Hỏi Hỏi] Quan điểm/tư tưởng triết học của triết gia Trần Đức Thảo?

conechKrongNo

Thành viên
Tham gia
24/4/2012
Bài viết
2
Chào các anh chị,

Em có bài luận về một triết gia tiêu biểu của Việt Nam và các quan điểm triết học của triết gia ấy. Tìm hiểu sơ qua thì thấy tiêu biểu có ông Trần Đức Thảo.

Em cần thông tin tóm lược về tư tưởng triết học của Trần Đức Thảo. Vì các bài báo chủ yếu viết về cuộc sống riêng của ông. Còn đọc các tác phẩm của ông để rút ra quan điểm/tư tưởng triết học thì em chưa đủ trình :(

Nhờ các anh chị chỉ giúp. Em cảm ơn!
 
Em tham khảo bài báo trên dân trí

GS Trần Đức Thảo - Một tài năng triết học nổi tiếng thế giới

(Dân trí) - Việc xuất hiện một tài năng triết học hiện đại ở một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, khoa học chưa phát triển như nước ta là một hiện tượng hiếm lạ.

Một hiện tượng hiếm lạ

Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ngày 26/9/1917 tại xã Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Phụ thân ông là một viên chức nhỏ. Thời trẻ, Trần Đức Thảo theo học Trường Albert Sarraut, đỗ "tú tài Tây" về triết loại loại xuất sắc, vào học Trường đại học Luật tại Hà Nội một thời gian, rồi sang Pháp ôn luyện để thi vào École normale supérieure d'Ulm (Đại học Sư phạm phố Ulm). Đây là một trong mấy grandes écoles (trường lớn) của nước Pháp, nơi từng đào tạo nên nhiều nhà tư tưởng, nhà khoa học lừng danh.

Trường tuyển sinh rất khó, học bổng rất cao. Nhiều chính khách lỗi lạc, nhiều nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel vẫn lấy làm hãnh diện nếu thời trẻ mình từng là normalien - "học trò sư phạm". Một vài trí thức nước ta đầu thế kỷ 20 ưa dùng từ Hán-Việt thường gọi trường này là "tối cao học phủ" của nước "Pháp Lan Tây" (phiên âm đầy đủ từ France)! Trước kia, chỉ một số rất ít người Việt Nam ta như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Duy Khiêm, Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, Trần Thanh Vân(1)... trúng tuyển vào bậc đại học, cao học hay bậc nghiên cứu sinh của trường này. Gần đây, một số nhà toán học trẻ Việt Nam xuất sắc như Ngô Bảo Châu(2), Phan Dương Hiệu(3)... cũng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại đây.

Mấy tháng cuối năm 2007 vừa qua, nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của nhà triết học Trần Đức Thảo, trong giới trí thức nước ta, đã diễn ra một số hoạt động nhằm tưởng nhớ và tôn vinh tài năng cũng như nhân cách của ông, đồng thời, khẳng định một lần nữa những đóng góp quý báu mà ông đã mang lại cho triết học thế giới. Triết học - nhất là triết học hiện đại - là một lĩnh vực khoa học hết sức trừu tượng, đòi hỏi phải có năng lực tư duy khái quát rất cao.
Năm 1939, Trần Đức Thảo đỗ rất cao vào Đại học Sư phạm phố Ulm. Năm 1942, ông tốt nghiệp cao học (diplôme d'études approfondies - DEA) với bản luận văn Phương pháp hiện tượng học của Husserl. Năm sau, ông đỗ thạc sĩ triết học hạng nhất, ở tuổi 26. Cần lưu ý điều này: Kỳ thi để nhận học vị agrégé, mà hồi đầu thế kỷ 20 các cụ nhà ta vẫn dịch là thạc sĩ, là một kỳ thi tuyển rất khó, số người đỗ rất ít, không giống với việc thi cao học (master) mà giờ đây ta cũng dịch là thạc sĩ. Tuy vẫn là tấm bằng mà tiếng Việt gọi là thạc sĩ, nhưng tính chất khác nhau nhiều lắm!

Lúc bấy giờ, một số tờ báo ở Pháp và ở Đông Dương đã coi việc một người Việt Nam đỗ đầu kỳ thi thạc sĩ tại Đại học Sư phạm phố Ulm là một hiện tượng hiếm lạ, biểu hiện của một tài năng xuất chúng. Ngay sau đó, vị thạc sĩ trẻ đăng ký viết luận án tiến sĩ triết học về đề tài hiện tượng học của Husserl.

Lúc bấy giờ, Pháp và nhiều nước châu Âu đang nằm dưới ách thống trị phát-xít Hitler. Giới triết học phương Tây hy vọng có thể khôi phục tinh thần của văn minh nhân loại qua việc nghiên cứu Hegel và Husserl.

Edmund Husserl là một nhà triết học Đức nổi tiếng, bị bọn Hitler cấm giảng dạy tại các trường đại học ở Tây Âu. Người hướng dẫn Trần Đức Thảo viết luận án tiến sĩ là Giáo sư Jean Cavaillès rời bỏ Paris ra "bưng biền" tham gia kháng chiến chống phát-xít. Điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc "nhận đường" của nhà triết học Việt Nam trẻ tuổi.

Nguyện vọng trở về tham gia cách mạng

Năm 1944, Paris giải phóng. Thạc sĩ Trần Đức Thảo được cử làm báo cáo viên chính trị tại Đại hội kiều dân Đông Dương họp trong toà thị chính Avignon, nơi mà ông thị trưởng là một đảng viên cộng sản. Trước Đại hội, Trần Đức Thảo trình bày bản dự thảo cương lĩnh đòi thiết lập nền dân chủ ở Đông Dương.

Cách mạng Tháng Tám thành công ở Việt Nam càng khích lệ ông hăng say hoạt động xã hội. Ông viết tài liệu tuyên truyền, tổ chức các cuộc họp báo để ủng hộ Việt Minh và Chính phủ Hồ Chí Minh. Trong một buổi họp báo, một nhà báo Pháp hỏi: "Người Việt Nam sẽ đón tiếp ra sao khi quân đội viễn chinh Pháp đổ bộ?". Thạc sĩ Trần Đức Thảo trả lời ngắn gọn mà đanh thép: "Nổ súng!"

Tháng 10/1945, ông và 50 kiều bào ta bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam về cái "tội" gọi là "vi phạm an ninh nhà nước". Báo L'Humanité (Nhân đạo) và báo Les Temps modernes (Thời hiện đại) đăng bài phản đối hành động đàn áp đó.

Ba tháng bị đoạ đày trong xà - lim kín mít khiến cho ông thấm thía nhiều điều. Ra tù, ông liên tiếp viết bài cho nhiều tờ báo Pháp, bác bỏ những luận điệu vu khống Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1946, trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp, ông bày tỏ với Chủ tịch nguyện vọng sẽ trở về nước tham gia cách mạng ngay sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ.
Tháng 8/1951, cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng dày 368 trang, luận án tiến sĩ của Trần Đức Thảo, được Nhà xuất bản Minh Tâm in ở Paris.

Tác phẩm triết học kinh điển

Mấy tháng sau, thực hiện lời hứa của mình trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông rời nước Pháp trở về Tổ quốc qua đường London - Prague - Moskva - Bắc Kinh - Tân Trào. Ông trở thành một vị giáo sư đại học giữa rừng già chiến khu và, năm 1953, làm việc tại Văn phòng Tổng Bí thư, dịch tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Trường Chinh ra tiếng Pháp.

Ông còn được cử làm Uỷ viên Ban Văn - Sử - Địa (tiền thân của Viện Khoa học xã hội Việt Nam), Phó Giám đốc Trường đại học Sư phạm văn khoa, rồi chủ nhiệm Khoa Sử Trường đại học Tổng hợp (tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trong những năm 1958-1965, mặc dù phải chịu đựng nhiều nỗi đau buồn, ông vẫn tập trung nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của Marx, Engels và Lenin, rồi trở thành chuyên viên cao cấp của Nhà xuất bản Sự thật - Chính trị quốc gia.

Có thể nói, công trình triết học đầu tiên của Trần Đức Thảo gây tiếng vang lớn trong giới học thuật phương Tây là cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật bịên chứng. Theo Bernard và Dorothée Rousset viết trong cuốn Dictionnaire des phylosophes (Từ điển các nhà triết học) do Nhà xuất bản Đại học ở Paris in năm 1984, thì cuốn sách ấy của nhà triết học Việt Nam là "một tác phẩm gây sửng sốt" mà tính táo bạo trong cách nhìn và sự sáng tỏ trong cách diễn đạt đã nhanh chóng được coi là "kinh điển"... Cuốn sách "đóng vai trò quan trọng trong việc đào luyện nhiều nhà triết học trẻ"...

Từ điển các nhà triết học là một công trình hàn lâm đồ sộ, dày 2.725 trang, giới thiệu thân thế và sự nghiệp của các nhà triết học trên thế giới từ thời cổ đại cho đến thời nay. Có những tên tuổi chỉ được dành cho 2-3 dòng ngắn ngủi. Nhưng Trần Đức Thảo được trang trọng giới thiệu tới 3 trang khổ lớn.

Để lại dấu ấn trong cả một thế hệ trí thức Pháp

Năm 1973, Nhà xuất bản Xã hội ở Paris in cuốn sách chuyên khảo Nghiên cứu nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức của Trần Đức Thảo, dày 344 trang. Lời giới thiệu của nhà xuất bản cho biết: Nhà triết học Việt Nam đã để lại dấu ấn "trong cả một thế hệ trí thức Pháp qua những bài giảng của ông tại Đại học Sư phạm phố Ulm cũng như qua cuốn sách in năm 1951" (tức cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng).

Nhiều tiểu luận triết học của ông được in đều đặn trên tạp chí La Pensée (Tư duy) ở Paris.

Năm 1978, Nhà xuất bản Goldolat ở Budapest (Hungary), dịch từ bản tiếng Pháp và in cuốn Nghiên cứu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức của Trần Đức Thảo, rồi đề nghị ông viết một cuốn sách khác cũng về triết học. Một nhà xuất bản ở Mỹ, ngay sau đó, dịch (cũng từ bản tiếng Pháp) và in cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng của Trần Đức Thảo. Một số tác phẩm của ông được in lại tại Anh, Đức, hoặc được dịch sang tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha...

Giới triết học Đức mời Giáo sư Trần Đức Thảo sang Berlin để trao đổi ý kiến về vấn đề con người.

Cuối năm 1988, cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa "lý luận không có con người" (Le Problème de l'homme et l'antihumanisme théorique) viết bằng tiếng Việt và được chính tác giả dịch sang tiếng Pháp, đề cập nhiều vấn đề triết học hiện đại theo quan điểm mác-xít, được in tại TP Hồ Chí Minh.

Khoả lấp nỗi buồn bằng nghiên cứu khoa học

Đến với triết học duy vật biện chứng từ những năm trẻ trung sôi nổi nhất, và rồi, trong những năm đau buồn cay đắng về sau, ông vẫn không vì thế mà quay ra "đốt cháy" những gì mình từng "tôn thờ" thời trẻ. Nhân cách ấy, sự nghiệp ấy rất đáng để cho ta suy ngẫm.

Còn về đời tư, thì có thể nói vắn tắt, ông là người kín đáo, trầm tư, đãng trí, sống giản dị, thanh bạch. Dù có lúc do sự hiểu lầm mà bị đối xử bất công, ông vẫn không hề tỏ ra hằn học, oán thù, luôn lấy lòng đam mê nghiên cứu để khoả lấp nỗi buồn riêng...

Trong một đợt đi công tác ngắn hạn tại Pháp, lưu trú ở nhà khách Đại sứ quán Việt Nam, không may lâm bệnh, Giáo sư Trần Đức Thảo đã đột ngột qua đời hồi 8 giờ 10 phút ngày 24/4/1993, tại Bệnh viện Broussais, Paris, thọ 76 tuổi.

Tháng 2/2000, ông được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình Nghiên cứu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức. Dù gặp nhiều trắc trở nhưng, cuối cùng, giá trị khoa học đích thực của công trình nghiên cứu mà ông là tác giả cũng được xã hội ta thừa nhận.


Hàm Châu
 
Bao giờ em cần tài liệu của môn tiểu luận này.
Em cảm ơn anh! Em cần hoàn thành môn này trước thứ Ba tuần sau (1/5/2012). Em có đi dò ở nhiều forum nhưng mà ko có tư liệu.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top