Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng - Nick Vujicic

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
“Khi còn là một cậu bé phải cố gắng thích nghi với những khuyết tật của mình, tôi đã thật sai lầm khi nghĩ rằng không ai trên đời này phải chịu đựng những nỗi đau như tôi và rằng những khó khăn của tôi khủng khiếp đến mức không thể vượt qua nổi. Tôi cứ nghĩ rằng sự khuyết thiếu tứ chi của tôi là bằng chứng cho thấy Đấng Sáng Tạo không yêu thương tôi và rằng cuộc đời tôi chẳng có mục đích gì hết. Tôi cũng cảm thấy rằng tôi không thể chia sẻ gánh nặng của mình – không thể chia sẻ ngay cả với những người luôn yêu thương và quan tâm đến tôi. Tôi đã lầm. Tôi không hề đơn độc trong khó khăn và đau đớn. Quả thật trên đời này có nhiều người đã và đang phải đương đầu với những thách thức lớn hơn cả những gì mà tôi đã gặp.

Tôi khiếm khuyết như bất cứ ai bạn sẽ gặp trong đời. Tôi cũng có những ngày vui vẻ, những ngày tồi tệ. Những thách thức nảy sinh trong cuộc sống đôi khi khiến tôi quỵ ngã. Tuy nhiên tôi biết rằng khi chúng ta đặt niềm tin vào hành động thì không gì có thể ngăn cản được chúng ta vươn tới một cuộc sống tốt đẹp.”

Tác giả Nick James Vujicic


Chàng thanh niên Nick người Úc (tên đầy đủ là Nick James Vujicic), sinh năm 1982, đã bước vào cuộc sống này với hoàn cảnh vô cùng đặc biệt và nghiệt ngã – không có cả tay lẫn chân ngay từ lúc chào đời. Vượt lên tất cả, Nick đã sống một cuộc sống tuyệt vời, đã truyền cảm hứng và thái độ sống tích cực cho hàng triệu triệu thanh thiếu niên trên hành tinh này, đã là động lực giúp rất nhiều người biến ước mơ thành hiện thực. Hiện Nick là Chủ tịch và Ceo của tổ chức quốc tế Life Without Limbs và là Giám đốc công ty thái độ sống Attitude Is Altitude.

Nick Vujicic được bạn đọc Việt Nam biết đến thông qua quyển sách đầu tiên của anh mang tên “Cuộc sống không giới hạn”. Quyển sách không chỉ đơn giản kể lại câu chuyện của cậu bé Nick không tay, không chân vượt qua khó khăn trong cuộc sống như thế nào, để có được cuộc sống tràn ngập tiếng cười ngày hôm nay, Nick đã có những ngày tháng đầy nước mắt như thế nào. Vượt lên trên hết là nghị lực phi thường, sự mạnh mẽ không biên giới, ý chí vượt thoát khỏi hoàn cảnh nghiệt ngã của số phận.

Nick hiện tại đang vô cùng hạnh phúc bên người vợ tên là Kanae Miyahara, một cô gái xinh đẹp, hoàn toàn bình thường. “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng” chia sẻ với bạn đọc câu chuyện tình yêu đặc biệt đẹp như cổ tích của Nick. Vốn từng mặc cảm vì khuyết tật của mình, tưởng rằng tình yêu đó chỉ là tình yêu đơn phương nhưng cuối cùng Nick cũng đã can đảm theo đuổi tình yêu của mình và vỡ òa thành niềm hạnh phúc vô bờ khi anh nhận ra tâm hồn cả hai đã thuộc về nhau từ ánh mắt đầu tiên. Cùng với chuyện tình tuyệt đẹp này là rất nhiều câu chuyện cảm động về khả năng kỳ diệu của con người trong việc biến những khát khao, ước vọng trở thành thực tế, thông qua cách đặt niềm tin lớn lao vào hành động của mình. Và anh cũng mong rằng bạn đọc cũng sẽ được hưởng hạnh phúc của tình yêu như Nick đang hưởng, nhưng bạn hãy nhớ chuẩn bị cho bản thân không chỉ để đón nhận tình yêu mà còn để cho đi, để hy sinh trong tình yêu một cách vô tư, không vị kỷ.

“Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”

Là quyển sách thứ hai của anh. Nguồn cảm hứng để anh viết cuốn sách này đến từ những người thuộc mọi lứa tuổi trên khắp thế giới, những người anh đã cho lời khuyên và hướng dẫn họ đương đầu với những thách thức trong cuộc sống. Từ những buổi diễn thuyết của Nick, họ biết rằng anh đã vượt qua nghịch cảnh, thậm chí vượt qua ý định tự vẫn đã thoáng hiện trong anh vài lần khi còn nhỏ, khi Nick vật vã với những câu hỏi làm thế nào để có thể tự nuôi sống mình, liệu anh có tìm được một người phụ nữ yêu anh hay không…
khi anh chìm trong cảm giác buồn khổ và chán chường vì bị bắt nạt, bị chế giễu, và vì nhiều vấn đề khác, nhiều nỗi bất ổn khác bủa vây.

Các chương trong “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng” xoay quanh những câu hỏi và những thách thức mà mọi người nêu ra khi họ nói chuyện và viết thư cho anh. Như: những khủng hoảng cá nhân, những vấn đề liên quan đến các mối quan hệ, những thách thức trong công việc và sự nghiệp, những mối quan tâm về sức khỏe và khuyết tật, những ý nghĩ, cảm xúc tiêu cực và các chứng nghiện ngập, cách tìm được sự thăng bằng về thể chất, tinh thần, trái tim và tâm hồn… Nick hy vọng rằng việc chia sẻ những câu chuyện của anh và của những người khác, những người đã kiên trì vượt qua bao khó khăn thử thách trong cuộc sống sẽ giúp ích và khích lệ các bạn vượt qua những thách thức mà các bạn đang phải đối mặt, bạn sẽ tìm thấy sự an ủi thay vì tuyệt vọng.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan là người chuyển ngữ cả hai cuốn sách về Nick: “Cuộc sống không giới hạn” và “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”. Dù không phải là một người khuyết tật tay chân như Nick, nhưng Bích Lan lại cùng có một nghị lực sống phi thường. Cô bị bệnh loạn dưỡng cơ từ năm 13 tuổi, tự học Anh văn tại nhà và trở thành dịch giả sở hữu hơn 25 đầu sách dịch, được vinh danh qua giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn năm 2010 với bản dịch “Triệu phú khu ổ chuột”.


---oOo---
 
Lời giới thiệu

Chào mừng các bạn đến với cuốn sách thứ hai của tôi. Tên tôi là Nick Vujicic. Có thể bạn chưa đọc cuốn sách đầu tay của tôi, cuốn Cuộc sống không giới hạn, nhưng bạn có thể đã từng xem những video của tôi trên YouTube hoặc đã dự một trong những buổi diễn thuyết vòng quanh thế giới của tôi.

Nhìn ảnh của tôi trên bìa sách, các bạn có thể biết tôi sinh ra không có chân, không có tay. Điều mà các bạn không thể nhìn thấy nhưng có thể cảm nhận được là sự khuyết thiếu tứ chi này không thể ngăn cản tôi tận hưởng những chuyến phiêu lưu thú vị, không thể ngăn cản tôi vươn tới một sự nghiệp đầy ý nghĩa và mãn nguyện, càng không thể cản trở tôi có được những mối quan hệ đầy tình yêu thương.

Tôi viết cuốn sách này với mục đích chia sẻ với các bạn sức mạnh không gì ngăn cản được của niềm tin trong hành động, nguồn sức mạnh đã giúp tôi tạo lập một cuộc sống tốt đẹp đến mức diệu kỳ, bất chấp những khuyết tật nặng nề. Đặt niềm tin vào hành động có nghĩa là tin tưởng và đạt được thành quả. Đó là niềm tin vào bản thân bạn, tài năng của bạn, mục đích của bạn, và quan trọng hơn hết, là niềm tin vào tình yêu của Đấng Sáng Tạo và những kế hoạch quan trọng mà Người dành cho cuộc đời bạn.

Nguồn cảm hứng để tôi viết cuốn sách này đến từ những người thuộc mọi lứa tuổi trên khắp thế giới, những người tôi đã cho lời khuyên và hướng dẫn họ đương đầu với những thách thức trong cuộc sống. Từ những buổi diễn thuyết của tôi, họ biết rằng tôi đã vượt qua nghịch cảnh, thậm chí vượt qua ý định tự vẫn đã thoáng hiện trong tôi vài lần khi tôi còn nhỏ, khi tôi vật vã với những câu hỏi làm thế nào tôi có thể tự nuôi sống mình, liệu tôi có tìm được một người phụ nữ yêu tôi hay không, khi tôi chìm trong cảm giác buồn khổ và chán chường vì bị bắt nạt, bị chế giễu, và vì nhiều vấn đề khác, nhiều nỗi bất ổn khác bủa vây.

Các chương trong cuốn sách này xoay quanh những câu hỏi và những thách thức mà mọi người nêu ra khi họ nói chuyện và viết thư cho tôi. Đó là:

- Những khủng hoảng cá nhân

- Những vấn đề liên quan đến các mối quan hệ

- Những thách thức trong công việc và sự nghiệp khỏe và khuyết tật

- Những ý nghĩ, cảm xúc tiêu cực và các chứng nghiện ngập

- Sự bắt nạt, khủng bố, sự tàn nhẫn và thiếu khoan dung

- Việc đương đầu với những vấn đề vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta

- Cách tiếp cận và giúp đỡ người khác

- Cách tìm được sự thăng bằng về thể chất, tinh thần, trái tim và tâm hồn

Tôi hy vọng rằng việc chia sẻ những câu chuyện của tôi và của những người khác, những người đã kiên trì vượt qua bao khó khăn thử thách trong cuộc sống – nhiều người trong số họ đáng khâm phục hơn tôi nhiều – sẽ giúp ích và khích lệ các bạn vượt qua những thách thức mà các bạn đang phải đối mặt. Dĩ nhiên tôi không có tất cả mọi câu trả lời. Nhưng tôi sẽ trao cho các bạn tất cả những gì mà tôi đã có được từ những lời khuyên tuyệt vời của những con người thông thái cũng như từ tình yêu và phước lành của Chúa.

Tôi nghĩ các bạn sẽ nhận thấy sự chia sẻ của tôi trong những trang sách này giàu tính thực tiễn và đầy tính khích lệ. Bạn hãy luôn nhớ một điều rất quan trọng rằng bạn không bao giờ đơn độc. Bạn luôn luôn có sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình, thầy cô giáo, những người cố vấn và hỗ trợ tinh thần cho bạn. Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn phải một mình đương đầu với những gánh nặng của mình.

Bạn cũng nên biết rằng trên đời này vẫn còn rất nhiều người đã và đang phải đương đầu với những thách thức như bạn. Cuốn sách này sẽ kể với bạn nhiều câu chuyện về những con người mà tôi quen biết và những người đã viết thư cho tôi để chia sẻ kinh nghiệm của họ. Trong một số trường hợp tôi đã thay đổi tên nhân vật, nhưng những câu chuyện được kể thì hoàn toàn là sự thật và luôn tràn đầy sự khích lệ bởi đó là những câu chuyện về lòng dũng cảm, niềm tin và ý chí sắt đá.

Khi còn là một cậu bé phải cố gắng thích nghi với những khuyết tật của mình, tôi đã thật sai lầm khi nghĩ rằng không ai trên đời này phải chịu đựng những nỗi đau như tôi và rằng những khó khăn của tôi khủng khiếp đến mức không thể vượt qua nổi. Tôi cứ nghĩ rằng sự khuyết thiếu tứ chi của tôi là bằng chứng cho thấy Đấng Sáng Tạo không yêu thương tôi và rằng cuộc đời tôi chẳng có mục đích gì hết.

Tôi cũng cảm thấy rằng tôi không thể chia sẻ gánh nặng của mình – không thể chia sẻ ngay cả với những người luôn yêu thương và quan tâm đến tôi. Tôi đã lầm. Tôi không hề đơn độc trong khó khăn và đau đớn. Quả thật trên đời này có nhiều người đã và đang phải đương đầu với những thách thức lớn hơn cả những gì mà tôi đã gặp. Và Chúa không chỉ yêu thương tôi, Người còn cho tôi những mục đích mà khi còn bé tôi không thể hình dung ra. Người đã sử dụng tôi theo những cách khiến tôi không khỏi ngạc nhiên đến kinh ngạc mỗi ngày.

Bạn nên biết rằng chừng nào bạn còn sống trên đời này, thì còn có một mục đích, một kế hoạch dành cho bạn. Những gánh nặng mà bạn mang có thể làm bạn nản chí, nhưng như bạn sẽ thấy trong những trang sách mà bạn sắp đọc này, sức mạnh của niềm tin trong hành động thực sự rất kỳ diệu.

Để bắt đầu hiểu điều này, bạn chỉ cần nhớ rằng tôi, con người không chân không tay này, đã đi khắp thế giới, đã đến được với hàng triệu người và được hưởng niềm vui cũng như tình yêu không thể đong đếm được.

Tôi khiếm khuyết như bất cứ ai bạn sẽ gặp trong đời. Tôi cũng có những ngày vui vẻ, những ngày tồi tệ. Những thách thức nảy sinh trong cuộc sống đôi khi khiến tôi quỵ ngã. Tuy nhiên tôi biết rằng khi chúng ta đặt niềm tin vào hành động thì không gì có thể ngăn cản được chúng ta vươn tới một cuộc sống tốt đẹp.
 
NIỀM TIN TRONG HÀNH ĐỘNG

Năm 2011, khi tôi sắp kết thúc chuyến diễn thuyết của mình ở Mexico, nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Mexico gọi điện tới thông báo với tôi rằng hộ chiếu lao động của tôi ở Mỹ bị vô hiệu hóa vì “một cuộc điều tra an ninh quốc gia”. Tôi sinh sống ở Mỹ nhờ tấm visa đó bởi vì tôi là người Australia. Tôi không thể trở về nhà của mình ở California mà không có visa. Và vì các nhân viên của tôi đã lên chương trình cho một loạt các buổi diễn thuyết ở Mỹ cho nên sự cố này thực sự là một vấn đề nghiêm trọng.

Sáng sớm hôm sau tôi cùng với Richie, người chăm sóc của tôi, lập tức đến Đại sứ quán Mỹ để cố tìm hiểu xem visa của tôi có hại gì cho an ninh quốc gia. Khi đến đó, chúng tôi thấy ở khu vực tiếp tân của đại sứ quán có rất nhiều người đang cố giải quyết các vấn đề của mình. Chúng tôi lấy số, giống như xếp hàng ở một cửa hiệu bánh mì vậy. Cuộc chờ đợi kéo dài đến nỗi trước khi chúng tôi được gọi vào gặp người của đại sứ quán thì tôi đã kịp ngủ một giấc dài.

Thường thì khi căng thẳng, tôi lại trở nên hài hước. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng có tác dụng. “Có vấn đề với dấu vân tay của tôi trên visa phải không ạ?”, tôi đùa. Người của đại sứ quán nhìn tôi trừng trừng. Rồi ông ta gọi cho cấp trên của mình. (Chẳng lẽ khiếu hài hước của tôi là mối đe dọa đối với an ninh của nước Mỹ?).

Cấp trên của ông ta tới, trông cũng lạnh lùng không kém, đến nỗi tôi hình dung ra cảnh mình phải ở sau song sắt.

“Tên của anh đã trở thành một phần của một cuộc điều tra”, ông ta tuyên bố như một cái máy. “Anh không thể trở về Mỹ cho đến khi mọi chuyện được làm sáng tỏ. Quá trình điều tra có thể kéo dài một tháng”.

Tôi cảm thấy như thể máu trong người mình khô cạn. Không thể có chuyện như vậy được. Richie sụp xuống sàn. Thoạt đầu tôi cứ nghĩ cậu ấy bị ngất, nhưng hóa ra cậu sụp xuống để cầu nguyện trước cả hai trăm người có mặt ở đó. Đúng vậy, Richie là một người chăm sóc rất tận tâm. Cậu giơ hai cánh tay lên trời, chắp hai bàn tay vào nhau, cầu xin Đức Chúa Trời hãy ban cho chúng tôi một phép màu để chúng tôi có thể trở về nhà.

Cùng một lúc, tôi thấy mọi thứ xung quanh mình vừa như đang trôi nhanh vừa như đang chuyển động một cách chậm chạp. Trong khi đầu óc tôi quay cuồng, nhân viên đại sứ quán cho biết thêm rằng tên của tôi có thể được gắn thẻ đánh dấu do tôi đã đi đến nhiều nơi trên thế giới. Họ nghi ngờ tôi là một tên khủng bố quốc tế ư? Một kẻ buôn bán vũ khí không có tay ư? Thú thực tôi chưa bao giờ gây hại cho ai hết.
“Thôi nào, tôi hỏi thật, tôi như thế này làm sao có thể là người nguy hiểm được?”, tôi hỏi nhân viên đại sứ quán. “Ngày mai tôi có cuộc gặp với tổng thống và phu nhân của ông ấy tại phủ tổng thống trong bữa tiệc Ngày Chúa Ba Ngôi, vậy thì làm sao có thể coi tôi là một mối đe dọa được”.

Nhân viên đại sứ quán Mỹ không hề động lòng. Ông ta nói: “Anh có gặp Tổng thống Obama chăng nữa thì tôi cũng không quan tâm. Anh không được quay trở lại nước Mỹ cho đến khi cuộc điều tra kết thúc”.

Tình huống này có thể là chuyện khôi hài nếu như lịch của tôi không gồm một danh sách dài các buổi diễn thuyết ở Mỹ. Tôi phải trở về Mỹ.

Tôi không định ngồi khoanh tay đợi ai đó quyết định rằng sự có mặt của Nick ở nước Mỹ không gây ảnh hưởng gì cho sự an toàn của người Mỹ. Tôi nài xin nhân viên đại sứ quán thêm vài phút nữa, giải thích những việc tôi phải làm, nêu tên của một số nhân vật quan trọng, nhấn mạnh rằng các nhân viên của tôi và những đứa trẻ mồ côi đang mong ngóng tôi trở về.

Ông ta gọi điện cho ai đó cấp cao hơn rồi nói: “Tất cả những gì họ có thể làm là cố gắng đẩy nhanh quá trình điều tra. Sẽ phải mất ít nhất hai tuần”.

Hai tuần ư? Tôi có đến hơn mười cuộc diễn thuyết đã được lên kế hoạch trong hai tuần ấy. Nhưng người của đại sứ quán không hề tỏ ra thông cảm. Chúng tôi chẳng thể làm gì hơn là trở về khách sạn, bắt đầu cuống cuồng gọi điện cho tất cả những người tôi quen biết để nhờ họ giúp đỡ, để nhờ họ cầu nguyện cho chúng tôi.

Tôi biến sức mạnh của niềm tin thành hành động.

Nói một cách đơn giản, khi bạn tin vào một điều gì đó không thôi thì chưa đủ. Nếu bạn muốn tạo được ảnh hưởng trong thế giới này, bạn phải đưa niềm tin của bạn vào hành động. Trong trường hợp này tôi đã đưa niềm tin vào sức mạnh của sự cầu nguyện. Tôi gọi cho đội của tôi tại một tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức Life Without Limbs (LWL) ở California, đề nghị họ bắt đầu thực hiện buổi cầu nguyện tập thể.

Nhân viên của LWL lập tức gọi nhiều cuộc điện thoại, gửi một loạt thư điện thử và tin nhắn qua các mạng truyền thông. Trong vòng một giờ đồng hồ, một trăm năm mươi người đã cầu nguyện cho tôi thoát khỏi khó khăn liên quan đến visa của tôi. Tôi cũng gọi điện cho bạn bè, những người ủng hộ có ảnh hưởng, những người bà con, những người hàng xóm, cả các bạn học cũ ở Bộ ngoại giao Mỹ.

Ba giờ sau, một người của đại sứ quán Mỹ ở Mexico gọi điện cho tôi.

“Tôi không tin nổi chuyện này, nhưng quả thật là anh đã được phép trở về Mỹ”, người đó nói. “Cuộc điều tra đã đã kết thúc. Anh có thể đến đại sứ quán lấy visa đã được gia hạn của anh vào sáng mai”.

Các bạn ạ, đó là sức mạnh của niềm tin trong hành động! Đó là sức mạnh có thể dời núi và nó cũng có thể đưa Nick ra khỏi Mexico.

Hành động theo niềm tin

Trong những chuyến đi vòng quanh thế giới, tôi thấy những người đang phải đương đầu với khó khăn thường đề nghị tôi cho họ lời khuyên và cầu nguyện giúp họ. Thường thì những người đó biết mình cần phải làm gì, nhưng họ ngại thực hiện sự thay đổi hoặc sợ phải thực hiện bước tiến đầu tiên.

Có thể bạn cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn khiến bạn cảm thấy bất lực, sợ hãi, bế tắc, tê liệt, chao đảo và mất khả năng hành động. Tôi hiểu tình cảnh đó. Tôi đã từng lâm vào tình cảnh đó. Khi những bạn trẻ ở tuổi mới lớn đến gặp tôi và kể rằng họ bị bắt nạt, rằng họ cảm thấy mất phương hướng và đơn độc trên đời này, hoặc họ cảm thấy sợ vì bị khuyết tật, ốm đau, hoặc có những ý nghĩ tiêu cực, tôi thấu hiểu nỗi lòng của họ.

Mọi người có thể dễ dàng thấy được những thách thức về mặt thể chất mà tôi phải đối mặt, tuy nhiên chỉ cần nói chuyện với tôi hoặc nghe tôi nói vài phút là ai cũng hiểu tôi sống vui như thế nào mặc dù tôi bị khuyết tật nặng nề. Cho nên mọi người thường hỏi tôi làm thế nào mà tôi có thể sống một cách tích cực và đầy lạc quan như vậy, và tôi tìm ở đâu ra sức mạnh để vượt lên những khuyết tật nặng nề đó.

Câu trả lời của tôi luôn là: “Tôi cầu nguyện để xin Chúa phù hộ cho tôi, và sau đó tôi biến niềm tin của mình hành động cụ thể”. Tôi luôn giữ niềm tin trong tim. Tôi tin vào những điều mà tôi không có bằng chứng cụ thể - những điều mà tôi không thể nhìn, sờ, ngửi hoặc nghe thấy. Trên hết, tôi có niềm tin ở Chúa. Mặc dù tôi không thể chạm vào Người, tôi tin rằng Người tạo ra tôi trên đời này vì một mục đích, và tôi tin rằng khi tôi biến niềm tin trong tôi thành hành động cụ thể, tôi đã đặt mình vào vị trí được Chúa ban phước.

Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ cần đặt niềm tin vào điều gì đó thôi là đủ. Bạn có thể tin vào những giấc mơ của mình, nhưng bạn phải hành động để biến những giấc mơ ấy thành hiện thực. Bạn có thể tin vào tài năng của mình, tin vào những khả năng mình đang có, nhưng nếu bạn không miệt mài phát triển những tài năng đó và không sử dụng chúng, thì liệu chúng có ích không? Bạn có thể tin rằng mình là một người tốt, luôn quan tâm đến người khác, nhưng nếu bạn không đối xử với những người khác bằng lòng tốt và sự quan tâm thì bằng chứng đâu mà bạn có thể coi mình là người tốt?

Bạn có một sự lựa chọn. Bạn có thể tin hoặc không tin. Nhưng nếu bạn tin – bất cứ điều gì bạn tin – bạn phải thể hiện niềm tin bằng hành động cụ thể. Nếu không tại sao bạn lại tin chứ? Bạn có thể gặp phải những thách thức trong sự nghiệp, trong các mối quan hệ, hoặc gặp vấn đề về sức khỏe. Có thể bạn bị ngược đãi, bị lạm dụng, hoặc bị kỳ thị.

Tất cả những gì xảy ra với bạn định nghĩa con người bạn, định nghĩa cuộc sống của bạn nếu bạn không hành động để định nghĩa chính mình. Bạn có thể tin vào tài năng của mình. Bạn có thể tin rằng bạn có tình yêu thương để san sẻ. Bạn có thể tin rằng bạn đủ sức vượt qua bệnh tật hoặc khuyết tật. Nhưng chỉ tin không thôi thì bạn sẽ chẳng thể tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình.

Bạn phải biến niềm tin thành hành động.

Nếu bạn tin rằng mình có thể thay đổi cuộc sống của bản thân theo hướng tốt đẹp hơn hoặc có thể tạo ra dấu ấn tích cực tại nơi bạn đang sống hoặc trên cả thế giới, bạn hãy thể hiện niềm tin của mình bằng hành động. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có một ý tưởng tuyệt vời để bắt đầu công việc kinh doanh, thì bạn phải đầu tư thời gian, tiền bạc, tài năng và phải bắt tay thực hiện việc kinh doanh đó. Nếu không, ý tưởng tuyệt vời của bạn có ích gì? Nếu bạn đã xác định được người nào đó mà bạn muốn chung sống trong suốt cuộc đời, thì tại sao bạn lại không hành động theo niềm tin đó? Bạn có gì để mất đâu?

Phần thưởng xứng đáng của việc hành động theo niềm tin

Có niềm tin là một điều tuyệt vời, nhưng cuộc sống của bạn được đo bằng những hành động thể hiện niềm tin của mình. Bạn có thể tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp từ niềm tin của mình. Tôi đã tạo dựng cuộc sống của tôi bằng niềm tin không gì lay chuyển nổi rằng tôi có thể khích lệ và mang đến hy vọng cho những người đang phải đối mặt với khó khăn thử thách trong cuộc sống. Niềm tin đó bắt nguồn từ niềm tin ở Chúa trong tôi. Tôi tin rằng Chúa tạo ra tôi trên đời này để yêu thương, khích lệ và khuyến khích những người khác.

Tôi sinh ra không có chân tay không phải vì tôi bị Chúa trừng phạt. Bây giờ tôi biết rõ điều đó. Tôi đã hiểu ra rằng “khuyết tật” của tôi thực sự là để nâng cao khả năng tôi phục vụ cho những mục đích mà Đấng Sáng Tạo dành tôi trong vai trò của một diễn giả và một nhà truyền giáo. Bạn có thể nghĩ rằng tôi đang được niềm tin nâng bổng nên mới cảm thấy như vậy, bởi vì hầu hết mọi người đều coi tình trạng của tôi là một khuyết tật nặng nề. Nhưng quả thật Chúa đã sử dụng sự khuyết thiếu chân tay của tôi để đưa mọi người đến với tôi, đặc biệt là những người khuyết tật, để tôi có thể khích lệ và khuyến khích họ bằng những thông điệp về niềm tin, hy vọng và tình yêu.

Tôi đã từng nghe nói rằng hành động đối với niềm tin cũng tựa như thể xác đối với linh hồn. Thể xác là nơi trú ngụ của linh hồn, là bằng chứng cho sự tồn tại của linh hồn. Tương tự như vậy, hành động của bạn là bằng chứng của niềm tin trong bạn.

Chắc hẳn bạn không hề hoài nghi khi nghe câu “lời nói phải đi đôi với việc làm”. Gia đình, bạn bè, thầy cô giáo, ông chủ, đồng nghiệp, khách hàng của bạn, ai cũng mong bạn hành động và sống đúng với niềm tin mà bạn tuyên bố rằng bạn có. Nếu bạn không hành động và sống đúng với niềm tin của mình thì họ sẽ không tin tưởng bạn nữa, đúng không?

Bạn bè đánh giá chúng ta không phải qua những gì chúng ta nói mà qua những việc chúng ta làm. Nếu bạn là một người cha người mẹ tốt thì nhiều khi bạn sẽ phải đặt lợi ích của gia đình lên trên lợi ích của bản thân. Bạn phải để lời nói của mình đi đôi với việc làm; nếu không bạn sẽ không có được sự tín nhiệm của người khác, và cả của chính bạn. Nếu bạn không làm như vậy, thì bạn sẽ không bao giờ có thể sống một cách hài hòa và hạnh phúc.

Khi bạn hành động theo niềm tin và khi bạn biến niềm tin thành hành động, bạn sẽ trải nghiệm được sự thỏa mãn.Xin đừng nản lòng nếu như bạn không có được niềm tin kiên định vào mục đích, và cũng không biết chắc phải hành động thế nào để thực hiện mục đích của đời mình. Tôi đã phải đấu tranh rất vất vả để vượt qua biết bao khó khăn và giờ đây vẫn đang không ngừng vật lộn để vươn lên trong cuộc sống. Bạn cũng sẽ như vậy. Tôi tìm thấy mục đích của mình bởi vì tôi đã không ngừng tìm kiếm chân lý.

Tìm được mục đích sống hoặc điều tốt đẹp trong những hoàn cảnh khó khăn thật không dễ dàng gì, đó là cả một hành trình. Tại sao nhất thiết phải là một hành trình? Tại sao không thể có chuyện một chiếc trực thăng đón bạn và đưa bạn bay thẳng đến đích? Đó là bởi vì qua những khó khăn thử thách, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều, sẽ phát triển được niềm tin và yêu thương con người nhiều hơn. Đó là hành trình của niềm tin, bắt đầu bằng tình yêu và kết thúc cũng bằng tình yêu.

Frederick Douglass, người từ cuộc đời nô lệ trở thành một nhà hoạt động xã hội của Mỹ đã nói: “Nếu không có đấu tranh thì không có tiến bộ”. Tính cách của bạn được hình thành từ những thách thức mà bạn đối mặt và vượt qua. Lòng can đảm của bạn phát triển khi bạn đối mặt với những nỗi sợ hãi. Sức mạnh và niềm tin của bạn được xây dựng và củng cố nhờ được thử thách và rèn luyện qua những trải nghiệm trong đời sống.

******************
 
Niềm tin trong hành động

Mặc dù tôi sinh ra trên đời này với cơ thể khiếm khuyết, xét về nhiều mặt tôi là người hạnh phúc bởi mẹ tôi luôn nói: “Con chỉ khuyết thiếu một chút thôi, một chút thôi mà”. Cha mẹ luôn ở bên tôi để yêu thương và giúp đỡ tôi. Họ không nuông chiều tôi. Khi cần, họ rèn tôi vào kỷ luật và để cho tôi có cơ hội tự học lấy những bài học từ chính những sai lầm của mình. Trên tất cả, họ là những tấm gương tuyệt vời.

Tôi là con đầu lòng và tình trạng của tôi khi ra đời rõ ràng là một cú sốc lớn cho cha mẹ. Mặc dù mẹ tôi đã trải qua tất cả những xét nghiệm thông thường, các bác sĩ không phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu nào cho biết tôi sinh ra không có chân, không có tay. Mẹ tôi là một y tá giàu kinh nghiệm, đã đỡ đẻ cho hàng trăm sản phụ, vậy nên bà hết sức giữ gìn trong thời kỳ mang thai.

Khỏi phải nói cha mẹ tôi đã choáng váng như thế nào khi tôi chào đời không có chân cũng chẳng có tay.

Giống như mọi đứa trẻ khác, tôi không chào đời cùng với một cuốn sách hướng dẫn cách nuôi dưỡng, nhưng quả thực nếu khi đó có được sự hướng dẫn để nuôi một đứa con không chân không tay thì cha mẹ tôi chắc hẳn đã rất mừng. Họ không quen biết bất cứ ông bố bà mẹ nào đã từng nuôi dưỡng một đứa con không chân không tay trong một thế giới được tạo ra cho những người có đầy đủ các bộ phận của cơ thể.

Ban đầu, cha mẹ tôi vô cùng quẫn trí. Nỗi tức giận, cảm giác tội lỗi, sợ hãi, chán nản, thất vọng lấn át họ trong suốt tuần đầu tiên sau khi tôi chào đời. Cha mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Họ đau khổ vì đã không có được đứa con đầu lòng bình thường mà họ hằng mong đợi.

Khi đó cha mẹ tôi không thể tưởng tượng được Chúa có kế hoạch gì cho một đứa trẻ như tôi. Tuy nhiên, khi cha mẹ tôi đã vượt qua được cú sốc ban đầu, họ quyết định đặt niềm tin nơi Chúa và sau đó họ đã biến niềm tin thành hành động. Cha mẹ thôi không cố hiểu tại sao Chúa lại ban cho họ một đứa con như vậy. Thay vì thế, họ tuân theo kế hoạch của Người, dù đó là kế hoạch gì, và họ cố gắng nuôi dạy tôi theo cách tốt nhất có thể, cách duy nhất mà họ có thể: dành cho tôi tất cả tình yêu thương vô bờ bến.
Tin vào mục đích của đời mình

Khi cha mẹ tôi phát mệt với các cơ sở y tế ở Australia, họ tìm kiếm sự giúp đỡ ở Canada, ở Mỹ, ở bất cứ nơi nào trên thế giới có thể mang đến cho họ thông tin và niềm hy vọng. Cha mẹ tôi chưa bao giờ nhận được sự giải thích đầy đủ về tình trạng khuyết thiếu chân tay của tôi, mặc dù nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Em trai của tôi - Aaron, và em gái tôi - Michelle, sinh ra sau tôi vài năm đều có đầy đủ chân tay, vậy nên nguyên nhân do gien di truyền có thể được loại bỏ.

Sau một thời gian, cha mẹ tôi quan tâm đến câu hỏi làm thế nào để tôi tồn tại được hơn là câu hỏi tại sao tôi lại sinh ra với những khuyết tật như vậy. Làm thế nào thằng bé có thể đi lại khi mà nó không có chân? Làm thế nào nó có thể tự chăm sóc bản thân? Làm thế nào để nó đi học được? Lớn lên nó sẽ sinh sống bằng cách nào đây? Tất nhiên khi ấy tôi còn bé và chẳng hề bận tâm với những câu hỏi đó. Tôi không ý thức được rằng cơ thể mình khác biệt so với mọi người. Tôi cứ nghĩ mọi người nhìn tôi bởi vì tôi trông đáng yêu. Tôi cũng không nghĩ rằng mình gặp khó khăn hay dễ bị tổn thương. Cha mẹ tôi hầu như không thể kiềm chế nỗi sợ hãi khi tôi thường xuyên ném mình như một túi đậu từ tràng kỷ xuống sàn nhà, lên ghế xe, và ra khắp sân.

Bạn có thể hình dung nỗi lo lắng của cha mẹ tôi khi lần đầu tiên bắt gặp tôi trượt pa-tanh trên đường đồi dốc. Mẹ ơi, nhìn này, không tay! Bất chấp những nỗ lực đầy yêu thương của cha mẹ nhằm trang bị cho tôi xe lăn và chân tay giả, tôi ngang bướng phát triển những cách di chuyển của riêng mình. Da trán tôi dày lên, chai đi như da ở lòng bàn chân bởi vì tôi cứ khăng khăng tự nhấc mình dậy từ tư thế nằm sấp bằng cách tì trán vào tường, vào bàn ghế, hoặc vào bất cứ vật gì mà tôi có thể tì vào, rồi đẩy người thẳng lên từng tí một.

Sau khi tôi phát hiện ra mình có thể bơi và có thể nổi trên mặt nước, trước con mắt hoảng sợ của những người đứng xem xung quanh, tôi thường lao mình xuống bể bơi hoặc hồ nước bằng cách giữ không khí trong phổi trong khi tôi cử động mẩu bàn chân trái bé xíu như một mái chèo. Cái bộ phận nhỏ xíu hữu ích đó đã chứng minh nó cực kỳ quý giá và được việc sau khi một cuộc phẫu thuật được thực hiện để tách hai ngón chân bị dính vào nhau, cho phép tôi điều khiển chúng một cách khéo léo đến mức ngạc nhiên. Với sự ra đời của điện thoại di động và máy tính điện tử, tôi có thể sử dụng mẩu bàn chân bé xíu của mình để đánh máy, nhắn tin, và đó rõ ràng là một may mắn.

Cuối cùng tôi đã rèn được cho mình thói quen tập trung vào các giải pháp hơn là các vấn đề, vào hành động hơn là phó mặc mọi sự muốn ra sao thì ra. Tôi nhận thấy rằng khi tôi tập trung vào một việc gì đó, tôi luôn tạo ra được hiệu ứng quả cầu tuyết: năng lực giải quyết vấn đề của tôi tăng lên. Người ta nói rằng cuộc sống tưởng thưởng xứng đáng cho sự kiên trì hành động, và điều đó đúng đối với trường hợp của tôi.

Từng ngày từng ngày, Chúa tiết lộ các kế hoạch của Người dành cho tôi. Những nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta giảm đi, nếu chúng ta chuyển giao chúng cho Chúa và hành động theo niềm tin của mình, tìm ra các giải pháp, tạo động lực, và tin tưởng rằng Chúa sẽ chỉ cho bạn một con đường.

Bạn sẽ vẫn phải đối mặt với những thách thức và thất bại. Những thách thức và thất bại là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, khi bạn biến niềm tin thành hành động, bạn sẽ không nản chí, bạn sẽ coi những trở ngại là cơ hội để học hỏi những điều bạn chưa biết để trưởng thành hơn. Thực lòng mà nói, có thể không phải lúc nào tôi cũng đón chào những thách thức.

Thỉnh thoảng khi khó khăn thách thức ập đến, tôi muốn hỏi Chúa: “Người đặt ra cho con chừng ấy thách thức còn chưa đủ hay sao?”. Nhưng hết lần này đến lần khác, tôi đều có thể áp dụng những gì mình đã học được và đều vượt qua khó khăn, để rồi vốn kinh nghiệm của tôi nhờ đó trở nên phong phú hơn.

Tôi đã có nhiều cơ hội học những điều bổ ích từ trong khó khăn thách thức đến nỗi đáng ra tôi phải trở thành chuyên gia về vũ trụ mới phải. Như bạn có thể hình dung ra, những trở ngại lớn nhất của tôi xảy ra khi tôi ở tuổi mới lớn, giai đoạn mà tất cả chúng ta đều cố xác định mình là ai, làm thế nào để mình không lạc lõng trong cuộc sống.

Mặc dù có nhiều bạn và nổi tiếng ở trường học, tôi vẫn bị những kẻ hay bắt nạt hành hạ. Tôi phải hứng chịu những lời bình phẩm độc địa không chỉ một lần. Mặc dù có sẵn tinh thần lạc quan và sự tự tin, tôi càng ngày càng ý thức một cách rõ ràng rằng mình sẽ không bao giờ trông giống như mọi người, sẽ không bao giờ có thể làm được tất cả những việc mà những người đầy đủ chân tay có thể làm.

Càng cố tạo ra những câu nói hài hước về sự khuyết thiếu chân tay của mình, tôi càng bị dày vò bởi ý nghĩ rằng mình là gánh nặng đối với những người thân, bởi vì tôi sẽ không thể tự lo được cho bản thân. Một nỗi sợ ghê gớm khác là tôi sẽ không bao giờ có thể kết hôn và không thể xây dựng gia đình riêng, bởi tôi nghĩ sẽ không một người phụ nữ nào muốn có một người chồng không thể ôm mình, bảo vệ mình, hoặc không thể ôm hôn những đứa con.

Trong những năm mới lớn, tôi luôn ở trong tâm trạng buồn phiền và suy nghĩ u ám. Tôi không thể tưởng tượng nổi tại sao Chúa Trời lại tạo ra tôi để tôi phải chịu đựng sự mất mát và cô đơn khủng khiếp như vậy. Tôi tự hỏi liệu có phải Chúa Trời trừng phạt tôi, liệu có phải Người đã bỏ quên tôi hay không. Tôi là một sai sót của tạo hóa chăng? Làm sao Chúa Trời, đấng linh thiêng yêu thương hết thảy những đứa con của Người, lại tàn nhẫn đến thế?

Hồi tôi chừng tám đến mười tuổi, những ý nghĩ u ám đã châm ngòi cho sự thất vọng và những ý nghĩ tiêu cực trong tôi. Tôi bắt đầu nghiền ngẫm ý định tự tử. Tôi định nhảy từ một cái gờ cao xuống đất để tự kết thúc cuộc đời hoặc tự dìm mình chết trong bồn tắm, nơi cha mẹ tôi yên tâm để tôi một mình vì tôi đã biết bơi. Cuối cùng năm tôi mười tuổi, tôi đã cố tự vẫn trong bồn tắm. Vài lần tôi thử lăn qua lăn lại, dìm mặt xuống nước, nhưng rồi tôi không thể hoàn thành được việc đó. Tôi nghĩ đến nỗi đau buồn và cảm giác ân hận sẽ đè nặng lên cha mẹ tôi trong suốt phần còn lại nếu tôi tự kết thúc đời mình theo cách đó. Tôi không thể làm như thế với cha mẹ của mình.

Vào những giờ phút u ám nhất của cuộc đời mình, tôi không thể nhận thấy rằng cuộc đời mình có mục đích. Nếu tôi không thể tự lo cho bản thân và không xứng đáng có được tình yêu của một người con gái, thì tôi sống có ích gì? Tôi sợ rằng tôi sẽ sống vật vờ trên đời này, sẽ cô đơn và luôn là gánh nặng cho gia đình. Nỗi tuyệt vọng thời niên thiếu ấy của tôi bắt nguồn từ sự thiếu niềm tin ở bản thân, ở mục đích của đời mình. Tôi không thể nhìn thấy con đường của mình, vì thế cho nên tôi không tin mình có thể có thể sống một cuộc sống hạnh phúc, có mục đích. Bởi vì Chúa không đáp ứng tôi khi tôi cầu xin Người ban cho tôi một phép màu để tôi có chân có tay như bao người bình thường khác nên tôi cũng đánh mất niềm tin nơi Người.

Có thể bạn cũng từng có trải nghiệm đó. Có thể ngay lúc này đây bạn đang phải đương đầu với một thách thức. Nếu vậy, xin hãy hiểu tôi đã sai lầm như thế nào, và tầm nhìn của tôi hạn chế ra sao chỉ vì tôi để mất niềm tin.

Trong những năm tiếp theo, kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dần dần được tiết lộ, và cuộc sống của tôi mở ra theo những cách tuyệt vời mà có nằm mơ tôi cũng không dám mơ tới. Cha mẹ tôi khuyến khích tôi tìm đến với những bạn học sinh, sinh viên, khuyến khích tôi tin rằng hầu hết họ đều chấp nhận tôi. Khi làm như vậy, tôi phát hiện ra các bạn ấy thực sự cảm động và được khích lệ bởi câu chuyện vượt lên khuyết tật của tôi. Thậm chí một số bạn còn nghĩ tôi thật vui tính! Sự chấp nhận của họ đã thúc đẩy tôi thực hiện các buổi nói chuyện tại các tổ chức của sinh viên và các nhóm sinh hoạt của các bạn trẻ tại các nhà thờ.

Phản ứng tích cực mà tôi nhận được qua những buổi nói chuyện của mình đã giúp tôi mở mắt. Dần dần tôi hiểu ra rằng một trong những mục đích của tôi trên đời này là khích lệ mọi người vượt qua những khó khăn thách thức của riêng họ.

Tôi trở nên tin vào giá trị của bản thân mình. Niềm tin của tôi ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ hơn khi tôi hành động vì niềm tin đó. Khi tôi biến niềm tin thành hành động và dấn thân vào sự nghiệp của một diễn giả quốc tế và một nhà truyền giáo, tôi được thưởng một cuộc sống hạnh phúc và tràn ngập niềm vui, một cuộc sống cho tôi cơ hội đi khắp thế giới, gặp gỡ hàng triệu người, và giờ đây cuộc sống cho tôi cơ hội được gặp gỡ bạn qua cuốn sách này!

Không cần bằng chứng

Bạn và tôi không thể thấy được những gì cuộc sống đang chờ đợi chúng ta ở phía trước. Đó là lý do tại sao bạn đừng bao giờ tin rằng cái số của bạn là phải chịu đựng những điều tồi tệ, hoặc nếu bạn gục ngã thì bạn sẽ không có cơ hội đứng dậy được nữa. Bạn nhất định phải có niềm tin ở bản thân mình, ở mục đích của cuộc đời mình.

Đã tin rồi, bạn phải dẹp bỏ những nỗi sợ hãi và bất an trong bạn đi và phải tin rằng bạn nhất định sẽ tìm ra cách để vượt qua khó khăn thử thách. Có thể bạn không thấy chút ánh sáng le lói nào ở phía trước, nhưng chủ động hành động để thay đổi cuộc sống chắc chắn sẽ tốt hơn là để cuộc sống điều khiển bạn, chơi xấu với bạn. Nếu bạn có niềm tin, bạn không cần bằng chứng – bạn sống với niềm tin đó. Bạn không cần có mọi câu trả lời đúng, chỉ cần những câu hỏi thích hợp mà thôi.

Không ai biết tương lai nắm giữ điều gì. Khi tôi mười tuổi, tôi không tin rằng trong mười năm tiếp theo Chúa sẽ phái tôi đi khắp thế giới để nói chuyện với hàng triệu người, khích lệ họ, dẫn dắt họ. Khi ấy tôi cũng không biết rằng mình sẽ có được một tình yêu sánh ngang thậm chí vượt trên tình cảm gia đình dành cho tôi. Đó là tình yêu của một phụ nữ trẻ đẹp thông minh, có tâm hồn, đầy can đảm, người mới đây đã trở thành vợ của tôi.

Cậu bé là tôi hồi ấy, cậu bé đã tuyệt vọng trước những ý nghĩ về tương lai, giờ đây đã trở thành một người đàn ông thực sự. Tôi biết mình là ai, và tôi tiến từng bước một. Cuộc sống của tôi tràn trề mục đích và tình yêu. Liệu có phải ngày của tôi không vương chút lo lắng? Liệu có phải mỗi ngày của tôi đều tràn ngập ánh mặt trời và hoa thơm? Không, tất cả chúng ta đều biết rằng cuộc sống không hoàn toàn là màu hồng.

Nhưng trong từng khoảnh khắc của cuộc sống tôi đều cảm ơn Chúa đã cho phép tôi bước trên con đường mà Người đã sắp xếp cho tôi. Bạn và tôi có mặt trên đời này đều có mục đích. Tôi đã tìm thấy mục đích của mình, và bạn nên coi câu chuyện của tôi là một sự bảo đảm để bạn có thể tin rằng con đường của bạn cũng đang chờ đợi bạn.

Tin tưởng và gặt hái

Khi bạn tin rằng sẽ tìm thấy mục đích của mình và sau đó tiến lên từng bước trên con đường bạn đã tìm ra, cũng giống như tôi, bạn sẽ nhận thấy cuộc sống mở ra những cơ hội vô cùng rộng lớn và kỳ diệu. Chẳng hạn, tôi có thể sẽ không bao giờ có được chân tay như một phép màu, nhưng đã nhiều lần tôi thấy rằng tôi có thể là một phép màu dành cho người khác. Qua những trải nghiệm của mình, trong đó có trải nghiệm tuyệt vọng đẩy tôi đến ý định tự vẫn, tôi có thể thấu hiểu sự khó khăn của nhiều người khác trong cuộc đấu tranh của chính họ.

Tôi có thể trở thành phép màu giúp bạn nhận ra điều kỳ diệu, khích lệ bạn, truyền cho bạn lòng dũng cảm từ trái tim, đảm bảo với bạn rằng bạn được yêu thương, và thúc giục bạn tiến bước trên con đường thực hiện mục đích của đời mình.

Tình yêu thúc đẩy niềm tin trong hành động

Niềm tin trong hành động bắt đầu từ tình yêu. Chúng ta có khả năng yêu thương vô hạn, và chúng ta cần kích hoạt tình yêu thương trong ta, không chỉ để hoàn thành mục đích của mình mà còn góp phần để thấy toàn thế giới được hưởng hòa bình và hạnh phúc. Nếu hành trình của bạn bắt đầu và kết thúc bằng tình yêu, thì tôi muốn trở thành một phần của tình yêu đó để giúp bạn vượt qua khó khăn thử thách.

Thánh Paul đã nói: “Dẫu tôi có niềm tin có thể dời núi, nhưng nếu không có tình yêu thương, tôi chẳng là gì cả”.
 
Đứng dậy sau vấp ngã

Tôi vẫn đang ở những năm tuổi hai mươi của đời mình, tuy nhiên tôi đã cố gắng tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc và mãn nguyện. Tổ chức truyền giáo phi lợi nhuận của tôi (tổ chức mang tên Life Without Limbs) và tổ chức quảng bá DVD của những cuộc diễn thuyết khích lệ tinh thần mà tôi thực hiện (tổ chức Attitude is Attitude) đã đưa tôi đi vòng quanh thế giới để phục vụ và giúp đỡ mọi người. Trong bảy năm trở lại đây tôi đã diễn thuyết trước hơn bốn triệu người, mỗi năm thực hiện hai trăm bảy mươi cuộc diễn thuyết tại nhiều nơi trên thế giới ở bốn mươi ba quốc gia.

Ấy vậy mà vào tháng mười hai năm 2010 tôi lại lâm vào thế bế tắc.

Đôi khi, có vẻ như cuộc sống đang trôi chảy và bạn đang chạy với tốc độ tối đa trên đường đời thì một chướng ngại vật bỗng hiện ra và thế là “rầm” một cái! Điều tiếp theo bạn biết là gia đình, bạn bè tập trung quanh gi.ường của bạn, vuốt tóc bạn, vỗ vai bạn, an ủi bạn rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi.

Bạn đã từng trải qua hoàn cảnh đó rồi đúng không? Có thể ngay lúc này bạn đang ở trong hoàn cảnh đó, phải nằm trên gi.ường bệnh và trải qua cái cảm giác giống như một ca khúc nhạc blue đã nói tới: “Chìm đắm thiệt sâu khiến mọi thứ như thể càng cao và xa vời hơn”.

Tôi biết rõ cái cảm giác đó. Thực ra trong các buổi diễn thuyết của mình, tôi thường khuyến khích các khán giả làm bất cứ điều gì cần phải làm để đấu tranh với nghịch cảnh bằng cách cho họ thấy phương pháp đứng dậy từ tư thế nằm của một người không có chân tay.

Tôi nằm sấp xuống và sau đó tôi áp dụng cách tì trán để nâng người lên từng tí, từng tí một cho đến khi tôi dựng được người dậy. Sau đó tôi nói với khán giả rằng dù ở trong những hoàn cảnh mà chúng ta nghĩ dường như không có cách nào hết, thực tế vẫn luôn có cách. Trong nhiều năm tôi đã luyện cho cổ, vai và cơ ngực của mình rất khỏe nhờ việc đứng dậy theo cách đó.

Dẫu vậy có những lúc tôi đã phải đấu tranh rất vất vả để gượng dậy sau thất bại. Một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, chẳng hạn như khó khăn lớn về tài chính, mất việc làm, một mối quan hệ tan vỡ, hoặc mất người thân có thể rất khó chịu đựng và khó vượt qua đối với bất cứ người nào.
Ngay cả những thách thức tưởng chừng không lớn cũng có thể lấn át bạn nếu như bạn đang bị tổn thương hoặc dễ bị tổn thương. Nếu bạn nhận thấy mình đang đấu tranh vất vả hơn bình thường trước một thách thức, thì kế hoạch gượng dậy mà tôi khuyên bạn là hãy hướng về những người quan tâm đến bạn bằng lòng biết ơn, hãy kiên nhẫn với những tình cảm mềm yếu của bạn, hãy cố gắng hết sức để hiểu tình hình thực tế giữa lúc các cảm xúc đang chi phối bạn, và hãy biến niềm tin thành hành động.

Dù hoàn cảnh bạn đang phải đối mặt có khó khăn đến mức nào, bạn hãy nhích lên từng bước, từng bước một, từng ngày, từng ngày, và hãy luôn nhớ rằng bạn sẽ học được những bài học quý giá và sẽ rèn luyện bản thân thêm mạnh mẽ qua mỗi thử thách.

Bạn sẽ có một cảm giác bình yên khi nhận thức rằng có một kế hoạch tổng thể dành cho cuộc đời của bạn, rằng giá trị của bạn, mục đích của bạn, số phận của bạn không được quyết định bởi những gì xảy ra với bạn mà bởi cách bạn đương đầu với những gì xảy ra với bạn.
Hãy huy động nguồn sức mạnh

Cách tôi biến niềm tin thành hành động vào những lúc tôi gặp khủng hoảng có ba điểm đáng lưu ý mà tôi rút ra đây và mong muốn gửi đến bạn. Thứ nhất, bạn cần phải có những điều chỉnh từ bên trong nhằm kiểm soát những cảm xúc để chúng không điều khiển bạn. Điều này cho phép bạn kiểm soát cuộc sống của mình và đương đầu với thách thức một cách có suy nghĩ. Thứ hai, hãy nhắc nhở chính mình rằng trong quá khứ bạn đã bền lòng vững chí vượt qua nghịch cảnh như thế nào, và bạn đã vượt qua thách thức để thấy mình mạnh mẽ và khôn ngoan hơn ra sao. Thứ ba, hãy biến niềm tin thành hành động cụ thể bằng cách đến với những người khác, không phải chỉ để tìm kiếm sự giúp đỡ và khích lệ từ họ mà còn để giúp đỡ và khuyến khích họ. Đó là bởi vì có một sức mạnh hàn gắn lớn lao trong cả việc nhận và cho.

Khủng hoảng xảy ra với tôi gần đây đã khiến tôi lảo đảo trong một thời gian dài, dài hơn bất cứ lần khủng hoảng nào đã từng xảy ra từ khi tôi bước vào tuổi trưởng thành. Trải nghiệm đó một lần nữa nhắc tôi nhớ rằng chỉ có niềm tin thôi thì chưa đủ: bạn phải sống với niềm tin của mình bằng cách biến nó thành hành động mỗi ngày và mọi ngày.

Tôi sẽ trải lòng với bạn, kể về phản ứng ban đầu của tôi trước hoàn cảnh khó khăn như một ví dụ hữu ích về một tấm gương tồi. Tôi kể về nỗi đau của tôi để bạn biết mà tránh nó. Nhưng bạn phải hứa với tôi rằng bạn sẽ ghi nhớ bài học này bằng tim, bởi vì không dễ để ghi lại bài học này bằng ngôn từ. Được không, bạn yêu quý?

Dù tôi không muốn bất cứ ai phải đương đầu với khó khăn, tôi vẫn phải thừa nhận một thực tế rằng khó khăn thách thức là một phần của cuộc sống. Tôi muốn tin rằng những rủi ro, gian khó đặt ra trong cuộc sống của tôi đều có mục đích dạy tôi những điều quan trọng về bản thân, chẳng hạn như sức mạnh của tính cách và sự sâu sắc của niềm tin.

Có lẽ bạn đã từng trải qua những khó khăn thử thách, và tôi dám chắc rằng qua đó bạn đã học được những bài học quý giá. Những khủng hoảng trong đời sống tình cảm, trong sự nghiệp, hoặc những cuộc khủng hoảng về tài chính là những khó khăn thường thấy và thật khó để chúng ta phục hồi cảm xúc sau đó. Nhưng nếu bạn coi khó khăn là cơ hội để học hỏi, để trưởng thành, thì có thể bạn sẽ phục hồi nhanh hơn và sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Nếu sau một khoảng thời gian đáng kể mà nỗi thất vọng trong bạn không vơi đi, hoặc nếu bạn cảm thấy chán nản, tuyệt vọng trong một thời gian dài, thì tôi khuyên bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ở một người nào đó mà bạn tin cậy hoặc từ một chuyên gia tâm lý. Một số dạng chấn thương về tinh thần đòi hỏi sự giúp đỡ của các chuyên gia, và bạn chẳng có gì phải xấu hổ và e ngại về điều đó. Hàng triệu người đã thoát khỏi chứng trầm cảm đáng ngại nhờ cách này.

Nỗi buồn rầu, tuyệt vọng, đau khổ ghê gớm nảy sinh trong những lúc khó khăn hoặc bi kịch có thể tấn công bất cứ ai. Những sự việc gây căng thẳng đột ngột ập tới có thể khiến chúng ta cảm thấy mình bị áp đảo, bị tấn công, bị tổn thương và mất mát về mặt cảm xúc. Điều quan trọng là trong những tình huống đó bạn đừng tự cô lập mình.

Hãy cho phép gia đình và bạn bè an ủi bạn. Hãy kiên nhẫn với họ và với chính mình. Cần phải có thời gian để các vết thương lành lại. Rất ít người có thể “khiến người khác mau chóng thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực để trở lại trạng thái bình thường”, vì vậy bạn đừng mong được quá nhiều về điều đó. Tốt hơn bạn nên biết rằng bạn phải hành động để hàn gắn vết thương. Đó không phải là một quá trình thụ động. Bạn phải huy động bất cứ sức mạnh nào bạn có, trong đó có sức mạnh ý chí và sức mạnh của niềm tin.

Chữa lành những vết thương cũ

Khi bạn nhận thấy mình ở trong trạng thái căng thẳng quá mức, hoặc quá xúc động và gần như bị tê liệt bởi một điều không mong muốn đã xảy ra, việc tách riêng chuyện đã xảy ra khỏi những gì đang diễn ra trong bạn là rất quan trọng.

Tất cả chúng ta đều mang những vết sẹo về tinh thần từ những trải nghiệm trong quá khứ. Đôi khi những vết sẹo đó là những vết thương chưa lành hẳn, vậy nên khi bạn gặp khó khăn thử thách, những vết thương cũ có thể sẽ tái phát. Nỗi đau rất sâu mà bạn cảm thấy có thể cộng hưởng với những vết thương trong quá khứ và làm cho nó trở nên trầm trọng hơn.

Nếu cảm thấy mình đang phản ứng một cách quá thái quá trước một tình huống xấu, hoặc nếu cảm thấy mình bị lấn át và không thể đương đầu trước tình huống không mong muốn thì bạn nên hỏi bản thân câu hỏi này: Tại sao chuyện này lại làm mình tổn thương ghê gớm đến như vậy? Phải chăng mình phản ứng theo cách này là bởi vì nó chạm đến những gì đã từng xảy ra trong quá khứ?

Tôi đã được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc phân tích các cảm xúc của mình và tác động của nó đối với hành động của tôi vào cuối năm 2010. Nhìn lại thời điểm đó, giờ đây tôi thấy rằng chuyện không mong muốn mà tôi gặp phải thực sự không phải là một tai họa. Dường như tôi cho nó là tai họa bởi vì khi ấy tôi đang mệt mỏi về tinh thần và cảm xúc do làm việc quá nhiều và đi đây đi đó liên miên.

Lần đầu tiên kể từ khi tôi bắt đầu sự nghiệp, một công ty của tôi gặp khó khăn thực sự về tài chính. Thách thức mà tôi phải đương đầu nảy sinh từ công ty Attitude Is Altitude, công ty tổ chức các cuộc diễn thuyết khích lệ tinh thần mà tôi thực hiện và phân phối DVD của các cuộc diễn thuyết đó. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, nhu cầu về những sản phẩm của công ty tăng lên, vì vậy tôi tuyển thêm nhân viên và mở rộng hoạt động của công ty.

Tôi cứ nghĩ công ty đang hoạt động tốt, vậy nên tôi rất ngạc nhiên khi được báo rằng công ty đang gặp khó khăn về tiền lương cho nhân viên cũng như về việc thanh toán các hóa đơn. Công ty vẫn hoạt động tốt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng có những khách hàng lớn nợ tiền mua DVD và nợ tôi tiền thù lao của các buổi diễn thuyết, chậm thanh toán hoặc không trả đồng nào. Các khoản tiền chúng tôi trông đợi không đến, và đó là một phần lớn của vấn đề.

Một yếu tố quan trọng khác của vấn đề chính là cái gã cứng đầu mang tên Nick Vujicic. Từ lâu tôi đã muốn làm một video ca nhạc như một sản phẩm khích lệ tinh thần để đưa ra thị trường. Khi mọi việc của chúng tôi phát triển tốt và cuốn sách đầu tay của tôi lọt vào danh sách bán chạy trên khắp thế giới, tôi cảm thấy rất lạc quan về tương lai. Vậy nên tôi quyết định sản xuất video ca nhạc như một sản phẩm của công ty Attitude Is Altitude.

Đã thiếu tiền mặt mà lại còn phải chi cho việc làm video ca nhạc, công ty của chúng tôi mang nợ tới năm mươi nghìn USD. Chúng tôi đang chạy với vận tốc 150 km/giờ bỗng nhiên tôi phải đạp phanh. Không phải là tôi cường điệu đâu nhé. Chúng tôi có mười bảy dự án đang được triển khai và tôi phải hoãn hoặc hủy bỏ gần như tất cả những dự án đó.

Tôi nói với các nhân viên rằng chúng tôi phải cắt giảm hoạt động của công ty để tồn tại. Những vấn đề như vậy thường xảy ra với những công ty phát triển quá nóng, đặc biệt khi nền kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, trong lòng tôi không chấp nhận điều này. Cảm giác hối hận nổi lên. Tôi đã quá tập trung vào việc thực hiện mục đích khích lệ tinh thần và truyền giáo cho mọi người trên khắp thế giới đến nỗi tôi phải nếm mùi thất bại vì làm quá sức mình. Tôi có khả năng và có ý tưởng tốt không có nghĩa là việc chọn thời điểm của tôi hợp lý.

Khi biết công ty rơi vào cảnh nợ nần, tôi bị dày vò bởi cảm giác rằng tôi đã làm cho tất cả những người làm việc cho mình, những người tin tưởng mình thất vọng. Tuy nhiên, mức độ thất vọng của tôi mau chóng vượt trên cả mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Tôi cảm thấy mệt rã rời đến mức hầu như không thể làm việc được, và tình trạng đó không chỉ diễn ra một hoặc hai ngày.

Cảm giác thất vọng ghê gớm của tôi kéo dài tận hơn một tháng trời. Phải mất thêm hai tháng nữa tôi mới hoàn toàn thoát khỏi bóng tối ấy. Tôi đánh mất sự tự tin, và tôi rất buồn khi phải thú nhận điều đó. Tôi nuôi cảm giác thất vọng và choáng váng thường trực. Tôi rơi vào tình trạng yếu đuối và bất an mà khi còn nhỏ tôi đã từng trải nghiệm. Tôi không thể gạt bỏ những ý nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu mình. Tôi tự hỏi phải chăng tôi đã lạc quá xa khỏi những kế hoạch mà Chúa dành cho tôi?

Giờ đây tôi là ai mà còn dám đưa ra lời khuyên, mang đến sự khích lệ và dẫn dắt tinh thần cho mọi người trên khắp thế giới? Nếu tôi không phải là một diễn giả và một nhà truyền giáo, thì tôi có thể là gì? Tôi còn có giá trị gì chứ? Cảm giác bất an tồi tệ nhất của thời thơ ấu sống dậy trong tôi. Những vấn đề về tài chính, những vấn đề thực ra chỉ là sự thiếu tiền mặt trong một giai đoạn ngắn thôi, đã đánh thức những nỗi sợ hãi của tôi trong quá khứ, nỗi sợ trở thành gánh nặng cho cha mẹ và các em của mình.

Như bạn có thể hình dung, khi tôi chuyển đến sống ở Mỹ một mình ở tuổi hai mươi bốn, cha mẹ tôi đã thực sự lo lắng. Khi ấy tôi quyết tâm chứng minh khả năng sống độc lập của mình và quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành một nhà truyền giáo, một diễn giả quốc tế. Cho đến lúc gặp khủng hoảng về tài chính, tôi đã đi được một chặng dài trên con đường thực hiện ước mơ và đã chứng minh khả năng sống độc lập của mình.

Thực ra cha mẹ tôi đã quyết định chuyển sang Mỹ để cha tôi, một kế toán có kinh nghiệm trong việc quản lý sổ sách, có thể giúp đỡ tôi trong công việc. Việc khó khăn nhất mà tôi phải làm sau khi biết về những khó khăn tài chính của công ty Attitude Is Altitude là gọi điện cho cha tôi và nói với ông rằng công ty mà ông sắp gia nhập đang rơi vào cảnh nợ nần.

Cha tôi đã quyết định chuyển sang Mỹ sống mà không hề biết rằng tình cảnh ông sắp phải đối mặt là như thế nào. Tôi rất bối rối. Tôi cảm thấy mình đã làm cha thất vọng. Tôi luôn mơ mộng và bốc đồng hơn cha mình, vốn có đầu óc thực tế và có khả năng phân tích tốt. Trước khi tôi chuyển sang Mỹ, cha mẹ tôi đã cảnh báo rằng tôi cần quản lý tiền bạc một cách cẩn thận. Tôi gặp khó khăn về tài chính đúng lúc cha mẹ tôi chuẩn bị sang Mỹ để tham gia công việc với tôi. Tôi cũng sợ mọi người nghĩ rằng cha mẹ tôi đến để cứu tôi, đứa con trai không chân không tay của họ - tiền thì không có!

Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn bởi tôi đã nhận một trong những người em họ của tôi vào làm ở công ty Attitude Is Altitude để cậu ấy học cách khởi nghiệp. Tôi sợ rằng cậu ấy sẽ nghĩ rằng cậu học việc ở công ty của một kẻ thất bại.

Những ý nghĩ tiêu cực đó thật khó chịu đựng. Nỗi sợ thất bại và trở thành gánh nặng mà trước kia tôi cảm thấy giờ đây lại tấn công tôi dồn dập như một bầy ong giận dữ. Tôi đã làm việc cật lực, và với việc xuất bản cuốn sách đầu tay, cuối cùng tôi đã bắt đầu nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Thế mà ánh sáng đó đang tắt lịm.
 
kỳ 4: Những ngày u ám

Tôi mắc chứng trầm cảm. Tôi chỉ muốn nằm lì trên gi.ường. Mặc dù tôi cảm thấy mình chẳng xứng đáng để động viên, khích lệ bất cứ ai, tôi vẫn phải thực hiện một số buổi diễn thuyết đã được ấn định. Tôi sẽ không bao giờ quên những buổi diễn thuyết đó bởi vì chỉ nhờ có lòng từ tâm và sự bao dung của Chúa tôi mới có thể thực hiện được.

Có lần tôi đã khóc suốt hai tiếng đồng hồ trong tuyệt vọng ngay trước khi thực hiện một bài diễn thuyết. Một người bạn của tôi đã ở bên cạnh trong lúc tôi khóc và sau đó dự buổi diễn thuyết. Anh ấy nói đó là buổi diễn thuyết ấn tượng nhất mà tôi thực hiện! Tôi không tin lời anh nói cho tới khi tôi xem băng ghi hình buổi diễn thuyết. Tối hôm đó tôi đã không diễn thuyết bằng khả năng của mình; chính Chúa đã thực hiện việc đó.

Tôi cố gắng hoàn thành các bài diễn thuyết, nhưng ngày hôm sau nỗi thất vọng lại xâm lấn tôi. Tôi không thể ăn. Tôi không thể ngủ. Cảm giác lo âu gặm nhấm tôi ngày cũng như đêm. Tôi phát điên, các bạn ạ. Những điều kỳ cục đã xảy ra với tôi. Khi tôi còn nhỏ, tôi có thói quen cắn môi mỗi khi căng thẳng. Thói quen đó đã quay trở lại! Thế này là thế nào? Tôi trằn trọc suốt đêm và sáng ra tôi trở dậy với đôi môi sưng vù, sứt lở, với những vết sưng ở ngực và bụng.

Điều kỳ cục nhất là bốn, năm ngày trôi qua tôi cũng không buồn nghĩ đến việc cầu nguyện. Việc cầu nguyện đã trở thành thói quen của tôi từ lâu. Vậy nên việc mất khả năng cầu nguyện khiến tôi hoảng sợ. Nhiều ngày trôi qua mà không một lời cầu nguyện nào được thốt ra qua đôi môi của tôi, và tôi lo lắng cho sự bất ổn của tâm hồn cũng như tình trạng thiếu tỉnh táo của mình.
Sự tê liệt tinh thần đã khiến tôi không thể quyết định được dù chỉ là những việc nhỏ. Thường thì mỗi ngày tôi có thể đưa ra hàng chục quyết định quan trọng liên quan đến các chương trình, các dự án và những việc khác. Trong thời gian khủng hoảng đó tôi thậm chí không thể quyết định liệu mình có nên ra khỏi gi.ường, có nên cố gắng ăn uống hay không.

Tình trạng lờ đờ của tôi thật đáng xấu hổ, ấy là tôi đã nói giảm đi rồi đấy. Cứ như thể tôi đã trở thành một người khác. Một hôm, một nhóm nhân viên và những người làm hợp đồng cho công ty Attitude Is Altitude tập trung tại nhà tôi, và tôi nhận thấy mình đang cố giải thích sự thay đổi của bản thân.

“Nick mà các bạn từng biết, kẻ mơ mộng và người thành đạt vượt ngoài mong đợi, đã biến mất”, tôi nói với họ trong nước mắt. “Hắn tiêu đời rồi. Tôi xin lỗi đã làm các bạn thất vọng”. Ban đầu những người thân thiết nhất của tôi – cha mẹ tôi, em trai, em gái tôi, các bạn của tôi, những cố vấn của tôi – đã cố gắng hết sức để an ủi tôi, rồi sau đó, khi tôi tiếp tục chìm trong tuyệt vọng, họ tập trung quanh tôi, cố làm cho tôi tỉnh táo trở lại.

Họ ôm tôi, ôm chặt, và an ủi, động viên tôi. Các mục sư trong đội ngũ nhân viên của tôi rất tốt bụng, vẫn cho tôi có được không gian riêng nhưng đồng thời chia sẻ với tôi những chuyện hài hước, những nụ cười, những cái ôm chân tình để khích lệ tôi. Họ nhắc lại những câu nói của chính tôi cho tôi nghe. “Nick, anh luôn nói nếu lạc quan nhìn về phía trước thì có thể đứng dậy sau thất bại. Hãy xem những DVD và video của anh và nhắc bản thân anh nhớ những điều mà anh đã biết rõ rồi!”.“Anh có thể học được một bài học từ chính thất bại này. Anh sẽ vượt qua được thách thức này, và anh sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trước.”

Thật kỳ cục khi phải nghe người khác trích dẫn những câu nói của chính mình để khích lệ tinh thần cho mình. Và họ đã đúng. Tôi chỉ cần nhắc mình nhớ những điều mà tôi luôn nói với người khác. Tôi là một tấm gương cho những người đã đánh mất niềm tin trong hành động. Sự hối hận và xấu hổ của tôi về những khó khăn tài chính của công ty đã khiến tôi nghi ngờ giá trị, mục đích và con đường của mình. Tôi không nghi ngờ sự toàn thiện của Chúa. Tôi chỉ không thể sử dụng hệ thống niềm tin của mình do quá thất vọng.

Một người khác đã cố giúp tôi trong giai đoạn đó là một người bạn ở Dallas, Tiến sĩ Raymund King, người vừa là luật sư vừa là bác sĩ. Ông ấy đã thu xếp để tôi diễn thuyết tại một cuộc hội thảo về y học, và tôi không muốn làm ông thất vọng. Nhưng khi tôi đến, ông nhận ra tôi đang ở trong tình trạng mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất.

“Cậu cần phải chăm sóc bản thân mình trước đã”, ông nói. “Không có sức khỏe, cậu sẽ mất tất cả những gì cậu đã nỗ lực phấn đấu để đạt được.” Rất ân cần, ông dẫn tôi ra một chỗ và khuyên tôi nên xác định rõ những gì mình cần ưu tiên, sau đó ông cầu nguyện cùng tôi, ôm tôi. Tôi đã phải cố gắng lắm mới đến đó được, nhưng những lời ân cần của Tiến sĩ King đã tác động sâu sắc đến tôi. Đó có thể là những lời nói có tác dụng động viên tinh thần hiệu quả nhất mà tôi từng nhận được. Những lời nói ấy luôn ở bên tôi bởi vì rõ ràng ông quan tâm, lo lắng cho tôi.

Cuộc nói chuyện ngắn ngủi đó làm tôi nhớ đến những lời mà cha tôi đã nói với tôi khi tôi mới sáu tuổi. Hồi đó tôi có xu hướng hiếu động và thường quăng cái th.ân thể bất bình thường của mình tới hết chỗ này đến chỗ khác. Một đứa bạn đưa cho tôi một quả chuối và thế là tôi ngồi trên xe lăn cùng nó đi lung tung làm trò cười. Tôi rướn người về phía trước nhai chuối như một con khỉ, và trong khi làm trò tôi bị ngã lộn khỏi xe, đầu đập mạnh xuống đất đến nỗi tôi ngất đi trong chốc lát.

Sự lo lắng của cha tôi thật cảm động, và tôi không bao giờ quên những lời ông nói với tôi khi đó: “Con trai ơi, lúc nào con cũng có thể có được một quả chuối khác, nhưng cha mẹ thì không thể có được một Nicky khác đâu, vậy nên con cần phải cẩn thận hơn”.

Giống như cha tôi, Tiến sĩ King thúc giục tôi xem xét lại các hành động tôi thực hiện và tác động của chúng lên cuộc sống của tôi. Tôi đang lái mình đi bởi vì tôi nghĩ sự thành công trong mọi nỗ lực của tôi phụ thuộc vào bản thân tôi; trong khi đáng lẽ ra tôi phải tin tưởng ở Chúa và dựa vào sức mạnh, ý muốn và sự sắp xếp thời gian của Người nhiều hơn. Sự thiếu khiêm nhường và thiếu đức tin đã dẫn tôi đến thất bại này và khiến tôi đánh mất niềm vui của cuộc sống trong một thời gian.

Tôi bắt đầu coi những buổi diễn thuyết đã được sắp xếp như một nhiệm vụ hơn là mục đích của mình. Bởi vì tôi sợ mình sẽ không thể mang đến những gì mà các sinh viên gặp thách thức đang cần, thậm chí tôi từ chối lời mời diễn thuyết tại một trường trung học từng có học sinh tự vẫn. Tôi khóc sau khi từ chối cơ hội đó bởi vì diễn thuyết là niềm đam mê của tôi và việc giúp đỡ người khác là nguồn vui của tôi.
Bài học được tiết lộ

Tôi ước gì mình có thể kể với các bạn rằng một buổi sáng tôi thức dậy, cảm thấy đầu óc mình sáng suốt, tinh thần phơi phới, và tôi nhảy ra khỏi gi.ường, thông báo: “Tôi đã trở lại!”. Rất tiếc mọi chuyện với tôi đã không xảy ra theo cách đó, và nếu bạn trải qua một giai đoạn khủng hoảng như tôi, có lẽ bạn cũng sẽ không hồi phục một cách bất ngờ và nhanh chóng như vậy được. Bạn nên biết rằng những ngày tốt đẹp hơn đang đợi bạn ở phía trước và rồi khó khăn cũng sẽ qua.

Quá trình phục hồi của tôi diễn ra từ từ, theo từng ngày, từng ngày, trong vài tháng. Tôi hy vọng sự phục hồi của bạn diễn ra nhanh hơn, nhưng sự phục hồi dần dần cũng có những cái lợi nhất định. Khi màn sương của sự tuyệt vọng dần dần mỏng đi, tôi cảm thấy biết ơn trước mỗi tia sáng xuyên qua màn sương đó. Hơn thế, khi đầu óc tôi bắt đầu thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực, tôi thực sự cảm kích vì đã có được một khoảng thời gian để suy ngẫm về cú lao xuống vực của mình.

Khỏi phải nói, ai cũng biết rằng đặt niềm tin vào hành động không phải là một việc thụ động. Bạn phải thực hiện những bước cần thiết một cách tích cực và đầy quyết tâm để xác định con đường mà cuộc sống yêu cầu ở bạn và tiến lên trên con đường đó. Khi bạn vấp ngã trên con đường của mình, như tôi đã ngã, bạn phải tự hỏi điều gì đã xảy ra, tại sao nó lại xảy ra, và bạn cần phải làm gì để lại tiếp tục hành trình của niềm tin và mục đích.

Những lúc tăm tối nhất, những thời điểm thử thách niềm tin của bạn, có thể là những thời điểm tốt nhất để làm mới niềm tin và biến niềm tin thành hành động.Một huấn luyện viên bóng đá giỏi đã từng nói với tôi rằng ông coi trọng thất bại giống như coi trọng chiến thắng, bởi vì thất bại cho chúng ta thấy những điểm yếu và những khuyết điểm đã tồn tại bấy lâu nay, những khuyết điểm cần được xác định nếu đội bóng muốn đạt được thành công bền vững.

Những thất bại cũng thúc đẩy các cầu thủ của ông nỗ lực rèn luyện những kỹ năng mà họ cần phải rèn luyện để chiến thắng. Khi cuộc sống của bạn diễn ra tốt đẹp, xu hướng tự nhiên của bạn là không dừng lại, không xem xét, đánh giá nó. Hầu hết chúng ta chỉ dành thời gian xem xét lại cuộc sống, sự nghiệp, các mối quan hệ của mình khi chúng ta không có được kết quả như mong muốn. Trong mỗi thất bại đều có những bài học giá trị mà chúng ta cần phải học, thậm chí trong mỗi thất bại đều có những cánh cửa may mắn mở ra.

Trong những ngày đầu rơi vào tuyệt vọng do tình trạng nợ nần của công ty, tôi thực sự không có tâm trạng để tìm kiếm những bài học. Nhưng theo thời gian, những bài học đã mở ra với tôi, và những may mắn cũng đến cùng. Tôi không thích hồi tưởng lại giai đoạn đó, nhưng tôi buộc mình phải ngẫm nghĩ về nó bởi vì cứ mỗi lần quay trở lại “thăm” nó là tôi lại thấy những tầng ý nghĩa mới mở ra và thấy thêm những bài học được tiết lộ.

Tôi khuyến khích bạn tìm kiếm những bài học trong mỗi thách thức của chính mình. Bạn có thể có xu hướng bỏ qua những chuyện không may xảy ra với mình, cố quên chúng đi. Không ai thích cái cảm giác bị tổn thương cả. Rõ ràng chẳng vui vẻ gì khi nhớ lại mình đã chìm đắm trong đau khổ như thế nào, đã nuôi cảm giác nuối tiếc và đã phản ứng thái quá trước một thất bại tạm thời ra sao.

Tuy nhiên, một trong những cách tốt nhất để dẹp bỏ những đau khổ của trải nghiệm trong quá khứ là thay thế nó bằng lòng biết ơn. Kinh Thánh đã nói với chúng ta rằng “mọi sự xảy ra cuối cùng đều vì điều tốt đẹp dành cho những người yêu thương Chúa, những người phụng sự mục đích của Chúa”.

Chú của tôi, Batta Vujicic, người đã phải đương đầu với những thách thức lớn trong việc kinh doanh địa ốc, đã nhiều lần giúp đỡ tôi bằng cách nhắc lại câu châm ngôn về niềm tin của ông: “Tất cả đều tích cực”. Các em họ của tôi “biến tấu” câu nói đó thành: “Mọi sự đều hoàn hảo!”.

Sự nhận thức không sát với thực tế

Trong thất bại mà tôi đã trải nghiệm, có thể bạn sẽ nhận ra một điều gì đó cần lưu ý cho những thử thách của chính bạn. Khi sự căng thẳng làm cho những vết thương cũ tái phát, khiến những nỗi bất an cũ trỗi dậy, tôi nhìn nhận những gì xảy ra tồi tệ hơn nhiều so với thực tế. Những dấu hiệu cho thấy phản ứng của bạn quá mức cần thiết là việc sử dụng những kiểu miêu tả có tính chất cường điệu và thổi phồng, chẳng hạn như:

Chuyện này giết mình chết mất.

Mình sẽ không bao giờ gượng dậy nổi sau thất bại này!

Đây thực sự là điều tồi tệ nhất xảy ra với mình.

Tại sao Chúa lại ghét bỏ tôi chứ?

Và luôn có cách nghĩ phổ biến này: Cuộc đời mình đã bị hủy hoại – mãi mãi!

Tôi sẽ không thú nhận rằng mình đã nói những điều ngớ ngẩn đó trong quãng thời gian sầu khổ gần đây, nhưng một số người sống bên tôi có lẽ đã nghĩ họ nghe thấy những lời than vãn tương tự như vậy (hoặc tệ hơn!).

Một lần nữa tôi cảm thấy thật vinh dự được cung cấp cho bạn một ví dụ thuyết phục về một tấm gương tồi qua việc kể về phản ứng của tôi trong giai đoạn khó khăn ấy. Kiểu sử dụng ngôn ngữ cường điệu đó lẽ ra phải được coi như một sự cảnh báo rằng sự thất vọng, chán nản của tôi là thái quá.

Và đây là nhận thức của tôi về những gì xảy ra: Mình là một kẻ thất bại! Mình sắp phá sản! Những điều mình sợ hãi nhất đã xảy ra! Mình không thể tự lo cho mình được nữa! Mình là gánh nặng cho cha mẹ! Mình không đáng được yêu thương!

Đây là thực tế đã xảy ra: Công ty của tôi đang trải qua một khó khăn ngắn hạn về tài chính trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Chúng tôi nợ năm mươi nghìn đô la, và điều đó không tốt đẹp gì. Nhưng, căn cứ vào triển vọng về nhu cầu tăng lên đối với các sản phẩm và dịch vụ của công ty trên khắp thế giới, chắc chắn đó không phải là một sự thiếu hụt không thể khắc phục được. Tôi từng học ngành kế toán và hoạch định tài chính ở trường đại học, và kinh tế là một phần của chương trình đào tạo ở đó. Tôi biết về các vấn đề cung, cầu, về lưu chuyển tiền tệ, nhưng những kiến thức đó đã bị che phủ bởi những cảm xúc tiêu cực mà tôi cảm thấy khi đó.

Có thể bạn cũng đã trải nghiệm cảm giác bị nhấn chìm, mặc dù tình hình thực tế không tồi tệ như bạn tưởng. Tầm nhìn của chúng ta có thể bị những cảm giác tiêu cực làm cho yếu kém, hạn hẹp, và trong nỗi thất vọng tràn trề, thật khó để nhìn nhận các sự việc theo đúng thực tế.

Duy trì khả năng đánh giá sự việc một cách khách quan

Một trong những bài học mà tôi đã học được là chúng ta phải nhìn nhận sự việc theo đúng thực tế, ngay cả khi bạn đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Sợ hãi đẻ ra sợ hãi và lo lắng làm nảy sinh lo lắng. Bạn không thể gạt bỏ cảm giác đau khổ, ăn năn, ân hận, tức giận và sợ hãi tràn ngập trong lòng vào những thời điểm khó khăn, nhưng bạn có thể nhận ra đó chỉ là những phản ứng cảm xúc thuần túy, và bạn có thể kiểm soát để chúng không điều khiển hành động của bạn.

Việc duy trì cái nhìn khách quan đòi hỏi sự chín chắn, và sự chín chắn có được là nhờ kinh nghiệm. Tôi chưa bao giờ trải qua hoàn cảnh này, và vì tôi mệt mỏi về mặt thể chất do đi đây đi đó liên miên nên tôi gặp khó khăn trong việc kiểm soát trạng thái khủng hoảng của mình một cách chín chắn.

Cha tôi, các thành viên khác của gia đình, những người bạn lớn tuổi hiểu biết và sáng suốt của tôi đã cố gắng giúp đỡ tôi bằng cách kể cho tôi nghe họ đã trải qua những hoàn cảnh tương tự, thậm chí những hoàn cảnh tồi tệ hơn như thế nào và đã vượt qua hoàn cảnh đó ra sao. Như tôi đã kể, Batta, chú của tôi kinh doanh địa ốc ở California. Bạn có thể hình dung ra những thăng trầm mà chú ấy đã từng trải qua. Mức thâm hụt năm mươi nghìn USD chỉ là một khoản nhỏ trong doanh nghiệp của chú ấy, và chú cố gắng nói với tôi rằng đó không phải là một khoản nợ khiến chúng tôi lụn bại.

Tuy nhiên, dù tôi học được nhiều điều bổ ích từ những lời khuyên và từ những sai lầm của người khác, trong một thời gian rất dài tôi dường như cần phải nếm trải những sai lầm của chính mình thì mới học được những bài học xương máu và trở nên khôn ngoan hơn. Giờ đây tôi quyết tâm trở thành một học trò siêng học.

Nếu bạn và tôi có thể học được dù chỉ một bài học từ mỗi người mà chúng ta biết, thì chúng ta sẽ trở nên khôn ngoan đến mức nào nhỉ? Chúng ta sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền bạc, nỗ lực và thời gian? Khi những người thân và bạn bè của chúng ta đưa ra lời khuyên, tại sao chúng ta lại không thể nghe theo lời khuyên của họ, không tiếp thu những bài học và thực hiện những điều chỉnh cần thiết?

Bạn chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng khi nghĩ rằng bạn phải khắc phục, hàn gắn mọi thứ ngay lập tức! Thực ra, một số cuộc khủng hoảng đòi hỏi bạn hành động ngay tức thì, nhưng hành động có thể bao gồm cách giải quyết vấn đề từng bước, từng bước một. Một thành viên trong ban cố vấn của tôi đã có lần chỉ rõ điều này khi ông nói: “Nick, cậu có biết cách tốt nhất để ăn cả một con voi không? Hãy ăn từng miếng, từng miếng một”.

******************
 
kỳ 5: Hãy khiêm tốn

Trong nhiều năm, cha tôi - người theo nghề kế toán - đã luôn nói rằng tôi phải cẩn thận trong việc quản lý tài chính, phải dành dụm nhiều hơn chi tiêu, trước khi bắt đầu một dự án mới thì phải có dự thảo ngân sách ở trong đầu.
Tôi không nghe theo lời khuyên của cha. Chúng tôi có tính cách khác nhau.Tôi là một kẻ liều lĩnh còn cha tôi thận trọng hơn tôi nhiều. Đây đâu phải là thời điểm để dành dụm; đây là thời điểm để đầu tư và gieo trồng. Tuy nhiên thất bại đã cho tôi thấy khiêm tốn là một phẩm chất thú vị bởi vì nếu bạn không có nó, thì sớm muộn gì bạn cũng phải có thôi. Hãy tưởng tượng tôi đã khiêm tốn như thế nào để chấp nhận năm mươi nghìn USD như một khoản vay cá nhân để cứu công ty của mình!

Đau đớn đấy, nhưng đó là nỗi đau mà tôi đã tự chuốc lấy. Ngạn ngữ có câu: “Kiêu ngạo đi trước bại hoại theo sau, và tính tự cao dẫn đường cho thất bại”. Nhìn lại thất bại của mình, tôi hiểu ra rằng trong một số lĩnh vực của đời sống tôi đã thiếu sự khiêm tốn. Tại sao sự khiêm tốn lại quan trọng đối với chúng ta khi chúng ta trải qua khủng hoảng? Trước hết, có thể bạn cảm thấy ngượng nếu như do một sai lầm hoặc một thất bại mà bạn lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Nói theo cách khác, bạn cảm thấy mình thật kém cỏi. Phát điên, khóc lóc, hoặc đầu hàng sẽ không thay đổi được điều đó, và phản ứng bằng những cảm xúc tiêu cực có thể chỉ càng khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn và khiến mọi người rời xa bạn mà thôi.

Lời khuyên của tôi là bạn nên nắm lấy sự khiêm tốn mới được tìm thấy của mình. Một số vận động viên bóng chày phản ứng một cách giận dữ trước thất bại. Họ đập gậy bóng chày vào đầu gối, ném mũ vào người mang nước cho các cầu thủ, đá vào tường. Những cầu thủ khác khiêm tốn chấp nhận rằng thất bại là một phần của cuộc chơi, và họ nhắc nhở mình lần tới không lặp lại những sai lầm đã mắc phải. Vậy đấy, khiêm tốn không phải là điều xấu bởi nó giúp bạn học được những điều bổ ích từ trải nghiệm của mình. Thực ra có những người tin rằng con đường đúng đắn nhất dẫn tới sự khai sáng là con đường của sự khiêm tốn.

Khi tôi còn nhỏ, tôi ghét phải nhờ người khác giúp đỡ. Tôi cảm thấy mình thật kém cỏi khi phải nhờ người khác giúp mình ăn, giúp mình ngồi xuống ghế hoặc đưa mình vào nhà vệ sinh. Tôi không thích mình kém cỏi như vậy. Có những lợi ích và những phần thưởng nhất định trong việc trở nên độc lập, đó là tìm ra cách thức để tự làm lấy những việc của riêng mình. Không phải tôi nói sự nhờ vả là xấu, nhưng sự tự lực đầy ngoan cố của tôi đôi khi khiến tôi thành kẻ lôi kéo, thậm chí ép buộc người khác phải giúp đỡ mình.

Thay vì đơn giản là nhờ giúp đỡ tôi đã không thể chấp nhận, để rồi cuối cùng cũng phải nhận lấy ân huệ từ người khác, chẳng hạn như em trai tội nghiệp của tôi, Aaron, người mà tôi thường coi như người chăm sóc của mình hơn là em trai. Xin lỗi nhé, Aaron! Tôi không nhận ra rằng thỉnh thoảng mình rất ích kỷ, nôn nóng và kiêu ngạo. Đã nhiều lần tôi cảm thấy mình đáng được đối xử một cách đặc biệt. Nhưng tôi đã xin Aaron tha thứ cho tôi, và mặc dù anh em tôi không gặp nhau thường xuyên bởi chúng tôi sống cách xa nhau, cậu ấy vẫn là người bạn tốt nhất của tôi, là người tôi rất khâm phục và tôn trọng. Tôi rất ngạc nhiên khi em tôi đủ lớn để tống tôi vào tủ và khóa tủ lại nhưng cậu ấy đã không làm điều đó. Đôi khi tôi đáng bị như vậy.

Tôi đã có thể coi giai đoạn khủng hoảng này là một sự nhắc nhở nữa về sự khiêm tốn góp phần giúp tôi phục hồi. Tôi đã cư xử như thể tôi phải mang toàn bộ gánh nặng trên đôi vai của mình. Đó là một cách phản ứng kiêu ngạo và quá quắt, và nó cho thấy rằng niềm tin của tôi dành cho Chúa và cho những người sống xung quanh tôi không tỏa sáng.

Moses, nhà lãnh đạo và là nhà tiên tri vĩ đại, là một người khiêm tốn nhất trên đời. Ngài biết rằng bạn không thể trở thành nhà lãnh đạo nếu như không một ai tình nguyện theo và làm việc cùng bạn. Một người kiêu căng không nhờ ai giúp bất cứ việc gì và do đó sẽ trở thành một người thiếu năng lực. Một người kiêu căng tuyên bố rằng mình biết tuốt và vì vậy anh ta thiếu những khả năng cần thiết. Một người khiêm tốn thu hút được những người có thể giúp đỡ, những người thầy đến với mình. Tôi đã từng nghe một người cha nói với con trai là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học rằng cậu nên bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của mình với thái độ đúng mực: “Đừng cố khoe khoang với người ta những gì con biết. Thay vì thế, hãy cho họ thấy con muốn học hỏi nhiều như thế nào”.

Nếu bạn cảm thấy mình bị đè bẹp trong một cuộc khủng hoảng, bạn nên khiêm tốn và nhờ người khác giúp đỡ, và đó là một điều tốt. Không ai trong chúng ta có thể thực hiện được những ước mơ của mình mà không cần có sự giúp đỡ của người khác. Chẳng lẽ việc bạn cảm thấy giỏi hơn và tự lo liệu được quan trọng hơn việc thực hiện được những ước mơ của bạn cùng với sự giúp đỡ của những người xung quanh hay sao?

Sự khiêm tốn cũng nuôi dưỡng lòng biết ơn và sự cảm kích, những tình cảm được coi là sự thúc đẩy đối với quá trình hàn gắn vết thương và đạt được hạnh phúc. Không một con người nào giá trị hơn người khác. Trong một hoàn cảnh nào đó tôi đã quên mất chân lý ấy. Sự kiêu ngạo dẫn đến thất bại của tôi đã khiến cho năng lực trí tuệ và tầm nhìn của tôi bị che khuất. Tôi đã phải nhắc nhở mình rằng Chúa không yêu tôi bởi vì công việc kinh doanh của tôi mang lại lợi nhuận hoặc bởi mỗi năm tôi thực hiện hai trăm bảy mươi cuộc diễn thuyết trên khắp thế giới. Chúa yêu tôi bởi vì chính bản thân tôi, và Người yêu bạn vì chính bản thân bạn.

Không phải mọi ngày tôi đều có thể đặt niềm tin của mình vào hành động. Tôi đã quyết tâm biến niềm tin thành hành động – không phải chỉ cầu nguyện mà còn tiến về phía trước với sự suy nghĩ và cân nhắc, sự kiên nhẫn, khiêm tốn, lòng dũng cảm và niềm tin hàng ngày, biết rằng khi nào tôi yếu đuối thì Chúa mạnh mẽ, và những gì tôi còn thiếu thì Chúa sẽ bù đắp cho tôi.

Hãy để niềm tin tỏa sáng

Niềm tin, dù là niềm tin vào bản thân và vào mục đích của bạn hay niềm tin ở Chúa, là một đèn hiệu hữu ích, nhưng bạn phải để ngọn đèn hiệu ấy tỏa sáng. Bạn không thể để nó lờ mờ bởi sự xao lãng. Đôi khi có thể bạn cảm thấy dường như bạn có niềm tin, nhưng không chút ánh sáng nào tỏa ra từ niềm tin đó. Trong thời kỳ khủng hoảng ấy, niềm tin của tôi đã trở nên giống như một chiếc xe hơi có hộp số đang để ở số không. Nó tồn tại đấy, nhưng nó không hoạt động. Có niềm tin vào bản thân và khả năng của bạn là rất quan trọng, nhưng bạn cũng cần phải có lòng kiên nhẫn, sự khiêm tốn và phải hiểu rằng bạn không thể làm được bất cứ điều gì nếu không có sự giúp đỡ của người khác, và rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

Không gì khiến bạn thất vọng nhanh chóng hơn là sống mà không có mục đích hoặc không xác định được niềm đam mê cháy bỏng nhất của mình là gì, bởi mục đích và niềm đam mê ấy chính là nguồn vui và làm cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa. Tôi đã lạc ra khỏi mục đích khích lệ và động viên người khác trong khi tôi chia sẻ thông điệp và niềm tin của mình. Tôi cũng đã cố gắng làm nhiều việc khác để xây dựng doanh nghiệp và tổ chức từ thiện, nhưng khi tôi lạc khỏi mục đích thực sự của mình, cứ như thể có ai đó ấn nút tắt nguồn sức mạnh của tôi vậy.

Nếu bạn cảm thấy mình đang chìm trong tuyệt vọng, cạn kiệt năng lượng và thiếu niềm tin, bạn hãy tự hỏi bản thân điều gì quan trọng nhất đối với mình? Điều gì mang đến cho mình niềm vui? Điều gì thúc đẩy mình vươn lên, khiến cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa? Làm thế nào mình có thể quay trở lại với điều quan trọng ấy?

Bạn và tôi được sinh ra trên đời này để sống vì mục đích lớn lao hơn là những mối quan tâm hạn hẹp của bản thân. Khi chúng ta sử dụng tài năng của mình cho mục đích lớn lao hơn lợi ích của bản thân, chúng ta hành động vì niềm tin để thực hiện kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho chúng ta.

Nằm liệt gi.ường vẫn sống có mục đích

Tôi đã nói với các bạn rằng cuộc khủng hoảng nói trên cho phép tôi trở thành ví dụ thuyết phục về một tấm gương tồi. Giờ đây tôi muốn chia sẻ với bạn câu chuyện của một người khác, là ví dụ thuyết phục về một tấm gương tốt chứng minh niềm tin trở thành hành động – một trong những người tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp. Thực ra, tôi đã đề tặng anh cuốn sách đầu tay của mình, nhưng tôi để dành câu chuyện về anh cho cuốn sách này.

Tôi biết Phil Toth ở La Jolla, California qua mẹ của tôi khi chúng tôi vẫn còn đang sống ở Australia. Qua nhà thờ địa phương, mẹ tôi đã nghe nói về Phil và trang web dành cho người Cơ Đốc của anh. Mẹ cho tôi xem trang web đó và tôi được biết câu chuyện về niềm tin trong hành động của anh, một câu chuyện gây xúc động sâu sắc. Khi Phil chỉ mới hai mươi tuổi, một hôm anh thức dậy và nhận thấy mình không thể nói được bình thường như trước.

Thoạt đầu gia đình nghĩ anh đùa, bởi vì anh vốn thích trêu đùa và gây cười cho mọi người, nhưng rồi sau đó Phil tiếp tục chịu đựng chứng chóng mặt và chứng mệt mỏi khiến gia đình không khỏi lo lắng. Trong gần hai năm trời các bác sĩ không thể xác định được Phil bị làm sao, nhưng cuối cùng họ chẩn đoán anh bị bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) hay còn gọi là bệnh Lou Gehrig.

Thời gian sống của người mắc căn bệnh phá hủy các tế bào thần kinh vận động ở não, cột sống và làm suy yếu hệ thống cơ này được dự đoán là từ hai đến năm năm kể từ khi bệnh được phát hiện. Ban đầu các bác sĩ nói với Phil rằng bệnh của anh tiến triển nhanh đến mức anh có thể chỉ sống được chừng ba tháng nữa. Ấy vậy mà Phil đã sống được năm năm, và tôi nghĩ sở dĩ anh sống được lâu như vậy là bởi anh không chăm chăm nghĩ đến những đau đớn mà mình phải chịu đựng.

Thay vì thế, anh tập trung vào việc khuyến khích người khác cầu nguyện và tin ở Chúa. Hàng ngày Phil đấu tranh với bệnh tật hiểm nghèo bằng cách ngợi ca cuộc sống và tìm đến với mọi người để giúp đỡ họ, mặc dầu anh không thể nhấc được tay chân khỏi gi.ường. Bệnh ALS vừa nguy hiểm vừa gây đau đớn khủng khiếp. Trong mấy năm Phil nằm liệt gi.ường, anh không thể làm gì nhiều cho bản thân anh. Thậm chí giọng nói của anh cũng bị ảnh hưởng khiến mọi người khó có thể hiểu được lời anh nói. Gia đình đầy tình yêu của anh và bạn bè đã chăm sóc anh tận tình.

Mặc dù bị bệnh tật hành hạ, Phil vẫn hiến dâng cuộc sống của anh cho niềm tin tôn giáo, và thậm chí anh đã tìm ra cách biến niềm tin thành hành động để có thể tìm đến với những người ốm yếu, những người mang bệnh hiểm nghèo để an ủi, động viên họ. Nhờ tình yêu thương của Chúa, với tất cả những thách thức to lớn về sức khỏe, Phil đã tạo ra trang web mà mẹ tôi đã phát hiện ra. Đây là một phần thông điệp về bệnh tình của Phil và sự tác động của nó đối với niềm tin của anh mà anh đăng trên trang web đó:

Tôi tạ ơn Chúa đã dẫn dắt tôi qua thách thức này! Bệnh tật hiểm nghèo đã đưa tôi đến gần Chúa hơn (nếu thách thức này đưa tôi đến gần Chúa hơn thì tôi phải chịu đựng những đau đớn này cũng đáng), nó cũng khiến tôi nhìn lại cuộc sống của mình và xác định xem mình có niềm tin hay không, và nó cũng cho phép tôi cảm nhận được tình yêu của các anh chị em gần xa trong ánh sáng của Chúa. Thách thức này đã dạy tôi tin tưởng tuyệt đối vào Lời Của Chúa, hiểu biết của tôi về Lời Của Chúa đã tăng lên, và niềm tin của tôi cũng trở nên sâu sắc và bền vững hơn. Gia đình và bạn bè của tôi giờ đây gần gũi tôi hơn trước rất nhiều. Thêm vào đó, tôi đã biết nhiều hơn về sức khỏe, dinh dưỡng, về việc chăm sóc th.ân thể. Những cái lợi trong hoàn cảnh này là vô kể.

Với sự thúc giục của mẹ, tôi tìm đến nhà Phil vào năm 2002 để gặp anh trong chuyến đi tới nước Mỹ của tôi. Tôi có một người em họ phải chịu đựng một căn bệnh nan y chưa có thuốc chữa, và tôi đã được chuẩn bị để đối mặt với điều tồi tệ nhất. Nhưng khi tôi vào phòng của Phil, anh đã dành cho tôi nụ cười đón chào rạng rỡ, một nụ cười đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày hôm đó. Dù phải chịu đựng đau đớn, Phil đã không thu mình lại, không ôm khư khư cảm giác tủi thân. Sức mạnh và lòng dũng cảm của anh đã khiến tôi rất xúc động và đã khích lệ tôi rất nhiều.

Phil và gia đình của anh chưa bao giờ từ bỏ niềm hy vọng về một phép màu, ngay cả khi anh đã chuẩn bị tinh thần để về bên Chúa trên thiên đường. Khi tôi gặp anh, bệnh ALS đã cướp đi khả năng nói của anh. Anh chỉ có thể giao tiếp bằng cách chớp mắt để biểu thị các chữ cái, và anh làm việc đó với sự kiên nhẫn và vui vẻ khiến tôi kinh ngạc. Anh đã tìm ra cách để sử dụng kỹ thuật laser, kỹ thuật cho phép anh điều khiển máy tính và anh đã sử dụng nó để tạo bản tin của người Cơ Đốc giáo trên trang web, bản tin đã có hơn ba trăm người đăng ký đọc.

Nỗ lực phi thường nhằm biến niềm tin thành hành động của anh trong khi anh không thể nói được, trong khi bệnh tật “trói” chặt anh vào chiếc gi.ường đã thúc đẩy tôi bắt đầu sứ mệnh truyền giáo của mình vài tuần sau đó. Từ ngày ấy, bất cứ khi nào cảm thấy thất vọng, tôi lại nghĩ đến Phil Toth. Nếu trong hoàn cảnh ấy anh vẫn có thể tiếp tục tạo ra những ảnh hưởng tích cực và vẫn giúp đỡ người khác được thì tại sao tôi lại không thể?

Khoảng một năm sau tôi đã vinh dự được ở bên gi.ường của Phil khi anh từ giã cõi đời để đến kiếp sau. Mặc dầu tiếc thương anh vô hạn, tôi vẫn cảm thấy mình bé nhỏ khi chứng kiến một chiến binh trong đội quân của Chúa trở về nhà. Tôi hy vọng rằng bạn và tôi có thể thể hiện lòng quyết tâm, sự can đảm và tinh thần lạc quan trong khi giữ niềm tin và hành động vì niềm tin như Phil để chúng ta có thể trở thành một món quà đối với người khác.

***************
 
Kỳ 6: Chuyện của con tim

Tôi tìm thấy tình yêu của đời mình trong một đám đông trên đỉnh Tháp chuông tại Adrriatica. Tháp chuông bằng đá đó trông giống như những tháp chuông cổ ở những ngôi làng cổ châu Âu, nhưng thực ra nó là một tòa nhà văn phòng có một không hai ở McKinney, vùng ngoại ô của thành phố Dallas thuộc bang Texas. Tôi có mặt ở đó vào tháng tư năm 2010 để diễn thuyết, nhưng tôi không thể tập trung hoàn toàn vào việc ấy được bởi tôi bị hút hồn vì đôi mắt tuyệt đẹp, ấm áp và thông minh nhất mà tôi từng nhìn thấy.
Bạn có thể nghĩ câu chuyện về “tình yêu sét đánh” này nghe có vẻ sáo mòn, nhưng nếu một điều sáo mòn mà tuyệt vời như vậy thì bạn hãy tin rằng tôi thấy không có vấn đề gì. Là một người theo đạo Cơ Đốc, tôi thuộc những bài học trong Kinh Thánh. Đây là những ca từ được trích từ sách Nhã ca: “Nàng đã chiếm trọn trái tim tôi, kho báu của tôi, cô dâu của tôi. Chỉ bằng một cái liếc nhìn thôi, nàng đã bắt trái tim tôi làm con tin”.

Nếu bạn theo dõi trang web, blog, và trang tweets hoặc Facebook của tôi, bạn có thể thấy rằng ngày hôm đó trái tim tôi đã bị người con gái tuyệt vời tên là Kanae Miyahara chiếm trọn. Chúng tôi đính hôn vào tháng bảy năm 2011, và làm lễ thành hôn vào tháng hai năm 2012, ngay sau khi tôi viết xong cuốn sách này.

Có một số lý do khiến tôi muốn kể cho bạn biết tôi và Kanae đã gặp nhau và yêu nhau như thế nào. Điều quan trọng nhất là rất nhiều người thuộc mọi lứa tuổi tìm đến tôi với những câu hỏi, những câu chuyện về những thách thức trong các mối quan hệ tình cảm - những học sinh trung học, những bạn trẻ ở tuổi mới lớn, những sinh viên đại học, những người ở tuổi trung niên, những người độc thân, những người đã có gia đình. Những câu chuyện của họ rất đa dạng, nhưng nhìn chung đều xoay quanh chủ đề này: ai cũng muốn yêu và muốn tình yêu của mình được đáp lại.

· Nick, tôi sợ sẽ chẳng ai yêu tôi hết.

· Làm thế nào tôi biết đó có phải là người hợp với tôi hay không?

· Tại sao quan hệ tình cảm của tôi không kéo dài?

· Tôi có thể tin tưởng người ấy được không?

· Yêu là như thế nào nhỉ?

· Tôi đã bị tổn thương nhiều lần đến mức tôi không dám yêu nữa.

· Tôi cô đơn và buồn. Tôi có gì không ổn ư?

Từ khi Adam và Eva bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng, chuyện tình yêu luôn khiến đàn ông và đàn bà bận tâm đau khổ, nhưng cũng khiến họ trở nên hạnh phúc và hoàn thiện. Khát khao mãnh liệt của trái tim là một trong những nhu cầu cần thiết nhất của con người.

Tuy nhiên khi chúng ta tìm kiếm tình yêu, chúng ta mở lòng ra không chỉ để được yêu mà thật không may, cũng là để chịu đựng đau khổ. Vậy nên bạn phải quyết định một điều: Bạn thôi không tìm kiếm tình yêu nữa và bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy tình yêu - việc mà đối với bạn dường như chỉ làm lãng phí một cuộc đời tốt đẹp, hoặc bạn có thể tiếp tục cố gắng tìm kiếm tình yêu.

Tôi đã dám yêu và đã hơn một lần tôi bị tổn thương vì tình yêu. Tôi đau khổ, bối rối, tức giận và cảm thấy mình là một kẻ ngốc không hơn không kém. Nhưng tôi đã vượt qua. Sau những lần như thế cuối cùng tôi xác định được rằng cách duy nhất để tìm được thứ mà mình tìm kiếm là biến niềm tin thành hành động và tiếp tục cố gắng. Có thể bạn đã từng trải qua những đau khổ tương tự. Ít ai lựa chọn kiếm tìm tình yêu mà lại không phải trải qua đau khổ.

Lời khuyên của tôi là coi những lần cố gắng mà không đem lại thành công của bạn chẳng hơn gì những cuộc thử nghiệm: những lần thất bại tạo cho bạn sức mạnh để yêu sâu sắc hơn khi bạn gặp người thích hợp dành cho bạn. Chừng nào bạn còn mở lòng để yêu, thì chừng đó tình yêu vẫn có thể đến với bạn. Nếu bạn dựng một bức tường quanh trái tim của mình, thì tình yêu sẽ không thể đến với bạn.

Tôi đã phải đấu tranh trong nhiều năm với cảm giác bất an và cô đơn. Như hoàng tử Cóc, tôi sợ bị từ chối và thường có ý nghĩ thất vọng rằng tôi sẽ chẳng bao giờ có thể tìm được một người con gái chia sẻ giấc mơ xây dựng gia đình với mình. Tôi thường nói và viết về nỗi sợ của tôi hồi nhỏ, rằng không người phụ nữ nào muốn trở thành người yêu của tôi bởi vì tôi không thể nắm tay, không thể ôm cô ấy.

Như hầu hết những người đàn ông khác, tôi lớn lên với quan niệm truyền thống về một người chồng, quan niệm cho rằng chồng là người nuôi sống và bảo vệ gia đình, vậy nên tôi không hề muốn một người phụ nữ nghĩ rằng cô ấy cần quan tâm chăm sóc tôi thay vì làm vợ, làm bạn đời của tôi.

Không chỉ tôi hoặc những người có khiếm khuyết về hình thể mới có những băn khoăn liên quan đến việc tìm kiếm tình yêu. Ai trong chúng ta cũng có những nỗi bất an và sợ hãi liên quan đến các mối quan hệ tình cảm. Tuy nhiên tôi mong bạn đừng bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm tình yêu. Tôi đã tìm được người phụ nữ hoàn hảo cho Nick không hoàn hảo. Tôi và Kanae đều biết mỗi người chúng tôi đều có những khiếm khuyết, nhưng chúng tôi coi mình là cặp đôi hoàn hảo. (Một người bạn giàu hiểu biết của tôi, người biết cả tôi và Kanae cũng nói: ‘Tôi mừng vì hai bạn đã tìm thấy nhau. Tại sao lại bỏ phí hai con người hoàn hảo nhỉ?’).

Bây giờ có một số người thích sống độc thân hơn, và sự lựa chọn đó chẳng có vấn đề gì nếu như nó làm cho bạn hạnh phúc và mãn nguyện. Nhưng nếu từ sâu thẳm trái tim mình bạn muốn chia sẻ cuộc sống với một người khác, thì tôi xin cam đoan với bạn rằng chắc chắn có một người dành cho bạn trong đời nếu trong chuyện tình cảm bạn biến niềm tin thành hành động. Để làm được điều đó, trước hết bạn phải chấp nhận bốn nguyên tắc cơ bản sau đây:

1. Nếu bạn đối xử với người khác bằng sự tôn trọng và lòng tốt, nếu bạn cố gắng làm những điều đúng đắn và sử dụng ở mức tối đa những khả năng của mình, thì bạn xứng đáng có được tình yêu.

2. Để được người khác yêu, trước hết bạn phải yêu bản thân mình. Nếu bạn nhận thấy yêu bản thân mình thật khó thì bạn phải làm được điều đó mới mong người khác bắt đầu mối quan hệ tình cảm với bạn.

3. Nếu bạn đã sẵn sàng yêu thì không cần phải tìm kiếm tình yêu. Điều bạn cần làm là mở rộng trái tim với những người khác. Hãy lắng nghe xem những người khác nói gì và lắng nghe xem họ cảm thấy như thế nào. Hãy chuẩn bị để trao tình yêu của một con người đáng tin cậy, trung thực và đầy quan tâm, và bạn chắc chắn sẽ được đáp lại y như vậy.

4. Bạn không thể không yêu. Có thể bạn cố chôn chặt những tình cảm ở trong lòng, và có thể bạn làm cho trái tim mình trở nên nặng nề dưới sức nặng của sự đề phòng, nhưng bạn được tạo ra từ tình yêu, và tình yêu là một phần của động lực sống. Đấng Sáng Tạo không muốn bạn lãng phí tình yêu mà bạn có. Nên biết rằng những mối quan hệ tan vỡ là sự chuẩn bị để bạn có được một tình yêu bền vững. Bởi vậy bạn hãy giữ niềm tin và đón nhận một trong những món quà tuyệt vời nhất của Đấng Sáng Tạo.

Tình yêu của Chúa dành cho bạn khiến bạn trở nên đáng yêu

Như tôi đã viết ở chương 1, trước đây đã có lúc tôi cảm thấy rằng mình chắc chắn là một đứa con không được Chúa yêu thương. Tôi không thể hiểu tại sao Chúa đầy tình yêu thương lại tạo ra tôi trong hình hài dị biệt, không chân, không tay. Thậm chí tôi nghĩ Chúa trừng phạt tôi hoặc Người chắc hẳn ghét tôi. Tại sao Người lại tạo ra tôi khác với hầu hết mọi người? Tôi cũng tự hỏi tại sao Chúa lại tạo ra một đứa con như tôi để trở thành gánh nặng cho cha mẹ tôi, những người Cơ Đốc tốt bụng.

Trong một thời gian ngắn tôi đã đóng cánh cửa của đời mình trước Chúa bởi vì tôi tức giận. Lúc đó tôi không tin Người yêu thương tôi cho đến khi tôi hiểu ra rằng mọi sự mà Người thực hiện đều có mục đích. Tôi đã đọc một đoạn Kinh Thánh trong đó nói rằng Chúa sử dụng một người mù để mang đến cho cuộc sống một bài học. Người chữa cho ông ta sáng mắt “để việc của Chúa hiển lộ qua ông ta”. Khi đọc phần phúc âm của John trong Kinh Thánh, tôi đã có được một sự soi rạng. Nếu Chúa có một mục đích dành cho người mù đó, thì chắc hẳn Người cũng có một mục đích dành cho tôi.

Theo thời gian, tôi đã tìm thấy mục đích Chúa dành cho tôi, và tôi hiểu ra rằng tôi thực sự là một đứa con được Chúa yêu thương, mặc dù Người không cho tôi chân tay. Tôi có những khó khăn của mình. Bạn có thể cũng có những vấn đề của bạn. Có thể bạn có những nỗi bất an, những khiếm khuyết. Nhưng chẳng phải tất cả chúng ta đều có những nỗi bất an và khiếm khuyết sao? Có thể bạn không hiểu Chúa có kế hoạch nào dành cho bạn. Trong một thời gian rất dài tôi đã không hiểu, nhưng khi tôi đọc về người đàn ông mù trong Kinh Thánh, tôi đã biến niềm tin của mình thành hành động. Tôi đã không thấy được mục đích của mình nhưng niềm tin trong tôi đã cho phép tôi chấp nhận rằng một ngày nào đó tôi sẽ tìm ra con đường mà Chúa tạo ra cho tôi.

Hãy yêu chính bản thân mình

Khi tôi thừa nhận rằng Chúa yêu thương tôi và có mục đích dành cho tôi, sự tự nhận thức về bản thân của tôi thay đổi và cả thái độ, hành động của tôi cũng vậy. Điều đó không xảy ra chỉ sau một đêm, nhưng qua thời gian tôi đã không né tránh việc giao tiếp với các bạn học ở trường và ở nơi tôi sống nữa. Tôi không còn trốn trong phòng dạy nhạc một mình để khỏi phải giao lưu với các bạn học trong giờ nghỉ ăn trưa.

Tôi thôi không giấu mình sau bụi cây ở sân trường. Cha mẹ tôi đã khuyến khích tôi bắt chuyện với bạn bè thay vì đợi họ tìm đến tôi trước. Cuối cùng tôi đã bước ra khỏi cái vỏ ốc của mình và tôi phát hiện ra rằng khi mọi người biết và hiểu tôi, họ chấp nhận tôi và phát hiện ra tôi là người có thể khích lệ người khác. Quan trọng hơn, tôi đã chấp nhận bản thân mình.

Khi tôi chưa thoát ra khỏi nỗi sợ bị từ chối, không ai có thể biết con người Nick thực sự. Tôi cảm thấy thương cho bản thân mình, và mọi người cảm thấy thương hại tôi. Nhưng khi tôi chia sẻ những gì tôi đã đạt được với các bạn học, họ cùng khen ngợi những thành tích đó. Khi tôi cởi mở trước sự tò mò và những câu hỏi của họ về tình trạng thiếu chân tay của tôi, nói chuyện một cách thoải mái với họ, cười với họ, họ trở thành bạn của tôi.

Sự tôn trọng của bạn bè giúp tôi nâng cao sự tự ý thức về bản thân và khiến tôi thêm tự tin để trở nên cởi mở hơn. Tôi hiểu ra rằng sự khác biệt về hình thể chỉ trở thành trở ngại nếu như tôi cho phép nó như vậy. Có một số việc tôi không thể làm, nhưng tôi thường khiến chính bản thân mình và người khác ngạc nhiên bằng cách tìm ra những cách khá khéo léo để vượt qua thách thức. Tôi trượt ván, bơi, vượt nhiều bạn học về thành tích học tập, đặc biệt với môn toán và – thật ngạc nhiên – về khả năng diễn thuyết!

Khi tôi hiểu được giá trị của bản thân mình, tôi biết coi trọng người khác hơn. Họ đáp lại sự coi trọng mà tôi dành cho họ bằng cách coi trọng tôi. Kinh Thánh dạy chúng ta hãy yêu hàng xóm như yêu chính bản thân mình. Nếu bạn yêu và chấp nhận bản thân mình, thì bạn sẽ giàu tình yêu thương hơn, dễ chấp nhận người khác hơn. Bạn tạo ra một môi trường trong đó tình bạn và tình yêu dành cho người khác có thể được nuôi dưỡng, vun bồi.

Bạn đối với bản thân mình như thế nào thì người khác sẽ đối với bạn như thế. Nếu bạn không tôn trọng bản thân mình thì làm sao bạn có thể mong người khác tôn trọng bạn? Nếu bạn không yêu quý bản thân, thì người khác có thể yêu quý bạn được chăng? Tất nhiên là không. Nhưng nếu bạn thoải mái với chính mình, thì người khác sẽ cảm thấy thoải mái về sự có mặt của bạn. Nếu bạn làm cho người khác cảm thấy tốt về bản thân họ bởi sự tin cậy, khích lệ, chấp nhận mà bạn dành cho họ, thì tôi tin tình yêu sẽ tìm thấy bạn.

Khi tôi diễn thuyết trước đám đông học sinh và các nhóm thanh thiếu niên tại các nhà thờ, tôi luôn nói với họ rằng Chúa yêu họ vì chính bản thân họ. Tôi nói với họ rằng họ đẹp và rằng họ cần coi trọng bản thân mình như Chúa coi trọng họ. Đó là những lời nói đơn giản. Tuy nhiên mỗi lần tôi nói ra những lời đó, tôi thấy nhiều người xúc động đến rơi lệ. Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì những người trẻ tuổi thường nghĩ rằng họ phải trở nên hợp thời (hợp với số đông) nếu không họ sẽ bị loại. Họ cũng thường cảm thấy cần phải có một vẻ ngoài ưa nhìn, quần áo thời trang, phải thế này, thế kia mới được chấp nhận. Nhưng không phải vậy. Chúa chấp nhận tất cả chúng ta như chúng ta vốn có.

Bạn là đứa con đẹp đẽ của Chúa. Nếu Cha của tất cả chúng ta – Đấng Sáng Tạo của vũ trụ – yêu bạn, thì bạn cũng phải yêu chính bản thân mình.

****************
 
kỳ 7: Cho tình yêu để nhận tình yêu

Giờ đây có thể người nào đó mà bạn yêu thương và tin cậy đã làm tan vỡ trái tim bạn. Tôi biết nói điều này chỉ an ủi được bạn chút ít thôi, nhưng tôi cần phải nói rằng nhiều người khác, trong đó có cả tôi, đã từng trải nghiệm cái điều chẳng dễ chịu chút nào đó. Nhưng sự tan vỡ và phản bội không làm cho bạn trở thành người vô giá trị.

Một mối quan hệ tan vỡ chỉ có nghĩa rằng đó là một mối quan hệ không thích hợp với bạn mà thôi. Giờ đây tôi biết rằng có thể bạn thấy thật khó hiểu vì sao mọi chuyện lại trở nên tồi tệ như thế, nhưng một ngày nào đó bạn sẽ hiểu. Còn bây giờ bạn đừng nên phạm phải cái việc sai lầm là bấm nút tắt đối với khả năng yêu và được yêu của bạn.

Trong một thời gian, tôi đã không tin rằng Chúa tạo ra một người phụ nữ dành cho tôi. Tôi cô đơn và cố thúc đẩy tình bạn thành tình yêu ngay cả khi tình cảm của tôi không được đáp lại. Nhưng Kanae đã dạy tôi về sự cao đẹp của tình yêu thực sự, trong đó cả hai người đều được cho và được nhận tình yêu. Sự cô đơn có thể khiến bạn cảm thấy rằng bạn nên chấp nhận một mối quan hệ tình cảm khiến bạn dễ chịu hơn dù thiếu ánh sáng của tình yêu. Nhưng bạn không nên thỏa hiệp với tình yêu. Thay vì thế, bạn hãy tin ở tình yêu.

Bạn hãy hiểu rằng có nhiều người độc thân sống một cách vui vẻ và mãn nguyện. Tôi quen biết những người không lập gia đình có cuộc sống rất hạnh phúc. Riêng tôi, tôi đã có khao khát mãnh liệt rằng một ngày nào đó tôi sẽ kết hôn và có gia đình riêng, nhưng qua thời gian tôi đã đặt khao khát đó vào bàn tay của Chúa. Tôi để Người quyết định tôi có nên tiếp tục sống độc thân hay không.

Vâng, tôi thừa nhận rằng tôi đã cầu Chúa làm cho Kanae yêu tôi, nhưng cô ấy cũng cầu Chúa cho tôi yêu cô ấy. Tất nhiên, khi đó tôi không biết điều ấy. Tốt hơn hết bạn nên nhờ Chúa giúp bạn tìm người mà Chúa muốn bạn chia sẻ cuộc đời. Hãy cầu nguyện thế này: “Lạy Chúa, hãy mang tình cảm của con dành cho người đó ra khỏi con nếu như đó không phải là ý Chúa, hoặc nếu anh ấy (cô ấy) là người Chúa muốn dành cho con, thì xin Người hãy để chúng con yêu nhau theo kế hoạch của Người”.




Đừng bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm tình yêu

Có thể bạn đã từng cố gắng và đã thất bại. Có thể bạn đã từng có những mối quan hệ tình cảm chẳng đi đến đâu cả. Hãy coi chúng là sự chuẩn bị cho tình yêu đích thực. Tôi đã từng có những mối quan hệ tình cảm không phát triển như mong muốn. Tôi đã mở rộng trái tim chỉ để phát hiện ra rằng người tôi có cảm tình muốn làm bạn với tôi hơn là muốn trở thành người yêu của tôi – hoặc tồi tệ hơn, không muốn cả hai! Mặc dù những lần tan vỡ và bị từ chối khiến tôi rất đau khổ, tôi đã không từ bỏ việc tìm kiếm tình yêu, không ngừng yêu. Điều đó cũng quan trọng lắm. Không có tình yêu chúng ta chẳng là gì cả.

Trong nhiều năm tôi đã cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện để một người phụ nữ thực sự yêu tôi. Tôi đã bao giờ nản chưa nhỉ? Có đấy! Đôi khi tôi nghĩ đến việc từ bỏ và gia nhập vào Quân đoàn Lê dương Pháp chăng? (Tôi thích đồng phục của họ, nhưng việc hành quân và bắn giết rõ ràng là những thách thức lớn!).

Điều quan trọng là tôi đã không từ bỏ, và tôi khuyến khích bạn đừng bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm tình yêu. Hãy hành động theo niềm tin của mình. Hãy cầu nguyện để xin sự dẫn dắt của Chúa, tập trung vào việc rèn luyện để trở thành người tốt nhất có thể, và mở rộng cánh cửa trái tim trước những khả năng, những cơ hội sẽ đến với bạn.

Tôi không muốn bất cứ ai phải chịu đựng sự cô đơn, bị từ chối, hoặc phải trải qua đau khổ. Tôi hy vọng con đường dẫn đến tình yêu và hôn nhân của bạn bằng phẳng hơn của tôi, tuy nhiên tôi đã hiểu ra rằng những thách thức mà tôi phải đương đầu đã dạy cho tôi biết coi trọng hạnh phúc mà tôi đã tìm thấy. Chúa không muốn tôi phát hiện ra tình yêu thực sự của mình cho đến khi tôi đủ chín chắn để biết trân trọng và nuôi dưỡng nó.

Kinh Thánh dạy chúng ta về ba món quà tinh thần – niềm tin, hy vọng và tình yêu – “Món quà lớn nhất trong ba món quà đó là tình yêu”. Món quà lớn nhất là món quà mà chúng ta có thể tận hưởng một cách đầy đủ với người chúng ta yêu khi chúng ta thực sự trưởng thành về mặt tinh thần, cảm xúc và thể chất.

Giống như hầu hết thanh niên khác, tôi đã nghĩ mình được chuẩn bị để yêu từ khi bước vào tuổi mới lớn, nhưng bây giờ tôi hiểu rằng Chúa muốn tôi có những kinh nghiệm nhất định. Đã vài lần Người cử tôi đi khắp thế giới diễn thuyết trước hàng triệu người và tận mắt nhìn thấy cảnh lộng lẫy và đẹp đẽ đến không thể tưởng tượng nổi cũng như sự bần cùng gây ám ảnh khôn nguôi. Chúa thậm chí cho phép tôi có những mối quan hệ tình cảm chẳng đi đến đâu để tôi biết trân trọng người thích hợp mà tôi sẽ tìm thấy. Người cho phép trái tim tôi tan vỡ để tôi biết trân trọng sự trọn vẹn của tình yêu.

Sự kết thúc của một mối quan hệ tình cảm khiến tôi đau khổ đến mức không thể diễn tả bằng lời, và sự tan vỡ khẳng định nỗi sợ bị từ chối của tôi. Tôi không muốn trở nên lâm ly đâu, nhưng sau trải nghiệm đó tôi quả thực thẫn thờ một thời gian. Đã vài năm tôi nỗ lực tạo dựng lại sự tự tin và xây dựng mối quan hệ mới. Tôi kết bạn với một số phụ nữ tuyệt vời, nhưng tôi thường cảm thấy cô đơn và khao khát có được một mối quan hệ thực sự lâu dài, sâu sắc.

Có thể ngay lúc này đây bạn đang cảm thấy cô đơn và không được yêu, nhưng hãy coi thử thách này là sự chuẩn bị để bạn đón nhận những năm tháng hạnh phúc lâu dài. Tôi biết đối với một số người, những lời này của tôi nghe có vẻ quá lạc quan hoặc ngây thơ, và có nhiều lần trong đời tôi có lẽ đã từng cảm thấy như vậy. Nhưng bây giờ, nhờ niềm tin trong hành động, chiếc ly không của tôi đã được rót đầy đến mức trước đây có nằm mơ tôi cũng không dám mơ tới.

Ánh mắt của ái tình

Kanae và chị gái, Yoshie, đến nghe tôi diễn thuyết tại tháp chuông ở Adriatica cùng với Tammy, một người bạn của tôi, cũng là một diễn giả và tác giả viết sách, và Mark, chồng của cô. Khi đó hai chị em Kanae đảm nhận việc trông trẻ cho vợ chồng Tammy, nhưng bởi vì họ quý nhau như người một nhà, Tammy đã mời họ đến dự buổi diễn thuyết của tôi. Kanae và Yoshie mang vẻ đẹp lạ lùng bởi vì mẹ của họ là người Mexico còn người cha đã qua đời của họ là người Nhật Bản. Cả hai đều nổi bật, nhưng ngày hôm đó, trong khi diễn thuyết, tôi nhìn rõ Kanae hơn và tôi không thể rời mắt khỏi cô. Tôi gần như không thể tập trung vào việc diễn thuyết.

Sau khi kết thúc bài diễn thuyết, tôi đi loanh quanh nói chuyện với các khán thính giả. Kanae và Yoshie cùng với Tammy đến chào tôi, và tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được gặp họ. Thực ra, khi họ cố lui ra để nhường chỗ cho người khác, tôi đã bảo họ hãy cứ ở gần tôi để chúng tôi có thể trò chuyện.

Hễ tranh thủ được vài phút là tôi lại cố gắng nói vài lời với họ. Càng nói chuyện nhiều với Kanae tôi càng muốn kéo cô ấy khỏi đám đông và tìm hiểu cô để biết thêm nhiều điều về người con gái quyến rũ toát lên sự tự tin và nhân ái này.

Cuối cùng, khi chúng tôi chuẩn bị rời khỏi chỗ đó, tôi thực hiện một bước tiến đầy can đảm. “Tôi cho cô địa chỉ email của tôi nhé, để chúng ta có thể giữ liên lạc”, tôi nói với Kanae.

“Ồ, tốt quá, em sẽ lấy địa chỉ email của anh từ Tammy”, cô đáp.

Tôi thực sự muốn giữ liên lạc với Kanae để không bỏ lỡ cơ hội biết về cô nhiều hơn. Tôi gần như muốn cầu xin: Tôi muốn chính tôi cho em địa chỉ email của tôi để chắc chắn rằng em có nó! Đó là những gì tôi muốn nói, nhưng cha tôi đã khiến tôi thấm nhuần rằng những người đàn ông thực sự thì không cầu xin. Tôi nghe lời khuyên của cha và tỏ ra điềm tĩnh hết mức có thể, mặc dù mới chỉ gặp lần đầu tôi đã đem lòng yêu người phụ nữ trẻ đầy quyến rũ đó.

“Tốt, tốt thôi. Hãy giữ liên lạc nhé”, Ông Điềm Tĩnh nói.

Sau đó Kanae và Yoshie cùng cùng Tammy và Mark ra về.

Các bạn của tôi và tôi vừa mới đi được vài dặm thì Tammy gửi cho tôi một tin nhắn qua điện thoại di động: “Cậu thấy thế nào?”.

“Cô ấy là một trong những người phụ nữ đẹp nhất của Chúa mà tôi từng gặp trên đời này”, tôi nhắn tin trả lời. “Cô ấy thực sự làm tôi nghẹt thở!”.

Thật khó để chơi trò phớt tỉnh.

Chuyện tôi vừa kể xảy ra vào một ngày chủ nhật. Tôi đi máy bay về nhà ở California, hy vọng ngay hôm sau sẽ nhận được tin của Kanae, nếu không phải là sớm hơn. Tôi đã kiểm tra hộp thư điện tử ngay khi máy bay hạ cánh, và có lẽ trong suốt cả ngày dài cứ mười phút tôi lại kiểm tra xem cô ấy có gửi thư cho tôi hay không. (Bạn đã từng gặp cô ấy chưa? Bạn có thể trách tôi không nhỉ?).

Yêu say đắm

Chẳng phải khi chúng ta yêu say đắm, trái tim điều khiển trí não và hành động của chúng ta thật điên rồ sao? Bạn mười bốn tuổi hay sáu mươi tư tuổi – điều đó chẳng quan trọng. Khi tiếng sét ái tình nổ ra, phản ứng của người đang yêu luôn luôn là thế này: bạn không thể tập trung vào bất cứ việc gì ngoài việc tìm cách để được ở bên người đã tạo ra tiếng sét ái tình đó.

Bộ phim kinh điển Bambi của hãng Disney đã nắm bắt được tâm trạng của người đang yêu say đắm khi một con cú già khôn ngoan giải thích với chú nai Bambi và những người bạn của chú rằng, mỗi khi mùa xuân đến những con đực và con cái trẻ trung của muôn loài đều có thể trở nên say đắm.

“Gần như vào mùa xuân tâm trạng ai cũng phơi phới nguồn yêu”, cú già nói.

“Các bạn đang vừa đi vừa nghĩ về việc gì đó…Thế rồi bỗng nhiên bạn nhìn thấy một khuôn mặt xinh đẹp… Bạn cảm thấy như muốn khuỵu xuống. Đầu óc bạn quay cuồng. Và bạn có cảm giác lâng lâng, bay bổng như muốn bay lên. Và khi đó bạn biết điều gì nhỉ? Bạn bị đánh ngã và một chiếc thòng lọng được tròng vào cổ bạn, và bạn không còn giữ được cái đầu… Mà đó chưa phải là tất cả. Chuyện đó có thể xảy ra với bất kỳ ai.”

Tôi thực sự đã yêu Kanae say đắm. Tôi không thể không nghĩ về cô ấy. Việc cô ấy không viết thư cho tôi sớm khiến tôi phát điên như một con rắn bị thương. Tôi đã nhầm ư? Hôm đó Kanae đã nhìn tôi như thể cô ấy cũng có cảm giác giống tôi. Tôi không thể nhầm được. Có điều gì đó rất quan trọng đã xảy ra giữa hai chúng tôi. Chẳng phải vậy sao?

Nhiều ngày trôi qua. Nhiều tuần trôi qua. Không có một email nào từ Kanae hết. Cũng chẳng có một lời nào của cô ấy.

Kanae dường như đã quên tôi. Tôi không thể nghĩ đến điều gì khác. Trước khi gặp Kanae tôi đã từng yêu vài lần, nhưng không lần nào tôi say đắm như lần này. Vẻ đẹp của Kanae là không thể phủ nhận, nhưng tôi cảm thấy như cô ấy là người phụ nữ có cá tính, tràn đầy sự ấm áp và niềm tin, và cả con người Kanae toát lên sự can đảm. Liệu có phải trong dịp sinh nhật lần thứ hai mươi sáu của Yoshie, Kanae đã cùng chị gái đi trượt tuyết? Đi trượt tuyết!

Tôi không thể tin rằng Chúa đã đặt người phụ nữ sôi nổi này vào cuộc đời tôi, làm cho những tia sáng đầy sức mạnh lóe lên, rồi sau đó làm cho cô ấy biến mất. Vậy nên tôi hỏi Chúa: Nếu như người không muốn chúng con ở bên nhau thì tại sao Người lại để cô ấy xuất hiện trước mặt con? Tại sao Người lại để con xao lãng khỏi việc phụng sự Người nếu như không có gì quan trọng xảy ra giữa con và cô ấy?

Một tuần nữa trôi qua mà không có tin gì của Kanae, và tôi tự bảo mình: Nick, mi lại nhầm rồi. Mi cho rằng cô gái đó cũng có những cảm giác giống mi, nhưng đó chỉ là mi đang mơ thôi. Khi nào mi mới tỉnh chứ?

Tôi buồn vì Kanae không liên lạc với tôi và tôi cảm thấy thất vọng bởi tôi nghĩ mình sao mà ngốc quá. Tôi trở thành một cậu bé mười hai tuổi ốm tương tư vì một cô gái xinh đẹp, đáng tin cậy đã đối xử tốt với tôi.

Gần ba tháng trôi qua. Tôi vẫn luôn nghĩ về Kanae, nhưng sự im lặng của cô khiến tôi tin rằng không có chuyện tình cảm lãng mạn xảy ra với cô. Lòng kiêu hãnh của người đàn ông trong tôi đã bị tổn thương. Tôi để cho mọi sự diễn ra theo tự nhiên.

Sự cạnh tranh của trái tim

Vào tháng bảy, tôi có một buổi diễn thuyết nữa ở Dallas. Như những lần khác tôi ở cùng Tammy và Mark, và tôi không thể phủ nhận rằng tôi hy vọng khi đó Kanae đang đảm nhận việc giữ trẻ cho gia đình họ. Nhưng tôi cũng cảnh báo mình rằng chớ có hy vọng quá nhiều. Kanae có viết thư cho tôi đâu. Rõ ràng cô ấy không cảm thấy tiếng sét ái tình như tôi đã cảm thấy khi gặp cô. Tôi phải kiềm chế và kiểm soát tình cảm của mình. Hãy canh gác trái tim của mi! Hãy giữ bình tĩnh, ta ơi!

Máy bay của chúng tôi vừa hạ cánh, tôi đã không kiềm được việc nhắn tin qua điện thoại cho Tammy: “Mọi người ở đó cả chứ?”. Tammy nhắn lại: “Yoshie và tôi ở đây đang nấu món lasagna cho cậu”.

“Tuyệt!”, Ông Điềm Tĩnh nhắn tiếp, “Kanae thế nào?”

Tôi thề, những lời đó tự động xếp hàng trên màn hình của chiếc điện thoại thông minh của tôi, chiếc điện thoại thỉnh thoảng quá thông minh trước lợi ích riêng của chủ nó. Vâng, tôi thừa nhận trong chuyện tình cảm tôi yếu đuối. Tôi không đừng được. Nhưng câu trả lời thậm chí tệ hơn cả điều tôi lo sợ.

“Kanae ở đây, nhưng cô ấy đạp xe đi chơi với bạn trai rồi”, Tammy nói.

Chị ấy chỉ đùa thôi!

Tôi đến nhà Tammy, và đúng là Yoshie và Tammy đang ở trong bếp làm món lasagna. Tôi ngồi xuống tán chuyện và vài phút sau không kiềm được, tôi bộc lộ mình là anh chàng Nick đang tương tư vì tình.

“Vậy, thực ra Kanae đâu nhỉ?”. Tôi hỏi bằng giọng nhẹ nhàng.

Tammy đặt chiếc bát trên tay xuống. Cả chị và Yoshie đều ném về tôi cái nhìn khó hiểu.

“Cô ấy đi đạp xe với bạn trai thật mà, Nick”, Tammy nói.
Trời ơi, chị ấy không đùa!

Thế rồi tôi chợt hiểu ra vấn đề. Tammy bối rối khi tôi hỏi thăm Kanae bởi vì chị ấy nghĩ tôi quan tâm đến Yoshie! Tôi đã bao giờ nói rõ người chị hay người em đã hút hồn tôi đâu, và bởi vì hai chị em họ đều xinh đẹp nhưng chỉ có một người hiện tại chưa có người yêu, nên Tammy nghĩ rằng tôi thích Yoshie, người có tuổi gần với tuổi của tôi hơn. Đó là lý do tại sao trước đó Tammy không nói với tôi về bạn trai của Kanae!

Tôi đã nghe người ta nói về cảm giác như thể thấy mình đang bị chìm nhưng chỉ đến lúc đó tôi mới biết cảm giác đó là gì. Tôi cảm thấy như thể đất đang sụt xuống và tôi đang rơi xuống một vực sâu thăm thẳm.

Lạy Chúa, xin Người hãy giúp con đương đầu với chuyện này theo cách đàng hoàng và lịch sự, tôi cầu nguyện.
******************
 
Kỳ 8:Nick được yêu

Thật đáng sợ khi cuộc sống của chúng ta bỗng nhiên biến thành những vở hài kịch tình huống trên truyền hình, phải không các bạn? Cha mẹ tôi có thể đã viết được cả sê-ri kịch nổi tiếng mang tên Tôi Yêu Nicky, bởi các đoạn, các hồi điên rồ mà tôi đã diễn trong những năm tháng qua. Và đây là một vở kinh điển!




Tất nhiên lúc đó tôi không cười. Có một lời thoại như thế này trong phim The Butterfly Circus (Rạp xiếc Bươm Bướm), bộ phim ngắn từng được trao giải thưởng quan trọng mà tôi đã tham gia diễn xuất: “Cuộc đấu tranh càng khốc liệt, thì chiến thắng càng vẻ vang”. Dường như điều này đúng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, thậm chí đôi khi cả trong những mối quan hệ tình cảm.

Nếu chuyện tình cảm của bạn diễn ra êm ả, thì bạn nên cảm thấy biết ơn. Nếu bạn phải vất vả mới tìm người thương của mình như tôi thì bạn nên biết rằng trong trường hợp của tôi thắng lợi cuối cùng thực sự vẻ vang. Hãy tin vào điều đó, và tôi sẽ nguyện cầu rằng điều đó sẽ trở thành sự thật với bạn cũng như nó đã trở thành sự thật với tôi. Tôi cảm thấy rất biết ơn và cảm kích vì cuộc sống của tôi đã diễn ra theo cách tuyệt vời đó. Tôi thậm chí không thể nói với bất cứ ai rằng tôi đã có được cuộc sống tốt đẹp vượt ngoài sức tưởng tượng, bất chấp những khuyết tật và những khó khăn, thách thức mà tôi đã phải đối mặt. Giờ đây tôi phải nói rằng tôi có được cuộc sống tuyệt vời này là nhờ những khuyết tật của tôi.

Bạn có hiểu ý tôi không? Tôi muốn nói thế này: những thắng lợi và thành công trong cuộc đời tôi có ý nghĩa sâu sắc và lớn lao đến mức nếu như tôi sinh ra có đầy đủ chân tay thì có nằm mơ tôi cũng không dám mơ tới. Thực lòng tôi trân trọng cuộc sống của mình bởi vì tôi đã phải cố gắng hết mình để thực hiện được nhiều điều mà hầu hết mọi người đều cho là hiển nhiên.

Nhiều lúc tôi cầu xin Chúa ban cho tôi chân tay và xin Người hãy để tôi gặp ít trở ngại hơn trên đường đời? Đúng vậy. Giờ đây thỉnh thoảng tôi vẫn cầu nguyện như vậy. Tôi cũng giống hầu hết mọi người. Tôi thích đi trên con đường bằng phẳng hơn là một con đường nhiều trở ngại. Tuy nhiên tôi cũng cảm ơn Chúa hàng ngày vì những điều tốt đẹp đã đến từ những khuyết tật và những thách thức mà Người đặt ra cho tôi.

Tôi khuyến khích bạn coi những thách thức trong quan hệ tình cảm và các khía cạnh khác của đời sống là những điều may mắn tiềm tàng. Đó là những may mắn mà một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra dù giá trị của chúng hiện thời chưa thật rõ ràng. Ngồi đó trên tràng kỷ tại nhà của Tammy, tôi chắc chắn đã không thấy được giá trị chứa đựng trong cái thực tế rằng người con gái mà tôi phải lòng đã có người yêu. Khi tôi biết rằng Kanae đã có bạn trai, tôi nghĩ trái tim tôi sắp nổ tung trong lồng ngực.

Kanae đã nhìn tôi bằng ánh mắt đầy ấm áp và quan tâm, làm sao có chuyện cô đã có bạn trai được cơ chứ? Tôi đã tự lừa phỉnh mình chăng? Tôi bị loạn trí rồi chăng?

Tôi đang nghĩ như vậy thì Kanae và bạn trai về. Người bạn trai vừa bước vào cửa đã lập tức xông thẳng lên cầu thang và không để ý thấy tôi đang ngồi ở tràng kỷ.

Tammy chẳng bỏ sót điều gì. Nhìn ra từ trong bếp, chị nhận thấy vẻ thất vọng của tôi và mặt chị trắng bệch. Chị hiểu rằng trái tim tôi đang hướng về đâu khi tôi cố nở nụ cười trước cái ôm thắm thiết của Kanae. Việc giả vờ bình thản không còn nằm trong kế hoạch nữa.

“Vậy là em có bạn trai rồi ư?”, tôi hỏi. “Hai người yêu nhau được bao lâu rồi?”

“Khoảng một năm, anh ạ”, Kanae nói.

Vực thẳm mà tôi nghĩ mình rơi vào dường như bỗng sâu hơn.

Tôi phát điên với chính mình vì đã hiểu không đúng về cô gái này, người rõ ràng chỉ coi tôi như một người bạn mà thôi. Tôi muốn đi đến một chỗ nào đó và dùng trán đập dập móng chân của mình, nhưng ở đó đang có món lasagna nóng hổi. Bữa tối được dọn ra. Bạn trai của Kanae xuống với chúng tôi, tự giới thiệu bản thân. Cậu ấy thân thiện và có vẻ là một anh chàng tốt bụng, nhưng lúc đó tôi không có tâm trạng kết bạn với cậu ấy. Xin Chúa tha thứ cho con, gã này chẳng liên quan gì tới con ngoại trừ việc gã có một người bạn gái, người mà con yêu mê mệt.

Trong suốt bữa ăn, tôi cố chịu đựng để không cắn đứt đầu anh bạn trai tội nghiệp của Kanae. Người chăm sóc của tôi và tôi ở lại nhà của Tammy, Kanae và Yoshie cũng ở lại, vậy nên đêm đó có vẻ là một đêm dài. Không biết gần đây có khách sạn bình dân nào không? Tôi nghĩ.

Nhưng đó là một thái độ tồi và thật khó giải thích. Tôi phải khẩn trương và tận dụng tình huống này mới được. Tôi sang phòng giải trí cùng với Tammy và các con của chị, kiếm một chỗ trên chiếc trường kỷ thật êm. Sau khi bạn trai của Kanae ra về, cô vào với chúng tôi. Khi Tammy và bọn trẻ con đi ngủ, tôi bị bỏ lại một mình với cơn mê đắm của mình, và trong thoáng chốc tôi đã nghĩ đến việc trải lòng cùng cô ấy. Nhưng thay vì làm thế tôi quyết định giữ sự đứng đắn và gạt bỏ ý nghĩ đó đi.

Có lẽ tôi đã thở dài vài lần. Có lẽ khi ấy tôi đã không nén được vài tiếng rên rỉ. Mặc dù muốn lắm nhưng tôi đã không khóc như một nữ thần báo thù. Tôi chìm trong cảm giác tủi thân đến nỗi tôi không biết Kanae đã rời khỏi ghế của mình. Bỗng nhiên tôi thấy cô ngồi xuống bên tôi và nhìn đăm đăm vào mắt tôi.

Em đẹp lắm, và em không biết tôi yêu em biết nhường nào đâu!

“Nick, em có thể nói với anh một chuyện được không?”, cô hỏi.

Người Đàn Ông Băng Giá trong tôi tan chảy. Tôi không thể cưỡng lại người phụ nữ này. Tôi hầu như không thể thở khi cô ở bên tôi. Huy động mọi khả năng kiểm soát bản thân nhưng tôi vẫn phản ứng một cách lộ liễu nhất sự run rẩy mà một gã trai đang ốm tương tư thể hiện. Tôi cảm thấy biết ơn vì người trợ giúp của tôi đang nghe nhạc say sưa với đôi mắt lim dim.

“Được chứ, có chuyện gì vậy?”

Người con gái trong mộng của tôi bắt đầu tâm sự với tôi về bạn trai của cô. Quan hệ của họ không được như cô hy vọng. Kanae có những mối nghi ngờ và lo lắng về tương lai của mối quan hệ đó. Gia đình cô không ưa cậu ta, và đã mấy tháng rồi, từ trước khi chúng tôi gặp nhau lần đầu, cô đã ấp ủ ý định chia tay. Cô thích cậu ta, nhưng cậu ta không phải là người cô muốn chia sẻ cả cuộc đời, cô giải thích.

Tôi khoác cho mình cái vẻ ngoài của người đang lắng nghe chăm chú hết mức. Điều đó chắc hẳn đã được thể hiện bằng vẻ mặt đầy quan tâm và lo lắng. Và cả vẻ sáng suốt, đồng cảm của tôi nữa.

Mặc dù tôi muốn biến thành cái xà beng nạy Kanae ra khỏi bạn trai của cô, tôi biết cô tin cậy tôi và đang tìm kiếm lời khuyên ở tôi. Giống như một vị thẩm phán đang trải nghiệm sự xung đột về lợi ích, tôi phải rút khỏi “vụ” này và tuân theo phán quyết của Tòa tối cao.

“Tôi hiểu những lo lắng của em. Em lo lắng như vậy cũng có lý. Em nên cầu nguyện và xin Chúa giúp em đi đến quyết định”, tôi nói.

Nếu như Kanae đơn giản chỉ cảm ơn tôi vì lời khuyên đó và để tôi ngồi lại một mình ở tràng kỷ rồi bước ra khỏi phòng thì chuyện của chúng tôi đã kết thúc tại đó. Thay vì thế, đôi mắt mở to đen láy đầy ấm áp của cô nán lại, và ngồi sát bên tôi.

Tôi nghe thấy những lời này được thốt ra và thoạt đầu tôi không thể tin chúng xuất phát từ chính miệng của mình: “Tôi muốn hỏi em một câu. Em có thể nói cho tôi biết điều gì xuất hiện trong tâm trí của em khi tôi nói hai tiếng: Tháp Chuông?”.

“Ánh mắt của chúng ta”, cô đáp không chút ngập ngừng.

“Em nói thế nghĩa là thế nào?”, tôi hỏi.

“Ánh mắt của chúng ta”, cô nhắc lại. “Em cảm thấy một điều gì đó khi chúng ta nhìn nhau, và em choáng váng bởi từ trước tới giờ em chưa từng có cảm giác đó”.

Ôi! Vậy là không chỉ mình mình bị “sét đánh”, tôi nghĩ.

“Nick, từ đó em cầu nguyện và ăn chay để xin Chúa chỉ dẫn em phải làm gì”, Kanae nói.

“Tại sao ở Tháp Chuông em không nói cho anh biết em đã có bạn trai?”

“Em đã định xin Tammy địa chỉ email của anh để nói cho anh biết tất cả, nhưng Tammy nói với em rằng anh nhắn tin cho chị ấy nói rằng chị của em làm anh nghẹt thở…”

“Không, không, không phải đâu”, tôi nói. “Anh nhắn tin cho Tammy để nói về em, chứ không phải về Yoshie.”

“Về em ư?”

“Em là người anh trò chuyện nhiều nhất trong ngày hôm đó. Em là người đã hút hồn anh và trong khi anh diễn thuyết không lúc nào anh rời mắt khỏi em, và em là người anh nhắc tới khi anh nhắn tin cho Tammy.”

“Ôi, em cứ nghĩ anh tán tỉnh cả hai chúng em!”

“Không”, tôi quả quyết.

Chúng tôi im lặng trong một giây.

“Vậy là em vừa nói với anh rằng việc em cầu nguyện và ăn chay liên quan đến anh, đúng không?”

“Đúng, em không biết phải làm gì”, Kanae nói. “Em có bạn trai, nhưng em chưa bao giờ có cảm giác giống như thế khi anh nhìn em.”

“Em nói nghiêm túc chứ?”, tôi hỏi.

Kanae im lặng.

Tôi cũng im lặng.

Cả hai chúng tôi đều không tìm được lời để nói. Chúng tôi đã phải lòng nhau, nhưng cả hai chúng tôi đều tự hành hạ mình bằng sự hiểu lầm. Chúng tôi lại nhìn nhau đắm đuối và càng ngồi bên nhau lâu, tôi càng không muốn rời mắt khỏi Kanae.

Tôi đã bị thôi miên.

Tôi hoảng sợ.

Tôi cảm thấy một niềm khao khát mãnh liệt thúc giục tôi hôn cô. Những rào cản trong cảm xúc đã được hạ xuống. Chúng tôi đã mở lòng và chia sẻ tâm tư. Tuy nhiên cô hiện đang có bạn trai và điều đó khiến tôi buồn khôn tả.

Kanae dường như đọc được ý nghĩ của tôi.

“Chúng ta phải làm gì đây?”, cô hỏi.

“Chúng ta chẳng thể làm gì cả. Chúng ta phải quên chuyện này đi. Em có bạn trai rồi mà.”

Mình thực sự đã nói như vậy ư?

“Giờ em nên đi đi”, tôi nói với cô. Bởi vì tôi muốn hôn em quá chừng.

Tôi bị giằng xé bởi những ý nghĩ về niềm vui sướng và cảm giác hoảng sợ. Người con gái trẻ trung xinh đẹp này thực sự có tình cảm với tôi. Nàng có thể đã yêu tôi! Nhưng nàng có bạn trai rồi.

Tôi phải chôn chặt tình cảm của mình thôi.

“Hãy ôm tạm biệt anh và đi lên gác đi”, tôi nói với cô. “Chúng ta cần cầu nguyện để xin sự giúp đỡ của Chúa. Cho dù tình cảm đó là gì, chúng ta cũng cần cầu xin Chúa giúp chúng ta gạt bỏ nó đi.”

Tôi đau khổ và Kanae cũng vậy. Chúng tôi quyết định đường ai nấy đi và tin rằng nếu chúng tôi được sinh ra để ở bên nhau, thì Chúa sẽ tạo ra những phép màu.

Sau khi Kanae rời khỏi phòng, tôi cầu nguyện tại tràng kỷ ít nhất khoảng một giờ, cầu xin Chúa làm cho trái tim tôi bình yên trở lại. Sau đó tôi cầu xin Người giúp tôi ngăn chặn khao khát muốn ở bên Kanae nếu như Người không muốn chúng tôi bên nhau. Tôi cố thuyết phục bản thân rằng nếu Kanae không phải là người dành phụ nữ dành cho tôi, thì chúng tôi sẽ tiếp tục đường ai người nấy đi.

Suốt đêm hôm đó tôi toàn mơ thấy Kanae, mà sáng ra tôi phải chào tạm biệt cô. Trước khi chia tay, tôi, Kanae và Tammy ở trong bếp nói về chuyện đã xảy ra. Tammy xin lỗi vì khi tôi nhắn tin cho chị ấy sau buổi diễn thuyết ở Tháp Chuông, chị đã nghĩ rằng tôi thích Yoshie chứ không phải là Kanae. Chúng tôi chấp nhận lời xin lỗi và bỏ qua cho chị. Sau đó chúng tôi chào tạm biệt nhau. Tôi rời khỏi đó mà không biết liệu tôi có còn gặp lại Kanae nữa hay không, liệu có bao giờ tôi được ở bên cô một ngày nào nữa không. Tinh thần tôi mệt mỏi vì những cảm xúc vui buồn mà tôi đã trải qua trong hai mươi bốn giờ vừa qua. Tất cả những gì tôi có thể làm là để mọi sự cho Chúa quyết định, nhưng ngay cả khi tôi đã xác định như vậy rồi thì tôi vẫn cảm thấy tim mình đau đớn. Tôi cảm thấy có một niềm an ủi rằng Kanae đã thú nhận rằng cô có tình cảm với tôi. Biết được như vậy là điều rất ý nghĩa đối với tôi. Tình cảm của Kanae xác nhận rằng không phải tôi tưởng tượng ra mọi chuyện ở trong đầu hoặc mơ mộng hão huyền.

Bản thân sự thật rằng người con gái trẻ trung, xinh đẹp, tốt bụng và thông minh như Kanae có thể coi tôi là người cô ấy yêu đã là một niềm hạnh phúc đối với tôi rồi, và tôi phải cảm ơn Chúa vì món quà lớn lao đó. Kanae đã gây ấn tượng đối với tôi như người phụ nữ được nhắc đến trong Kinh Thánh, một người vợ hoặc người phụ nữ có tính cách cao quý. Tính cách và niềm tin của Kanae dành cho Chúa đã hấp dẫn tôi.Một phần của việc hành động theo niềm tin trong các mối quan hệ tình cảm là phấn đấu để trở thành người tốt nhất trong khả năng của bạn và tin rằng sớm muộn gì cũng có người đem lòng yêu bạn. Điều đó có nghĩa là tin rằng trong cuộc đời nhất định sẽ có người chú ý đến bạn, nhìn vượt trên những khiếm khuyết và thiếu sót của bạn, và dù bạn không hoàn hảo, người đó vẫn yêu bạn.

Tôi kể chuyện tình của mình để khuyến khích bạn tin vào điều đó. Bạn nên biết rằng nếu tôi có thể có được tình yêu tôi mong muốn thì bạn cũng có thể. Nếu như vậy là chưa đủ thì bạn hãy nhìn ra xung quanh mình. Thế giới này đầy những người không hoàn hảo, những người bình thường, đã tìm được tình yêu và người bạn đời của mình. Tình yêu có thể đến với bạn. Tôi cầu cho một nửa của bạn sẽ sớm tìm thấy bạn, và tôi cầu mong rằng sự gắn bó giữa các bạn mạnh hơn những thách thức mà các bạn sẽ phải đối mặt.
 
×
Quay lại
Top