Hồng Loan: “Ngồi khóc trên cây”- truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh

ThuTrang291

Detective
Thành viên thân thiết
Tham gia
9/11/2013
Bài viết
556
“Khi tôi nhận ra mình đã ở quá xa sân ga của tuổi nhỏ. Và tôi viết Những cuốn sách để kéo chúng gần lại”.
photo+(7).JPG
Và nhờ thế, khi đọc tác phẩm mới “Ngồi khóc trên cây” của anh, ta lại như ngược chuyến tàu thời gian trở về tuổi thơ gần thêm một chút. Vẫn hồn nhiên trong trẻo như bao truyện khác của NNA, dường như truyện này có vẻ nhiều kịch tính hơn. Có những chỗ lúc đầu làm người đọc bi quan, tiếc nuối, nhưng rồi lại được giải quyết một cách có hậu như một sự hoang đường trong cổ tích, có Bụt, có Tiên hoá giải tất cả. Nó đem đến cho ta niềm tin khi mà hi vọng tưởng sắp lụi tàn.
Đông, tên cậu con trai mới lớn rời làng Đo Đo lên sống ở thành phố cùng gia đình. Hình như làng quê cũ luôn ám ảnh, đi về trong tâm thức nhà văn, nên hầu như cái tên làng là lạ này luôn được nhắc đến trong nhiều truyện của NNA.
Trong lần về thăm quê, gặp và trò chuyện với những người em họ, Đông nhớ lại những trò con nít thuở xưa. Đông thả lỏng tâm hồn, nhìn cậu em tên Thục, nhặt nắp keng về đổi chác những vật dụng lẽ ra mua bằng tiền như dây thun, kẹo đậu phộng…Đông bất giác thấy tuổi thơ thật vô tư, êm đềm. Và Đông tình cờ gặp một cô bé bị những đứa trẻ bắt nạt, bị tranh cướp ngay cả những niềm vui nhỏ nhoi ấy. Cô bé tên Rùa, khoảng 14 tuổi , tóc vàng cháy, người gầy gò lép kèm kẹp.
Ban đầu chỉ là thương cô bé bị bạn bè nhỏ tuổi hơn tỏ thái độ kì thị. Nhưng càng tiếp xúc với Rùa, cá tính của nó càng lôi cuốn Đông. Đông thấy một thứ tình cảm khác lạ dâng lên tràn ngập tâm hồn. Cô bé bị những tay săn thú rừng ghét cay ghét đắng, doạ dẫm, tung tin này nọ. Rùa vẫn sống tự tin, lạc quan. Nó có những người bạn trong rừng như con Tập tễnh (con nai bị què chân khi vùng vẫy thoát khỏi bẫy của phường săn), con Miếng Vá (con khỉ), con chồn, con nhím…
Người đọc cũng dễ dàng nhận thấy nhân vật Rùa được xây dựng để thuyết minh cho tác giả về ý thức bảo vệ rừng, thân thiện với môi trường. Nhưng cái cách viết theo đề tài không hề lộ liễu mà người đọc vẫn nhận được thông điệp cần thiết. Tuy đôi lúc người ta thấy hành động nhân vật dường như có vẻ lí tưởng trên mức bình thường nhưng vẫn dễ dàng chấp nhận bởi sự hồn nhiên, nhẹ nhõm của cách diễn đạt rất tâm lí của nhà văn đang “cố kéo” tuổi thơ xích lại gần thêm.
Sự hấp dẫn của câu chuyện dựa trên những tình huống gây hồi hộp, tiếc nuối:
Lần thứ nhất: Đông tưởng thật cái tin Rùa là người em con của chú mình (thời trai trẻ ông nội Đông với bà nội Rùa có chung một người con ), do vậy Đông đã tránh gặp Rùa suốt ba năm thay vì hẹn sẽ về thăm sau ba tháng. Đông bứt rứt, buồn thương áy náy với tất cả cung bậc tình cảm của cậu con trai mới lớn mang cảm giác tội lỗi khi trở về thăm quê mà thực ra không dứt được Rùa.
Rùa ngồi trên cây dõi theo mọi đổi thay của Đông mà nước mắt tuôn rơi,
Lần thứ hai: Sau khi cởi bỏ được nỗi niềm oan trái ấy (bà nội Rùa phải tráo con cho người khác để làm việc nghĩa), Đông lại về thăm Rùa như một người sắp từ biệt người yêu khi mang trong mình mầm bệnh ung thư máu. Đông không muốn cho Rùa biết, nên Rùa nghĩ Đông thay đổi. Rùa không biết rằng Đông cũng tái tê chẳng kém
Lần thứ ba: Khi Đông được bác sĩ hội chẩn khẳng định kết quả xét nghiệm sai. Rằng cậu chỉ suy nhược cơ thể , Đông hối hả về thăm Rùa, thì trớ trêu thay, Rùa mới mất cách đó hai hôm do cứu người rồi bị lũ cuốn trôi.
Lần này thì Đông leo lên cây Rùa thường ngồi và khóc thầm thương Rùa bất hạnh
Ý nghĩa của tên truyện“Ngồi khóc trên cây” có phải là nói về nỗi niềm của những rung động đầu đời một cách thơ ngây của những đứa trẻ chăng?
Truyện lần lượt khép lại các sự việc một cách có hậu.
Những tay săn thú rừng giải nghệ trước tấm lòng yêu quý bảo vệ thú cưng của Rùa, sau một lần buột miệng nói về cái chết của cha Rùa một cách bịa đặt.
Đông không có quan hệ huyết thống với Rùa cũng như không bị bệnh hiểm nghèo, Và nhất là Rùa bị lũ cuốn dạt vào góc rừng, được các con thú Rùa từng chữa trị cho, cứu sống, mà tình cờ Đông nhớ Rùa đi vào những lối cũ ở rừng, nơi Rùa từng đi thì bất ngờ nghe tiếng đọc những câu đồng dao quen quen và gặp lại Rùa.
Các tình tiết được xây dựng theo tình cảm non trong đầu đời của tuổi tập làm người lớn của trẻ con. Một thực tế không thể nói là không có trong tuổi trẻ, nhất là hiện nay. Có lẽ câu chuyện khiến những người làm công tác giáo dục không thể nhắm mắt làm ngơ, để trẻ lúng túng với những tình cảm tự nhiên như một tội đồ. Tính giáo dục của tác phẩm nằm ngoài những chuẩn cứng của sách giáo khoa, nhưng nó là phần mềm không thể thiếu trong kĩ năng hình thành ở trẻ nhân cách, tình cảm đẹp, lối suy nghĩ phản biện…rất tích cực.
Gấp cuốn sách lại rồi, người đọc vẫn văng vẳng nghe những cuộc đối thoại, trò hờn dỗi con nít, những suy nghĩ về cuộc sống, quan niệm rất hồn nhiên mà cũng thật nhân văn của tuổi thơ.
Có thể ai đó sẽ gặp lại mình trong tuổi thơ đã xa lơ xa lắc rồi!

Nguồn: Blog của Hồng Loan https://hongloan1103.blogspot.com/2013/10/ngoi-khoc-tren-cay-truyen-dai-cua.html
 
×
Quay lại
Top