viên, sinh viên và bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu lĩnh vực này.

3. Báo chí dưới góc nhìn thực tiễn
Tác Giả: TS. Nguyễn Thế Kỷ
Khổ sách: 14,5 x20,5cm
Số trang: 328
Năm xuất bản: 2013
Giá bán: 70.000 VNĐ

bao_chi_duoi_goc_nhin_thuc_tien.jpg


Báo chí ta hiện nay có diện mạo ra sao; đang phát triển như thế nào; công tác lãnh đạo, quản lý đang đặt ra những yêu cầu gì; có điều gì cần quan tâm, giải quyết ? Khá nhiều vấn đề vừa nêu đã được TS. Nguyễn Thế Kỷ, bằng trải nghiệm hàng chục năm ở báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử; ở các cương vị quản lý, chỉ đạo công tác báo chí, đã mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất cách nhìn, hướng đi, nhiệm vụ, giải pháp trong một số cuốn sách, công trình nghiên cứu mấy năm gần đây.

Báo chí - Dưới góc nhìn thực tiễn” là cuốn sách tuyển chọn các bài viết, công trình nghiên cứu của TS. Nguyễn Thế Kỷ về báo chí và văn hóa. Sách gồm hai phần:

- Phần 1: Báo chí - Những góc nhìn. Tác giả cố gắng khắc họa bức tranh toàn cảnh nền báo chí nước nhà; những vấn đề then chốt trong công tác lãnh đạo, quản lý báo chí. Đó là công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống báo chí cả nước; là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí trên các mặt: bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp; báo chí với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác đối ngoại, bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc…

- Phần 2: Những câu chuyện văn hóa. Là những ghi chép, những cảm xúc chân thành, đằm thắm về đất nước, về con người, về những vùng đất mà tác giả đã đi, đã viết, đã lắng thành những kỷ niệm khó quên. Tác giả có những trang viết sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, về Đảng quang vinh, dân tộc anh hùng, nhân dân dũng cảm, bạn bè quốc tế thủy chung, son sắt. Nổi rõ trong đó là quê hương xứ Nghệ, là dải đất miền Trung trữ tình, gian khó, đang vươn về phía trước.

4. Văn hóa truyền thông trong thời kỳ Hội nhập
Tác Giả: Hội Nhà báo Việt Nam và Trường Đại học KHXH và Nhân văn, ĐHQGHN
Khổ sách: 16 x 24 cm
Số trang: 368
Năm xuất bản: 2013
Giá bán: 95000 VNĐ
VH%20truyen%20thong%20copy.jpg

Báo chí với chức năng hàng đầu là thông tin mọi mặt đời sống xã hội, là lực lượng chủ lực và xung kích của truyền thông đại chúng, có mối quan hệ khăng khít, biện chứng với văn hóa. Là bộ phận của văn hóa nhưng chính báo chí cũng sáng tạo ra văn hóa, phổ biến và lưu truyền văn hóa... Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với người làm báo là phải hiểu biết phong phú về văn hóa, ứng xử có văn hóa, coi hoạt động báo chí không những là hoạt động chính trị - xã hội - nghề nghiệp, mà còn là một hoạt động mang đậm tính văn hóa. Chúng ta đã có những nhà báo được đồng nghiệp trong và ngoài nước, được công chúng đón nhận như những nhà văn hóa. Tuy vậy, trên thực tế cũng còn có những nhà báo coi nhẹ yêu cầu về văn hóa, tính văn hóa trong hoạt động báo chí.
Vì vậy, việc nâng cao tính văn hóa của đội ngũ người làm báo hiện nay là yêu cầu quan trọng đặt ra cho các cơ quan báo chí, cho mỗi người làm báo và các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông, nơi hằng năm bổ sung một lực lượng nhà báo trẻ được đào tạo cơ bản cho các cơ quan báo chí.

Để nâng cao bản lĩnh chính trị và tính chuyên nghiệp của người làm báo Việt Nam, đưa báo chí nước ta bắt kịp với xu thế phát triển của báo chí - truyền thông trong thờ kỳ hội nhập, đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế cũng như đáp ứng nhu cầu của các cơ sở đào tạo báo chí, các cơ quan báo, Hội Nhà báo Việt Nam, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đã phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách: Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập. Nội dung cuốn sách gồm 34 bài tham luận tại Hội thảo Khoa học “Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập” của các nhà báo, nhà khoa học và nhà quản lí báo chí. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những kết quả nghiên cứu lý luận, những kinh nghiệm nghề nghiệp sinh động, đưa ra một số gợi ý, đề xuất có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động tác nghiệp, quản lý báo chí và hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học...

Hy vọng cuốn sách sẽ được các nhà báo, các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo, các cơ sở đào tạo báo chí trong cả nước và các bạn sinh viên ngành báo chí truyền thông đón nhận và sử dụng như một tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình tác nghiệp và học tập.

5. Từ điển thuật ngữ báo chí - xuất bản Anh - Nga - Việt
Tác Giả: Nhiều tác giả
Khổ sách: 16 x 24
Số trang: 492
Năm xuất bản: 2011
Giá bán: 150.000 VNĐ
tu%20dien%20thuat%20ngu%20Nga%20Viet.jpg


Cuốn từ điển gồm hai phần chính:
Phần I: Các thuật ngữ báo chí - truyền thông đa phương tiện
Phần II: Các thuật ngữ xuất bản
Các tác giả đã cố gắng lựa chọn từ, cụm từ chuyên ngành tiêu biểu để phản ánh một cách chính xác tính chất các thuật ngữ trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện của các nước Anh, Mỹ và Nga. Do đặc tính ngôn ngữ về báo chí, xuất bản ở mỗi nước có sự khác biệt lớn nên các tác giả đã rất chú ý và cân nhắc chọn lọc để tìm ra các phương án xử lý ngôn ngữ tương thích. Nhiều trường hợp trong tiếng Việt chưa có thuật ngữ tương đương, các tác giả đã mạnh dạn đưa ra cách dịch giải thích.
Cuốn Từ điển là công cụ đắc lực cho các phóng viên, biên tập viên ngành Báo chí - Xuất bản nâng cao trình độ nghiệp vụ và khả năng tác nghiệp; đồng thời là tài liệu quý cho các dịch giả, giảng viên, sinh viên và bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực báo chí, xuất bản.

6. Nghề báo - Những bài học nhớ đời
Tác Giả: TS. Nguyễn Quang Hòa
Khổ sách: 13 x 21cm
Số trang: 232
Năm xuất bản: 2012
Giá bán: 50.000 VNĐ
Nghe%20bao%20nhung%20bai%20hoc%20nho%20doi1.1.jpg


Có thể nói, nghề báo là nghề đi nhiều, có cuộc sống phong phú và sôi động. Tuy nhiên, thực tế nghề báo là vô cùng khó khăn, gian khổ và chỉ những người có bản lĩnh thực sự mới dám chọn bởi nếu không có những phẩm chất cần thiết thì nhà báo không thể hoàn thành được công việc của mình. Xã hội đang bùng nổ thông tin, ai cũng có thể có được những thông tin ấy, vì thế ai nói bằng giọng điệu riêng, có bản sắc, có góc nhìn riêng thì mới có thể tồn tại. Công việc tưởng chừng chỉ có thế, nhưng để trở thành một nhà báo giỏi còn là cả một quá trình phấn đấu rất gian nan và vất vả, người làm báo phải rèn luyện suốt cả cuộc đời, sẵn sàng lao vào chỗ hiểm nguy, chỉ sơ sẩy, lỗi một chút là tan tành sự nghiệp.
Với mục đích giúp người làm báo bổ sung kiến thức thực tế, tránh không lặp lại các lỗi thường gặp trong quá trình tác nghiệp, viết bài, biên tập... Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách "Nghề báo - Những bài học nhớ đời" của TS. Nguyễn Quang Hòa - Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ thủ đô. Cuốn sách là những kinh nghiệm, bài học từ thực tiễn làm báo của tác giả và các đồng nghiệp. Bằng lối viết dễ hiểu như kể lại các câu chuyện hài hước, dí dỏm, các bài báo cụ thể, tác giả chỉ ra các "hạt sạn" trên báo từ các lỗi đơn giản tới phức tạp ngầm nhắc nhở người làm báo những vấn đề cần tránh, đúc rút kinh nghiệm cho bản thân và qua đó bạn đọc cũng có thể hình dung được những công việc và trách nhiệm của nghề báo.

Cuốn sách không chỉ cung cấp những thông tin thú vị, bổ ích và cần thiết cho các bạn sinh viên đang theo học khoa ngữ văn, báo chí, phóng viên trẻ mới vào nghề mà cả những người làm công tác giảng dạy cũng sẽ có một tài liệu tham khảo giá trị. Những nhà báo kinh nghiệm hay những người lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng sẽ rút tỉa được nhiều bài học thực tiễn quý báu từ cuốn sách này để gợi mở cho những xu hướng đổi mới.

7. Phát triển công chúng thị trường báo chí
Tác Giả: Báo Wiener Zeitung (Áo)
Khổ sách: 14,5 x 20,5 cm
Số trang: 156
Năm xuất bản: 2012
Giá bán: 45.000 VNĐ
phat%20trien%20cong%20chung%20thi%20truong2.jpg


Trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, việc nghiên cứu công chúng là bộ phận rất quan trọng, mang tính then chốt cho sự tồn tại của một sản phẩm truyền thông. Vì thế, các nước phát triển trên thế giới đã thực hiện công việc này một cách thường xuyên và chuyên nghiệp. Các chuyên gia chú trọng việc nghiên cứu công chúng từ góc độ kinh tế học, báo chí học, xã hội học, về thái độ, hành vi, nhu cầu, điều kiện tiếp cận… của công chúng đối với các sản phẩm truyền thông đại chúng. Đặc biệt, thời đại toàn cầu hoá thông tin đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong hoạt động truyền thông nói chung và truyền thông đại chúng nói riêng. Đây chính là lý do quan thiết khiến các nhà nghiên cứu quan tâm hơn đến việc nghiên cứu công chúng báo chí từ góc độ kinh tế hay còn gọi là nghiên cứu công chúng thị trường báo chí.
Để giúp cho bạn đọc có cái nhìn sâu hơn về công chúng thị trường, cũng như có cơ hội được tìm hiểu về bí quyết thành công của một tờ báo in lâu đời nhất thế giới còn hoạt động (1703), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “Phát triển công chúng thị trường báo chí như thế nào? Kinh nghiệm của báo Wiener Zeitung (Áo)”.Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:

Chương 1: Khái niệm công chúng truyền thông, thị trường báo chí, công chúng thị trường báo chí

Chương 2:Kinh nghiệm phát triển công chúng thị trường của báo Wiener Zeitung

Chương 3:Phát triển công chúng thị trường báo của báo Wiener Zeitung, một số gợi ý cho báo chí Việt Nam

Nội dung cuốn sách phân tích khá sâu về công chúng thị trường báo chí, đưa ra những bài học thực tiễn, đi sâu nghiên cứu về bí quyết thành công cũng như những giải pháp của tờ báo nổi tiếng này, bên cạnh đó tác giả cũng đưa ra những gợi ý về phát triển công chúng thị trường cho báo chí Việt Nam. Hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho báo chí Việt Nam nói chung, các nhà nghiên cứu báo chí truyền thông, các sinh viên, học viên… khi nghiên cứu công chúng báo chí từ góc độ kinh tế; các độc giả muốn tìm hiểu bí quyết thành công của tờ báo nổi tiếng này.

8. Phản biện xã hội của tác phẩm báo chí Việt Nam qua một số sự kiện nổi bật
Tác Giả: ThS Phan Văn Kiền
Khổ sách: 14,5x20,5
Số trang: 250
Năm xuất bản: 2012
Giá bán: 40.000 VNĐ
phan%20bien%20XH5.2.jpg


Phản biện xã hội là một nhiệm vụ rất quan trọng của nhiều cơ quan, đặc biệt là các cơ quan báo chí qua trong việc tư vấn, giám sát và phản biện các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đã trở thành một hoạt động vô cùng quan trọng, góp phần vào việc duy trì và phát huy tính chất dân chủ của nền chính trị và ngày càng thu hút sự quan tâm sâu sắc của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.
Nhằm giúp các biên tập viên, phóng viên nâng cao khả năng phân tích, đánh giá qua các sự kiện của xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí cách mạng Việt nam, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã xuất bản cuốn sách “Phản biện xã hội của tác phẩm báo chí Việt Nam qua một số sự kiện nổi bật” của ThS Phan Văn Kiền - giảng viên khoa báo chí truyền thông trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn. Cuốn sách với bố cục gồm hai phần:

Phần thứ nhất: Bàn về một số vấn đề chung về phản biện xã hội của báo chí truyền thông Việt Nam hiện đại.

Phần thứ hai: Phản biện của xã hội của tác phẩm báo chí Việt Nam qua một số sự kiện nổi bật.

Hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các phóng viên, biên tập viên và các sinh viên đang theo học chuyên ngành báo chí truyền thông tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trong cả nước...

Nhân dịp kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và mong nhận được những ý kiến đóng góp của các độc giả để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau!

9. Tổng quan truyền thông quốc tế dành cho người làm công tác thông tin đối ngoại

Tác Giả: PGS.TS Lê Thanh Bình
Khổ sách: 14,5 x 20,5
Số trang: 260
Năm xuất bản: 2012
Giá bán: 55.000 VNĐ

Tong%20quan%20Truyen%20thong%20QTbia1.jpg


Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới lĩnh vực truyền thông quốc tế và hoạt động thông tin đối ngoại, vì vậy đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm nhấn mạnh và phát huy hiệu quả các hoạt động này, tiêu biểu như: Chỉ thị số 45 (1962) về "Công tác tuyên truyền đối ngoại"; Chỉ thị số 11-CT/TW (1992) về "Đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại"; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 10/9/2008 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”.v.v...

Trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, đất nước ngày càng chủ động hội nhập, thông tin đối ngoại đã trở thành một bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại và công tác tư tưởng nhằm làm cho thế giới hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; quan điểm và lập trường của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực; giới thiệu những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới; về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, dân tộc; đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với Việt Nam, qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự đồng thuận và đóng góp của đồng bào ta ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông tin đối ngoại còn giúp nhân dân trong nước tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa của nhân dân thế giới, góp phần cùng nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thông tin đối ngoại là nội dung cơ bản của hoạt động truyền thông quốc tế. Việc nghiên cứu toàn diện và tổng thể về truyền thông quốc tế sẽ giúp công tác thông tin đối ngoại ngày càng phát triển nhanh chóng và vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới.

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xin trân trọng giới thiệu cuốn sách "Tổng quan truyền thông quốc tế - Dành cho người làm công tác thông tin đối ngoại" do PGS. TS Lê Thanh Bình (Học viện Ngoại giao) làm chủ biên. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc các khái niệm về truyền thông quốc tế, cơ sở lý luận và thực tiễn của truyền thông quốc tế, các yêu cầu về phẩm chất nghề nghiệp, đạo đức, văn hóa chính trị của người làm công tác truyền thông quốc tế nói chung và nhà báo quốc tế nói riêng; đông thời giới thiệu sự đa dạng và phong phú các sản phẩm truyền thông quốc tế và các cơ quan làm nhiệm vụ truyền thông quốc tế tại Việt Nam; phân tích khả năng tác động trong nước và quốc tế của một số sản phẩm truyền thông quốc tế tiêu biểu. Từ đó đặt ra yêu cầu cho người làm truyền thông quốc tế, thông tin đối ngoại cần có những phương pháp đánh giá hiệu quả, hiệu lực của công tác truyền thông quốc tế, thông tin đối ngoại, việc này được dựa trên khá nhiều tiêu chí; cuốn sách còn giới thiệu các kỹ năng xây dựng các sản phẩm truyền thông quốc tế các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông quốc tế, thông tin đối ngoại.
 
×
Quay lại
Top