Đào tạo nhân lực y tế: Nặng lý thuyết!

Monmunmon

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
1/1/2012
Bài viết
4.527
Ngành y tế phải có chuẩn đầu ra mang tầm quốc gia, để đạt được chuẩn đầu ra thì phải thi tuyển, có như vậy mới kiểm soát được chất lượng.

“Chương trình giáo dục ngành y tế nước ta còn nặng về lý thuyết, sinh viên học sáu năm trong trường y nhưng ra trường chưa chắc làm được việc, thậm chí có sinh viên còn rất ngơ ngác, phải nhiều năm sau mới làm việc được. Lý do là quan điểm đào tạo đã cũ, chúng ta quá nặng nề về lý thuyết, phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi và đánh giá đã lạc hậu, nhiều bất cập. Trong khi đó vấn đề thực tiễn và thực hành lâm sàng thì hạn chế”.

PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, mở đầu như trên tại buổi tọa đàm khoa học Đổi mới căn bản toàn diện hoạt động đào tạo các trường y, dược Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế tổ chức sáng 10/9 tại Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương.

Kéo dài thời gian học

PGS-TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho rằng nghề y là một nghề đặc biệt, người muốn hành nghề y phải qua quá trình đào tạo dài và gian khổ, mất ít nhất 13-14 năm mới có chất lượng. “Ở nước ngoài, sinh viên ngành y sau khi được đào tạo sáu năm mới chỉ được làm bác sĩ gia đình, sau đó phải học thêm ít nhất ba năm nữa mới được vào các bệnh viện (BV). Trong khi đó, sinh viên ngành y của Việt Nam chỉ được đào tạo trong sáu năm, như vậy là quá “chật hẹp”, trong khi phần lớn khối lượng học trong sáu năm là lý thuyết” - ông Khẩn nói.

thuc-tap-c779b.jpg
Sinh viên ngành y đang thực tập tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. (Ảnh: HTD)

Đồng quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh cho rằng cần phải kéo dài thời gian học ngành y hơn nữa, ít nhất là tám năm. “Tất cả các nước trên thế giới, không nước nào học sáu năm đi ra khám, chữa bệnh. Việt Nam đào tạo sáu năm ra là khám, chữa bệnh, kê đơn luôn. Sáu năm mọi người đã kêu là dài nhưng giờ phải học dài hơn nữa mới được hành nghề” - ông Hinh nhấn mạnh.

GS-TS Phạm Thị Minh Đức, Phó Chủ tịch Tổng Hội Y dược học Việt Nam, cho rằng tăng thời gian học là hợp lý. Môn nào cũng muốn tăng tiết khiến chương trình học phình ra nhưng chủ yếu là phình lý thuyết khiến quá trình học không thực chất. Điều cần thiết là phải kéo dài thời gian thực hành, thực tế cho sinh viên y khoa.

Mặt khác, theo ông Hinh, cần phải đổi mới chương trình giảng dạy để tiếp cận gần hơn với những tiến bộ của thế giới. “Hàng chục năm vừa qua chúng ta vẫn duy trì đào tạo với nội hàm kiến thức của những năm 1940, 1950. Trong khi đó, kiến thức của nhân loại không ngừng biến đổi” - ông Hinh nói.

Xiết chặt chuẩn đầu ra

Ông Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội, đưa ra một bất cập là hiện nay các trường ồ ạt mở thêm ngành đào tạo y, dược. Trước sức nóng của ngành này, nhiều trường đã tăng chỉ tiêu đào tạo, trong khi đó thì cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy không được mở rộng khiến chất lượng sinh viên đầu vào cũng như khi ra trường không được đảm bảo.

“Ví dụ, điểm chuẩn vào ĐH dược khối A là 27 điểm, trong khi đó ĐH Đại Nam (Hà Nội) gọi điện thoại đến từng thí sinh một, lấy điểm chuẩn khối A là 13 điểm, khối B 14 điểm. Nếu kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, giáo trình khác nhau thì chất lượng đầu ra chắc chắn sẽ khác nhau” - ông Hòa dẫn chứng.

Ông Hòa cho biết hiện nay chuẩn đầu ra các trường tự kiểm định và tự công bố không theo một chuẩn thống nhất. Ngành y tế phải có chuẩn đầu ra mang tầm quốc gia, để đạt được chuẩn đầu ra thì phải thi tuyển, có như vậy mới kiểm soát được chất lượng. “Theo Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân, bất kể dược sĩ tốt nghiệp trường nào đều có khả năng mở các công ty dược, nhà thuốc. Đây là một bất cập khiến chất lượng nhân lực y tế không đảm bảo và cũng khó kiểm soát” - ông Hòa phân tích.

Đồng quan điểm trên, PGS-TS Vũ Đình Chính, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương, cũng cho rằng cần xiết đầu ra theo chuẩn năng lực đáp ứng yêu cầu của xã hội. “Cần phải tổ chức cuộc thi tuyển quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề nhằm giải quyết bài toán chất lượng đào tạo. Có thể người bằng cấp loại trung bình nhưng tay nghề giỏi thì vẫn được cấp chứng chỉ hành nghề” - ông Chính đề xuất.

Theo Dân Trí
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top