đi tìm bản thể của ngữ pháp tiếng việt hay là tiểu luận về ngữ pháp tiếng việt

Vinhthuy82

Thành viên
Tham gia
30/3/2012
Bài viết
1
ĐI TÌM BẢN THỂ CỦA NGỮ PHÁP TIẾNG VIỆT
HAY LÀ
TIỂU LUẬN VỀ NGỮ PHÁP TIẾNG VIỆT

Đã từ lâu tôi muốn viết một cái gì đó về tiếng Việt, nhưng cứ trì hoãn mãi. Trong bài tiểu luận này, tôi không có tham vọng giải quyết mọi vấn đề của tiếng Việt, cũng không muốn nói rằng ngữ pháp tiếng Việt tất thảy là như thế này; mà tôi chỉ muốn khai mở cuộc tìm kiếm bản thể đích thực của tiếng Việt.

Từ bao giờ xuất hiện câu nói “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”? Thật khi nghiệm ra thì câu nói ấy có phần đúng. Hồi còn học tiếng Việt thực hành ở đại học, giáo sư cho sáu chữ, chỉ cần đổi vị trí kiểu nào thì cũng đều cho ra một câu mới, có đến cả gần 10 câu mới được tạo ra chỉ cần thay đổi vị trí của các từ. Phải chăng ngữ pháp tiếng Việt không có quy luật? Sau này, tôi được đọc một quyển sách văn phạm về tiếng Việt do một vị giáo sư ở hải ngoại viết, thì ngữ pháp tiếng Việt có luật hẳn hoi. Tuy nhiên, tôi không thích quyển sách ngữ pháp đó lắm, vì đơn giản, vị giáo sư kia đang cố gò ngữ pháp tiếng Việt theo tiếng…Pháp hay một ngôn ngữ Châu Âu nào đó, khi ông bảo tiếng Việt có thì: những chữ “đã”, “đang”, “sẽ” chính là để tạo thì trong tiếng Việt; chưa hết tiếng Việt còn có giống, khi ông bảo cái bàn thuộc giống cái. Đi tìm bản thể tiếng Việt là điều mà tôi luôn luôn cảm thấy lẫn lộn, vừa hấp dẫn vừa băn khoăn, hấp dẫn vì tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của tôi, băn khoăn vì càng tìm càng thấy mình như bị lạc. Khi vẫn còn ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ nghĩ đến tiếng Hoa, dẫu cho tiếng Việt đã vay mượn phần lớn từ ngữ của ngôn ngữ này. Tôi xem việc tiếng Việt vay mượn từ tiếng Hoa là tất nhiên, thậm chí còn nghĩ rằng tiếng Việt chỉ mượn từ ngữ thôi, chứ ngữ pháp của hai ngôn ngữ chắc không giống nhau. Suy nghĩ ấy đúng một nửa. Một điều mà tôi thấy lạ là giới trẻ người Việt cũng không mấy ai hồ hởi với tiếng Hoa. Phải chăng là do nền giáo dục, hay do mối cựu thù mang tính lịch sử cả mấy ngàn năm? Lớp trẻ thích nói tiếng Anh. Hầu hết các trường trung học đều dạy tiếng Anh là ngoại ngữ, chỉ có rất ít một số trường mà ngoại ngữ là tiếng Hoa và tiếng Pháp. Khi viết bài này, tôi không muốn ca lên bài ca “Việt Nam và Trung Hoa đồng văn hóa lẫn ngôn ngữ”, mà tôi chỉ muốn đi tìm xem bản thể thật sự của tiếng Việt hiện đại là gì.


Từ việc phải vật lộn với dịch thuật và giải pháp từ Hán-Việt, tôi quyết định đi học tiếng Hoa, không phải lý do duy nhất cho việc học tiếng Hoa chỉ là vấn đề dịch thuật hay ngôn ngữ, mà ẩn bên dưới còn nhiều lý do chồng chéo khác nữa. Học tiếng Hoa chưa lâu, nhưng cũng đủ để tôi nhận ra một điều: ngữ pháp tiếng Hoa khác với ngữ pháp tiếng Việt, nhưng sự khác biệt này hơi giống như ngữ pháp tiếng Anh khác với ngữ pháp tiếng Pháp vậy. Nếu bây giờ ta hãy làm một bản liệt kê sự khác biệt giữa ngữ pháp tiếng Anh và ngữ pháp tiếng Pháp, thì tôi nghĩ bản liệt kê sự khác biệt ấy rất ngắn, trong khi nếu làm bản liệt kê sự tương đồng, thì bản liệt kê ấy dài hơn nhiều. Vâng, điều mà tôi muốn nói chỉ là tiếng Hoa và tiếng Việt cũng như thế.


Truy về ngữ hệ, thì tiếng Hoa và tiếng Việt không cùng ngữ hệ. Tiếng Hoa thuộc ngữ hệ Hán-Tạng, trong khi tiếng Việt thuộc ngữ hệ Á-Úc. Tuy nhiên, giữa hai ngôn ngữ này lại có rất nhiều điểm giống nhau. Cũng như tiếng Anh và tiếng Pháp không cùng ngữ hệ, một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Giécmanh, một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Rômanh, nhưng chúng lại có những điểm tương đồng rất lớn: đều đa âm tiết và biến hình. Giống như tiếng Hoa, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm và không biến hình, tức là không có biến cách và biến hóa động từ. Tiếng Việt bị ảnh hưởng tiếng Hoa ở những điểm sau đây:


Tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu[ngũ thanh].
Tôi không xem vô thanh, hay còn gọi là thanh bằng trong tiếng Việt là một thanh điệu, trong khi nhiều nhà ngôn ngữ học xem đó cũng là một thanh điệu. Vậy tiếng Việt theo những người ấy thì có đến sáu thanh điệu[lục thanh]. Tiếng Hoa chỉ có bốn thanh điệu[tứ thanh] mà thôi, kể luôn cả thanh bằng. Bị ảnh hưởng thanh điệu của tiếng Hoa, nhưng các thanh điệu trong tiếng Việt lại khá rõ ràng; trong tiếng Hoa thanh điệu thứ hai và thứ ba rất giống nhau, chỉ khác là thanh thứ ba sâu hơn thanh thứ hai, thanh thứ tư thật ra chỉ cần phát âm thanh thứ nhất nhanh và dứt khoát. Chính vì vậy, không có sự biến đổi về thanh điệu trong tiếng Việt, vì các thanh rất rõ ràng không bị lẫn lộn. Ngược lại trong tiếng Hoa có hiện tượng biến đổi thanh điệu để cho dễ phát âm, và để cho các âm tiết được hài hòa. Ví dụ như khi hai âm tiết đều cùng thanh điệu thứ ba, thì âm tiết đầu sẽ tự động chuyển sang thanh điệu thứ hai. Từ (tẩy lễ, phép rửa) được phát âm là “xǐlǐ”, tuy nhiên vì cả hai chữ đều có cùng thanh điệu thứ ba, cho nên chữ đầu sẽ tự động chuyển sang thanh điệu thứ hai, nên từ đó sẽ phải được phát âm là “xílǐ”. Sự biến đổi thanh điệu này còn gặp rất nhiều trong câu văn tiếng Hoa, nhất là với những từ chức năng[hư từ].

Tiếng Việt có phân loại từ.
Cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt đều có một số lượng rất lớn các phân loại từ. Quy luật của các phân loại từ lại vô cùng lỏng lẻo, nên người học tiếng Hoa hay tiếng Việt đành phải cố nhớ phân loại từ nào đi với từ đó, vì người học lúc đầu thường chưa có cảm thức về ngôn ngữ. Trong tiếng Hoa, phân loại từ chỉ có một chức năng duy nhất là để đếm sự vật, và hầu như mọi từ trong tiếng Hoa đều có phân loại từ, ngoại trừ bản thân chính từ đó là phân loại từ rồi, thì nó không cần phân loại từ nữa. Các phân loại từ trong tiếng Việt có đến ba chức năng: thứ nhất, để đếm sự vật, thứ hai, để gọi sự vật, và thứ ba là để cụ thể hóa sự vật. Người Hoa không nói 一书,二书[nhất thư, nhị thư], nhưng phải nói 一本书,两本书 [nhất bản thư, lưỡng bản thư]. Tương tự người Việt cũng không nói “một sách, hai sách” mà phải nói “một quyển sách, hai quyển sách”. Từ [bản] là phân loại từ cho từ [thư] trong tiếng Hoa, thì từ “quyển” là phân loại từ cho từ “sách” trong tiếng Việt. Người Việt nói “đây là quyển sách” chứ thường không nói “đây là sách”. Đây là ví dụ về chức năng gọi sự vật của phân loại từ. Một ví dụ nữa cho thấy phân loại từ cụ thể hóa sự vật. Hãy xem câu này: “Bước vào quán, chị ngồi vào cái bàn mà khi còn hẹn hò, hai người vẫn hay ngồi”. Thường thì không ai nói “Bước vào quán, chị ngồi vào bàn mà khi còn hẹn hò, hai người vẫn hay ngồi”. Chúng ta nói “Tôi thấy ông ngồi vào bàn viết viết cái gì đó một cách rất hứng thú”, chứ chúng ta lại không nói “Tôi thấy ông ngồi vào cái bàn viết viết cái gì đó một cách rất hứng thú”. Chức năng phân loại từ của tiếng Việt đa dạng hơn là chỉ đơn thuần để đếm sự vật như trong tiếng Hoa. Tuy nhiên, chúng ta hãy xem trường hợp này. Người Hoa nói 一个人,两个人,三个人 [nhất cá nhân, lưỡng cá nhân, tam cá nhân], từ [cá] là phân loại từ cho từ [nhân]. Nhưng trong tiếng Việt, chúng ta lại nói “một người, hai người, ba người” chứ thường thì không nói “một con người, hai con người, ba con người”, cách nói sau nghe hơi kỳ cục, vì ta có cảm giác như một hữu thể nào đó không phải là loài người (ví dụ như thần linh hay sinh vật ngoài vũ trụ) đang đếm con người. Tại sao khi đếm con người, chúng ta không cần phân loại từ “con”? Lý do rất đơn giản, từ “người” tự bản thân nó đã là một phân loại từ rồi. Chẳng hạn như, chúng ta nói “Tôi có một người chị và hai người em trai”, nhưng lại nói “Đang đi dạo ngoài công viên, bỗng một chị chạy lại hỏi tôi”. Rõ ràng ở câu sau chúng ta không thể nói “Đang đi dạo ngoài công viên, bỗng một người chị chạy lại hỏi tôi”. Ở trường hợp sau, vì chúng ta không đếm, không gọi và cũng không cụ thể hóa sự vật, nên không thể dùng phân loại từ được. Hãy xem ví dụ này: “Trên kệ có rất nhiều sách, sách triết học để lẫn lộn với sách thần học”, trong câu này nếu thêm từ “quyển” trước từ “sách” thứ nhất, và thêm “những quyển” vào hai từ “sách” sau đó sẽ chỉ làm cho câu thêm lủng củng một cách không cần thiết; vì ở trường hợp này chúng ta không đếm, không gọi, cũng không cụ thể hóa “những quyển sách” thì cũng không nên dùng phân loại từ cho chúng. Nhìn chung, tiếng Hoa có luật chặt chẽ cho các phân loại từ, trong khi các phân loại từ trong tiếng Việt lại được sử dụng một cách khá lỏng lẻo. Những từ “các”, “những”, “nhiều” được sử dụng một cách rất hạn chế. Chúng ta nói “Có nhiều học sinh không tham gia biểu tình”, nhưng khi nói “Có những học sinh không tham gia biểu tình”, thì ý nghĩa đã hoàn toàn khác nhau. Câu thứ nhất ám chỉ hầu như không có học sinh nào biểu tình cả, còn câu sau lại ý nói một số tham gia, một số không tham gia biểu tình. Hai từ “những” và “nhiều” tương đối dễ sử dụng, trong khi từ “các” lại vô cùng hạn chế.

Tiếng Việt có nhiều từ chức năng [hư từ].
Phải nói rằng hai ngôn ngữ Hoa và Việt là những ngôn ngữ có rất nhiều từ chức năng. Trong tiếng Anh và tiếng Pháp dường như không có từ chức năng, vì các ngôn ngữ này dùng biến cách và biến hóa động từ để diễn tả chức năng ngữ pháp. Từ chức năng hay còn gọi là hư từ, là những từ khi đặt vào câu chỉ để diễn tả một chức năng ngữ pháp, và không có nghĩa gì cả. Khi dịch câu, các từ chức năng không được dịch. Tuy không có nghĩa, nhưng các từ chức năng làm cho người đọc hay người nghe hiểu câu văn một cách dễ dàng; thiếu chúng, đôi khi gây khó khăn cho việc diễn đạt và hiểu câu văn. Đây là một điểm ngữ pháp rất khó đối với những ai học tiếng Hoa hoặc tiếng Việt, sử dụng đúng từ chức năng không dễ ngay cả đối người Việt hay người Hoa. Trong bài tiểu luận này, tôi xin bàn đến các từ chức năng sau trong tiếng Việt: đã, rồi, chưa, xong, đang, sẽ. Thoạt nhìn, các từ này dễ bị lầm lẫn là những từ diễn tả thì trong tiếng Việt, nhưng sự thật là không hề, chúng không hề diễn tả thì, tức là yếu tố thời gian. Trong tiếng Việt và tiếng Hoa, yếu tố thời gian chỉ là yếu tố mang tính thông tin, chứ không có một chức năng ngữ pháp nào, như trong các ngôn ngữ Châu Âu. Nếu nghiên cứu kĩ các thì trong tiếng Anh và tiếng Pháp, ta sẽ thấy yếu tố thời gian, sự hoàn thành, bất hoàn thành hay diễn tiến của hành động đều có liên quan đến nhau một cách rất chặt chẽ trong khuôn khổ chức năng ngữ pháp. Ngược lại, yếu tố thời gian trong cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt không hề mang một chức năng ngữ pháp nào, và yếu tố thời gian được tách biệt hẳn với hành động. Hãy xét các ví dụ sau đây:


我今天吃饭 (1)
[Ngã kim thiên cật phạn liễu].
(Hôm nay, tôi ăn cơm rồi).
我今天喝三杯咖啡”(2)
[Ngã kim thiên hát liễu tam bôi cà phê].
(Hôm nay, tôi uống ba ly cà phê rồi).

Chúng ta thấy từ [liễu] trong tiếng Hoa chỉ một hành động đã hoàn tất. Ở câu thứ nhất [liễu] đứng ở cuối câu, vì hành động 吃饭 [cật phạn] là hành động chung chung. Từ [liễu] trong câu (1) biểu thị hành động đã được hoàn tất. Trường hợp câu (2) từ [liễu] đặt ngay sau động từ [hát], chứ không đặt cuối câu, vì động từ “uống” có một tân ngữ cụ thể, từ [liễu] đứng ngay sau động từ và trước tân ngữ để biểu thị hành động đã uống xong ba ly cà phê. Quả đúng như vậy, từ [liễu] trong tiếng Hoa gần như tương đương với từ “rồi” trong tiếng Việt, tuy vị trí và cách sử dụng có hơi khác một chút.

Từ “rồi” trong tiếng Việt dùng để diễn đạt một hành động đã hoàn tất, không nhất thiết là thời gian quá khứ, hiện tại hay tương lai. Cả từ
[liễu] và “rồi” trong tiếng Hoa và tiếng Việt không phải là những từ chỉ thì, mà đúng ra chúng là những từ chức năng để diễn tả sự hoàn thành của một hành động nào đó. Khác với vị trí của từ [liễu] có thể đứng cuối câu hay giữa câu, từ “rồi” trong tiếng Việt luôn luôn đứng ở cuối câu.

Chúng ta nói: “Tôi ăn cơm rồi”, chứ không bao giờ nói “Tôi ăn rồi cơm”. Chúng ta luôn nói: “Tôi uống ba ly sữa rồi”, nhưng thường không nói: “Tôi uống rồi ba ly sữa”.


Một trường hợp khác trong tiếng Hoa, mà từ “
” [liễu] không chỉ ra hành động đã hoàn tất, mà chỉ diễn đạt một tình huống mà người nói nghĩ là mới đối với người nghe, tức là người nghe chưa biết hay không biết. Ví dụ, khi hỏi “现在几点?” [hiện tại kỷ điểm?], “bây giờ là mấy giờ rồi?”, câu trả lời: “现在七点钟” [hiện tại thất điểm chung liễu], “bây giờ là bảy giờ rồi”. Đúng vậy, thêm một cách sử dụng từ “rồi” nữa mà tiếng Việt lại tương đồng với tiếng Hoa ở từ “” [liễu].

Một hư từ khác trong tiếng Việt cũng diễn tả một hành động đã hoàn tất: đó là từ “xong”. Tuy nhiên cách sử dụng từ “xong” lại hơi khác với cách sử dụng từ “rồi”. Cái khác biệt giữa từ “rồi” và từ “xong” là từ “xong” thường được sử dụng khi một hành động đã hoàn tất và tiếp theo sau đó là một hành động khác xảy ra. Nói cách khác, từ “xong” được sử dụng để nối giữa hai hành động, trong đó hành động đầu đã hoàn tất. Hãy xem ví dụ này: “Ăn cơm trưa xong, chị liền quay về văn phòng và làm việc cho đến tận sáu giờ chiều”. Một ví dụ khác: “Anh tắm xong, liền ngồi vào bàn ăn cơm tối”. Trong cả hai câu này, chúng ta không thể dùng từ “rồi” mà phải dùng từ “xong”.


Hãy xem những câu sau:

1. Tôi ăn cơm xong.
2. Tôi ăn xong cơm.
3. Tôi uống xong ba ly sữa.
4. Tôi uống ba ly sữa xong.

Nhìn thoáng qua, ta nghĩ những câu trên đều được. Nhưng xét nghiêm ngặt về mặt ý nghĩa thì chúng không ổn chút nào, mà thiếu một cái gì đó. Vì từ “xong” yêu cầu phải có một cái gì đó đi sau nó, tức là một hành động nào đó tiếp nối hành động mới xong. Vậy tôi sẽ sửa lại những câu trên như sau cho hoàn chỉnh về mặt ý nghĩa.

1. Tôi ăn cơm xong rồi.
2. Tôi ăn xong cơm là đi ngủ. Hoặc, Tôi ăn cơm xong là đi ngủ.
3. Tôi uống xong ba ly sữa là đi ngủ.
4. Tôi uống xong ba ly sữa rồi.

Muốn hành động đã hoàn tất không có một hành động khác đi theo sau, thì phải dùng từ “rồi” ở cuối câu. Bằng không thì xong hành động này phải đến hành động khác.

Từ “đã” là một trường hợp rất thú vị. Thú vị vì nó gây khá nhiều ngộ nhận cho những ai “xính” tiếng Anh hay tiếng Pháp nhưng lại chưa hiểu thấu đáo những ngôn ngữ này. Thoạt tiên, ta cứ ngỡ từ “đã” diễn tả thì quá khứ trong tiếng Việt, vì cứ hành động nào có “đã” thì hành động đó giống như là ở trong quá khứ vậy. Nhưng sự thật lại không như thế. Như tôi đã nói, yếu tố thời gian trong tiếng Việt không mang chức năng ngữ pháp mà chỉ mang chức năng thông tin mà thôi. Từ “đã” chỉ nhằm để nhấn mạnh hành động, chứ không phải là từ chỉ ra hành động đó ở trong quá khứ.


Hãy xem những ví dụ sau với câu dịch tương đương trong tiếng Anh:

a. Hôm nay, em đã đi rồi.
[You have (already) left today].
b. Hôm qua, em đã đi rồi.
[You left yesterday].
c. Ngày mai, em đã đi rồi.
[You will have (already) left tomorrow].
d. Ngày mai lúc ba giờ, em đã đi rồi.
[You will be leaving at three o’clock tomorrow].
e. Hôm qua lúc ba giờ, em đã đi rồi.
[You were leaving at three o’clock yesterday].
f. Cách đây một trăm năm, em đã đi rồi.
[You left a hundred year ago].
g. Cách đây một trăm năm, lúc ba giờ, em đã đi rồi.
[You had been leaving at three o’clock a hundred year ago].
h. Một trăm năm sau, em đã đi rồi.
[You will have (already) left in a hundred year].
i. Một trăm năm sau, lúc ba giờ, em đã đi rồi.
[You will have been leaving at three o’clock in a hundred year].

Loại hết yếu tố thời gian ra, thì chỉ còn lại “Em đã đi rồi”. Câu này có phải là một câu đầy đủ ý nghĩa trong tiếng Việt không? Rõ ràng khi loại hết yếu tố thời gian, câu ấy vẫn có nghĩa, và vẫn là một câu hoàn chỉnh trong tiếng Việt, không hề khó hiểu, không hề lưỡng nghĩa. Bây giờ nếu không có yếu tố thời gian, chúng ta có thể dịch câu ấy sang tiếng Anh được không? Hoàn toàn không thể. Vì có ít nhất đến chín câu tương đương trong tiếng Anh: “You have left”, “You have been leaving”, “You left”, “You were leaving”, “You had left”, “You had been leaving”, “You will have left”, “You will be leaving”, “You will have been leaving”. Các ví dụ trên chứng tỏ rằng yếu tố thời gian và hành động trong tiếng Anh có liên quan chặt chẽ với nhau trong một khuôn khổ gọi là thì, ngược lại yếu tố thời gian không chỉ ra thì trong tiếng Việt, không mang chức năng ngữ pháp, mà chỉ là truyền đạt thông tin. Vậy từ “đã” không ám chỉ thời gian hành động đã hoàn tất, đúng hơn nó chỉ nhấn mạnh hành động đã hoàn tất rồi. Bỏ đi từ “đã”, thì câu “Em đi rồi” vẫn đầy đủ ý nghĩa. Dịch sang tiếng Anh cần yếu tố thời gian, nhưng không cần yếu tố thời gian, câu “Em đã đi rồi” vẫn dịch sang tiếng Hoa được: 你已经走了 [Nhĩ dĩ kinh tẩu liễu].

Nếu từ “xong”, “rồi” chỉ một hành động đã hoàn tất, thì từ “chưa” dùng để diễn đạt một hành động chưa hoàn tất hay chưa xảy ra. Từ “chưa” không bao giờ đi với từ “rồi” khi muốn diễn tả một hành động đã hoàn tất.


Chúng ta nói: “Tôi ăn cơm rồi” hoặc “Tôi chưa ăn cơm”, chứ không được nói: “Tôi chưa ăn cơm rồi”. Có thể hỏi: “Ăn cơm chưa?” hoặc “Ăn cơm xong chưa?” hoặc “Ăn cơm rồi chưa?”, câu trả lời: “Ăn cơm rồi” hoặc “Chưa ăn cơm” hoặc “Ăn cơm chưa xong” hoặc “Ăn cơm xong rồi” hoặc “Đã không ăn cơm”.


Sau đây là những ví dụ so sánh giữa tiếng Hoa và tiếng Việt về cách sử dụng các hư từ đã nói đến ở trên.


1. 你今天吃午饭吗?
[Nhĩ kim thiên cật ngọ phạn liễu ma?]
“Hôm nay anh ăn cơm trưa không?”
hoặc 你今天吃午饭了没有
[Nhĩ kim thiên cật ngọ phạn liễu một hữu?]
“Hôm nay anh (đã) ăn cơm trưa chưa?”

[Cật liễu]
“Ăn rồi.”
hoặc 我今天吃午饭。
[Ngã kim thiên cật liễu ngọ phạn]
“Hôm nay tôi ăn cơm trưa rồi.”
hoặc (有)吃。
[Ngã một (hữu) cật]
“Tôi không ăn.”
hoặc 没有
[Một hữu]
Đã không ăn.”
hoặc 还没有
[Hoàn một hữu]
Chưa ăn.”
hoặc 我今天还没(有)吃午饭。
[Ngã kim thiên hoàn một (hữu) cật ngọ phạn].
“Hôm nay tôi chưa ăn cơm trưa.”
Cũng có thể trả lời: 我今天已经午饭。
[Ngã kim thiên dĩ kinh cật liễu ngọ phạn].
“Hôm nay tôi đã ăn cơm trưa rồi.”

2. 昨天第一节课是中文。老师教我们发音,生词和语法,也教我们写字,还给我们一篇新课文。那篇课文很有意思。
[Tạc thiên đệ nhất tiết khóa thị Trung Văn. Lão sư giáo ngã môn phát âm, sinh từ hòa ngữ pháp, dã giáo ngã môn tả tự, hoàn cấp liễu ngã môn nhất thiên tân khóa văn. Na thiên khóa văn ngận hữu ý tứ.]
“Hôm qua, tiết học thứ nhất là tiếng Hoa. Thầy giáo dạy chúng tôi phát âm, từ ngữ và ngữ pháp, thầy cũng dạy chúng tôi viết chữ, và còn cho chúng tôi một bài đọc mới nữa. Bài đọc ấy rất thú vị.”

3. “明天我吃晚饭去看电影。
[Minh thiên ngã cật liễu vãn phạn khứ khán điện ảnh].
“Ngày mai tôi ăn cơm tối xong, là đi xem phim.”

Đây là một ví dụ tôi lấy trong sách bài tập giáo trình tiếng Hoa mà tôi đang học, vì tôi thấy đoạn văn này rất thú vị, và có cả từ “liễu” nữa.

今天上午我的同屋给我打一个电话。他问我知道不知道大学的图书馆在哪儿。我跟他说:上课已经快三个星期,你还没有去过图书馆吗?他说他只在宿舍看书,复习功课。他不去图书馆。我问他今天怎么要去图书馆。他说他要去图书馆见一个女同学。
[Kim thiên thượng ngọ ngã đích đồng ốc cấp ngã đả liễu nhất cá điện thoại. Tha vấn ngã tri đạo bất tri đạo đại học đích đồ thư quán tại na nhi. Ngã cân tha thuyết: “Thượng khóa dĩ kinh khoái tam cá tinh kỳ liễu, nhĩ hoàn một hữu khứ quá đồ thư quán ma?” Tha thuyết tha chỉ tại túc xá khán thư, phục tập công khóa. Tha bất khứ đồ thư quán. Ngã vấn tha kim thiên chẩm ma yếu khứ đồ thư quán. Tha thuyết tha yếu khứ đồ thư quán kiến nhất cá nữ đồng sinh.]
“Sáng hôm nay, bạn cùng phòng của tôi đã gọi cho tôi một cú điện thoại. Anh ta hỏi tôi có biết thư viện của trường đại học ở đâu không. Tôi bảo anh: “Học được ba tuần rồi, mà cậu chưa đi ngang qua thư viện sao?” Anh ta nói anh chỉ đọc sách và ôn lại bài tập ở ký túc xá thôi. Anh ta không đi đến thư viện. Tôi hỏi anh ta sao hôm nay lại muốn đi đến thư viện. Anh ta nói anh muốn đi đến thư viện để gặp một bạn nữ cùng lớp”.

Tóm lại, khi muốn diễn đạt một hành động đã hoàn tất, các từ “xong”, “rồi” được sử dụng; khi muốn diễn đạt một hành động chưa hoàn tất hay chưa xảy ra, từ “chưa” được sử dụng. Từ “đã” dùng để nhấn mạnh hành động đã hoàn tất hay chưa hoàn tất. Chúng ta hãy tóm lại trong các ví dụ sau đây:

1. Không nhấn mạnh:
a. Hôm nay tôi ăn cơm rồi. (khẳng định)
b. Hôm nay tôi không ăn cơm. (phủ định)
c. Hôm nay anh ăn cơm chưa? Hoặc, Hôm nay anh ăn cơm không? (nghi vấn)

2. Nhấn mạnh:
a. Hôm nay tôi đã ăn cơm rồi. (khẳng định)
b. Hôm nay tôi đã không ăn cơm. Hoặc, Hôm nay tôi không có ăn cơm. (phủ định)
c. Hôm nay anh đã ăn cơm chưa? (nghi vấn)

Giống như từ “đã”, từ “sẽ” cũng không thoát khỏi cái nhãn “ngộ nhận”; khi nhiều người Việt xem nó là từ để chỉ thì tương lai. Như tôi đã nói, yếu tố thời gian trong tiếng Việt chỉ thuần là thông tin, không mang chức năng ngữ pháp, nên từ “sẽ” chỉ dùng để chỉ ra hành động sắp xảy ra, nhưng lại không nhất thiết là ở tương lai. Hãy xem những ví dụ trong tiếng Hoa sau đây:

下午我们考试。(1)
[Hạ ngọ ngã môn yếu khảo thí].
(Buổi chiều chúng tôi (sẽ) làm kiểm tra).
今天晚上妹妹去看电影。(2)
[Kim thiên vãn thượng muội muội yếu khứ khán điện ảnh]
(Tối nay em gái (sẽ) đi xem phim).
明天我去小白家玩儿。你呢?(3a)
[Minh thiên ngã yếu khứ Tiểu Bạch gia ngoạn nhi. Nhĩ ni?]
(Ngày mai tôi (sẽ) đi đến nhà Tiểu Bạch chơi. Anh thì sao?)
明天我去小白家玩儿,我开会。(3b)
[Minh thiên ngã bất khứ Tiểu Bạch gia ngoạn nhi, ngã yếu khai hội].
(Ngày mai tôi không đi đến nhà Tiểu Bạch chơi, tôi (sẽ) đi họp).

Chúng ta thấy từ [yếu] được sử dụng gần như giống từ “sẽ”, nhưng phủ định của nó lại không phải là 不要 [bất yếu] mà chỉ là [bất] mà thôi. Tại sao? Vì 不要 [bất yếu] mang một ý nghĩa hoàn toàn khác, không liên hệ gì đến hành động tương lai cả. Chúng ta hãy xem hai câu này trong tiếng Việt:

“Ngày mai tôi sẽ đi họp”. (1)
“Ngày mai tôi sẽ không đi họp”. (2)

Câu (2) có phải là phủ định của câu (1) không? Tôi sẽ trả lời là không. Phủ định của câu (1) đơn giản chỉ là “Ngày mai tôi không đi họp”. (3) Hãy so sánh câu (2) với câu (3), ta sẽ thấy câu (2) chính là nhấn mạnh của câu (3). Câu (2) muốn nói rằng nhất định ngày mai tôi không có đi họp đâu, thể hiện sự cam đoan hoặc một lời hứa.

Để tóm lại, chúng ta hãy xem các ví dụ sau:

1. Không nhấn mạnh:
a. Ngày mai tôi sẽ đi họp. (khẳng định)
b. Ngày mai tôi không đi họp. (phủ định)
c. Ngày mai anh đi họp không? (nghi vấn)

2. Nhấn mạnh:
a. Ngày mai tôi đi họp. (khẳng định)
b. Ngày mai tôi sẽ không đi họp. (phủ định)
c. Ngày mai anh sẽ đi họp chứ? (nghi vấn)

Rõ ràng, từ “sẽ” làm cho câu văn mạnh hơn, chắc chắn hơn. Thậm chí ta hoàn toàn có thể bỏ từ “sẽ” ở câu a trong trường hợp không nhấn mạnh, thì câu văn vẫn ổn. Hãy xem một ví dụ này, mẹ nói với con trai: “Mẹ có việc phải đi. Con ở nhà nhé”, đứa bé hỏi: “Bao giờ mẹ về?” Bà mẹ nói: “Tám giờ mẹ về”. Giả sử bà thấy mắt cậu bé rơm rớm khi hỏi câu này, thì hẳn câu trả lời của bà sẽ là: “Tám giờ mẹ sẽ về”. Với câu trả lời này, cậu bé thấy an tâm hơn, vì nó bảo đảm mẹ sẽ về lúc tám giờ.

Từ “sẽ”, “đã”, và “đang” có cùng một chức năng và cách dùng như nhau. Thật vậy, chúng là những chức năng từ nhấn mạnh hành động, làm cho ý nghĩa câu văn mạnh thêm.


Ba chức năng từ “thì, là, mà” được xem là ba chức năng từ đặc thù và khó sử dụng nhất trong tiếng Việt ngay cả đối với người sử dụng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Có thể nói hai điểm chính trong ngữ pháp tiếng Việt là phân loại từ và chức năng từ. Không biết sử dụng chức năng từ dẫn đến hai thái cực: loại bỏ chức năng từ hoặc là lạm dụng chức năng từ. Ở những người loại bỏ chức năng từ, chúng ta để ý sẽ thấy câu văn của họ viết ra rất khó hiểu, đôi khi nghe rất Tây, các ý tưởng rời rạc và không liên kết với nhau; vì chức năng từ giúp cho câu văn dễ hiểu, mạch lạc, và nối các ý tưởng với nhau. Ở những ai lạm dụng chức năng từ thì ngược lại. Câu văn họ viết ra vô cùng lủng củng, rườm rà, vì quá nhiều chức năng từ hoặc chức năng từ được đặt không đúng chỗ, dẫn đến câu văn bị lủng củng.


Tiếng Hoa và tiếng Việt có rất nhiều điểm tương đồng chính về ngữ pháp. Trong bài tiểu luận này, tôi đã nêu ra hai điểm chính đó, là phân loại từ và hư từ, hay còn gọi là chức năng từ. So với các ngôn ngữ Châu Âu, thì ngữ pháp của cả tiếng Hoa và tiếng Việt đều rất lỏng lẻo; tuy nhiên, khi so với nhau, thì ngữ pháp tiếng Việt lỏng lẻo hơn ngữ pháp tiếng Hoa. Vì vậy, học tiếng Việt xem ra khó hơn học tiếng Hoa.


Khi viết bài này, tôi vẫn mang trong tâm tưởng một nỗi trăn trở, là hệ thống lại ngữ pháp tiếng Việt để tiếng Việt có một quy tắc hẳn hoi. Ví dụ như, cho đến giờ phút này, tôi cũng thật sự không biết quy luật sử dụng ba từ “những”, “các” và “nhiều”. Nếu đưa cho tôi một trường hợp cụ thể, tôi hoàn toàn có thể nói ngay nên sử dụng từ nào và không nên sử dụng từ nào, nhưng nếu bảo tôi đưa ra luật, thì tôi lại không thể làm được.


Chúng ta hãy xem:

1. Xin các anh ở phía sau xếp hàng cho ạ!
2. Những người anh của tôi đều sống ở Pháp.
3. Hôm nay, các anh khiêng bàn ghế, còn các chị thì lau nhà nhé!
4. Nhiều anh chẳng lịch sự gì cả, ra họp toàn mặc quần đùi.

Rõ ràng, ba từ “những”, “nhiều”, “các” không thể thay cho nhau trong những trường hợp trên. Ba từ này cũng rất kén với các phân loại từ, có khi chúng cần phân loại từ, nhưng có khi lại không.

Một vấn đề cũng được tranh luận khá nhiều là vấn đề từ loại. Nhìn vào các ngôn ngữ Châu Âu, từ loại rất rõ ràng, nhìn vào một từ ta có thể biết từ đó là danh từ, động từ, tính từ, phó từ, hay giới từ. Ranh giới từ loại trong tiếng Hoa và tiếng Việt thường không rõ ràng, một từ có thể là danh từ, động từ, tính từ hay phó từ tùy theo chức năng ngữ pháp của từ ấy trong câu. Đã từng có một số người không xem tiếng Việt có từ loại, vì chính nhiều người Việt cũng không phân biệt được từ loại, và ranh giới từ loại giữa các từ quá mờ nhạt.


Tiếng Việt có ngữ pháp hay không? Có luật ngữ pháp hay không? Thì câu trả lời đã quá rõ ràng. Có lẽ nhiều người cũng đồng ý là tiếng Việt rõ ràng có quy luật ngữ pháp, nhưng cần phải được hệ thống hóa lại. Các nguyên tắc ngữ pháp tiếng Việt nên được định nghĩa lại, và tôi nghĩ đã đến lúc nên nhìn lại một cách nghiêm túc bản thể của tiếng Việt, chứ không thể gán hay gò một bản thể của một ngôn ngữ khác cho tiếng Việt được. Một điều thật mỉa mai, ngữ pháp tiếng Việt thường được gò theo ngữ pháp của các ngôn ngữ Châu Âu, là những ngôn ngữ không hề có một điểm tương đồng nào với tiếng Việt, trong khi tiếng Hoa lại có nhiều điểm tương đồng, nhưng chẳng một ai đề cập đến. Tôi không nghĩ người Việt chúng ta lại thích sống giả dối.


Nguyễn Hoàng
2 / 3 / 2012
 
×
Quay lại
Top