Đôi điều về quá trình làm luận văn

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Để tốt nghiệp chúng ta có hai đường để lựa chọn: học ba môn chuyên đề hoặc làm luận văn tốt nghiệp. Tuy nhiên chọn một con đường thích hợp không phải dễ. Ngoài những sinh viên được sự hướng dẫn của người quen, hay chủ động định hướng trong học tập, có không ít bạn còn thụ động. Tôi muốn cung cấp cho các em một số những kinh nghiệm thông qua những vấp ngã của chính bản thân mình.


Lời mở đầu
Trong quá trình học thuật bên cạnh trình độ về chuyên môn, mức độ thành công của chúng ta còn phụ thuộc vào việc bản thân có lanh lợi, tháo vát và quyết đoán hay không. Ngoài những sinh viên được sự hướng dẫn của anh chị, hay có khả năng chủ động nắm bắt, định hướng trong quá trình học tập, còn có không ít các sinh viên học trong hoàn cảnh thụ động, tới đâu lo tới đó. Bản thân tôi mới đây thôi cũng đã từng nằm trong cái số không ít đó. Với sự quan tâm dành cho những người đồng cảnh, tôi muốn cung cấp cho các em một số những kinh nghiệm thông qua những vấp ngã của chính bản thân mình. Vấn đề đầu tiên tôi muốn đề cập là quá trình làm luận văn.


Nên hay không nên làm luận văn ?
Trước khi trả lời câu hỏi này có lẽ nên nói một chút tới quy định tốt nghiệp của khoa công nghệ thông tin trường KHTN. Bắt đầu từ sinh viên khóa 2001, để tốt nghiệp chúng ta có hai đường để lựa chọn như sau:


§ Học ba môn chuyên đề (Một chuyên đề bắt buộc tùy từng chuyên ngành có thể là Chuyên Đề HTTT, Chuyên Đề CNPM, Chuyên đề MMT, hay Chuyên đề CNTT và hai chuyên đề tự chọn trong ba chuyên đề là: Chuyên đề Java, Chuyên đề Oracle, Chuyên đề đồ họa ứng dụng).
§ Làm luận văn tốt nghiệp. Với hướng đi thứ nhất mọi người đều có thể đi, còn với lựa chọn thứ hai chỉ dành cho những sinh viên có điểm chuyên ngành đạt khá trở lên, đủ số tín chỉ chuyên ngành yêu cầu (khoảng 62), chọn từ trên xuống tùy theo số lượng giáo viên hướng dẫn, số lượng đề tài.

Một số ngoại lệ so với quy định: Theo tôi được biết nếu bạn không thể đáp ứng những yêu cầu trên mà lại có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, muốn theo đuổi ý tưởng về một đề tài nào đó, bạn có thể chứng minh để được một giảng viên nhận bảo lãnh và bạn vẫn có thể làm luận văn. Ngoài ra các bạn còn có thể làm luận văn thuộc các chuyên ngành khác với chuyên ngành bạn theo học với một số điều kiện kèm theo.


Bây giờ chắc bạn đã nắm được quy chế vậy vấn đề đặt ra (giã sử như bạn đủ điều kiện làm luận văn) lúc này là nên học để đi thi hay làm luận văn. Mọi con đường đều dẫn tới La mã, tuy nhiên chọn một con đường thích hợp hơn không phải dễ. Với bản thân tôi thì vì bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước bí thế quá nên làm liều chọn cả hai. Có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, tuy nhiên theo tôi biết đa phần chọn làm luận văn vì làm luận văn điểm cao (thường >8), làm luận văn dù sao cũng có thế hơn đi thi, làm luận văn sẽ có cơ hội việc làm cao hơn … Ôi thôi đủ lý do, nhưng đây không phải là những lý do cơ bản vì thực chất không phải điểm luận văn cao mà những người có luận văn được bảo vệ đã phải trải qua quá trình sàn lọc, đánh giá của giáo viên hướng dẫn rồi giáo viên phản biện do vậy khi vào tới vòng trong thì đương nhiên họ sẽ có điểm cao. Còn những luận văn điểm không cao thì đều bị loại không cho phản biện rồi còn đâu nữa. Một minh chứng sống cho điều này là bản thân tôi một người bơi trên cả hai dòng nước. Mặc dù luận văn của tôi được ra bảo vệ trước hội đồng và được đánh giá loại giỏi nhưng điểm các môn chuyên đề của tôi vẫn cao hơn. Ngoài ra nếu nói làm luận văn được đánh giá cao hơn đi thi thì điều này chỉ đúng nếu bạn là người thật sự xuất sắc, bạn muốn được giữ lại trường, muốn tiến xa hơn trên con đường học thuật. Chứ còn khi bạn xin việc dù bạn có làm luận văn hay không bạn đều phải trầy da tróc vảy chứng minh bản lĩnh hơn người của mình thôi. Đó là ý kiến dư luận còn riêng với cá nhân tôi thì nhận thấy rằng việc lựa chọn này tùy thuộc vào mỗi người mà không có quy tắc chung nào. Do vậy tôi muốn phân tích những ưu điểm cũng như khuyết điểm của mỗi hướng rồi tùy vào đó mà các bạn có sự lựa chọn thích hợp với mình.

§ Học Chuyên Đề: các môn chuyên đề đều mang tính thực hành, công nghệ, do vậy sẽ rất thú vị. Nếu chuyên tâm bạn sẽ gặt hái được nhiều điều qua những môn này. Tuy nhiên phải nói rỏ là chủ yếu bạn cũng tự thực hành, tự nghiên cứu là chính chứ không thu được gì nhiều từ thầy cô ngoài những kiến thức lý thuyết căn bản và sự định hướng. Chi phí bạn phải trả cho các môn chuyên đề cũng giống như các môn học bình thường khác. Theo nhận xét của tôi nếu bạn có một nội công tương đối vững, đơn giản nghĩa là lên được tới năm tư nhờ vào khả năng của chính bạn thì việc học các môn chuyên đề khá nhàn hạ, bạn có thể có thời gian học cải thiện hay học thêm các môn tự chọn khác. Một điều quan trọng nữa là nếu học các môn chuyên đề bạn sẽ hoàn tất học phần sớm hơn luận văn gần một tháng, như vậy trong cuộc đua việc làm bạn đã hơn hẳn về mặt cự ly.

§ Làm luận văn: điều đầu tiên mà tôi muốn nói là theo tình hình chung bạn sẽ không nhận được nhiều sự hướng dẫn chi tiết từ các thầy cô, bạn chỉ có sự định hướng hoặc nhiều hơn là bạn có tài liệu để giải quyết vấn đề. Bạn có người giám sát và canh chừng cho bạn khỏi xuống ruộng trên đường đi. Tự lực cánh sinh vẫn là một câu mà tất cả mọi người cần nhớ trước khi làm luận văn. Tuy nhiên chính từ sự tự lực này mà lần đầu tiên trong đời sinh viên bạn sẽ có cơ hội thực sự cọ xát trong tìm hiểu và giải quyết vấn đề. Để đáp ứng cho nhu cầu làm luận văn thông thường bạn phải đi vào nghiên cứu khá nhiều lĩnh vực cũng như công nghệ điều này làm cho trình độ của bạn tiến một bước khá xa. Phải đọc khá nhiều tài liệu tiếng anh cũng giúp cho kỷ năng của bạn nâng cao. Việc phải phối hợp làm việc chung theo nhóm (thường là hai người) sẽ giúp bạn một chút xíu trong việc tập nhẫn nhịn, tập lắng nghe, phối hợp tập thể để tránh cãi cọ và rồi đổ vỡ. Phí tổn cho việc làm luận văn cao gấp nhiều lần học chuyên đề (1.000.000 lệ phí cho mỗi người + in ấn + …). Từ lúc bắt đầu cho tới lúc kết thúc luận văn bạn sẽ gặp phải những trắc trở về nhiều mặt và đó là những áp lực giúp bạn chững chạc hơn. Theo đánh giá của tôi bạn chỉ cần có nội công tương đối cộng với một chút quyết tâm là có thể làm luận văn và làm luận văn cực hơn học chuyên đề rất nhiều.

Từ những phân tích trên tôi nghĩ bạn cũng đã có thể có một chút cơ sở để đưa ra quyết định cho mình. Với tôi thì tôi không hối hận khi chọn làm luận văn và học chuyên đề cùng lúc. Nếu bạn đã quyết định làm luận văn thì hãy coi tiếp những phần sau còn như ngược lại thì xin được tạm biệt bạn tại đây.


Làm luận văn phải trải qua những bước nào ?

Trong phần này tôi sẽ giúp cho các bạn có cái nhìn tổng quan, những thủ tục trong quá trình làm luận văn.


1. Giai đoạn tiền luận văn:
Trong giai đoạn có hai quá trình chính sau: - Lập nhóm để làm luận văn (thường gồm hai người), quá trình này thông thường do bạn thực hiện. - Xác định đề tài và giáo viên hướng dẫn: quá trình này có thể do bạn thực hiện hay do bộ môn chỉ định. Về mặt giấy tờ trong giai đoạn này bạn phải nộp đơn xin làm luận văn và bảng điểm chuyên ngành. Giai đoạn tiền luận văn sẽ kết thúc vào khoản trước tết âm lịch một chút tùy từng bộ môn, thông thường CNPM là kết thúc giai đoạn này sớm nhất và trễ nhất là HTTT.

2. Giai đoạn thực hiện luận văn:
Tùy theo từng loại luận văn (nghiên cứu, ứng dụng, hay nghiên cứu + ứng dụng) mà sẽ có các quá trình con do bạn tự vạch ra. Tuy nhiên thông thường sẽ gồm ba quá trình: - Tập hợp tài liệu, source code, luận văn mẫu, nắm tổng quan vấn đề. (Nộp một bản đề cương chi tiết có chữ ký giáo viên hướng dẫn cho văn phòng khoa). - Tìm hiểu sâu vấn đề lý thuyết + công nghệ mà luận văn yêu cầu. - Xây dựng ứng dụng + viết báo cáo. Giai đoạn làm luận văn kéo dài đến giữa tháng 7. Giai đoạn này có lịch làm việc mà bạn phải lập ra trong đề cương chi tiết và thực hiện theo sự giám sát của giáo viên hướng dẫn.

3. Giai đoạn sau luận văn:
Sau khi đã hoàn tất cơ bản luận văn của mình, bạn phải trải qua 4 quá trình nữa: - Nộp ba bản bìa mềm, ba đĩa CD, bản tóm tắt nội dung cùng ý kiến đồng ý cho bảo vệ của giáo viên hướng dẫn cho văn phòng khoa. - Chuẩn bị gặp và trình bày luận văn với giáo viên phản biện (do bộ môn chỉ định) (trước ngày bảo vệ với hội đồng khoảng gần 1 tuần). - Chuẩn bị Slide, nội dung và bảo vệ trước hội đồng (cuối tháng 7). - Hoàn tất nội dung, chỉnh sửa báo cáo, ứng dụng, in 1 bản bìa cứng chử vàng có đóng chết một tờ nhận xét của giáo viên phản biện (có chữ ký giáo viên phản biện) và đề cương chi tiết luận văn (có chữ ký giáo viên hướng dẫn) nộp cho phòng đào tạo (khoảng đầu tháng 8).

Các tài liệu, giấy tờ mà bạn phải nộp cho văn phòng khoa cũng như phòng đào tạo đều có chuẩn chung. Các mẫu quy định này được tôi đính kèm theo.

4. Những khó khăn nào có thể gặp phải ?

Trong quá trình làm luận văn có rất nhiều rủi ro có thể xãy ra, nguy hiểm nhất là sự chệch hướng, thay vì phải đi theo một con đường bằng phẳng bạn lại đâm đầu vào leo rừng lội suối để rồi mắc kẹt trong đó, mất phương hướng. Khi đã có hướng đi đúng nhưng nhiều lúc bạn lại thất bại trong cách giãi quyết vấn đề. Bên cạnh những rủi ro có thể làm cho luận văn của bạn thất bại trên, bạn còn có thể gặp tình huống đặt sai trọng tâm cho luận văn dẫn đến điểm luận văn không cao. Luận văn sẽ phát sinh những trục trặc mà có lẽ trời cũng lắc đầu chịu thua không thể nào đoán trước được. Từ những sai sót trong định dạng tài liệu nộp, trình bày báo cáo đến luống cuống trong bảo vệ trước hội đồng đều có thể ảnh hưỡng đến kết quả của bạn. Tuy nhiên xin đừng lo lắng vì tôi đã ở đây để giúp bạn lường trước và hạn chế những điều đáng tiếc xãy ra.

5. Chi tiết các kinh nghiệm nhằm vượt qua khó khăn trong từng giai đoạn

Giai đoạn tiền luận văn Đây là giai đoạn rất quan trọng và có nhiều vấn đề cần bàn, thời điểm này là lúc bạn chứng minh sự nhạy bén của bạn chứ không phải khả năng nghiên cứu. Tuy vậy nó cũng góp phần trong mức độ thành công của bạn trong các giai đoạn sau. Theo lệ thì mọi người thường nộp đơn xin làm luận văn rồi chọn hai nguyện vọng cho các luận văn từ danh sách do bộ môn đưa ra và chờ dợi sự sắp xếp từ bộ môn dựa vào điểm. Nhưng vẫn có một xu hướng mà tôi cho rằng rất tốt, đó là sinh viên tự tìm giáo viên và xin được nhận hướng dẫn với đề tài của giáo viên đó. Hoặc hay hơn nữa là tự tìm ra đề tài cho mình và tìm giáo viên hướng dẫn. Chính bằng cách trên có một số nhóm của khóa 2001 đã tiến hành nghiên cứu từ rất sớm (cuối năm 3) và có nhiều nhóm được làm với giáo viên mình thích, dĩ nhiên nếu ngay từ đầu bạn đã có một sự khởi đầu đầy thuận lợi như vậy thì khả năng thành công của bạn là rất lớn (thực tế đã chứng minh điều này). Như vậy theo nhận định của tôi một trong những mấu chốt của giai đoạn này là tầm sư để học đạo. Nói là nói vậy chứ cũng không đơn giản đâu bạn ạ. Bởi thầy cô thì ít mà sinh viên thì nhiều, với lại chọn để nhờ thầy cô nào cũng là cả một vấn đề, rồi lại còn làm sao để thầy cô chấp nhận nữa chứ. Thông thường thầy cô rất dễ, tôi tin rằng nếu các bạn có thành ý, quyết tâm làm luận văn và chứng minh được điều này thì thầy cô sẽ đồng ý. Cũng nên nhớ một câu tục ngữ rất đúng trong trường hợp này là “trâu chậm thì uống nước đục”. Trong trường hợp các bạn đã ngưỡng mộ một thầy cô nào rồi thì tôi không có gì để nói, nhưng nếu bạn còn phân vân chưa biết nên chọn ai thì tôi xin được phân biệt ra hai dạng thầy cô như sau để bạn tiện suy nghĩ.

Thứ nhất là các thầy cô lớn tuổi: đây là các thầy cô có kiến thức uyên bác, uy tín cao, thông thường tiếng nói có trọng lượng trong bộ môn. Nếu đi theo các thầy cô này bạn sẽ bớt phần nào bão táp, bởi đứng dưới gốc đại thụ thì dù trời có mưa to cũng thành mưa nhỏ thôi. Tuy nhiên các thầy cô thường rất bận rộn, bạn sẽ rất khó khăn trong việc tìm gặp, điều này đồng nghĩa với gì thì chắc bạn cũng có thể tự hiểu. Chính từ sự bận rộn như đã nói trên nên nhiều khả năng khi làm luận văn với các thầy cô này, bạn sẽ được gởi tới công ty thay vì được hướng dẫn trực tiếp (đặc biệt với chuyên ngành hệ thống thông tin).

Thứ hai là các thầy cô trẻ tuổi: đây là các thầy cô có lợi thế về công nghệ, nhiệt tình, và đặc biệt là gần gũi với bạn do sự chênh lệch tuổi tác ít. Tôi chắc rằng bạn sẽ thấy thoải mái khi làm việc cùng các giãng viên này mặc dù đôi khi bận rộn là tình trạng chung của các giãng viên khoa CNTT. Với các thầy cô này bạn có thể học tập thêm nhiều điều mang tính chi tiết, kỷ thuật (đặc biệt là các giãng viên nam). Bạn có thể hỏi và thảo luận các vấn đề mà đôi khi rất khó nếu bạn làm chung với các thầy cô lớn.

Vấn đề kế mà tôi muốn nói trong giai đoạn này là việc chọn bạn làm luận văn. Lý do thường gặp để bạn chọn người này hay người kia để làm chung chỉ bởi tình cảm. Họ có thể là cô bạn gái hay anh chàng trong tim bạn. Đó cũng có thể là người bạn chí cốt của bạn. Trong trường hợp này tôi chỉ muốn bạn chú ý là nên rõ ràng, thống nhất và thẳng thắn với nhau ngay từ đầu. Bởi đã có những trường hợp do các mối quan hệ tình cảm như trên, có bạn nghĩ rằng chuyện làm luận văn với một người nào đó là đương nhiên. Nhưng ngặt nỗi người kia thì lại không nghĩ như vậy. Đến phút cuối té ngữa thì trở tay không kịp. Hậu quả là tình cảm sứt mẻ, tâm lý không thoải mái. Bản thân tôi thì cho rằng khi chọn người làm luận văn chung các bạn nên đặt ra hai tiêu chí đó là trình độ của họ và cá tính của họ. Nên tuân theo câu nói “Nồi nào úp vung nấy”. Người làm luận văn chung với bạn tốt nhất nên có trình độ tương đương bạn, tính tình không đến nỗi xung khắc với bạn. Nếu chọn được người có sở trường sở đoản có thể bù đắp qua lại cho nhau thì càng tốt. Việc quyết định ai sẽ làm chung với mình nên được tiến hành càng sớm càng tốt, có “ký hiệp ước” đàng hoàng. Thứ nhất là để khỏi lâm vào cảnh tranh giành bạn luận văn vào giờ cao điểm, thứ hai là có thể yên ổn tinh thần và cuối cùng là có thời gian hiểu nhau hơn. Tôi cũng mong các bạn là nên tránh kiểu sống bám hay có tư tưởng cứu vớt nhau trong việc làm luận văn bởi như đã nói trên, đây không phải là con đường duy nhất đồng thời làm như vậy sẽ mất ý nghĩa của luận văn. Hơn thế nữa dân công nghệ thông tin chúng ta luôn có lòng tự hào về bản thân mà.


Giai đoạn thực hiện luận văn Điều trước tiên trong giai đoạn này mà tôi muốn nói với bạn đó là về phong cách làm luận văn. Đừng bao giờ coi thường điều này bởi đây là một trong những phần được đánh giá rất kỹ. Bạn hãy luôn tỏ ra hăng hái và nhiệt tình cho dù có mệt mỏi hay chán nản. Trong các buổi nói chuyện với giáo viên hướng dẫn hãy luôn chủ động nói ra tất cả ý kiến, nhận định của bản thân về vấn đề cho dù biết rằng nó có thể không đúng. Điều này sẽ giúp giáo viên tìm ra chổ sai để hướng bạn đi vào quỹ đạo. Có thể đôi lúc bạn và giáo viên hướng dẫn bất đồng về chính kiến, hãy cố gắng thuyết phục, chứng minh nhưng không tranh cãi. Cho dù kết quả thảo luận có thế nào thì xin luôn ghi nhớ “ý thầy cô là ý trời”.

Điều thứ hai cần bàn là về mối quan hệ giữa bạn và giáo viên hướng dẫn. Khi biết thầy cô nào hướng dẫn mình bạn phải lập tức thu thập thông tin về họ càng chi tiết càng tốt như : điện thoại di động, điện thoại nhà, địa chỉ email, nick YM, địa chỉ …v.v. Hãy luôn làm việc trên tinh thần tạo tình cảm tốt nhất với giáo viên nếu có thể. Hãy ghi nhớ rằng giờ bạn đã là đệ tử ruột của thầy cô. Tuy nhiên bạn cũng không nên chỉ biết tới thầy cô hướng dẫn mà cũng nên tạo cảm tình với các thầy cô khác trong quá trình đi lại văn phòng bộ môn. Do mỗi thầy cô thường có những điểm mạnh riêng, bạn nên biết tận dụng cơ hội để học hỏi từ tất cả các thầy cô mà bạn có thể. Trong quá trình làm luận văn có thể bạn sẽ nhiều lần hẹn gặp thầy cô hướng dẫn và sẽ không ít lần bị cho leo cây chuối nhưng cho dù như vậy bạn cũng hãy vui vẻ và thực hiện theo phương châm thà thầy cô phụ mình chứ quyết không phụ thầy cô. Đừng có vì giận hờn mà cho thầy cô leo cây mít để đáp lại thì người thiệt thòi cũng là bạn thôi. Thầy cô hướng dẫn là người rất quan trọng trong việc quyết định điểm cho bạn. Có lẽ cũng nên cho bạn biết sơ về cơ cấu cho điểm. Điểm sẽ được quyết định bởi 5 người trong hội đồng bảo vệ, giáo viên hướng dẫn của bạn và giáo viên phản biện (chia lấy trung bình). Tuy nhiên bạn nên hiểu là chỉ có hai giáo viên tiếp xúc trực tiếp với luận văn của bạn là giáo viên hướng dẫn và giáo viên phản biện còn những thầy cô còn lại thì nói chung chỉ cưỡi ngựa xem hoa. Trong hai giáo viên này thì đôi khi chỉ có giáo viên hướng dẫn mới nắm chính xác những gì bạn đang làm. Chính vì lẽ đó điểm do các thầy cô khác cho ít nhiều ảnh hưỡng bởi nhận xét của giáo viên hướng dẫn bạn.

Điều thứ ba mà tôi muốn đề cập trong giai đoạn này đó là sự phân bố thời gian. Thông thường đa số những người làm luận văn từ trước tới nay ít khi tuân thủ tốt lịch làm việc đề ra lúc đầu. Xu hướng chung là rất háo hức xông xáo thời gian đầu, xìu xìu ển ển thời gian giữa và tới lúc cuối khi chỉ còn khoảng một tháng nữa hết thời gian thì lại thức khuya dậy sớm lăn vào làm không kể chết là gì. Tôi không mong các bạn đi theo vết xe đổ đó. Làm luận văn sẽ rất nhàn tản nếu bạn biết sắp xếp thời gian và làm việc nhiệt tình từ đầu tới cuối.
Điều thứ tư mà các bạn nên để ý là cách viết luận văn. Hiện nay có hai trào lưu khác nhau, một là cách viết theo kiểu đếm chử tính tiền, cái gì cũng muốn đem vào luận văn khiến cho luận văn tự lúc nào biến thành cuốn bách khoa toàn thư đem chọi chắc bể đầu. Còn trào lưu thứ hai là viết luận văn thật súc tích, ngắn tới mức có thể theo định hướng cụ thể của người viết. Tùy từng trường hợp mà mỗi cách đều có cái hay của nó. Tuy nhiên bạn cũng nên cố gắng đừng quá dông dài. Theo tôi nghĩ với một luận văn chuyên về phân tích thiết kế ứng dụng bạn nên làm báo cáo cở 250 trang, luận văn mang tính thuần nghiên cứu hoặc có kết hợp ứng dụng thì báo cáo nên khoảng 130 trang là vừa.

Điều thứ năm là trong suốt quá trình nghiên cứu, đọc tài liệu tới đâu bạn nên ghi chú, viết lại nội dung các thông tin mà bạn cảm thấy cần thiết, đừng quên kèm theo chú thích nó được trích dẫn từ tài liệu nào thật chi tiết (tránh trường hợp sau này không biết reference tới đâu). Tiến hành sưu tầm, thu thập các hình ảnh hoặc resource có liên quan nhằm phục vụ cho báo cáo cũng như slide. Thực hiện quản lý phiên bản, backup theo ngày thay đổi với cả file báo cáo lẫn mã nguồn. Tôi đề xuất với các bạn cách backup mà tôi đã làm như sau: tên file .zip chứa mã nguồn có dạng “DD-MM-YYYYSource.zip”, tên file zip của báo cáo có dạng “DD-MM-YYYYDoc.zip” kèm theo hai file này là một file chú thích có dạng “DD-MM-YYYYNote.zip” lưu lại thông tin về những thay đổi so với phiên bản trước và các lưu ý cần thiết.

Điều thứ sáu là trước khi chuyển sang giai đoạn sau luận văn bạn nên kiểm tra lại một lần cuối sự tồn tại của các reference vì thầy cô phản biện thích kiểm tra các liên kết này đặc biệt là với chuyên ngành hệ thống thông tin. Độ tin cậy của các địa chỉ reference nói lên những căn cứ của luận văn của bạn do đó đừng nên coi thường.

Điều cuối cùng dành riêng cho chuyên ngành hệ thống thông tin là bộ môn có chính sách cho muợn máy để phục vụ làm luận văn. Đó là 3 máy trên phòng 83 có cấu hình khá tốt, nối mạng 24/24, lại luôn có các thầy cô ở kế bên để bạn có thể hỏi khi gặp trục trặc. Hãy làm đơn và gởi cho thầy phụ trách quản lý máy, càng sớm càng tốt kẻo hết chổ.

Giai đoạn sau luận văn Sau thời gian mệt mỏi làm luận văn bây giờ đã đến lúc thực sự ra chiến trường, càng mệt hơn nữa. Cửa ải đầu tiên mà bạn phải qua đó là thầy cô phản biện. Một trong ba cuốn bìa mềm mà bạn nộp trong đợt này sẽ về tay giáo viên phản biện của bạn. Theo lý thuyết thầy cô không bao giờ đọc kỷ lưỡng bài viết của bạn mà chỉ nắm trên phương diện tổng quát và xoáy vào những phần mà họ nghĩ là trọng tâm tùy theo quan điểm của từng thầy cô. Có thể cách nhìn nhận này không tương đồng với ý bạn. Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thầy cô phản biện không hiểu hay mơ hồ về vấn đề mà bạn muốn nói trong luận văn. Bởi đôi khi lĩnh vực mà bạn đang tìm hiểu không phải là mặt mạnh của thầy cô. Mặt khác kỉ năng văn chương của bạn cũng chưa chắc là thuyết phục đâu. Chính vì lẽ đó một lời khuyên dành cho bạn là nếu cảm thấy vấn đề của mình quá phức tạp, nhiều công thức rắc rối thì trong quá trình phản biện nên đặt mục tiêu là sao cho thầy cô có cái nhìn tổng quát nhất, thấy được hiểu quả của luận văn của chúng ta mà thôi còn về chi tiết hơn hãy để dành trả lời nếu được hỏi. Thái độ đối với giáo viên phản biện thì về cơ bản nên thực hiện giống như giáo viên hướng dẫn, tuy nhiên hãy kiên quyết bảo vệ chính kiến khi bạn chắc chắn là mình đúng, nếu cần hãy nhờ giáo viên hướng dẫn giải thích giùm cho giáo viên phản biện hiểu. Nên nhớ đến cuối cùng mà vẫn không thuyết phục được giáo viên phản biện thì hãy phục tùng theo yêu cầu của họ.

Cửa ải cuối cùng và cũng căng thẳng nhất đó là ra trước hội đồng, bạn phải chuẩn bị Slide và bản tóm tắt nội dung trình bày để phát cho thầy cô và những người tham gia buổi bảo vệ. Hãy chú ý và chuẩn bị cẩn thận về mặt tâm lý, cũng như những vấn đề sẽ trình bày. Tốt nhất nên tập luyện kỹ lưỡng trước khi ra hội đồng. Mức độ chuyên nghiệp, hấp dẫn của luận văn sẽ được tăng lên nhờ cách trình bày tốt trên slide và thuyết trình. Slide nên thay thế chữ bằng hình và chuyển động minh họa. Với các đoạn phim demo ứng dụng thì thường được quay bởi hai phần mềm là Camtasia hay Camstudio. Camtasia có ưu điểm là có pointer và thể hiện được hành động click chuột trên phim tuy nhiên Camstudio là miễn phí. Nên quay thành những đoạn phim nhỏ khoảng 10 – 20 giây và quản lý thật khoa học theo thứ tự từng quy trình chức năng của ứng dụng. Nhúng trực tiếp các đoạn phim vào slide, có thể đặt nhiều phim cùng quy trình vào chung một slide và vừa điều khiển vừa thuyết trình. Bạn nên quay tất cả các chức năng của ứng dụng (để phòng khi thầy cô hỏi thì mang ra) nhưng chỉ đưa vào slide những phim của các chức năng chính nhất.

Vì bạn sẽ sử dụng máy của mình khi ra bảo vệ nên bạn cần tổ chức các tài liệu liên quan đến luận văn trong máy sao cho thật khoa học. Bao gồm luôn cả các tài liệu tham khảo để có thể mang ra khi nào cần.

Thêm một ý nữa thôi là trước khi ra bảo vệ bạn nên cẩn thận ăn uống và đừng ăn quá nhiều hì hì…

6. Lời kết
Những điều được đưa ra ở trên là những gì mà tôi rút ra được từ thực tế bản thân trong quá trình học tập. Chính vì vậy không tránh khỏi nhiều thiếu sót, kém khách quan. Mặt khác do các quy định cũng như tình hình có thể thay đổi theo từng năm nên các bạn cần kiểm tra lại thông tin sau khi đọc. Tôi thực sự mong rằng những thông tin ở đây sẽ được bổ sung, sửa chữa bởi các bạn cùng khóa và các anh chị. Chúc các em thành công trong quá trình làm luận văn và có kết quả tốt nghiệp cao.

Nguyễn Thanh Bình
Nguồn Blog Hodawa
 
×
Quay lại
Top