Hoàn [Đáng đọc] Nỗi Buồn Chiến Tranh - Bảo Ninh (Thân Phận của tình Yêu)

Ngập ngụa trong khói bom đặc và nóng xộc vào phổi, sặc sụa, Kiên như điên lên, không còn chút nương tay. Miệng anh áp chặt như cắn vào gáy Phương, mười ngón tay nổi gân ngập lút vào d.a thịt nàng, xoắn chắc vào nhau số mạng của hai đứa. Một con người khác, một con người máu me, ù đặc, lì lợm, vô tri giác, một con người chết chóc đang hung hãn hồng hộc thở trong Kiên chứ không còn là chính bản thân anh nữa. Bất ngờ, một cột lửa vọt lên giữa sống lưng đoàn tàu. Bị tiện đôi, đoàn tàu rời khúc ra. Cái đầu máy còn sống với mấy toa bên trên vùng dứt khỏi loạt toa phía sau đang rừng rực cháy, tăng tốc độ trườn lướt lên, lao xuyên qua khói bom. Liệu rằng cái toa hồi đêm, cái toa ấy với người đàn ông lực lưỡng bị đánh chết ngất ấy có ở trong số những toa may mắn được đầu máy kéo thoát khỏi vùng lốc lửa kia không, hay là bị rớt lại? - Điều đó Kiên chẳng thể nào biết được. Giữa biển điên rồ những tiếng gầm tiếng nổ, khói đặc và lửa táp, không thể trông thấy rõ rệt một cái gì, mà cũng chẳng có thì giờ dù chỉ nửa tích tắc để chạnh nghĩ đến mạng sống của ai đấy. Bởi vì, không còn gì nữa cả trong cái thế giới kinh khủng, bị bóp nghẹt, bị nén lại đến hết mức này: không có ánh mặt trời, không có không khí, hơi thở, không còn con người, lòng nhân, tình trắc ẩn... Quả bom cuối cùng dập tắt mọi tiếng nổ. Bầu trời như thình lình sập cửa đánh sầm một cái. Rồi hẫng đi. Lặng phắc.
Kiên loạng choạng đỡ Phương lên. Sức lực ở đâu ra chẳng biết, anh cõng Phương chạy xiêu xiêu đảo đảo được một đoạn tránh khỏi vùng bị hơi lửa từ các toa tàu rực cháy nung đỏ. Rồi hai đứa bíu vào nhau, chuệnh choạng dìu nhau lặn lội trong khói tìm lối thoát ra ngoài ga. Cứ ra khỏi ga cái đã, sau đó đi đâu thì không cần biết. Quanh ga cũng ngụt lửa. Tanh bành, trụi nát. Khói đặc trôi là là trong không gian tuồng như hoang vắng, rời rạc tiếng kêu cứu và rải rác những thân hình sóng sượt. Thấp thoáng những cái lưng đang rạp xuống chạy. Kiên không thấy sợ chỉ cảm thấy tâm trạng mình sao mà cứng nhắc như hóa đá. Những tư thế khác nhau của các xác chết bên đường có vẻ như đã hoàn toàn quen mắt đối với anh, không có gì đáng phải kêu lên, phải la lên, phải làm om sòm lên.
Định bảo Phương ngồi xuống nghỉ tạm ở bậc tam cấp còn sót lại của một thềm nhà nát bét thì anh nom thấy một chiếc xe đạp nằm vứt bên đường. Kiên nhấc xe lên.
Một chiếc Phượng hoàng đã cũ nhưng còn lành nguyên một cách kỳ quái. Hai lốp vẫn căng, xích líp, pê đan, ghi đông chẳng hề sứt sát, và vẫn còn phanh, cả chuông nữa. Một cái xà cột màu đen căng phồng quàng chéo ở cổ phác. Người chủ của chiếc xe, là Kiên đoán thế, có lẽ là một trong mấy cái xác nằm sấp nằm ngửa quanh đây, th.ân thể sạm đen, bị bom phát quang lột hết quần áo, mũ mãng.
Kiên ngồi vào yên, kính chong mấy tiếng chuông rồi thong thả đạp. Từ nãy đến giờ Phương chẳng nói một lời lẳng lặng đi theo Kiên chẳng hề cưỡng lại, bây giờ cũng thế, chẳng nói, chẳng hỏi gì, mềm mại nàng ngồi nhanh lên phía sau xe, rất nhẹ, hệt như là những ngày hai đứa đèo nhau đi học.
Hai bên đường nhà cháy, nhà đổ, ngổn ngang cây cối, cột điện bị vặn gãy. Kiên ngoằn ngoèo tránh. Đôi chỗ mặt đường bị hố bom nuốt chửng, phải dắt, song anh vẫn để Phương ngồi trên xe, đẩy đi. Anh chợt nhớ tới tối hôm qua, mới chỉ tối qua thôi, anh còn chở nàng trên xích lô, thong dong trên đường ngang qua Đuôi cá.
Chưa trọn nửa ngày đêm. Một cuộc tiễn đưa nhau mới lạ lùng chứ. Anh nghĩ. Trên không lại ầm ì máy bay. Văng vẳng tiếng kẻng báo động. Đoạn này đã cách xa nhà ga và cũng đã ở ngoài thị xã, đường quang. Kiên dừng xe lại bên một hầm chữ A đắp nổi ở rê đường. Dưới chân rung nảy. Cao xạ Hàm Rồng dập đều một loạt. Kiên thả đổ chiếc xe ra đường, quàng ngang lưng Phương đỡ nàng đi tới, ngồi xuống trước cửa hầm, dọc đường người ta vẫn đi, chỉ có một số ít dừng lại bên các căn hầm và các hố cá nhân. Bom nổ chuyển đất, không gần nhưng cũng chẳng xa. Lúc này mặt trời lên đã khá cao. Thinh không chói nắng. Những người đang đi trên đường - Chẳng ai nhìn lên bầu trời nảy lửa cũng chẳng ai buồn nhìn sang Kiên và Phương, hai kẻ vừa thoát chết mà bộ dạng tang thương tơi tả chắc chắn phải gây chú ý trong hoàn cảnh khác. Nhưng ở đây, trong hoàn cảnh này tai họa đã bão hòa lòng người. Tâm trạng là một cái gì như thể bằng đất. Một lát có một ông già chống gậy, vai đeo bị cói đi ngang qua, dừng lại bên hầm. Hỏi xin cơm. Kiên lắc đầu ông già bảo nhà ông ở cửa ga nhưng cháy rồi, người thân và hàng xóm chết hết. Chẳng nhà, chẳng tiền chẳng gạo chẳng con cháu, chẳng biết trời để ông sống làm gì. Bây giờ ông phải đi đến Rừng Thông ở nương một người bà con, chẳng biết có lê nổi tới đó không, cũng chẳng biết người bà con ấy còn sống không? Và ông bảo rồi chúng ta sẽ chết tất cả. Kiên im lặng ngồi nghe chẳng nói gì cả, cả Phương cũng thế. Ông già khàn khàn nói một mình, lúc lắc mái đầu bạc rồi bỏ đi, vừa đi vừa nói. Còn Kiên và Phương thì cứ ngồi lặng đi như vậy, tình cảm tê dại, không nghĩ ngợi nổi điều gì. Chẳng để ý đến máy bay, chẳng nhìn gì đến những người chạy bom chạy đạn từ thị xã không ngừng đổ ra, gồng gánh dắt díu, bồng bế, khiêng cáng. Những cảnh khốn khổ, những cảnh thương tâm. Hai đứa cũng như quyết một mực không nói gì với nhau, không nhìn sang nhau. Không nghĩ tới khát tới đói, mặc dù rất đói, rất khát. Về sau. trong những đêm ngày liên miên của chiến tranh Kiên vẫn thường thấy lại ở mình và ở những
người xung quanh những giờ phút dài dằng dác chìm chết trong trạng thái mất hồn này. một trạng thái như thể bị nhồi bông vào óc, không sợ hãi, không phấn chấn, không vui, không buồn, chẳng thiết gì, chẳng lo cũng chẳng mong gì, một trạng thái ù lì, mụ mị, đánh đồng người khôn người dại, người gan kẻ nhát, đánh đồng lính với quan thậm chí đánh đồng thù bạn, cuộc sống cõi chết, hạnh phúc đau khổ.
Lát sau nữa, lại một người nữa dừng lại. Một ông nhỏ thó, mặt choắt, tuổi trung niên, cõng một bà to béo chân bó bột, đầu ngoẹo một bên ngủ thiếp trên lưng ông ta. Thấy chiếc Phượng hoàng nằm chỏng chơ đấy, ông ta dừng lại, ngắm nghía nghĩ ngợi. Rồi nom thấy Kiên và Phương đang ngây người ngồi đấy ông ta hỏi chiếc xe có phải của hai người không, và có bán không, ông ta muốn mua. Phương chẳng nói gì chỉ ngồi nhìn, Kiên cũng vậy. Ông nọ khéo léo dùng chân nâng chiếc xe đạp lên và thận trọng chuyển người đàn bà trên lưng ngồi sang cái đèo hàng. Người đàn bà tỉnh dậy, rên khe khẽ, bám tay giữ lấy hông ông ta. Chiếc xe nghiêng ngả. Người đàn ông nhỏ thó loạng choạng du chiếc xe đến bên hầm, lầm bà lầm bầm nói cái gì đó. Ông ta gỡ cái xà cột đeo ở ghi đông ra để xuống cạnh Phương và móc mãi trong túi áo ra mấy đồng bạc gấp tư để lên trên cái xà cột Và lại lúng búng mô rứa gì đấy bằng giọng Nghệ, chắc là cám ơn hay bái biệt, sau đấy loạng choạng ông ta chật vật lên yên, một tay giữ bà vợ một tay nắm ghi đông, lảo đảo đạp đi. Đương nhiên là hết sức nực cười cái cảnh vừa diễn ra kỳ quặc và lẩn thẩn, hoàn toàn khó tin, tuy vậy giờ đây kỳ quặc nhất hay bình thường nhất cũng thế cả thôi. - Ra là y mua xe đạp đấy, Kiên uể oải nghĩ và uể oải nghĩ tới người chủ của chiếc xe không biết lúc này xác còn nằm đấy hay đã được dọn đi. Bom thì vẫn đang trút xuống khu vực đó. Rung rền. Máy bay. Cao xạ. Một ngày nóng nực, đứng gió, khô khát, nghẹt thở. Kiên thản nhiên đút mấy đồng bạc vào túi áo, nhấc chiếc xà cột lên và mở ra. Một chiếc bình tông óc ách nước. Một phong lương khô BA70, đèn pin, cuốn sổ tay, cái võng dù và một khẩu súng K59. Phương liếc mắt nhìn nhanh sang dưới làn mi rợp.
- Chúng mình ăn chút gì chứ nhỉ. Có cả nước đây này, Kiên nói. Phương trả lời dửng dưng, không sinh khí.
- Vâng, ăn . . . tùy. . .
Kiên mở nắp bình tông, ngửa cổ tu một ngụm ngắn rồi đưa cho Phương, và anh bóc lương khô ra. Nước chè xanh pha đường. Những thanh lương khô màu vàng đậm, thơm thơm bùi bùi, ngòn ngọt, mằn mặn, tuyệt ngon... Tuy nhiên, Kiên cảm thấy bất ngờ và đau đau thế nào ấy khi thấy Phương ăn uống bình thản, ngon lành như không. Anh cứ ngỡ rằng sau những chuyện đã xảy ra thì việc ăn uống sẽ chỉ là sự chẳng đừng mà thôi đối với Phương. Hơn nữa đây là những thứ gần như là của hôi được, những thứ vơ vét ra từ máu me, chết chóc... Lẽ dĩ nhiên, không cần phải nghĩ đến như thế, vả chăng không phải Kiên không muốn Phương ăn được, uống được, không muốn nàng tỉnh táo trở lại, bình tâm hơn và có sức lực sau tai biến; nhưng mặt khác trong cử chỉ của Phương ngửa cổ tu những ngụm nước dài, trong cái cách nàng bẻ lương khô đưa lên miệng nhai nhem nhẻm Kiên nhận thấy có một vẻ gì ở ngoài sự đói, sự khát, sự vất vả cực nhọc, sự chịu đựng đau đớn và căng thẳng không thường. Song cái vẻ đó thực sự là cái vỏ thế nào thì Kiên cũng không biết nữa. Anh chỉ cảm thấy sửng sốt và buồn, và thương xót lẫn với cảm giác khó chịu mỗi lúc một đanh lại.
Kiên ăn uống có vẻ như nhỏ nhẹ so với Phương, và thực ra là anh chẳng ăn gì mấy, chỉ nhìn Phương, bàng hoàng. Tuồng như đến bây giờ anh mới thực sự nhìn thấy dáng vóc bị tàn phá của nàng. Trong khi quần áo của Kiên chỉ bị xộc xệch, xoạc rách vài chỗ, lem nhem đất cát tro than thì bộ đồ Phương mặc như bị xé, rách nát đứt toang, phơi ra hết d.a thịt trắng muốt thâm bầm, sây sát, rớm máu. Mặt sạm khói, môi sưng, cặp mắt dài dại. Và một bên chân máu vẫn chảy, không nhiều như lúc ở trên toa, nhưng vẫn chảy. Khi Phương đổi tư thế ngồi, duỗi chân ra trên mặt cỏ hơi dốc xuôi xuống thì từ đùi non một vệt máu nhỏ đỏ lòm liền trườn dọc qua đầu gối. Kiên lại giật mình rồi lại phải chợt nhớt không phải Phương bị thương. Và trí nhớ ùa tới rối bời . . .
- Phương ăn nốt đi - Kiên bảo khi thấy nàng để lại nửa phong lương khô không ăn nữa, xoa xoa hai bàn tay phủi phủi vụn bánh - ăn cho lại sức, từ giờ đến lúc kiếm được cách quay ra Hà Nội còn vất vả đấy.
Phương lắc đầu, mắt nhìn xuống. Định bảo Phương lau vết máu đi bởi để thế nom sợ quá nhưng Kiên nén lại. Một cái gì đã mất đi, một cái gì đã thay đổi giữa hai đứa, rõ ràng và trầm trọng mà không thể nói thành lời. Và ngay cả những gì còn lại của tình thương yêu chan chứa bao năm qua cũng chỉ còn một cách bộc lộ bằng sự im lặng, bằng việc để cho nhau được yên. Nhưng cũng không thể ngồi hóa đá thế này mãi cuối cùng Kiên phải lên tiếng, nói khẽ:
- Bây giờ ta đi vào trong cái xóm đằng kia. Phương cần một chỗ ngả lưng. Lại sức rồi ta tìm đường trở ra.
Phương không nói gì, mắt chẳng nhìn lên, hững hờ. Trên cao, trời đã vào trưa trở nên trong xanh và hầu như yên ắng. Bên kia đường, qua một bãi trống rải rác lùm cây bụi là một đám cây cối có lẽ là vườn cây ăn quả đằng sau đó nổi lên mấy mái nhà gianh thâm thấp. Kiên nhắc lại:
- Ta đi nhé? Kia kìa, không xa đâu, Phương cảm thấy có đủ sức đi không?
Phương gật đầu ủ rũ. Kiên đưa tay mở cúc áo nói:
- Phương tạm mặc cái áo của mình vào. Dù sao thì...
Mắt ráo hoảnh, ngẩng lên nhìn Kiên, Phương nói khẽ nhưng giọng gay gắt:
- Dù sao cái gì? Dù sao à... trông ghê tởm lắm phải không? Không. Đổi làm gì áo. Dù sao thì cũng không thể ghê tởm hơn được nữa... Mà Kiên cũng đừng bận tâm làm gì. Việc của Kiên là trở về đơn vị. Còn trở ra hay trở vào, xin đừng lo!
Kiên buông tay xuống không cởi áo ra nữa, lúng túng nói, cố lựa lời:
- Không phải thế, hãy hiểu cho mình. . . Chúng mình không lo cho nhau thì ai lo. Còn về những chuyện đã xảy ra... Phương đừng nên bao giờ nghĩ tới nữa. Theo mình...
Nhưng Phương đã ngắt lời:
- Muốn coi như là đã chôn vùi, đã quên đi được một cái gì thì trước hết là bản thân mình đừng một lời nào nhắc tới, và cũng mong không bao giờ phải nghe ai nhắc tới nó!
Cái giọng lý sự lạnh lùng, quả đoán, hầu như không tình nghĩa này cũng là chưa từng thấy ở Phương, Kiên nghĩ. Và nhói đau trong lòng, anh nặng nề đứng dậy.
- Ừ! - Anh nói, đưa tay xuống cho Phương - Ta đi nhé?
- Vâng, - Phương đáp, trút một hơi thở dài, nắm lấy bàn tay Kiên, uốn mình đứng lên. Hai đứa dắt nhau đi, bóng co dưới chân. Buổi trưa đè trĩu gáy. Trông họ như thể hai cô hồn nhằm giữa trưa đi phơi nắng. Người qua lại trên đường không thể không nhìn họ, nhất là Phương. Một sắc mặt đẹp đến vậy, trẻ trung đến như thế nhưng lem luốc, tàn hại rã rời và dầy bất cẩn. Một sự thác loạn ngưng thành nỗi thất vọng ủ ê.
- Trông kìa! Một người nào đó la lên - Thật đẹp đôi?
 
Lối mòn cắt qua bãi trống rồi dẫn vào vườn cây. Vườn hoang tàn, rạc nắng, mặt đất nham nhở những hố bom bi đã cũ. Gió nóng hổi phờ phạc thổi. Hình như không một bóng người. Mấy cái mái nhà gianh mà từ ngoài đường đá trông vào Kiên ngỡ là một xóm nhỏ thực ra là một trường phổ thông nằm cách xa làng. Từ lâu ở đây có lẽ biệt bóng thầy trò. Sân trường cỏ mọc, ngang dọc các giao thông hào sụt lở. Các lớp học như thể công sự pháo, nền ẩm, bốn bề ụ đất cao quá đầu.
Kiên và Phương theo lối giao thông hào đi vào bên trong một lớp học. Bàn ghế còn lại chẳng bao nhiêu, lăn lóc, chỏng chơ. Bục giáo viên trơ trụi. Bảng đen rơi úp mặt dưới nền. Ở giữa nhà có một đống tro than lẫn với những mảnh gỗ chắc là chẻ từ các chân bàn. Mái gianh thủng nát làm cho bên trong lớp học cũng sáng gần như ngoài sân. Cảnh tượng tan hoang khiến Kiên não lòng. Khung cảnh trường lớp đối với anh dẫu sao cũng vẫn còn quá gần gũi.
- Trường sở gì mà thành ra thế này! - Anh khẽ than - Phá phách quá đáng thật, người ta chẳng còn biết tôn trọng gì cuộc sống nữa hay sao?
- Chắc là có quân lính tạt qua. Lính tráng mà. Chiến tranh mà? Chiến tranh thì nó có chừa bất kỳ một cái gì mà nó không ngấu nghiến và không chà đạp! - Phương nói, kiểu triết lý mà về sau người đời hay nói, nhưng hồi đó...
Kiên sa sầm. Muốn vặc nhưng nín nhịn. Và bàng hoàng anh nhận thấy, mặc dầu nói vậy nhưng vẻ mặt Phương hết sức hững hờ, cái nhìn trống rỗng, dửng dưng. Bất giác Kiên sợ rằng Phương ốm hay đột nhiên bị đứt gãy thế nào đó trong thần kinh chăng. Và không nghĩ tới việc cần đi tiếp tới nơi có nhà cửa dân cư đàng hoàng nào nữa, anh vội soạn chỗ cho Phương nằm nghỉ. Ở đây vắng vẻ cũng có cái tiện là không bị hỏi han dòm dỏ lôi thôi, lại sẵn hầm hố. Chọn mấy ghế băng còn vững chân và sành sạch, Kiên khẽ áp lại thành tấm phản tàm tạm.
- Nằm xuống đây, chợp mắt đi Phương. Em...
Phương nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, bên cạnh anh.
- Anh cũng ngủ chứ?
- Thế còn cái võng trong sắc sao không mắc lên?
- Có lẽ không nên. - Kiên nói khẽ - Của người ta. Mà người đó không chừng chết rồi?
- Của người chết à? Thế nhưng... thực ra thì chúng mình có còn ra cái gì, có còn cái gì nữa đâu mà e một cái gì.
- Thôi, - Kiên nhăn mặt, phẩy tay - chẳng cần phải nói như thế.
- Nhưng không mắc võng thì anh nằm đâu? Phải nằm đây cạnh em, anh không ghê sao? Một cách máy móc, Kiên lắc đầu.
- Vâng, vậy thì... - Phương thở dài, ngả mình nằm xuống, tay gối đầu và nghiêng người dành chỗ cho Kiên. Nhưng Kiên vẫn ngồi, đờ đẫn.
- Giá kể mà quanh đây có nước, - Phương thì thầm nắm nhẹ lấy tay Kiên - Thì có lẽ em nên tắm đi cái đã, đúng không?
- Có thể có đấy. Để anh đi xem xem. Nhưng Phương cứ ngủ đi.
- Không. Đừng. Mặc em. Là em nói thế thôi. Là em nói giá trước khi chia tay, ngủ bên nhau lần cuối, mà em dễ coi hơn thì hơn. Chứ thật ra... dẫu có tắm, có lột bỏ d.a thịt ra thì cũng chẳng khác được nào. Đời là thế, cái số đã định rồi?
- Phương nói, những gì gì ấy, mình chẳng hiểu ra sao cả. Có lẽ đừng nên nói vậy... mà tại sao lại chia tay, tại sao lần cuối cái gì?
- Thì làm thế nào mà biết trước, mà nói chắc. Có thể thế, có thể không thế.
- Có những điều phải biết chắc chắn. Có nhiều điều như thế. Phải biết tự khẳng định! - Kiên làu bàu. - Vì đây không còn là như ở nhà. Đây là chiến trường. Là cuộc chiến đấu. Phải có niềm tin.
- Thì anh cứ đi chiến đấu chứ sao. Mà em đi chuyến đi này, thoạt tiên là để tiễn anh đi chiến trường đấy chứ, đúng không?
- Thoạt tiên? Còn sau đó?
- Trời, sau đó... Anh còn phải hỏi Kiên? Mà thôi nhắc làm gì. Sự nó phải thế. Còn tiếp sau đây thì ai mà biết trước nó thế nào.
- Sao Phương lại có thể nói như thế - Kiên buồn bã kêu lên - Mình rất đau là đã đưa Phương đến những nông nỗi vừa qua. Nhưng cũng có bao nhiêu là cái tình cờ không may xui khiến, xô đẩy. Mà bom đạn thì chúng mình đều không lường được là đến mức như thế. Nhưng dù sao, chúng mình đã ra được đến đây, có nghĩa là mọi sự rồi sẽ ổn thỏa. Sẽ kiếm được cách để Phương quay về Hà Nội. Mọi việc sẽ bình thường. Sẽ như cũ. Tại sao lại bi quan? Bởi việc gì đâu nào. Nếu không cẩn thận sẽ đâm ra tự mình hạ thấp mình.
- Như cũ à? Nghĩa là mặt trời sẽ mọc ở đằng tây à? Mà thôi, Kiên. Chúng mình đừng trò chuyện lý sự như trẻ con thế này nữa. Mặc dù chúng mình là hai đứa trẻ con thật đấy, nhưng sẽ không thể ổn thỏa để là trẻ con được nữa rồi. Anh không thấy thế à?
- Không. Chúng mình không phải là trẻ con. Chính Phương, Phương còn nói Phương là vợ mình mà, nhớ không? Chúng mình không còn là trẻ con nhưng cũng không gì ngăn chúng mình, nhất là Phương không như cũ được.
- Ôi. Ngủ đi chứ, em buồn ngủ quá rồi, đừng nghĩ ngợi nữa. Chúng mình không có lỗi. Chẳng ai có lỗi cả. Chúng mình sinh ra trong trắng từ thời thơ ấu lớn lên trong trắng biết bao. Yêu nhau như thế. Em yêu anh và anh cũng vậy. Tốt đẹp và trong trắng. ước mơ, hy vọng. Mẹ em như thế. Cha anh như thế. Một cuộc đời đẹp đẽ biết nhường nào... Và em là vợ anh chứ sao, nhưng đó là số phận trước đây, còn bây giờ là một số phận khác, chúng mình đã chọn nó. Chọn mà không hiểu. Và gọi là chọn chứ kỳ thực là không thể tránh được. Quên hôm qua đi. Cũng đừng lo lắng ngày mai. Biết thế nào được mà lo. Càng không nên dằn vặt đau khổ. Để làm gì... Nghe em, ngủ đi. Đừng nghĩ, nghĩ làm gì. Đằng nào thì anh cũng thành ra thế, mà em thì thành ra thế này mất rồi...
Phương bỏ lửng lời nói, bàn tay lỏng rời khỏi tay Kiên, và im lặng nàng lả thiếp đi. Kiên ngồi sững nhìn Phương ngủ.
"Anh thì thành ra thế, mà em thì cũng thế này mất rồi..." Phương thừa nhận sự khái quát tăm tối và lầm lạc ấy như thể cúi đầu trước chân lý. Kiên cắn răng lại, bất lực và phẫn nộ, hình dung mềm thức nhận đang ngự trị trong tâm hồn Phương. Anh nghĩ, có lẽ do sớm quỳ gối trước cái gọi là số phận mới mẻ mà giờ đây Phương đã lại hồn, đã lấy lại được thăng bằng, bình tĩnh và điềm nhiên quét sạch đi niềm đau khổ, lạnh
lùng chôn vùi những gì của hôm qua mà nàng ca ngợi là trong trắng và tốt đẹp. Mà như thế, tức là hết? - Kiên nghĩ và anh biết, mình sẽ bỏ rơi Phương, sẽ mặc kệ số kiếp nàng. Trước mắt anh, Phương như đã chuyển thành đối lập với chính nàng. Như trắng lật sang đen.
Và vậy đấy sau những điều đã xảy ra, trong cảnh ngộ thế này, sau khi đã nói những lời như vừa nãy, bây giờ nom nàng ngủ mới ngon lành làm sao?
 
Rách rưới, hở hang, lấm lem và đọng máu nhưng đồng thời cũng hết sức mềm mại mịn màng, tròn trĩnh và trắng muốt. Phương nằm nghiêng chừa chỗ cho anh nhưng dần dần như thể thấy lạnh, nàng co hai đầu gối lên. Cái thế ngủ, thế nằm của trẻ con, đầu gối sát ngực. Chẳng những vì quá buồn ngủ mà hẳn rằng lúc này, Phương hoàn toàn chẳng còn thiết gì nữa, tuyệt đối buông thả, tuyệt đối không còn biết sợ là gì nữa, Kiên nghĩ. Trù trừ một lúc, rồi anh luồn tay dưới gáy Phương nâng nhẹ người nàng lên sẽ lột cái áo lụa cộc tay rách sã, lộn lần trái đang sạch lau mặt, lau cổ, lau khắp mình mẩy Phương. Anh lột nốt cả chiếc quần lụa, chùi vết máu trên đùi cho Phương. Thở dốc run rẩy, anh mặc quần áo của mình vào cho Phương. Rồi anh mắc võng nằm. Cứ nghĩ rằng sẽ chẳng tài nào chợp mắt được vậy mà rốt cuộc, Kiên ngủ lịm. Một giấc ngủ nặng nề, vùi dập, li bì. Tỉnh dậy th.ì chiều rồi. Không thấy Phương nằm đấy. Chiếc áo ban trưa mặc vào cho nàng giờ đắp trên ngực anh. Quần dài và xà cột thì kê dưới gáy. Ngồi dậy Kiên ngạc nhiên ngửi thấy thoang thoảng mùi thuốc lá. Và lạ lùng, mớ quần áo nát của Phương anh đã vo tròn để ở cuối phản, vẫn thấy đãy Dưới nền đất, anh thấy mấy đầu mẩu thuốc lá. Mặc lại quần áo ngoài, lấy khẩu súng lục trong xà cột đút vào túi Kiên lầm lì ra khỏi lớp học. Trông bóng nắng, đã khoảng 4 giờ, Kiên đi quanh trường tìm kỹ, nhưng không gọi. Ở mấy lớp học khác, anh thấy có nhiều võng chăng ngang dọc. Phần đông đám bộ đội đang ngủ. Một số ngồi tụ lại đánh bài. Kiên theo con đường lúc trưa trở ra bãi đất trống, nhìn lên con đường đá chỗ căn hầm hai đứa trú khi sáng. Tịnh không thấy bóng Phương đâu cả. Giấc ngủ quá dài làm đờ đầu óc, kiệt nhất khả năng xét đoán, phản ứng. Thậm chí Kiên không cảm nhận hết nỗi lo lắng đang dồn thúc trong lòng, uể oải, anh đi lùng vào ớn cây bao quanh khu trường. Hóa ra vườn khá rộng, như một cánh rừng thưa. Đôi chỗ râm mát. Vắng lặng. Chẳng có gì ngoài tiếng gió lào xào khua trên lá, tiếng chim hót ngập ngừng, tiếng chân Kiên bước và hai chiếc xe tải trùm kín ngụy trang đậu lập lờ dưới vòm mát của một cây si già nua. Khi qua hai chiếc xe ấy, không hiểu nguyên do làm sao tự dưng tim đập thình thịch, Kiên lên tiếng gọi Phương. Chẳng có cả tiếng vọng. Đi thêm một đoạn nữa thì phải dừng lại. Phía bên này của khu vườn tiếp giáp với một cái đầm lớn. Chắc là sâu vì nước rất trong. Bên kia đầm là đường nhựa lớn, có lẽ là Đường Một. Kiên thẫn thờ đứng nhìn rất lâu mặt nước trong lăn tăn sóng. Không buồn vốc nước rửa mặt anh quay trở về khu trường. Rồi mong manh một tia hy vọng, Kiên chạy nhanh về lớp. Vô vọng. Chẳng có ai trong lớp. Bóng tối mập mờ. Muỗi như trấu. Mấy cái ghế. Mớ quần áo nát bét và lấm máu. Chiếc võng. Thôi thì cũng đành. Phương bỏ đi, âu cũng là giải pháp cho hoàn cảnh này, Kiên nghĩ. Bây giờ mình chỉ việc vào trong thị, tới trình diện tỉnh đội. Nằm vật xuống võng. Nhưng lại ngồi ngay dậy. Một ý nghĩ cầu may, anh bước ra ngoài, đi sang lớp học cạnh đấy.
Võng. Ba lô. Súng ngắn. Xà cột... Có vẻ toàn là sĩ quan. Người đang nằm khểnh, người thì đánh bài. Kiên ngập ngừng, ngần ngại, ấp úng hỏi thăm. Ngồi trên tấm ni lông trải trên nền, giữa hội tú lơ khơ, một người mặt rỗ chằng, râu cằm tua tủa, hạ bài xuống, ngẩng lên nhìn Kiên vẻ ngần ngừ nghĩ ngợi, ho húng hắng rồi bảo:
- Người yêu à? Vậy à . . . Một ả rất được phải không? Nói nghiêm chỉnh là rất kháu, hả? Cổ cao, trắng, mặt rất là... Hả? Dáng đi đung đưa uốn lượn, rất bổ con mắt... đúng à?
- Báo cáo thủ trưởng, vâng. Nhưng...
- Nó tắm ngoài đầm ấy; tớ thấy. . .
- Dạ? - Kiên giật bắn mình - Ngoài đầm ạ?
- Ừ, ngoài đầm. Mà sao mặt dại ra thế à, nó không chết đuối đâu. Tớ thấy nó tắm xong đi lên rồi. Với lại lâu rồi, từ trưa cơ. Mà sao từ đó đến giờ cậu vẫn chưa gặp lại à?
- Gặp thế đếch nào được! - Một người từ trên võng ngồi dậy, trần trục, dáng như đô vật, giọng ồm ồm - Bởi vì rằng nó đang đú ở chỗ bọn xế toàn 8 ấy, hiểu chưa!
- Thế ạ. Tuy nhiên...
- Tuy nhiên! Tuy nhiên là cái gì? Đúng là dân tiểu tư sản cả thộn. Vào lính rồi thì bỏ cái lối thẻo thượt ấy đi nhá?
- Vâng - Kiên lúng búng - Vâng, tuy nhiên...
- Lại tuy nhiên! - Tay nọ đứng dậy, cao lớn lừng lững. Nhưng cậu là loại lính gì lạ nhỉ. Giữa lúc thế này mà có thì giờ đau khổ với tình cơ đấy. Cao xạ Hàm Rồng à? Hay là chân đảo ngũ thế?
- Kìa, sao lại dồn cậu ấy thế, anh Phúc? - Người rỗ mặt vội nói - Còn cậu, người chiến binh, can trường lên chứ hả! Có việc quái gì đâu. Con ấy có thể là đang ở chỗ mấy thằng giặc lái thật, nhưng đã làm sao. Chúng nó giấu xe bên đầm đằng sau kia kìa. Hai chiếc Gát 57 của công ty 8. Dưới gốc si ấy.
- Gốc si ạ. . . Kiên nhợt nhạt, nói lí nhí - Nhưng khi nãy em qua đấy có thấy ai đâu ạ?
- Nếu chúng với con ấy đang trên thùng xe thì cậu thấy thế chó nào được? - Tay đô vật cười gằn - Con ấy cũng hạng táo gan. RÕ ràng dân thành phố thị xã, đúng không?
- Mà em còn gọi nữa. Nhưng không thấy thưa. Có khi không phải.
- Không thấy thưa lên à? - Thằng cha vạm vỡ tên là Phúc dài giọng ra văng một câu rõ tục, y nói ồm ồm - Tớ như cậu thì dí vào. Ngon mắt thì ngon mắt thật, nhưng loại đĩ thập thành ấy cho không tớ cũng. . .
Lẳng lặng Kiên cắt lời y bằng một tống vỡ mồm vào hàm, rồi lùi lại giật khẩu K59 trong túi quần ra. Cả hội bài chết lặng. Kiên lên đạn và tự dưng trở nên bình tĩnh, không run một chút nào, thẳng thừng chĩa họng súng vào ngực Phúc.
- Anh là hạng vừa ngu vừa đểu, thủ trưởng ạ. Thật đấy! Nói đoạn, Kiên hạ mũi súng xuống và quay đi, bước ra ngoài. Không ai đuổi theo, không ai quát lên. Tưởng như chẳng có chuyện gì xảy ra, tuồng như ngay sau đấy ván bài tiếp tục.
Kiên đi ra khỏi sân trường. Đầu cúi gằm, chẳng nhìn đường, chẳng nhìn hướng. Đầu óc như chìm trong bóng tối. Đến khi hai chiếc Gạt đậu im lìm dưới vòm cây si hiện lên ngay trước mắt, Kiên mới sững sờ đứng lại. Anh không hề chủ định lần tới đây. Bây giờ cũng không muốn đi tới đây. Chẳng muốn nhìn thấy một điều gì. Chẳng cẩn gì ở đó hết. Song đôi chân lại cứ bước tới. Và mặc dù hoàn toàn ý thức được rõ mồn một
cái nhục nhã khốn khổ của hành động nhưng không tự ngăn nổi, Kiên vẫn cứ lén lút nhìn vào ca bin, nhìn vào thùng xe. Chẳng có ai ở chiếc thứ nhất. Ở buồng lái chiếc sau cũng chẳng thấy ma nào. Khẩu súng đã lên đạn vẫn nắm trong tay, Kiên vén bạt nhìn vào thùng xe. Một thứ mùi nằng nặng, nửa tiệc tùng, lẫn lộn hơi bia hơi rượu hơi thức ăn thừa mứa, khói thuốc, mồ hôi, và tiếng ngáy khò khè thọt khét, tiếng đài bán dẫn lè nhè hát. Tiếng ú ớ. Ba bốn tay quần đùi may ô nằm sấp nằm ngửa chật hết cả thùng xe, gác chân lên nhau ngủ kềnh ngủ càng.
Kiên nhảy xuống đất. Lảo đảo chạy đi. Ruột cồn lên. Ọe khan. Không hiểu vì cái mùi tởm lợm của cuộc nhậu nhẹt đã tàn hay bởi sự ghê tởm mà Kiên đâm buồn nôn. Anh chạy loạng choạng, vấp víu, cốt cho thật xa chiếc xe. Trên đầu tiếng máy bay rền rền. Cao xạ tới tấp bắn. Chim trong vườn tan tác bay. Kiên dừng lại ở bờ đầm, giữa một lùm cây rậm rạp, cao lút đầu. Trên cao, trên bầu trời hồng rực chiều tà, đàn phản lực Mỹ đang ào tới, đông vô kể, như một trận cuồng phong sắt thép đen ngòm. phạm phải lưới đạn phòng không bắn chặn dữ dội, chúng gầm lên kinh khủng, và không bổ nhào, bay bằng ở độ cao trên dưới ba ngàn thước, trong hình một bàn tay khổng lồ xòe ra, chúng cùng một lúc nhất loạt ào ào buông bom. Biết rằng núi bom ngợp trời kia sẽ chụp xuống cách khá xa khu vực này, song khối lượng hủy diệt dã man không thể tưởng tượng được vẫn buộc Kiên phải ngã rạp người. Anh trông thấy Phương đúng vào giây lát đó, khi những vồng lửa hình sin nhấc bổng mạn trời trước mặt và khi từng luồng sông nổ rùng rợn xô đổ cảnh chiều hôm.
Bên trái lùm cây, cách chỗ Kiên không đầy chục bước, trên một mỏm đá đen bóng như sơn mài, nổi nhô lên mặt nước sát ngay bờ, Phương của anh hoàn toàn khỏa thân, đang tắm. Và mặc dù đang quỳ, vóc dáng trắng muốt của Phương vẫn lồ lộ, bởi vì đằng trước thì thông thống mặt đầm trải rộng, còn sau lưng chỉ là một bờ cỏ thâm thấp với vài lùm cây thưa thớt mọc làm vì. Phương ngước nhìn máy bay, nhìn trận mưa bom những cột lửa và những cồn khói sánh đặc, bốc dựng lên, song hầu như chẳng mảy may hoảng sợ. Chỉ nhìn. Rồi không nhìn nữa, không để ý nữa, đàng hoàng bình thản tiếp tục tắm táp. Quỳ hai đầu gối, nàng vục nước bằng một chiếc mũ cối, dội ào lên vai, rồi hơi ngửa cổ, ưỡn người ra, xối lên ngực. Kiên bậm môi để khỏi buột
miệng gọi, lầm lì theo dõi sự lõa lồ phô phang bất chấp đời của Phương. Cực kỳ ung dung, Phương đứng thẳng. Tuyệt mỹ, ướt át đưa tay lên sửa tóc, ngó một thoáng theo hướng những oanh tạc cơ đang bay khuất dạng, rồi nhẹ nhàng như múa xoay lưng lại, uyển chuyển bước lên bờ. Không buồn nhìn ngó xung quanh, nhặt tấm khăn bông màu lá cây nằm dưới cỏ lên, Phương kỹ càng lau khô mình mẩy. Hai cánh tay đẹp đẽ, hai bờ vai tròn lẳn, hai bầu vú nây rắn rung lên nhè nhẹ; cái eo mịn màng phẳng phiu, hơi thót vào một chút đến nỗi đám lông đen dầy mịn giữa cặp đùi tròn trĩnh trông như một miếng đệm nhung; đôi chân đẹp như tạc, dài và chắc mềm mại với làn da như sữa đặc...
Từ trong lùm cây rậm rạp, Kiên dán mắt nhìn chằm chặp vào từng nét rõ mồn một của cơ thể Phương, từng cử động, từng biểu hiện của d.a thịt Phương. Một cái nhìn xấu xa đã đành, lại kỳ quái, a nóng rực bấn loạn và cuồng náo, nhưng đồng thời cũng là cái nhìn bạc bẽo, khắc nghiệt, một sự quan sát rắn như đanh. Nhìn Phương uốn éo cặp mông, vặn vẹo đôi vai để vận vào người hai mảnh đồ lót nào đó rồi một bộ cánh khá diện nào đó phủ ngoài. Kiên cắn răng lại. Thì ra những tai họa giáng xuống đời hai đứa, đối với Phương có vẻ không hề là tai họa, Kiên nghĩ. Trái lại dường như nàng chỉ coi đó là những yếu tố mới trong cuộc sống mà nàng sẵn sàng đón nhận và thích nghi, thậm chí khá hài lòng. Và Kiên đã đi đến chỗ tin rằng, sự trong trắng vẻ kiều diễm có tính chất bản năng cùng với thiên hướng hoàn mỹ bẩm sinh của Phương giờ đây đã hoàn toàn mất đi nhưng mất đi không phải do hoàn cảnh giằng xé mà do chính Phương đã tự mình rũ tuột hầu như không chút nuối tiếc. Nàng nhập cuộc đời mới với thái độ điềm nhiên khinh nhờn và thờ ơ lãnh đạm, giống hệt như cái cách vừa mới đây nàng ung dung biểu diễn tấm thân trần truồng, phô phang nỗi khổ nhục ra giữa trời nước quang quẻ. Một cách vô phương cứu vãn, từ một người bạn gái tươi đẹp, bừng sáng vẻ thanh tân tự tâm hồn, luôn luôn tha thiết, luôn luôn đằm thắm, Phương của anh - Kiên nghĩ - Trong phút chốc biến thành một người đàn bà khác hẳn, xiết bao xa lạ đối với anh, một người đàn bà từng trải, đã gạt bỏ mọi ảo tưởng và đã tan biến niềm hy vọng, lạnh nhạt vô tình, dửng dưng với tất thảy, với bản thân nàng, với anh, với quá khứ, với cảnh ngộ tang thương đau khổ của mọi người, của đất nước. Nặng nề, Kiên đưa mắt nhìn vuốt theo mãi dáng đi thong dong uyển chuyển, đung đưa toàn thân của Phương, cho tới lúc bóng nàng khuất hẳn. Nỗi thất vọng đau đớn tràn ngập lòng anh. Kiên biết hai đứa sẽ không gặp được lại nhau nữa từ nay, bởi anh đã nhất quyết bỏ rơi nàng. Có thể rồi từ đây Phương sẽ tha thứ cho anh mọi chuyện, từ chuyện anh đã lôi nàng vào cuộc phiêu lưu liều lĩnh, chuyện anh đã trở thành tàn bạo hung dữ, trở thành kẻ sát nhân ngay trước mắt nàng, đến sự ruồng rẫy lạnh lùng này. Phương sẽ tha thứ hết, bởi bản tính nàng như vậy, Kiên biết. Nhưng anh, anh sẽ không đời nào tha thứ cho Phương. Kiên ngồi bất động. Mạn xa, phía bên kia đầm bức thành khói vẫn lừng lững bốc cao và quánh lại. Chiều không một phẩy gió, lặng lờ, mệt lả. Một ngày kinh khủng đã im tiếng nhưng âm thầm cảm giác ngấm đau. Từ từ, Kiên nâng khẩu súng lên nhìn chăm chú cái họng đen ngòm sầu thảm của nó. Anh đặt ngón tay lên vòng cò căng cứng. Bởi vì duyên do nào mà dù thế nào đi chăng nữa cuộc sống vẫn cứ tốt hơn là cái chết? Và tại sao, mặc dù chẳng mấy run tay khi giáng những đòn trí mạng lên th.ân thể và lên cuộc đời của người khác, còn nếu phải tự hướng vào mình một hành động bạo lực quyết liệt thì con người lại run rẩy và nói chung là không dám, tuy rằng cũng thế cả thôi? - Họng súng sát sống mũi, ngón tay rít trên vòng cò, Kiên nhắm mắt lại lòng phân vân tự hỏi. Thốt nhiên, từ đâu đấy, dường như rất xa vang lên một tiếng kêu dài, gọi tên anh.
- Kiên. . . Giọng buồn và du dương, vang vọng ảo não lan trên mặt nước: ...Kiên...iên...".
Kiên giật súng - giơ đẩy bắn viên đạn ở bầu nòng ra, để súng xuống cỏ. Phương đã chạy tới mép đầm và đi sát qua chỗ anh. Xa dần. Kiên lấy chân hẩy khẩu súng xuống nước. Một tiếng như tiếng cá quẫy. Xung quanh, cỏ cây bừa bộn, bốc mùi hăng nồng và ẩm hơn. Sương mù hòa cùng bóng tối, dâng lên. "Kiên ơi... ! Tiếng gọi còn vẳng tới nhiều lần làm anh phải ngồi nán lại một lúc lâu nữa trong lùm cây.
Và rồi, anh lẳng lặng bỏ đi chứ không rẽ qua khu trường học. Hoàng hôn đã lụi tàn, trời đổ tối. Hơi ẩm mịt mù khiến cho mặt đầm như rộng hơn và khu vườn thì dằng dịt, rậm rạp hơn. Kiên mò một lối tắt qua vườn, ra nhanh con đường đá dẫn về thị xã. Hồi gần trưa, anh và Phương chạy từ ga về đây, trên con đường này, bây giờ một mình anh cắm cúi sải bước, chạy trốn. Khi về tới na thị xã, bất chợt Kiên lại nghe thấy, không biết vọng từ hướng nào đến, thiết tha yếu ớt tiếng Phương gọi. Có lẽ vẫn tiếng gọi lúc ban chiều nhưng tiếng gọi đó không tắt mà cứ bay lang thang mãi trong thinh không đã tràn đầy những hình bóng của đêm khuya. Ngay tối hôm đó, Kiên trình diện ở tỉnh đội. Hôm sau cùng một toán lính thu dung, anh hành quân vào Nông Cống - nhập trạm giao liên. Từ đấy, bặt tin Phương, cho đến ngày gặp lại nhau sau chiến tranh. Song cũng không hoàn toàn như vậy. . .
Lá thư đó, Kiên nhận được ở bên bờ sông Đắc Bờ Là khi anh cùng trung đội trinh sát dang tận hưởng những ngày đầu tiên tương đối yên của thời Hiệp định. Không phải thư từ miền Bắc mà từ sư 2 của mặt trận khu 5.
"Mình là Kỳ, còn gọi là Kỳ "tổ ong", hiện nay là trợ lý trinh sát của ông Chân - Lá thư được mở đầu như thế - Hồi sư hai uýnh thị xã Công Tum, cánh trinh sát trung đoàn các ông có sang phối thuộc giúp chúng mình. Chuyện vừa trong năm nên ông hẳn nhớ, nhưng bản thân mình thì ông chẳng nhớ được đâu. Cũng là dĩ nhiên thôi. Mình thì thoáng gặp là nhận ra ông ngay, và mình cũng biết nếu nhắc lại thì ông cũng hiểu ra tức khắc mình là ai. Nhưng mấy lần gặp ông trong chiến dịch mình đều im, phần vì quá độ ác liệt, thất điên bát đảo như thế, phần thấy ngần ngại. Chuyện qua đã lâu, sự đã rồi, kể lại không chừng làm ông khổ tâm ảnh hưởng tới chiến đấu. Nhưng quan sát thấy ông đã từng trải lắm, là hạng trinh sát lão làng rồi, tinh thần cứng cựa đủ đề kháng với mọi sự, với lại giờ đây đã hòa bình có thể ôn chút chuyện cũ được rồi chăng. Về đến đồng bằng mình quyết định biên thư lên cho ông ngay. Thế này nhé, Kiên ạ, ông còn nhớ chứ cái trường cấp hai hư nát bỏ phế gần thị xã Thanh Hóa...".
" Sau khi xảy ra xô xát - Thư viết tiếp - Cả lũ chúng mình sững sờ. Hồi ấy, tuy đã là cán bộ nhưng bọn mình còn sữa cả, đã biết ăn nói xử sự cho phải nhẽ đâu. Hối hận muốn chạy theo nói lại và khuyên giải nhưng ông lại có súng, làm thế nào, chả nhẽ bắn nhau?"
"Lát sau, hình như cũng không lâu lắm, chính cô gái sang bên bọn mình hỏi xem có thấy ông đâu không. Lại giải thích không ra đâu vào đâu với cô bé, bọn mình đã làm cô ấy cuống lên. Có dễ đến nửa đêm hôm ấy cô bé vẫn tìm kiếm và gọi tên ông đến khản hơi. Mãi rồi mình mới dỗ được cô ấy trở về lán, bởi vì rõ ràng là ông đã bỏ đi rồi. Ông hành động như thế đúng hay sai thật khó định, nhưng lỗi của bọn mình thì quả là nặng nề. Bởi vì trái với lời chúng mình khích bác ông, cô gái của ông, ông Kiên ạ, chẳng những đẹp người mà tính nết lại rất dễ thương và rất yêu ông... Bọn mình còn ở lại ngôi trường ấy thêm một ngày, và cô gái cũng thế, cô chất lại đấy chờ ông. Bọn mình đề nghị được giúp đỡ, được đưa cô ra Rừng Thông và hứa sẽ tìm giúp cô một xe quân sự ra Hà Nội với những đồng hành đáng tin cậy nhất. Nhưng cô bé từ chối. Cô bảo sẽ tiếp tục đi sâu vào trong. Mình hỏi rồi sau đó, cô bé đáp rằng cũng còn tùy, mặc dù dĩ nhiên cô rất buồn. Bọn mình không nấn ná được, tối hôm sau phải lên đường. CÔ gái thì vẫn ở lại ngôi trường hoang ấy. Đấy, chuyện như thế. ch.uyện ấy cứ canh cánh trong lòng mình. Vì vậy giữa lửa đạn, bảy năm trời sau mình vẫn nhận ra ông. Và cũng do vậy mà mình biên thư này gửi ông. Nếu trước thư này ông đã gặp cô ấy rồi thì thật tốt, còn nếu như chưa gặp thì mong lá thư này có một tác dụng nào đó. Chiến tranh qua rồi, hy vọng gặp lại người xưa chuyện cũ nhiều lên. Hãy tìm cô ấy, Kiên ạ, nếu còn sống. Ở đời có những chuyện khi cần biết thì ta không biết không hiểu, khi biết được, hiểu được thì đã chẳng còn để làm gì nữa. Tuy thế biết được thì vẫn hơn là không...".

Lá thư của người đồng đội ấy làm ấm lòng Kiên, đã an ủi và động viên anh rất nhiều bằng niềm hy vọng kỳ lạ vào sự không thể nào mất được của cuộc sống đã qua. Tất cả những gì đã mất đi đều vẫn còn lại đó. Càng từng trải chiến tranh, càng chứng kiến nhiều hơn sức mạnh hủy diệt? Sức mạnh biến tất cả thành tro bụi của nó, Kiên càng tin rằng chiến tranh không tiêu diệt được cái gì hết. Tất cả vẫn còn lại đó, vẫn y nguyên. Cái xấu xa đã đành, nhưng cái tốt đẹp cũng vẫn còn. Bản thân anh đã không thay đổi cho dù rõ ràng đã trở nên hoàn toàn khác. Anh tin rằng Phương của anh cũng vậy. Và nói chung, tất cả mọi người, tất cả những ai bị chiến tranh làm cho biến đổi, họ vẫn mãi mãi là như họ trong quá khứ.
Bất chấp chiến tranh kinh khủng, bất chấp bạo tàn và ô nhục, bất chấp sự rơm rác của những định kiến và những giáo điều gò khuôn cuộc sống của con người. Phương của anh vĩnh viễn trẻ trung, vĩnh viễn ở ngoài thời gian, vĩnh viên bên ngoài mọi thời buổi. Vĩnh viễn nàng tuyệt đẹp, đẹp không chung một nét với bất kỳ kiểu người đẹp nào mà đời từng được biết. Nàng như là thảo nguyên vừa qua mùa mưa lướt vào mùa gió, cuồn cuộn sóng cỏ xô bờ, rợp trời hoa cúc tơ hồng bay. Nàng xinh đẹp, mê dại và bất kham, hấp dẫn đến lịm người bởi sắc đẹp kì ảo và khôn lường, đẹp một cách đau lòng, đẹp như thể một sắc đẹp bị chấn thương, như thể một sắc đẹp lâm nguy, mấp mé bên bờ vực. Rất nhiều năm về sau này, trong một đêm chìm đắm vào những thất vọng khô cằn, Kiên mơ thấy đời mình hóa thân thành một dòng sông trôi chảy trước mặt để đưa anh về vùng chết, thì đúng giây phút cuối cùng sắp buông rơi mình, Kiên lại chợt nghe thấy tiếng gọi của Phương từ buổi hoàng hôn cay đắng năm xưa cất lên kêu gọi và lay thức anh. Tiếng gọi cuối cùng ấy của mối tình đầu cũng đồng thời là vang âm đã nhập tâm về một cuộc đời hạnh phúc, một tương lai tươi sáng mặc dù đã bị bỏ lỡ, đã bị buông rơi nhưng không hề mất đi, mãi mãi còn đó, chờ đợi anh trên đường quá khứ. Trải ra vô tận trước mắt anh bốn mươi năm đã qua của cuộc đời. Kỷ niệm, vô vàn kỷ niệm vẫy gọi và thôi thúc anh tiến bước trên đường. Dĩ vãng không điểm tận cùng và dĩ vãng là vĩnh viễn thủy chung, với tình bạn, tình anh em, tình đồng chí, và nói chung, bất diệt những tình người.
Mãi mãi anh bị cuốn hút về những đốm lửa trong không gian trải đến cuối chân trời quá khứ, những đốm lửa chiến tranh đầu tiên trong đời, vệt sáng của cuộc phiêu lưu đầu tiên và cũng là tia sáng của tình yêu rọi lên từ đáy xa sâu thẳm thời thơ ấu...
 
Chương 8 (Chương cuối)

KHI NHÀ VĂN CỦA PHƯỜNG CHÚNG TÔI từ bỏ khu phố này, anh chẳng hề cho ai hay, mà rồi thực ra cũng chẳng ai người ta để ý. Anh vẫn thường biến mất, khi một tuần, khi hàng tháng. Lần này có thể là hàng năm chăng, thậm chí mãi mãi. Chuyện đó chẳng có gì lạ, cũng chẳng khó gì, bởi nếu biết làm cho mình tự do thì con người ta vẫn nhiều vận hội và vẫn có muôn ngả để sống, như gió trời. Hôm anh ta đi, phòng để ngỏ. Vào lúc rạng mai gió bấc tràn về bung màn cửa sổ. Bụi xám mưa phùn thổi vào buồng, phủ lên chút ít đồ đạc sơ sài, những tàn tích của một lối sống đã quá thời. Tro than từ lò sưởi tỏa phù ra, và giấy má từ mặt bàn, giá sách, từ đống bản thảo chất trong góc tung xỏa, vương khắp trên sàn. Người đàn bà hôm ấy đã ở lại qua đêm trong phòng, tỉnh dậy, còn lại một mình. âm thầm chị thu dọn căn buồng bừa bộn xơ xác. Tất cả giấy tờ tan tác chị nhặt hết lại, dồn vào với chồng bản thảo, thành cả một tòa núi non. Sau đó người ta thấy chị lễ mễ khuân toàn bộ núi giấy ấy lên tầng áp mái, nơi chị ở. Tất cả đều khó hiểu đối với chị. Vì sao anh bỏ đi và đi đâu, chị không biết. Nhưng chị không thể nói, không thể hỏi gì ở ai về anh. Chỉ biết bộc bạch tâm sự bằng sự buồn xỉu làm tăng lên sức nặng của sự câm lặng u ám. Và kệ rằng năm tháng trôi qua, và quên rằng, trước khi ra đi anh đã định cho tuốt vào lò, chị vẫn cẩn thận giữ gìn nguyên vẹn cái khối lượng ngốt người những trang bản thảo rối bời đầy bụi ấy. Người ta đùa rằng chị đã phải bùa ngải nên đã trở thành thần giữ của. Riêng tôi thì tôi lại cảm thấy trong sự chờ đợi kín như bưng của người đàn bà câm đối với tay nhà văn của phường có cái gì như lòng thủy chung của một độc giả giành cho tác phẩm gối đầu gi.ường. Và nếu đúng như vậy thì giá trị của tác phẩm không bao giờ ra đời ấy, tôi nghĩ, chí ít cũng đã được khẳng định, hay nói cách khác, được bảo đảm bởi tấm lòng người độc giả độc nhất của nó.
Về sau, khi bằng một cách nào đó, có được trong tay toàn bộ bản thảo trữ trên tầng áp mái trong phòng người đàn bà bị câm, không hiểu sao tôi thấy khá yên tâm với sự đảm bảo thầm lặng của chị để có thể kiên nhẫn lần đọc kỹ càng thậm chí từng trang. Tất nhiên, tôi cố gắng như thế còn do sự cám dỗ bởi sự tò mò muốn tìm hiểu đôi chút về một nhân vật mà bàn dân thiên hạ trong phố coi là hiện tượng dị biệt, khó cắt nghĩa. Một kẻ bị ma ám, người ta bảo thế, một di chứng của thời
đại trước. Một con ma men, uống để sám hối, để chôn vùi những uẩn khúc, những tội lỗi hẳn là vô khối trong đời. Một kẻ được đàn bà ưa thích và cưu mang song lại là một tay ái nam ái nữ về phần hồn. Một tay tiểu tư sản thực thụ cuối cùng của khu phố, phản loạn và cực đoan song cực kỳ bạc nhược và cực kỳ do dự. Đại để là như thế, nói chung là chẳng rõ ràng gì. Tuy nhiên, trong thời buổi mà hầu hết chúng ta đều chung một tuyến cảm xúc, tôi thường bị hấp dẫn bởi những nhân cách lạc điệu và vì vậy đã gắng đọc của anh ta, dù rằng thật là cực nhọc.
Thoạt tiên, tôi cũng gắng sắp xếp để tìm lại một trình tự mong có thể đọc được như tôi vẫn thường đọc. Song hoài công. Có vẻ như chẳng một trình tự nào hết. Trang nào cũng hầu như là trang đầu, trang nào cũng có vẻ là trang cuối. Tôi nghĩ, ngay dù có đánh số trang, ngay dù không có trường đoạn bị đốt, bị mối xông, không có những trang mà tác giả đã loại nhưng vẫn lẫn bản thảo thì đây vẫn là một sáng tác dựa trên cảm hứng chủ đạo của sự rối bời. Tôi không muốn nói là điên rồ.
Từng trang, từng trường đoạn một thì có thể theo dõi được, đôi khi khá cuốn hút. Những địa danh không còn ai nhớ tới của một mặt trận thân thuộc khiến tôi xúc động. Những cận cảnh chiến đấu, những tiểu tiết của cuộc sống binh sĩ, những gương mặt đồng đội hiện lên ngắn ngủi, thoáng lướt nhưng đậm nét trên từng trang. Tuy nhiên mạch chuyện không ngừng đứt gãy. Tác phẩm từ đầu đến cuối không hề có nổi một tuyến chung, một bề mặt đại khái nào mà hoàn toàn là những khối thù hình. Tất cả đang diễn ra đột nhiên đứt gãy và bị quét sạch khỏi giữa chừng trang giấy như thể rơi vào một kẽ nứt nào đó của thời gian tác phẩm. Ta vẫn gọi đó là sự mất bố cục, sự thiếu mạch lạc, thiếu bao quát nhiều khi chứng tỏ sự hụt hẫng của tư duy người viết Chứng tỏ cái vẻ lực bất tòng tâm của y. Cũng là một trung đội trinh sát đó thôi nhưng bạn thử tưởng tượng xem, ở trang này họ là người lính thiện chiến nhất, gây chết chóc đáng sợ nhất cho đối phương, ở trang sau hỡi ôi, không thể tin được, họ lại biến thành những nhân vật rã rời u ám, ngợp ngọng nhất, yếu đuối và lờ phờ nhất, thậm chí tác giả còn biến họ thành những hồn ma, những âm binh ảo não trôi dạt trong bụi bờ, trong các góc tối cầu thang, đến với nhau trong những cơn ác mộng. Tất cả bọn họ đã bị giết, mỗi người mỗi cách, vậy mà rồi lại thấy họ kéo lê bước chân trên hè phố, nhếch nhác sống cuộc đời mạt vận của những gã tiểu thị dân thời hậu chiến. Và rốt cuộc, đến chính họ cùng với tác giả cũng phải ngỡ ngàng, bởi không đâu họ lại trở về với cõi cực lạc của những ngày tháng xa xưa, với tuổi thơ, với cô bạn gái nhỏ, với niềm tin ngây thơ trong trắng thuở trước chiến tranh? Buồn thay, họ là những người tình tuyệt vời lại là những con người cô độc vĩnh viễn, chẳng những đã mất lứa đôi mà còn mất đi khả năng yêu đương, và bởi những ám ảnh mà trở nên suy đồi theo cái cách của họ. Còn bản thân tác giả, mặc dù xưng "tôi" nhưng đích thực y là ai trong những lính trinh sát ấy, những hồn ma, những bộ hài cốt moi từ đáy rừng lên ấy, những cậu bé con nhà bị đẩy lạc ra khỏi nguồn văn hóa, những đứa con của tự do nhưng trong đầu lại đầy những định kiến ấy? Tôi không biết. Tôi không hiểu gì cả. Tôi chỉ hiểu nguyên do vì sao mà tác giả đã không tìm cách xuất bản, sáng tác của mình, vì sao y viết để mà viết, suy nghĩ để mà suy nghĩ rồi lại giao phó tất cả cho một người câm tuyệt đối kín đáo để gửi gắm và chôn vùi những ý tưởng rối loạn của mình.
Dần dà chính tôi đã đi đến chỗ cho phép mình đọc theo một phương thức rất tùy nghi. Tôi đọc cả núi giấy ấy theo một cách giản đơn là tờ trước rồi đến tờ sau bất kể trình tự đó là ngẫu nhiên, bất kể đó là một trang bản thảo hay là một lá thư, một trang ghi chép rời ra từ sổ tay, một trang nhật ký, một bản nháp của bài báo. Tôi đọc gộp cả lại, giở lần lượt từng tờ ra mà đọc. Tôi thấy lẫn trong đó những bức ảnh, những bài thơ, những bản nhạc chép tay, những tờ khai lý lịch, giấy chứng nhận huân chương, chứng nhận thương tật, và cả những quân bài quăn nát, lem nhem từ con 2 đến con át...
Cái lối tùy tiện ấy có hiệu quả đối với nhận thức của tôi. Trước mắt tôi lúc này tác phẩm bị dẹp bỏ của nhà văn phường chúng tôi hiện lên trong một cấu trúc khác, trong sự hòa đồng với cuộc đời thực không hề hư cấu của anh. Tôi đã chép lại hầu như toàn bộ theo đúng cái trình tự tình cờ tôi có được ấy, chỉ lược đi những trang không thể đọc nổi vì mực bị phai, vì viết quá tháu, những trang rõ ràng là trùng lặp, những mẩu thư từ nói những chuyện người thứ ba không thể hiểu nổi hoặc những mẩu ghi chép linh tinh tối nghĩa. Không hề có một chữ nào là của tôi trong bản thảo mới, tôi chỉ xoay xoay vặn vặn như một người chơi Ru-bic vậy thôi. Nhưng sau khi chép xong, đọc lại, tôi ngỡ ngàng nhận thấy những ý tưởng của mình, những cảm giác của mình, thậm chí cả những cảnh ngộ của mình nữa. Dường như do sự tình cờ của câu chữ và của bố cục, tôi và tác giả đã ngẫu nhiên trở nên hòa đồng tư tưởng, trở nên rất gần nhau. Thậm chí tôi ngờ rằng có quen anh trong chiến tranh.
Phải, anh đã thay đổi ghê gớm, nhưng tôi đã nhận ra. Anh ta cao lớn mảnh dẻ, vẻ mặt không đẹp, lầm lì, có ánh nhìn man rợ. Da dẻ anh khô và sạm, thủng lỗ chỗ, đét lại như thuộc, lốm đốm vệt thuốc súng, môi mím chặt. Bên má một vết đạn bắn thẳng cầy một rãnh sát sạt vào xương. Chúng tôi đã gặp nhau trên đường chiến tranh, vào một ngày nào đó. Cùng lê bước trong bụi đỏ và trong bùn lầy, vai đeo tiểu liên, lưng đeo gùi. Chân đi đất. Và tôi cũng như anh, cũng như mọi người .
lính thường khác của cuộc chiến tranh Việt-mỹ, đã cùng chung một số phận, chia nhau đủ mọi cảnh ngộ thăng trầm, thắng bại, hạnh phúc đau khổ, mất và còn.
Nhưng mỗi người trong chúng tôi bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng, mỗi người ngay từ ngày đó đã mang trong lòng một cuộc chiến tranh của riêng mình nhiều khi hoàn toàn khác với cuộc chiến đấu chung, những nhìn nhận mà sâu trong lòng cực kỳ khác nhau về con người, về thời đại chiến trận, và đương nhiên mỗi người một số phận hậu chiến. Có thể nói chúng tôi giống nhau ở chỗ là hoàn toàn khác nhau trong cái vẻ hoàn toàn giống nhau trong quá trình nặng nề đeo đuổi cuộc chiến. Nhưng chúng tôi còn có chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ. Chính nhờ nỗi buồn mà chúng tôi đã thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi bị chôn vùi trong cảnh chém giết triền miên, trong cảnh khốn khổ của những tay súng, những đầu lê, những ám ảnh bạo lực và bạo hành, để bước trở lại con đường riêng của mỗi cuộc đời có lẽ chẳng sung sướng gì và cũng đầy tội lỗi, nhưng vẫn là cuộc đời đẹp đẽ nhất mà chúng tôi có thể hy vọng, bởi vì đấy là đời sống hòa bình. Đấy chắc chắn là điều mà tác giả thực sự của tác phẩm này muốn nói. Tuy nhiên riêng anh thì nỗi buồn chiến tranh do nhiều lý do nặng nề hơn nhiều so với tôi. Nỗi buồn ngăn không cho anh cảm thấy một chút nhẹ lòng trong đời sống hiện tại. Ngày tháng của đời anh cứ lùi lại mãi. Có lẽ ấy là một cảnh ngộ trái khoáy, một sự bi quan bế tắc như ta thường nói, một đời sống tinh thần vô vọng. Nhưng mặc dù thế, tôi tin rằng anh vô cùng hạnh phúc trên con đường hướng mãi về quá khứ. Không bị sự quên lãng xói mòn, tâm hồn anh mãi mãi được sống trong mùa xuân của những tình cảm mà ngày nay đã mai một hoặc đã già cỗi và biến tướng. Anh sẽ được trở lại với tình yêu, tình bạn tình đồng chí những tình cảm đã giúp chúng ta vượt qua muôn ngàn đau khổ của chiến tranh. Tôi cảm thấy ghen ty với niềm cảm hứng, niềm lạc quan quay ngược về quá khứ của anh. Bởi vì nhờ thế mà anh vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người, những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao chúng ta cần phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần phải chịu đựng tất cả và hy sinh tất cả. Ngày mà tất cả đều còn rất son trẻ, trong trắng và chân thành.

B.N


Hết
 
đây là một câu chuyện cực hay đó nha! các bạn hãy đọc và sẽ thấy nhìu điều thú vị đó!
:KSV@02:
 
Truyện này được giải thưởng Sách Hay nà, mình có đi xem lễ trao giải nhưng nhà văn Bảo Ninh hôm đó không tham dự được, hic, tiếc :KSV@17:
 
Đánh máy nhọc a nhỉ!Cảm ơn anh nhiều
:KSV@11::KSV@03:
 
dai` đinḥ không đoc̣ xong rât´ hay...minh không muôn´ chiên´ tranh chut´ nao`..
 
×
Quay lại
Top