Hiểu đúng về một số nghi lễ đêm giao thừa

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Trong đêm giao thừa, người Việt thường có các nghi lễ truyền thống như cúng giao thừa, hái lộc, khai bút, xông đất... Song không phải ai cũng hiểu được các nghi lễ này và thực hiện đúng.


0.jpg


Các lễ này thường được tiến hành vào 12 giờ đêm ngày 30 tháng chạp, tức 0 giờ sáng ngày mồng 1 tháng giêng.

- Cúng giao thừa ngoài trời:

Người xưa có quan niệm mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, nên có tục cúng giao thừa ngoài trời. Tuy vậy, việc cúng ngoài trời chỉ nên tiến hành ở đình, đền, chùa hay những nơi công cộng. Với gia đình, chỉ nên cúng giao thừa trong nhà.

- Cúng giao thừa trong nhà:

Lễ thường được tiến hành vào giờ Chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm hôm 30 tháng chạp. Lễ Trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên lễ này còn mang tên là lễ Giao thừa. Ở nhà riêng, ngoài mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên (hay thờ Phật), người ta thường lập thêm mâm cúng để ở cái bàn con bên dưới. Khi thắp hương vẫn cắm trên bàn thờ, chứ không cắm vào mâm cúng.


dscn7039-jpg-4105-1390634153-7185-1390960452.jpg

Ảnh: Dương Hoàng Hiệp.

- Bày trí bàn thờ ngày Tết:

Chúng ta hay dùng từ “trang trí bàn thờ”, nên thành ra nghĩ rằng càng đẹp càng tốt, càng đầy đủ càng tốt, nhưng thực ra “mâm cao cỗ đầy” lại không có lợi. Thực ra bàn thờ là nơi thờ cúng gia tiên chứ không phải nơi phô trương hay trưng bày. Do vậy những thứ không liên quan đến thờ cúng không bày lên bàn thờ, nhất là giấy công đức ở đình chùa.

Nếu trong gia đình đang đặt bàn thờ gia tiên cùng phật hay thờ mẫu thì cần tách riêng các bàn thờ, trong bàn thờ gia tiên để thấp hơn và tách biệt. Đồ lễ trên bàn thờ, quan trọng nhất là hương hoa, tức hương thắp, hoa quả tươi và nước sạch.

Tuyệt đối cần tránh các loại đồ giả như hoa quả nhựa. Đồ thờ cúng xong rồi nên bỏ xuống để thụ lộc, tránh bày để từ tháng này qua tháng khác. Riêng ngày Tết thì có thể để đồ cúng đến mùng 5. Không nên để lễ mặn lên bàn thờ. Mâm cơm cúng ngày Tết cũng không để trên bàn thờ, mà nên để ở cái bàn con bên dưới.

- Mâm ngũ quả:

Là đĩa đựng năm loại hoa quả khác nhau, thường đặt lên ban thờ hoặc trang trí ở bàn tiếp khách. Nên chọn các loại hoa quả thông dụng, ăn được và đẹp mắt. Nếu bày trên bàn thờ gia tiên, cũng có thể chọn loại hoa quả mà gia tiên thích ăn khi còn sống (nếu có).

Gần đây nhiều người hay gán ghép phong thủy cho mọi lĩnh vực, từ hoa thờ đến mâm ngũ quả theo phong thủy, rồi suy luận không căn cứ. Chẳng hạn lựu, nhiều hạt, tượng trưng cho sự đầy đủ, phát triển; bưởi, dưa hấu, căng tròn, tượng trưng cho sự đầy đủ, may mắn. Cam, nghĩa gốc là đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi lại bị suy diễn thành cam chịu, chuối bị suy diễn thành "củ chuối". Thậm chí còn sa đà vào tâm linh không cần thiết như đếm nải chuối có quả lẻ mới mua, đếm phật thủ có lẻ nhánh mới được hay tổng số quả trên mâm phải hợp mệnh chủ nhà... Chính sự suy luận quá đà làm nhiều người mất thời gian chọn hoa quả để bày trí.

Điều lưu ý là mâm ngũ quả ngày Tết thường để lâu hơn bình thường, do đó không chọn loại chín quá vì sẽ nhanh hỏng, tuy vậy cũng không được chọn quả quá xanh chỉ cốt để cho lâu. Nên nhớ rằng mâm ngũ quả cúng gia tiên thì phải là hoa quả vừa đủ chín có thể ăn được. Nhiều người hay lấy câu "miễn thành tâm là được" để ngụy biện, khi thực hiện lại chạy theo hình thức, khoe mẽ với người ngoài, mà không chú trọng đến chất lượng của hoa quả để thờ cúng. Vì thế, hoa quả tươi mua về, chưa để bày biện thành mâm ngũ quả cũng cần để cẩn thận, trang trọng, chứ không nên "tống" vào tủ lạnh, hay vứt lăn lóc ở góc bếp, rồi đến tối 30 mang ra bày.

- Tục hái lộc:

Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, thành đạt hơn. Lộc là một cành non ở gần đình chùa, được hái ngay phút giao thừa để mang về nhà. Tuy vậy, không nên khuyến khích tục này, bởi lẽ mỗi gia đình đều đã có hoa đẹp cắm Tết như hoa đào, hoa mai… Bẻ các cành non làm cho nhiều cây cối trơ trụi, nhất lại là cây ở đình chùa là không nên. Gần đây, nhiều người cũng đã thay việc bẻ cành lộc, bằng cách mua cây hoa, cây mía…

- Tục xông nhà:

Người xông nhà là người bước chân đầu tiên vào nhà mình sau phút giao thừa. Do muốn được may mắn, mọi người hay tìm người hợp tuổi đến xông nhà Nhưng thuyết về hợp tuổi cũng lắm, nên nhiều người vẫn cứ phân vân không biết mời ai, và rồi nhiều khi đành tự mình xông nhà cho xong. Thực ra bình thường chủ nhà tự xông nhà cho mình cũng được, còn khi vào năm xấu, như năm tuổi, hoặc phạm sao xấu thì cũng nên nhờ người hợp tuổi với mình, hoặc tìm con cháu trong nhà hợp tuổi với mình để xông nhà, sẽ giúp cho mọi chuyện trong năm đó được thuận lợi hơn. Cũng do nhiều người kiêng, chỉ muốn người hợp tuổi xông nhà cho nên sáng mùng 1 cũng ít người đi chúc Tết, vì sợ không hợp tuổi gia chủ, mang lại điềm xấu.

- Tục khai bút:

Ai cũng muốn năm mới vận hội mới, làm ăn suôn sẻ, nên trước giao thừa hay lấy bút, sổ tay mới, mong muốn làm gì trong năm mới thì ghi vào sổ. Qua giao thừa, giờ Tý - Sửu hạ bút và sổ xuống. Khai bút khác với khai nghề, thuần túy là ghi mong muốn của cá nhân, hoặc gia đình vào quyển sổ, vừa để may mắn, vừa tăng quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra.

Theo VnExpress
 
×
Quay lại
Top