Mã Tiểu Khiêu tinh nghịch_Dương Hồng Anh

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
Trốn trong bụng mẹ tới 11 tháng mới chịu "chào đời", mới sinh ra đã bật nhảy tưng tưng trên chiếc cân làm cho ông bố và bác sĩ được phen hết vía... Mã Tiểu Khiêu đúng là khác thường.
Tên sách: Mã Tiểu Khiêu tinh nghịch (Bộ truyện)
Tác giả: Dương Hồng Anh (Trung Quốc)
Người dịch: Hà Anh
NXB Kim Đồng


Hai vợ chồng ông Mã Thiên Tiếu không biết nên vui hay buồn khi sinh ra được đứa trẻ như Mã Tiểu Khiêu. Ngay từ lúc chào đời cậu đã thể hiện cá tính ương ương ngạnh ngạnh. Mã Tiểu Khiêu thích môi trường ấm áp dễ chịu trong bụng mẹ nên cậu trốn trong ấy tới 11 tháng mới chịu ra. Trong ngày lễ mừng ba tháng tuổi, mọi người hy vọng cậu chàng sẽ chọn một vật gì đó để đoán được tương lại của cậu thì cậu lại bật nhảy cao đến 1 mét. Cú nhẩy ấy có vẻ đáng kinh ngạc đối với mọi người, nhưng bù lại nó giúp ông bố Thiên Tiếu đang có nguy cơ thất nghiệp bỗng chốc nổi tiếng vì phát minh ra loại đồ chơi "Búp bê biết nhảy" lấy cảm hứng từ "cú nhảy kỳ lạ" của đứa con trai.


Khi đi học Mã Tiểu Khiêu cũng gây không ít phiền toái cho ông bố Mã Thiên Tiếu. Việc phải đến trường gặp cô giáo chủ nhiệm với ông đã trở thành thường xuyên. Cậu thường phải nghĩ ra kế gì đó để tránh những trận đòn của bố mỗi khi mắc lỗi. Thế nên mới có việc cậu nghĩ cách thổi bong bóng kẹo cao su và "bay lên" trần nhà để tránh bị đánh đòn. Tuy rất nghịch ngợm nhưng Mã Tiểu Khiêu là người thật thà nhất trong "bộ tứ Kim cương" gồm ba bạn cùng lớp khác là Mao Siêu "khỉ", Trương Đạt "hà mã" và Đường Phi "cánh cụt". Chỉ mình Mã Tiểu Khiêu dám chọn "giàu có" trong khi cả lớp cậu đều tích vào ô "thông minh" khi có một bài điều tra của cô phóng viên. Dù trước đó chính Đường Phi đã tâm sự với cậu sau này muốn trở thành một tỷ phú.
aBia-tap-1-cua-bo-sach.jpg
Trang bìa tập 1 của bộ sách. Trong lớp học của Mã Tiểu Khiêu có cô bạn An Kỳ Nhi ngốc nghếch, An Kỳ Nhi không xinh xắn nhưng tính cách chân thật đáng yêu. Cô bé hay bị các bạn nữ xinh đẹp trong lớp không coi ra gì và đôi khi còn bị bắt nạt. Những lúc ấy Mã Tiểu Khiêu luôn trở thành cậu bạn nghĩa hiệp vì Mã Tiêu Khiêu sợ nhất nhìn thấy bạn gái nào phải khóc nhè. Trái với An Kỳ Nhi là cô bạn Lộ Mạn Mạn. Lộ Mạn Mạn xinh đẹp học giỏi và được cô giáo chủ nhiệm giao nhiệm vụ ghi chép những hành vi không tốt của Mã Tiểu Khiêu, dù trong lòng rất quý mến Lộ Mạn Mạn nhưng hai cô cậu vẫn trở thành "đôi oan gia cùng bàn".



Mã Tiểu Khiêu còn thích được học ở lớp có cô giáo xinh đẹp, cậu không thích đi học lớp một vì muốn tiếp tục được cô giáo Phương ở trường mẫu giáo dạy dỗ. Bị đau chân phải bó bột mà cậu vẫn nhất quyết đến trường. Các bạn và cô Tần chủ nhiệm khen ngợi tinh thần ham học này nhưng thực ra động lực ấy lại ở chỗ, ngày hôm đó lớp cậu có tiết của cô giáo Lâm xinh đẹp và hiền dịu dạy mỹ thuật. Mã Tiểu Khiêu quý mến cô giáo Lâm vì cô không chỉ xinh đẹp mà còn rất công bằng trong khi cô giáo chủ nhiệm chỉ phán xét lỗi của cậu qua cuốn sổ ghi chép của chi đội trưởng Lộ Mạn Mạn.


"Mã Tiểu Khiêu tinh nghịch” là bộ truyện thiếu nhi gồm 20 tập của nhà văn Trung Quốc Dương Hồng Anh, mỗi tập gồm nhiều truyện nhỏ ghi lại những câu chuyện hài hước, vui vẻ và cả những câu chuyện cảm động về Mã Tiểu Khiêu cùng các bạn và những người thân của cậu. Tác giả đã dùng giọng văn hài hước, hóm hỉnh để viết về cuộc sống vui nhộn của những em nhỏ tinh nghịch, cha mẹ và thầy cô của họ. Bộ truyện phản ánh cuộc sống hiện thực và tâm lý của các em thiếu nhi đương đại. Đồng thời ca ngợi sự trong sáng, hồn nhiên, tinh nghịch của giới "nhất quỷ nhì ma".



Nhà văn Dương Hồng Anh trong một lần trả lời phỏng vấn đã đại ý nói rằng nhân vật Mã Tiểu Khiêu không dựa theo một nguyên mẫu cụ thể nào mà dựa vào những ấn tượng của bà về những cô cậu học trò của mình, đặc biệt là những ai nghịch ngợm bởi nghịch ngợm luôn là một phần tính cách của trẻ nhỏ. Việc quan tâm đến những đứa trẻ tinh nghịch không phải là chiều chuộng chúng một cách quá đáng, càng không phải là "thả nổi" cho các em tự do, mà là tôn trọng bản chất trong sáng của trẻ, tôn trọng tâm hồn đầy màu sắc tươi sáng của các em. Chỉ như thế, tuổi thơ của các em mới có thêm nhiều những niềm vui và hạnh phúc, thế giới của người lớn cũng vì thế mà thêm phần tốt đẹp, bởi niềm vui của các em chính là niềm vui của người lớn.


Truyện này hài lém!!:KSV@05::KSV@05:

 
Khi Tiểu Khiêu mới chào đời, tên cậu không phải là Mã Tiểu Khiêu mà là Mã Tiểu Kí, có nghĩa là “con tuấn mã nhỏ”. Ông nội cậu đã phải tra cứu đến nát cuốn Tân Hoa Tự Điển mới chọn được cái tên hay như vậy.


Khi còn trong bụng mẹ, Tiểu Khiêu đã rất ương ngạnh. Thường thì thai nhi đến tháng thứ mười là chào đời, vậy mà đến tháng thứ mười một, Tiểu Khiêu vẫn nằm yên trong đó. Có vẻ cậu muốn được nằm mãi trong bụng mẹ, vì đó là thế giới mềm mại nhất, an toàn nhất và thoải mái nhất.
Nhưng Tiểu Khiêu không thể nằm trong đó mãi được. Dù cậu không muốn ra thì người ta cũng có cách bắt cậu ra. Sau khi ông Mã Thiên Tiếu - bố cậu kí giấy đồng ý, người ta đưa mẹ cậu lên bàn phẫu thuật để đưa cậu ra ngoài.
Tiểu Khiêu khó chịu lắm và tỏ vẻ phản ứng. Khi bế cậu đặt lên bàn cân, kim đồng hồ cứ lắc lư liên tục, không thể xem được cậu nặng bao nhiêu.
- Cậu bé đang nhảy đấy. - Cô y tá thốt lên.
- Làm gì có chuyện đó. - Ông bác sĩ đi tới, ngạc nhiên nhìn cô y tá. - Một đứa trẻ sơ sinh, làm sao mà nhảy được?
Tiểu Khiêu phản đối kịch liệt việc người ta bắt cậu phải ra khỏi bụng mẹ và vì chưa biết nói nên cậu chỉ có thể nhảy. Nhưng trẻ sơ sinh sức lực có hạn, đến khi chiếc kim ở bàn cân đứng im thì họ cũng biết được cân nặng của cậu.
Tiểu Khiêu nhất quyết không mở mắt, không khóc. Cậu im lặng chấp nhận sự thật rằng, cậu không thể quay lại bụng mẹ được nữa. Nhưng Tiểu Khiêu luôn tưởng tượng mình đang trong bụng mẹ nên tư thế nằm ngủ của cậu không bao giờ thay đổi: lưng khom, chân co lại, đầu cúi xuống trước ngực. Đó là tư thế của các thai nhi trong bụng mẹ.
Tiêu Khiêu từ chối mọi thứ trừ thức ăn. Bố mẹ cho ăn bao nhiêu là cậu ăn bấy nhiêu, vì thế cậu lớn nhanh như thổi.
Nhân ngày Tiểu Khiêu tròn ba tháng tuổi, bố cậu đã tổ chức tiệc linh đình và mời khách khứa đến tham dự. Mục hấp dẫn nhất của buổi tiệc là “chọn đồ vật”. Mọi người bày đầy đồ vật lên một chiếc bàn tròn lớn: bút, bàn tính, búa, thước kẻ, li rượu, đĩa phim, chuột máy tính, sách, thỏi son, ô tô đồ chơi, máy bay đồ chơi, đũa, gấu bông... Họ muốn xem Tiểu Khiêu chọn đồ vật để đoán sau này cậu có thể làm nghề gì. Nếu Tiểu Khiêu chọn chiếc bút, sau này cậu có thể trở thành nhà văn; nếu chọn bàn tính, cậu có thể làm kế toán; nếu chọn chiếc thước kẻ, cậu có thể làm thợ may; nếu chọn li rượu, cậu có thể thành kẻ nghiện rượu; nếu chọn thỏi son, cậu có thể thành kẻ háo sắc; nếu chọn con chuột máy tính, cậu có thể trở thành chuyên gia máy tính; còn nếu chọn gấu bông, cậu có thể làm nhà thiết kế đồ chơi giống như bố cậu...
Bố mẹ bế Tiểu Khiêu đặt lên bàn. Chiếc bàn vừa cứng vừa lạnh, lại có nhiều người lạ vây quanh. Nó lập tức phá tan thế giới tưởng tượng, phá tan giấc mơ được nằm trong bụng mẹ của cậu. Cậu không còn cảm thấy sự mềm mại, an toàn và thoải mái nữa. Cậu lại tức giận.
Cứ tức giận, Tiểu Khiêu lại nhảy.
Cậu nhảy, nhảy cao tới gần một mét.
Mọi người há hốc mồm vì kinh ngạc. Nếu không tận mắt chứng kiến, chắc họ sẽ không bao giờ tin đứa trẻ ba tháng tuổi lại nhảy được cao như thế.
Người vui nhất là bố cậu. Ông thấy con trai mình thật tuyệt vời, tuyệt vời hơn nhiều so với những đồ chơi do ông thiết kế ra. Để mọi người mãi mãi ghi nhớ ngày hôm đó, ông tuyên bố đổi tên con trai mình thành “Mã Tiểu Khiêu”. Vì “khiêu” có nghĩa là “nhảy”.
- Mã Tiểu Khiêu! Hay, hay, hay quá đi! Cái tên rất hay!
Mọi người đều công nhận cái tên đó rất tuyệt! Thực ra, ngoài ông bà và bố mẹ Tiểu Khiêu ra, không ai biết Tiểu Khiêu vốn có tên là “Tiểu Kí”. Bởi lẽ từ lúc chào đời, chưa từng có ai gọi tên thật của cậu.
Từ khi có cái tên Mã Tiểu Khiêu, cậu cũng trở thành một đứa trẻ nổi tiếng.
- Tiểu Khiêu, nhảy đi nào!
Mỗi lần cậu nhảy là mọi người lại vỗ tay.
- Tiểu Khiêu, nhảy nữa đi nào!
Cậu lại nhảy và mọi người lại vỗ tay.
Tiểu Khiêu nhanh chóng quen với cuộc sống của một ngôi sao. Thế giới tưởng tượng trong bụng mẹ, thế giới mềm mại, an toàn nhất, thoải mái nhất đã mãi mãi rời xa cậu. Những tiếng vỗ tay và lời tán dương đã trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của cậu.
Tiếc là thời gian nổi tiếng của Tiểu Khiêu không được dài. Khi được một tuổi thì cậu không còn nổi tiếng nữa. Cậu cũng giống như những đứa trẻ cùng tuổi khác. Cậu biết nhảy, những đứa trẻ khác cũng biết nhảy. Vì trẻ con dưới một tuổi biết nhảy là chuyện lạ nhưng trẻ con trên một tuổi nhảy nhót lại là chuyện quá bình thường.
Vậy là sự nổi tiếng của Tiểu Khiêu mất dần và cậu lại trở về là một đứa trẻ bình thường. Tuy nhiên, cậu vẫn thích nhảy, không chỉ nhảy khi tức giận mà nhảy cả khi vui mừng. Từ đó, mọi người không còn chú ý đến gốc gác của cái tên “Mã Tiểu Khiêu” nữa. Họ chỉ nghĩ rằng, bố cậu là “Mã Thiên Tiếu” thì con trai tên là “Mã Tiểu Khiêu” là rất hợp. Hơn nữa, “Thiên Tiếu” và “Tiểu Khiêu” đọc lên nghe cũng vần vần.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
“Búp bê biết nhảy” đã giúp Thiên Tiếu nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới. Nhưng chỉ có ông là người hiểu rõ hơn ai hết: Tiểu Khiêu mới là người làm thay đổi số phận của ông.


Mã Thiên Tiếu và "Búp bê biết nhảy"
Ông Mã Thiên Tiếu vốn là một người tính tình ngang ngang, khùng khùng. Ông làm thiết kế ở một xưởng sản xuất đồ chơi đã được tám năm, nhưng những đồ chơi ông thiết kế chẳng có gì hấp dẫn trẻ con. Chúng bị đẩy vào kho vì không ai thèm mua. Vị giám đốc xưởng cứ nhìn thấy ông là lại nổi giận. Ông thường nói:
- Anh Thiên Tiếu, tôi không hiểu sao anh có thể thiết kế ra những thứ vô duyên đến vậy?
Ông Thiên Tiếu cũng không hiểu tại sao những đồ chơi mình thiết kế lại bị ế ẩm. Ông vốn là một người rất ham chơi và yêu thích đồ chơi, vậy mà đồ chơi do ông thiết kế lại không ai muốn chơi.
Điều đó khiến ông nghĩ rằng, mình không phải là một nhà thiết kế đồ chơi có tài. Những đồ chơi mà ông thiết kế ra chỉ là chú vịt nhựa biết kêu “bíp bíp” đơn điệu, con búp bê có lông mi dài một cách đáng sợ hay con gấu đen ngốc nghếch đánh trống liên hồi...
Thiên Tiếu cho rằng cuộc đời này, ông chỉ có thể là một nhà thiết kế đồ chơi tầm thường.
Nhưng ngày con trai ông chào đời đã trở thành bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời ông.
Mắt Tiểu Khiêu như hạt đậu nhỏ, đen láy. Tư thế ngủ của cậu thì quả là thú vị! Cậu cứ giữ nguyên tư thế nằm trong bụng mẹ một cách bướng bỉnh. Bố Tiểu Khiêu chợt nghĩ: Nếu thiết kế một loại đồ chơi giống hình dáng con trai mình thì chắc nó sẽ rất thú vị.
Khi chọn đồ vật trong bữa tiệc mừng Tiểu Khiêu tròn ba tháng tuổi, cậu không chịu chọn mà nhảy lên vì tức giận khiến khách khứa được một phen kinh ngạc. Nếu không tận mắt chứng kiến, chắc sẽ không ai tin chuyện kỳ lạ đó.
Sự việc đó không chỉ giúp cho cậu có cái tên mới Mã Tiểu Khiêu mà còn giúp bố cậu phát minh ra một món đồ chơi mới, “Búp bê biết nhảy”.
Chưa đầy ba ngày sau, bố Tiểu Khiêu đã thiết kế ra loại đồ chơi mới, “Búp bê biết nhảy”. Nó có hình dáng giống hệt Tiểu Khiêu: đầu to, mắt hạt đậu, mũi tròn, miệng khép hờ, một mép vểnh lên, một mép trễ xuống. Không ai biết là cậu đang khóc hay cười. Khuôn mặt cậu không hề biểu cảm điều đó. Nếu nét mặt đó ở người lớn thì chẳng phải điều lạ, nhưng đây lại là nét mặt của một đứa trẻ mới có vài tháng tuổi. Ai thấy cũng buồn cười.
Công nghệ sản xuất “Búp bê biết nhảy” rất đơn giản. Sau lưng búp bê có một cái nút điện, chỉ cần ấn vào đó là con búp bê sẽ nhảy lên và đặc biệt nó lại mang hình dáng của một đứa trẻ sơ sinh nên mọi người đều lấy làm lạ. Các bạn thử nghĩ xem, ngoài Tiểu Khiêu ra, có đứa trẻ sơ sinh nào nhảy được cao như vậy chưa?
“Búp bê biết nhảy” bán rất chạy vì nó khác biệt, độc đáo và rất lạ mắt. Những con búp bê bình thường luôn mỉm cười, xinh xắn và không biết nói. Nếu có ai tinh nghịch ấn vào bụng thì chúng mới “oe oe” vài tiếng. Ngược lại, “Búp bê biết nhảy” có thể hơi xấu nhưng đáng yêu và không hề đáng sợ, mọi người cứ nhìn thấy nó là phì cười. Đơn đặt hàng từ khắp nơi gửi đến xưởng sản xuất xối xả như mưa. Ông giám đốc lập tức quyết định dừng sản xuất các loại đồ chơi khác để tập trung vào việc sản xuất “Búp bê biết nhảy”.
Từ trước đến nay, xưởng sản xuất đồ chơi chưa bao giờ đắt hàng như vậy. Giờ thì ông giám đốc cứ nhìn thấy bố Tiểu Khiêu là cười nói vui vẻ:
- Thiên Tiếu, anh đúng là ân nhân của xưởng ta. Tôi thay mặt anh em công nhân trong xưởng cảm ơn anh rất nhiều!
Bố Tiểu Khiêu cười và nói:
- Ông đừng cảm ơn tôi. Nếu muốn cảm ơn thì hãy cảm ơn Tiểu Khiêu, con trai tôi ấy!
Ông giám đốc không hề biết Tiểu Khiêu. Ông càng không hiểu tại sao phải cảm ơn cậu bé đó.
Bố Tiểu Khiêu liền kể cho ông giám đốc nghe chuyện con trai Tiểu Khiêu đã cho ông ý tưởng thiết kế ra “Búp bê biết nhảy” như thế nào. Không có Tiểu Khiêu thì sao có được “Búp bê biết nhảy” chứ?
Tới lúc đó, ông giám đốc mới biết rằng, cậu bé Tiểu Khiêu là nhân vật quan trọng còn hơn cả bố cậu. Ông mua mấy hộp sữa ngoại đến nhà cảm ơn cậu bé.
Khi ngủ, Tiểu Khiêu vẫn nằm tư thế như khi còn trong bụng mẹ: chân co lại, đầu cúi xuống trước ngực. Chỉ khi nào ngủ, Tiểu Khiêu mới có cảm giác dường như được trở lại bụng mẹ.
- Trẻ con ngủ thì phải nằm thẳng ra chứ!
Bố Tiểu Khiêu chưa kịp ngăn thì ông giám đốc đã đặt cậu nằm thẳng lại.
Tiểu Khiêu ghét nhất là việc người ta bắt cậu ra khỏi bụng mẹ. Cậu bé lại tức giận nhảy lên thật cao. Tuy giật mình nhưng ngay sau đó, ông giám đốc liền cười lớn:
- Thiên Tiếu này, con trai anh đáng yêu hơn “Búp bê biết nhảy” của anh nhiều!
Mặt hàng đồ chơi búp bê biết nhảy không chỉ chiếm lĩnh thị trường đồ chơi trong nước mà còn góp mặt ở thị trường đồ chơi quốc tế. Rất nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... hay các nước chưa phát triển như Nê-pan, Ê-thi-ô-pi-a... đều đặt mua “Búp bê biết nhảy”. Ngay lần đầu tham gia triển lãm đồ chơi quốc tế, “Búp bê biết nhảy” đã giành giải vàng về thiết kế.
“Búp bê biết nhảy” đã giúp Thiên Tiếu nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới. Nhưng chỉ có ông là người hiểu rõ hơn ai hết: Tiểu Khiêu mới là người làm thay đổi số phận của ông.
Bố Tiểu Khiêu được bổ nhiệm làm giám đốc xưởng sản xuất đồ chơi. Nhưng ông vẫn là ông. Có lúc, ông vẫn ngang ngang, khùng khùng. Ông còn ham chơi hơn trước đây. Chỉ khác là, trước đây ông đi chơi một mình, còn bây giờ thì đem theo con trai.
Lúc này, Tiểu Khiêu chưa đầy sáu tháng tuổi, cậu chưa hiểu chuyện gì cả. Nhưng cậu thực sự là người tạo ra bước ngoặt làm thay đổi số phận bố mình.

 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Người vĩ đại và người tầm thường


Tiểu Khiêu rất thích những cô giáo xinh đẹp. Đó có lẽ là cái gien di truyền từ bố cậu. Khi còn nhỏ, bố cậu cũng rất thích những cô giáo xinh đẹp.


Nói về việc ham chơi của bố Tiểu Khiêu thì ông bà cậu có kể suốt ba ngày ba đêm cũng không hết. Ông bà nói, Tiểu Khiêu ham chơi không bằng bố cậu hồi nhỏ vì thế hễ bố Tiểu Khiêu không cho cậu chơi thì chắc chắn ông bà sẽ bênh. Thậm chí, ông bà còn kể ra một loạt các chiến tích của bố cậu lúc bé. Hồi đó, vì ham chơi nên bố cậu thường xuyên trốn học, nhưng nếu cô giáo không xinh thì bố cậu còn trốn học nhiều hơn nữa.
Mẹ Tiểu Khiêu vừa nghe nhắc đến từ “cô giáo xinh” liền hỏi ngay:
- Cô giáo đó xinh lắm à?
- Ờ...ờ...cũng xinh! - Bố Tiểu Khiêu nói. - Cô ấy có hai bím tóc dài.
Bố Tiểu Khiêu còn nhớ, vì trốn học mà ông đã bị đánh đòn không biết bao nhiêu trận. Nhưng có đánh thì ông cũng không chịu đi học, vì chưa được chơi thoả thích.
Một hôm, khi đang đánh cá bằng chiếc lưới tự làm bên bờ sông, Thiên Tiếu thấy bờ bên kia có cô gái mặc váy trắng, đi giày trắng, tung tăng với hai bím tóc dài buộc thêm hai chiếc nơ hình con bướm trắng xinh xắn. Khi bước đi, hai bím tóc đung đưa, chiếc nơ như hai con bướm đang đuổi theo sau vậy.
Thiên Tiếu mải mê ngắm đến thần cả người. Khi thấy Thiên Tiếu, cô gái vẫy tay gọi.
Thiên Tiếu lội qua sông. Cô gái xinh đẹp vừa đi vừa nói chuyện với Thiên Tiếu. Cô ấy là cô giáo mới chuyển đến trường của Thiên Tiếu, lại dạy đúng lớp của Thiên Tiếu đang học. Mấy ngày nay không thấy Thiên Tiếu đến lớp nên cô đi tìm.
Cách nói của cô giáo khiến Thiên Tiếu cảm thấy dễ chịu. Cô không nói Thiên Tiếu “trốn học” mà chỉ nói mấy ngày nay không thấy em đến lớp.
Từ đó, Thiên Tiếu không trốn học nữa, cậu chỉ muốn ngày nào cũng được nhìn thấy cô giáo xinh đẹp của mình, nghe giọng nói dịu dàng và được bàn tay mềm mại của cô xoa đầu.
Bây giờ đến lượt Tiểu Khiêu. Dường như cậu bé cũng có những điểm giống bố.
Đã có lúc, Tiểu Khiêu nhất định không chịu đến trường mẫu giáo. Cậu nói, ở trường mẫu giáo không vui. Mỗi sáng, khi bố mẹ vừa đưa tới cổng trường là cậu lại gào khóc thật to, khóc từ lúc vào lớp đến tận lúc tan học, khóc khản cả cổ. Dù bố cậu tìm đủ mọi cách từ dỗ dành đến doạ nạt nhưng vẫn không ăn thua.
- Chú nhóc này giống anh hồi nhỏ thật đấy!
Mẹ Tiểu Khiêu vừa nghe bố cậu nhắc đến “hồi nhỏ” liền nghĩ ngay đến cô giáo xinh đẹp đó. Bà nói:
- Nếu con trai chúng ta có một cô giáo xinh đẹp thì chắc chắn nó sẽ thích đi mẫu giáo.
Bố Tiểu Khiêu cũng đồng tình với ý kiến của vợ. Ông nghĩ, nếu thật sự con trai mang gien mình thì chỉ cần tìm được một cô giáo xinh đẹp, chắc chắn mọi chuyện sẽ ổn thoả.
Nghĩ vậy, ông bèn đi dò hỏi:
- Ở trường này có cô giáo nào xinh xắn một chút không ạ?
Nhưng mọi người lại cho rằng Thiên Tiếu có ý đồ xấu, họ cảnh cáo:
- Anh Thiên Tiếu, anh có vợ rồi đấy nhé!
- Không phải thế. - Ông vội giải thích. - Vì con trai tôi...
- Con trai anh bao nhiêu tuổi rồi? Anh định tìm vợ cho con trai sao?
Bố Tiểu Khiêu không thể giải thích rõ ràng với họ, đành phải đi tìm ở nơi khác vậy!
Rồi Thiên Tiếu phát hiện, ở trường mẫu giáo ngay gần nhà ông có một cô giáo cũng tương đối xinh xắn. Cô rất giống cô giáo dạy ông hồi nhỏ. Khi cô cười, má lúm đồng tiền trông đến là duyên. Ông tìm hiểu và được biết, cô giáo xinh đẹp đó đang dạy lớp mẫu giáo nhỡ.
Thiên Tiếu dẫn con trai đến gặp cô giáo rồi hỏi xem con có thích không, Tiểu Khiêu gật đầu. Anh lại hỏi, con có muốn hàng ngày được nhìn thấy cô giáo xinh đẹp ấy không, Tiểu Khiêu lại gật đầu:
- Thích ạ!
Vậy là, bố Tiểu Khiêu lại tìm cách để chuyển con trai đến lớp của cô giáo xinh đẹp. Quả nhiên từ đó trở đi, Tiểu Khiêu không còn khóc khi phải đến trường mẫu giáo nữa.
Học hết lớp mẫu giáo nhỡ thì phải lên lớp mẫu giáo lớn. Hết lớp mẫu giáo lớn, Tiểu Khiêu sẽ phải lên lớp một. Cậu gào khóc thảm thiết vì không muốn rời khỏi trường mẫu giáo. Bố cậu hỏi:
- Con muốn học mẫu giáo mãi sao?
Tiểu Khiêu ngây ngô:
- Con chỉ thích học mẫu giáo thôi.
- Ai cũng phải lớn lên chứ! - Bố cậu nói. - Học xong mẫu giáo, con sẽ học tiểu học. Học xong tiểu học, con sẽ học trung học. Học xong trung học, con sẽ học đại học...
Mã Tiểu Khiêu hỏi:
- Thế cô Phương có học tiểu học cùng con không ạ?
Cô Phương chính là cô giáo xinh đẹp ở trường mẫu giáo. Vì cô ấy mà Tiểu Khiêu muốn học mẫu giáo mãi mãi.
Bố Tiểu Khiêu đảm bảo với cậu, ở trường tiểu học có nhiều cô giáo xinh như cô Phương. Nhưng với cậu cô Phương là cô giáo xinh đẹp nhất, cậu không muốn lên lớp một mà chỉ muốn đi mẫu giáo thôi.
Không còn cách nào khác, bố Tiểu Khiêu đành phải nhờ bạn bè đưa đến gặp thầy hiệu trưởng trường tiểu học mà Tiểu Khiêu sẽ học. Sau khi nghe tâm sự của bố Tiểu Khiêu, ông hiệu trưởng hỏi:
- Con trai anh muốn học cô giáo nào?
- Cô giáo xinh một chút ạ. Con trai tôi thích được một cô giáo thật xinh xắn dạy học ạ.
Ông hiệu trưởng tròn mắt nhìn Thiên Tiếu như nhìn người ngoài hành tinh khiến Thiên Tiếu toát cả mồ hôi hột.
- Anh Thiêu Tiếu, anh dạy con kiểu gì thế?
- Tôi thấy có gì là không tốt đâu? - Bố Tiểu Khiêu phân trần. - Chỉ là con trai tôi thích được một cô giáo xinh xắn dạy học thôi mà. Hồi nhỏ tôi cũng vậy. Tôi luôn vâng lời cô giáo và rất thích đến lớp nghe cô giảng bài...
- Anh Thiên Tiếu, cách giáo dục con của anh có vấn đề đấy! - Ông hiệu trưởng ngắt lời bố Tiểu Khiêu. - Nếu ai cũng nghĩ như anh thì làm sao mà dạy dỗ được con cái chứ?
Ông hiệu trưởng cho rằng, bệnh của bố Tiểu Khiêu không còn thuốc gì chữa nổi nhưng ông vẫn hứa sẽ giúp đỡ. Ông sẽ giao Tiểu Khiêu cho một cô giáo dạy giỏi, có vậy ông mới yên tâm.
Cô giáo dạy giỏi mà ông hiệu trưởng nghĩ tới là cô Tần, người đã có mấy chục năm kinh nghiệm dạy học và rất nghiêm khắc với học sinh... Ông hiệu trưởng đích thân sắp xếp cho Tiểu Khiêu học lớp cô Tần làm chủ nhiệm.
Ngày khai giảng, bố Tiểu Khiêu lôi mãi mới đưa được Tiểu Khiêu đến cổng trường. Cậu nhất quyết không vào. Vừa lúc đó, một cô giáo xinh đẹp đi tới hỏi, tại sao Tiểu Khiêu không chịu vào trường. Tiểu Khiêu thấy cô ấy còn xinh hơn cả cô Phương. Lúc đó, cậu mới biết rằng cô Phương không phải là người xinh nhất. Cô giáo này mới là người xinh đẹp nhất.
Tưởng rằng đó là cô giáo chủ nhiệm của mình nên cậu không khóc nữa. Cậu vui vẻ tung tăng theo cô vào trường. Không ngờ, cô giáo lại dẫn cậu tới gặp cô Tần và giới thiệu cô Tần là chủ nhiệm lớp cậu. Tiểu Khiêu lại lăn ra khóc ầm ĩ.
Tuy có đôi chút thất vọng sau khi gặp cô giáo Tần nhưng bố Tiểu Khiêu quyết định không để con đòi hỏi ngang ngược nữa. Ông giải thích với con trai:
- Thực ra, cô Tần cũng xinh xắn đấy chứ. Chỉ có người tầm thường mới không nhận ra điều đó thôi!
Đương nhiên Tiểu Khiêu không muốn thừa nhận mình là người tầm thường, cậu hỏi:
- Vậy người thế nào mới nhận ra điều đó ạ?
- Người vĩ đại. Bố Tiểu Khiêu nói.
- Con biết người vĩ đại và người bình thường có gì khác nhau không?
Tiểu Khiêu nói:
- Khác gì ạ?
- Cái khác ở chỗ, người vĩ đại có đôi mắt biết phát hiện ra cái đẹp còn người bình thường thì không.
Tiểu Khiêu chỉ muốn làm người vĩ đại, thế nên cậu phải có đôi mắt biết phát hiện ra cái đẹp. Dần dần trong mắt cậu, cô giáo Tần ngày một xinh đẹp hơn.

 
Thầy còn hỏi con một câu dễ hơn nữa: “Tại sao cá chỉ có thể sống dưới nước?” Con trả lời: “Trên cạn có mèo, mèo thích ăn thịt cá, thế nên cá chỉ có thể sống dưới nước ạ.”


Cá lên cạn
Vào bữa cơm, bố Tiểu Khiêu thường hỏi cậu những chuyện ở trường.
- Con trai, hôm nay ở trường có chuyện gì vui không? Kể cho bố nghe với nào!
- Có nhiều chuyện vui lắm ạ! Có kể cũng chẳng kể hết được đâu!
Tiểu Khiêu đang bóc tôm ăn ra dáng rất bận bịu.
- Con kể một chuyện thôi. - Ông Thiên Tiếu cầm lấy con tôm đang bóc dở trong tay cậu.
- Để bố bóc cho!
- Môn khoa học tự nhiên hôm nay rất hay ạ! - Tiểu Khiêu kể. - Thầy Lôi Minh dạy chúng con môn đó. Chúng con đều gọi thầy là thầy “đùng đùng đoàng”.
Bố cậu thắc mắc:
- Tại sao các con lại gọi là thầy “đùng đùng đoàng”?
- Thầy giáo dạy môn khoa học tự nhiên của chúng con tên là Lôi Minh, Lôi Minh có nghĩa là tiếng sấm. Tiếng sấm kêu thế nào ạ?
Bố cậu trả lời:
- Đùng đùng đoàng!
- Hi hi, thế nên chúng con gọi là thầy “đùng đùng đoàng” cho dễ nhớ! - Tiểu Khiêu tiếp tục kể. - Cứ đến giờ toán là con thấy đau đầu. Còn học môn khoa học tự nhiên là con hết hẳn đau đầu, bởi vì thầy “đùng đùng đoàng” toàn hỏi con những câu hỏi rất dễ. Thầy hỏi: “Khi nào con thấy mặt trăng lớn nhất?” Con trả lời là: “Khi mặt trăng tròn như quả bóng ạ.”
Bố cậu cười phì cả cơm trong miệng ra ngoài. Cậu lại chẳng thấy có gì buồn cười cả. Cậu nghĩ chắc bố thích cười. Cười là “Tiếu”, hèn gì bố lại được đặt tên là “Mã Thiên Tiếu”!
Tiểu Khiêu kể tiếp:
- Thầy còn hỏi con một câu dễ hơn nữa: “Tại sao cá chỉ có thể sống dưới nước?” Con trả lời: “Trên cạn có mèo, mèo thích ăn thịt cá, thế nên cá chỉ có thể sống dưới nước ạ.”
Lần này, bố cậu cười lăn cả ra ghế sô pha, mãi mới nói được hết câu:
- Ý con là, nếu không bị mèo ăn thịt, thì cá có thể sống trên cạn ư?
Tiểu Khiêu nói:
- Điều này hoàn toàn có thể mà bố!
Bố Tiểu Khiêu liền giải thích cho cậu nghe về cuộc sống trên cạn, nếu cá sống trên cạn sẽ như thế nào. Nghe xong, Tiểu Khiêu lại kể thành một câu chuyện vô cùng sinh động:
“Một hôm, có con mèo nghiện rượu. Nó say bí tỉ và bị rơi xuống sông. Một con cá đã cứu con mèo say và dìu nó vào bờ. Cảm kích trước ơn cứu mạng của cá, mèo ta đã thề:
- Cá ơi, cá ơi, từ nay về sau, họ nhà mèo chúng tớ sẽ chỉ ăn thịt chuột, không bao giờ ăn thịt cá nữa. Cậu đừng sợ chúng tớ nhé!
Cá liền bơi đi khắp các ao hồ, sông suối để thông báo lời thề của mèo cho các loài cá khác biết.
Từ giờ thì trên cạn sẽ rất vui. Các loài cá ở biển, ở sông, ở hồ đều nhảy hết lên cạn.
Cá đi bộ trên cạn bằng đuôi. Hai vây trước ngực chính là tay của cá. Khắp các cửa hàng, công viên và những bến xe buýt, đi đến đâu người ta cũng thấy cá đi bộ bằng đuôi.
Sáng nào cũng vậy, từ phố lớn đến ngõ nhỏ, mọi người đều thấy lũ cá đang chạy. Đó là chúng đang tập thể dục.
Nơi ở của cá trên cạn là một ngôi nhà bằng pha lê trong suốt. Có lúc, gặp mèo trên đường, chúng còn mời mèo đến nhà mình uống trà, ăn điểm tâm.
Mèo vừa uống trà, vừa tâm sự nỗi buồn của mình cho cá nghe.
Mèo nói:
- Trông các cậu mới sạch sẽ làm sao!
Cá nói:
- Thế chẳng nhẽ loài mèo các cậu lại ở bẩn ư?
Mèo nói:
- Trước kia, chúng tớ ăn thịt cá nên sạch. Bây giờ chỉ có thể ăn thịt chuột mà thôi. Cậu thử nghĩ xem loài chuột có sạch không?
Mèo vừa nói vừa thở dài. Cá ngồi bên cũng thở dài thông cảm.
- Huống hồ, loài chuột bây giờ ngày càng ranh ma. - Mèo tiếp tục kể khổ. - Có khi cả ngày tớ chẳng bắt được con chuột nào. Vì thế, tớ thường xuyên bị đói.
- Vậy phải làm sao đây? - Cá lo lắng cho mèo.
- Ái chà, ngày xưa được ăn thịt cá thật tốt biết mấy! - Mèo nhìn cá, hai mắt sáng lên.
Cá sợ quá, vội nói:
- Thôi, để tớ đi bắt chuột giúp cậu nhé!
Thế là cá vội vàng chạy đi và người ta không còn thấy cá đi lại tấp nập trong công viên hay ở các cửa hàng nữa. Người ta chỉ thấy chúng bên cạnh thùng rác hay ở góc tường. Chúng nằm giả chết. Loài chuột thích nhất là món thịt cá chết. Chúng tập hợp thành đội quân, rời khỏi chỗ ẩn nấp ra ngoài để ăn thịt cá chết. Nhưng khi lũ chuột vừa đến gần thì những con cá đứng bật dậy bỏ chạy.
- Sao cá lại biết chạy nhỉ?
Cá đánh những con chuột ngất đi và chúng trở thành bữa ăn cho mèo.
Từ đó, cá và mèo trở thành những người bạn thân thiết. Họ sống vui vẻ mãi mãi ở trên cạn.
 
Thiên Tiếu ham chơi từ nhỏ. Đến giờ, khi làm bố Tiểu Khiêu ông vẫn còn ham chơi. Ông là giám đốc xưởng sản xuất đồ chơi. Trong xưởng có đủ loại đồ chơi nên bố Tiểu Khiêu có thể chơi bất cứ lúc nào.


Ông bố bị phạt
Ban ngày, bố Tiểu Khiêu đến xưởng chơi. Tối về ông vẫn muốn chơi cùng con trai nhưng Tiểu Khiêu thì không có thời gian.
Hàng ngày, sau khi tan học, Tiểu Khiêu chẳng có thời gian đá bóng, xem hoạt hình hay cho cá ăn. Đặt cặp sách xuống là cậu phải ngồi làm bài tập ngay. Thế mà không hôm nào Tiểu Khiêu làm hết được bài tập.
Ông Thiên Tiếu thường đợi con trai làm xong bài tập để cùng cậu chơi phi tiêu.
- Con làm xong chưa?
Bố Tiểu Khiêu không biết đã hỏi câu đó bao nhiêu lần. Ông tỏ vẻ thông cảm với con trai:
- Còn bé thế mà bắt làm bao nhiêu là bài tập. Thầy cô của các con thật quá đáng!
Tiểu Khiêu hỏi bố:
- Hồi nhỏ, bố có phải làm nhiều bài tập không ạ?
Ông trả lời:
- Không. Bố chỉ làm hai mươi phút là xong.
- Chỉ hai mươi phút thôi ạ? - Tiểu Khiêu nhìn bố ngưỡng mộ.
- Còn nhiều thời gian như vậy thì bố làm gì ạ?
- Bố chơi ! - Nhắc đến từ “chơi” là ông Thiên Tiếu đã nhấp nhổm, chân tay không muốn yên. - Đánh vòng sắt, thả diều, bắn súng nước, đánh trận giả, chơi trốn tìm, bắt gián điệp, làm tiêu bản, làm mô hình... Ôi, nhiều thứ lắm!
Bố có ít bài tập, lại được chơi nhiều. Giờ bố lại được làm giám đốc xưởng sản xuất đồ chơi. Tiểu Khiêu thấy tiếc vì đã không sinh ra ở thời đó để được chơi cùng bố.
- Con trai ngốc nghếch ạ, nếu con sinh ra ở thời đó thì chỉ có Mã Tiểu Khiêu mà không có Mã Thiên Tiếu.
Phải rồi, không có bố thì làm sao có con được chứ?
Đồng hồ treo tường điểm mười tiếng. Vậy là đã mười giờ rồi.
Bố Tiểu Khiêu hỏi:
- Con làm xong chưa?
Lần này thì Tiểu Khiêu không trả lời, cậu đã ngủ gục trên quyển vở bài tập mất rồi.
Bố Tiểu Khiêu bế cậu đặt lên gi.ường. Thấy con trai vẫn chưa chép xong bài, ông đành ngồi chép hộ. Vừa viết, ông vừa tự hào:
- Mình bắt chước nét chữ con trai giống thật đấy.
Chiều hôm sau khi tan học, cô Tần gọi Tiểu Khiêu đến văn phòng, giở vở bài tập của cậu ra và nói:
- Bài ở nhà hôm qua, em viết sai một chữ. Em chép lại một trăm lần cho cô!
Cô Tần là một người có kinh nghiệm dạy học lâu năm. Nếu học sinh nào viết sai một chữ, cô sẽ phạt học sinh đó viết lại một trăm lần.
- Sao em lại viết sai từ “chân”? - Cô giáo gõ nhẹ vào đầu Tiểu Khiêu. Trên lớp cô đã dạy đi dạy lại, chữ “chân tay” phải viết “ch” chứ sao lại viết là “trân tay” Tiểu Khiêu, tai em mọc ở đâu thế?
- Đây ạ!
Tiểu Khiêu kéo tai mình ra cho cô giáo xem khiến các thầy cô trong văn phòng phải phì cười nhưng cô Tần thì không. Cô luôn giữ thái độ nghiêm nghị trước mặt học sinh:
- Em viết ngay đi. Viết xong mới được về nhà.
- Em không viết! - Tiểu Khiêu vừa nhìn là biết ngay, chữ đó không phải là chữ cậu. - Em không viết sai ạ!
Cô Tần thấy lạ hỏi:
- Thế chẳng nhẽ là cô viết sai?
- Cô cũng không viết sai. Cô đâu có đến nhà em viết hộ ạ?
Cô giáo không nhịn được cười:
- Tiểu Khiêu, đây là vở bài tập của ai?
- Của em ạ! - Tiểu Khiêu trả lời. - Nhưng em mới viết được một dòng thì ngủ quên mất. Những chữ ở đằng sau không phải là em viết.
Cô Tần xem lại nét chữ. Tiểu Khiêu cũng chăm chú xem.
- Lạ thật! - Cô Tần xem rất kĩ. - Nét chữ này giống hệt nét chữ của em mà?
Tiểu Khiêu nói:
- Chỉ là bắt chước rất giống thôi ạ.
- Tiểu Khiêu, em nghĩ ai đã làm việc đó?
Tiểu Khiêu chau mày nghĩ một lát rồi khẳng định:
- Bố em, chắc chắn là bố em!
Cô giáo không tin:
- Bố em là giám đốc mà lại viết sai chính tả ư?
Để cô giáo tin là mình không nói dối, Tiểu Khiêu liền gọi điện bảo bố đến trường ngay.
Bố Tiểu Khiêu vội vã đến trường, vừa bước vào văn phòng, cô giáo Tần liền bắt tay ông và nói:
- Bố Tiểu Khiêu, anh bắt chước chữ con trai anh giống thật đấy!
- Cô quá khen ạ! - Bố Tiểu Khiêu cúi đầu chào. - Vì tối qua muộn quá rồi, nếu không tôi còn bắt chước giống hơn cơ!
Các thầy cô khác trong phòng phá lên cười, trừ cô Tần. Cô rất bực mình, đã bực mình với Tiểu Khiêu lại càng bực mình hơn với bố cậu.
Bố Tiểu Khiêu không hiểu chuyện gì. Tiểu Khiêu lén dẫm lên chân bố, cau mày ra hiệu. Cuối cùng bố cậu cũng hiểu ra và giải thích rằng vừa rồi vội quá, đầu óc căng thẳng nên không nghe rõ cô giáo nói gì.
Bố Tiểu Khiêu vội vàng xin lỗi cô giáo và giải thích, ông giúp con trai làm bài tập là chuyện bất đắc dĩ. Nhiều bài tập quá, Tiểu Khiêu quá mệt cho nên...
Cô Tần không nghe bố Tiểu Khiêu giải thích. Cô đưa cho ông một cây bút máy. Sau đó cô viết một chữ “chân” thật lớn lên tờ giấy trắng nhắc lại chính tả cho ông.
Bố Tiểu Khiêu phân trần vì tối qua muộn quá, hoa mắt nên mới viết nhầm.
Cô Tần không đồng ý và nói với bố Tiểu Khiêu như với học sinh:
- Viết sai thì phải bị phạt!
Dù là giám đốc xưởng sản xuất đi nữa thì trong con mắt của thầy cô cũng vẫn chỉ là một học sinh.
Thật tội nghiệp cho ông Mã Thiên Tiếu! Ông đành phải cầm bút lên và bắt đầu viết chữ “chân” đầu tiên. Ông phải viết đủ một trăm lần.
 
Bố Tiểu Khiêu là giám đốc nhưng mỗi khi thấy ông, công nhân trong xưởng cứ rúc rích cười. Chắc nghĩ mình chưa nghiêm nghị cho lắm nên ông cố tình trợn mắt, phồng mồm lên. Càng thế, mọi người lại càng buồn cười hơn.


Làm sao để tóc dựng ngược?
Điều đó làm ông rất khó chịu, ông bèn hỏi cô La - thư ký của mình xem tại sao lại như vậy. Vốn không muốn nói nhưng vì thấy ông khẩn khoản quá, cô La đành nói:
- Mọi người nói, trông anh càng ngày càng giống con gà trống.
Bố Tiểu Khiêu không hiểu:
- Tức là sao cơ?
Cô La chỉ lên đầu ông và nói:
- Vì tóc anh rất giống chiếc mào gà.
Thì ra trên đầu ông Thiên Tiếu có một chỏm tóc dựng ngược lên. Dù có dùng keo vuốt nó xuống thì nó vẫn thế. Lần nào vào hiệu, thợ cắt tóc cũng sấy đi sấy lại chỏm tóc đó nhưng vẫn không ăn thua. Chỏm tóc vẫn dựng ngược lên một cách ương bướng.
- Tôi đã cắt tóc cho rất nhiều người nhưng chưa từng thấy ai có tóc giống anh.
Hầu hết thợ cắt tóc đều bó tay trước chỏm tóc của bố Tiểu Khiêu. Vì thế ông bố đáng thương đó rất ngại ra hiệu cắt tóc.
Tóc bố Tiểu Khiêu càng ngày càng dài ra. Ông đành soi gương và tự cầm kéo cắt tóc cho mình.
Mỗi lần sau khi cắt tóc xong, nửa tháng liền bố Tiểu Khiêu không dám ra đường. Nếu bắt buộc đi thì ông phải đội mũ. Mái tóc ông cắt lởm chởm chỗ ngắn chỗ dài, chỗ chưa cắt thì dài quá, chỗ cắt rồi lại ngắn quá. Đã vậy có chỗ còn lộ cả da đầu, trông cứ như ao hồ, sông ngòi vậy. Ai nhìn thấy mái tóc đó, đều không thể nhịn được cười.
Ông bố đáng thương của Tiểu Khiêu luôn phải đau đầu suy nghĩ về mái tóc của mình.
Giờ tóc đã dài, đến lúc phải cắt rồi! Bố Tiểu Khiêu cầm kéo và ngồi trước gương. Tiểu Khiêu rón rén đến bịt mắt bố.
- Mã... Tiểu... Khiêu!
Từ trước đến giờ, bố Tiểu Khiêu chưa bao giờ gọi đầy đủ cả họ và tên cậu như vậy.
- Con bịt mắt bố làm gì?
- Con sợ ạ!
- Sợ cái gì?
- Con sợ bố cắt trọc đầu mất!
Nghe con trai nói vậy, bố Tiểu Khiêu không dám tự cắt tóc nữa. Lập tức, ông nghĩ ngay đến Tiểu Khiêu.
- Con cắt tóc cho bố nhé.
- Con không dám đâu! - Tiểu Khiêu thật thà nói. - Bố cắt còn sợ hỏng thì con cắt sẽ thành thế nào ạ?
- Con cứ cắt đi. - Bố Tiểu Khiêu dứt khoát. - Chỉ cần con không cắt mất tai của bố là được!
Chỉ cần tai bố không bị cắt mất là được. Thế thì dễ quá! Bố cậu lại nói:
- Con chỉ cần cắt cho tóc bố thật đều là được.
Tiểu Khiêu cầm chặt kéo, mắt chăm chú... “xoẹt...” Tiểu Khiêu cắt veo chỏm tóc dựng ngược của bố cậu, nhát kéo khá đều.
- Bố ơi, nếu tóc bố dựng ngược hết cả lên thì tốt biết mấy! Chỉ cần vài nhát kéo là sẽ đều tăm tắp ngay!
- Vớ vẩn! Làm sao mà dựng hết cả như vậy được?
Trí tưởng tượng của Tiểu Khiêu thật phong phú. Cậu đang nghĩ cách.... Chợt cậu nhớ đến một câu nói: “Khi tức giận, tóc sẽ dựng ngược”. Thậm chí làm rơi cả mũ đang đội trên đầu. Tiểu Khiêu nghĩ, nếu bố tức giận thì tóc sẽ dựng ngược lên, như thế cậu sẽ dễ dàng cắt được đều hơn.
Nghĩ là làm, Tiểu Khiểu liền nhảy ra phía trước, tay chống nạnh và chỉ vào mặt bố, nghiêm mặt nói:
- Bố là con trai con. Con là bố của bố!
- Tiểu Khiêu, con vừa nói gì thế? Con nói lại xem nào.
Tiểu Khiêu thấy sợ nhưng cậu vẫn cứng đầu, cố tình nói lại lần nữa:
- Bố là con trai con. Con là bố của bố!
Bố Tiểu Khiêu lập tức nổi giận, tóc ông dựng ngược lên.
Tiểu Khiêu sung sướng!
Cậu tiếp tục lảm nhảm:
- Mã Thiên Tiếu là con trai của Mã Tiểu Khiêu. Mã Tiểu Khiêu là bố của Mã Thiên Tiếu.
Giờ thì bố Tiểu Khiêu nổi giận thực sự. Tóc ông dựng ngược hết lên, sợi nào cũng thẳng đứng như cây kim.
Bố Tiểu Khiêu giơ tay định đánh cậu. Tiểu Khiêu chạy ra sau lưng, một tay ôm cổ bố, một tay cắt tóc, mái tóc của bố được cắt đều tăm tắp.
Cắt xong tóc thì bố cậu cũng nguôi giận. Tóc ông từ từ rủ xuống.
Bố Tiểu Khiêu soi gương. Đẹp thật! Sợi nào cũng đều tăm tắp. Ông rất hài lòng. Không, phải nói là vô cùng hài lòng, đến thợ cắt tóc cũng không cắt được đẹp như vậy.
 
Tiểu Khiêu đưa câu văn cho bố cậu xem, khiến ông bò lăn ra ghế sô pha mà cười, cười đến khản cả tiếng. Ông cười nhiều đến mức bị nấc và đau thắt cả hai bên sườn.


Bố con đều ngớ ngẩn

Cô Tần yêu cầu học sinh mỗi ngày phải viết một câu văn. Cô nói:
- Viết được một câu văn, nghĩa là có thể viết được một đoạn văn. Viết được một đoạn văn, nghĩa là có thể viết được một bài văn.
Tiểu Khiêu làm việc đó cứ như lấy kem đánh răng vậy. Mỗi ngày, cậu chỉ nghĩ ra một câu. Nhiều ngày trôi qua, vốn câu của cậu cũng gần cạn kiệt.
Hôm nay sẽ viết gì đây? Khó khăn lắm Tiểu Khiêu mới nghĩ ra được một câu.
“Hôm nay tôi ăn ba tấn cơm.” (Tiểu Khiêu viết nhầm chữ “tô” thành chữ “tấn”).
Hôm sau, cô giáo đọc những câu mà các bạn trong lớp viết. Đầu tiên là câu của Lộ Mạn Mạn, lần nào, cô cũng đọc câu của bạn ấy. Tiếp đến là câu của Mao Siêu. Lần đầu tiên, câu văn của mình được đọc trước, Mao Siêu vui mừng khua chân múa tay. Cậu cười đến nỗi khuôn mặt khỉ nhăn dúm cả lại. Cô Tần treo một tấm bảng nhỏ lên chiếc bảng đen của lớp, trên đó viết:
“Mặt đất trơn, trận đấu hoãn lại.”
- Các con xem câu văn này có sai không? Sai ở đâu?
Tiểu Khiêu giơ tay rất cao nhưng cô giáo không mời cậu. Cô gọi Đường Phi, lúc này cậu ta đang chỉ muốn chui xuống đất. Tiểu Khiêu nghĩ thầm: “Chắc chắn có kẻ ngớ ngẩn nào đó đã viết ra câu văn này.”
Đường Phi chớp mắt rồi nhanh chóng sửa câu đó lại thành:
“Vì trời mưa, mặt đất quá trơn nên trận đấu bóng sẽ phải hoãn lại.”
Cô giáo khen Đường Phi vì cậu đã sửa một câu chưa hoàn chỉnh thành một câu hoàn chỉnh. Vừa rồi Đường Phi còn muốn chui xuống đất, giờ cậu ta đã vui mừng khôn xiết.
- Còn một câu nữa.
Cô giáo lại treo một tấm bảng nhỏ lên:
“Mặt bố vừa ngắn vừa dài.”
Chẳng lẽ khuôn mặt của ông bố này lại có thể giãn nở được? Trời nóng thì nở dài ra, trời lạnh thì co ngắn lại!
An Kỳ Nhi là người viết câu này. Đó là một cô bé khá đặc biệt, thường xuyên có những hành động buồn cười.
Đọc câu này xong, mọi người trong lớp đều cười phá lên!
- Đúng là như vậy đấy ạ! - An Kỳ Nhi đứng lên nói.
- Khi cười tươi, mặt bố em ngắn lại; khi tức giận, mặt bố em lại dài ra.
Cô Tần viết lại câu nói vừa rồi của An Kỳ Nhi lên bảng. Đó mới đúng là một câu hoàn chỉnh.
Cô giáo quay mặt sau của tấm bảng nhỏ. Trên bảng viết:
“Hôm nay tôi ăn ba tấn cơm”
Ha ha ha! Cả lớp cười nghiêng ngả.
Tiểu Khiêu cũng cười phá lên nhưng cậu chợt khựng lại khi nhận ra đó chính là câu văn của mình.
- Sao các bạn lại cười nhỉ? - Tiểu Khiêu cười nhưng cậu không biết tại sao mọi người lại cười. - Chẳng nhẽ mình viết sai sao?
Cô giáo cũng không nhịn được cười, cô hỏi:
- Tiểu Khiêu! Em nói xem câu này sai ở đâu?
Tiểu Khiêu nhìn mãi mà vẫn không biết sai ở đâu.
Đường Phi ngồi phía sau giật gấu áo Tiểu Khiêu và nói:
- Cậu là đồ siêu ngốc!
Cô giáo nhìn Tiểu Khiêu rồi quay lại, dùng phấn đỏ khoanh tròn chữ “tấn”. Cô hỏi:
- Một tấn là bao nhiêu?
Mao Siêu vội vã trả lời như sợ người khác tranh mất:
- Một tấn là một nghìn kilôgam ạ.
- Ba tấn là bao nhiêu?
- Ba tấn là ba nghìn kilôgam ạ.
- Tiểu Khiêu, một ngày em có thể ăn được ba nghìn kilôgam cơm ư?
Cả lớp lại được phen ôm bụng cười.
Lúc này, Tiểu Khiểu mới nhận ra, thì ra cậu đã viết nhầm chữ “tô” thành chữ “tấn”.
Tiểu Khiêu không trách mình mà lại trách bố. Cậu còn nhớ rất rõ, tối qua cậu đã mang vở bài tập ra nhờ bố xem hộ. Bố cậu còn viết ba chữ rất to lên phía trên: “Bố đã xem.” Sao bố lại không phát hiện ra lỗi đó chứ?
Về đến nhà, Tiểu Khiêu vẫn thấy hậm hực. Bố gọi ra ăn cơm, cậu dỗi không ăn.
- Tiểu Khiêu, con ra ăn cơm đi. Có chuyện gì thì nói với bố nào!
Tiểu Khiêu nói giọng hờn dỗi:
- Bố không biết là bố đã hại con sao?
- Sao lại thế? - Bố Tiểu Khiêu không hiểu gì cả. - Con là con trai của bố. Sao bố lại hại con được?
Tiểu Khiêu đưa câu văn cho bố cậu xem, khiến ông bò lăn ra ghế sô pha mà cười, cười đến khản cả tiếng. Ông cười nhiều đến mức bị nấc và đau thắt cả hai bên sườn.
- Tiểu Khiêu ơi là Tiểu Khiêu, con viết kiểu gì thế? - Bố Tiểu Khiêu từ từ giải thích.
- Dù có là một con voi lớn thì con cũng không thể ăn hết ba tấn cơm một ngày được.
Tiểu Khiêu nói:
- Nhưng một con cá kình to có thể ăn hết ba tấn cơm mà!
“Tôm cá và các loài sinh vật phù du dưới biển cũng có con nặng đến ba tấn đấy.” Bố Tiểu Khiêu nghĩ vậy nhưng lại chợt nhớ ra mình đang dạy bảo con:
- Con không nên cẩu thả như vậy. Sau này lớn lên đi làm và nếu cũng làm lãnh đạo như bố, viết tờ giấy đề nghị nhà ăn chuẩn bị một bữa ăn đêm cho công nhân mà con viết như vậy thì sao có thể chấp nhận được?
Tiểu Khiêu trả lời:
- Con không làm lãnh đạo được đâu!
Bố Tiểu Khiêu mắng cậu không có chí tiến thủ. Ông làm lãnh đạo được thì nhất định con ông cũng phải làm được.
- Con không làm lãnh đạo. Việc đó chẳng có gì vui cả. - Tiểu Khiêu mở quyển vở bài tập ra. - Cô giáo bảo con về phải xin chữ kí phụ huynh.
Bố Tiểu Khiêu cầm bút viết mấy chữ. Tiểu Khiêu cầm vở đọc to:
“Ngớ ngẩn lớn, sau lày sẽ rút kinh nghiệm.”
- Hả? Con đọc cái gì thế?
- Bố viết thế nào thì con đọc thế ấy ạ.
Bố Tiểu Khiêu nói:
- Bố viết là: Ngớ ngẩn quá! Sau này sẽ rút kinh nghiệm.
- Vậy bố xem đi ạ.
Bố Tiểu Khiêu cầm quyển vở xem. Chữ “quá” thì viết thành chữ “lớn”. Chữ “sau này” thì lại viết thành chữ “sau lày”.
- Sao lại như vậy được? - Bố Tiểu Khiêu nhanh chóng tự bào chữa. - Chẳng qua bố chỉ viết nhầm tí xíu thôi mà.
- “Ngớ ngẩn lớn” đẻ ra “ ngớ ngẩn con” thì sao mà khôn được chứ nhỉ?
Lần này đến lượt Tiểu Khiêu cười. Cậu cười bò trên gi.ường, cười đến mức nấc mãi không thôi. Kiểu cười đến nấc cả lên đúng là gien di truyền rồi.
 
Bố Tiểu Khiêu biết rất nhiều truyện ma. Từ nhỏ, ông đã rất thích nghe chuyện ma. Tất nhiên là ông cũng từng được nghe những loại chuyện khác nhưng ông lại chỉ nhớ được mỗi truyện ma. Thế nên bây giờ, ông cũng chỉ biết kể mỗi truyện ma.


Ai dũng cảm?
Mẹ Tiểu Khiêu thì rất sợ nghe chuyện ma, mỗi lần chồng bắt đầu kể, bà đều trốn vào phòng không dám ra ngoài, còn ông Thiên Tiếu thì đứng ngoài cửa cười chế giễu:
- Ha ha ha, mẹ con đúng là đồ nhát gan!
Đã vậy, bố Tiểu Khiêu cứ đùa dai, rõ ràng biết vợ mình rất sợ truyện ma nhưng ông vẫn cố ý kể thật to để bà nghe thấy. Ông đứng ngoài cửa phòng và bắt chước những tiếng động đáng sợ: tiếng gió rít trong đêm, tiếng ma đi lại trên sàn gỗ, tiếng ma hắt xì... Ông bắt chước giống đến mức vợ ông ở trong phòng sợ quá hét ầm lên.
Nghe thấy mẹ Tiểu Khiêu hét lên như thế, bố Tiểu Khiêu lại càng thấy thích thú.
- Bố ơi, thế bố đã từng gặp ma bao giờ chưa? - Tiểu Khiêu tò mò hỏi.
- Thấy rồi. Tất nhiên là bố đã từng gặp ma. - Bố Tiểu Khiêu làm ra vẻ như đang nhớ lại.
- Khi đó... bố tầm bằng tuổi con.
- Bố gặp ma ở đâu ạ?
- Ở một ngôi mộ.
- Bố chỉ là một cậu bé, chạy ra mộ làm gì ạ?
- Làm... làm gì á? Phải rồi, ra làm gì nhỉ? - Bố Tiểu Khiêu lúng túng.
- Bố nhớ ra rồi. Bố ra mộ xem ma trơi.
- Ma trơi ư? - Tiểu Khiêu không hiểu.
- Ma trơi trông như thế nào ạ?
- Nó có ánh sáng lập loè màu xanh.
Thực ra, bố Tiểu Khiêu đang nói đến con đom đóm bay trong đêm. Ở nông thôn, những người già gọi đó là ma trơi.
- Bố nghe người ta nói có ma từ lâu rồi. Bố đảm bảo là có ma! Khi ma trơi tập trung nhiều ở một chỗ thì một con ma sẽ từ trong ngôi mộ bước ra...
- Á! - Tiểu Khiêu thét lên, giọng run run. - Con ma đó trông thế nào ạ?
- Nó rất cao, mắt to, mặt không có thịt, chỉ có răng, mặc quần áo trắng, đi như bay. Con ma đó đứng ngay phía sau bố, thế là bố bỏ chạy. Nhưng dù bố chạy nhanh đến mấy thì nó vẫn ở ngay sau lưng bố.
- Sau đó thế nào ạ?
- Sau đó... sau đó bố không chạy nữa. Bố quay lại tát cho con ma một cái, nó ngã ra đất và biến thành luồng khói xanh...
- Nó biến mất ạ?
- Đúng vậy.
Tiểu Khiêu hơi thấy thất vọng và nghi ngờ với kết thúc câu chuyện như vậy nhưng cậu nhanh chóng quên và chỉ thắc mắc một điều.
- Thế bố có đau tay không ạ?
Bố Tiểu Khiêu gãi đầu gãi tai :
-Tại sao tay bố lại đau?
- Vì bố nói bố tát con ma một cái. Mặt con ma đó lại không có thịt, chỉ có răng. Bố đánh vào răng nó mà không đau tay ạ?
- Ờ... phải... phải! Đau! Đau lắm!
Suýt nữa thì bị Tiểu Khiêu phát hiện mình nói khoác, ông Thiên Tiếu tự nhủ: “Phải cẩn thận hơn, không nên khoác lác quá, kẻo con trai mình lại coi thường.”
Tối hôm đó, ông lại kể chuyện ma cho Tiểu Khiêu nghe.
- Một đêm không trăng, trời mưa to gió lớn, trời tối tới mức không nhìn thấy chính ngón tay của mình. Bỗng nhiên…
Đèn trong phòng phụt tắt. Hoá ra là bố Tiểu Khiêu tắt đèn.
Tiểu Khiêu hét lên:
- Sao bố lại tắt đèn đi thế?
- Nghe chuyện ma ai lại để đèn? Con nhát gan quá!
Tiểu Khiêu không chịu:
- Con là người nhát gan thì bố là gì ạ?
- Bố là người dũng cảm.
Bố Tiểu Khiêu nói, nếu nhát gan thì đừng nghe chuyện ma nữa, nên về phòng ngủ đi.
Tiểu Khiêu về phòng, nằm mãi mà không sao ngủ được. Cậu không phục câu nói của bố: “Dựa vào cớ gì mà bố nói bố dũng cảm còn cậu nhát gan chứ?” Cậu mong có một con ma xuất hiện ở phòng bố để xem “người dũng cảm” sẽ thế nào.
- Ha ha ha!
Tiểu Khiêu cảm thấy thích thú! Cậu tưởng tượng ra khuôn mặt của bố khi gặp ma.
Tiểu Khiêu tung chăn, ngồi dậy:
- Mình đã biết ma trông thế nào rồi. Tại sao mình không đóng giả ma dọa bố nhỉ?
Nói là làm. Tiểu Khiêu lôi ga trải gi.ường ra quấn vào một cây gậy, đội chiếc mũ lên đầu gậy làm đầu của ma, rồi lấy bút lông vẽ hai chấm tròn lớn làm mắt.
Tiểu Khiêu chui trong đống bùng nhùng đó, tay nâng cao cây gậy, rón rén từng bước sang phòng bố mẹ.
Đèn trong phòng vẫn sáng, công tắc đèn lại ở ngay gần cửa ra vào. Tiểu Khiêu đẩy cửa bước vào, tắt đèn.
- Ai đấy?
Bố Tiểu Khiêu quay lại, sợ quá ngã lăn ra nền nhà.
- Á! Ma… Ma…
Mẹ Tiểu Khiêu cũng thét lên.
Bố Tiểu Khiêu bò trên sàn nhà. Ông định trốn vào gầm gi.ường nhưng không chui lọt, ông lại bò sang tủ quần áo nhưng mẹ Tiểu Khiêu đã trốn ở đó rồi.
- Cứu anh với! Cứu anh với…
- Anh đừng sợ. Em sẽ bảo vệ anh!
Tiểu Khiêu không ngờ mẹ cậu dám nói câu đó. Cậu thấy mẹ bước ra khỏi tủ, nhường chỗ cho bố và đứng chắn đằng trước.
Mặc dù chân tay mẹ Tiểu Khiêu run cầm cập nhưng bà vẫn dũng cảm đứng đối diện với con ma.
Lúc này, nếu im lặng thì trò giả ma này cũng chẳng còn tác dụng gì nữa. Cậu nói:
- Ta... là... ma... đây!
Dù Tiểu Khiêu đã cố hạ thấp giọng nhưng bố mẹ vẫn nhận ra tiếng cậu.
Mẹ Tiểu Khiêu thở phào, khuỵu xuống. Còn bố Tiểu Khiêu thì tức giận lao ra khỏi tủ và túm lấy cậu.
 
Buổi chiều tan học về đến nhà, Tiểu Khiêu liền giả vờ bị ốm. Cậu thấy trên ti vi người ốm thường đắp một chiếc khăn mặt lên trán. Cậu cũng làm vậy và nằm lên gi.ường đợi bố cậu về.


Một lần giả ốm
Ở trường đang có dịch cúm. Hơn một nửa số học sinh ở lớp Tiểu Khiêu đã bị chảy nước mũi, hắt xì hơi, khản giọng. Cô Tần cũng bị cúm. Lúc giảng bài, cô lấy khăn giấy lau nước mũi liên tục, đến nỗi chiếc mũi của cô đỏ ửng lên như quả cà chua. Ngày thường giọng cô đã khàn khàn, giờ bị cúm, giọng cô lại càng khàn hơn.
Mao Siêu cũng bị cúm. Bình thường chân tay cậu không yên lúc nào, y hệt như chú khỉ trong vườn bách thú vậy, thế nên mọi người thường gọi cậu là “Khỉ Mao Siêu”. Một cô giáo từng nói, có thể Khỉ Mao Siêu bị mắc “chứng tăng động”. Mẹ cậu ấy đã nhiều lần đưa đi khám nhưng bác sĩ đều kết luận cậu ấy không sao cả, chỉ là do quá nghịch ngợm thôi. Giờ bị cúm, cậu quấn một chiếc khăn len dài đến mấy vòng quanh cổ, nước mũi lúc nào cũng chảy ròng ròng như hai con rồng chui ra khỏi hang. Mao Siêu hít vào một cái thì hai con rồng lại thụt vào, rồi nó lại từ từ bò ra. Mao Siêu không đi lại nữa, chỉ ngồi yên một chỗ. Thậm chí cả lúc ra chơi, cậu ấy cũng không muốn đi đâu cả.
- Cậu bị cúm chắc khó chịu lắm nhỉ? - Tiểu Khiêu hỏi.
- Không sao! - Mao Siêu trả lời bằng giọng nghèn nghẹt. - Tớ rất thích bị ốm!
Trên đời này lại có người thích bị ốm ư? Chắc Mao Siêu ốm quá nên suy nghĩ lung tung mất rồi.
- Tớ thích bị ốm lắm chứ! - Mao Siêu vẫn nói bằng giọng nghèn nghẹt. - Khi bị ốm, cậu muốn gì người lớn cũng mua cho cậu.
Bị ốm thú vị đến thế ư? Tiểu Khiêu quyết định mình cũng sẽ bị ốm.
Buổi chiều tan học về đến nhà, Tiểu Khiêu liền giả vờ bị ốm. Cậu thấy trên ti vi người ốm thường đắp một chiếc khăn mặt lên trán. Cậu cũng làm vậy và nằm lên gi.ường đợi bố cậu về.
Hôm nay, bố Tiểu Khiêu về sớm hơn mọi ngày. Ông mua cho cậu thứ gì đó.
- Tiểu Khiêu! Tiểu Khiêu!
Tiểu Khiêu bịt mũi nói giọng thều thào.
- Bố ơi, con bị ốm rồi!
- Con ốm ư? - Bố Tiểu Khiêu vội vã chạy vào phòng con trai. - Buổi sáng con vẫn còn khoẻ cơ mà. Sao bỗng nhiên lại ốm thế?
Tiểu Khiêu nói:
- Trường con có dịch cúm. Hơn một nửa lớp con bị cúm, đến cô Tần cũng vậy ạ!
Bố Tiểu Khiêu vội vàng nắm lấy vai con:
- Con có đau họng không?
Tiểu Khiêu nói:
- Có ạ.
- Con có bị nghẹt mũi không?
Tiểu Khiêu nói:
- Có ạ.
- Con có đau đầu chóng mặt không?
Tiểu Khiêu nói:
- Có ạ.
- Con bị cúm thật rồi! - Bố Tiểu Khiêu cuống cuồng lên.
- Cảm cúm không phải là bệnh nặng nhưng rất phiền phức. Người bệnh sẽ phải kiêng rất nhiều thứ.
Bố Tiểu Khiêu làm động tác như nhà ảo thuật và hai chiếc bánh hămbơgơ xuất hiện trên tay.
- Con xem, bố mua bánh hămbơgơ, vậy mà con lại không ăn được.
- Con ăn được!
Tiểu Khiêu ngồi bật dậy. Vừa nhìn thấy món yêu thích là cậu không còn quan tâm đến việc giả ốm nữa.
- Không ăn được! Không ăn được! - Bố Tiểu Khiêu nói. - Người bị cúm không được ăn thịt gà. Hôm nay bố lại mua bánh hămbơgơ nhân thịt gà nên con không ăn được.
Tiểu Khiêu nhớ lại những điều Mao Siêu nói với mình nên hỏi bố:
- Thế không phải người ốm muốn ăn gì thì sẽ được ăn thứ đó hả bố?
Bố cậu lại nói, người ốm phải kiêng rất nhiều món, đặc biệt là món thịt gà. Hồi nhỏ, ông cũng đã từng bị cúm. Bà nội Tiểu Khiêu cho rằng ốm thì sức khoẻ sẽ bị suy kiệt, cần phải tẩm bổ. Bà đã hầm hẳn một con gà cho con trai ăn. Kết quả là sau khi ăn xong, bệnh của ông lại càng nặng hơn. Vì vậy, cả đời này ông luôn ghi nhớ: người bị cúm thì không được ăn thịt gà.
Tiểu Khiêu vẫn cố hi vọng:
- Vậy con ăn được thứ gì ạ?
- Uống nước. Con hãy uống thật nhiều nước vào!
Bố Tiểu Khiêu rót một cốc nước lớn mang tới cho Tiểu Khiêu. Đó là chiếc cốc lớn nhất trong nhà, trông nó như một chiếc xô nhỏ vậy.
- Bánh hămbơgơ phải ăn lúc nóng. - Bố Tiểu Khiêu mở hộp giấy và lấy chiếc bánh thơm phức ra. - Để nguội ăn sẽ mất ngon!
Bố Tiểu Khiêu cắn một miếng. Hình như ông không nhai mà nuốt luôn. Ông cắn thêm miếng nữa... Tiểu Khiêu nhìn thấy rất rõ. Ông chỉ cắn bốn miếng đã hết chiếc bánh hămbơgơ nhân thịt gà.
Tiểu Khiêu nhìn bố thành khẩn:
- Bố ơi, con không bị ốm đâu ạ.
- Người ốm luôn nói mình không bị ốm. - Bố Tiểu Khiêu vừa nói vừa lấy chiếc bánh hămbơgơ thứ hai ra.
- Cũng giống như người say luôn nói là mình không say!
Bố Tiểu Khiêu cầm chiếc bánh lên, vẻ mặt rất khổ não:
- Thực ra, bố không ăn nổi nữa nhưng bố vẫn phải ăn. Biết làm sao được, con bị ốm mà!
Tiểu Khiêu nuốt nước bọt nhìn bố đang vừa thở dài vừa cố gắng ăn nốt chiếc bánh hămbơgơ nhân thịt gà thứ hai.
Tiểu Khiêu trong lòng rất hối hận: “ Tại sao mình lại giả ốm chứ?”
Hôm sau là ngày cuối tuần. Tiểu Khiêu muốn bố đưa đi chơi xe đụng.
Bố cậu nói:
- Đang bị ốm thì chơi xe đụng làm sao được?
Nhớ lại lời Mao Siêu, Tiểu Khiêu bèn nũng nịu bố. Cậu nghĩ làm vậy bố cậu sẽ mềm lòng:
- Bố ơi, con bị ốm. Chẳng nhẽ con chỉ muốn mỗi thế thôi mà bố cũng không đồng ý?
Nói vậy mà bố Tiểu Khiêu vẫn không chiều cậu. Ông bảo đòi hỏi của Tiểu Khiêu là vô lí. Nếu chiều theo thì cậu sẽ không bao giờ khỏi bệnh được.
Bố Tiểu Khiêu lại giả vờ làm ảo thuật, biến ra hai chiếc vé đi xem bóng đá.
- Con xem, chiều nay có trận bóng đá rất hay. Con không đi được thì bố cũng không đi nữa. Bố sẽ ở nhà chơi với con.
Vừa nghe nói có vé đi xem bóng đá, Tiểu Khiêu liền ngồi bật dậy.
- Con không bị ốm. Con muốn đi xem bóng đá.
Bố Tiểu Khiêu đỡ Tiểu Khiêu nằm xuống gi.ường và đắp chăn cho cậu.
- Con không bị ốm! Con không bị ốm! Con không bị ốm mà! - Tiểu Khiêu tung chăn ra, nhảy lung tung trên gi.ường.
- Người bệnh luôn nói mình không bị ốm.
Bố Tiểu Khiêu lại đặt cậu nằm xuống và đắp chăn.
- Cũng như người say luôn nói là mình không say!
Bố Tiểu Khiêu mang hai tấm vé xem bóng đá cho người khác. Ông ở nhà chăm con suốt cả ngày. Hôm đó, Tiểu Khiêu chỉ được uống nước, ăn cháo và phải uống thuốc đắng.
Tiểu Khiêu hối hận vô cùng. Nếu trên đời này có loại thuốc hối hận, chắc chắn cậu sẽ uống hết ngay. Tất nhiên, cậu vẫn trách Khỉ Mao Siêu. Tất cả là tại cậu ấy.
Sau đó, Tiểu Khiêu đã thề: Từ giờ trở đi, cậu sẽ không bao giờ giả ốm nữa. Trò giả ốm chẳng hề vui chút nào!
 
Hôm nay, Tiểu Khiêu gây ra hoạ lớn. Cậu đã đánh vỡ bể cá vàng của lớp, nước đổ lênh láng ra nền nhà, mấy chú cá vàng nhảy loạn xạ trên mặt đất.


Bay lên trần nhà
Các bạn lao vào cứu cá vàng, cả lớp biến thành một mớ hỗn loạn đến tận tiết toán vẫn chưa ổn định được trở lại.
Chắc chắn Tiểu Khiêu sẽ bị phạt đứng góc lớp.
Tiểu Khiêu đứng trước mặt cô giáo chủ nhiệm. Cậu đứng thẳng mặt cúi gầm, tỏ vẻ ăn năn. Được một lát, cô Tần không thèm để ý đến cậu nữa. Cô quay ra chấm vở bài tập cho học sinh.
Thực ra Tiểu Khiêu rất muốn cô giáo phê bình cậu, như thế còn dễ chịu hơn nhiều, cậu sợ nhất là cô giáo không nói gì. Nhìn mặt cô, cậu không thể biết được là cô giận đến mức nào. Tiểu Khiêu lo vì không biết mình đã mắc lỗi nghiêm trọng thế nào.
Tiểu Khiêu nhích dần từng tí một. Cậu nhích đến gần chỗ cô giáo.
- Thưa cô, em biết sai rồi ạ! - Tiểu Khiêu lí nhí thành khẩn nhận lỗi.
Cô giáo không để ý gì đến cậu, cũng không ngẩng đầu lên. Thấy vậy, Tiểu Khiêu khẩn khoản:
- Chắc chắn em sẽ đền chiếc bể cá mà em đã làm vỡ ạ!
Cô giáo vẫn không để ý gì đến cậu. Cô đứng lên, cầm chiếc cốc.
Tiểu Khiêu nhanh nhẹn cầm chiếc cốc đến bình nước uống và rót đầy cốc nước.
Cô giáo nhìn Tiểu Khiêu. Ánh mắt cậu bé thật lạ. Nó vừa đáng yêu lại vừa đáng giận.
- Tiểu Khiêu ơi là Tiểu Khiêu! Lần nào em cũng nhận lỗi nhanh hơn mọi người. Thôi, em về đi!
Tiểu Khiêu đang định đi thì cô gọi:
- Tiểu Khiêu, em cho cô số điện thoại của bố em đi.
Cô giáo đưa cho Tiểu Khiêu một tờ giấy trắng. Tiểu Khiêu ghi cả số điện thoại cơ quan, điện thoại ở nhà và điện thoại di động của bố.
Nhìn loạt dãy số, cô giáo nhíu mày:
- Nhiều số thế này thì cô biết gọi đến số nào được hả em?
Tiểu Khiêu nói:
- Nếu bây giờ cô gọi điện cho bố em thì gọi đến số điện thoại cơ quan ạ. Nếu không gặp được thì cô gọi vào di động. Nếu di động tắt thì sau tám giờ tối, cô cứ gọi điện về nhà em, chắc chắn lúc đấy bố em có ở nhà ạ.
Cô giáo phát chóng mặt về những thứ loằng ngoằng mà Tiểu Khiêu vừa nói, vì thế cô đành bảo cậu mau về nhà.
Trên đường về, Tiểu Khiêu vừa đi vừa xoa mông. Khổ thân! Cậu sắp bị đánh đòn rồi. Cô giáo có nhiều số điện thoại như vậy, thể nào cô cũng gọi được cho bố. Thực ra, bố Tiểu Khiêu cũng không hay đánh cậu, dù cậu có nghịch ngợm hay gây chuyện thì ông cũng không đánh cậu. Nhưng lần này cô giáo mà báo cho bố cậu biết, chắc chắn ông sẽ đánh đòn. Bố cậu rất tôn trọng cô giáo, chắc chắn ông sẽ dạy cho cậu một bài học.
Về đến nhà, Tiểu Khiêu giấu tất cả những thứ có thể dùng để đánh đòn vào trong phòng mình: thước, gậy cán bột, chổi lông gà...
Lúc sau, cậu vào bếp và phát hiện thấy một cây gậy sắt. Cậu định giấu nó đi nhưng lại nghĩ bố sẽ không dùng chiếc gậy cứng thế này để đánh mình nên Tiểu Khiêu mặc kệ nó.
Vất vả một lúc lâu, Tiểu Khiêu thấm mệt. Cậu nằm trên ghế sôpha và chợt nghĩ ... “mình thật là ngốc, sao phải giấu các thứ đi như vậy chứ? Sao không trốn đi cho xong? Chỉ cần biến mất thì bố sẽ không thể đánh mình được.”
Tiểu Khiêu quyết định phải trốn, cậu tìm được một chỗ... chính là chiếc tủ đựng đồ.
Chiếc tủ đó đủ lớn để chứa Tiểu Khiêu. Cậu kê ghế leo lên, chui vào trong tủ và đóng cửa lại. Cậu nghĩ khi về đến nhà mà không tìm thấy mình, chắc chắn bố sẽ rất lo lắng, thậm chí có thể sẽ khóc. Từ nhỏ đến lớn, Tiểu Khiêu chỉ thấy bố cậu cười, chứ chưa bao giờ thấy ông khóc cả. Cậu muốn nhìn thấy bố vừa khóc vừa nói:
- Tiểu Khiêu, con trai yêu quý của bố! Bố sẽ không đánh con đâu. Bố sẽ không bao giờ đánh con!
Lúc ấy, Tiểu Khiêu có thể rời khỏi chỗ nấp và bước ra như trong phim vậy. Nghĩ đến đó, Tiểu Khiêu lại cười khúc khích.
Trong tủ có rất nhiều hộp giầy. Đó là các kiểu giầy cao gót của mẹ. Mẹ cậu có đến mấy chục đôi giầy cao gót, vì không đi hết nên bà đành phải cất vào tủ. Tiểu Khiêu phát hiện thấy trong đống hộp đó có một chiếc hộp nhỏ rất đẹp. Cậu nhấc lên xem, hoá ra đó là một hộp kẹo. Cậu đã tìm nó mãi mà không thấy. Đây là món quà một người nước ngoài tặng bố cậu. Mấy hôm trước, bố nói vì cậu luôn phạm lỗi nên đến khi nào tiến bộ, ông mới thưởng hộp kẹo này cho cậu.
Hi hi! Bố giấu kẹo ở đây bị mình phát hiện ra rồi! Tiểu Khiêu nghĩ, cậu đã có rất nhiều lỗi, thêm một lỗi nữa chắc cũng chẳng sao.
Nghĩ là làm, Tiểu Khiêu chén luôn một chiếc. Mùi vị của nó lạ thật đấy, vừa dẻo lại vừa mềm, càng nhai càng thấy ngon.
- Ôi... Hoá ra nó là kẹo cao su! - Tiểu Khiêu vui sướng kêu lên.
Tiểu Khiêu đẩy kẹo lên đầu lưỡi và thổi ra một quả bóng. Quả bóng trong suốt.
Quả bóng đã khá lớn nhưng Tiểu Khiêu vẫn thổi tiếp.
Quả bóng chạm vào cửa tủ, nó kéo theo Tiểu Khiêu ra ngoài.
Tiểu Khiêu tưởng mình sẽ rơi xuống đất nhưng không phải, đầu cậu bị dính vào trần nhà, cả người Tiểu Khiêu treo lơ lửng. Đầu của cậu có thể tự do xoay tròn. Từ bếp cậu bị xoay vào phòng ngủ, từ phòng ngủ bị xoay ra phòng khách.
Đúng lúc đó, Tiểu Khiêu nghe thấy bên ngoài có tiếng bước chân. Đó là tiếng giầy của bố cậu.
Tiểu Khiêu vội co hai chân lên. Cậu muốn xem bố cậu sẽ làm gì.
Vừa bước vào nhà, chưa kịp tháo giầy bố Tiểu Khiêu đã lục tìm thứ gì đó để làm roi. Tìm thước, không thấy thước! Tìm gậy, cũng chẳng thấy gậy! Tìm chổi lông gà cũng không thấy đâu! Cuối cùng, ông đi vào bếp và thấy cây gậy sắt. Ông lắc đầu, không thể dùng cây gậy này để đánh Tiểu Khiêu được. Ông lại đặt nó vào chỗ cũ.
Không tìm được roi, lúc này bố Tiểu Khiêu mới nghĩ ra là cần phải tìm cậu.
- Tiểu Khiêu! Tiểu Khiêu đâu?
Tiểu Khiêu đang lơ lửng trên đầu bố, chỉ cần cậu thả chân xuống là có thể chạm vào đầu ông. Lần đầu tiên Tiểu Khiêu có cảm giác mình cao hơn bố.
Bố Tiểu Khiêu không tìm thấy cậu. Như cậu tưởng tượng lúc nãy thì ông sẽ lo lắng, vừa khóc vừa nói:
- Tiểu Khiêu, con trai yêu quý của bố! Bố sẽ không đánh con đâu! Bố sẽ không bao giờ đánh con đâu!
Nhưng điều mà Tiểu Khiêu không ngờ tới là bố cậu đã mua một chiếc bánh pizza. Ông lấy dao cắt bánh thành từng miếng nhỏ, rồi điềm nhiên ngồi ăn gần hết nửa chiếc bánh.
Tiểu Khiêu thèm chảy cả nước miếng, cậu quên mất là mình đang ở trên trần nhà. Cậu gọi thật to:
- Bố ơi, phần con một miếng!
Tiểu Khiêu vừa há miệng ra thì quả bóng xì hơi. Cậu bị rơi từ trên trần nhà xuống, may mà rơi đúng lên chiếc bàn lớn trong phòng khách.
Uỳnh!!!
Bố Tiểu Khiêu giật bắn mình, sững sờ đứng ngây người nhìn cậu con trai rồi hỏi:
- Con... Con ở đâu ra thế?
Tiểu Khiêu định nói cho bố biết là cậu vừa rơi từ trần nhà xuống, nhưng cậu đã kịp kìm lại. Vì dù có nói thì bố cậu cũng chẳng tin!
:KSV@05::KSV@05::KSV@05:
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Không biết từ bao giờ, ngày nào sau khi tan học cũng có một người đàn ông méo miệng đứng bán rùa dưới gốc cây gần trường học.


Chú rùa cá tính
Ông ta thả hơn chục con rùa vào trong một chiếc chậu gỗ, dùng một chiếc que gõ liên tục lên lưng những con rùa để chúng thò đầu ra, thu hút sự chú ý của đám học sinh.
Khó khăn lắm Tiểu Khiêu mới chen được lên phía trước. Cậu ngồi xổm bên chiếc chậu gỗ để xem những con rùa.
Duy chỉ có một con rùa có ba vân ngang trên lưng là bướng bỉnh nhất. Dù người bán rùa có đánh thế nào nó cũng không chịu thò đầu ra. Con rùa ương bướng đã làm cho người bán rùa vô cùng tức giận.
- Tao đánh chết mày! Tao đánh chết mày đấy!
Tiểu Khiêu thấy thương chú rùa nhỏ tội nghiệp, cậu đứng lên và hét to:
- Bác không được đánh nó!
- Bác đánh con rùa của bác thì liên quan gì đến cháu?
- Sao lại không liên quan chứ? - Tiểu Khiêu nhấn mạnh từng từ. - Bảo vệ động vật là trách nhiệm của mọi người!
Người bán rùa không trả lời Tiểu Khiêu. Ông ta tiếp tục đánh con rùa, nhưng nó vẫn không chịu thò đầu ra.
Thấy ông ta dùng que chọc vào cổ con rùa, Tiểu Khiêu cũng nhặt một cái que và chọc vào cổ ông ta.
- Thằng nhóc, mày định làm cái gì thế?
Thế là người bán rùa và Tiểu Khiêu cãi vã nhau. Miệng ông ta vốn đã bị méo khi tức giận lại càng méo thảm hại. Tiểu Khiêu thấy vậy, ôm bụng mà cười.
Tiểu Khiêu rất muốn mua con rùa ương bướng để cứu nó nhưng không có đủ tiền. Cậu nói với người bán rùa:
- Bác bán chịu con rùa này cho cháu. Ngày mai cháu sẽ mang tiền trả bác!
Người bán rùa tức giận:
- Tôi không bán cho cậu! Nhất định là không!
- Cháu cứ mua! Cháu cứ mua đấy!
Tiểu Khiêu và người bán rùa cứ đối đầu với nhau, không ai chịu nhường ai.
Đúng lúc này, con rùa ương bướng lại thò đầu ra, nó há miệng ngậm luôn gấu quần của Tiểu Khiêu. Cả Tiểu Khiêu và người bán rùa đều không hề biết gì.
Con rùa cứ ngậm chặt vào gấu quần Tiểu Khiêu như thế và theo cậu về nhà.
Tiểu Khiêu không hề hay biết rằng vừa về đến nhà, con rùa liền buông gấu quần cậu ra và lặng lẽ bò vào góc nhà.
Con rùa không ăn, không uống, không bò ngang bò dọc mà cứ nằm yên như một hòn đá. Thế nên cả nhà Tiểu Khiêu cũng không hề biết trong nhà họ có một con rùa.
Một hôm, bố Tiểu Khiêu mua chiếc bàn ăn mới. Phải nỗi chiếc bàn này có một chân ngắn hơn ba chân kia nên nó hơi bị cập kênh.
- Làm sao đây? - Ông Thiên Tiếu chau mày suy nghĩ một hồi. - Rõ ràng lúc mua, mình đã lay đi lay lại mà nó vẫn vững chãi. Sao về đến nhà một chân lại ngắn đi chứ?
Câu trả lời quá đơn giản! Chưa cần đến một giây, Tiểu Khiêu đã nghĩ ra ngay.
- Bố ơi, chắc là khi bố mua chiếc bàn, dưới cái chân kia có kê thứ gì đó.
- Ừ nhỉ! Sao bố không nghĩ ra điều đó nhỉ? - Bố Tiểu Khiêu đập mạnh tay xuống bàn làm nó suýt đổ. - Con trai, bố con ngốc nghếch lắm phải không?
Thực ra, chẳng phải như vậy. Người ta thường nói: “Có cái nghĩ được thì khó nhưng nói ra lại dễ. Có cái nghĩ thì dễ nhưng nói ra lại rất khó.” Bố Tiểu Khiêu chạy xuống sân tìm viên gạch kê vào chiếc chân bàn. Ông lắc đầu, viên gạch cao quá!
Tiểu Khiêu chạy đi lấy chiếc hộp đựng kẹo bằng sắt nhưng cũng không được. Hộp kẹo quá thấp!
Ông Thiên Tiếu đứng xoa hai tay vào nhau. Khi gặp rắc rối mà không tìm ra hướng giải quyết, ông thường làm vậy.
Tiểu Khiêu vỗ tay đánh “đét” một cái. Nghĩ ra cách rồi! Cậu lấy sách vở trong cặp ra. Sách bao giờ chẳng có quyển dày, quyển mỏng, như vậy cậu có thể kê đến khi nào vừa chiếc chân bàn.
Bố Tiểu Khiêu không đồng ý. Ông nói:
- Như thế là chà đạp lên thánh hiền!
Hai bố con lại tiếp tục lục tìm thứ gì đó để kê chân bàn. Khi họ quay lại chỗ chiếc bàn thì nó đã được kê ngay ngắn, lay đi lay lại không còn cập kênh nữa.
- Ai kê cái gì vào mà vừa thế nhỉ?
Bố con Tiểu Khiêu cúi xuống xem. Hoá ra đó là một con rùa nhỏ.
- Lạ thật! Con rùa này ở đâu ra vậy? Nhà mình có nuôi rùa đâu!
- Con biết con rùa này rồi!
Vừa nhìn thấy ba đường vân ngang trên mai rùa, Tiểu Khiêu liền nhận ra ngay đó chính là con rùa ương bướng của người bán rùa hôm trước.
- Con đã từng cứu con rùa này đấy ạ! - Tiểu Khiêu thêm mắm thêm muối vào câu chuyện. - Hôm đó sau khi tan học, con thấy một người đàn ông méo miệng đánh con rùa này rất dã man. Thấy chuyện bất bình, con đã phản đối. Người đó thật quá đáng! Ông ấy không được ngược đãi người ta như vậy!
- Tiểu Khiêu, không phải ngược đãi người mà là ngược đãi rùa.
Chỉnh lại câu cú của Tiểu Khiêu xong, ông Thiên Tiếu lại kịp thời khích lệ con trai.
- Con giỏi lắm! Quả không hổ thẹn là con trai của Mã Thiên Tiếu. Con đã biết làm việc nghĩa cứu người...
- Bố ơi, cứu rùa chứ ạ.
Lần này đến lượt Tiểu Khiêu chỉnh lại câu của bố.
- Phải. Cứu rùa. Thế nên con đã được trả ơn. Con rùa đang trả ơn con đấy!
- Nhưng mà... - Tiểu Khiêu phân vân mãi. - Sao con rùa đó lại bò đến nhà mình được nhỉ?
Câu hỏi này khá là khó nhưng đối với ông Thiên Tiếu thì lại rất đơn giản:
- Rùa hay còn gọi là thần rùa là một loại động vật linh thiêng. Nếu nó muốn đền ơn con thì dù con có ở nơi đâu, nó cũng có thể tìm đến được.
Tiểu Khiêu thấy bố nói cũng có lí nhưng cậu vẫn thấy băn khoăn.
- Dùng con rùa để kê bàn thì có quá... quá...
- Ý con là quá tàn nhẫn ư? Nhưng đó là nó tự nguyện mà. Con rùa tự bò đến đấy chứ. Có lẽ là nó muốn đền ơn con.
Như vậy cũng hợp tình hợp lí!
Ngày nào, cả nhà Tiểu Khiêu cũng ngồi ăn cơm ở chiếc bàn đó. Mấy ngày đầu, thấy con rùa đáng thương, ba người đều lấy thức ăn cho rùa ăn để cảm ơn nó. Ngày lại ngày trôi qua, họ cũng dần quên mất là chiếc bàn có một cái chân ngắn.
Đến một hôm, con rùa không muốn ở đó nữa.
Hôm đó, mẹ Tiểu Khiêu bày rất nhiều thức ăn lên bàn. Trong đó, có cả món ăn yêu thích của bố con Tiểu Khiêu. Khi cả nhà chuẩn bị cầm đũa thì chiếc bàn bị nghiêng. “Xoảng...” - bát đĩa vỡ hết, thức ăn cũng đổ hết xuống đất.
Bố mẹ Tiểu Khiêu còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra sợ tái xanh cả mặt. Họ nghĩ ngày tận cùng của thế giới đã đến. Chỉ có mình Tiểu Khiêu là bình tĩnh, cậu nói:
- Con quên không nói cho bố mẹ biết. Con rùa này rất có cá tính đấy ạ.
 
Tiểu Khiêu tâm sự với bố là cậu rất ngưỡng mộ bạn Trương Đạt biệt danh là “Đạt hà mã” ở lớp.


Cái ổ gà trên đầu

- Cậu ấy có cái miệng rộng ngoác, răng phô hết cả ra ngoài rất giống con hà mã ạ.
Bố Tiểu Khiêu không hiểu:
- Thế sao con lại ngưỡng mộ bạn ấy?
- Vì bạn ấy có thể lấy trứng gà đập vào trán. - Tiểu Khiêu nói. - Hôm đi cả lớp đi du lịch, có rất nhiều bạn nữ mang trứng gà luộc đi. Bạn ấy đã biểu diễn màn đập trứng gà cho các bạn xem. Bạn ấy cầm quả trứng đập vào trán mình. Ai da!
Khi bắt chước cách đập trứng gà của “Đạt hà mã”, Tiểu Khiêu đang cầm chiếc hộp. Các bạn có thể tưởng tượng, cầm chiếc hộp đập vào trán thì cảm giác sẽ thế nào rồi chứ?
Ông Thiên Tiếu cảm thấy có chút ghen tị. Từ trước đến giờ, Tiểu Khiêu chưa từng nói là ngưỡng mộ bố mình. Vậy mà con trai ông lại ngưỡng mộ cậu bé đó chỉ vì cậu ấy có thể đập trứng gà bằng trán.
- Thế thì có gì là giỏi chứ? Con cũng làm được như vậy mà!
- Con không dám. - Tiểu Khiêu nói. - Nếu vỡ đầu thì sao ạ?
- Không, đầu con đương nhiên là cứng hơn trứng gà. Trứng gà sẽ vỡ, đầu con sẽ chẳng sao cả.
Ông Thiên Tiếu quyết tâm dạy con trai đập trứng gà bằng trán. Ông lấy một quả trứng gà trong tủ lạnh ra và làm mẫu. Ông cầm quả trứng, nhắm mắt lại và đập thẳng vào trán. Quả trứng gà nát toét! Lòng trắng, lòng đỏ chảy ròng ròng trên mặt. Ông Thiên Tiếu nghĩ rằng mình thật oai nhưng Tiểu Khiêu lại thấy hơi sợ.
- Con thấy chưa? Dễ lắm mà!
Nhưng mà Tiểu Khiêu chẳng thấy dễ chút nào. Cậu vẫn không dám thử.
- Tiểu Khiêu, con có phải là con trai của bố không?
Từ trước đến giờ, Tiểu Khiêu chưa từng thấy bố nghiêm túc đến vậy, cậu đành mượn cớ nói là đập trứng như vậy sẽ rất lãng phí.
Mẹ Tiểu Khiêu chợt nhớ ra nhà mình có một giỏ trứng gà để đã lâu, chắc không ăn được nữa. Bà bèn đem cho Tiểu Khiêu luyện tập.
- Con trai, hãy dũng cảm lên! Con có cả một giỏ trứng để tập đấy.
Tiểu Khiêu vẫn chần chừ.
- Tiểu Khiêu, nếu con là một người đàn ông đích thực thì hãy mau đập trứng đi.
Tiểu Khiêu nghĩ “một người đàn ông đích thực” phải là người đã lập gia đình rồi nên cậu nói:
- Con vẫn chưa lấy vợ mà!
- Khi nào trưởng thành, con sẽ lấy vợ. - Ông Thiên Tiếu nói. - Đến trứng gà cũng không dám đập thì sau này ai thèm lấy con chứ?
Tiểu Khiêu thấy cũng đúng. Cậu bạn “Đạt hà mã” dám đập trứng gà bằng trán nên được rất nhiều bạn gái trong lớp ngưỡng mộ. Họ nhìn cậu ấy bằng con mắt rất khác. Tiểu Khiêu cũng muốn các bạn nữ coi cậu là thần tượng.
Tiểu Khiêu không còn đường thoái thác nữa. Bố mẹ cậu đang nhìn cậu. Nếu cậu không làm, họ sẽ rất thất vọng. Cậu là niềm hi vọng lớn nhất của họ. Nghĩ thế, cậu nhắm mắt lại, hét lên một tiếng. Nhưng lần này...
- Chiếp chiếp chiếp...
Sao lại có tiếng gà con thế nhỉ? Tiểu Khiêu cảm giác có thứ gì đó đang di chuyển trên đầu cậu. Cậu sờ lên đầu và chạm vào một thứ gì đó mềm mại, âm ấm.
- Chú gà con đáng yêu quá!
Mẹ Tiểu Khiêu rất ngạc nhiên, chân tay bà run run. Khi gặp những điều bất ngờ, bà thường hay như vậy.
Ông Thiên Thiếu lại thấy rất thú vị! Ông chưa bao giờ đập trứng gà mà lại ra gà con như vậy. Đây đúng là một món quà bất ngờ.
- Tiểu Khiêu, con đứng yên. Bố sẽ đi lấy máy ảnh. Bố muốn chụp cảnh chú gà con đứng trên đầu con.
Tiểu Khiêu chạy vào nhà vệ sinh soi gương. A ha! Đúng là trên đầu cậu có một chú gà con. Nó bới bới tóc cậu và biến đầu cậu thành một cái ổ gà.
Hai tuần trước, mẹ Tiểu Khiêu bảo cậu đi cắt tóc nhưng Tiểu Khiêu rất ghét cắt tóc. Cậu cứ để tóc bờm xờm như vậy đến giờ. Hôm qua, khi lấy ví dụ cho các bạn, cô Tần đã đặt câu: “Đầu Tiểu Khiêu giống cái ổ gà.”
Bây giờ, đầu Tiểu Khiêu không phải giống như chiếc ổ gà nữa mà nó đúng là chiếc ổ gà thật!
Tiểu Khiêu lắc đầu để chú gà con nhảy xuống nhưng nó không chịu xuống. Hình như nó rất thích chiếc ổ trên đầu Tiểu Khiêu. “Chiếp chiếp chiếp!” chú gà có vẻ rất vui.
Tiểu Khiêu cũng rất vui. Cậu đội chú gà con đi từ phòng nọ sang phòng kia rồi lại đi ra ban công.
Ban công nhà Tiểu Khiêu nhìn ra một khu phố đông đúc, nhộn nhịp. Lần đầu tiên thấy nhiều người, nhiều xe cộ như vậy, chú gà con rất vui. Nó cứ kêu “chiếp chiếp” mãi.
Không biết ai là người đầu tiên thấy Tiểu Khiêu đội một chú gà con đứng ở trên ban công. Họ chỉ cho mọi người xem. Mọi người đều dừng lại nhìn Tiểu Khiêu và chú gà con trên đầu cậu. Người đi xe đạp dừng lại. Ô tô cũng dừng lại. Vậy là đã xảy ra một vụ tắc đường lớn.
Cảnh sát đi đến. Chú cảnh sát không biết mọi người đứng ở đây làm gì.
Có người báo:

- Có một cậu bé đứng ở trên ban công kia kìa. Trên đầu cậu bé có một chú gà con!
Chú cảnh sát ngẩng đầu lên nhìn. Chú bật cười và quên cả nhiệm vụ điều khiển giao thông.
 
Tuy đã học đến lớp sáu nhưng cậu bé Cao Đại Vĩ sống ở khu nhà đối diện vẫn thích chơi với Tiểu Khiêu.



Ngớ ngẩn vì chuyện vớ vẩn
Bố Đại Vĩ thì lại không thích như vậy, ông nói, sắp thi tốt nghiệp đến nơi rồi còn chơi với trẻ con thì chẳng làm nên được trò trống gì. Ông Thiên Tiếu cũng không cho Tiểu Khiêu chơi với Đại Vĩ. Ông nói nếu Đại Vĩ không làm được bài thi, bố cậu ấy sẽ trách.
“Sao học đến lớp sáu rồi mà đi chơi cũng không được nhỉ?” Tiểu Khiêu không hiểu nên hỏi Đại Vĩ:
- Bố anh và bố em đều không cho chúng ta chơi với nhau. Vậy mình có chơi với nhau nữa không?
- Có chứ! Sao lại không? - Đại Vĩ không để ý đến chuyện bị cấm. - Anh sẽ dùng ám hiệu để liên lạc với em.
Cửa sổ phòng Tiểu Khiêu đối diện với cửa sổ phòng Đại Vĩ. Ám hiệu của Đại Vĩ là một chú thỏ bông đặt trên cửa sổ. Chỉ cần nhìn thấy chú thỏ đó là Tiểu Khiêu liền chạy xuống sân đợi Đại Vĩ.
Đại Vĩ rất nhiều trò chơi. Ngày nào, cậu ấy cũng nghĩ ra các trò chơi mới. Hôm trước chơi phi tiêu này, hôm qua thì chơi trượt ván, vậy hôm nay chơi gì nhỉ?
Đại Vĩ cầm một khẩu súng phun nước chạy xuống sân. Cậu nói hôm nay sẽ chơi đánh trận giả.
Nhưng Tiểu Khiêu không có súng phun nước thì đánh trận giả làm sao được?
- Chán thế! - Đại Vĩ bĩu môi. - Chẳng nhẽ nhà em không có khẩu súng phun nước nào à? Chắc chắn phải có chứ, về nhà tìm đi!
Tiểu Khiêu chạy về nhà gọi bố í ới để tìm súng nước.
- Bố ơi, nhà mình có khẩu súng phun nước nào không ạ?
- Có đấy!
Ông Thiên Tiếu cầm chiếc bình tưới hoa, làm điệu bộ đang cầm súng và lao đến trước mặt Tiểu Khiêu.
- Đây là bình tưới hoa mà! Con muốn tìm súng phun nước để đánh trận giả cơ.
- Thế này cũng đánh trận giả được mà.
Ông Thiên Tiếu phun một tia nước vào quần soóc của cậu khiến cậu có cảm giác tê tê.
“Mặc kệ nó có phải là súng nước hay không, chỉ cần có thể chiến đấu là được rồi!”
Nghĩ thế, Tiểu Khiêu bèn cầm bình tưới hoa chạy xuống sân. Vừa chạy xuống đến cửa khu chung cư thì Đại Vĩ đã nấp sau cầu thang bắn cậu. Nước từ súng của Đại Vĩ bắn thẳng vào ngực làm áo cậu ướt sũng.
Tiểu Khiêu lập tức nghênh chiến. Cậu cầm bình tưới hoa nhằm thẳng vào Đại Vĩ mà bắn. Đại Vĩ bị ướt từ đầu đến chân.

- Tiểu Khiêu, nếu không tiêu diệt được mi thì ta không phải là Cao Đại Vĩ.
Đại Vĩ nhằm thẳng vào Tiểu Khiêu mà bắn nhưng súng đã hết sạch nước. Cậu ta đành phải chạy đến vòi để nạp nước.
Bình tưới hoa của Tiểu Khiêu vẫn còn nước. Đâu thể tha cho Đại Vĩ dễ dàng như vậy được, thế là cậu đuổi theo và bắn thẳng vào Đại Vĩ. Đại Vĩ ướt sũng như chuột. Trông cậu ấy thật đáng thương!
Đúng lúc đó thì bố Đại Vĩ đi làm về. Thấy con trai trong bộ dạng thảm hại, ông lao đến tóm lấy vai Tiểu Khiêu.
- Tiểu Khiêu, cháu thật quá đáng! Gọi bố đến đây!
Tiểu Khiêu nói:
- Cháu không bắt nạt anh ấy ạ. Chúng cháu đang chơi đánh trận giả.
Bố Đại Vĩ túm tay Tiểu Khiêu kéo đi gặp bố cậu.
Thực ra, lúc này ông Thiên Tiếu cũng đã xuống đến sân. Vừa rồi, ông đứng trên ban công xem trận chiến giữa Tiểu Khiêu và Đại Vĩ. Ông đang rất phấn khởi vì Tiểu Khiêu đang thừa thắng xông lên.
Khi ông xuống đến sân cũng là lúc bố Đại Vĩ đang túm lấy Tiểu Khiêu. Trông cậu cứ như gà con bị chim ưng cắp vậy. Thật tội nghiệp!
Nhưng vẫn chưa hết.
Ông Thiên Tiếu lao ra túm lấy tay bố Đại Vĩ:
- Người lớn mà lại đi bắt nạt một đứa trẻ con. Ông không biết xấu hổ sao?
Bố Đại Vĩ buông Tiểu Khiêu ra và bắt đầu to tiếng với bố cậu. Hai ông bố đối đầu với nhau như hai con gà trống. Thật đáng sợ!
Đại Vĩ và Tiểu Khiêu đứng bên ngoài cổ vũ nhiệt tình.
Đại Vĩ nói:
- Trông bố em như con sói đói ấy!
Tiểu Khiêu nói:
- Trông bố anh như con sư tử điên vậy!
- Tốt nhất là chúng ta đừng to tiếng nữa. Hai chúng ta cùng đấu súng nước một trận. Ông có dám không?
Nghe câu nói đó, hai đứa trẻ mừng cuống cả lên.
- Bố đồng ý đi. Có gì mà không dám chứ? - Đại Vĩ đưa khẩu súng cho bố.
Tiểu Khiêu cũng đưa bình tưới hoa cho bố.
- Thật buồn cười! Ông còn bé lắm hay sao mà chơi súng phun nước? -
Bố Đại Vĩ là một cán bộ nhà nước. Ông chỉ muốn đấu lí chứ không muốn đấu súng.
Nghe bố Đại Vĩ nói vậy, Tiểu Khiêu thấy thất vọng.
- Chán quá! Bố anh chán thật đấy!
Đại Vĩ cũng thấy thất vọng, thậm chí là xấu hổ. Cậu bảo Tiểu Khiêu:
- Xem người lớn cãi nhau chẳng có gì hay cả. Chúng ta chơi trò khác thôi.
Tiểu Khiêu và Đại Vĩ bỏ đi, vừa hay gặp cậu bạn Tống Tiểu Giang đi học về, tay cầm cuốn truyện “Thám tử Conan”. Thế là hai cậu liền hỏi mượn.
Tiểu Khiêu và Đại Vĩ cùng ngồi trên một chiếc ghế đá, đầu kề đầu vai kề vai, cùng đọc chung một quyển truyện, thân thiết cứ như anh em ruột vậy. Hai ông bố cãi nhau chán chê xong, lại phải đi khắp nơi tìm chúng.
- Tiểu Khiêu ơi!
- Đại Vĩ ơi!
Tiểu Khiêu và Đại Vĩ chăm chú đến nỗi không hề nghe thấy tiếng bố gọi. Nhìn hai đứa thân thiết với nhau như vậy, hai ông bố chợt thấy hối hận vì đã cãi nhau. Họ thấy mình thật ngớ ngẩn! Thật sự là rất ngớ ngẩn!
 
Bác Hà Mã là bạn học từ thời tiểu học của bố Tiểu Khiêu. Họ đã quen biết nhau đã hai ba chục năm nay.



Chú dê đen may mắn
Thực ra, bác ấy không phải tên Hà Mã mà cái tên đó là do Tiểu Khiêu tự nghĩ ra vì miệng bác ấy rộng như miệng con hà mã.
Bác Hà Mã rất thích ăn thịt. Từ loài bay trên trời, chạy trên cạn hay bơi dưới nước bác ấy đều thích ăn, nhưng bác ấy chỉ thích ăn thịt tươi. Thí dụ, nếu ăn thịt gà, thỏ, ngỗng… thì bác ấy muốn chính mắt mình thấy chúng bị làm thịt. Khi còn nhỏ, bác Hà Mã và bố Tiểu Khiêu thường ra bờ ruộng chơi, bắt được con chạch nào cũng đều đốt củi nướng lên ăn.
Bác Hà Mã rất sành ăn. Bác mua một chiếc xe ô tô bảy chỗ để rủ bạn bè đi ăn. Ở đâu có món gì ngon, bác cũng kéo bằng được các bạn đến cùng thưởng thức.
Cuối tuần, bác Hà Mã gọi điện khoe rằng mới tìm được một quán ăn có món thịt dê nướng tuyệt ngon. Bác muốn đưa cả nhà Tiểu Khiêu tới đó thưởng thức.
Tiểu Khiêu không ngờ được ăn một bữa lại phải đi xa như vậy. Họ đi trên đường cao tốc hơn một tiếng đồng hồ, phải vòng vèo đi đường núi hơn hai tiếng nữa. Mãi trưa mới đến nơi.
Ở cổng nhà hàng thịt dê nướng có rất nhiều xe hơi, đều là xe của khách tới ăn đặc sản. Vừa xuống xe, bác Hà Mã liền dẫn mọi người ra vách núi phía sau nhà hàng.
- Nhanh lên! - Bác Hà Mã giục mọi người. - Đến muộn là người ta chọn hết mất dê đấy!
Trên vách núi thoai thoải có hơn chục con dê nhốt phía trong hàng rào trắng, vài con đeo tấm biển có số ở cổ.
Tiểu Khiêu thắc mắc không hiểu sao người ta đeo tấm biển cho mấy con dê đó làm gì?
- Những con đeo biển là đã có người chọn. - Bác Hà Mã chỉ vào con dê đeo tấm biển số bốn và nói - Khách ở bàn số bốn đã chọn con dê này.
Tiểu Khiêu nói:
- Nhưng chúng vẫn còn nhỏ. Chúng chỉ là những con dê con thôi mà?
- Thịt dê non rất mềm! - Bác Hà Mã giải thích rồi quay sang nói với bố Tiểu Khiêu. - Những con dê này đều chưa được ba tháng tuổi, thịt mềm lắm! Chẹp chẹp chẹp!
Bác Hà Mã thèm đến chảy cả nước miếng. Bác ấy đang nuốt nước bọt liên tục. Tiểu Khiêu lấy làm lạ:
- Bác Hà Mã rất thích ăn thịt và ăn nhiều loại thịt, sao bác ấy vẫn gầy thế nhỉ?
Những con dê con chạy đi chạy lại trong hàng rào. Chúng ngơ ngác và thích thú mở to mắt nhìn trời nhìn đất. Chúng không hề biết chuyện gì sắp xảy ra với chúng.
Bác Hà Mã chọn một con dê đen lông mượt. Người ta lập tức đeo vào cổ con dê tấm biển số chín. Dường như con dê con rất thích thú với tấm biển đó. Nó ngẩng cao đầu kêu “be be” mấy tiếng.
Chọn xong, bác Hà Mã dẫn mọi người vào nhà hàng ngồi uống trà, nói chuyện, đợi đầu bếp nướng thịt dê.
Tiểu Khiêu vẫn đứng đó. Đúng là chỉ có bố cậu là người hiểu cậu nhất.
Ông biết cậu muốn chơi với chú dê con.
Ông Thiên Tiếu nói với người trông dê:
- Chúng tôi mua con dê số chín rồi. Anh làm ơn thả nó ra cho con trai tôi chơi với nó một lúc.
Người trông dê thả chú dê số chín ra ngoài. Tiểu Khiêu liền chạy lại ôm lấy nó. Người nó thật là ấm, con dê cứ dụi đầu vào ngực cậu. Tiểu Khiêu thấy chú dê con thật đáng yêu! Cậu lấy kẹo sôcôla của mình cho dê con ăn. Dê con chưa bao giờ được ăn thứ gì ngon như vậy. Chú ta đạp chân thích thú!
Đúng lúc đó, một ông béo cầm dao vừa đi tới vừa nói:
- Con dê của khách bàn số chín đâu? Anh mau dắt ra đây cho tôi.
Tiểu Khiêu biết ông béo đó đến làm thịt chú dê con. Cậu xông vào đấm đá ông ta:
- Ông không được giết dê con! Ông không được giết dê con!
- Cậu bé, tránh ra nào!
Ông béo đẩy Tiểu Khiêu ra để bắt chú dê con. Chú dê con không hề biết ngày tận cùng của nó sắp đến. Nó vẫn vui mừng kêu “be be”.
- Dê con, chạy đi!
Tiểu Khiêu đẩy chú dê con đi. Nó liền soải chân chạy.
- Đứng lại! - Ông béo cầm dao đuổi theo nó. - Mi không thoát được đâu!
Ông béo chạy được một đoạn thì phải dừng lại để thở. Ông ta đành giương mắt đứng nhìn theo chú dê con đang chạy lên núi.
Tiểu Khiêu cũng đuổi theo chú dê con lên núi. Thấy chú dê con đã chạy thoát, cậu mới dừng lại.
Phong cảnh ở đây thật là đẹp! Hoa đỗ quyên nở đầy bên sườn núi. Tiểu Khiêu ôm chú dê con vào lòng và tháo tấm biển số chín cho nó. Cậu nói:
- Hãy chạy đi. Chạy càng xa càng tốt!
Nhưng chú dê con không chịu đi. Nó cứ quấn lấy Tiểu Khiêu. Tiểu Khiêu cũng không nỡ xa chú dê con nhưng vẫn cố đẩy nó đi:
- Nếu không đi, người ta sẽ giết mày đấy!
Hình như chú dê con cũng hiểu được những điều Tiểu Khiêu nói. Nó bước lên mấy bước rồi quay lại nhìn cậu. Tiểu Khiêu thấy đôi mắt của chú dê con có gì đó long lanh.
- Dê mà cũng biết khóc ư?
Tiểu Khiêu càng thấy tội nghiệp chú dê con. Nhưng cậu phải cứu nó. Cậu nhặt một hòn đá ném vào chú dê con.
- Be..e..ee!
Chú dê con kêu lên đau đớn và chạy đi. Nháy mắt, nó đã chạy khuất sau những khóm hoa.

Ở dưới chân núi, bác Hà Mã đang đợi món thịt dê nướng dọn lên. Đợi mãi, đợi mãi không thấy, bác bèn đi tìm ông đầu bếp béo:
- Sao món thịt dê của chúng tôi vẫn chưa bê lên?
Ông béo hỏi:
- Quý khách ở bàn số mấy?
- Số chín.
- Dê của bàn số chín chạy mất rồi!
- Chạy mất rồi ư? - Bác Hà Mã nhảy dựng lên.
- Sao lại chạy được? Tôi đã chọn nó rồi cơ mà?
Ông béo vẻ rất bực dọc phân trần:
- Thì chính cậu bé đi cùng các ông đã thả nó ra đấy chứ.
- Tiểu Khiêu ư?
Tất cả mọi người đều nghĩ ngay đến Tiểu Khiêu.
Ông Thiên Tiếu cười lớn và vỗ vai ông béo:
- Hay! Hay! Hay lắm! Tôi sẽ trả tiền mua con dê đó!
Bỗng nhiên mẹ Tiểu Khiêu hoảng hốt:
- Tiểu Khiêu chạy đâu rồi?
- Tôi chưa thấy cậu bé nào tinh nghịch như vậy! - Nói rồi, ông béo chỉ tay về bên kia núi. - Nó dẫn con dê lên núi rồi!
- Tiểu Khiêu ơi!
Mẹ Tiểu Khiêu khóc nức nở. Ông Thiên Tiếu chạy lên núi, bác Hà Mã cũng đi theo.
Lúc này, Tiểu Khiêu đang đi xuống. Thấy bố mình và bác Hà Mã đang đi tìm, Tiểu Khiêu liền nấp sau một tảng đá lớn.
Bố Tiểu Khiêu vừa đi vừa gọi:
- Tiểu Khiêu ơi, con về đi! Chúng ta sẽ không giết con dê đó nữa!
- Lát nữa chúng ta đi ăn nấm rừng, không ăn thịt dê nữa nhé!
Nghe bác Hà Mã nói vậy, Tiểu Khiêu thêm điều kiện:
- Sau này bác có chọn gà như thế không ạ?
Bác Hà Mã vội nói:
- Không ăn thịt gà. Bác không ăn nữa đâu!
- Thế còn thịt thỏ ạ?
Bác Hà Mã trả lời:
- Thịt thỏ cũng không.
- Cả thịt ngỗng nữa chứ ạ?
Bác Hà Mã nói:
- Phải, cả thịt ngỗng nữa!
Tiểu Khiêu bước ra khỏi chỗ nấp. Cậu đi tới chỗ người lớn bằng tư thế hiên ngang của người chiến thắng.
Thấy Tiểu Khiêu, bố cậu và bác Hà Mã vui mừng khôn xiết, chạy đến ôm lấy cậu. Tiểu Khiêu lạnh lùng đẩy họ ra.
- Tiểu Khiêu, con sao thế?
Tiểu Khiêu làm ra vẻ như một nhà tư tưởng, cậu khoa tay:
- Con phát hiện ra một điều...
- Điều gì?
- Con phát hiện ra rằng, con người là loài động vật xấu xa nhất!
Lúc này, bố Tiểu Khiêu và bác Hà Mã chỉ nhìn nhau mà không biết nói gì.
 
Hôm nay Tiểu Khiêu lại gây ra tai họa. Cậu đã nhổ kẹo cao su vào chiếc váy kẻ carô mới của cô bạn cùng lớp Lộ Mạn Mạn.
Chiếc váy kẻ carô đỏ


Mạn Mạn ngồi cùng bàn với Tiểu Khiêu và cũng là một học sinh được cô Tần ưu ái nhất. Cô giáo xếp cho Mạn Mạn ngồi cùng bàn với Tiểu Khiêu để giúp đỡ và cũng là giám sát cậu.
Mạn Mạn khóc lóc ầm ĩ!
Tiểu Khiêu nói cậu không cố ý nhưng cô giáo thì nhất định cho rằng cậu làm vậy vì Mạn Mạn đã giám sát và báo cáo mọi hành động của cậu cho cô giáo.
Tiểu Khiêu không hiểu gì cả. Cô giáo bảo sẽ đến nhà yêu cầu bố mẹ cậu đền cho Mạn Mạn chiếc váy mới.
Chắc chắn tối nay Tiêu Khiêu sẽ no đòn rồi!
Về đến nhà, việc đầu tiên Tiểu Khiêu làm là giấu kín thước kẻ, chổi lông gà, gậy cán bột... và những thứ bố cậu có thể dùng để đánh đít.
Vừa giấu xong thì bố Tiểu Khiêu đi làm về. Cậu vội vàng ngồi ngay ngắn trên ghế sôpha.

Thấy Tiểu Khiêu như vậy, ông bố biết ngay là cậu lại gây ra chuyện gì đó.
- Tiểu Khiêu, có chuyện gì vậy?
Tiểu Khiêu trả lời:
- Không có gì đâu ạ!
- Không có gì mà lại ngồi nghiêm chỉnh ở đó làm gì?
Tiểu Khiêu bèn kể cho bố nghe một câu chuyện:
- Hôm nay, bạn Lộ Mạn Mạn mặc chiếc váy mới. Đó là một chiếc váy rất đẹp...
Ông Thiên Tiếu ngắt lời con:
- Bạn ấy mặc váy đẹp thì liên quan gì đến con?
Tiểu Khiêu xua tay:
- Không ạ. Con không liên quan gì đâu!
Đúng lúc đó, tiếng chuông cửa vang lên. Tiểu Khiêu vội vàng trốn vào phòng.
Vừa mở cửa, nhìn thấy cô chủ nhiệm là ông Thiên Tiếu biết ngay Tiểu Khiêu đã gây chuyện.
- Cô giáo, Tiểu Khiêu nó...
- Anh Thiên Tiếu à, chuyện là thế này... - Cô giáo cầm theo chiếc váy mới của Mạn Mạn. - Hôm nay, Mạn Mạn mặc một chiếc váy mới đến lớp. Tiểu Khiêu đã nhổ kẹo cao su vào váy của bạn. Anh xem, nó dính bê bết thế này đây!
- Tiểu Khiêu, ra đây ngay!
Tiểu Khiêu rón rén đi ra.

Ông Thiên Tiếu cầm chiếc váy giơ ra trước mặt Tiểu Khiêu:
- Con nói đi, phải làm thế nào đây?

Tiểu Khiêu nói:
- Chúng ta mua đền bạn ấy một chiếc váy mới ạ.
- Ý kiến đó được đấy! - Ông Thiên Tiếu mỉm cười. - Cô giáo, như vậy có được không ạ?
Cô Tần chau mày, cô cũng không biết nói gì nữa. Có ông bố thế này thì biết làm gì đây? Cô định đến để nói chuyện về cách giáo dục Tiểu Khiêu, nhưng thấy ông Thiên Tiếu như vậy, cô không muốn nói gì nữa.
Cô giáo đã về. Ông Thiên Tiếu định đánh Tiểu Khiêu nhưng không tìm thấy thứ gì cả, bởi Tiểu Khiêu đã giấu chúng đi rồi.
- Bố ơi! - Tiểu Khiêu đề nghị. - Chúng ta đi mua váy đền cho bạn ấy trước rồi về bố đánh con sau nhé!
Ông Thiên Tiếu nghĩ giờ này cửa hàng cũng sắp đóng cửa nên đành đồng ý đi mua váy trước rồi về trừng trị Tiểu Khiêu sau.
Ra khỏi thang máy, Tiểu Khiêu nói với bố:
- Bố ơi, bạn Mạn Mạn xinh lắm. Bố nhớ mua đền cho bạn ấy chiếc váy đẹp nhất nhé!
- Con nói thật đi! - Ông Thiên Tiếu chỉ vào mũi con trai. - Con thích bạn ấy đúng không?
Tiểu Khiêu thật thà trả lời, Mạn Mạn là cô bạn cậu ấy ghét nhất.
- Chẳng phải con khen bạn ấy xinh sao?
- Dù có xinh, con cũng không thích! - Tiểu Khiêu nói.
- Bạn ấy hay khóc nhè và suốt ngày mách lẻo với cô giáo.
Ông Thiên Tiếu hỏi tiếp:
- Thế con có thích bạn nào trong lớp không?
Tiểu Khiêu trả lời:
- Con chẳng thích ai cả!
Ông Thiên Tiếu tiếp tục hỏi:
- Trong lớp, con không thích chơi hay nói chuyện với bạn gái nào ư?
Tiểu Khiêu định nói có một bạn nhưng lại không dám nói ra. Bạn ấy là An Kỳ Nhi, cô bé hàng xóm nhà cậu. Kỳ Nhi không xinh, cô bé còn hơi ngốc nghếch nữa. Tiểu Khiêu sợ bố chê cười cậu. Hoá ra, Tiểu Khiêu cũng biết xấu hổ!

Ông Thiên Tiếu và Tiểu Khiêu đi đến cửa hàng “Công chúa nhỏ”. Cô gái bán hàng nghĩ họ vào nhầm cửa hàng, liền nói:
- Anh ơi, chúng tôi chỉ bán quần áo cho các bé gái, không có quần áo cho bé trai đâu ạ!
Tiểu Khiêu nói ngay:
- Bố con cháu muốn mua một chiếc váy ạ!
Cô bán hàng bụm miệng cười và dẫn họ đi xem mấy chiếc váy manơcanh đang mặc.
Đây là chiếc váy mới nhất được nhập từ Hồng Kông về. - Cô bán hàng chỉ vào chiếc váy bò thêu hoa.
- Chiếc váy này hợp với những cô bé hoạt bát, dí dỏm.
Tiểu Khiêu lắc đầu. Cậu không thích chiếc váy đó. Cậu nói Mạn Mạn không hoạt bát, cũng không dí dỏm.
Cô bán hàng hỏi:
- Thế hai bố anh cháu muốn mua chiếc váy thế nào?
Cửa hàng có nhiều váy quá! Ông Thiên Tiếu nhìn hoa cả mắt. Ông bảo mua chiếc nào cũng được.
- Không được! - Tiểu Khiêu không đồng ý. Cậu tả dáng người của Mạn Mạn cho cô bán hàng nghe.
- Bạn ấy có mái tóc dài và đôi mắt to. Bạn ấy nhảy rất đẹp ạ! Bạn ấy trông xinh xắn nên bố con cháu muốn mua cho bạn ấy một chiếc váy thật đẹp ạ!
- Ồ! Thế thì cô biết cháu muốn mua chiếc váy thế nào rồi!
Cô bán hàng đem một chiếc váy kẻ carô màu đỏ đến. Chiếc váy xoè xếp rất nhiều li, bên trong có một lớp vải lót trắng. Chân váy còn đính những nụ hoa nhỏ xinh xắn.
Tiểu Khiêu rất thích chiếc váy đó. Thậm chí, cậu còn nhớ là Mạn Mạn có một chiếc áo trắng, một đôi giầy đỏ. Chúng rất hợp với chiếc váy kẻ carô màu đỏ này. Khi quay người, trông Mạn Mạn sẽ giống như một bông hoa đang nở.
Trên đường về thấy con trai vui vẻ, ông Thiên Tiếu tỏ vẻ không hiểu:
- Tiểu Khiêu, con nói không thích Mạn Mạn, thậm chí còn ghét bạn ấy. Thế tại sao mua được váy cho bạn ấy, con lại vui như vậy? Chắc chắn là con rất thích bạn ấy rồi!
Tiểu Khiêu khẳng định:
- Con không thích Mạn Mạn nhưng con thích thấy bạn ấy mặc váy đẹp!
Ông Thiên Tiếu thấy con trai thật là khó hiểu.
Vì mua được chiếc váy đẹp đền cho Mạn Mạn nên Tiểu Khiêu rất vui. Ông Thiên Tiếu cũng vui không kém. Vì vậy về đến nhà, ông đã quên luôn chuyện định đánh đòn Tiểu Khiêu.
 
Dạo này ông Thiên Tiếu phát hiện cậu con trai về nhà muộn sau giờ tan học. Hơn nữa, về đến nhà là cậu bé liền trốn trong nhà vệ sinh.
Cô cảnh sát xinh đẹp


Một hôm, ông Thiên Tiếu rón rén mở cửa nhà vệ sinh ra và thấy Tiểu Khiêu đang đứng trước gương làm gì đó. Nhưng ông vẫn không hiểu con trai mình đang làm gì. Không phải là khiêu vũ, cũng không phải là luyện võ!
Ông Thiên Tiếu quyết tâm phải làm rõ chuyện này. Điều gì đã làm cho Tiểu Khiêu có những hành động kỳ quặc như vậy? Ông lên kế hoạch theo dõi con trai.
Chiều hôm đó, ông Thiên Tiếu đội mũ lưỡi trai, đeo kính đen, khẩu trang bịt mặt và mang theo một chiếc ống nhòm.
Ông trốn vào cửa hàng hoa trước cổng trường học. Thấy bộ dạng ông như vậy, cô bán hàng nghĩ ông có ý đồ gì xấu nên sợ run như cầy sấy.
Ông Thiên Tiếu nấp sau giá đựng hoa. Ông bỏ chiếc kính đen ra và lặng lẽ theo dõi cổng trường.

Chuông tan học vang lên, Tiểu Khiêu chạy ra. Phía sau là một cô bé mặc váy kẻ carô đỏ nên ông Thiên Tiếu nhận ra ngay đó là Lộ Mạn Mạn. Chính ông và Tiểu Khiêu đã mua chiếc váy đó ở cửa hàng “Công chúa nhỏ” mà!
Tiểu Khiêu ra cổng trường và đang đi theo hướng về nhà. Mạn Mạn cũng đi theo cậu bé. Ông Thiên Tiếu vội vã rời khỏi cửa hàng hoa và đi theo Mạn Mạn.
Giờ thì ông Thiên Tiếu đã hiểu được đôi chút. Chắc chắn những hành động kì quặc gần đây của Tiểu Khiêu có liên quan đến Mạn Mạn. Nhớ lại lúc đi mua váy cho Mạn Mạn, ông Thiên Tiếu thấy con trai có những biểu hiện rất lạ. Ông cười thầm:
- Mình nói con trai thích Mạn Mạn, thế mà nó còn không chịu nhận.
Ông Thiên Tiếu nấp vào cửa hàng ven đường. Ông bắt chước động tác của những mật thám trong phim. Mọi người tò mò nhìn ông và xì xào rằng chắc ông mới từ bệnh viện tâm thần trốn ra. Nhưng ông không hề biết điều đó, mắt vẫn chăm chú theo dõi Tiểu Khiêu.
Tiểu Khiêu đi đến toà nhà Bách hoá tổng hợp. Mạn Mạn vẫn đi theo. Ông Thiên Tiếu lại cười thầm:
- Ha ha! Cậu nhóc này còn dám dẫn cả bạn gái đến Bách hoá tổng hợp nữa cơ đấy!
Ông Thiên Tiếu cũng đi vào theo. Tiểu Khiêu bước lên cầu thang máy băng chuyền, rồi nhanh chóng bước xuống. Mạn Mạn bước lên thang máy rồi lẫn vào đám người đang đi lên.
Tiểu Khiêu, vội vàng chạy ra khỏi toà nhà Bách hoá tổng hợp. Ông Thiên Tiếu cũng bám theo ngay đằng sau. Ông nhận ra rằng, hoá ra Tiểu Khiêu vào trong đó chỉ để “cắt đuôi” Mạn Mạn mà thôi!
Nhưng cậu nhóc định làm gì vậy?
Tiểu Khiêu chạy nhanh về phía trước, đến ngã tư thì dừng lại.
Tiểu Khiêu đang nhìn gì thế nhỉ?
Ông Thiên Tiếu đoán rằng Tiểu Khiêu đang ngắm những chiếc xe ô tô. Con trai ông biết tất cả các hãng xe và thuộc tất cả biểu tượng của từng hãng. Nhưng ông cũng thừa hiểu rằng Tiểu Khiêu không mê ngắm xe đến mức hôm nào cũng về nhà muộn.
Ông Thiên Tiếu vào một cửa hàng sách phía bên kia đường. Ông đặt ống nhòm lên giá sách và theo dõi Tiểu Khiêu. Hoá ra con trai ông không ngắm xe mà đang nhìn cảnh sát giao thông.
Đó là một nữ cảnh sát giao thông. Tiểu Khiêu ngắm nhìn không chớp mắt.
Nữ cảnh sát này có gì đặc biệt thế nhỉ?
Ông Thiên Tiếu quay ống nhòm về phía cô cảnh sát. Ông lập tức chú ý ngay đến cô cảnh sát. Cô cao như một người mẫu, mặc bộ cảnh phục màu đen, đội chiếc mũ trắng, dây lưng trắng, găng tay trắng và chân đi một đôi giày cao cổ. Trông cô còn đẹp hơn cả một người mẫu.
Cô cảnh sát mỉm cười. Cô đang điều khiểu giao thông mà cứ như đang khiêu vũ vậy. Những chiếc xe dừng trước ngã tư và di chuyển lần lượt theo chỉ dẫn của cô.
Mắt ông Thiên Tiếu cứ như dính chặt vào chiếc ống nhòm. Ông mê mẩn cô cảnh sát giao thông đến nỗi quên mất cả việc theo dõi cậu con trai.
Ông Thiên Tiếu mải mê ngắm cô cảnh sát đến tận lúc trời tối. Khi cô rời khỏi ngã tư, ông mới cất ống nhòm và đi về nhà.
Tiểu Khiêu đang ăn cơm. Mặc dù ông Thiên Tiếu đã bỏ kính đen, khẩu trang, mũ lưỡi trai và cất ống nhòm vào túi, nhưng Tiểu Khiêu vẫn thấy bố có gì đó không bình thường.
- Bố ơi, sao bố về muộn thế? Bố đi đâu thế ạ?
Mùi thức ăn thơm lừng khiến ông Thiên Tiếu thấy đói cồn cào. Ông cầm xiên thịt trong bát của Tiểu Khiêu đưa lên miệng ăn ngon lành.
- Con đi đâu thì bố đi đấy!
Tiểu Khiêu không tin. Cậu đi xem cô cảnh sát giao thông. Làm gì có chuyện bố cậu cũng đi xem cô cảnh sát giống cậu chứ?
- Bố thấy con và Mạn Mạn đi vào Bách hoá tổng hợp...
Ông Thiên Tiếu cố ý nói lấp lửng để thăm dò thái độ của Tiểu Khiêu. Quả nhiên, Tiểu Khiêu vội giải thích ngay:
- Con không đi cùng bạn ấy. Con vào bách hoá tổng hợp để “cắt đuôi” bạn ấy thôi!
- Tại sao con phải làm vậy?
- Bố không biết đấy thôi. Bạn ấy cứ như mật thám ấy. Cô chủ nhiệm giao cho bạn ấy nhiệm vụ giám sát con. Ở trường, bạn ấy đã theo dõi con thì chớ, tan học rồi vẫn cứ nhằng nhẵng bám theo con.
Ông Thiên Tiếu tiếp tục:
- Thoát khỏi Mạn Mạn xong, con đến ngã tư đếm xe ô tô phải không?
- Ai thèm đếm xe chứ? Con không trẻ con như vậy đâu!
- Vậy con đứng đó làm gì?
Quả nhiên Tiểu Khiêu mắc bẫy luôn:
- Con xem cảnh sát giao thông!
Ông Thiên Tiếu vẫn thản nhiên:
- Cảnh sát giao thông thì có gì lạ chứ?
- Đó là một nữ cảnh sát ạ! - Tiểu Khiêu ra vẻ rất thần bí. - Bố ơi, con dám cá là bố chưa bao giờ thấy cô cảnh sát nào xinh đẹp và tài giỏi như vậy đâu.
- Con thử nói xem cô ấy xinh đẹp và tài giỏi đến mức nào nào?
Tiểu Khiêu đặt bát đũa xuống. Cậu làm mấy động tác giống như cô cảnh sát đang điều khiển giao thông. Bây giờ thì ông Thiên Tiếu đã hiểu những động tác kỳ quặc của con trai mình ở trong nhà vệ sinh là gì.
Tiểu Khiêu vừa vung tay vừa nói:
- Bố thấy có tuyệt không ạ?
Ông Thiên Tiếu nói:
- Tuyệt lắm!
Ông Thiên Tiếu lại hỏi Tiểu Khiêu:
- Thế cô cảnh sát ấy có gì giỏi?
Tiểu Khiêu nói:
- Hồi trước, ông cảnh sát giao thông bụng phệ chỉ huy giao thông ở đó ghê gớm lắm. Ông ta chỉ đứng rình xem ai sai phạm để phạt. Xe cộ ở ngã tư đó đi lại rất lộn xộn và thường xuyên gây tắc đường. Còn cô cảnh sát này rất dễ mến bố ạ! Cô ấy điều khiển giao thông nghiêm túc, không phạt ai cả và lúc nào cũng mỉm cười. Những người lái xe đều nghiêm chỉnh tuân theo chỉ dẫn của cô ấy. Bố thấy cô ấy có giỏi không ạ?
Ông Thiên Tiếu nói:
- Đó chính là sức mạnh của nụ cười đấy con ạ !
Sức mạnh của nụ cười ư?
Nếu nói về người khác chắc Tiểu Khiêu không hiểu, nhưng vì họ đang nói về cô cảnh sát đáng mến nên cậu hiểu ngay, thậm chí hiểu rất rõ ấy chứ.
Ngày nào sau khi tan học, cậu cũng chạy đến ngã tư để nhìn nữ cảnh sát chỉ huy giao thông. Ông Thiên Tiếu cũng vậy, mê mẩn không kém gì con trai. Hai bố con họ, người đứng bên này đường, người đứng bên kia đường để ngắm nhìn.
Khoảng một tháng sau, ông Thiên Tiếu đã cho ra đời con búp bê Babie mang hình dáng của một nữ cảnh sát xinh đẹp. Sự nghiệp của ông lại có thêm một bước thành công mới.
Trừ Tiểu Khiêu ra, không ai biết con búp bê đó từ bộ quần áo đến vóc dáng đều giống hệt cô cảnh sát xinh đẹp.
 
Tiểu Khiêu thừa hưởng gien di truyền của bố ở rất nhiều mặt, nhất là mặt ham chơi và hôi chân.
Món ăn Nhật Bản


Nhiều khi mẹ Tiểu Khiêu hay kêu ca, để đối phó, hai bố con chỉ có một cách là cởi giầy ra và giơ chân mình ra phía trước. Khi đó, mẹ Tiểu Khiêu sẽ hét lên:
- Hôi chết đi mất!
Rồi bà bịt mũi. Mà bịt mũi thì sao nói được? Vì vậy, bà cũng không kêu ca được nữa.
Phòng đọc sách nhà Tiểu Khiêu có hai con chuột rất thích gặm sách. Chúng rất khôn ngoan! Ông Thiên Tiếu đã dùng hết bẫy lồng rồi lại bẫy dính mà không bắt được. Cuối cùng Tiểu Khiêu nghĩ ra một cách hay ho: tận dụng những chiếc tất hôi của họ. Hai bố con họ thu thập mấy đôi tất đã đi tới vài ngày và rải khắp phòng đọc sách. Mùi hôi nồng nặc trong phòng đọc nếu không làm hai con chuột chết ngạt thì chắc chắn cũng làm cho chúng sống dở chết dở.
Một thương gia kinh doanh đồ chơi người Nhật đến tìm ông Thiến Tiêu để bàn chuyện làm ăn. Họ muốn làm tổng đại lí “Búp bê biết nhảy” ở Nhật Bản. Đó là một nữ thương gia nhưng có lẽ còn giỏi hơn nhiều người đàn ông. Bà ta trả giá rất chặt, vì vậy đàm phán đến một tuần mà ông Thiên Tiếu vẫn không chấp nhận mức giá đó.
Vì lợi ích của xưởng nên ông Thiên Tiếu quyết tâm không nhân nhượng với bà thương gia.
Một hôm, ông Thiên Tiếu mời bà thương gia đi ăn món ăn Nhật. Bà thương gia nói:
- Tôi nghe nói ông đã mô phỏng hình dáng con trai mình để thiết kế ra “Búp bê biết nhảy”. Ông có thể đưa cậu bé đi ăn cùng không?
Ông Thiên Tiếu vốn không muốn đưa Tiểu Khiêu đi vì muốn tiếp tục bàn chuyện làm ăn với bà ngay trong bữa ăn. Nếu dẫn Tiểu Khiêu đi thì có thể cậu bé sẽ làm hỏng việc. Nhưng ông cũng không có lí do gì để từ chối yêu cầu của khách hàng. Nghĩ vậy nên ông nhắc nhở Tiểu Khiêu trước:
- Tiểu Khiêu! Hôm nay bố sẽ đưa con đi gặp một người. Đây không phải là một người bình thường đâu đấy!
Tiểu Khiêu hào hứng:
- Vậy là một siêu nhân ạ?
- Không, là một người nước ngoài.
Tiểu Khiêu không hiểu:
- Người nước ngoài thì có gì đặc biệt ạ?
Thấy con trai không có hứng thú với chuyện đó, ông Thiên Tiếu liền chuyển sang chủ đề ăn uống.
- Tiểu Khiêu! Hôm nay bố sẽ đưa con đi ăn món ăn Nhật Bản.
- Thật hả bố?
Tiểu Khiêu luôn thích những thứ mới lạ.
Thấy Tiểu Khiêu đã cắn câu, ông Thiên Tiếu bèn ra điều kiện.
- Nếu muốn đi ăn món ăn Nhật Bản thì con phải ngoan, không được nghịch ngợm nhé!
Ông Thiên Tiếu đặt một phòng nhỏ ở nhà hàng Nhật Bản. Căn phòng đó lát sàn gỗ và thực khách phải tháo giầy để bên ngoài.
Ông Thiên Tiếu và Tiểu Khiêu tháo giầy ra, ngồi khoanh chân trên sàn. Chân ông Thiên Tiếu có mùi, chân Tiểu Khiêu cũng dậy mùi. Hôi thật là hôi! Tuy nhiên hai bố con đã quen với mùi hôi đó đến nỗi người khác có thể ngửi thấy nhưng họ lại không hề thấy gì.
Cô gái phục vụ mặc bộ kimônô hoa anh đào bước vào phòng và vội lấy tay áo bịt mũi.
Tiểu Khiêu không hiểu cô ấy đeo chiếc gối sau lưng làm gì. Cậu chạy ra phía sau để xem chiếc gối. Cô gái không chịu nổi mùi hôi, đành phải bỏ ra ngoài.
- Con làm gì thế?
Ông Thiên Tiếu không biết cô phục vụ bỏ ra ngoài vì mùi hôi chân mà lại nghĩ Tiểu Khiêu đã làm cô ấy sợ.
- Con còn bé mà đã hư quá!
- Con không làm gì cả! Con chỉ muốn xem có phải cô ấy buộc thuốc nổ sau lưng không thôi. Nhỡ chúng ta bị nổ tan xác thì sao ạ?
Ông Thiên Tiếu cười bò ra cả sàn nhà. Con trai ông hóm hỉnh thật!
Lúc đó, vị khách người Nhật mới đến. Tiểu Khiêu thấy da mặt bà ta trắng bệch, môi đỏ chót, lông mày đen sì mới chợt hiểu tại sao bố cậu bảo bà ta không phải là người bình thường. Đúng là không bình thường chút nào. Trông bà như bức tượng bằng sứ vậy.

Nữ thương gia người Nhật và người phiên dịch tháo giầy ra, bước vào phòng.
Sau khi họ vào phòng, ông Thiên Tiếu liền kéo cánh cửa vào.
Căn phòng nhỏ kín như bưng, mùi hôi chân nồng nặc làm nữ thương gia suýt nữa thì ngất xỉu. Nghe ông Thiên Tiếu giới thiệu con trai, bà lịch sự bắt tay cậu. Tiểu Khiêu có cảm giác tay bà ta như tay tượng sứ vậy. Nó lạnh ơi là lạnh!
Thức ăn được dọn lên. Cô phục vụ bê món cá nướng lên đầu tiên. Con cá nướng vàng, thơm phức được đặt trên đĩa trang trí trông rất hấp dẫn. Cô phục vụ quỳ xuống và đặt bốn đĩa cá lên bốn chiếc bàn của khách. Cô mỉm cười lịch sự như thể trong phòng không hề có mùi hôi vậy.
Ông Thiên Tiếu và Tiểu Khiêu ăn món cá nướng ngon lành. Nhưng bà thương gia và người phiên dịch thì không thể nào nuốt nổi, mùi cá nướng thơm quện với mùi hôi chân tạo thành một thứ mùi rất khó chịu.
Người phiên dịch nhận ra mùi hôi đó từ chân của bố con Tiểu Khiêu nhưng lại thấy rất lạ rằng tại sao cô phục vụ không sợ mùi hôi đó? Ông ta bèn quan sát cô phục vụ và phát hiện ra cô gái đã nhét bông vào hai lỗ mũi.
Người phiên dịch liền lén xé một mẩu giấy ăn vo thành hai viên giấy nhỏ, nhét vào lỗ mũi. Khi ông nhét viên giấy thứ hai vào lỗ mũi bên kia thì Tiểu Khiêu phát hiện thấy. Cậu thấy hơi coi thường ông ta: “Là người có giáo dục mà sao lại ngoáy mũi ở bàn ăn như thế chứ? Thật là bất lịch sự! Ôi! Người lớn thật là khó hiểu!” Tiểu Khiêu lắc đầu.
Nhét giấy ăn vào mũi xong, người phiên dịch không ngửi thấy mùi hôi nữa. Ông ta bắt đầu thưởng thức món cá nướng một cách ngon lành!
Ăn hết món cá nướng thì đến món susi. Món susi lạ thật! Tiểu Khiêu thấy không ngon bằng món bánh chưng.

Bà thương gia vẫn không ăn được gì. Bà rất lấy làm lạ rằng tại sao trong phòng có năm người mà chỉ có mỗi mình bà thấy khó chịu. Lẽ nào người Trung Quốc không ngửi thấy mùi hôi?
Ông Thiên Tiếu thấy bà thương gia không muốn ăn thì đoán rằng bà muốn nói chuyện làm ăn. Bà thương gia thấy chóng mặt vì mùi hôi nên chỉ thấy miệng ông Thiên Tiếu mấp máy mà không biết ông nói những gì. Bà thấy ông đặt lên bàn hai tờ giấy dày đặc chữ. Lúc đó, bà chỉ muốn rời khỏi căn phòng đó ngay nên đã nhanh chóng kí tên vào hai tờ giấy đó.
Bà thương gia đi như chạy khỏi căn phòng nhỏ.
Ông Thiên Tiếu ôm con trai và nâng bổng cậu lên. Tiểu Khiêu đúng là ngôi sao may mắn của ông. Ông đã đàm phán lâu thế mà không kí được hợp đồng. Hôm nay có Tiểu Khiêu, ông đã kí được hợp đồng ngay.

Tiểu Khiêu không hiểu tại sao bố cậu lại vui như vậy.Và món ăn Nhật Bản cũng chẳng phải ngon lắm mà sao mọi người hào hứng thế nhỉ?
 
Ông Thiên Tiếu rất ham chơi nhưng ông cũng rất thích đọc sách. Ông nói, có hai thứ quan trọng nhất đối với con người đó là sách và lương thực.
Chuột thông minh nhờ gặm sách


Lương thực giúp cơ thể phát triển còn sách giúp cho tư duy phát triển. Thế nên trong nhà Tiểu Khiêu có phòng ăn - nơi để ăn, phòng khách - nơi để chơi và phòng đọc - nơi chỉ để đọc sách.
Không biết từ bao giờ, trong phòng đọc sách lại có chuột. Đêm nào, chúng cũng gặm nát cả mấy cuốn sách. Đêm hôm trước, chúng đã gặm nát quyển “Tây du kí” - cuốn truyện mà ông Thiên Tiếu thích nhất. Đêm hôm qua thì đến lượt cuốn “Thất hiệp ngũ nghĩa”.
Ông Thiên Tiếu nghĩ đi nghĩ lại mà vẫn không hiểu tại sao trong nhà bếp có nhiều đồ ăn uống như vậy mà lũ chuột lại cứ vào đây để gặm sách chứ?
Mẹ Tiểu Khiêu yêu tất cả các loài động vật, kể cả chuột. Bà rất hiểu loài chuột, đặc biệt là loài chuột hiện đại. Bà nói chuột hiện đại cũng như con người hiện đại, tất cả đều cố gắng để có một cuộc sống tốt hơn. Ngoài những nhu cầu về vật chất, chúng cũng có những nhu cầu về tinh thần.
Ông Thiên Tiếu cũng đồng ý với quan điểm đó. Ông cũng có đôi chút đồng cảm và thấu hiểu lũ chuột thích gặm sách. Nhưng mỗi tối, cứ nghe tiếng “Chít chít chít, chít chít chít” là ông lại không thể nào ngủ được. Ông Thiên Tiếu coi trọng chuyện ngủ như coi trọng tính mạng mình. Nếu ai quấy nhiễu giấc ngủ của ông, ông sẵn sàng liều mạng với kẻ đó, vì thế mà...
- Lũ chuột chết tiệt này, tao sẽ cho chúng mày nếm mùi lợi hại của Mã Thiên Tiếu!
Ông Thiên Tiếu nổi giận. Ông lấy hai cây gậy, một ngắn một dài. Cây gậy dài là vũ khí của ông. Cây gậy ngắn là vũ khí của Tiểu Khiêu. Ông nhờ con trai cùng hợp sức chống lại lũ chuột đáng ghét đó. Ông và Tiểu Khiêu hẹn nhau: Đêm nay nếu có tiếng động trong phòng đọc sách thì ông sẽ gõ cửa phòng Tiểu Khiêu. Ám hiệu là “Cốc cốc! Cốc cốc cốc!”
Tối hôm đó, Tiểu Khiêu đang ngủ thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Đó là ám hiệu bố cậu gọi để đi đánh chuột.
Hai bố con đã sẵn sàng nghênh chiến. Ông Thiên Tiếu nắm chặt cây gậy dài, Tiểu Khiêu nắm chặt cây gậy ngắn. Cả hai đứng nép sát vào cửa phòng đọc sách.
Trong phòng, lũ chuột vẫn kêu “Chít chít chít”.
Ông Thiên Tiếu thì thầm.
- Bố đếm một, hai, ba thì chúng ta xông vào phòng để chúng không kịp chạy thoát nhé. Một, hai, ba...
Tiểu Khiêu đạp cửa xông vào.
- Xông lên!
Ông Thiên Tiếu khua chiếc gậy dài. Tiểu Khiêu khua chiếc gậy ngắn. Cả lại khua khoắng loạn xạ.
Trong trận chiến đó, họ đã đập vỡ bốn cánh cửa kính, con ngựa Đường Tam Thái mà ông Thiên Tiếu thích nhất, chiếc bình hoa Cảnh Thái Lam, chiếc cối xay gió bằng gỗ mà ông Thiên Tiếu đem từ Hà Lan về, nhưng hai bố con vẫn chưa tiêu diệt được con chuột nào cả.
- Lũ chuột đâu rồi?
Ông Thiên Tiếu nhìn xung quanh.
- Chít chít chít! Chít chít chít!
Lũ chuột vẫn ở trong phòng nhưng không biết chúng đang cười nhạo hai bố con ở góc nào nữa.
Ông Thiên Tiếu uể oải ngồi xổm xuống đất. Lũ chuột thích gặm sách nên thông minh thật! Nếu chỉ dùng vũ khí mà chiến đấu với chúng thì chưa đủ, còn phải dùng đến cả trí tuệ nữa.
Ông Thiên Tiếu thề sẽ phải tiêu diệt lũ chuột gặm sách bằng mọi giá. Ông lấy ra một chiếc bẫy lồng. Cửa lồng nối với một chiếc móc treo thức ăn. Chỉ cần chạm vào thức ăn thì cửa lồng sẽ sập lại, con chuột sẽ bị nhốt ở trong đó.
- Ha ha! - Ông Thiên Tiếu cười lớn như thể đã bắt được chuột vậy. - Chuột ơi là chuột! Ngày tận thế của mi sắp đến rồi!
Ông Thiên Tiếu hỏi Tiểu Khiêu:
- Nhà mình còn món gì ngon nhất hả con?
Tiểu Khiêu nói có món lạp xường ngũ vị.
Ông Thiên Tiếu mở tủ lạnh lấy ra một cái lạp xường. Ông treo vào chiếc móc nhỏ trong lồng.
Đến tối, ông Thiên Tiếu đặt chiếc lồng vào phòng đọc rồi cùng Tiểu Khiêu rình ngoài cửa.
Mùi thơm của chiếc lạp xường bay khắp phòng. Nó bay tới mũi của ông Thiên Tiếu rồi bay tới mũi của Tiểu Khiêu.
Lũ chuột đã mò ra. Một con bò trước, một con bò sau, chầm chậm bò đến chỗ chiếc lạp xường.
Bố con Tiểu Khiêu hí hửng giơ ngón tay ra hiệu đã thành công. Họ tiếp tục chờ đợi.
Nhưng lũ chuột không bò vào lồng. Chúng bò vòng quanh chiếc lồng một cách rất bình tĩnh.
Bỗng nhiên, một con chuột nhảy lên chiếc lồng, nó dùng đuôi cuộn lấy chiếc lạp xường.
“Xoạch”, cửa lồng đóng lại, hai con chuột vẫn ở bên ngoài.
Con chuột dùng đuôi lấy chiếc lạp xường liền cắn vào đuôi con chuột kia. Con chuột bị cắn vào đuôi đau quá lao đi, kéo theo con chuột và chiếc lạp xường phía sau.
Hai con chuột vẫn chưa ăn chiếc lạp xường ngay. Chúng dùng chân đẩy chiếc lạp xường lăn đi. Thì ra chúng muốn mang về hang.
Chiếc lạp xường lăn tròn, lăn tròn. Phía trước có thứ gì đó chắn đường, một con dùng chân quắp lấy chiếc lạp xường rồi nằm ngửa trên sàn nhà. Con còn lại dùng chiếc đuôi dài của mình kéo nó đi như kéo xe.
Trong chớp mắt, không biết chúng đã mang chiếc lạp xường đi đâu nữa.
Ông Thiên Tiếu và Tiểu Khiêu há hốc mồm mà nhìn. Khi họ bước vào phòng thì ở đó chỉ còn lại mỗi cái lồng trống không.
Ông Thiên Thiếu than thở:
- Con thấy không? Đúng là những con chuột thích gặm sách có khác. Chúng thông minh hơn hẳn những con chuột khác.
Rồi ông bắt đầu giảng giải với Tiểu Khiêu:
- Con đã hiểu rồi chứ? Việc đọc sách rất quan trọng. Nó có thể giúp ta làm giàu tri thức. Giống như hai con chuột…
- Bố ơi, sao bố lại so sánh con với con chuột ạ? - Tiểu Khiêu phản đối.
- Sao lại không thể so sánh chuột với người chứ? - Ông Thiên Tiếu nhấn giọng nhắc nhở Tiểu Khiêu.
- Con chưa thông minh bằng hai con chuột đó đâu!
 
Lũ chuột trong phòng đọc sách khiến ông Thiên Tiếu đau đầu. Dù đã dùng cả vũ lực lẫn trí tuệ mà vẫn không trừng trị được chúng.
Bẫy chuột lại bẫy người


Điều này khiến ông cảm thấy mình thất bại thảm hại. Ông thấy sợ chúng và nếu không đánh được chúng thì cảm giác đó sẽ ám ảnh ông suốt đời.
Cô thư kí La không đành lòng khi thấy giám đốc của mình chịu thua hai con chuột. Cô đã bầy cho ông cách bẫy chúng bằng chiếc bẫy dính chuột tốt nhất.
- Hồi trước, nhà tôi cũng chỉ có hai con chuột. Sau đó chúng sinh ra một đàn chuột con. Ba đời nhà chuột mười mấy con sống trong nhà tôi. Cứ đêm đến là chúng làm loạn cả nhà lên. Sau đó, tôi phải mua một chiếc bẫy dính chuột và tiêu diệt sạch lũ chuột đấy!
- Khó tin lắm! - Ông Thiên Tiếu có vẻ không tin lắm.
- Thật mà! - Cô La kể. - Lúc đầu chỉ có một con bị dính bẫy. Sau đó, anh chị em nhà nó ra cứu và cũng bị dính. Rồi đến bố mẹ chúng ra cứu con cũng bị dính. Tiếp đó, ông bà chúng ra cứu và cũng lại bị dính. Thế chẳng phải là ba đời nhà chuột đều bị dính bẫy ư?
Ông Thiên Tiếu thấy cô La nói cũng có lí.
Nhưng ông lại nghĩ, lũ chuột nhà mình khác lũ chuột nhà cô La. Lũ chuột nhà ông thích đọc sách nên chúng rất khôn ngoan, không thể coi thường được. Ông liền đi mua hẳn bốn cái bẫy dính chuột. Lần này không thể sơ xuất.
Ông Thiên Tiếu đứng trong phòng đọc sách ngẫm nghĩ, xem xét những chỗ lũ chuột có thể chạy qua. Để chắc chắn, ông đặt bốn chiếc bẫy ở bốn góc phòng.
- Ha ha! - Ông Thiên Thiếu đã quên đi cảm giác thất bại. Bây giờ trong ông đang tràn ngập niềm tin chiến thắng. - Nếu dính vào đây thì chúng bay đừng hòng chạy thoát được.
Tiểu Khiêu nhắc nhở:
- Bố đừng quên lũ chuột nhà mình thích gặm sách. Chúng thông minh lắm đấy!
Ông Thiên Thiếu nói:

- Dù có thông minh đến mấy thì chúng cũng phải bò dưới đất. Chỉ cần sơ suất một chút là chúng sẽ dính bẫy ngay.
Hôm đó, ông Thiên Tiếu rất vui! Cả ngày, nụ cười luôn nở trên môi ông.
Đến tối, Tiểu Khiêu và bố cậu nấp ngoài cửa phòng, đợi lũ chuột dính bẫy thì xông vào.
- Chít chít chít!
- Chít chít chít!
Nghe thấy tiếng kêu mà không thấy chuột xuất hiện, Tiểu Khiêu hỏi bố phải làm thế nào.
Ông Thiên Tiếu cố nhẫn nại, thì thầm với Tiểu Khiêu:
- Người đọc sách cũng có lúc mệt. Chuột gặm sách, chắc chắn cũng sẽ có lúc mệt.
Ông Thiên Tiếu nói đúng. Lũ chuột gặm sách mãi cũng mệt. Chúng nhảy xuống và leo lên cửa sổ.
Ngoài cửa sổ, mặt trăng tròn đang chiếu sáng.
Vẫn là hai con chuột đó. Chúng đang ngồi trên cửa sổ, vai kề vai ngắm trăng.
Tiểu Khiêu hỏi:
- Chúng ta phải làm gì đây bố?
Ông Thiên Tiếu vẫn rất kiên trì. Ông nói ngắm trăng mãi rồi chúng cũng sẽ mệt.
Đúng vậy. Hai con chuột ngắm trăng chán rồi bò xuống nền nhà.
Ánh trăng chiếu qua cửa sổ rọi xuống nền nhà lấp lánh như trong sàn nhảy. Hai con chuột đã biến sàn nhà thành sàn nhảy. Chúng ôm nhau và nhảy điệu Vanxơ.
Nhảy đẹp lắm!
Ông Thiên Tiếu và con trai chăm chú nhìn chân hai con chuột. Hai bố con mong là chúng sẽ giẫm vào bẫy.
Nhưng hai con chuột xoay đi, xoay lại, vẫn chỉ xoay quanh bốn chiếc bẫy.
- Đừng nản chí! - Ông Thiên Tiếu vẫn tin tưởng.
- Xoay mãi rồi sẽ chóng mặt, rồi chúng sẽ xoay vào bẫy thôi.
Ông Thiên Tiếu lại nói đúng. Hai con chuột đã chóng mặt và nằm nghỉ trên sàn nhà.
- Tiểu Khiêu, xông lên!
Ông Thiên Tiếu dẫn con trai xông vào phòng đọc sách. Hai con chuột bị tấn công bất ngờ liền cuống cuồng bỏ chạy.
Ông Thiên Tiếu chỉ huy con trai tác chiến:
- Tiểu Khiêu! Con mau đuổi chúng về phía những chiếc bẫy đi!
Tiểu Khiêu dồn một con chuột chạy về hướng chiếc bẫy nhưng nó đã nhảy qua. Tiểu Khiêu lao theo và giẫm ngay phải chiếc bẫy. Cậu vẫn tiếp tục đuổi theo con chuột đến chiếc bẫy khác. Con chuột lại nhảy qua và Tiểu Khiêu lại giẫm phải chiếc bẫy thứ hai.
- Bố ơi, hai chân con giẫm cả vào bẫy dính chuột rồi.
Lúc này, Tiểu Khiêu cũng nghe thấy tiếng than của bố cậu:
- Tiểu Khiêu! Hai bố con mình cùng dính phải bẫy chuột rồi.
Tất cả có bốn chiếc bẫy thì hai chiếc dính ở chân Tiểu Khiêu còn hai chiếc dính ở chân bố cậu.
 
×
Quay lại
Top