Leader là gì ?

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Khái niệm về Leader là gì? Leadership là gì? Người dẫn đầu ư? Không đúng! Chúng ta không nên tư duy theo kiểu nội từ như vậy. Có 1 câu chuyện.

Chuyện kể: "Có ông nọ cho thằng con đi học. Thằng bé đến nhà thầy đồ học chữ. Thầy dạy cho, chữ nhất là một nét, chữ nhị là hai nét, chữ tam là ba nét. Thằng bé về nhà tập viết. Ông bố thấy con tập viết vui lắm liền hỏi học chữ có khó không. Thằng con liền bảo:

-Dễ ợt bố ạ! Nhất là một gạch ngang, nhị thì hai gạch ngang, tam thì ba gạch, cứ thế mà viết.

Ông bố gật gù cho là phải. Liền bảo thằng con viết chữ vạn cho ông xem.

Một lúc sau, ông đi vào thấy thằng bé hì hục trên đống giấy tờ liền hỏi nó đang làm gì. Thằng con trả lời:

- Con gạch bao nhiêu giấy rồi mà vẫn không đủ một vạn gạch.
"

Đây là kiểu bố trí Teamwork của đại đa số người Việt chúng ta. Leader là đầu tàu, có thể lôi theo một quân đoàn hùng hậu. Có khi họ chả làm được gì những vẫn có trong quân số.

KenhSinhVien.Net-leader1.jpg


Còn như hình dưới đây là kiểu bố trí Teamwork có khoa học. Quân số ít nhưng tinh nhuệ. Leader là trung tâm, không phải người đi trước.

KenhSinhVien.Net-leader2.png


Ở kiểu thứ nhất, nếu leader dừng bước có nghĩa là cả đoàn người dừng bước. Do quân số quá đông, lực lượng không đều và phức tạp, việc quản lí là khó khăn.

Ở kiểu thứ hai, leader là trung tâm, mọi thành viên đều ngang bằng về vị trí và trách nhiệm. Quân số tinh giản dễ dàng quản lí và trao đổi.

Về cơ bản dễ dàng nhận ra cách bố trí nào hợp lí hơn. Và câu hỏi đặt ra là: Cái gì là mấu chốt tạo ra điều đó?

Leader, là người có trách nhiệm lớn nhất. Họ là người lãnh đạo, và quan trọng là họ tác động như thế nào đến thành viên. Một mệnh lệnh chỉ có giá trị dưới một thể chế. Rõ ràng cái lệnh hàng năm cống đồ sang Trung Quốc không thể áp dụng tại thời điểm này. Đơn giản là họ đã xóa bỏ cái thể chế đề ra nó. Vậy, mệnh lệnh không phải là vũ khí của leader.

Thực tế người lãnh đạo luôn ít hơn, ít hơn rất nhiều so với những người thực hiện.Vì không phải ai cũng làm được công việc đó. Nó là cả một nghệ thuật mà nhiều khi đã hiểu rõ về nó người ta vẫn thất bại.

Phân tích tâm lí

Vấn đề nảy sinh khi người ta không biết bắt đầu công việc từ đâu, kết thúc như thế nào, và hơn cả là làm gì. Họ cần một cái neo tinh thần để khẳng định những việc mình đang làm là đúng, hay để nhìn rõ phương hướng mình cần đi theo.

Leader đáp ứng nhu cầu đó cho họ. Anh/chị ta sẽ là người vạch ra con đường trên bản đồ tư duy cho mọi người, sẽ vẽ trong thinh không cái đích đến cho mọi người. Duy trì con đường đó đi theo đúng định hướng ban đầu và là người đưa ra quyết định cuối cùng cho mọi vấn đề.

Phân tích hình minh họa

Nhìn vào ảnh 2 ta thấy, leader là trung tâm thay vì là mũi nhọn. Nếu giả định họ đang ở trong một môi trường gồm nhiều thông tin. Các thông tin này sẽ tiếp cận đến các "điểm cầu" thành viên. Nó được xử lí và truyền đến trung tâm là leader.

Ta sẽ thấy rằng, mọi thông tin sau khi được xử lí bởi thành viên sẽ dừng lại ở leader và không đi đâu khác. Các công việc teamwork, đặc biệt là nghệ thuật thì luôn có tình trạng không biết đâu là điểm dừng. Leader là người dừng mọi việc lại ở ngưỡng cần thiết, để kết thúc một công việc. Đó là ưu điểm mà mô hình thứ nhất không có. Thông tin đi từ cuối hàng lên đến leader sẽ không đảm bảo và thời gian cũng như chất lượng hoàn toàn không đảm bảo.

Thế leader là gì? Họ là những người dẫn dắt lối chơi, của một dàn nhạc, một đội bóng. Họ là người không dùng đến nắm đấm nhưng khiến người khác tuân lệnh. Vậy thực ra những người như Steve Jobs, Eric Cantona, Zinedin Zidane... đã làm những gì để dẫn dắt tập thể đến thành công? Cái gì khiến họ trở thành những leader?

Tiếp tục với một câu hỏi và đi tìm câu trả lời cho nó. Họ, rõ ràng không đơn thuần hò hét, quát nạt hay sẵn sàng đuổi việc bất cứ ai trái ý. Cái tạo cho họ sự khác biệt là khả năng truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Mệnh lệnh chỉ tồn tại dưới một thể chế. Thay vì hò hét như đám "nhân sĩ" ngày nay về lật đổ chính quyền, đâu tranh nghị trường, post bài chửi bới, Bác Hồ chỉ nói "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng...". Nếu một đất nước thối nát, chính những người dân phải biết nó thối nát như thế nào. Vậy cũng chẳng cần những kẻ rỗi hơi ngồi bắc cái mõ làng mà rêu rao. Bác Hồ đã truyền cảm hứng cho hàng triệu con người, trải suốt kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Cái mà ông Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu... đã không làm được. Đó là giá trị của một leader.

Khả năng đó gọi là Leadership - Năng lực lãnh đạo, nó là cả một quá trình mà tại đó một cá nhân có ảnh hưởng lên những người khác để họ hoàn thành một mục tiêu và một hướng dẫn nào đó theo phương cách nối kết với nhau sao cho có hiệu quả nhất. Các nhà lãnh đạo thực hiện quá trình này bằng chính các kỹ năng lãnh đạo của mình, chẳng hạn như lòng tin, sự tôn trọng, cách ứng nhân xử thế, tính cách, kiến thức hoặc kỹ năng. Mặc dù vị trí của bạn với tư cách nhà quản lý, nhà giám sát, trưởng các phòng ban… sẽ đem lại cho bạn thẩm quyền để chỉ đạo người khác hoàn thành những nhiệm vụ và mục tiêu của công ty, tuy nhiên, quyền lực này không khiến bạn trở thành nhà lãnh đạo theo đúng nghĩa của nó được. Đơn giản, nó chỉ giúp bạn ngồi vào vị trí “sếp” mà thôi. Còn năng lực lãnh đạo đem lại sự khác biệt vì nó khiến tự bản thân các nhân viên có mong muốn đạt được các mục tiêu cao hơn, trong khi “làm sếp” thường chỉ đơn thuần là “sai khiến” người khác.

Vậy, Leader là người truyền cảm hứng, là người dẫn dắt chứ không phải kẻ ra lệnh. Lại càng không phải người làm tất cả mọi việc. Đó là người giữ mồi lửa để kích nổ những nguồn năng lượng xung quanh. Leader không phải là tối thượng, họ là cổng nối, là nơi tập trung mọi mối quan hệ cá nhân. Không có khuôn khổ cứng nhắc nào đối với người lãnh đạo. Những khuôn phép đó dành cho nhà quản lí.


Theo Leadership Youth
 
Hiệu chỉnh:
Điều gì làm nên lãnh đạo?

Lãnh đạo là cuộc hành trình khám phá. Lãnh đạo là biểu hiện của một người ở mức cao nhất của người ấy, với mục đích làm điều gì đó tốt đẹp hơn và phát triển tiềm năng của những người khác. Đó không phải là công việc đơn độc, mà là công việc hợp thâu năng lượng từ những người chung quanh.

Trong vòng 20 năm qua, việc nghiên cứu về lãnh đạo đã đưa tôi đến Rô-ma, Hy Lạp, Bắc Phi và Trung Đông, và những kinh văn cổ của Trung Quốc cũng như các ký tự cổ của Ai Cập. Từ các nghiên cứu này, tôi đã rút ra sáu kết luận về lãnh đạo:

1. Khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý lớn hơn là khác biệt giữa hai nhóm kỹ năng.
Quản lý dựa trên mệnh lệnh và kiểm soát và sử dụng các tiến trình làm việc khoa học. Khoa học quản lý đến từ thời Cách mạng Kỹ nghệ, khi những đoàn nhân công thất học cần chỉ huy. Đằng khác, lãnh đạo tức là biểu hiện tinh thần của con người—nguồn thật của tuyệt vời. Chúng ta không thể dạy lãnh đạo theo cách ta dạy quản lý.

2. Quan tâm của chúng ta về lãnh đạo không phải là cơn sốt hay thời trang.
Lãnh đạo là một khái niệm đã được nghiên cứu hàng nghìn năm. Ta có thể thấy nó trong các kinh văn cổ từ Trung quốc đến Ai Cập. Chúng ta say mê khoa lãnh đạo vì nó là một phần của hiểu biết về bản tính con người chúng ta. Người ta biểu hiện tính lãnh đạo khi họ trình bày điểm tuyệt hảo của họ và của những người khác.

3. Để thành một lãnh đạo, trước hết bạn phải hiểu chính bạn.
Chẳng có hai người nào biểu hiện tính lãnh đạo giống nhau. Mỗi người chúng ta là một lãnh đạo đặc biệt. Vì vậy, ta sẽ thất bại nếu cứ cố sắp khoa lãnh đạo ngăn nắp vào trong cái hộp.
leadership_global.jpg
4. Lãnh đạo không đặt căn bản trên địa vị hay chức vị.
Tính lãnh đạo phát ra từ bất kỳ người nào có khả năng và được khuyến khích để biểu hiện chính mình trong khi làm việc có mục đích và ý nghĩa. Như là một xã hội, chúng ta phải lìa xa khái niệm rằng các giám đốc công ty là những người có tầm nhìn với những tư tưởng chuyển hóa. Chúng ta phải chuyển từ tình trạng lệ thuộc sang tình trạng tham gia, trong đó mọi người dùng năng lực và tiềm lực riêng của mình để phục vụ và làm tròn mục đích.
Lãnh đạo là một trình tự trong đó những người lãnh đạo và những người đi theo cùng hoạt động để đạt các mục tiêu chung. Chúng ta đều là người lãnh đạo và người đi theo vào những lúc khác nhau. “Đi theo” không phải là một vai trò thụ động. Người đi theo bảo đảm là người lãnh đạo theo đuổi mục đích.

5. Tính lãnh đạo không thể đạt được trong cô lập.
Người ta biểu hiện tính lãnh đạo khi họ hành động như là một bộ phận của một toàn thể, và tính năng này hoạt động tốt nhất khi cơ cấu tổ chức dạng mạng lưới thay thế cơ cấu đẳng cấp. Điều quan trọng là các cá nhân trong tổ chức cùng nhau phát triển, và tổ chức được đối xử như là một sinh vật có hít thở. Tính lãnh đạo cần môi trường thích ứng để nẩy nở.

6. Tính lãnh đạo phải có ưu tiên hơn quản lý trong thế giới thay đổi nhanh chóng ngày nay.
Quản lý sống mạnh trong môi trường ổn định và cơ cấu đẳng cấp. Nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi liên tục, và chúng ta phải “viết luật mới.” Tính lãnh đạo sẽ ở ngay tại tâm điểm của tất cả cố gắng của chúng ta trong việc cải thiện tổ chức và thế giới. Tính lãnh đạo sẽ đòi hỏi can đảm–đó là cốt lõi của lãnh đạo.
Bạn có đang biểu hiện tiềm năng lãnh đạo của bạn? Hãy xem lại đời sống của bạn ở sở làm, ở nhà, và trong các sinh hoạt xã hội. Bạn là lãnh đạo hay chỉ thuần túy là một quản lý? Bạn có đang phát triển các kỹ năng lãnh đạo của bạn và sử dụng chúng để cải thiện tổ chức của bạn và cuộc đời riêng của bạn?
Hãy nhớ: Lãnh đạo là một hành trình, không phải là điều bạn có thể học trong một khóa học năm ngày. Lãnh đạo đòi hỏi thời gian và suy tưởng.

Trần Đình Hoành dịch nguồn USA Today
 
Điều gì làm nên tâm hồn của một lãnh đạo?

Đó là sự khác biệt, niềm đam mê, lạc quan, khả năng thích ứng, khả năng lãnh đạo, tham vọng.
Sự khác biệt

999anh1.jpg

Tâm hồn lãnh đạo là một khả năng tự nhiên, truyền cảm hứng cho những người quanh mình và khiến họ trở thành những người tốt nhất có thể.

Điều gì làm nên sự khác biệt của người lãnh đạo so với những người khác?
Tâm hồn lãnh đạo là một khả năng tự nhiên, truyền cảm hứng cho những người quanh mình và khiến họ trở thành những người tốt nhất có thể. Niềm đam mê, sự quả quyết, khả năng lãnh đạo và tham vọng, đó là những phẩm cách tốt nhất làm lên tâm hồn của người lãnh đạo.

Niềm đam mê
Không một ai thể hiện niềm “đam mê” giống như Richard Branson, người sáng lập ra thương hiệu nổi tiếng Virgin.
Branson không chỉ có niềm đam mê với công việc kinh doanh mà ông còn có niềm đam mê mãnh liệt với cuộc sống. Ông được mọi người biết đến bởi tính cách phiêu lưu và say mê cuộc sống. Chính điều này làm ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo được ngưỡng mộ nhất vì khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống một cách thành công.

Lạc quan
Jeff Bezos đã gây dựng cho mình một hiệu sách lớn nhất thế giới. Amazon.com được tung ra vào tháng 7/1995 và đã bán được 20.000 USD mỗi tuần trong 2 tháng liên tiếp. Cuối những năm 90, sự phá sản của “.com” đã làm cho cổ phiếu của Amazon rơi từ 100 USD xuống còn 6 USD. Chính sự lạc quan và lòng tin tưởng đã giúp Bezos vượt khỏi tình trạng này. Cuối cùng thì Amazon.com đã phát triển thành công ty sở hữu số tiền không nhỏ 5,7 tỷ USD.
Khả năng thích ứng
Khả năng thích ứng là một trong những điểm mạnh lớn nhất lãnh đạo cần có.
Những người sáng lập ra Google là Sergey Brin và Larry Page đã dùng quan điểm này cho bước tiến xa hơn qua việc không chỉ phản ứng được với những thay đổi mà còn để dẫn đường. Google vẫn tiếp tục dẫn đầu trong thế giới Internet với những sáng kiến cho phép con người có thể nhận ra và làm theo những cách mà trước đó họ không thể (Google Earth là một ví dụ).

Khả năng lãnh đạo

Một lãnh đạo giỏi là một người có sức hút và uy tín với quần chúng, một ý thức đạo đức và mong muốn xây dựng một tổ chức đoàn kết, trọn vẹn. Chúng ta có thể tìm thấy tất cả nhân tố ấy trong con người Mary Kay Ash, người sáng lập ra hãng mỹ phẩm nổi tiếng Mary Kay.
Ash nổi tiếng là một người có khả năng thúc đẩy và một lãnh đạo truyền cảm hứng tài năng. Cũng chính Ash là nguời đã thành lập công ty với một câu nói nổi tiếng: “Các bạn có thể làm được điều đó!”.

Tham vọng

Debbi Fields hầu như tay trắng khi bà 20 tuổi. Lúc đó bà chỉ là một người vợ trẻ xoay quanh công việc nội trợ và không có một chút gì về kinh nghiệm kinh doanh, điều duy nhất mà bà có đó là công thức làm bánh sôcôla được bồi thêm là giấc mơ chia sẻ loại bánh này với thể giới.
Fields đã mở cửa hàng đầu tiên mang tên bà vào năm 1977, dù có ý kiến cho rằng bà thật dại dột khi tin rằng việc kinh doanh có thể tồn tại chỉ bằng việc bán bánh quy. Nhưng cuối cùng họ đã sai, và bà đã gây dựng cho mình từ cửa hàng bán bánh quy đó thành một công ty trị giá 450 triệu USD.

Theo SmallBusiness
 
Thành tố của tuyệt vời

Đứng đầu cũng chưa đủ
khi bạn có khả năng để thành
TUYỆT VỜI

Bạn có tiềm năng gì?
Điều gì đang trì bạn lại?

TẦM NHÌN
Bạn có thể thấy,
sờ,
và nếm được giấc mơ của bạn?

LÒNG TIN
Xa hơn hy vọng,
lòng tin tuyệt đối
vào chính mình,
vào mục tiêu của mình,
vào kết quả.

ƯỚC MUỐN
Điều gì mang chiều sâu
và ý nghĩa
đến cho đời bạn?

CAN ĐẢM
Khả năng đặt
giấc mơ
lên trên sợ hãi

KIÊN TRÌ
Đối diện thất vọng,
đối diện thất bại và khó khăn…
sức mạnh để bước một bước,
rồi một bước nữa,
rồi một bước nữa…

THỰC HIỆN
Điều gì kích động bạn
hành động?
Điều gì là
sức mạnh sáng tạo của bạn?

ĐAM MÊ
Tia lửa nào
thắp sáng hồn bạn?
Điều gì đẩy bạn đi tới?
Hãy khao khát tuyệt vời
trong mọi mặt của đời sống,
trong công việc,
trong quan hệ,
trong những giấc mơ cho tương lai
Đơn giản là, đứng đầu cũng chưa đủ,
khi bạn có khả năng thành
TUYỆT VỜI

Trần Đình Hoành dịch
 
Tổng kết, Lãnh đạo là gì ?

Trên đây chúng ta đã có bài Điều gì làm nên lãnh đạo và Thành tố của tuyệt vời , tóm tắt các điểm chính về lãnh đạo. Nay chúng ta bắt đầu đi sâu hơn vào chi tiết, từ những điểm chính trong hai bài đó.

Lãnh đạo có lẽ là nghệ thuật sống hấp dẫn nhất cũng như mù mờ nhất của con người. Hấp dẫn vì lãnh đạo giỏi luôn luôn làm cho mọi thành viên đi theo bùng lửa trong lòng. Mù mờ vì (1) lãnh đạo tùy thuộc rất mạnh vào cá tính người lãnh đạo, và (2) vì đa số mọi người hay nhầm lẫn chức vị với lãnh đạo.

Hãy tưởng tượng đến một câu thanh niên lập quán phở. Từ “cái không”, cậu thuê nhà, sửa cửa, tìm đầu bếp hoặc tự nấu, quảng cáo tiếp thị, đón khách , nếu cần thì làm tiếp viên và chùi nhà luôn, tạo thành tiệm phở. Khi tiệm phở thành công, cậu thuê một quản lý trông coi tiệm, để cậu đến nơi khác mở thêm tiệm mới. Cậu này là lãnh đạo, và người quản lý của tiệm phở là quản lý.

1. Điều khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý là lãnh đạo tạo từ “cái không” ra “cái có” và quản lý thì giữ cái có cho đừng mất đi thành cái không. Lãnh đạo cần tầm nhìn, cần lòng tin, cần sáng tạo, cần can đảm, cần khả năng khởi lửa trong lòng những người theo mình. Quản lý cần quy tắc, phương thức vạch sẵn, duy trì và sử dụng những phương thức này để duy trì và phát triển tổ chức.

Dĩ nhiên là ta muốn các quản lý đều có tính lãnh đạo, như vậy thì tổ chức mới có đủ năng lực sáng tạo và động lực để tiến. Tuy nhiên, các khóa học dạy kỹ năng quản lý (management) nhưng lại gọi là khóa học về lãnh đạo (leadership), làm hại nghệ thuật lãnh đạo rất nhiều, vì làm cho người ta hiểu lầm là lãnh đạo chỉ là những kỹ năng quản lý.

Khác biệt giữa quản lý và lãnh đạo cũng thường là khác biệt giữa lãnh đạo và chức vị. Các chức vị trong các tổ chức là các chức vị quản lý. Lãnh đạo có thể có chức vị, như là giám đốc hội đồng quản trị, nhưng thông thường là không có chức vị, như người chủ quán phở mới mở, tự mình phải làm đủ mọi chuyện từ chỉ huy và giao tiếp đến quét nhà. Chức vị thông thường nhất cho lãnh đạo là “người sáng lập.”

Bất cứ người nào thành lập môt dự án nào đó, một nhóm nào đó, như là “Thanh niên ái quốc tranh đấu cho cà phê vỉa hè” :-) , thì đương nhiên là lãnh đạo của dự án đó, của nhóm đó, mà chẳng cần ai cho mình một chức vị lãnh đạo nào cả. Lãnh đạo là một vai trò tự nhiên nằm trên vai của người lãnh đạo, hoàn toàn không lệ thuộc vào chức vị của tổ chức. Người có “chức vị lãnh đạo” có thể là lãnh đạo thực của tổ chức đó, hoặc cũng có thể chỉ là bù nhìn nếu các thành viên chỉ nghe theo lời của một người khác, tức là người “lãnh đạo thực sự”, dù rằng người này chỉ có chức vị “phó thường dân” trong tổ chức.

leadershipyouth

2. Điều quan trọng nhất cho lãnh đạo là phải biết mình và quản lý được chính mình. Nếu không biết ngay cả mình thì không biết được ai cả, nếu không quản lý được cả mình thì không quản lý được ai cả, làm sao làm lãnh đạo được? Biết mình và quản lý mình thực ra chỉ là một việc, vì nếu ta thực sự biết ta đương nhiên là ta tự quản lý ta được.

Đó chính là làm chủ được tất cả mọi sinh hoạt tri thức và cảm tính của mình. Biết khi nào cơn giận muốn đến, tại sao nó muốn đến, và có khả năng chận nó lại, không cho nó phủ chụp lên mình, vì “giận mất khôn”, làm sao dẫn đường cho ai được?

Tất cả mọi loại cảm xúc—thành kiến, nóng giận, sợ hãi, bảo thủ, yêu, ghét, v.v..— đều có có thể làm cho ta mất thông minh, đều phải được nhận diện, chận đứng và quản lý. Nêu không thì không thể thành lãnh đạo khá được. Một cái tâm luôn luôn tĩnh lặng và bình tĩnh là điều tiên quyết của lãnh đạo. Ngay cả trong các võ đường khi xưa, ngoài giờ chạy nhảy đấm đá, ngồi thiền tập hít thở, tập đầu óc tĩnh lặng, được con nhà võ gọi là tập khí công, là điều quan trọng nhất trong võ học chính tông (Ngày nay, phần nhiều các võ đường không hiểu mức quan trọng của việc này). Tiếng đồn là tập khí công cách đó thì công lực sẽ tăng tuyệt đỉnh. Thật ra, cái chính của ngồi thiền như vậy là để tâm tĩnh lặng, không thể nhảy choi choi vì giận, vì sợ, hay vì gì cả. Thông thường khi gặp nguy hiểm, adrenaline tăng đột ngột và làm cho não bộ ta không còn sáng suốt như lúc thường. Tập tâm tĩnh lặng để adrenaline không thể làm cho ta thành u tối là điều tiên quyết của võ học, và tiên quyết cho tướng trên chiến trường. Tướng mà giữa chiến trận mịt trời tâm vẫn lặng như mặt hồ thu, thì rất khó thua.

3. Lãnh đạo phải tự có lửa trong lòng, vì lãnh đạo phải tự động viên mình và động viên người khác. Thông thường chẳng mấy ai động viên lãnh đạo vì (1) người lãnh đạo có tầm nhìn thường làm các việc chẳng có nghĩa lý gì (nếu không nói là điên) đối với đa số người, và (2) lãnh đạo cứ phải động viên mọi người thường xuyên, nên chẳng ai nghĩ là chính lãnh đạo cũng cần được động viên. Vì vậy, lãnh đạo phải có lửa rất mạnh trong lòng. Cho nên, yêu một cái gì đó, đam mê một cái gì đó, mơ ước đắm đuối một điều gì đó, là một thành tố không thể thiếu trong lãnh đạo. Và nếu ta gạt bỏ đam mê của mình và sống cái đam mê của người khác, dù người khác đó là cha mẹ, thì rất khó để có đủ lửa làm lãnh đạo.

Ở đây ta dùng các từ rất nóng, như đam mê, say đắm, để nhấn mạnh đến sức mạnh của điều tạo ra lửa trong lòng. Nhưng đam mê này không nhất thiết phải hừng hực như lửa, mà nó có thể là một ước muốn rất mạnh mẽ nhưng tĩnh lặng và dịu dàng, như đam mê đi tu hay đam mê hy sinh cuộc đời lo cho các người nghèo nơi thôn ấp. Thực ra, như đã nói trên, quản lý tâm được tĩnh lặng là điều kiện tiên quyết cho lãnh đạo, cho nên nếu ta đam mê mạnh nhưng tâm ta cứ nhảy chồm chồm vì đam mê đó, thì ta chưa đủ khả năng lãnh đạo. Phải có ước muốn và quyết tâm rất mạnh, nhưng vẫn quản lý được tâm tĩnh lặng, như vậy mới là lãnh đạo.

4. Lãnh đạo phải có mục đích. Đây còn gọi là tầm nhìn, nếu ta muốn ám chỉ mục đích xa hơn là một hai năm. Lãnh đạo là dẫn đường, mà dẫn đường thì đương nhiên là phải biết đi đâu. Mà đi đâu, thì đó là quyền và nghĩa vụ của người lãnh đạo. Mình cứ muốn đi đâu trước, rồi gọi mọi người đi theo, ai muốn đến cùng nơi thì sẽ theo mình, ai không muốn thì không theo. Đây là điều rất quan trọng trong lãnh đạo. Ví dụ, Gandhi muốn dành độc lập bằng đấu tranh bất bạo động. Có rất nhiều người Ấn lúc đó chủ trương bạo động. Nếu Gandhi nghe theo họ, và thay đổi đường lối thì đó không còn là Gandhi nữa. Lãnh đạo phải đặt mục tiêu, và mọi người đi theo lãnh đạo.

Nhưng tại sao ta hay nghe nói lãnh đạo phải đi theo dân? Đi theo ở đây là đi theo ước muốn và rung động của dân—dân muốn công ăn việc làm, không bị áp bức, con cái có trường học, khi bệnh có bệnh viện, có quyền giữ tài sản, v.v… Phục vụ những ước muốn này là “đi theo dân”. Còn xuất cảng/nhập cảng thế nào, tổ chức giáo dục thế nào, tổ chức phát triển thế nào, đó là mục tiêu của lãnh đạo. Thủ tướng không thể nói với các bộ trưởng, “Muốn làm gì đó thì làm.” Thủ tướng phải có đường đi rõ ràng để các bộ trưởng cùng đi trong đường đó. Tương tự như thế, người sáng lập một nhóm bạn trẻ phải biết là mình muốn lập nhóm để làm gì thì mới có thể kêu gọi bạn bè gia nhập được.

leadership-flyingbirds
5. Lãnh đạo phải có hấp lực tự nhiên. Tự nhiên tức là tự mình mà có, không cần các trò quỷ quái hay tiếp thị rẻ tiền. Lãnh đạo là dẫn đường cho một nhóm người, đương nhiên là phải có hấp lực để người theo mình. Nhưng hấp lực đó từ đâu mà có?

Đương nhiên hấp lực đến do mục đích và hăng say (lửa) của mình, nhưng nó còn lệ thuộc vào một số yếu tố khác.

• Những giá trị mà mọi người ưa thích: Nói chung, ta có thể nói ai cũng quý trọng nhân lễ nghĩa trí tín, tạm dịch (không hoàn toàn chính xác) là lòng thương người, lễ độ, lòng trung thành, trí tuệ, và thành thật. Người có những cá tính này đương nhiên là có nhiều người yêu.

Tuy nhiên, người ta lại rất ghét đạo đức giả, hoặc “tự xem là đạo đức” (self-righteous), hoặc máy móc. Cho nên nếu miệng nói nhân lễ nghĩa trí tín để chỉ đạo đức giả thì thiên hạ ghét. Hoặc cứ xem ta là người đạo đức hơn thiên hạ, cũng không ai ưa. Hoặc cứ dùng đạo đức công thức máy móc như rôbô, cũng rất đáng chán.

Nói chung là nếu ta nhân lễ nghĩa trí tín thật trong lòng, và đừng mang nhân lễ nghĩa trí tín của ta ra mà đo người khác và phê bình người khác, nếu ta khiêm tốn và thành thật với những khuyết điểm của mình một tí, thì ta sẽ có hấp lực tự nhiên. Và vì là hấp lực tự nhiên, nên nó tự nhiên mà có. Nếu ta cố cho có, thì không có được, mà nếu có thì cũng không “tự nhiên.”

• Càng mở rộng cửa lòng ta thì nhiều người càng dễ vào. Con người của ta phong phú hơn chỉ là cái tên và chức vụ– ta có gia đình, con cái, sở thích cá nhân (ẩm thực, âm nhạc, phim ảnh, thơ phú, v.v..), lo lắng, quan tâm,… Người khác càng hiểu con người cá nhân của ta, càng dễ cho họ yêu ta. Ngược lại, ta càng quan tâm vào đời tư của người khác, càng dễ cho ta yêu họ. Dĩ nhiên quan tâm vào đời tư không có nghĩa là xâm phạm vào đời tư của người khác. Khi mình cảm thấy người ta có vẻ ngại là mình chúi mũi hơi sâu thì dừng lại ở đó.

6. Lãnh đạo phải tự tin. Vì lãnh đạo có tầm nhìn thì thường thấy cái mà người khác không thấy, cho nên thường là lãnh đạo không có thầy dìu dắt trong công việc của mình. Vì vậy, tự mình phải mần mò, thử từng bước một trên cuộc hành trình. Tính toán sai và sửa sai là chuyện thường. Nhiều người khác sẽ cho rằng mình sẽ thất bại, vì sai hơi nhiều. Nhưng mình phải tự tin vào quyết tâm của mình. Quyết tâm phải thành công là sẽ thành công. Không có quyết tâm này, không lãnh đạo được. Tự tin tạo nên quyết tâm và can đảm, không sợ thất bại.

leadership-lion-posters
7. Lãnh đạo là phục vụ: Leader is servant. Đây là một mô hình mà mọi “lãnh đạo” đều nói và chẳng mấy người làm. Theo mình nghĩ, nếu một cậu bé đánh giầy đang đáng giầy cho ta và ta lỡ tay làm đổ cà phê trên chiếc dép của cậu bé, nếu ta không xung phong mang chiếc dép đi rửa, thì ta không có khả năng phục vụ. Phục vụ có nghĩa là làm việc kiểu tiếp viên nhà hàng, hay bé đánh giày phục vụ khách. Dĩ nhiên là lãnh đạo quốc gia thì không có thời giờ phục vụ trong nhà hàng, nhưng nếu ông ta không sẵn sàng làm tiếp viên hay đánh giày khi có dịp, thì ông ta chưa đủ chín mùi tâm linh (spiritual maturity) và mọi “phục vụ” của ông ta chỉ là “dịch vụ đầu môi” (lip service).

8. Mọi chúng ta đều là lãnh đạo và đều là người đi theo. Trong cách sống bình đẳng và nâng đỡ nhau ngày nay, ai trong chúng ta cũng đều là lãnh đạo (leader). Cứ khởi động một dự án, thành lập một nhóm, dạy vài học trò, đương nhiên là lãnh đạo. Và ai trong chúng ta cũng là người đi theo (follower). Nếu ta ở trong một nhóm do người khác lãnh đạo, thì ta là người đi theo. Trong mô hình mạng lưới ngày nay, được Internet hỗ trợ mạnh mẽ, tất cả chúng ta lãnh đạo nhau và theo nhau, trong nhiều dự án khác nhau. Mô hình kim tự tháp, với một lãnh đạo cao nhất ở trên, rồi nhiều cấp thấp hơn đi xuống từ từ, còn lại rất ít trong xã hội. Ngay cả trong các đại công ty, mô hình kim tự tháp gần như biến mất. Người ta hay nói đùa (nhưng có thật) là sơ đồ tổ chức các công ty ngày nay chỉ có hai hàng—hàng đầu tổng giám đốc, hàng nhì tất cả mọi nhân viên của công ty.

Vì vậy mỗi người chúng ta, già trẻ nam nữ, đều cần có tự tin, đứng lên tổ chức các hoạt động lợi ích cho xã hội và làm lãnh đạo trong hoạt động đó, đồng thời hăng hái đi theo ủng hộ các lãnh đạo khác trong các hoạt động khác. Tất cả đều hỗ trợ nhau tiến bước đưa nước nhà tiến về phía trước.

Lãnh đạo là sức mạnh và ước muốn nội tâm thể hiện ra hành động bên ngoài. Gốc rễ là sức mạnh bên trong, nhưng phải có biểu hiện bên ngoài mới là lãnh đạo, vì dẫn đường là phải dẫn ai đó. Vì vậy, lãnh đạo là kết hợp cao nhất của nội tâm và hành động. Nó là biểu hiện cao nhất của sức sống con người. Và bởi vì lãnh đạo là tùy ta, chứ không tùy ai thăng chức cho ta cả, cho nên ai trong chúng ta cũng nên làm lãnh đạo cho một dự án nhỏ nào đó, để vừa giúp ích cho xã hội vừa phát triển nhân cách của mình bằng phương thức tối cao.

Trần Đình Hoành
Theo Đọt chuối non
 
Haizzzzzzzz!
để trở thành lãnh đạo quả ko dễ chút nào.
 
Có phải NewSun Đang là một leader đang dẫn dắt 1 đội quân tinh nhuệ..:KSV@02:
 
Anh Newsun cũng là một leader đó thôi!
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Một nhà lãnh đạo giỏi trước tiên cần có những điều mà người khác cần, có sức hấp dẫn tự nhiên, luôn cởi mở để đi vào lòn người, phải tự tin, linh hoạt, quyết đoán. Đặc biệt phải theo quan điểm lãnh đạo là phục vụ là người tiên phông đầu tiên.
 
×
Quay lại
Top