Sử Chiến tranh năm 1979 và cuộc đấu trí cân não giữa Trung Quốc - Việt Nam - Hoa Kỳ

Erwin Rommel

Banned
Tham gia
22/4/2012
Bài viết
184
Lời nói đầu


Tác giả: Thiếu Long
Nguồn: https://my.opera.com/thieulongtexas/b...ioiphiabac1979

KenhSinhVien.Net-chien-tranh-bien-gioi-viet-trung.png


Lời nói đầu

Cuộc chiến chống bè lũ bành trướng phương Bắc năm 1979 là một trang sử hào hùng, oanh liệt trong lịch sử giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, nói lên tinh thần bất khuất, tự lực tự cường và sự trường tồn bất diệt của dân tộc ta. Đó là cuộc chiến quy mô chống Bắc xâm, chống ngoại xâm gần đây nhất, và chắc sẽ không phải là cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Đó là một cuộc chiến tổng lực, quy mô, và khốc liệt giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc xua hơn 50 vạn quân (tài liệu của Sư đoàn 3 Sao Vàng QĐNDVN: Khoảng 625.000, văn kiện của Bộ ngoại giao VN: 600.000, tài liệu Trung Quốc: 200.000, tài liệu Thủy quân Lục chiến Mỹ: 300.000 - 400.000, tài liệu Đài Loan: 200.000 - 400.000, tài liệu nhiều nước phương Tây như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan đều nhất trí là khoảng 600.000) tấn công tổng lực Việt Nam trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước, cuộc chiến kéo dài hơn 1 tháng và quân Tàu phải rút đi sau khi bị tổn thất nặng nề về nhân mạng cũng như vũ khí, và không có mục tiêu chiến lược, chiến thuật nào đạt được.

Quan hệ thù địch giữa Việt Nam và Trung Quốc kéo dài từ đó đến năm 1992, hai bên có thỏa thuận "không tuyên truyền chống nhau" nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước, do đó cuộc chiến tranh 1 tháng này (cũng như cuộc chiến tổng phản công vào sào huyệt Khmer Đỏ) không còn được nhắc nhiều trên thông tin đại chúng, vì lợi ích ngoại giao, vì quan hệ thân thiện giữa 2 nước, hay như cựu Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Trung Quốc Dương Danh Dy nói với Trung Quốc: Việt Nam vì đại nghĩa mà không nhắc lại chứ không phải vì sợ hãi hay chóng quên.

Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng sát bên nhau, có vị trí địa lý núi liền núi - sông liền sông, do đó có những sự tế nhị, nhạy cảm nhất định về truyền thông chính thống. Tuy vậy, những phương tiện truyền thông phi chính thống như diễn đàn, blogs trên Internet thì không có gì phải ngại.

Tôi viết bài này là mong cung cấp một góc nhìn hơi khác và đa diện, đa chiều, đầy đủ về cuộc chiến này, và cũng hy vọng nhiều bạn khác tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, thảo luận, tham luận về đề tài này, nhằm truyền tải các thông tin chi tiết, cụ thể về cuộc chiến, nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, góp phần "truyền lửa" lại cho thế hệ trẻ và đời sau, đề cao cảnh giác với người hàng xóm AQ "thâm nho" phức tạp, bạn thù lẫn lộn khó phân, và củng cố lòng tin vào trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại của Đảng và chính sách ngoại giao của Chính phủ.

Trong những ngày này 33 năm trước, những người con ưu tú đất Việt, những Bộ đội cụ Hồ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng đã chiến đấu quyết liệt chống trả lại cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, phi nhân của bè lũ Đặng Tiểu Bình trên cả 2 chiến trường, 2 mặt trận phía Nam và phía Bắc... Bài viết này nói lên sự một sự tri ân sâu sắc đối những vị anh hùng, những người con ưu tú của dân tộc, những người đã viết lên một trang sử vàng trong cuộc chiến đấu chống Bắc xâm năm 1979.


----------

1-Liên minh Việt - Trung từ lịch sử cận đại

Trong lịch sử cổ đại và trung đại Việt Nam, ngoài sự kiện thái tử Triệu Trung của nhà Tống cùng tàn quân sang Đại Việt tỵ nạn dưới trướng nhà Trần, sau đó cùng chống Nguyên Mông, thì không có trường hợp Việt - Trung liên minh cùng nhau chống lại một thế lực xâm lược từ bên ngoài.

Trong lịch sử cận đại Việt Nam thì có chuyện đó, do sự bành trướng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản, thực dân, đế quốc, các đế quốc lớn từ phương Tây xâm lăng chinh phạt khắp thế giới, khắp năm châu từ Á sang Âu đều in đậm dấu chân viễn chinh của họ. Tình thế, thời cuộc, và hoàn cảnh lịch sử thời đó đã thúc đẩy hai nước châu Á Việt - Trung đến với nhau cùng chống lại hiểm họa này, do hai nước cùng là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, cùng có những kẻ thù chung. Tuy nhiên, sự liên minh, hợp tác giữa 2 triều đình, 2 nhà nước, chưa bao giờ tin cậy nhau hoàn toàn và thân thiết với nhau thật sự. Mỗi bên đều có những tính toán riêng, mỗi bên đều vì lợi ích của mình.

Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ tấn công vào cảng Đà Nẵng và sau đó xâm chiếm Sài Gòn. Quân Pháp sau đó mở rộng chiến tranh xâm lược ra toàn miền Nam Việt Nam. Năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Bộ cho Pháp. Năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Bộ, tạo thành một lãnh thổ thuộc địa Cochinchine (Nam Kỳ) ở Nam Kỳ Lục tỉnh.

Trong thời gian đó, triều đình nhà Nguyễn chia làm nhiều phe, trong đó có 3 phe tiêu biểu là phe chủ trương đầu hàng (tự nhận là "chủ hòa") do đại thần Trần Tiễn Thành đứng đầu, phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lãnh đạo, và phe "chủ thủ" do chưởng quản Cơ-mật-viện Trương Đăng Quế chủ trì. Trong đó phe đầu hàng là lớn nhất, tuy nhiên Tôn Thất Thuyết lại là người nắm binh quyền. Sau khi vua Tự Đức băng hà, các hoàng tử còn bé, triều đình Huế lâm vào khủng hoảng, đại loạn, Tôn Thất Thuyết sẵn binh quyền trong tay, cùng với đồng liêu Nguyễn Văn Tường và những con trai của ông, dùng quân bản bộ "Phấn nghĩa" trấn áp triều đình và phế các ấu chúa cũ mà lập nên vua Hàm Nghi, quyết chống "Phú Lang Sa" đến cùng. Sau khi thất bại trong trận đánh úp quân Pháp ở kinh thành Huế, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở lập căn cứ chống Pháp, truyền hịch Cần vương, từ đó Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lãnh tụ của phe chủ chiến, lãnh đạo phong trào Cần vương thường xuyên liên lạc với nhà Thanh xin giúp đỡ chống Pháp. Đích thân Tôn Thất Thuyết cũng sang Đại Thanh nhiều lần để cầu viện chống Pháp.

KenhSinhVien.Net-620px-sinofrenchwar1884-1885.jpg



Triều đình nhà Thanh đồng ý sang đánh Pháp cho triều Nguyễn, cho Đại Nam, cùng với quân Cờ Đen (Hắc Kỳ quân) của tướng Lưu Vĩnh Phúc, một lực lượng quân phiệt cát cứ quanh biên giới Việt - Trung. Chiến tranh Pháp - Thanh nổ ra ở Bắc Việt, là cuộc chiến giữa Đệ Tam Cộng hòa Pháp và liên quân Đế chế Mãn Thanh - quân Cờ Đen - quân nhà Nguyễn chủ chiến (do phò mã Hoàng Kế Viêm thống lĩnh), diễn ra từ tháng 9 năm 1884 tới tháng 6 năm 1885. Cuộc chiến nổ ra vì Pháp muốn kiểm soát vùng đồng bằng Bắc Bộ và con đường nối từ thành Hà Nội đến tỉnh Vân Nam của Trung Hoa. Nhà Thanh ngược lại muốn ngăn cản sự hiện diện quân sự của Pháp tại Bắc Kỳ, vì điều này sẽ trực tiếp uy hiếp vùng biên giới phía Nam của họ. Sâu xa hơn nữa, là nhà Thanh muốn nhân cơ hội này để thừa cơ chiếm đoạt hoặc là duy trì ảnh hưởng của mình đối với An Nam, xưa nay vốn là "chư hầu" phong kiến của Trung Hoa.

Trước đó, khi phái chủ chiến của triều Nguyễn qua cầu viện, tổng đốc Lưỡng Quảng là Trương Thụ Thanh đã gửi mật sớ lên triều đình Mãn Thanh, có đoạn nói rằng: "Nước Nam và nước ta tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam thật là suy hèn, không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ ở các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh ở về phía Bắc sông Hồng Hà"; bởi vậy Thanh triều mới sai Tạ Kính Bưu, Đường Cảnh Tùng đem quân sang đóng ở Bắc Ninh và Sơn Tây, sau lại sai quan bố chính Quảng Tây là Từ Diên Húc đem quân sang tiếp ứng.

Sau 9 trận chiến lớn và nhiều trận đánh nhỏ khác, trong đó có trận Cầu Giấy nổi tiếng năm 1883 khi đại tá hải quân Henri Rivière bị liên quân Cờ Đen - Nguyễn giết chết, tuy nhiên cuối cùng liên quân Thanh - Cờ Đen - Nguyễn cũng thua cuộc, quân đội Pháp đã chiến thắng. Sau khi giành quyền làm chủ miền Bắc Việt Nam, chính phủ Pháp tuyên bố là họ sẽ bảo hộ Bắc Kỳ (Tonkin) và Trung Kỳ (Annam). Sau đó họ tiếp tục duy trì các hoàng đế bù nhìn cho đến Bảo Đại.

Một trong những nguyên nhân thất bại là vì sự không thật lòng giúp Đại Nam chống Pháp của nhà Thanh, hai bên không thật lòng liên minh với nhau. Còn quân Cờ Đen (Trung Quốc) gần như chỉ là một quân đội đánh thuê mặc dù Lưu Vĩnh Phúc cũng có tinh thần chống phương Tây cao độ.


KenhSinhVien.Net-404px-scene-of-a-battle-from-23-august-1884-with-a-chinese-ship-in-foreground-mountainous-scenery-behind.-smoke-billows-into-the-sky-from-a-burning-ship-at-the-lower-left..jpg


Hải quân Pháp đánh chìm chiến thuyền Trung Hoa tại Phúc Châu

2-Liên minh Việt - Trung từ lịch sử hiện đại


Sau khi nước Việt Nam phục hồi độc lập, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945, Pháp quay lại xâm lược lần thứ hai với tham vọng tái chiếm thuộc địa, không muốn bỏ mất thuộc địa "béo bở" Đông Dương, không muốn bỏ mất "Hòn ngọc Viễn Đông" (hòn ngọc ở phương Đông xa xôi) của mình.

Trong kháng chiến chống Pháp, CHND Trung Hoa sau khi thành lập năm 1949, cũng có giúp đỡ một cách hạn chế cho Việt Nam DCCH chống Pháp. Họ cử một phái đoàn cố vấn vài chục chuyên gia quân sự sang tham mưu với tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng chỉ có ý nghĩa tượng trưng và có ý nghĩa thắt chặt tình nghĩa quan hệ gần gũi hơn là cố vấn có hiệu quả, có tác dụng thật sự.

Sau khi Việt Nam thắng trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ chấn động thế giới, giải phóng miền Bắc, giành được độc lập tự chủ thực tế trên nửa nước, lúc ấy quân dân ta vẫn đủ sức để chiến đấu giải phóng nốt miền Nam, nhưng Đảng và Bác Hồ muốn tranh thủ hòa bình, dưỡng sức nuôi quân, và không muốn đồng bào, chiến sĩ phải tổn thất thêm, xương máu đổ xuống thêm, đất nước bị tàn phá thêm, và cũng không muốn "ép chó vào chân tường", chọc giận con thú dữ bị thương, nên đã mở ra một con đường cho Pháp "xuống thang" và cho họ giữ được quốc thể, chấp nhận nghị hòa và đàm phán trong hội nghị quốc tế Genève.

Lúc này Trung Quốc đáng lý ra là đồng minh của Việt Nam, nhưng quan điểm của họ trong hội nghị này lại không đồng thuận với quan điểm của VN, không phù hợp với lợi ích của VN, mà lại đồng thuận với quan điểm của Pháp, thích hợp với lợi ích của Pháp. Do họ không muốn Việt Nam hoàn toàn thắng Pháp, không muốn thấy một VN thống nhất, mạnh mẽ hiên ngang ở phương Nam, mà chỉ muốn thấy một VN không yếu, không mạnh, đủ sức chống thực dân đế quốc phương Tây nhưng vẫn phải nhờ vào sự giúp đỡ của họ, giữ cho VN không thắng, không thua, giúp đủ cho VN không bại, không chết, nhưng cũng phá cho VN không thắng. Họ muốn nhìn thấy một VN bị chia cắt lâu dài.

Trong khoảng thời gian cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, Trung Quốc từng bước phản bội Việt Nam, họ muốn tranh giành địa vị đứng đầu khối XHCN với Liên Xô, nhưng lại không ép được Việt Nam bỏ Liên Xô, chống Liên Xô, đứng về phía họ hoàn toàn.

Trước đây, Trung Quốc thật sự chống Pháp - Mỹ nên đã giúp đỡ VN một cách hạn chế, một cách có toan tính. Họ giúp nhưng chỉ giới hạn ở mức đủ cho VN giữ được miền Bắc và có thể những vùng giải phóng ở miền Nam, chứ họ không muốn VN thật sự thắng Mỹ và hoàn toàn giải phóng miền Nam, họ không muốn thấy 1 Việt Nam thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, hùng cường hiên ngang ở phương Nam, ngáng chân chủ nghĩa bành trướng khu vực của họ và cạnh tranh kinh tế với họ. Do đó, Trung Quốc luôn giúp đỡ Việt Nam một cách cầm chừng, dè dặt, thận trọng, và không hết lòng, thật dạ.

Trung Quốc chỉ muốn nhờ sức Việt Nam che chắn cho Trung Quốc được an toàn, xem VN là một vùng đệm để giữ khoảng cách an toàn tối thiểu trước mối đe dọa của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, không muốn thế lực Hoa Kỳ vượt qua VN mà đến gần cương thổ của họ, đe dọa an ninh quốc phòng của họ.

Tuy nhiên, về sau họ ngày càng theo hướng thực dụng, hữu khuynh, muốn đi cửa sau, đi đêm với Mỹ để chống Liên Xô, tranh giành quyền lực và ngôi vị với LX trong khối XHCN. Từ lúc Đặng Tiểu Bình giành ưu thế trong cuộc chiến tranh giành quyền lực nội bộ, Trung Quốc từng bước phản bội lại tinh thần vô sản quốc tế, nghĩa vụ quốc tế, dần ra mặt chống Liên Xô, phản Việt Nam, "ngoại giao bóng bàn" với Mỹ và từng bước thỏa hiệp, toa rập, thông đồng với nhau để chống Liên Xô và Việt Nam.

Trung Quốc muốn cải cách, thay đổi chính sách đối ngoại từ "cận giao viễn công" (hòa gần, chống xa, nói nôm na theo dân gian VN là "bán bà con xa, mua láng giềng gần") sang "viễn giao cận công" (hòa xa, chống gần), hướng về trời Tây, mở ra với thế giới phương Tây, họ muốn "phá băng", nối lại chiếc cầu với Mỹ và dùng Mỹ làm chiếc cầu nối họ đến với phương Tây. Đặng Tiểu Bình biết phá băng được với Mỹ là sẽ phá băng và mở ra được với Anh, Pháp, và các nước phương Tây. Mỹ thì muốn dùng Trung Quốc để chống Liên Xô, dùng cộng sản chống cộng sản, chia rẽ khối XHCN, khoét sâu rạn nứt giữa Liên Xô và Trung Quốc, giữa phe thân LX, phe thân TQ, và các đồng minh của 2 cường quốc cộng sản này. Và muốn mượn tay Trung Quốc đâm sau lưng Việt Nam.

Vào cuối thập niên 1960, Trung Quốc dùng đủ mọi cách để thuyết phục Việt Nam xa Liên Xô, xích gần và đứng hẳn về phía Trung Quốc, nhu cương đủ cách, từ mềm mỏng, năn nỉ đến hù dọa cắt quan hệ 2 Đảng, 2 chính phủ, 2 nước, từ nói úp mở, xa gần, quanh co, bóng gió đến nói thẳng, nói mạnh, nói nặng, từ lạnh nhạt đến biện pháp á khẩu (silent treatment), ăn vạ, dùng vấn đề viện trợ để khi thì dùng làm "củ cà rốt", lúc thì sử dụng làm "cây gậy" để dọa Việt Nam phải bỏ Liên Xô, đứng về phía Trung Quốc, ủng hộ Trung Quốc trong sự mâu thuẫn với Liên Xô.

Nhưng Việt Nam vẫn không nao núng, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn sang Trung Quốc đã xác định rõ, nói thẳng, nói thật, tỏ thái độ mạnh mẽ với họ rằng Việt Nam kiên quyết giữ vững đường lối ngoại giao độc lập tự chủ, trung thành với nguyên tắc trung lập trong khối XHCN, nhất quán với đường lối duy trì tình đoàn kết, hòa thuận trong đại gia đình XHCN. Tóm lại đưa lên thông điệp trước sau như nhất: Tôi muốn đứng ở đâu thì đứng, tôi muốn chơi với ai thì chơi.

Trung Quốc rất cay cú, BTTN Lê Duẩn được tiễn về với một hình thức thất lễ chưa từng thấy trong nghi thức ngoại giao thông thường. Để tăng áp lực bắt Việt Nam rời xa Liên Xô, chính phủ Trung Quốc đã chỉ thị cho sứ quán của họ ở Hà Nội xúi giục, tổ chức người Hoa ở Việt Nam gây rối, chống lại Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, cùng với mấy ngàn người thuộc lực lượng hậu cần, dân phu Trung Quốc sang làm đường giúp Việt Nam ở những tỉnh phía Bắc từ năm 1965 đến 1968, bọn phản động người Hoa tuyên truyền chủ nghĩa Mao và cái gọi là “Cách mạng văn hóa” trong cộng đồng người Hoa, xuyên tạc đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Hoa Nam Tình Báo Cục (Hoa Nam Cục, cơ quan điệp báo chuyên trách các khu vực thuộc phía Nam Trung Hoa, Đài Loan, Đông Dương, Đông Nam Á) tổ chức các mạng lưới gián điệp. Nhà cầm quyền Bắc Kinh còn cho những điệp viên, nằm vùng dùng danh nghĩa “tỵ nạn cách mạng văn hóa”, "tỵ nạn chính trị", "tỵ nạn Tứ nhân bang" (Bè lũ bốn tên) thâm nhập, trà trộn vào các tỉnh biên giới Bắc Việt để công tác tình báo và tổ chức các “đội quân thứ 5” (Trong cuộc hội đàm cấp cao Việt - Trung tháng 9 năm 1970, Mao Trạch Đông đã thừa nhận trách nhiệm của Trung Quốc đối với các hoạt động không hữu nghị này. Tháng 11 năm 1977, Chủ tịch Hoa Quốc Phong lại một lần nữa, thừa nhận như thế.).

Năm 1969, cái gọi là “Đại cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc về cơ bản hoàn thành. Chính phủ Bắc Kinh bên trong thì ra sức củng cố quyền lãnh đạo của Mao Trạch Đông, ổn định tình hình, đẩy mạnh sản xuất, bên ngoài thì thi hành mọi biện pháp để đẩy nhanh quá trình nhích lại gần Mỹ nhằm ngoi lên địa vị một cường quốc lớn, bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung, và giải quyết vấn đề Đài Loan. Họ tham vọng muốn lợi dụng Việt Nam để đạt mục tiêu đối ngoại đó.

Năm 1969 là năm đầu của Nixon vào Nhà Trắng. Ông ta đưa ra “học thuyết Nixon" nhằm cứu vãn và khôi phục địa vị của đế quốc Mỹ trên thế giới đã bị suy yếu nghiêm trọng do hậu quả sa lầy và hao binh tổn tướng trong Chiến tranh Việt Nam, Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược “Phi Mỹ hóa chiến tranh” (sau đổi tên thành “Việt Nam hóa chiến tranh” để bớt bộc lộ bản chất xâm lược) nhằm rút được đại quân chủ lực, quân chính quy Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam mà vẫn giữ được ngụy quyền bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu, để "thay màu da xác chết", thay xác người Mỹ bằng xác người Việt.

Từ năm 1969 trở đi là bắt đầu một thời kỳ quân dân hai miền Nam-Bắc đẩy mạnh công cuộc chống Mỹ cứu nước trên chiến trường cũng như tại Hội nghị Paris, ngày càng giành thêm nhiều thắng lợi. Đây cũng là thời kỳ Bắc Kinh và Washington tăng cường tiếp xúc, bắt tay công khai với nhau, bàn bạc không những các vấn đề song phương, mà còn những vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có Đông Nam châu Á, bán đảo Đông Dương, bao gồm trọng điểm Việt Nam.

Từ đầu thập niên 1970, theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara và nhà ngoại giao kỳ cựu, cựu cố vấn an ninh quốc phòng Hoa Kỳ Henry Kissinger trả lời phỏng vấn trên báo New York Times, Washington Post thì Mỹ và Trung Quốc đã thường xuyên "đi đêm" với nhau. Kissinger đã nhiều lần sang Trung Quốc mật đàm với Chu Ân Lai, Hoa Quốc Phong. Từ đó, Trung Quốc phát triển thành sách lược ngoại giao "liên Mỹ đả Việt" (聯美打越). Họ tìm đến nhau, sử dụng nhau, lợi dụng nhau, và cần nhau. Họ có cùng chung địch thủ là Liên Xô và Việt Nam. Bắt đầu từ đó, Trung Quốc đã bắt đầu giở trò viện trợ đạn thối, vũ khí hỏng, cũ kỹ, giấu không giao lại một số hàng Liên Xô viện trợ, viện cớ hư hỏng, hoặc tháo gỡ bớt một số tính năng vũ khí của Liên Xô, vô hiệu hóa một số tác dụng, làm giảm hiệu quả tác chiến.

Theo Hiệp định Paris về Việt Nam, Mỹ phải rút thực binh ra khỏi miền Nam Việt Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, và các bên ở Nam Việt Nam cùng thành lập một Chính phủ liên hiệp ba thành phần. Đó là thắng lợi của đường lối độc lập, tự chủ và cuộc chiến đấu ngoan cường của Việt Nam và cũng là thất bại của sự mua bán đổi chác sau lưng Việt Nam giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thể hiện trong Thông cáo Thượng Hải mà Chu Ân Lai và Richard Nixon ký với nhau (trước đó Kissinger đã 2 lần mờ ám sang gặp lãnh đạo Trung Quốc để dàn xếp cho cuộc gặp thượng đỉnh này).

Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam luôn luôn chủ trương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris về Việt Nam, và đòi hỏi Mỹ-Thiệu cũng phải có thái độ như vậy. Nhưng Mỹ-ngụy đã không thi hành đàng hoàng Hiệp định đó, chỉ muốn thi hành những điều khoản có lợi cho Mỹ. Còn hầu hết các điều khoản khác thì họ vi phạm ngay từ đầu.

Lúc Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực cũng là lúc Mỹ-ngụy đưa hàng vạn quân có máy bay, trọng pháo và xe tăng yểm trợ đổ bộ lên Cửa Việt hòng chiếm lấy vùng giải phóng phía Bắc tỉnh Quảng Trị. Sau đó quân ngụy liên tục tấn công miền Nam Việt Nam, lấn chiếm nhiều vùng giải phóng do Cộng hòa miền Nam Việt Nam quản lý. Âm mưu của Mỹ là xóa bỏ tình hình thực tế có hai vùng, hai chính quyền, đặt lại toàn bộ miền Nam Việt Nam dưới ách thống trị thực dân kiểu mới, kéo dài chiến tranh xâm lược.

Trung Quốc bề ngoài tỏ vẻ hoan nghênh Hiệp định Paris về Việt Nam. Trên thực tế để thực hiện sự thỏa thuận với Mỹ và tăng cường câu kết với Mỹ, đồng thời tiếp tục làm suy yếu Việt Nam, họ tìm mọi cách cản trở cuộc đấu tranh của người Việt Nam nhằm đánh bại âm mưu của Mỹ phá hoại Hiệp định Paris về Việt Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất non sông.

Năm 1973, sau Hiệp định Paris về Việt Nam, Trung Quốc "khuyên" Việt Nam "trường kỳ mai phục", ẩn nhẫn chờ thời, thực chất là "nằm chờ sung rụng", tương tự như họ từng "khuyên" VN với luận điệu như thế sau Hiệp định Genève về Đông Dương, tóm lại là họ "khuyên đểu" VN không nên làm gì cả, họ không muốn Việt Nam thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để tỏ "thiện chí" với nhân dân Việt Nam và muốn "dụ dỗ" Việt Nam chấp nhận sách lược "nằm yên chờ sung rụng" này, Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục viện trợ trong 5 năm. Sự thật là khi đó họ đã ngừng hoàn toàn viện trợ quân sự, còn về viện trợ kinh tế họ nhận chủ yếu phục hồi các cơ sở do họ giúp trước đây mà đã bị Mỹ dội bom đánh phá, nhưng lại cố ý kéo dài việc thực hiện, có nơi vờ "quên" thực hiện.

Nhà cầm quyền Trung Quốc thực chất muốn Việt Nam không làm gì cả, kể cả khi quân ngụy đánh vào và lấn chiếm vùng giải phóng, cách mạng miền Nam làm một cái bị thịt, làm một bao cát mặc cho địch đánh đấm tự do, nằm yên chờ chết.

Đứng trước thực tế quân ngụy Sài Gòn tấn công và lấn chiếm vùng giải phóng, tháng 10 năm 1973, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam buộc phải ra lệnh đánh trả. Gần một tháng sau đó, trong chuyến Kissinger đi thăm Bắc Kinh, hai bên ra thông cáo thỏa thuận là trong tình hình “đặc biệt nghiêm trọng hiện nay”, hai bên cần tiến hành liên hệ thường xuyên ở các cấp có thẩm quyền để trao đổi ý kiến về những vấn đề cùng quan tâm. Thực chất đó là sự phối hợp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nhằm ngăn cản cuộc đấu tranh của các lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam chống Mỹ-ngụy. Theo tướng Alexander Haig, báo Mỹ "Người hướng dẫn khoa học Cơ-đốc", ngày 20 tháng 6 năm 1979, thì lúc đó Bắc Kinh đã khuyên Mỹ “đừng thua ở Việt Nam, đừng rút lui khỏi Đông Nam Á”.

Năm 1974, Mỹ đang thực hành sách lược "phi Mỹ hóa - Việt Nam hóa chiến tranh", "thay màu da xác chết", dùng người Việt đánh người Việt. Họ vẫn làm chủ, có toàn quyền ở miền Nam Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa. Lúc đó tình hình chiến trường càng lúc càng bi đát, ảm đạm, bi quan, họ đã nhắm không giữ nổi miền Nam Việt Nam, sớm muộn gì cũng thua, nên đã thỏa thuận nhượng lại Hoàng Sa cho Trung Quốc để đổi lấy những lợi ích kinh tế, chính trị và củng cố, thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hình thành thái cực Mỹ - Trung chống Việt - Xô. Đó là thời kỳ Trung - Xô xung đột và Trung Quốc "liên Mỹ đả Việt". Đó là lý do vì sao khi hải quân Trung Quốc được Mỹ bật đèn xanh bất ngờ tấn công vào Hoàng Sa, hải quân ngụy sau khi buộc phải tự vệ thì có lệnh phải triệt thoái, và họ đã chạy khỏi và bỏ lại toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, các lực lượng hải quân hùng hậu quanh đó bị Nguyễn Văn Thiệu hạ lệnh án binh bất động, những tàu chiến hiện đại đang trên đường ra Hoàng Sa thì bị gọi quay về. Hạm đội 7 của Mỹ đóng gần đó thì mắt nhắm mắt mở, lờ đi, án binh bất động.

Có câu "đánh tớ phải nể mặt chủ", dĩ nhiên Trung Quốc đã an bài trước với Hoa Kỳ sau hậu trường, được Mỹ gật đầu, thì mới có thể "tỉnh bơ", ngang ngược, công khai đánh thẳng vào quần đảo Hoàng Sa ngay trước mặt Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ như vậy. Lúc đó TQ không muốn và không dại gì làm mất lòng Mỹ trong khi quan hệ hai nước đang phục hồi, xích lại gần nhau và phát triển tốt đẹp. Mỹ vừa hợp tác, vừa lợi dụng Trung Quốc để chia rẽ khối XHCN châu Á, gây hại cho phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam, rình rập đâm lén sau lưng VN.

Trung Quốc nói là để "tự vệ", nhưng thực chất đó là một hành động xâm lược, một hành vi "đục nước béo cò", "thừa nước đục thả câu", một sự xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam từ tay Mỹ để khống chế Việt Nam từ mặt biển và từng bước thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành "ao nhà". Hành động xâm lược của họ có tính toán từ trước và được sự đồng tình của Mỹ. Vì vậy, khi đó người Mỹ ở Sài Gòn đã trao đổi với Nguyễn Văn Thiệu và hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương đã được lệnh nhắm mắt làm ngơ cho Trung Quốc tấn công quần đảo Hoàng Sa, đồng thời các lực lượng hải quân ngụy đang trên đường cứu Hoàng Sa bị buộc phải quay trở về đất liền. Thực tế Mỹ-ngụy đã bức tử quân mình ở Hoàng Sa.

Trong cuộc hội đàm với Việt Nam năm 1975, phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận rằng hai bên đều tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của mình, cho nên cần gặp gỡ để bàn bạc giải quyết. Điều đó càng chứng tỏ hành động của phía Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa là ngang ngược, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế, gây ra một tình trạng việc đã rồi. (Về vấn đề biên giới, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các cộc đàm phán về vịnh Bắc Bộ và biên giới, xin tham khảo Bị vong lục của Bộ Ngoại Giao nước CHXHCN Việt Nam ngày 7 tháng 8 năm 1979 và ngày 27 tháng 9 năm 1979, và Sách trắng của Bộ Ngoại Giao CHXHCN Việt Nam công bố ngày 28 tháng 9 năm 1979)

Tại Campuchia, Pol Pot, đồng minh trung thành của Bắc Kinh, bằng những thủ đoạn lọc lừa, dối trá, lưu manh, tàn ác, kể cả việc thủ tiêu những cán bộ cách mạng chân chính, ra sức củng cố địa vị chính trị, nắm toàn bộ quyền lực để biến Đảng cộng sản Campuchia thành một đảng lệ thuộc Bắc Kinh, biến chế độ của ông ta thành một chế độ diệt chủng. Như vậy, Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong âm mưu nắm trọn Campuchia dưới chế độ của Pol Pot, đàn em trung thành của Trung Quốc, chuẩn bị bàn đạp tấn công Việt Nam từ phía Tây Nam sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng.

Mặc dù Trung Quốc - Hoa Kỳ dùng đủ mọi cách để cản trở quân dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, quân dân Việt Nam vẫn kiên quyết đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao chống Mỹ-ngụy tiến lên giành toàn thắng. Với cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Việt Nam đã giành toàn thắng trước Hoa Kỳ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất sơn hà.

Trung Quốc, đầu tiên xuất phát từ lợi ích dân tộc của chính họ, trong thời gian đầu quả thật có giúp Việt Nam khi Việt Nam bắt đầu chiến đấu chống Mỹ, nhưng cũng lại xuất phát từ lợi ích dân tộc, họ không muốn Việt Nam thắng Mỹ và trở nên mạnh, mà chỉ muốn Việt Nam yếu, phải nhờ vả và dựa vào Trung Quốc. Vì vậy, từ chỗ chống nhau, họ dần đi tới thân thiện với đế quốc Mỹ, và từng bước toa rập với Mỹ muốn Việt Nam bị chia cắt lâu dài, nhưng nhân dân Việt Nam đã đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.

Trung Quốc đi đêm với Mỹ, thông đồng với Mỹ mưu hại Việt Nam, chơi trò hai mặt, một mặt duy trì giúp đỡ cầm chừng, đủ để giữ bộ mặt "chính nghĩa" và uy tín trên trường quốc tế và trong khối XHCN, tranh giành "thương hiệu" với Liên Xô, tranh làm "hiệp sĩ" với LX, một mặt câu kết, toa rập với Hoa Kỳ chống VN, chống LX. Nhưng "cuộc tình tội lỗi" Mỹ - Trung đó không ngăn được nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn. Trung Quốc muốn chia rẽ Việt Nam với Liên Xô và các anh em xã hội chủ nghĩa khác, nhưng Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã giữ vững đường lối độc lập, tự do của mình, tăng cường đoàn kết với Liên Xô và các đồng minh xã hội chủ nghĩa khác.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tìm cách đi cửa sau để tiếp xúc với những tay sai của Hoa Kỳ, thậm chí cho người đến gặp và thuyết phục tướng Dương Văn Minh, “tổng thống” vào ngày cuối của chế độ Sài Gòn để tiếp tục chống lại cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân của quân dân miền Nam Việt Nam. Văn kiện “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua” của Bộ ngoại giao Việt Nam do NXB Sự Thật xuất bản vào tháng 10 năm 1979 đầu tiên công bố chuyện mờ ám này. Sau này, tướng Dương Văn Minh, tướng Nguyễn Hữu Hạnh, sĩ quan ngụy Trần Viết Đại Hưng (sở hữu một số bức thơ Dương Văn Minh gởi cho bạn thân là tướng Nguyễn Chánh Thi), và nhiều cựu tướng tá, sĩ quan QLVNCH cũng thừa nhận chuyện này.

Theo tướng ngụy Lý Tòng Bá và Dư Quốc Đống kể lại trên đài radio “Chân trời mới” và một số đài phát thanh Việt ngữ ở Houston, Texas, Hoa Kỳ năm 2004. Trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, một nhân viên ngoại giao Trung Quốc đã gặp riêng Dương Văn Minh và khuyến khích hãy cố thủ, án ngữ Vùng 4 Chiến thuật, hứa hẹn sẽ đem quân đánh vào biên giới miền Bắc Việt Nam để giải vây cho ngụy Sài Gòn. Nhưng tình thế bi đát, Mỹ bất lực, buông tay, bỏ rơi, tình hình của ngụy Sài Gòn đã tuyệt vọng không còn cách nào cứu vãn. Dù quân Trung Quốc có thật sự làm vậy thì cũng không thể nào ngăn cản được khí thế tiến công của quân dân miền Nam từ nông thôn tràn về giải phóng Sài Gòn, hang ổ cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn.

Rất nhiều tư liệu, hồi ký, hồi ức của các chóp bu ngụy, sĩ quan ngụy đã thừa nhận việc này. Ví dụ ông Dương Văn Minh sau khi định cư ở Pháp, đã kể lại cho các sinh viên Pháp gốc Việt trong một buổi nói chuyện thân mật ở Paris rằng trong ngày 30 tháng 4, khi ngụy quyền Sài Gòn trong cơn hấp hối, sắp sụp đổ, thì người của Trung Quốc đã tìm cách liên lạc với chính phủ Dương Văn Minh thông qua sự trung gian của người Pháp, đề nghị viện trợ, giúp đỡ khẩn cấp ngụy Sài Gòn chống lại quân và dân miền Nam.

Theo cựu chuẩn tướng quân đội Sài Gòn Nguyễn Hữu Hạnh (hiện đang là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), thì sáng ngày 30-4-1975, biệt phái viên Francois Vunuxem (tướng tình báo Pháp) đã đến “Phủ thủ tướng” gặp “tổng thống” Dương Văn Minh, đề nghị kêu gọi Trung Quốc can thiệp để cứu ngụy quyền Sài Gòn đang thoi thóp. Tướng Minh vốn đã được Ban Binh vận Trung ương cục miền Nam thông qua em trai Dương Thanh Nhựt (bí danh Mười Ty, người của cách mạng) và gia đình đã thuyết phục từ trước, nên ông đã khước từ và nói: “Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Cộng.” Cựu dân biểu Sài Gòn Lý Quý Chung, Bộ trưởng Thông tin trong ngụy quyền Dương Văn Minh, trong hồi ức “Hồi ký không tên” xuất bản ở Việt Nam cũng đề cập tới chuyện này.

Ông Nguyễn Hữu Thái, một chiến sĩ cách mạng, một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào sinh viên Sài Gòn chống Mỹ trước 1975 cũng xác nhận thông tin này. Trong bài hồi ức “Dương Văn Minh và tôi” trên Viet-Studies năm 2008, ông ta kể lại: Viên tướng Pháp Francois Vanuxem đội lốt ký giả hối hả đến gặp tướng Minh và các cộng sự, và nói với họ: “Hãy rút về Cần Thơ, cố thủ Vùng 4 Chiến thuật, chỉ vài ngày nữa thôi thì Trung Quốc sẽ có giải pháp trung lập hóa miền Nam”. Tướng Minh từ khước đề nghị của đặc sứ Pháp và sau đó than với cộng sự một câu khác nhưng cùng một ý: “Hết Tây đến Mỹ, chẳng lẽ bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu nữa sao!”

Đó là lý do mà trong những ngày miền Nam sôi sục khí thế, thì ít ai để ý lúc đó Trung Quốc đã tập kết trọng binh một cách bất thường ở biên giới phía Nam, đại quân áp sát biên thùy, tạo ra áp lực quân sự làm nóng biên giới, trong khi lực lượng võ trang miền Nam Việt Nam đang tiến quân như “mưa lũ tràn về” giải phóng thành đô, thì lực lượng biên phòng miền Bắc Việt Nam phải đặt trong tình trạng báo động với một tâm trạng hoang mang không hiểu ông hàng xóm định làm gì.

Như vậy đã rõ, Trung Quốc không muốn một Việt Nam độc lập - thống nhất – hòa bình nên đã đi đêm, liên minh với Mỹ, thực hiện sách lược “liên Mỹ đả Việt”, sau khi Mỹ “bỏ con giữa chợ” thì Trung Quốc muốn đóng thay vai trò của Mỹ. Nhưng họ không ngờ con bài Dương Văn Minh của Mặt trận, vốn đã được Ban Binh vận Trung ương cục miền Nam, và đại tá QĐNDVN Dương Thanh Nhựt (em ruột của tướng Minh) cảm hóa từ lâu, “thân tại Tào – tâm tại Hán”. Mặt trận ngay từ đầu đã khuyến khích, động viên tướng Minh ở lại với Mỹ, vì một sĩ quan cao cấp, có chức tước cao ở trong hàng ngũ giặc thì có lợi cho kháng chiến hơn, phát huy giá trị hơn.

Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, “con bài Dương Văn Minh” đã phát huy tác dụng, giành quyền từ tay ông lão cực đoan Trần Văn Hương, không nghe lời Mỹ, bác bỏ mọi uy hiếp, dụ dỗ của Trung Quốc, đầu hàng vô điều kiện và kêu gọi binh lính bỏ vũ khí đầu hàng làm Mỹ và Trung Quốc đều bị bất ngờ, Mỹ không phản ứng kịp và Trung Quốc không kịp “đục nước béo cò”. Đồng thời đặt Mỹ-ngụy và toàn quân vào một “sự đã rồi”, đánh gục tinh thần kháng cự cuối cùng của Mỹ-ngụy, làm cho họ hoàn toàn gục ngã, tuyệt vọng. Khiến cho ai còn không thức thời, không hiểu biết cũng đều phải buông súng đầu hàng.

Sự kiện trên cũng cho thấy, Trung Quốc không chỉ muốn “liên Mỹ đả Việt”, mà còn muốn thay thế vai trò của Mỹ đối với ngụy quyền. Vì khách quan mà nói, Mỹ đã “bỏ con giữa chợ”, hoàn toàn bỏ rơi ngụy Sài Gòn từ sáng ngày 30/4/1975. 4:58 sáng thì Martin đã rời Việt Nam. 7 giờ sáng những quân nhân cuối cùng của Hoa Kỳ cũng rời khỏi Việt Nam. 7:53 sáng chiếc trực thăng quân sự cuối cùng của Mỹ chở 10 người lính Thủy quân Lục chiến Mỹ cuối cùng tháo chạy khỏi Việt Nam. Không đầy 4 giờ sau, ngụy quyền sụp đổ, ngụy quân tan rã.

Như vậy, kết quả cuộc chiến đã được định đoạt vào lúc 7:53 sáng ngày 30/4 khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, chứ không phải khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vào 11:30 trưa hôm đó, tướng Minh là quân bài của Mặt trận từ lâu, và tác dụng của việc tuyên bố đầu hàng và kêu gọi buông súng chỉ là để cho không còn đổ máu vô ích, đánh gục những sự ngoan cố cuối cùng của một bộ phận quá khích.

Những trò bỉ ổi của Trung Quốc như đã tường trình ở trên, chính là nằm trong khoảng thời gian 4 giờ này, sau khi Mỹ đã bỏ đi, TQ không còn người chủ để nói chuyện ở Sài Gòn nên đành đến gặp và thuyết phục “tổng thống” Dương Văn Minh. Nhưng họ không ngờ tướng Minh là lá bài của Mặt trận, vì thế đã bác bỏ đề nghị của Trung Quốc và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Trung Quốc lá mặt, lá trái không những với Việt Nam, mà còn với cả đồng minh mới Hoa Kỳ, “tình nhân” mà họ đi đêm từ năm 1972. Âm mưu qua mặt Mỹ, nhặt lại công cụ mà Mỹ đã sử dụng và vừa mới vứt bỏ cách đó vài giờ. Mỹ - Trung, một bên vỏ quýt dày thì một bên móng tay nhọn, bên tám lạng, người nửa cân, hình thành một mối quan hệ bạn thù khó phân.

Không những các thỏa thuận giữa Trung Quốc với Mỹ, những mưu đồ chiến lược của họ đã bị thất bại, mà một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa độc lập, thống nhất, phát triển, hội nhập, và có uy tín và vị thế chính trị ngày càng cao trên trường quốc tế, sẽ mãi là vật cản, chướng ngại không thể nào san bằng cho mưu đồ bành trướng bá quyền đại dân tộc của Trung Quốc ở Đông Dương và Đông Nam Á. Thắng lợi lịch sử của Việt Nam ngày 30/4/1975 không chỉ là thất bại lớn của đế quốc Mỹ xâm lược, mà cũng là thất bại lớn của bọn bành trướng Bắc Kinh.

Henry Kissinger khi nói về Chiến tranh biên giới Việt – Trung cũng đã thừa nhận: “Trung Quốc giúp đỡ Hà Nội để làm cùn bớt lưỡi dao của Mỹ thọc vào châu Á.”, “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975, chính là mối đe dọa chiến lược to lớn đối với Trung Quốc còn hơn đối với Mỹ”.

Vào những năm cuối đời của Mao Trạch Đông và sau cái chết của ông, cuộc đại khủng hoảng tại Trung Quốc tiếp tục diễn ra gay gắt, với những cuộc thanh trừng tàn bạo lẫn nhau nhân danh này, nhân danh kia để tranh giành quyền bính. Trong 20 năm liền, nền kinh tế và tình hình chính trị, xã hội của Trung Quốc đã bị suy thoái, băng hoại và hỗn loạn vì những cái gọi là “Đại nhảy vọt”, “Đại cách mạng văn hóa”. Mặc khác, sự yếu kém về quân sự và kinh tế của Trung Quốc trong thời kỳ này không cho phép bọn bá quyền Bắc Kinh thực hiện ý đồ như họ mong muốn.

Cho nên, về đối nội, họ lấy chủ nghĩa Đại Hán, lấy tư tưởng đại dân tộc để tập hợp các phe phái và động viên dân Trung Quốc nhằm thực hiện Cải cách. Về đối ngoại, họ dấn sâu vào con đường thực dụng, thực lợi, cơ hội, lợi dụng lúc chủ nghĩa đế quốc bị khủng hoảng về kinh tế và chính trị nghiêm trọng, và lúc Mỹ bị thua đau, phải điều chỉnh lại chiến lược toàn cầu, họ câu kết với chủ nghĩa đế quốc, chống Liên Xô, chống phong trào cách mạng thế giới, tranh thủ nhiều vốn và kỹ thuật của phương Tây cho kế hoạch Cải cách của mình. Họ hằn học nhìn thắng lợi của Việt Nam trước Hoa Kỳ, cho nên từ khi nhân dân Việt Nam giành được toàn thắng, họ ngày càng công khai và điên cuồng thực hành một chính sách thù địch toàn diện và chống Việt Nam một cách có hệ thống.


Còn tiếp phần 3 "Thông qua Khmer Đỏ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lấn ở phía Tây Nam Việt Nam"
 
@makuto Sao bạn không lập 1 pic nói về vấn đề này . Mình xem xong thấy bức xúc quá ...
 
tại dạo này mình hơi bận, tiện mở bài này nên mình viết luôn vô đây
 
Kênh sinh viên hình như không cho phép các bài viết về chính trị, vì thế cậu không nên lập topic về vấn đề này

Bạn chủ topic này bị ban nick rồi còn đâu. Nguyên nói là nick cũ của bạn đó là Task Force 141. Bạn Task đó comment dzui tính lắm đó, chị gặp chung mấy lần, vậy mà ko hiểu sao cũng bị khóa nick :( :(
 
Các chị ơi thật ra nếu đề tài về lịch sử như thế này thì cũng chỉ phục vụ cho học tập, em nghĩ cũng mang ý tốt thôi. Miễn các bạn đừng bàn luận tới chính trị là được, đọc và học tập như một môn lịch sử thôi ^^
 
Chị ko nói bài này, nói bài tiếp theo ấy :D
 
@Thuỳ Vi Chị xuân thu nói cũng vì có lí do đó em à, vì một số trang web khác cũng vì vấn đề này mà cãi nhau, hơn nữa nó liên quan tới chính trị thì ko nên em à.
 
@Thuỳ Vi chị hiểu chị, chị cũng giống em đó, lúc chị đọc bài này bất chợt chị nghĩ tới war nên thôi hok dám comment nữa. Ai ở đây cũng yêu nước mà em :)
 
tại bức xúc quá nên nói vậy thôi, chứ chủ đề này hơi nhạy cảm nên kenhsinhvien không cho phép bàn đến
 
@makuto Em với chị giống nhau , từ lần sau chắc phải học chị tre nếu bức xúc vấn đề chính trị thì không com nữa :-(||>
 
@Thuỳ Vi Hai đứa bức xúc thì tụi mình nói chuyện nho nhỏ, nhắn tin riêng cho chị nè ^^, không cần phải quá kiềm chế, hai đứa cũng đâu phải phản động hay gây war gì, chỉ là chị sợ một số thành phần khác lợi dụng vấn đề này thôi :)
 
×
Quay lại
Top