Để mãi là nơi đàn chim trở về

thi55cnsh

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/4/2011
Bài viết
835
17244_VQG_Xuan_Thuy_noi_chua_dung_he_sinh_thai_quy_hiem.jpg


Là vùng đất ngập nước rộng, độ phủ xanh lớn nên hàng năm vào mùa chim di cư, Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy - Nam Định) đón hàng trăm loài từ khắp nơi trên thế giới đến lưu trú. Để nơi đây mãi là "đất lành" cần hài hòa giữa quản lý, bảo tồn với nhu cầu mưu sinh của người dân.
Điểm dừng chân của nhiều loài chim quý
Vườn Quốc gia Xuân Thủy là nơi tiêu biểu cho nền văn hóa mở đất của người dân đồng bằng châu thổ sông Hồng với truyền thống canh tác lúa lấn cói, cói lấn vẹt, vẹt lấn biển... Trải qua nhiều thế kỷ, cộng đồng địa phương đã tạo nên những làng quê trù phú. Các mô hình sinh thái: VAC, nuôi trồng thủy sản kết hợp với nghề trồng rừng và nghề cá và những công trình kiến trúc chùa chiền, nhà thờ... đã tạo nên bức tranh sinh động của vùng quê ở cửa sông, ven biển.
Điều gốc rễ tạo ra sức hút, giá trị của Vườn Quốc gia Xuân Thủy đó là giữ được giá trị nguyên bản của một khu Ramsar - vùng đất ngập nước có tầm quan trọng, đồng thời là khu bảo tồn sinh quyển tầm cỡ thế giới. Theo thống kê của Ban Quản lý Vườn, tại đây xuất hiện 120 loài thực vật bậc cao, 107 loài cá, 500 loài thủy sinh, hơn 100 loài thú... Đặc biệt vào mùa di cư, đây là điểm dừng chân của hơn 220 loài chim với số lượng trên 40 nghìn con. Trong đó có tới 11 loài quý hiếm đã được ghi vào Sách đỏ thế giới như: giang sen, bồ nông, cò mỏ ngắn, choắt mỏ vàng, giẽ mỏ thìa, mòng bể...
Trên vùng đất ngập mặn này, dưới làn nước thủy triều có khoảng 165 loài động vật nổi và 154 loài động vật đáy, tổng cộng khoảng 500 loài động vật. Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo hấp dẫn khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt là vào mùa đông - mùa chim di trú từ phương Bắc.
Để Ramsar Xuân Thủy thực sự xứng tầm là Ramsar và tạo ra diện mạo mới cho Vườn Quốc gia, Vườn đã xây dựng được 4 tuyến du lịch đủ sức hấp dẫn du khách gồm tuyến du thuyền cửa sông, tuyến xem chim, tuyến điền dã và tuyến du khảo đồng quê. Nhờ đó cùng với sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và từ nguồn tài nguyên biển giàu có của Ramsar đã thay đổi nhanh chóng đời sống của cư dân 5 xã vùng đệm Giao Hải, Giao Xuân, Giao An, Giao Thiện và Giao Lạc (huyện Giao Thủy). Hiện nay, tại xã Giao Xuân đã hình thành mô hình du lịch cộng đồng với gần 20 hộ và trên 100 người tham gia.

Không ít áp lực !
Rừng ngập mặn (RNM) của Vườn Quốc gia Xuân Thủy đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương. Các hệ sinh thái RNM cung cấp những chức năng và dịch vụ sinh thái quan trọng, tấm bình phong bảo vệ người dân khỏi gió bão và giúp ngăn chặn hiện tượng xói lở ven biển...
Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, sự tồn tại và phát triển RNM ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy trải qua nhiều bước thăng trầm. Khi có sự thay đổi về cơ chế quản lý hoặc có biến động về thiên tai và điều kiện tự nhiên không còn thích hợp, RNM bị chết dần hoặc bị hủy diệt hàng loạt tạo ra những diễn biến phức tạp về tài nguyên, môi trường như : Đê biển bị uy hiếp, đất đai canh tác bị thu hẹp vì phải dời đê vào sâu trong đất liền, nguồn lợi tự nhiên bị suy giảm. Từ đó đã tác động tiêu cực đến đời sống mọi mặt của cộng đồng địa phương.
Kinh tế thủy sản mang lại cuộc sống ấm no và có phần hạnh phúc hơn cho cộng đồng địa phương. Đặc biệt thu nhập từ nghề nuôi trồng thủy sản bằng làm đầm tôm và vây vạng (cùng họ nhà sò - PV), đã tạo nên sức hút mãnh liệt với nhiều người có mong muốn làm giàu nhanh. Từ đây tạo nên áp lực mới đối với RNM nói riêng và tài nguyên môi trường nói chung. Diện tích RNM bị thu hẹp và bị tổn thương vì bị ô nhiễm từ nguồn chất thải của các mô hình nuôi trồng thủy sản. Một số diện tích RNM bị loài nhuyễn thể sống bám vào thân lá xâm hại khá mạnh do còn tồn tại môi trường nước quá mặn vào mùa đông ken.
Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã và đang đem lại cho người dân địa phương một nguồn lợi rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân chưa thật có ý thức trong việc khai thác nguồn tài nguyên của địa phương mình, thậm chí họ cho rằng, "chim trời, cá nước" làm sao hết được, cần gì phải bảo vệ, giữ gìn... Chính vì lẽ đó, theo Ban Quản lý Vườn, hiện nay, vẫn xảy ra hiện tượng khai thác bừa bãi nguồn lợi rừng ngập mặn như: Vào rừng chặt củi, săn bắn chim, thú và dùng loại lưới mắt nhỏ trong khai thác thủy sản... Cá biệt vẫn còn tình trạng một số người là dân vùng đệm, từ các xã lân cận đến khai thác trộm. Những đối tượng này bất chấp thủ đoạn miễn là thu lợi cao nhất. Những khẩu súng săn, những tấm lưới mắt nhỏ... mà lực lượng kiểm lâm địa phương bắt được là một minh chứng.
Vẫn biết, nguồn lợi thủy sản tuy không phải là vô tận, nhưng hoàn toàn có thể tái tạo được khi con người biết quản lý và kiểm soát tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
X.Hợp - Monre

nguồn: https://vea.gov.vn
 
×
Quay lại
Top