Giai thoại về Công tử Bạc Liêu xưa và nay

bamboo_kute

mất hết niềm tin rùi......huhu...
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/1/2011
Bài viết
1.024
Đã từ lâu, trong dân gian vẫn truyền miệng câu thành ngữ "Công tử Bạc Liêu" để chỉ lối sống phong lưu, phóng túng của những cậu ấm, cô chiêu xuất thân từ tầng lớp quý tộc, đại điền chủ giàu có ở vùng đất Nam Bộ dưới thời thực dân, phong kiến. Nhân vật làm nên linh hồn "Công tử Bạc Liêu" đó chính là Trần Trinh Huy (tên thật là Trần Trinh Quy), sinh ngày 22/6/1900 tại làng Vĩnh Hưng, quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, qua đời tại tư gia ngày 13/1/1974 tại Sài Gòn.

DSCN6944.JPG

Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.
Thời đó, thực dân Pháp đã ổn định về tổ chức của vùng đất thuộc địa Nam Kỳ. Do việc phân chia lại ruộng đất đã làm nảy sinh rất nhiều đại điền chủ ở vùng đất này. Thời đó dân gian đã có câu "nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch" để chỉ 4 vị đại điền chủ giàu có nhất vùng đất Nam Kỳ. Theo phong trào khi ấy, các đại điền chủ, hào phú quyền quý khắp Nam Kỳ thường cho con lên Sài Gòn học ở các trường Pháp, thậm chí du học bên Pháp. Tuy nhiên, hầu hết các vị công tử giàu có này, ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội, sẵn tiền, nên thường đi vào con đường tay chơi để thể hiện mình. Trong số vị công tử ấy, không ai đủ sức xài tiền như các công tử Bạc Liêu. Thành ngữ "Công tử Bạc Liêu" có từ lúc ấy. Về sau, thành ngữ này chỉ dùng để chỉ công tử Trần Trinh Huy vì chẳng công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính và độ phóng túng. Từ đó "Công tử Bạc Liêu" trở thành danh xưng riêng của Ba Huy, không một ai có thể tranh chấp.

Ngoài ra, Trần Trinh Huy còn được gọi bằng nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền), Hắc công tử (do nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử Mỹ Tho-Tiền Giang), trong một gia đình đại điền chủ giàu có vào bậc nhất, nhì vùng đất Nam Bộ thời kỳ đầu thế kỷ XX. Cha của Công tử Bạc Liêu là Trần Trinh Trạch (hay còn gọi là Hội đồng Trạch)-chủ sở hữu 74 sở điền với 110.000 ha đất lúa ruộng, gần 100.000 ha ruộng muối, vài chục căn phố lầu ở Bạc Liêu và nhiều biệt thự sang trọng ở Cần Thơ, Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt....

DSCN6940.JPG


Cuộc đời thật Trần Trinh Huy


Sau 3 năm dùi mài học tập ở Pháp quốc đã không mang về cho gia tộc Trần Trinh một học hàm, học vị nào cả. Công tử Bạc Liêu về nước, hành trang của ông ta là kinh nghiệm nhảy đầm, lái xe và một bầu tâm sự ngày đêm thương nhớ cô vợ đầm và đứa con còn gửi nơi kinh thành ánh sáng Paris. Về nước, Ba Huy có nhiều bà vợ Việt và hàng lố nhân tình nữa. Bà đầu tiên mà Ba Huy cưới tại Bạc Liêu tên Ngô Thị Đen. Bà này ở với Ba Huy sinh được người con gái là cô Hai Lưỡng. Sau cô hai Lưỡng qua Pháp sống. Từ năm 1945, Ba Huy lên Sài Gòn ở hẳn, ông đi chơi ở Mỹ Tho rồi cưới cô Nguyễn Thị Mẹo sinh được 4 người con, đặt tên Hiếu, Thảo, Nhơn, Đức. Bà cuối cùng là một "hoa khôi chân đất" tên là Bùi Thị Ba làm nghề gánh nước mướn. Bà này rất đẹp, nhỏ hơn cậu Ba 40 tuổi. Khoảng năm 1968, cậu Ba ở căn phố đường Nguyễn Du-Sài Gòn. Mỗi sáng đứng trên lầu nhìn xuống thấy có nhỏ con gái gánh nước qua lại đẹp quá, cậu Ba đem lòng cảm mến. Hỏi thăm thì được biết cô gái đó là con ông già làm nghề sửa xe đạp. Cậu Ba tìm đến đặt vấn đề liền, xin đổi căn nhà đang ở lấy cô gái. Từ đó người đẹp gánh nước mướn trở thành phu nhân của Hắc công tử, thủy chung đến ngày ông nhắm mắt. Hai người có với nhau hai cậu con trai và hai cô con gái là Hoàn, Toàn và Trinh, Nữ. Ngoài những bà "chánh thức" vừa kể, những bà “bên lề” và tình nhân thì không sao kể hết. Bên cạnh lối sống phóng túng, phong lưu, cậu Ba Huy cũng là người nhân hậu, sống có tình, có nghĩa, rất rộng rãi, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khi họ gặp hoạn nạn. Tá điền không thấy ông đòi nợ ai bao giờ, ai nghèo quá, năn nỉ ông còn bớt lúa ruộng. Cho nên tá điền ít ai oán ghét Ba Huy. Trong các mối quan hệ xã hội, Ba Huy không sống dè dặt, mưu toan, tính toán thiệt hơn. Trong con mắt giới giang hồ tứ chiếng thời đó, Ba Huy được coi là người "ngon" nhất Nam Bộ không phải bởi cái vẻ hào hoa, sang trọng bên ngoài mà bởi sự khoáng đạt, phóng túng trong cách sống. Trong con mắt người Pháp, Ba Huy được nể trọng vì lấy được vợ đầm và mướn người Pháp làm công cho mình.

DSCN6933.JPG

Những vật dụng mà gia đình ông Trần Trinh Huy đã sử dụng vẫn được lưu giữ đến nay.
Những giai thoại về Công tử Bạc Liêu


Ông Trạch giao cho Ba Huy việc trông coi điền sản. Đi đòi nợ các tỉnh, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922. Loại xe đó cả miền Nam khi ấy chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của vua Bảo Đại. Ba Huy còn thuê một người Pháp làm công cho mình. Đó là ông Henri Espérinas (em rể), chồng cô Tư Nhớt. Ông này làm quản lý, điều hành gia sản cho ông Hội đồng Trạch, dưới quyền Ba Huy. Theo hợp đồng, quản lý được hưởng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Chính vì vậy ông Henri mới bỏ "mẫu quốc" qua làm mướn cho bên nhà vợ, mãi đến tháng 4/1975 mới về nước. Một sự kiện chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay. Và lúc ấy cả Việt Nam cũng chỉ có 2 chiếc là của Công tử Bạc Liêu và của vua Bảo Đại. Một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, Công tử Bạc Liêu hứng chí bay ra biển Hà Tiên chơi, cứ bay mải miết cho đến khi kim báo xăng không còn nhiên liệu, buộc lòng Ba Huy phải đáp khẩn cấp. Xuống đất, Ba Huy hoảng hốt biết mình đã bay sang tận Thái Lan. Trần Trinh Huy bị nhà cầm quyền Thái Lan bắt giữ và phạt 200.000 giạ lúa. Ông Hội đồng Trạch phải cho một đoàn ghe chở lúa thật dài qua tận Thái Lan để chuộc quý tử. Ông là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân và sân bay tư nhân. Ba Huy sinh hoạt cực kì sang trọng và xa hoa. Ra đường là đóng bộ veston, thứ hàng đắt tiền nhất thời đó. Thói quen của Ba Huy là ăn sáng kiểu Tây, trưa ăn cơm Tàu, chiều ăn cơm Tây. Mỗi lần từ Bạc Liêu đi Sài Gòn là ông ta ngồi trên chiếc xe cáu cạnh, có tài xế lái. Khi lên Sài Gòn ít khi Công tử Bạc Liêu ở ngôi biệt thự gia đình mà vào một trong những khách sạn nổi tiếng sang trọng ở Sài Gòn. Có khi hứng chí đi dạo mát , Ba Huy thuê cả chục chiếc xe kéo, ông ta ngồi một chiếc, những chiếc còn lại chở những món đồ như mũ, gậy...

DSCN6937.JPG


Một sự kiện đã tạo thành giai thoại Công tử Bạc Liêu là năm 1929, Bạch công tử (BCT) lập luôn hai gánh cải lương là Phước Cương và Huỳnh Kỳ, mời hai cô đào tài sắc thời đó là cô Năm Phỉ và cô Bảy Phùng Há về thủ vai chính cho hai đoàn. Một lần, đoàn Huỳnh Kỳ có cô Bảy Phùng Há về Bạc Liêu diễn, BCT mời Hắc Công Tử (HCT) đi xem. Đang xem, BCT móc thuốc hút, vô ý làm rớt tờ giấy con công (giấy bạc 5 đồng thời đó), BCT gạt chân HCT kiếm. HCT thấy vậy hỏi: Toa kiếm gì vậy?. Kiếm tờ con công. HCT mỉm cười nói: Để moa đốt đuốc cho toa kiếm. Nói rồi HCT móc tờ giấy bạc bộ lư (mệnh giá 100 đồng) châm lửa soi cho BCT kiếm (thời đó lúa chỉ có 8-9 cắc một giạ). Bị một vố quá mạng, vãn tuồng, BCT nói: Toa chơi moa một cú đau quá. Bây giờ nếu toa ngon, toa với moa cân mỗi người ký đậu xanh, rồi lấy tiền nấu, ai sôi trước người ấy thắng? HCT đâu chịu thua. Tối hôm sau, HCT cho trải thảm đỏ từ ngoài cổng vào tận thềm nhà (nay là Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu), cứ mỗi thước cho một gia nhân cầm đuốc soi đường, nghinh đón phái đoàn của BCT. Hai nồi đậu xanh được nhắc lên bếp, hai chàng công tử lấy tiền ra đốt. Nồi đậu xanh của BCT hôm đó sôi trước. Ba Huy cũng là một kẻ mê cờ bạc, có những khi ông ta đánh một cây bài 30.000 đồng, trong khi lúa chỉ 1,7 đồng một giạ, lương của Thống đốc Nam Kỳ chưa tới 3.000 đồng một tháng.


DSCN6934.JPG


Về thăm Khách sạn Công tử Bạc Liêu


Có một địa chỉ mà bất cứ du khách nào khi đặt chân về Bạc Liêu cũng muốn tìm đến, nghỉ một đêm cho biết. Đó là Khách sạn Công tử Bạc Liêu. Khu nhà cổ tọa lạc ở 13 Điện Biên Phủ, phường 3, thị xã Bạc Liêu-Bạc Liêu là nơi gia đình ông Trần Trinh Huy từng trú ngụ. Ngôi nhà được xây dựng năm 1919 do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng. Nhà có tất cả 2 tầng. Tầng trệt gồm 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh. Chính giữa là cầu thang lên lầu trên gồm 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh, phòng ở hướng đông bắc là phòng của ông Trần Trinh Trạch, phòng đối diện là phòng của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Đây là căn nhà được coi là bề thế nhất không chỉ ở Bạc Liêu mà cả lục tỉnh Nam Kỳ lúc bấy giờ. Từ đó đến nay, gần một thế kỷ qua, căn nhà gần như vẫn giữ được những nét cơ bản của nó. Năm 2003, Công ty Du lịch Bạc Liêu đã đầu tư tu sửa căn nhà nhằm đưa vào kinh doanh văn hóa du lịch. Hiện nay Nhà hàng-Khách sạn Công tử Bạc Liêu được thiết kế 10 phòng nghỉ. Giá phòng từ 200.000 - 240.000đồng/ngày đêm. Chị Võ Kim Cương - Giám đốc Khách sạn Công tử Bạc Liêu cho biết: Từ ngày đưa vào hoạt động, Khách sạn công tử Bạc Liêu luôn đạt công suất khá cao gần 80%. Riêng căn phòng của Công tử Bạc Liêu (phòng 101) có giá thuê 350.000 đồng/ngày đêm, nhưng phải đặt trước từ 7-10 ngày, vì phòng này lúc nào cũng có khách, phần đông là Việt Kiều. Nhà hàng - Khách sạn Công tử Bạc Liêu hiện nay được rất nhiều người dân Bạc Liêu nhất là những đôi uyên ương chọn làm tiệc cưới. Tuy nhiên do qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau mà vật dụng trong gia đình đã thất lạc rất nhiều, nhưng với những gì còn sót lại và được bảo quản như hiện nay cũng đủ nói lên được sự giàu có của gia đình ông Hội đồng Trạch lúc bấy giờ.
Phương Nghi
 
×
Quay lại
Top