Chuyện cái chữ ở quần đảo Trường Sa

rio_sp

Cầu bao nuôi, hứa sẽ ngoan
Thành viên thân thiết
Tham gia
16/11/2011
Bài viết
14.548
“Lên lớp 5 là con phải vào đất liền rồi, con có nhớ đảo không?”, tôi hỏi bé Huỳnh Thị Tố Trâm, học lớp 4 trên đảo Song Tử Tây. “Nhớ chứ cô, đây là nhà của con mà. Nhớ thầy Long, thầy Thái, thầy Vũ”.
Tôi trấn an: “Nhớ đảo, nhớ biển thì mai này học xong lại quay về đây”. Cô bé hớn hở: “Con sẽ làm cô giáo để về Song Tử Tây dạy học”. Cậu bé Huỳnh Nhật Quang tỏ ra không hề kém cạnh: “Vậy sau này em sẽ làm bộ đội như các chú”. Câu chuyện của bọn trẻ làm cho buổi chiều đầy gió trên đảo như dịu lại, ai cũng thấy ấm lòng.

Dạy chữ là góp phần giữ đảo

“Được đứng ở Trường Sa, dạy cho học trò biết về chủ quyền biển đảo tôi thấy nghề giáo của mình thiêng liêng hơn…” - đó là một trong những lý do mà cô giáo Bùi Thị Nhung, “hiệu trưởng” kiêm giáo viên chủ nhiệm của… 5 lớp trên đảo Trường Sa Lớn giải thích khi được hỏi về lý do từ bỏ đất liền, bất chấp khó khăn để ra đảo dạy học của mình.
Cô Nhung chia sẻ, ngày đầu tiên đến với Trường Sa, cô mới biết chuyện dạy học ở đảo không hề đơn giản, ngay cả tưởng tượng cô cũng chưa hề nghĩ tới khi học trò phải học ở những lớp ghép “5 trong 1”, từ mẫu giáo đến lớp 4 học chung. Nhóm học trò này đang làm bài tập thì cô giáo lại tranh thủ ra đề, tập viết, tập đọc cho nhóm kia. Phòng học không có, phải mượn hành lang hội trường để dạy. Học trò ngồi bệt vì chưa có bàn ghế, bảng đen chỉ có một tấm mượn tạm từ bảng giao ban của bộ đội…

sa3-6fac8.jpg
Cô giáo Nhung và học trò trên đảo Trường Sa Lớn. (Ảnh: L.T)
Ấy là những khó khăn ban đầu của một giáo viên vốn đã nhiều năm đi dạy, đối với những thầy giáo “tay ngang” như 3 thầy ở xã đảo Song Tử Tây thì khó khăn không chỉ đến từ chuyện trường lớp. “Là một công chức xã đảo, hầu như ai cũng từng đứng lớp, “vốn liếng” cho gần 5 năm dạy từ mẫu giáo đến lớp 4 là những kiến thức được học cấp tốc trước khi ra đảo ở lớp sơ cấp về kỹ năng giảng dạy. Thường xuyên bị “cháy giáo án” vì những câu hỏi ngây thơ của trò như “Tại sao em bé được sinh ra?”, “Ai tạo ra mặt trời, trăng và sao?” là chuyện bình thường.

Hoặc nhiều em ra đảo khi mới 1-2 tuổi, ký ức về đất liền các em gần như quên sạch, khi học về cánh đồng lúa chín, các em không biết “em đi giữa biển vàng” là gì, ngày gặt lúa được miêu tả trong sách thì đẹp lắm, các em tò mò muốn biết ngày hội ấy ra sao...

Phần bối rối vì bị trò hỏi mà chưa biết trả lời sao, phần vì thương các em ham học hỏi mà kiến thức mình thì có hạn nên anh em không ai bảo ai, tranh thủ những dịp nghỉ phép hiếm hoi 1-2 năm mới có một lần được về đất liền, chúng tôi lại vùi đầu vào các lớp bồi dưỡng do ngành giáo dục tổ chức và thường xuyên lên mạng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm giảng bài với một quyết tâm, các em có thể thiếu thốn vật chất so với bạn bè trong đất liền nhưng các em không thể thiếu kiến thức từ sách vở, thực tế”, thầy Trương Xứ Long, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã đảo Song Tử Tây, giáo viên kiêm nhiệm ở đảo bộc bạch.

sa1-6fac8.jpg
Thầy giáo Trương Xứ Long lên lớp trong bộ đồng phục Dân quân Tự vệ biển của mình. (Ảnh: L.T)
“Nhiều năm ở đảo, vất vả có, thiếu thốn có nhưng quan trọng là niềm vui, sự động viên từ đất liền, từ đồng bào mình không bao giờ thiếu”, thầy Trần Vũ Lân, Phó Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây tự hào nói. Những năm ở đảo, các thầy cô nhận được rất nhiều lá thư từ những người chưa quen biết.

Trong đó có những lá thư của các bạn trẻ từ mọi miền đất nước chia sẻ về tình yêu với Trường Sa, mong muốn được ra Trường Sa công tác, cống hiến cho biển đảo tổ quốc. Cô Nhung kể, có những ngư dân ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi gửi thư cho cô trước những chuyến khơi xa, bảo rằng được thấy cô Nhung qua truyền hình và thấy ấm lòng vì đảo xa đã có trường, có lớp. Bây giờ, khi điện thoại đã phủ sóng khắp Trường Sa thì những lá thư ấy vẫn chưa lúc nào thưa, dù mỗi lá thư gửi đi có khi mất đến bốn, năm tháng.

“Từ những lá thư ấy, tôi càng thêm yêu công việc của mình, và sự lựa chọn của mình là đúng đắn, tôi không những gieo chữ mà còn gieo cả tình yêu biển đảo đến rất nhiều người”, cô Nhung xúc động.

Có cô trò đảo xa cũng hóa gần!

Đối lập với tiếng sóng biển ầm ào đang réo gào quanh đảo là tiếng trẻ con ê a học bài dưới những tán bàng vuông, tiếng cười và cả tiếng khóc của những đứa trẻ khi chúng trêu chọc nhau làm cho buổi chiều trên đảo Song Tử Tây vì thế cũng yên bình hơn. Trước sân trường, thực ra là mượn tạm hội trường UBND xã đảo, bé Huỳnh Thị Tố Trâm chơi cờ tướng với một cô phóng viên trong đoàn công tác của chúng tôi. Ván cờ căng thẳng của hai “đối thủ” được thầy trò, chiến sĩ trên đảo cổ vũ nhiệt tình…

sa2-6fac8.jpg
Ván cờ tướng trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh: L.T)
Công kênh bé Huỳnh Nhật Quang trên cổ, trung sĩ Nguyễn Hữu Phước cười tươi: “Nếu không có mấy cô nhóc, cậu nhóc này chắc là nhớ nhà, nhớ đất liền lắm!”. Rồi anh kể, thỉnh thoảng những lúc được nghỉ ở thao trường, anh và đồng đội vẫn ghé vào lớp xem mấy đứa trẻ học bài, ở Trường Sa này, mỗi học trò có đến hàng tá gia sư, ai cũng mong được dạy cho chúng tập đọc, làm toán hay dạy chúng hát…

Anh bảo, với những người lính lần đầu tiên nhận nhiệm vụ nơi đảo xa, việc đảo có học trò, có thầy cô, có lớp đã giúp các anh yên tâm công tác hơn, đảo dù có xa mấy cũng hóa gần!

Số lượng học trò trong độ tuổi đến lớp ở huyện đảo Trường Sa tăng dần qua các năm. Nếu cách đây mấy năm, khi mới ra đảo Trường Sa Lớn, lớp học của cô Nhung chỉ một vài em, cả cô trò phải tá túc ở hành lang hội trường UBND thị trấn, học trò phải ngồi bệt dưới đất thì nay cô và trò đã có được một ngôi trường tiểu học tọa lạc ngay trên đảo Trường Sa, khang trang với 2 tầng, 6 phòng học, phòng thư viện, nhà công vụ cho giáo viên, khu vệ sinh, bể chứa nước ngọt…

Ngày 8/12/2013, chính quyền huyện đảo Trường Sa tiếp tục làm lễ khởi công xây dựng ngôi trường tiểu học thứ 2 của huyện trên đảo Sinh Tồn. Ngày 21/4/2013, trong lễ khánh thành Trường Tiểu học Trường Sa trên đảo Trường Sa Lớn, Thượng tá Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa trong lời cảm ơn đồng bào cả nước đã không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc khi từ nay việc dạy và học, công tác giáo dục đào tạo của vùng phên dậu tổ quốc được nâng cao lên.

Vị chủ tịch huyện đảo khẳng định: “Nơi đây sẽ đào tạo những con người mới để bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc”.

Ngày 31/10, trong buổi sơ kết bước 1 chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” giai đoạn 2 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TPHCM, tôi bắt gặp cả những bác chạy xe ôm, những bà con tiểu thương buôn bán ở các chợ đầu mối, những người trong cuộc sống hàng ngày còn phải chạy ăn từng bữa… Mỗi lần phát động, họ lại tranh thủ nghỉ một buổi làm, thay mặt cho bà con đến ủng hộ chương trình.

Từng là bộ đội, nay bác Thuần, đại diện cho Nghiệp đoàn xe ôm quận 2, TPHCM xúc động: “Tôi có thể nhịn ăn, nhịn mặc nhưng nhịn ủng hộ Trường Sa là tôi không nhịn được. Ủng hộ xây trường ở Trường Sa vừa là góp sức đưa con chữ đến với đảo vừa góp sức mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam một cách kiên quyết và bền vững!”.

Theo Lê Tuyết
Lao Động
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top