Cuộc đời như cổ tích của “Ông vua kể chuyện cổ tích” Andersen

Khuyet Danh

Tôi đi tìm tôi?!
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2013
Bài viết
162
Xuất thân khốn khó, thiệt thòi, sống nội tâm và nhạy cảm, Andersen có khả năng biến những ước nguyện nhỏ trở thành sâu sắc trong các câu chuyện kể siêu việt.

Hai thế kỷ trước, ở Đan Mạch một cậu bé xuất thân nghèo khó, cha là thợ đóng giày, mẹ là một thợ giặt mù chữ thường tranh thủ những quãng thời gian rảnh rỗi trong ngày để ngồi lắng nghe những câu chuyện không đầu không cuối của các phụ nữ trong khi làm công việc nội trợ. Đó là Hans Christian Andersen. Từ nguồn chuyện kể dân gian, sau này ông đã sáng tạo thêm và tạo ra những tác phẩm mang thương hiệu văn học đi cùng tuổi thơ của trẻ em trên khắp thế giới là “Truyện cổ Andersen”. Nhờ tài năng và sự nhạy cảm, Andersen trở nên nổi tiếng, là một trong những người kể chuyện vĩ đại nhất lịch sử, một “vị thánh bảo trợ” của các câu chuyện cổ tích.

Khác với anh em nhà Grimm, vốn là những học giả, chuyên thực hiện các chuyến đi điền dã để thu thập các câu chuyện dân gian đáng tin cậy, tác giả của Những Bộ quần áo mới của Hoàng đế, Nàng tiên cá, Bà chúa tuyết, Nàng công chúa và hạt đậu, Anh chàng chăn lợn khi trưởng thành là một tá điền sống trong một xã hội tràn ngập các yếu tố mê tín. Thị trấn nơi ông ở là nơi cư ngụ có 8.000 cư dân, trông giống như một thành phố thời Trung cổ. Ở đó, các câu chuyện được kể với mục đích giải trí và giáo dục đạo đức chứ không hẳn chỉ vì muốn lưu truyền các giá trị văn hóa như mục đích truyện cổ Grimm. Các sử gia ước tính chỉ có 7 trong số 200 câu chuyện của Andersen là vay mượn từ các nguồn dân gian.

Thời thơ ấu, Hans Christian Andersen đã là một cậu bé thích chơi búp bê, luôn luôn cô độc, thu mình, ít hòa đồng, hiếu động như bạn bè cùng trang lứa. May mắn thay, cha của ông, dù nghèo nhưng rất yêu văn học có một tủ sách và khi ông qua đời năm Andersen 11 tuổi, cậu bé thỏa thuê đọc những cuốn sách quý giá này. Trong nhật ký của mình, Andersen kể rằng đọc sách “là trò tiêu khiển duy nhất và được yêu thích nhất”. Ngoài việc say mê đọc sách, Andersen còn có một tai nghe tuyệt vời. Sự náu mình cho phép cậu bé tập trung hơn vào câu chuyện người khác nói. Điều này tác động rất lớn đến những chi tiết tinh tế và trí tưởng tượng phong phú trong truyện cổ của ông.


cuoc-doi-nhu-co-tich-cua-ong-vua-ke-chuyen-co-tich-andersen.jpg

Andersen có khả năng biến những ước nguyện nhỏ thành sâu sắc trong các câu chuyện kể siêu việt

Sở hữu một ý chí mạnh mẽ, tham vọng sắt đá, gan góc, trí tưởng tượng vô biên, không một ly sợ hãi khi đứng trước chỗ đông người, một giọng nói trong và cao, “Tôi sẽ trở nên nổi tiếng”, Andersen cũng viết trong nhật ký của mình. Chàng tá điền ở thị trấn mông muội cũng nhấn mạnh nền tảng giáo dục chưa hẳn là yếu tố quyết định thành công, sự chuyên nghiệp trong văn chương. Tuy vậy, trong những bước chân chập chững vào xã hội trí thức, Andersen vẫn phải chịu đựng những sự kỳ thị đẳng cấp do nguồn gốc thân thế của bản thân. Điều quan trọng là ông có một cái tôi rất lớn và nhờ đó, tôi rèn một khả năng chịu đựng và can đảm đối mặt với những chối từ phũ phàng.

Năm 14 tuổi, mồ côi cha, mẹ xuất giá, Andersenmột thân một mình lên thủ đô Copenhagen lập nghiệp chỉ với 12 kuron trong túi. Đó là những ngày tháng tạo cảm hứng để ông viết nên câu chuyện Cô bé bán diêm. Nhận được một khoản trợ cấp 5 năm của Hoàng gia, Andersen đứng trước hai lựa chọn học hành cơ bản để trở thành một người viết văn hoặc về nhà và học nghề. Chọn sự nghiệp học hành, Andersen đã trở nên nổi tiếng nhưng những mặc cảm thân phận vẫn còn đó. Ông vẫn dễ tổn thương và vẫn mang cảm giác bất bình đẳng dù đã trở thành tác giả được trọng vọng nhất Đan Mạch. Trong nhật ký của mình, ông viết: “Tôi vẫn cảm giác mình là một gã nông dân trẻ khoác lên tấm áo choàng của Hoàng gia”. Trong câu chuyện The Ugly Duckling (Chú vịt con xấu xí) ông cũng từng viết: “sinh ra giữa một đàn vịt không quan trọng, nếu chỉ bạn là trứng của một con thiên nga”. Ôm một mối tình đồng giới vô vọng, Andersen sống đời cô quạnh, không có hạnh phúc riêng. Người ta đồn rằng Nàng tiên cá là câu chuyện tiến thoái lưỡng nan Andersen viết về chính thân phận của mình.

cuoc-doi-nhu-co-tich-cua-ong-vua-ke-chuyen-co-tich-andersen.jpg

Minh họa Cô bé bán diêm và Chú vịt con xấu xí - Hai truyện cổ lấy cảm hứng từ cuộc đời Andersen

Và có lẽ để thoát khỏi cảm giác cô độc ấy, Andersen đã viết nên những câu chuyện của trẻ em và vì trẻ em, rời xa những quy tắc đạo đức chuẩn mực, cứng nhắc của xã hội thời đó. Cởi mở và ngây thơ, ông sáng tạo ra một phong cách kể chuyện mơ mộng, nồng nhiệt nhưng không kém phần logic. Đẹp đẽ và nhiều cảm xúc, độc giả tìm thấy niềm vui khi đọc những câu chuyện của Andersen, bằng sự nhạy cảm của trẻ em chứ không phải là sự gò ép khô cứng.

Ngoài truyện cổ tích, Andersen còn là tác giả của những tiểu thuyết như Người ứng tác, O.T., Chỉ có người kéo vĩ cầm, Tồn tại hay không tồn tại và đương thời, ông được nhiều người coi là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại, ngang tầm với Walter Scott và Victor Hugo. Kịch và thơ cũng là những lĩnh vực ông thử sức và có được những thành công đánh kể. Andersen cũng chính là người đã dự báo trước chủ nghĩa siêu thực của thế kỷ XX thông qua việc khai thác những chủ đề đơn giản như một hạt đậu, một người lính đồ chơi, những điểm mù tới tham vọng và lòng can đảm. Các nhân vật vừa đầy đam mê lại yếu đuối một cách rất con người.

Tinh tế và ý nghĩa, những câu chuyện cổ tích của nhà văn người Đan Mạch vẫn còn được ái mộ tới ngày nay, bất chấp quy luật khắc nghiệt của thời gian. Và Andersen, vẫn được tụng ca bằng những danh xưng trân trọng nhất như “Ông vua kể chuyện cổ tích” hay một trong những anh hùng sáng tạo vĩ đại nhất của lịch sử.
*Sưu tầm*
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
làm mình nhớ tới một tác giả người Nhật Bản, với ông nỗi buồn giống như một người bạn đồng hành trong sáng tác
 
×
Quay lại
Top