Cách xác định niềm đam mê

Ánh Minh

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/10/2017
Bài viết
1.322
Đam mê là lý do bạn thức dậy mỗi sáng và chỉ cần nghĩ đến nó thôi cũng đủ để bạn hào hứng thức khuya hàng đêm. Đam mê cũng có thể là cảm giác âm thầm hài lòng, biết rằng bạn đang sống cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chính xác ngay được niềm đam mê của mình.

Đừng lo cho dù bạn đang tìm kiếm niềm đam mê để theo đuổi một công việc mới, hoặc đang tìm kiếm một sở thích hay hoạt động để đắm mình, có rất nhiều điều bạn có thể làm để xác định niềm đam mê của mình.

I. Xác định bạn đang ở vị trí nào


cach-xac-dinh-dam-me-01.jpg

1. Nghĩ xem điều gì thúc đẩy các quyết định của bạn


Một số người thường lắng nghe quá nhiều “con người xã hội” của họ, phần tính cách muốn hòa nhập, muốn được người khác nghĩ tốt về mình, và muốn tuân thủ những quy tắc. Trong khi mong muốn trở thành một phần của cộng đồng là hoàn toàn chính đáng, nếu bạn lấy những gì người “khác” nghĩ là hợp lý đối với mình làm cơ sở để quyết định mọi việc, rốt cuộc bạn sẽ cảm thấy dường như bạn đã đánh mất phương hướng của mình.

Điều này có thể xảy đến với bạn vào bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống, nhưng bạn sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương khi còn trẻ do bạn cảm thấy bị buộc phải lắng nghe cha mẹ hoặc những những người có chức quyền hơn mình.

Ngừng ngay việc tự nhủ bản thân “nên này nên nọ”. Thuật ngữ này bắt nguồn từ nhà tâm lý học Clayton Barbeau, người đã dùng nó để mô tả những điều sẽ xảy đến khi bạn để cho những áp lực từ bên ngoài định hình những gì bạn nghĩ mình nên làm. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy chán chường và bất mãn với lựa chọn của mình bởi chúng xuất phát từ cảm giác tội lỗi và sợ sệt hơn là lựa chọn đúng nghĩa. Hãy gắng nghĩ về những điều bạn muốn làm, chứ không phải những gì bạn cảm giác “nên” làm do ai đó bảo rằng bạn nên làm nó.

“Đam mê” bắt nguồn từ “chân thực”, cảm thấy rằng bạn hãnh diện với bản thân trong các quyết định của mình mà không phải cố tỏ ra hay làm hài lòng ai khác. Đây là một điều rất cá nhân, và không ai có thể nói cho bạn biết điều gì sẽ khiến bạn cảm thấy “chân thực”, chỉ riêng mình bạn mới có thể nhận ra nó.


cach-xac-dinh-dam-me-02.jpg

2. Xác định giá trị của bạn


Giá trị của bạn là những niềm tin cốt lõi trong cuộc sống. Chúng có thể mang tính tôn giáo hoặc tâm linh, nhưng chúng phản chiếu tính cách của bạn và những điều khiến bạn thỏa mãn nhất. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi bạn không sống theo những giá trị của mình, bạn có thể cảm thấy bất hạnh và không có động lực. Bạn cũng có khả năng trì hoãn nhiều hơn vì không còn thấy ý nghĩa trong các hoạt động của mình.

Nếu bạn chưa bao giờ suy nghĩ đủ sâu về những điều mình trân trọng trong cuộc sống hoặc những nhu cầu và khát vọng của người khác luôn được ưu tiên đặt trên nhu cầu bản thân, việc xác định có thể sẽ khó khăn hơn. Hãy dành thời gian nhìn lại những trải nghiệm quá khứ và nghĩ về điều khiến bạn cảm thấy “hài lòng” về cuộc sống của mình.


cach-xac-dinh-dam-me-03.jpg

3. Tự vấn bản thân

Nhiều người không bao giờ chịu ngồi xuống để thực sự nghĩ xem những giá trị của họ là gì. Hãy dành thời gian cho bản thân và tự hỏi những gì khiến bạn cảm thấy “hài lòng”, và những hoạt động nào chẳng mang lại chút giá trị nào.

Nghĩ về những lúc bạn cảm thấy hạnh phúc nhất. Bạn đang làm gì lúc đó? Ai đã ở bên bạn? Tại sao bạn nghĩ việc đó có liên quan tới cảm giác hạnh phúc của bạn? Bạn có thể làm gì để sống lại cảm giác đó trong những mặt khác của cuộc sống?

Nghĩ về những lúc bạn cảm thấy thỏa mãn và hài lòng. Nhu cầu hay khát vọng nào đã được thỏa mãn? Trải nghiệm ý nghĩa gì lúc đó? Tại sao bạn lại nghĩ như vậy?

Có chủ đề nào khiến bạn hứng khởi khi nghĩ hay bàn về nó không? Điều gì trong những chủ đề này đã ảnh hưởng tới bạn?

Hãy cân nhắc bạn sẽ cứu thứ gì nếu ngôi nhà bốc cháy (giả sử mọi người và thú cưng đã an toàn rồi). Những món đồ đó có ý nghĩa gì đối với bạn? Chúng cho biết điều gì về những giá trị bạn cho là quan trọng?

Nếu bạn có thể thay đổi chỉ một điều trong gia đình, cộng đồng, nơi làm việc, lối xóm, hoặc thậm chí cả thế giới, bạn sẽ thay đổi điều gì và tại sao bạn lại thay đổi nó?


cach-xac-dinh-dam-me-04.jpg

4. Hãy tìm ra các cấu trúc và điểm chung trong những câu trả lời của bạn

Một khi bạn đã nghĩ về những câu trả lời cho các câu hỏi trên (và thậm chí có cả những câu hỏi của riêng mình), hãy xem xét những câu trả lời đó. Điều gì có thể khiến bạn hạnh phúc và hỗ trợ mục đích sống của bạn? Điều gì không hẳn đã thỏa mãn như bạn kỳ vọng? Hãy nhìn vào danh mục các giá trị phổ biến tại MindTools để xác định cho chính mình.

Ví dụ, có thể bạn nhớ đã hãnh diện về bản thân khi tự mình đạt được điều gì đó. Việc này chỉ ra những giá trị như sự độc lập, khả năng tự lực và tham vọng.

Bạn cũng có thể cảm thấy thỏa mãn nhất khi thể hiện bản thân qua những tác phẩm nghệ thuật. Điều này cho thấy những giá trị như sự sáng tạo, tìm tòi và khả năng tưởng tượng.

Có thể bạn thấy hạnh phúc nhất khi giúp lũ trẻ với đống bài vở, hoặc giúp hàng xóm việc sân vườn. Điều này chỉ ra những giá trị như sự hỗ trợ, cộng đồng và việc đóng góp tích cực cho xã hội.

Hãy nhớ rằng giá trị của bạn là “của bạn”. Đừng đánh giá chúng theo bất cứ tiêu chuẩn nào khác. Một số người đề cao sự bột phát hoặc tính cạnh tranh, trong khi những người khác lại có giá trị là sự quy củ hay làm việc nhóm. Không có phương án nào “tốt hơn” những phương án khác cả.


cach-xac-dinh-dam-me-05.jpg

5. Hãy nghĩ về những gì bạn thích làm

Hãy nhìn lại mình và xem có đúng là bạn đang làm điều mình thích chỉ là không làm thường xuyên mà thôi. Xác định bạn thực sự thích gì và chuyển hóa nó một cách tích cực thành đam mê có thể giúp bạn biết được những khao khát trong tim. Đây là một vài câu hỏi dành cho bản thân:

Mục đích của mình là gì?

Phần lớn thời gian mình làm gì?

Mình luôn cố gắng làm điều gì?

Điều gì là đặc trưng của mình?

Nếu mình có thể làm một điều cho tới cuối đời, đó sẽ là gì?

Mình thích làm gì?

Mình sẽ làm gì, thậm chí nếu như không được trả công?

Việc gì khiến mình cảm thấy như chẳng còn bất cứ điều gì khác?

Hoạt động nào phù hợp với con người mình nhất?

Điều gì khi làm khiến mình cảm thấy “đúng đắn”, “hay ho” hay “được kết nối”?


cach-xac-dinh-dam-me-06.jpg

6. Nghĩ về những điều bạn luôn mơ ước được làm


Điều này khác với việc lên danh sách mọi thứ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Bạn sẽ liệt kê tất cả những điều bạn mơ ước được làm, nhưng chưa thực hiện vì bạn không có thời gian, không có tiền, hoặc bởi vì chúng không thực tế hay có phần đáng sợ nữa. Sau đây là một số câu tự hỏi bản thân:

Điều gì mình luôn mơ ước thực hiện nhưng chưa bao giờ làm được?

Điều gì mình muốn làm khi còn nhỏ?

Mình có ước mơ phi thực tế nào đã từ bỏ không?

Mình thích đọc hay tưởng tượng về điều gì?

Có điều gì khiến mình sợ không dám thử vì sẽ đẩy mình rơi khỏi vùng an toàn?

Có điều gì mình luôn muốn làm nhưng chưa làm được vì lý do tài chính?

Có điều gì mình luôn muốn làm nhưng chưa thử vì lo sợ thất bại hoặc chẳng qua chỉ vì không đủ khả năng?

Có điều gì mà một người mình biết làm khiến mình thấy hứng khởi?

Mình sẽ làm gì nếu không bị ràng buộc?


cach-xac-dinh-dam-me-07.jpg


7. Hãy thử một bảng hình dung


Một bảng hình dung hay còn gọi là bảng ước mơ hay bảng sáng tạo có thể hữu ích trong việc khám phá đam mê. Một số người hay tư duy bằng thị giác và phản ứng khá tốt với việc thu thập những thứ đại diện cho những tư tưởng ý nghĩa.

Thu thập những hình ảnh và câu trích dẫn gợi cảm hứng có ý nghĩa đối với bạn. Bạn muốn là ai? Bạn muốn gì trong cuộc sống của mình? Bạn muốn tạo ra điều gì?

Bạn cũng có thể tạo một bảng hình dung trên một trang như Pinterest


cach-xac-dinh-dam-me-08.jpg


8. Quyết định điều gì có ý nghĩa nhất đối với bạn

Cuộc sống là thỏa hiệp. Bạn không có thời gian hay năng lượng để làm tất cả mọi thứ, nhưng điều quan trọng là cần phải quyết định xem những ưu tiên của mình là gì. Việc xác định được mình trân trọng điều gì nhất trong cuộc sống sẽ tránh cho bạn khỏi những phiền toái bực bội của việc cố gắng có được tất cả mọi thứ, mà điều này hiển nhiên là không thể.

Đam mê công việc có quan trọng không? Bạn có thể sẽ phải hi sinh những mặt khác trong cuộc sống, như sở thích hay sự an toàn về mặt tài chính.

Có tiền để theo đuổi đam mê du lịch hay một sở thích nào đó có quan trọng với bạn không? Bạn có thể phải làm một công việc ổn định, lương cao nhưng kém phần thú vị để chi trả cho đam mê này.

Càng cụ thể càng tốt. “Hạnh phúc” và “Thành công” là hai khái niệm quá mơ hồ. Hãy dựa trên chính những cảm nhận của mình về giá trị và việc tận hưởng để xác định xem điều gì khiến bạn hạnh phúc.

Cho dù có phải đánh đổi và thỏa hiệp, bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn và do đó đam mê hơn khi chính mình làm chủ lựa chọn của bản thân. Không phải kỳ vọng của ai khác, mà chính bạn đứng sau lựa chọn của mình.

II. Những việc cần làm


cach-xac-dinh-dam-me-09.jpg


1. Đặt mục tiêu

Mục tiêu này có thể lớn lao, như là “tìm một công việc mới”, hoặc nhỏ hơn như là “theo một khóa nghệ thuật”. Để đặt được mục tiêu trong tầm với, hãy cân nhắc những điều sau:

Ai chịu trách nhiệm cho việc đạt được mục tiêu này? Trong đa số trường hợp người đó là bạn, nhưng nếu mục tiêu bao gồm cả những người khác nữa, như “dành nhiều thời gian hơn cho gia đình” thì những người này cũng có trách nhiệm trong việc hiện thực hóa mục tiêu.

Chi tiết mục tiêu của bạn là gì? Một trong những lý do mọi người không đạt được mục tiêu là do chúng quá mơ hồ. Càng cụ thể càng tốt. Ví dụ, “học để có chút chất nghệ sĩ” nghe quá to tát. “Theo một lớp vẽ để khám phá phần nghệ sĩ trong con người mình” sẽ dễ thực hiện hơn.

Khi nào bạn sẽ hoàn thành mỗi chặng của mục tiêu? Nhiều mục tiêu, đặc biệt là những mục tiêu lớn hay phức tạp, cần chia thành nhiều giai đoạn. Hãy xác định khi nào bạn cần hoàn thành mỗi chặng. Ví dụ “Tìm một khóa nghệ thuật quanh đây tuần này. Đăng ký lớp và mua đồ dùng tuần tới. Bắt đầu học vào tuần sau nữa”.

Những mục tiêu này sẽ thực hiện ở đâu? Có nhiều mục tiêu, chẳng hạn “tập thể dục nhiều hơn”, có ý tưởng về nơi chốn định làm có thể sẽ hữu ích. Ví dụ, nếu bạn muốn tập thể dục 3 lần một tuần, hãy xác định bạn muốn tới phòng tập, đi chạy, tập tại nhà hay theo lớp.

Bạn sẽ hoàn thành mỗi chặng như thế nào? Câu hỏi này giúp bạn xác định khung mục tiêu. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là “Du lịch nước Pháp”, hãy xác định những gì cần làm cho từng giai đoạn, ví dụ “tìm kiếm trên các trang du lịch”, “nói chuyện với những người bạn đã từng tới Pháp”, “đặt vé”, “lấy hộ chiếu”…

Tại sao bạn lại đang làm điều này? Động lực sáng tỏ sẽ khiến bạn dễ đạt được mục tiêu hơn. Việc hoàn thành mục tiêu này sẽ giúp bạn thỏa mãn đam mê thế nào?


cach-xac-dinh-dam-me-10.jpg


2. Tránh xa thói “ừ-nhưng”

Bậc thầy phát triển bản thân Martha Beck dùng thuật ngữ này để chỉ nỗi sợ khiến bạn tránh xa việc thử những điều mới lạ. “Ừ” chính là sự phấn khích hoặc cảm hứng thúc đẩy bạn tìm kiếm niềm đam mê. “Nhưng” là khởi đầu của nỗi sợ hãi đẩy bạn xa rời việc theo đuổi nó.

Lần tiếp theo nếu bạn thấy mình nghĩ “Ừ, chu du thế giới, xây chuồng chim, tìm một công việc mới…sẽ hay ho đấy, nhưng…” hãy dừng ngay ở đó.

Hãy tự hỏi: có phải bạn thực sự không vượt qua được chữ “nhưng”, nói cách khác là khó khăn hoặc chướng ngại là gì? Hay bạn chỉ cần một chút sáng tạo để khéo léo xử lý nó?

Ví dụ, mục tiêu của bạn có thể là “Mình muốn du lịch thế giới, nhưng mình không có tiền”. Có vẻ đây là một trở ngại không thể vượt qua, nhưng thực ra có vài cách thu xếp. Ghi nhớ mục tiêu để tiết kiệm tiền. Bán tất cả đồ đạc và dùng tiền lời đi chơi. Đi nhờ xe và trông chờ vào lòng tốt từ người lạ. Luôn có những cách thực hiện những điều quan trọng đối với bạn.


cach-xac-dinh-dam-me-11.jpg


3. Thực hành việc quyết tâm

Một trong những điều dễ hủy hoại việc theo đuổi đam mê nhất là nỗi sợ hãi. Khi sợ hãi làm chủ quyết định của bạn, bạn không còn mạo hiểm hay cho phép mình bị tổn thương. Khả năng tổn thương và sự cởi mở là hai điều then chốt để kết nối với chính mình và với người khác. Nỗi sợ thường xảy ra khi bạn tập trung quá nhiều vào việc có thể xảy ra đến nỗi bạn không chấp nhận những gì đang diễn ra. Thực hành sự chú tâm có thể giúp bạn điều này.

Thực hành nhận diện nỗi sợ. Đừng phán xét nó. Hãy thừa nhận những cảm giác của bạn ngay lúc này. Ví dụ, “Mình thấy sợ mạo hiểm lần này vì có thể nó sẽ chẳng đi đến đâu.” Hãy tự trấn an bản thân, chẳng hạn “Mình không thể kiểm soát diễn tiến mọi việc. Mình chỉ có thể kiểm soát những hành động của chính mình mà thôi”.

Đừng cố gắng kìm nén nỗi sợ. Kìm nén cảm xúc sẽ chỉ khiến nó quay trở lại mạnh mẽ hơn mà thôi. Thay vào đó, hãy ngồi xuống cùng cảm xúc một lát. Khám phá nó. Hãy đối xử tốt với bản thân và nhắc nhở chính mình rằng việc cảm nhận mọi cảm xúc, kể cả nỗi sợ hãi, làm một điều tự nhiên.

Hãy thử tĩnh tâm. Tĩnh tâm có thể giúp bạn khám phá cảm xúc mà không phán xét nó, và giúp bạn đi qua nỗi sợ. UCLA cung cấp MP3 miễn phí về tĩnh tâm theo hướng dẫn. Bạn cũng có thể tìm thấy các video miễn phí và tài liệu hướng dẫn tại trang của Harvard Pilgrim.


cach-xac-dinh-dam-me-12.jpg


4. Hãy kiên nhẫn với chính mình

Tìm kiếm đam mê có nghĩa là thử nghiệm, và thử nghiệm thì mất thời gian. Bạn có thể phải thử một số ý tưởng trước khi tìm được một ý tưởng thực sự “khớp” với mình. Nhiều người thất bại trong việc tìm kiếm đam mê vì họ đã rời bỏ nó khi gặp khó khăn

Chấp nhận rằng bạn có thể gặp một vài trở ngại và thách thức trên hành trình tìm kiếm đam mê. Đây cũng là một điều bình thường. Hãy coi mọi thử thách là một trải nghiệm để học hỏi. Khi bạn thực sự tìm thấy đam mê, bạn đã tích lũy được cả một kho tàng kinh nghiệm và học vấn từ việc theo đuổi nó.

Hãy đối xử tốt với bản thân. Một số người có thể phán xét về đam mê của bạn, họ nghĩ rằng nó ngớ ngẩn, ấu trĩ, ngô nghê, hoặc chẳng qua chỉ là tẻ nhạt. Đừng để những chỉ trích của bất cứ ai trở thành vật cản trên con đường của mình, bởi vì đam mê của bạn chính là của bạn. Bạn không nợ ai ngoài chính mình lời giải thích cho lựa chọn của bản thân.

III. Biến niềm yêu thích thành lợi thế


cach-xac-dinh-dam-me-13.jpg


1. Hãy đánh thức niềm đam mê con trẻ

Bạn có thể thấy cuộc sống của mình đã trở nên quá đều đều tẻ nhạt để mơ mộng và đam mê, nhưng sẽ đến một thời điểm bạn thực sự mong ước theo đuổi một điều gì đó mạo hiểm và thú vị. Hãy nghĩ về đứa trẻ trong bạn, và những điều bạn mơ ước làm khi còn nhỏ, hoặc thậm chí cả khi đã là thiếu niên. Tìm xem có cách nào để bạn kết nối lại với những đam mê này không.

Nếu trong quá khứ bạn luôn muốn trở thành phi hành gia, ý tưởng này có thể không còn đủ sức hấp dẫn ở thời điểm hiện tại nữa. Hãy tìm ra lý do tại sao ban đầu nó lại hấp dẫn bạn đến thế có thể vì nó liên quan đến việc khám phá không gian, khoa học, hay thám hiểm và nghĩ xem bạn có thể tìm thấy đam mê mới từ đó không.

Hãy dũng cảm. Nếu bạn muốn trở thành ca sĩ hay diễn viên, không bao giờ là quá muộn để thực hiện ước mơ.

Đáng tiếc là, bạn có thể sẽ phải tiếp cận một cách thực tế trong một vài trường hợp. Nếu bạn muốn trở thành một vận động viên thể dục dụng cụ Olympic khi bạn 10 tuổi và giờ bạn đã 40, sẽ khó có khả năng trong tương lai bạn giành được chiếc huy chương vàng. Nếu bạn đã từng thực sự đam mê thể dục dụng cụ, hãy xem bạn có thể thực hiện nó theo những cách khác không, như trở thành huấn luyện viên, hướng dẫn, hay tham gia vào một trung tâm thẩm mỹ trong một vai trò nào đó.

Nếu bạn đủ may mắn duy trì thói quen nhật ký khi còn trẻ, hãy đọc lại nó. Hãy xem đam mê nào đánh thức sự thích thú trong bạn, và mơ ước nào bạn viết đi viết lại nhiều lần.


cach-xac-dinh-dam-me-14.jpg


2. Kết hợp những tài năng của bạn

Có thể bạn có nhiều hơn một tài năng. Có lẽ bạn rất giỏi trò xe đạp mạo hiểm và bạn thích viết lách. Hãy thử hình dung bạn đang viết sách về xe đạp mạo hiểm cùng những kỹ thuật của nó, hay một câu chuyện có thật về những tay lái đã bắt tay thực hiện thú vui ưa thích của họ thế nào. Sau đây là một vài cách khác để kết hợp tài năng của bạn:

Có thể bạn thích viết thơ và những vũ điệu trình diễn; liệu bạn có thể trình diễn bài thơ của mình, hay sáng tác một bài về tình yêu dành cho điệu nhảy?

Nếu bạn là một người viết có tài, hãy tận dụng tối đa kỹ năng này. Nếu bạn yêu một điều gì đó, viết blog hoặc tạo một website sẽ giúp chia sẻ niềm đam mê, sử dụng kỹ năng viết lách, và phát triển tình yêu dành cho việc mình làm.

Nếu bạn có niềm đam mê ngoại ngữ và một lĩnh vực không liên quan, như kinh doanh xanh, hãy thử dùng kỹ năng ngôn ngữ làm nhà biên dịch hoặc phiên dịch trong lĩnh vực đó.


cach-xac-dinh-dam-me-15.jpg


3. Hãy biến một sở thích thành đam mê toàn thời gian

Nếu đã có một điều gì đó trong cuộc sống khiến bạn ngập trong sự hứng thú, niềm vui, và tạo ra giá trị bản thân, tại sao không thử biến nó thành một nỗ lực toàn thời gian? Mặc dù có thể sự thay đổi lớn trong cuộc sống sẽ khiến bạn lo sợ, nếu bạn biết bạn đã yêu một điều nào đó, hãy dành nhiều thời gian hơn nữa cho nó để xem đó có thực sự là đam mê của mình không.

Sở thích của bạn có thể là bất kỳ điều gì, từ đồ sứ, vẽ vời, hay thi ca, tới dạy yoga hay in ấn.

Nếu bạn không thể kiếm tiền từ đam mê của mình (như chạy marathon chẳng hạn), bạn có thể tìm cách nào đó biến sở thích này thành đam mê bằng việc tham gia vào nó theo một cách nào đấy.

Bạn có thể từ từ dành nhiều thời gian hơn cho sở thích để xem liệu nó có phải là đam mê của mình không. Nếu bạn sợ phải từ bỏ tất cả mọi thứ và cống hiến bản thân cho sở thích này toàn thời gian, vậy hãy chia nhỏ từng bước.

Hãy nhớ rằng bạn không phải làm việc kiếm tiền để biến nó thành đam mê. Nếu bạn thích marathon nhưng không có cách nào biến nó thành sự nghiệp, vậy bạn chỉ cần luyện tập và chạy thôi.


cach-xac-dinh-dam-me-16.jpg


4. Hãy làm điều bạn luôn mơ ước

Cho dù điều này có táo bạo, mạo hiểm hay phi thực tế đến đâu, bạn nên thực hiện nó một cách chăm chỉ để biến giấc mơ thành hiện thực. Ai mà biết được có thể bạn sẽ thử điệu nhảy salsa và nhận ra nó không dành cho mình, hay bạn sẽ du lịch tới Galapagos và cảm thấy chẳng có chút cảm hứng nào. Tuy nhiên, dũng cảm thực hiện điều bạn luôn mơ ước sẽ giúp bạn thắp lên ngọn lửa động cơ trong mình.

Hãy quyết tâm theo đuổi giấc mơ của mình bất kể những ràng buộc đời sống và tài chính. Hãy lập kế hoạch cho phép bạn thử thực hiện mơ ước, thậm chí chỉ trong một thời gian ngắn. Có thể phải dành ra một khoảng thời gian tiết kiệm để theo đuổi giấc mơ hoặc thu xếp hợp lý, nhưng điều này là hoàn toàn đáng giá.

Nếu bạn sợ thử điều mới, như leo núi, hãy đề nghị bạn bè trợ giúp. Bạn không việc gì phải thử một điều mới mẻ và sợ hãi một mình.

Bắt đầu nói về việc định làm trước khi bạn thực hiện nó. Nếu bạn thực sự muốn xây căn nhà trên cây của riêng mình, bắt đầu bằng việc kể với mọi người về nó. Điều này sẽ khiến việc biến giấc mơ thành hiện thực trở nên gần hơn. Ít có khả năng bạn sẽ lùi bước hơn một khi mọi người đã biết bạn muốn theo đuổi giấc mơ của mình.

IV. Thử những điều mới


cach-xac-dinh-dam-me-17.jpg


1. Thử một môn thể thao mới

Bạn có thể không biết về nó, nhưng đam mê thực sự có thể là đạp xe leo núi hay bắn cung. Mặc dù có thể bạn nghĩ bạn chỉ thi thoảng thích chạy bộ thể thao, bạn không bao giờ biết được sở thích thực sự của mình cho tới khi bạn thử. Thử một môn thể thao mới sẽ tác động tới adrenaline, khiến bạn hào hứng hơn với thế giới, và cũng là một hình thức tập luyện tuyệt vời. Nếu bạn thấy bạn thực sự thích môn thể thao này, biết đâu bạn sẽ trở thành giáo viên, huấn luyện viên, hoặc thậm chí bắt đầu chia sẻ tình yêu của mình với mọi người trên mạng. Sau đây là một số môn có thể thử:

Khiêu vũ. Hãy thử một lớp salsa, khiêu vũ cổ điển, điệu foxtrot, hip hop, hoặc bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ ra.

Yoga. Hãy thử các lớp yoga để xem nó có đúng là tiếng gọi cuộc đời bạn không.

Chạy. Bạn có thể chạy một mình và hãy xem cảm giác tuyệt thế nào, hoặc bạn có thể đặt mục tiêu luyện tập khoảng 5K và dần dần sẽ tiến tới chạy marathon.

Bơi. Bơi không chỉ là một hoạt động thể lực phối hợp đồng đều các bộ phận mà còn có thể giúp làm sáng rõ tâm trí bạn và cơ thể bạn cảm nhận chính xác trạng thái cơ thể dưới nước. Bơi hồ hay bơi biển cũng đều có thể khiến bạn có cảm giác kết nối với thiên nhiên nhiều hơn.

Võ thuật. Hãy theo một lớp karate hay nhu đạo và xem bạn cảm thấy thế nào.

Các môn thể thao đồng đội. Hãy tham gia một giải bowling, bóng chày, bóng mềm, bóng đá, hay bóng chuyền và tìm kiếm đam mê của mình đối với một môn thể thao mới cũng như niềm vui chia sẻ nó với những người khác.

Những môn thể thao mới lạ. Hãy thử bi đá trên băng, bắn cung, xe đạp leo núi, trượt ván, hoặc bất cứ môn thể thao nào khiến bạn tò mò.


cach-xac-dinh-dam-me-18.jpg


2. Khám phá chất nghệ sĩ trong con người bạn

Bạn có thể có khả năng nghệ thuật tuyệt vời mà thậm chí bạn không hề biết. Để khám phá con người nghệ thuật, bạn có thể thử hội họa, viết lách, diễn xuất, ca hát, hoặc thiết kế quần áo. Có nhiều điều có thể thử để tìm ra người nghệ sĩ trong bạn.

Chơi một nhạc cụ. Có thể bạn đã thích chơi piano khi còn là một đứa trẻ nhưng sau đó lại ngưng. Hãy thử thêm lần nữa.

Viết lách. Hãy thử sáng tác một vở kịch, bài thơ, truyện ngắn, hay thậm chí một cuốn tiểu thuyết. Bạn có thể phát hiện ra rằng mình có nhiều điều để nói hơn là bạn nghĩ.

Diễn xuất. Bạn không cần phải là Jennifer Lawrence để thử diễn xuất, nếu đóng kịch cùng một vài người bạn khiến bạn vui, hoặc thử tham gia nhà hát kịch địa phương.

Ca hát. Nếu bạn luôn đam mê ca hát nhưng chưa bao giờ có dịp cất tiếng trước người khác, thì đây chính là thời điểm cho bạn. Bạn cũng có thể tham gia dàn hợp xướng hoặc một nhóm hát mộc nếu hát trong bè hợp với bạn hơn.

Vẽ, hoặc điêu khắc. Hãy dùng các dụng cụ để phác thảo một bức họa, vẽ một khung cảnh, hoặc điêu khắc một tác phẩm. Bạn có thể sẽ tìm thấy đam mê thực sự khi làm việc với đôi tay mình.


cach-xac-dinh-dam-me-19.jpg


3. Bắt đầu một sở thích mới

Có rất nhiều sở thích không đòi hỏi bất cứ kỹ năng thể lực hay nghệ thuật nào biết đâu có thể trở thành đam mê cho bạn. Cho dù bạn có muốn trở thành nhà sưu tập tiền xu hay bắt đầu học một ngôn ngữ mới, bất cứ sở thích nào bạn theo đuổi đều có thể trở thành đam mê thực sự của bạn. Sau đây là một số sở thích để bạn cân nhắc:

Ngắm chim. Bạn có thể kết nối với thiên nhiên trong khi học được vô số điều về thế giới động vật. Nếu đam mê, bạn có thể viết một quyển sách hoặc tham gia một đoàn ngắm chim.

Chải chuốt thú yêu. Có thể bạn luôn yêu thú cưng giờ là lúc để sở thích của bạn trở thành đam mê toàn thời gian. Hoặc có thể bạn chỉ muốn dành nhiều thời gian hơn để kết nối với con vật cưng của bạn. Điều đó cũng thật tuyệt vời.

Học một ngôn ngữ mới. Bạn có thể lựa chọn một ngôn ngữ cho vui. Bạn thậm chí có thể thấy rằng mình đang sống và hít thở những từ ngữ mới lạ. Hãy biến nó thành đam mê bằng cách làm biên dịch viên hoặc đắm mình trong ngoại ngữ tới nỗi bạn đọc và xem phim chỉ bằng ngôn ngữ đó hoặc thậm chí chuyển qua nước ngoài sống chỉ vì nó.

Nấu nướng. Có thể bạn đang quá phung phí kỹ năng nấu nướng của mình cho nó là đương nhiên. Nếu bạn đã thích nấu ăn, hãy bắt đầu bằng việc xem các chương trình bếp núc, đọc blog ẩm thực, chia sẻ công thức nấu nướng với bạn bè và thử xem bạn có thể biến tình yêu dành cho những món ngon thành đam mê toàn thời gian không.

Làm mộc. Bạn có thể rất cừ đóng đồ nội thất nhưng chỉ thỉnh thoảng mới làm mà thôi. Hãy xem nếu bạn có thể biến kỹ năng của mình thành đam mê bằng việc xây một phòng toàn đồ nội thât, hoặc thậm chí khởi nghiệp kinh doanh. Rất nhiều người thấy rằng đóng đồ nội thất hay chạm trổ những món đồ đẹp mang lại cảm giác dễ chịu, thậm chí còn mang giá trị tinh thần nữa. (Giống như Nick Offer, thường được biết tới với tên Ron Swanson từ chương trình “Parks and Recreation.”)


cach-xac-dinh-dam-me-20.jpg


4. Hãy bước ra khỏi vùng an toàn


Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm ra niềm đam mê, có thể do bạn quá quen với việc làm đi làm lại một điều đã cũ đến nỗi bạn cảm thấy quá thoải mái. Đây là một hiện tượng tâm lý: cảm thấy thoải mái dẫn tới kết quả hoạt động ổn định, nhưng ở trong vùng an toàn quá lâu sẽ bóp nghẹt sự khám phá và tính sáng tạo. Nếu bạn thật sự muốn tìm thấy đam mê, bạn phải thử thách chính mình và bước ra khỏi vùng an toàn để tìm cho được thứ thực sự lôi cuốn bạn. Dưới đây là một số điều có thể thử:

Hãy thử một hoạt động mạo hiểm, như nhảy bungee, bung dù tự do, hay trượt cáp. Có thể bạn sẽ tìm được tình yêu mới cho những hoạt động điên rồ này.

Làm một điều gì đó mà bạn nghĩ rằng mình không khá cho lắm. Nếu bạn nghĩ bạn là một vũ công, đầu bếp, thợ dệt, hay nhà văn kém cỏi, hãy thử dành một tiếng mỗi tuần cho những hoạt động này. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra một kỹ năng mới và thậm chí thêm cả đam mê mới.

Nếu bạn có thiên hướng nghệ thuật, hãy thử một điều logic, như trò giải đố ô chữ hay cờ vua. Nếu bạn rất thực tế, hãy thử thứ gì đó mang tính nghệ thuật với ít quy tắc cứng nhắc, như hội họa hay hát đổi tông kiểu Thụy Sĩ.

Nếu bạn cho rằng bạn không thể phân biệt được âm sắc, hãy thử một loại nhạc cụ. Học chơi piano, sáo, hay thậm chí chỉ chiếc máy ghi âm và xem điều này mở cánh cửa thế giới của bạn ra sao.


cach-xac-dinh-dam-me-21.jpg


5. Du lịch

Du lịch là một cách tuyệt vời để mở rộng thế giới của bạn và tìm ra đam mê với nhãn quan mới mẻ. Mặc dù ngân sách có thể hạn chế bạn du lịch tới nhiều miền đất, trong khả năng của mình bạn nên tới một nơi hoàn toàn mới và cảm nhận những cách sống, ăn uống và hít thở bầu không khí mới. Cho dù du lịch tới một thành phố khác hay vòng quanh thế giới đều có thể giúp bạn tìm ra điều mình đam mê.

Bạn có thể thấy đam mê thực sự của mình là du lịch. Nếu bạn thấy rằng mình có máu du ngoạn, đừng chần chừ và hãy lên kế hoạch cho những chuyến du ngoạn hàng năm hoặc thậm chí hàng tháng.

Chụp thật nhiều hình khi du lịch. Bạn có thể sẽ khám phá thấy chụp hình là đam mê mới của mình.

Thu nhận cảm hứng. Tìm kiếm đam mê từ xung quanh. Nếu bạn đang ở trên một bãi biển Florida, bạn có thể thấy đam mê mới của mình là thu thập vỏ sò, nếu bạn đang làm một vòng quanh bảo tàng Louvre ở Paris, bạn có thể nhận ra đam mê mới của mình là mỹ thuật.

Đừng trông chờ thế giới xung quanh làm việc này cho mình. Nếu bạn không có đủ tiền để du lịch tới những nơi xa xôi, hãy thử một kỳ nghỉ đâu đó gần thôi. Cứ thực hiện nó như thể bạn là một du khách. Ghé một quán bar hay cửa hàng bạn chưa bao giờ tới. Ngồi quán café quan sát mọi người. Nói chuyện với người lạ trên phố. Thay đổi nhãn quan có thể sẽ khiến cuộc sống của bạn thực sự thay đổi.


cach-xac-dinh-dam-me-22.jpg


6. Tham gia tình nguyện trong cộng đồng

Nếu bạn dành thời gian tình nguyện ở cộng đồng, bạn có thể nhận ra đam mê mới! Có rất nhiều cách tham gia tình nguyện trong cộng đồng: giúp mọi người phát triển kỹ năng viết lách và đọc sách tại thư viện địa phương, tình nguyện ở quầy bán soup khu vực, hoặc giúp dọn sạch công viên.

Nếu bạn giúp dọn sạch công viên, có thể bạn sẽ tìm thấy niềm đam mê trong việc làm vườn.

Nếu bạn giúp mọi người học đọc, bạn có thể phát triển đam mê dành cho việc dạy đọc, hoặc dạy học nói chung.

Nếu bạn làm việc tại một trung tâm dành cho những người vô gia cư, bạn có thể tìm thấy tình yêu trong việc giúp đỡ những người đang trong hoạn nạn.

Nếu bạn đảm nhận vai trò dẫn dắt trong một sự kiện tình nguyện, như là sắp xếp nhân sự cho một buổi quyên góp quần áo từ thiện, có thể bạn sẽ nhận thấy niềm đam mê trong việc lãnh đạo.

Nếu bạn tình nguyện tại một nông trại hữu cơ, bạn có thể nhận ra đam mê trong việc trồng trọt. Hãy tham khảo trang World Wide Opportunities on Organic Farms (WWOOF) để tìm cơ hội cho mình.

Bạn có thể tham khảo những trang web như VolunteerMatch để tìm cơ hội tình nguyện xung quanh nơi mình sống. Những trang web như GoAbroad và Projects Abroad có thể giúp bạn tìm cơ hội tình nguyện ở các quốc gia khác.


cach-xac-dinh-dam-me-23.jpg


7. Thử những điều mới lạ với sự hỗ trợ từ người khác

Bạn có thể có một người bạn bị ám ảnh bởi bắn cung hoặc viết truyện cười, hoặc một thành viên trong gia đình là bếp trưởng món tráng miệng giỏi nhất vùng. Hãy nói cho những người quen, hoặc những giáo viên trong cộng đồng của mình, để họ giúp bạn khám phá tài năng và đam mê mới.

Hãy để một người bạn thực sự đam mê một điều gì đó chỉ cách cho bạn, cho dù đó là chế tạo robot hay cắm hoa. Đam mê và kỹ năng từ người bạn cho hoạt động này sẽ truyền cảm hứng cho bạn.

Hãy để một thành viên gia đình giới thiệu cho bạn thế giới yêu thích của họ, cho dù đó là sửa mô tô hay câu cá. Bạn sẽ ngạc nhiên trước cảm giác đam mê về một điều mình đã biết từ rất lâu.

Tham gia một lớp học. Cho dù bạn đang tham gia một lớp nghệ thuật hoặc một lớp học về lịch sử Liên Xô, bạn có thể thấy có giáo viên hoặc một chuyên gia giải thích những khái niệm cho mình có thể khơi lên ngọn lửa đam mê. Hãy đăng ký bất cứ lớp học nào bạn thấy tò mò, cho dù đó là cao đẳng cộng đồng, khóa hoc online, hay tại trung tâm giải trí địa phương, và hãy sẵn sàng để được truyền cảm hứng.

Đọc. Đọc một quyển sách viết bởi chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định người thực sự đam mê một điều gì đó có thể giúp bạn thổi bùng ngọn lửa đam mê.

V. Đưa đam mê vào trong công việc


cach-xac-dinh-dam-me-24.jpg


1. Thực hiện nghiên cứu của riêng bạn

Hãy đọc các tài liệu về đam mê của mình. Nói chuyện với những người có kinh nghiệm. Tham khảo sách vở từ thư viện. Tham gia các khóa học. Bạn càng biết nhiều về đam mê của mình, bạn càng được trang bị tốt trong quá trình chuyển đổi.

Ví dụ, nếu bạn đã quyết định khởi nghiệp, bạn cần biết phải làm việc này như thế nào. Bạn cần những kỹ năng gì? Những hỗ trợ tài chính, sản phẩm… bạn cần là gì để sắp đặt trước khi khai trương?

Nói chuyện với những người trong ngành mà bạn cảm thấy ngưỡng mộ có thể đặc biệt hữu ích. Nhìn chung, mọi người sẽ vui vẻ đưa ra lời khuyên và cho bạn biết họ đã hiện thực hóa đam mê của mình thế nào. Họ cũng có thể kể bạn nghe những khía cạnh kém hứng thú hơn về đam mê mới của bạn. Việc ý thức những điểm này có ý nghĩa quan trọng để sau này bạn không bị bất ngờ về chúng.


cach-xac-dinh-dam-me-25.jpg


2. Tránh nhảy vào một công việc mới theo bản năng

Rất dễ sa vào cám dỗ khi từ bỏ công việc cũ rích nhàm chán và đâm đầu vào công việc bạn vừa mới khám phá ra. Tuy nhiên, nên thử phát hiện mới của bạn trước khi rời bỏ công việc ổn định cũ. Ai cũng có thể bị lôi cuốn vào một điều mới mẻ và phấn khích trong vài ngày. Khi bạn nhận ra mặt trái hoặc thậm chí là chán ngắt của khám phá mới kia và bạn vẫn yêu nó, thì đó là lúc bạn biết đó chính là lựa chọn dành cho mình

Ví dụ, trở thành bếp trưởng có vẻ như là công việc lý tưởng dành cho bạn, nhưng việc tô hồng mọi thứ khi không thực sự sống với nó hàng ngày thì quả là dễ dàng. Tham gia một khóa nấu ăn hoặc thậm chí nhập học một trường dạy nghề nấu nướng sẽ giúp bạn làm quen với những điều cơ bản nhất, như là giờ giấc kéo dài khủng khiếp, căn bếp nóng nực, và nhìn chung khoản lương thường thấp. Một khi bạn đã biết những mặt tồi tệ nhất về sự hứng thú mới của bạn và vẫn không thể hình dung mình sẽ làm bất cứ điều gì khác, bạn có thể tự tin rằng bạn đã tìm thấy “đam mê” đích thực.


cach-xac-dinh-dam-me-26.jpg


3. Hãy sẵn sàng rời bỏ khi cảm thấy không còn phù hợp

Nếu bạn cảm thấy mắc kẹt với một công việc dậm chân tại chỗ không hề giúp thỏa mãn nhu cầu của mình trừ việc trả tiền nhà hàng tháng, hãy tìm một công việc khác. Bạn thậm chí có thể nhận thấy việc ra đi trước khi kiếm được một công việc khác sẽ là động lực để làm việc hăng say hơn. Điều này là do “nỗi lo lắng tối ưu”, một hiện tượng tâm lý khi ở trong một tình huống xa lạ gây ra một sự lo lắng vừa đủ để bạn làm việc chăm chỉ và suy nghĩ sáng tạo hơn.

Hãy cảnh giác, quá nhiều căng thẳng cũng có tác động xấu tới kết quả công việc của bạn chẳng kém quá ít. Nếu bạn rời bỏ công việc mà bạn không thỏa mãn mà không có bất kỳ tích lũy hoặc ý tưởng nào trong khi lại gánh những khoản thế chấp, nợ sinh viên, và học phí của lũ trẻ, bạn có thể bị quá tải với quá nhiều căng thẳng đến mức không thể làm gì được.

Dịch bởi Kênh Sinh Viên
Nguồn: WikiHow
 
×
Quay lại
Top