Khía cạnh tâm lý trong giao tiếp

tuannau

Thành viên
Tham gia
10/1/2017
Bài viết
10
Giao tiếp có vai trò rất quan trọng trong đời sống và hoạt động của con người. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đứa trẻ đã có sự giao tiếp. Quan hệ giữa người mẹ với thai nhi không chỉ đơn thuần về mặt sinh học - tức là người mẹ truyền chất dinh dưỡng cho con qua nhau thai - mà còn có những ảnh hưởng quan trọng về mặt tâm lý đối với trẻ. Khoa học ngày nay đã cho chúng ta thấy, mọi sự biến động về mặt tâm lý của người mẹ khi mang thai đều có thể có những ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đối với sự phát triển của thai nhi.

Từ thời thơ ấu, cho đến sau này khi trẻ đến trường học, rồi lớn lên, trưởng thành chính là quá trình xã hội hóa từ một cá nhân trở thành một nhân cách. Trong quá trình đó, giao tiếp là điều kiện cần thiết để phát triển tâm lý, nhân cách của mỗi người. Nói cách khác, nhân cách của mỗi người chúng ta được hình thành và phát triển chính trong quá trình giao tiếp. Cho nên, giao tiếp còn là phương thức tồn tại của con người.

Cá nhân là một con người cụ thể, với tư cách là một thành viên của một xã hội nhất định, luôn phải sống và hoạt động trong những điều kiện xã hội và lịch sử nhất định. Trong quá trình lao động, chinh phục tự nhiên và cải tạo xã hội, bản thân con người luôn luôn lấy sự tiếp xúc tâm lý giữa con người và con người trong các mối quan hệ xã hội làm trung tâm. Quá trình giao tiếp luôn được diễn ra trong những khoảng thời gian, phạm vi không gian và các điều kiện cụ thể nhất định. Con người là chủ thể của quá trình giao tiếp.

Đối tượng giao tiếp của chúng ta bao giờ cũng là người khác: những con người có ý thức, có nhân cách. Trong quá trình giao tiếp, các chủ thể giao tiếp đều cần ý thức được những nội dung và diễn biến tâm lý của mình trong giao tiếp. Sự giao tiếp muốn đạt hiệu quả phải là một quá trình tác động hai chiều.

Trong giao tiếp, mỗi người vừa là người nói, đồng thời vừa là người nghe. Và cả hai bên đều có sự ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau. Thông qua giao tiếp, chúng ta bày tỏ những ý nghĩ, tư tưởng, cảm xúc… đến với người khác bằng những cách thức sao cho người khác có thể hiểu được, cảm nhận được. Bất cứ ai cũng mong thấu hiểu người khác và được người khác thấu hiểu. Giao tiếp giúp chúng ta hiểu mình, hiểu người. Thông qua giao tiếp, mỗi người đều được phong phú hóa kinh nghiệm sống.

Nói cụ thể hơn, qua giao tiếp, mỗi chúng ta tự hiểu về bản thân mình nhiều hơn, đồng thời cũng hiểu được những suy nghĩ, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng… sâu xa của người khác. Từ lúc còn nhỏ, khi chỉ mới biết nói, biết đi cho đến hôm nay, mỗi chúng ta không thể nhớ hết bản thân mình đã giao tiếp với bao nhiêu người? Và trong số những người mà mình đã giao tiếp, mình có để lại ấn tượng tốt đẹp cho họ hay không, hay chỉ là để lại những ác cảm? Ngày nay, làm thế nào để giao tiếp và ứng xử có hiệu quả với người khác là một kỹ năng quan trọng cần được mỗi chúng ta học hỏi và rèn luyện.

Bởi vì, thiếu kỹ năng giao tiếp là một trong những nguyên nhân gây ra những hiểu lầm, mâu thuẫn, xung đột… trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ có kỹ năng giao tiếp hiệu quả, chúng ta có thể thay đổi cách nhìn của người khác về chúng ta. Nếu chỉ có “nhìn” nhau mà không có sự giao tiếp thực sự với nhau, thì giữa người với người có thể chỉ là cái nhìn mang định kiến nặng nề hoặc rất dễ xảy ra những hiểu lầm tai hại. Bởi vì, trong cuộc sống, chúng ta thường rất dễ rơi vào những tình huống “trông gà hóa quốc” hay “ông nói gà, bà nói vịt”… Chính vì vậy, mỗi người đều cần học hỏi những kỹ năng giao tiếp và ứng xử hiệu quả, để trở thành một con người đáng tin cậy trong giao tiếp, không làm ảnh hưởng xấu đến tình cảm hoặc làm tổn thương lòng tự trọng của người khác.

Nhờ giao tiếp tốt, chúng ta mới có thể hòa nhập với những người xung quanh, san lấp hố thẳm cách ngăn giữa người với người… Kỹ năng giao tiếp của mỗi chúng ta sẽ được rèn luyện dần theo thời gian, qua học tập, giáo dục, công việc, nghề nghiệp, theo tuổi tác, tích lũy dần kinh nghiệm sống… đến một trình độ nào đó sẽ trở thành nghệ thuật giao tiếp - một nghệ thuật sống!
 
nghệ thuật quá nhiều khi phản tác dụng :D
 
×
Quay lại
Top