Khi tôi sinh ra không giàu

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Năm tuổi, tôi cắp bên hông thằng em xanh xao, ẽo uột lượn lờ trước cửa phòng học chất kín những đứa trẻ với cặp mắt thèm thuồng. Tôi chưa đến tuổi đi học nhưng thay vì được đến mẫu giáo với những thứ trò chơi đủ màu xanh đỏ, những bài hát vui nhộn, những phiếu bé ngoan vào cuối tuần như bao đứa trẻ đồng trang lứa khác, tôi phải quanh quẩn trong cái phạm vi chật hẹp của khu tập thể, những dãy phòng học cũ kỹ của một ngôi trường nằm khuất trong xóm lao động nghèo với nhiệm vụ duy nhất là bồng bế và bảo vệ đứa em hay đau ốm của tôi. Không có nó lẽ ra tôi đã được ngồi ngay ngắn cạnh một chiếc bàn xinh xắn nào đấy và bi bô đọc chữ. Đã có lúc tôi thấy thù hận nó bởi nó đã nheo nhéo khóc dù tôi đã xin phép cô được đem nó vào cạnh bên trong lớp học, nó xé tập vở của đứa bên cạnh, thậm chí nó tè cả trong lớp cô cũng bỏ qua. Cô thương tôi chưa đủ tuổi vừa phải trông em nhưng lại học giỏi nhất lớp. Nhưng đến cái lần sau khi nó ốm nặng phải đưa đi Sài Gòn, khi về nhà, ngay ngày đầu tiên tôi có thể cắp nó khoẻ mạnh đến lớp để theo học tiếp thì nó không chịu ngồi yên một chỗ nữa. Nó bò loanh quanh ngoài hiên, rồi sau đó .. rất thơ ngây nó chập chững đi vào lớp vừa tiến về phía tôi vừa gọi tên. Cái đáy quần thun trĩu xuống gần đụng sàn. Và cứ thế sau lưng nó giữa khoảng cách được tính từ chân phải sang chân trái nó "vô tư" để lại một thứ chất nhầy nhụa làm cho người ta ghê người. Cái mùi khủng khiếp ấy bốc lên làm cả lớp bỏ chạy tán loạn. Cô giáo ngay lập tức ra lệnh cho tôi phải dọn dẹp sạch sẽ lớp học trong một khoảng thời gian càng ngắn càng tốt. Và sau đó là quyết định tôi sẽ không được theo học trong lớp nữa bởi vì em tôi đã gây ra quá nhiều rắc rối. Ba tôi dù là đồng nghiệp của cô cũng không thể cứu vãn tình hình. Thế là từ đó tôi vẫn phải thường bế thằng em đáng chán ấy ngấp nghé ngoài cửa lớp học mỗi ngày - càng thèm thuồng học chữ, tôi lại càng cảm thấy "căm ghét" em tôi.



oOo

Mẹ tôi làm việc ở đoàn văn công tỉnh, gánh chè đi bán ngoài chợ. Một công việc mới lạ hoàn toàn không phù hợp với trình độ hay cả vóc dáng của mẹ tôi nhưng bà vẫn phải lựa chọn. Dù sao thì cái công việc tầm thường ấy cũng dành cho mẹ một khoảng thời gian để chăm sóc gia đình, để lo lắng cho ba chị em tôi thay vì những buổi tập, những chuyến lưu diễn kéo dài từ sáng cho đến tận đêm khuya, thậm chí là từ ngày này sang hôm khác không có phút nghỉ ngơi - Cái công việc kéo mẹ tôi ra xa gia đình, xa sự lo lắng thường trực của một người mẹ. Đó là bước chuyển biến lớn lao trong đời mẹ tôi. Thời ấy người ta sống cực khổ, âm nhạc đâu làm nên cái no, đồng lương của ba tôi mỗi tháng chắt bóp cũng quá khiêm tốn. Xung quanh chúng tôi ai cũng hối hả tìm cách để kiếm tiền, càng nhiều càng tốt, bằng đủ mọi thứ nghề. Mẹ tôi ngoài sắc đẹp trời phú, một giọng hát quyến rũ, một ngón đàn tuyệt diệu .. mẹ chẳng có thứ gì đáng giá bằng vật chất để làm vốn buôn bán lớn. Hồi ấy tôi còn quá nhỏ, bây giờ lớn rồi tôi mới hiểu tại sao mẹ tôi lại chọn lựa cái nghề nhọc nhằn ấy .. thì cũng từ chữ yêu thương chồng con mà ra cả. Giá như ngày ấy mẹ tôi vẫn giữ lấy nghề xướng ca mà người ta vẫn cho là bạc bẽo kia thì gia đình tôi hẳn đã rách tan ra như cánh buồm vốn đã xơ xác mà người ta còn đem giăng ra trước gió biển lồng lộng.

Vẫn năm tuổi, gia đình có nhiều sự đổi thay. Bên hông trái vẫn là thằng em ốm đau, bên hông phải còn trống không tôi cặp thêm một rổ bánh cam đem bán trước cổng trường. Khi trời còn mờ sáng em tôi chưa thức, tôi ngoe nguẩy cái xô nhôm đi về xóm dép lốp lấy bánh - đếm cẩn thận rồi lại len qua những ngõ hẻm chật hẹp, ấm ướt, ngập rác những buổi trời có mưa, về nhà, đón lấy em từ tay mẹ sau khi nó đã được ăn no. Kiếm một chỗ ngồi dựa vào trụ cổng từ đó cho đến khi chiếc xô nhôm có đậy cái rổ nhỏ trống không. Tôi sẽ ra về sung sướng, một tay bế em, một tay vừa cắp cái xô vừa bấu chặt vào mấy đồng bạc nhơn nhớt mồ hôi mà tôi đã cẩn thận cho vào một cái túi nhỏ mẹ khâu bên trong lưng quần đen ống rộng được sửa lại từ quần của mẹ.

oOo

Có mấy mùa lá bàng đã rụng, khi tôi đã được đi học, khi tôi đã nhẵn mặt với rổ bánh cam ở cổng trường với số tiền lời đã lớn hơn mức ban đầu. Nghĩa là tôi ranh ma và biết tính toán hơn thì nhà tôi chuyển đi nơi khác. Và tôi đành phải chia tay với cái trụ cổng quen thuộc tôi vẫn ngồi tựa vào mỗi ngày. Năm đó tôi tám tuổi. Gia đình tôi chuyển đến một nơi cách xa thành phố, sống trong một căn nhà lợp tranh, bốn vách làm bằng thân nứa, riêng bếp thì làm bằng đất trộn rơm. Nước phải quay từng thùng từ một lỗ giếng đen ngòm và thắp đèn dầu thay cho điện. Hoàn cảnh buộc cả năm người chúng tôi phải nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Dù sao đây cũng là mảnh đất riêng của gia đình tôi, thực sự độc lập, không ràng buộc với ai, không nương nhờ ai cả. Thế đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Mẹ vẫn bán chè, chỉ thay thế đôi quang gánh bằng cách buộc nồi chè vào yên sau của chiếc xe đạp cà khổ màu xanh nước biển. Tôi thôi bán bánh cam để phụ ba làm vườn, dẫy cỏ trồng những thứ rau, đậu thu hoạch theo mùa xen giữa những hố cà phê thấp lè tè còn rất nhiều năm nữa mới đến vụ thu hoạch.

Mảnh vườn, căn nhà đã đón nhận tôi nhưng bạn bè ở lớp học mới thì hoàn toàn ngược lại. Sai lầm là ở chỗ ba tôi đã gởi tôi vào một trường tiểu học danh tiếng chỉ với quyển học bạ với hai năm liên tiếp là học sinh giỏi của tôi, mà không nghĩ đến việc tôi sẽ là người trông thế nào trong một trường học ở trung tâm vốn chỉ dành cho những đứa trẻ con nhà giàu có. Ngày đầu đến lớp, bộ quần áo đẹp nhất của tôi bỗng trở nên xấu xí vô cùng trước những chiếc áo đầm voan đủ màu xinh xắn của bọn con gái cùng lớp. Còn bọn con trai tinh nghịch kéo cái đuôi tóc tôi cháy nắng màu nâu bắp. Chúng vênh váo chìa trước mắt tôi những cây bút kim tinh đắt tiền cười cho cái cây bút lá tre cổ lỗ chấm mực của tôi. Tôi dửng dưng ngồi ở cái chỗ ngồi cô đã sắp đặt cho tôi; mắt tôi dán chặt vào bảng. Một con nhỏ tự giới thiệu là Diên từ bàn trên quay xuống, khuôn mặt trắng trẻo xinh xắn kênh lên, nó hất cái cằm nhỏ nhắn hỏi tôi:

- Ba mày có "xe ụn" không?

Tôi ngơ ngác nhìn nó. Từ khi tôi lớn tôi chưa bao giờ nghe đến cái danh từ xa lạ kia. Tôi tò mò hỏi:

- Nó là cái gì?
Diên lấy cây thước kẻ gõ vào tay tôi một cái rõ đau cong cớn:

- Sao mày ngu thế! Xe ụn là xe máy có cái bình xăng to đằng trước, màu đen, máy nổ bình bịch đấy.

- Không, nhà tớ chỉ có xe đạp thôi.

- Xì .. thế thì tao không chơi với mày đâu. Tao chỉ chơi với đứa nào có ba đi xe ụn thôi.

Tôi đã từng nhìn thấy chiếc xe ấy chạy xập xình trên phố mà chỉ không biết tên thôi. Nhưng chưa một lần tôi được ngồi trên tấm nệm bọc da đen thật êm kia, thậm chí cả bình xăng to phía trước cũng không nốt. Tôi không hiểu nó quan trọng đến thế nào mà nhỏ Diên tuyên bố sẽ không thèm chơi với tôi cho đến khi nào ba tôi có được chiếc xe giống như ba nó. Tôi đem ch.uyện ấy hỏi ba, ba tôi bảo:

- Chiếc xe ấy đắt lắm. Phải góp rất nhiều tiền, rất nhiều những đồng tiền mà sau những lần bán bánh con có được đến khi nào đầy cái lu đựng nước nhà mình thì sẽ đủ.

Chiều, tôi đứng tần ngần nhìn vào cái lu đất cao gần bằng mình ước lượng. Và tôi nhận ra rằng chỉ có chuyện cổ tích mới đem đến cho tôi đủ một lu đầy tiền để mua xe ụn. Thế là mỗi ngày tôi vẫn vui vẻ ngồi sau cái yên xe đạp đòn dong của ba có cột cái đệm nhỏ mẹ tôi nhồi bằng vải vụn cho đỡ ê mông, tíu tít đủ chuyện đến trường. Bỏ qua những lời châm chọc của Diên, im lặng cả trong những buổi hát đầu giờ khi mà tất cả đều biết hát những bài hát từ mẫu giáo còn tôi thì không.

Giờ chơi, tôi thèm thuồng đứng nhìn lũ bạn cùng lớp xênh xang nắm tay nhau ra căntin trường. Hồi ấy như bao đứa trẻ khác, tôi mê ăn kem lắm. Thấy kem là mắt tôi cứ sáng rực lên, nước miếng nếu tôi không nuốt ực xuống thì hẳn nó đã trào ra hai mép. Sở thích của tôi cũng giống những đứa trẻ đang mút những cây kem xanh đỏ ngoài sân trường kia, nhưng chỉ khác một điều là tôi không có tiền để mua chúng. Ba mẹ tôi quá vất vả để có thể cho tôi tiền quà mỗi ngày. Đó là thứ xa xỉ mà không ai trong gia đình tôi nghĩ đến. Tôi đã từng nhiều lần chịu đựng như thế, đứng trong ngạch cửa nhìn ra và nghĩ về sự thiếu thốn của mình. Cho đến một lần khi nhỏ Liên cầm một cây kem dâu màu hồng thơm lựng đến đứng cạnh tôi thì tôi không còn đủ ý chí để bắt "con thèm" trong tôi trốn sâu vào ruột gan như mọi lần tôi đã làm được. Tôi nhìn cây kem trân trân, rồi tôi nhìn Liên, lại nhìn cây kem .. Cuối cùng tôi mở miệng ấp úng:

- Có .. ngon không? Liên!

Cô nhỏ mở lớn mắt kênh kiệu gật đầu. Cái gật càng làm tôi nôn nao tợn. Tôi cứ nuốt nước miếng ừng ực:

- Liên, .. cho tớ một .. miếng nhé!

- ..

- Chỉ liếm một cái thôi, tớ thề đấy - chỉ một thôi ..

Nhỏ Liên ngừng mút kem, trợn mắt nhìn khuôn mặt thảm hại của tôi .. Rồi nó co những ngón tay thành một nắm tròn và .. đấm thẳng vào mặt tôi. Tôi té nhào xuống đất và nó phá lên cười sằng sặc. Khi tôi lồm cồm bò dậy th.ì vòng tròn xung quanh đã kín những đứa trẻ lớp tôi có, lớp khác có. Liên đang kể cho bọn chúng nghe tôi đã nói gì bằng cái giọng trẻ con the thé. Chúng cười rú lên:

- Xem kìa. Đi xin ăn .. lêu lêu .. xấu hổ thế .. lêu lêu ..

- Kem này, tao cho mày liếm một cái đấy ..

Có đứa nào đó giơ cây kem ra trước mắt tôi rồi vội vã rụt lại, thè lưỡi liếm để lôi cục tức của tôi ra khỏi cổ họng.

.. Tôi đã không lao vào đánh chúng nó như trong đầu tôi nghĩ thế. Tôi tiu nghỉu trốn vào chỗ ngồi của mình, khuôn mặt lầm lì, đôi môi mím chặt và tôi đã không khóc ở lớp, trước mặt bạn bè cho đến lúc ba đến đón, khi ba nhìn thấy cái dấu bầm be bé trên má tôi và hỏi vì sao, thì tôi không chịu đựng được nữa. Tôi ôm lấy chân ba và khóc, khóc rống lên. Ba đã để cho tôi khóc rất lâu cho đến khi mọi việc đã tan biến hết theo những giọt nước mắt .. Ba mua cho tôi một cây kem dâu thật to, ngậm vào lạnh tê nơi đầu lưỡi. Tôi một tay ôm hông ba, một tay đưa kem lên miệng mút lấy mút để .. Chiều về nhập nhoạng trên con đường đất đỏ hai bên phơi phới cỏ tranh dẫn về căn nhà bé nhỏ của tôi. Tôi thấy mình bình yên.

Tôi vẫn bị bọn cùng lớp đem ra làm trò cười sau lần ấy. Thấy tôi là bọn chúng tru tréo lên, còn tôi sau khi ba giảng giải cho tôi nghe tôi cần phải làm gì ở lớp thì tôi bỏ ngoài tai tất cả. Tôi đã từng ra chợ, đã từng buôn bán từ lúc năm tuổi, tôi có đủ suy nghĩ để kiềm chế mọi nỗi tức tối mà bọn trẻ ấy đem lại cho tôi .. Tôi cần phải học thật giỏi, ba tôi bảo thế .. Và tôi đã hoàn thành nhiệm vụ ba giao một cách xuất sắc. Tôi được lên lớp bốn với danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Ngày tôi đứng trên bục chào cờ nhận thưởng tôi nhìn xuống những đứa đã từng trêu chọc, đã từng đấm vào mặt tôi với đôi mắt kiêu hãnh. Tôi biết chúng thèm biết bao cái vị trí của tôi lúc này hệt như tôi đã từng chết thèm vì cây kem, cây bút máy đẹp đẽ của chúng, mà biết đâu cái thèm của bọn ấy lại còn to hơn của tôi thì sao.

Tôi "vênh váo" vào lớp bốn chưa được bao lâu thì lớp tôi có thêm một thành viên mới. Nó là một đứa con gái to gấp ba tôi và hơn tôi hai tuổi. Nó ngồi cạnh tôi một thời gian tôi phát hiện ra nó học hành vô cùng lẹt đẹt. Tôi đâm ra xem thường nó và nó cũng chưa một lần bắt chuyện với tôi. Trừ tôi nó nhanh chóng kéo được những đứa trẻ cùng lớp về phía nó. Lý do rất đơn giản. Nó to con và nhà rất giàu - nghĩa là nó ăn mặc rất đẹp và có rất nhiều tiền để ăn quà. Đứa theo nó vì sợ, đứa thì lại quen thói xu nịnh, có đứa chẳng biết lý do vì sao? Còn tôi thì bất cần. Tôi đã "chủ trương" là không tức giận cơ mà.

Nhưng rồi cũng đến một ngày tôi nhận ra mình cũng là một đứa bé con như bao đứa bé con khác, và rằng tôi không phải là thần thánh. Đó là sau lần con nhỏ lớn xác ấy chặn tôi ở sân trường khi tôi còn đang quanh quẩn đợi ba đến đón sau giờ học. Nó đã đánh tôi một trận bầm dập vì tôi đã dám mách cô rằng nó đã vẩy mực vào bài kiểm tra học kỳ của tôi khi tôi cố tình không cho nó coi cọp và cả khi tôi doạ sẽ mách cô giáo. Nó không thương tiếc đấm vào bụng tôi một cái đau đến tận đỉnh đầu. Tôi đã mách cô giáo thật và hình phạt của cô dành cho nó càng khiến nó thêm tức tối.

Sau lần tôi bị nó trả thù tôi không mách cô giáo nữa nhưng ôm mối hận ấy hăm he sẽ ném về phía nó một lúc nào đó thuận tiện. Mọi sự thành được sau khi ba chuyển giao tôi cho chị gái chở đi học mỗi ngày. Chị tôi lúc ấy học lớp bảy, trường cấp II của chị cùng tên sát cạnh trường tôi. Chị gầy như một cái que, đạp xe một mình đã là một sự nặng nhọc, nay thêm tôi sáng thì ngược gió, trưa về thì nắng chang chang và bụi thốc mùi trời chị đâm ra cáu bẳn. Tôi rất sợ chị nổi giận vì những lúc như thế chị sẽ không thương tiếc ném tôi xuống lề đường và cho tôi đi bộ về nhà. Mà từ trường trung tâm về nhà tôi xa lắm, còn tôi thì lại quá bé nhỏ .. Mỗi lần ngồi sau chị là tôi lại nơm nớp lo sợ, chị giao cho tôi một nhiệm vụ là giữ chiếc mũ rộng vành của chị cho gió không thổi bay được. Hôm ấy đường về gió hiu hiu và bỗng nhiên tôi cảm thấy buồn ngủ. Tôi thiu thiu, gật gù sau chị cho đến khi một cơn gió thốc mạnh qua và cái mũ của chị bay tung lên. Chị hét á một tiếng, tôi bừng tỉnh và chẳng kịp suy nghĩ là chiếc xe đang chạy xuống dốc với tốc độ khá nhanh, chỉ có nỗi sợ chị tôi nổi giận là tồn tại .. Tôi co cẳng nhảy xuống xe .. Bịch .. Tôi nằm sóng xoài trên mặt đường. Cái mũ của chị gió cuốn xoay tròn giữa trước mắt tôi .. Tôi nhổm dậy nhưng cảm thấy tay trái đau kinh khủng. Tôi cố đưa nó lên xem và tái xanh mặt mũi khi thấy nó đung đưa, lỏng lẻo một cách đáng sợ .. Trưa ấy tôi về nhà muộn với một cánh tay trái bó bột trắng phau.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu được là tại sao sau tai nạn tôi lại bỗng dưng trở nên hung dữ một cách đáng sợ. Tôi thôi hiền lành trốn ở chỗ ngồi của mình trước những trò trêu chọc của chúng bạn. Điều đó bắt đầu khi sáng hôm sau đến lớp với một cánh tay không còn lành lặn. Lớp học có vẻ sợ cánh tay ấy - tôi nhận ra ngay điều ấy. Và thế là chúng càng nhích ra xa tôi lại càng tiến đến gần, gí cái tay băng bột vào mặt chúng và cười hềnh hệch. Đứa nào cũng rúm lại, chỉ có nhỏ Quỳnh dám gọi tôi là "con què" - Tôi lại càng thù nó hơn. Và tôi đã có dịp trả thù nó khi không hiểu lý do vì sao mà vài ngày sau nó cũng đến lớp với cánh tay băng bột hệt như tôi - nghe đâu là ngã từ trên gác xuống. Tôi nghĩ đây là lúc tôi và nó ngang sức nhau. Và cũng có thể cộng thêm cái hung hãn của tôi sau tai nạn, cộng thêm lòng "thù hận" nó tôi sẽ chiến thắng. Tôi đã chặn đường con nhỏ Quỳnh đáng ghét ấy phía sau trường .. Nó chống trả quyết liệt nhưng cuối cùng tôi cũng đã thắng bằng cách chỏ cái tay bó bột cứng ngắc vào bụng nó như nó đã từng thoi tôi. Tôi thở vào mặt nó:

- Từ lúc gãy tay là tao "cùi" luôn. Bữa nay đứa nào đụng vào tao là tao đập tuốt! Coi chừng đó.

Tôi nhếch mày và quầy quả bỏ đi.

Chuyện tôi và nó đánh nhau không ai biết ngoài tôi và nó. Và có lẽ món nợ giữa nó và tôi đã hết nên trời xui khiến cho hai đứa tôi bắt tay nhau. Con nhỏ đáng ghét vốn đã từng được tôi xếp vào hàng "kẻ thù" dần dần trở thành bạn thân của tôi. Sau khi tôi được bầu làm lớp phó thì thế lực của tôi lại càng mạnh và không đứa nào dám đụng đến tôi nữa.

Tôi lên lớp năm, chuyển vào học lớp chuyên và được thầy cô chăm sóc theo kiểu nuôi gà chọi. Lịch của tôi chỉ có học và thi. Tôi liên tiếp gặt hái thành công và đem vinh dự về cho trường. Tên tôi được nhắc đến mỗi tuần trước cờ khiến bọn cùng trường tròn xoe mắt. Tôi trở thành "anh hùng". Và bây giờ không cần tôi phải xin mà bọn trước kia thường đem tôi ra trêu đùa vẫn thường mua kem hay bánh kẹo gì đấy đem đến mời tôi và năn nỉ tôi chơi cùng.

Tôi được chuyển thẳng vào lớp 6 với giải văn toàn quốc. Nhỏ Quỳnh sau thời gian tôi kèm cặp cũng đã tiến bộ trông thấy và vượt qua kì thi tốt nghiệp khá dễ dàng ..

Mùa hè năm ấy khi hoa phượng đỏ rực và ve kêu ra rả, tôi phơi phới lang thang khắp vườn, khắp phố trong khi bọn lớp tôi đang cắm đầu vào ôn thi chuyển cấp .. Ngày thi, cổng chính khoá cửa bên trong, tôi leo rào từ trường cấp I sang trường cấp II, chạy lum khum khuất sau tường lớp học. Đây là mặt sau sát hàng rào và không ai chú ý đến. Mục đích của tôi là gì ư? Thì tôi đã bảo tôi không phải là thần thánh mà. Dù đã là "anh hùng" nhưng tôi vẫn còn ghen ghét một con nhỏ không thèm chơi với tôi vì ba tôi không có xe ụn, dám gõ thước vào tay tôi và gọi tôi là đồ ngu. Thứ hai đó là đứa đã đấm vào mặt tôi khi tôi xin nó liếm kem một miếng cho đỡ thèm .. Hai đứa nó thi chung một phòng, tôi bò đến gõ cửa sổ, đợi đến lúc giám thị coi thi vừa bước ra khỏi phòng tôi thò đầu lên đưa hai ngón tay lên miêng huýt một tiếng thật to:

- Ê! Diên - Liên! Thi rớt nghen.

Rồi tôi co cẳng chạy, chui qua hàng rào và biến mất. Tôi biết hai con nhỏ ấy là chúa sợ xui xẻo. Không ai bắt được tôi dù tụi nó bép xép méc lại tôi đã làm gì .. Nhưng thật khốn khổ, người ta thường bảo mong muốn điều gì thì sẽ nhận được điều ngược lại. Hai con nhỏ mà tôi cho là đáng ghét ấy đã không hề rớt mà chúng nó lại còn vào ngay lớp chuyện của tôi ở cấp II.

Lớp sáu, trong lớp có thêm rất nhiều những học sinh mới. Nhà tôi vẫn nghèo và tôi vẫn không có gì đáng giá hơn lòng tốt với mọi người và học giỏi. Nhưng lúc ấy bạn bè tôi đã lớn và những ý nghĩ làm theo sự so sánh về cái giàu và nghèo không cạn bớt mà lại càng sâu sắc hơn. Đặc biệt là tôi còn có hai kẻ thù con nhà giàu có ấy. Và tôi đã làm gì để không gục ngã trong suốt quãng đời niên thiếu của tôi, tính cách vượt qua cái vách ngăn về sự phân chia giai cấp, để có thể khẳng định tôi là tôi giữa thầy cô, bạn bè và cả cuộc sống này.

Tôi không có ý định viết "hồi ký" về mình vì tôi không phải là một người nổi tiếng, nhưng nếu các bạn còn muốn nghe thì giơ tay lên thật cao hay hét to lên .. Và .. Tôi sẽ kể tiếp.
 
Nghèo không phải là cái tội.
cái tội là tại sao chúng ta giỏi mà vẫn cứ nghèo!!!


Đến giờ bạn đã giàu chưa??? Giàu ko phải là nhiều tiền bạn ạ. Có những thứ chúng ta bị mất đi nhưng sẽ luôn nhớ về nó là kỉ niệm còn cái xe ụn kia giờ vứt xó đc chưa nhỉ???

Tôi có hàng trăm nghìn mong muốn nhưng chỉ có 1 điều ước :::(((Tôi thành công))):::
:KSV@07::KSV@07::KSV@07::KSV@07::KSV@07::KSV@07::KSV@07::KSV@07::KSV@07::KSV@07::KSV@07::KSV@07::KSV@07:
 
Giống trong phim nhỉ!
Giống..nhưng mà có thật..và là sự thật đó bạn...Là hồi kí của nhân vật cơ mà...
mình yêu cái kí ức...yêu sự mạnh mẽ của nhân vật...yêu cái nghèo...và sẽ là bàn đẩy cho cuộc sống....:KSV@14:
ai sẽ biết được tương lai sẽ thế nào chứ...???
Mình yêu...

@Congagogo: Với mình,nhân vật trg câu chuyện đã rất giàu rùi..nhưg gì mà nhân vật đã trả qua...
Chúc bạn sẽ đủ giàu và luôn thành công nhé!!:KSV@01:
 
×
Quay lại
Top