Giải Lý như bắt tội phạm

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Mùa kiểm tra đang tới, các teen sắp phải đối mặt với những bài kiểm tra cam go, trong đó có môn Lý cực kì khó nuốt, nhất là với các teen khối D.

KenhSinhVien-cach-giai-de-thi-dh-2009-mon-vat-ly-3.jpg

Cùng tham khảo các bí kíp “Giải Lí như bắt tội phạm” để biến môn Lí thành môn gỡ điểm nhé.

Trước hết thì ta cứ coi mỗi bài tập Lí cần giải là một vụ án, trong đó yếu tố cần tìm là một tên tội phạm cần bắt nhé! Để “bắt tội phạm” thành công thì các bạn chỉ cần ghi nhớ mấy điều sau:

1.Biết rõ tên tội phạm cần bắt = hiểu rõ các khái niệm

Muốn bắt được tội phạm thì trước hết chúng ta cần phải biết hắn là ai cái đã, đúng không nào? (không thôi lại bắt nhầm người vô tội đấy). Nếu bạn đọc đề bài nhưng lại không thể xác định được là mình cần phải tìm, phải tính cái gì thì có nghĩa là bạn đang “lơ mơ” về “tên tội phạm” rồi đó. Điều này rất nguy hiểm nhé! Vì vậy bước đầu tiên, các bạn cần nắm rõ các khái niệm cơ bản nhất. Ngó qua mục lục của sách Lí, bạn sẽ thấy các bài học đều được sắp xếp theo những chương, phần rất rõ ràng. Nhiệm vụ của bạn là phải hiểu rõ, trong mỗi bài có những khái niệm gì, có những vấn đề gì. Lấy ví dụ bài Lực hấp dẫn, thì bạn cần hiểu rõ thế nào là: lực hấp dẫn, hằng số hấp dẫn, trường hấp dẫn, trọng trường, định luật vạn vật hấp dẫn. Cần chú ý có khi một khái niệm có nhiều tên gọi khác nhau tùy trường hợp (ví dụ lực hấp dẫn và trọng lực). Bạn nên tìm hiểu các khái niệm ấy theo cấu trúc của bài, chương, phần để những kiến thức trở thành hệ thống. Bước hiểu này là bước đầu tiên và rất quan trọng vì khi hiểu rồi, bạn sẽ tránh được nguy cơ học vẹt, học tủ, học gạo khi các khái niệm, hiện tượng, công thức cứ rối bù lên. Có thể liên hệ với những sự việc xảy ra xung quanh bạn để những điều trong sách gần gũi và thực tế hơn, học dễ vô hơn.

2.Tìm manh mối để xác định tội phạm = nắm vững các công thức cơ bản

Khi đã biết được mặt mũi tên tội phạm rồi thì tiếp theo là phải tìm cách để bắt hắn. Hắn hay xuất hiện ở đâu, hay đi với những tên nào, tất cả sẽ được giải đáp qua mớ công thức thần thánh. Chỉ cần có công thức là bạn sẽ biết ngay, cần bắt tên này thì phải lấy lời khai của tên nào. Càng thuộc nhiều công thức liên quan đến tên tội phạm thì bạn càng có nhiều đường để bắt hắn. Tìm được manh mối rồi thì bạn chỉ việc bắt những tên đồng phạm của hắn khai ra những số liệu có liên quan (đây chính là lí do khiến bạn phải hiểu tất cả các khái niệm liên quan chứ không riêng gì cái cần tìm). Chú ý là phải tận dụng triệt để tất cả những số liệu đã cho, không bỏ sót bất kì “lời khai” nào nhé. Vì nhiều khi để tìm được tên “đầu sỏ” thì phải tìm ra tên đồng phạm khác. Phần công thức là rất quan trọng, được coi là bí kíp vàng để bắt tội phạm đấy. Vì thế bạn cần đầu tư để quyển bí kíp này thật đẹp và tiện dụng, theo đúng nghĩa đen, tức là chọn những tờ giấy bìa cứng thật đẹp theo ý thích của bạn, viết, vẽ các công thức vào đây, trang trí thật nổi bật, thật độc đáo và ngày nào cũng đem ra “ngắm nghía”. Một điều rất quan trọng khi học công thức là hãy chú ý đến đơn vị đo (nhớ nha, trắc nghiệm hay gài lắm đó!)

3.Lên kế hoạch cẩn trọng, tính toán chính xác đường đi nước bước của tội phạm = tính toán cẩn thận

Khi đã tìm ra các manh mối (phần khó nhất rồi đó), hãy lần theo chúng để có thể biết chắc tên tội phạm đang trốn ở đâu. Bước này tuy đơn giản nhưng khá quan trọng vì nó đòi hỏi bạn phải tính toán thật chính xác, cẩn thận. Thông thường thì để giải một bài tập trắc nghiệm, bạn cần phải áp dụng ít nhất là 2 công thức. Nhiều bạn đã tìm ra lời giải, áp dụng đúng bí kíp rồi, cứ tưởng sẽ bắt gọn tên tội phạm, ai ngờ lại để xổng mất vì… tính sai một bước nhỏ xíu (tiếc ghê luôn!). Cho nên tốt nhất là phải tính toán thật chậm rãi, cẩn thận, không nên bỏ qua các bước trung gian (dù đang làm trắc nghiệm) nha các bạn. Có thể nhờ sự giúp đỡ của máy tính nhưng tốt nhất bạn không nên lạm dụng. Hầu như kết quả của các phép tính đều rất ngắn gọn (nhiều nhất chỉ lấy 3 chữ số sau dấu phẩy), nên ta không cần phải thế cả một đống số vừa dài vừa rối vừa dễ sai vào phép tính.

4.Rèn luyện sức lực để đuổi theo tội phạm = chăm chỉ luyện giải bài tập

Chà, đến đây thì có lẽ bạn đã nắm được cách để bắt tên tội phạm rồi đúng không. Nhưng để trở thành một cảnh sát không còn sợ bọn tội phạm thì bạn không chỉ bắt tội phạm một lần thôi. Nghĩa là bạn cần phải rèn luyện thật nhiều để trở thành một cảnh sát giỏi. Muốn vậy thì chỉ còn cách tiếp xúc với những “vụ án” bài tập càng nhiều càng phong phú càng tốt (để tránh trường hợp bạn gặp một vụ án rất quen thuộc nhưng lại không nhớ mình đã bắt tên tội phạm như thế nào). Khi luyện tập thường xuyên như thế, ngoài việc bạn có thể hiểu thêm vấn đề, ôn lại đống bí kíp võ công, rèn luyện khả năng tính toán thần sầu (tính nhanh không dùng máy tính vì số quá quen) thì bạn còn có thể giắt túi thêm nhiều mánh lới – những công thức phụ, cách giải tắt – cho các dạng bài tập trắc nghiệm. Sau một thời gian luyện giải thì bạn sẽ thấy, bí kíp võ công của mình thêm dày và hữu ích đấy.

5.Thư giãn trước trận chiến = ăn no ngủ khỏe trước mỗi giờ kiểm tra

Sau một thời gian văn ôn võ luyện, trước mắt đã là trận chiến sống còn giữa bạn và những tên “tội phạm” Vật Lí. Việc bây giờ bạn cần làm là gì? Học thuộc các bí kíp? Luyện tay bấm máy? Điểm mặt các tên tội phạm? Không cần đâu ạ! Những thứ đó bạn đã làm rất nhiều trong phần luyện tập rồi. Giờ chỉ việc ăn uống no nê, lên gi.ường ngủ một giấc thẳng cẳng, háo hức chờ đến giờ phút truy bắt tội phạm thôi!

Chúc bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở thành cảnh sát giỏi được tuyên dương nhé!

ĐẶNG THANH HÀ

(Lớp báo chí K12, Khoa báo chí&Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM)
 
×
Quay lại
Top