Kỳ lạ chuyện hai cha con cùng đỗ đại học ở xứ Thanh

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Câu chuyện bác Hoàng Văn Toán (53 tuổi) và con trai cả Hoàng Văn Tĩnh cùng đỗ kỳ thi đại học vừa qua với số điểm cao (đều trên 22 điểm) đang được người dân xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa bàn tán suốt những ngày qua.
hai-cha-con-do-DH-IMG_3835.jpg


Bác Toán bên con trai cả Hoàng Văn Tĩnh.​
Tân sinh viên 53 tuổi

Chúng tôi tìm đến nhà bác Hoàng Văn Toán, với duy nhất thông tin địa chỉ là “xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá”. Nhưng đó không phải là rào cản lớn khiến chúng tôi mất quá nhiều thời gian tìm kiếm, bởi cái tin bác Toán thi đỗ đại học đã lan truyền khắp gần xa.

Gặp bác khi đang chăm chú với bức tranh sơn mài, bác tươi cười kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thi cử đầy kỷ niệm của hai cha con trong kỳ thi vừa rồi.

Bấy lâu nay người dân thôn Tào Sơn, xã Thanh Thủy vẫn không ngừng bàn tán về câu chuyện “học - bỏ, bỏ - học” của anh con trai cả bác Toán - cậu thanh niên sinh năm 1985 có lẽ nổi tiếng nhất nhì xứ Thanh về số lần thi đỗ các trường đại học. Thế nhưng không một ai nghĩ tới chuyện bác Toán năm nay lại trở thành tân sinh viên cùng trường với anh con trai cả.

Bác kể: “Do sự đam mê kỳ lạ với các bộ môn xã hội, lại mong muốn có một tấm bằng đại học để con cái noi theo, dòng họ biết đến là người có học thức, nên tôi quyết tâm gạt bỏ mọi rào cản, điều tiếng dị nghị, sự tự ti về tuổi tác… để tham gia kỳ thi và nhận kết quả ngày hôm nay”.

hai-cha-con-do-DH-IMG_3833.jpg

Bác Toán bên xưởng mộc.​

Kỳ thi vừa qua, bác Toán cùng con trai cả là Hoàng Văn Tĩnh đăng ký dự thi vào Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hoá. Bác Toán dự thi chuyên ngành lịch sử đạt 22 điểm, còn anh Tĩnh dự thi sư phạm toán đạt 22,5 điểm.

Điều này khiến người dân xã Thanh Thủy hoàn toàn bất ngờ, bởi lâu nay họ biết đến bác như “người thầy giáo có tiếng” dạy các bộ môn tự nhiên khối A, B, nhiều người vẫn tìm đến gửi gắm con cái nhờ bác ôn luyện…

Điều đặc biệt là từ trước tới nay, bác chỉ nhận con em của những gia đình nghèo khó, có trí ham học hay con cái của bạn bè thân thiết để dạy kèm chứ không mở lớp ôn thi thu tiền, không nhận người tràn lan, không quen biết.

Vì công việc của bác bận rộn suốt ngày, nên những ai được bác dạy kèm phải ăn ở tại nhà bác, tối đến bác mới có thời gian phụ kèm. Không tốt nghiệp một trường đại học nào, không phải là giáo viên biên chế của trường lớp cụ thể, nhưng chưa một ai mà bác kèm luyện lại thi trượt.

Bác kể: “Vì tôi tuổi đã cao, nên ngày đầu đi làm thủ tục dự thi, các cháu ai cũng nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét, bàn tán. Cán bộ coi thi thì bảo thi đại học khó lắm, tuổi của bác còn đi thi làm gì. Nhưng tôi chỉ cười và bảo: Bác có lý do riêng của bác”.

Ngày thi đầu tiên với bác là cả một rào cản tâm lý nặng nề, cũng hồi hộp, lo lắng như bao thí sinh khác. Dù cho cái thời khắc lúc bấy giờ, bác đã trải qua từ hơn 30 năm về trước. “Tự động viên, viết ra giấy – tất cả phải vì con. Nhưng phải mất 20 phút sau tôi mới dám đọc đề, rồi một mạch làm đến hết” - bác hồi tưởng lại.

Bác cho biết bí kiếp ôn luyện của mình cũng không có gì đặc biệt. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, bác thường xem các chương trình ôn thi trên tivi, trên Intenet về đề thi, đáp án. Có môn bác còn không có cả sách giáo khoa.

Nhưng cái khác là bác ôn thi bằng niềm đam mê muốn tìm hiểu, nắm bắt vấn đề, phục vụ, bổ sung hiểu biết cho mình chứ không vì áp lực thi cử, xin việc sau này. Cũng vì vậy, trong các bài thi của bác, cái đọng lại là nền tảng kiến thức sâu rộng, trải dàn trên nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau được bác vận dụng.
Sẽ cùng con tốt nghiệp đại học

hai-cha-con-do-DH-IMG_3836.jpg

Bác Toán yêu thích môn lịch sử.​

“Bác có dự định gì sau khi biết mình đã đỗ đại học?”, sau câu hỏi ấy của chúng tôi, bác Toán vồn vã nói như muốn khẳng định: “Đừng nghĩ tôi đi thi cho vui nhé. Bởi tôi xác định đi thi là để được đi học, để hiểu biết, để đồng hành cùng thằng Tĩnh con trai tôi đi hết quãng đường 4 năm đại học, chuộc lại lỗi lầm về nhận thức một thời thiên lệch của tôi”.

Sau những tiếng cười khi kể về kỷ niệm trong kỳ thi vừa qua, bác bỗng trầm buồn, suy tư và chiêm nghiệm khi kể lại cho chúng tôi nghe về bi kịch của chính cuộc đời mình và lỗi lầm áp đặt lên nhận thức của con cái. Sinh ra trong gia đình khó khăn có tới 7 anh em, có nhưng với bản tính thông minh, chịu khó từ nhỏ, bác sớm nhận được sự định hướng, chăm lo con đường học hành từ gia đình.

Sau khi học xong bậc phổ thông, bác thi đỗ vào Trường Sư phạm I Hà Nội, thoả theo sự mong mỏi của gia đình. Nhưng rồi chàng thanh niên Toán bấy giờ, với tình yêu mỹ thuật từ nhỏ, đã rời bỏ cái ghế của nghiệp sư phạm sau năm thứ nhất, để trở thành tân sinh viên của Trường Mỹ thuật Hà Nội. Những tưởng sẽ đi đến cái đích cuối cùng của niềm đam mê khi đã nhận được sự cảm thông từ phía gia đình, nhưng một lần nữa số phận lại chia rẽ Toán khỏi niềm đam mê.

“Khi đó, học được hơn một năm thì người em trai thứ hai của tôi chẳng may gặp tai nạn, phải nằm viện. Vì điều kiện gia đình khó khăn, buộc tôi phải nghỉ học, từ bỏ đi niềm đam mê mà khó khăn lắm tôi mới theo đuổi được” - bác buồn rầu chia sẻ.

Tuy nhiên, đó chưa phải là bi kịch lớn nhất cuộc đời bác. Cũng vì nhận thức một thời sai lệch, coi thường các bộ môn xã hội, xem các bộ môn tự nhiên là quan trọng, là tất cả cho công việc, cuộc sống sau này nên bác đã áp đặt nhận thức ấy lên con cái. Vì vậy, hậu quả mà bác nhận được là cậu con trai đầu tiên dù học rất giỏi (nhảy cóc từ lớp 1 lên lớp 3; rồi 4 lần thi đỗ các trường đại học khác nhau) nhưng học đại học chỉ được năm thứ nhất, đến năm hai thì phải bỏ vì điểm các môn xã hội, chính trị, lý luận đều không qua.

Nhận ra sai lầm của mình, bác tìm đến với các môn xã hội, chinh phục, rồi đam mê nó lúc nào không hay. Rồi đây, như lời bác nói: Bác sẽ quyết tâm theo học, vừa để kèm thêm cho anh con trai cả, vừa là để thỏa niềm đam mê. Ngoài anh Tĩnh, bác Toán còn có hai người con khác hiện đang học Đại học Y Hải Dương và Học viện An ninh.

Hiện tại bác đang là giám đốc một công ty quảng cáo, chủ một xưởng mộc, một thợ tranh sơn mài có tiếng của vùng quê, nhưng bác sẵn sàng gác lại, hoạt động cầm chừng để dành thời gian cho 4 năm học, “cùng con trai tốt nghiệp với tấm bằng đại học” là khẳng định cuối cùng trước khi chúng tôi chia tay bác.
Theo laodong
 
×
Quay lại
Top