'Chú trả tiền lại cho con!'

dakazino

Ngày mai của những ngày mai
Thành viên thân thiết
Tham gia
7/4/2013
Bài viết
1.689
Từ hình ảnh một người chạy xe ôm không lấy tiền xe của một bà lão khi chở bà từ bệnh viện về nhà trọ, bạn đọc Phạm Minh Hiền nhớ lại cách đây 20 năm, anh cũng có 1 chuyến xe như thế: một nỗi mất mát lớn nhưng ấm áp sự san sẻ tình người.

1-1498712165-1513993762144.jpg

Tôi thấy chú ân cần gỡ cái cài nón bảo hiểm, xách cho bà cái túi đồ, dìu bà vào tận nhà, thoáng nghe chú ấy nói: "Thôi... con không lấy tiền của bà, bà cất đó để dành mua thuốc... "!

Bà khép lại cánh cửa, xóm trọ nghèo ở khu công nhân vốn ồn ào mỗi ngày, có một bà lão hằng ngày âm thầm ra vào cơm nước cho đứa con của mình sau giờ tan ca ở khu chế xuất.

Hôm nay, tiết trời se lạnh của Sài Gòn, hình ảnh người đàn ông lái xe ôm và một bà lão, tôi đứng ngẫm nhìn xóm trọ, lòng bình yên những ngày cuối năm.

Câu chuyện chú xe ôm không lấy tiền, làm tôi nhớ câu chuyện của chính mình cách đây hơn 20 năm, ngày tôi còn là một đứa trẻ ở tỉnh.

Nhà tôi ở huyện, mẹ gửi tôi lên thị xã để đi học. Ở nhà người quen, học một buổi, một buổi còn lại phụ giúp việc buôn bán để được cho tiền đi học. Tôi thường không sử dụng tiền đó mà để dành, cuối tuần dùng để đi xe ôm về nhà thăm mẹ.

Khúc đường gần tới nhà, đó là khúc đường đất. Trời nắng, đường đẹp dẫn lối cho người ta đi, hai bên mọc toàn dừa nước, lâu lâu ở dưới kênh có chiếc ghe bán hàng "bách hóa tổng hợp" chạy ngang qua để lại điệu Nam Ai nghe mà da diết.

Con bìm bịp kêu, tiếng máy cule chạy, một đoạn cải lương... đó là thứ âm thanh không thể thiếu ở miền quê, cũng không thể nào quên trong một đời người. Những ngày trời mưa thì thôi rồi, bùn lầy dính đến gối chân, đi còn khó huống chi chạy xe. Đó những ngày bình yên khi tôi còn mẹ.

Lần ấy tôi vội vàng về nhà giữa tuần. Tôi đếm vội những tờ tiền lẻ mệnh giá khác nhau, góp lại cho đủ một cuốc xe ôm về nhà.

Tôi đưa hết luôn cho chú xe ôm, nói: "Chú chở con về nhà thiệt lẹ đi chú... !".

Xấp tiền lẻ mà tôi đưa cho chú ngày ấy đủ để chú mua một lít xăng đổ vô xe, đủ mua một lít gạo đổ vào nồi, một lít dầu hôi để nấu nướng cho một ngày...

Chú chở tôi được một đoạn, vì trông chờ cho nhanh tới nhà không thể nén nổi lòng mình, tôi khóc. Gió thổi ngược nước mắt, mắt cay xè, lâu lâu tôi nấc thành tiếng. Thấy không ổn, chú dừng xe lại, hỏi lớn:

- Ai làm gì mày mà mày khóc? (Chắc chú sợ chở con nít mà nó khóc, không may người ta nghĩ bắt cóc).

- Dạ không, chú chở con về nhà lẹ đi - Tôi lau vội nước mắt nhưng còn tiếng nấc của trẻ con...

- Nhưng bị cái gì, nói chú nghe coi?

- Dạ... mẹ con chết rồi, người ta đưa mẹ con về nhà từ lúc trưa rồi.

Câu trả lời của tôi lúc ấy giống như một cái 'giấy phép' cho người ta được phép vỡ òa...

Tôi đoán chú có phép thuật, chú nách tôi một cái, bay từ yên sau phóng vào cái bara trước, ngồi lọt thỏm trong lòng chú. Chú rồ ga, chạy đi. Hôm ấy tự dưng trời mưa, tôi không còn nghe con bìm bịp kêu, hay tiếng máy cule chạy dưới kênh.

Tôi nghe những giọt nước mưa nặng hạt rớt lã chã lên hai cánh tay, lên vai người đàn ông lạ hoắc. Tôi nghe tiếng pô xe 67 rồ từng cơn trong mưa khi cố vượt qua chỗ lầy, hai chân rắn rỏi chống hai bên cho chiếc xe lướt qua đoạn đường đất lầy lội. Tôi thấy chú quên luôn cả mình...

Về tới nhà, cảnh tang thương, người trong xóm mặc áo mưa, người đội nón lá, họ đang đứng rất đông phía trước nhà. Trước cảnh đau khổ, chia ly, lòng người ta thường rối bời bởi cái tình của cuộc sống chỉ đơn giản qua cái nhìn xót xa, trĩu nặng tình người.

Chú xe ôm níu tôi lại, dúi vào tay tôi nói gọn bâng: "Chú trả tiền lại cho con!". Tôi còn nhớ khuôn mặt ấy, ánh mắt ấy của chú cũng đỏ hoe. Có một điều đặc biệt, giữa tôi và chú xe ôm, không hề quen biết.

Trong những lúc khốn khó nhất, mất mát nhất thì vẫn còn len lỏi đâu đó sự san sẻ, tử tế để bám víu cho nhau những niềm tin mà cố vươn mình đứng dậy.

Và đôi khi một hình ảnh nào đó đi ngang qua làm người ta phải dừng lại để thấy mình trong quá khứ. Trong những lúc khốn khó nhất, mất mát nhất, thì vẫn còn len lỏi đâu đó sự san sẻ, tử tế để bám víu cho nhau những niềm tin mà cố vươn mình đứng dậy. Và, có như vậy thì những câu chuyện đẹp vẫn tồn tại mãi trong xã hội này.


Phạm Minh Hiền
Nguồn: Tuổi Trẻ
 
:KSV@17::KSV@17:ở đâu cũng có tình người
 
×
Quay lại
Top