Chơi cầu lông - những điều cần chú ý với người bị thoái hóa khớp gối

tambinh

Banned
Tham gia
29/3/2016
Bài viết
2
Thoái hóa khớp gối là một quá trình lão hóa khớp thường gặp ở người trung và cao tuổi. Tuy nhiên, quá trình này có thể xuất hiện sớm hơn với những người phải làm việc đứng lâu, mang vác nặng nhiều, phải đi lại di chuyển nhiều. Để ngăn chặn quá trình thoái hóa này có thể sử dụng các phương pháp điều trị của y học hiện đại và y học cổ truyền kết hợp với tập luyện thể dục thể thao. Nhưng không phải môn thể thao nào cũng phù hợp với bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Trong đó, môn cầu lông là một ví dụ.

Khớp gối là khớp lớn nhất chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể, vì thế khớp gối có nguy cơ bị thoái hóa sớm nhất và tổn thương nhiều nhất. Khi bị thoái hóa khớp gối, bề mặt khớp nham nhở, mất sự trơn láng của sụn khớp, các gai xương, chồi xương hình thành, dịch khớp khô và đục hơn. Khi vận động, các đầu xương trượt trên nhau với hệ số ma sát lớn gây đau nhức cho người bệnh. Hơn nữa các phản ứng viêm nhanh chóng hình thành khi có các lực tác động mạnh lên khớp gối. Nguyên nhân có thể do vận động thể lực quá mạnh khi làm việc, chơi thể thao hay thay đổi tư thế đột ngột, sai tư thế, các gai xương chạm vào các khối gân cơ, dây chằng bao khớp gây ra triệu chứng lâm sàng của bệnh.

Vậy chơi cầu lông có những tác động như thế nào đến khớp gối bị thoái hóa?

Cầu lông là một môn thể thao hoạt động thể lực nhiều, di chuyển liên tục, kết hợp vận động toàn thân, giúp cho các khớp dẻo dai, cơ bắp săn chắc, rèn luyện thể lực tốt. Tuy nhiên, những điều này lại hoàn toàn không thích hợp cho người bị thoái hóa khớp gối.

Trong các động tác di chuyển, đập cầu hay đỡ cầu thì toàn bộ trọng lượng cơ thể đều tập trung vào hai chân đặc biệt là khớp gối, khi đã có tổn thương thì các tác động này càng làm nặng hơn tình trạng bệnh.

Hơn nữa khi chơi cầu lông người chơi thường có những thay đổi tư thế đột ngột do những pha cầu nhanh. Để thực hiện điều đó hai chân phải di chuyển trước tiên, khớp gối xoay nhanh với biên độ lớn, khớp gối và cổ chân phát lực mạnh. Những người bị thoái hóa khớp gối sẽ cảm thấy đau nhức khó chịu hơn khi thực hiện các động tác này.

Để khắc phục các vấn đề trên giúp giảm các triệu chứng của bệnh và rèn luyện sức khỏe, người bệnh cần chú ý những vấn đề sau:

- Nên chọn các môn thể thao khác ít ảnh hưởng trên khớp gối như: đi xe đạp, bơi lội, đi bộ, tập thể dục dưới nước. Trong đó, các hoạt động dưới nước được khuyến khích hơn cả. Nếu chọn cách đi bộ thì tổng thời gian đi không quá 30 phút.

- Nên có các động tác khởi động và thư giãn cho toàn thân và khớp gối trước và sau khi tập luyện.

- Nếu chọn chơi cầu lông thì nên chơi ở mức độ vừa phải với mục đích rèn luyện sức khỏe, cần có đai bảo vệ khớp gối tránh các tác động mạnh, tập luyện vừa theo sức chịu đựng. Nếu sau khi chơi mà các triệu chứng đau nhức tăng lên thì cần điều chỉnh hoặc ngừng và chuyển sang môn thể thao khác.

Bác sỹ Y học cổ truyền Vũ Thị Tươi
 
×
Quay lại
Top