Mẹ chồng đàn áp, cấm con dâu đưa cháu về thăm ngoại

blackberry97

Banned
Tham gia
29/3/2012
Bài viết
76
Nỗ lực vươn lên để thoát khỏi cái nghèo, nhưng đến khi lấy chồng chị Phượng vẫn bị gia đình nhà chồng khinh khi vì gia cảnh. Cố gắng nhẫn nhịn để con có cha, gia đình êm ấm nhưng nào ngờ chị càng chịu đựng thì mẹ chồng chị lại càng ghê gớm, bắt nạt con dâu.

Để đến khi hết bị chửi mắng, bị coi thường, thậm chí mẹ chồng chị còn cấm con dâu đưa cháu về thăm ngoại, chị Phượng đã có quyết tâm để dứt áo ra đi…

Là người có kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề hòa giải, nhưng chị Phạm Lan Chi (cán bộ Hội phụ nữ quận Hai Bà Trưng) vẫn có những kỷ niệm và cả bài học mà suốt đời không bao giờ quên được. Đó là những lần hòa giải không thành công.

“Công việc gì cũng vậy, có thành công và có thất bại. Nhưng có những việc thất bại chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mình, còn có công việc thất bại là đồng nghĩa với việc cả gia đình tan nát.

Công việc của những người như chúng tôi là vậy. Hòa giải thành công vụ việc nào là vui sướng, hạnh phúc lắm, vì mình đã làm được điều ý nghĩa vô cùng.

Nhưng nếu không hòa giải được thì cũng rất buồn và đau khổ. Vụ việc của gia đình anh Trí, chị Phượng là một trong những lần thất bại khiến tôi vô cùng nuối tiếc…” – Chị Chi tâm sự.

Chị Nguyễn Kim Phượng (phố Phạm Ngọc Dương – Hai Bà Trưng – Hà Nội) sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo. Học xong cấp 3, chị Phượng thi đỗ vào trường Cao đẳng Văn Hóa ở Hà Nội và sau khi tốt nghiệp thì đi làm tiếp tân cho công ty.


images699106_Me_chong_nang_dau_Phunutoday.vn.jpg


Mẹ chồng


Cũng tại đây, chị gặp anh Trí, rồi sau 1 thời gian tìm hiểu, 2 người đi đến hôn nhân.

Ngày tổ chức đám cưới, mặc dù vẻ ngoài bố mẹ chồng chị Phượng vẫn tươi cười chào đón khách, nhưng cứ hễ nhìn thấy con dâu là lườm nguýt.

Chung quy cũng chỉ vì chị Phượng xuất thân trong gia đình khó khăn, nghèo đói, không môn đăng hộ đối với gia đình nhà chồng.

Đã có lúc, chị Phượng quyết định chia tay với người chồng hiện giờ, nhưng anh Trí lại níu kéo, van xin nên phải suy nghĩ nhiều lắm, chị Phượng mới đồng ý nhận lời cầu hôn của anh Trí.

Lấy nhau được khoảng 1 năm thì chị Phượng mang thai bé lớn nên anh Trí đề nghị vợ nghỉ việc để ở nhà tiện chăm sóc con sau này.

Thấy kinh tế của 2 vợ chồng cũng không đến nỗi nào nên khi mang thai được 6 tháng thì chị Phượng xin nghỉ luôn.

Ở nhà nhàn rỗi, lại biết bố mẹ chồng lại có phần khó tính nên mặc dù mang thai nhưng chị Phượng vẫn cố gắng làm hết công việc ở nhà.

Nhưng khi chị vẫn còn đi làm, có thu nhập thì sự khinh khi của gia đình nhà chồng vẫn còn có thể chịu đựng được. Còn khi chị nghỉ hẳn việc rồi thì họ coi nàng dâu mới chẳng khác nào “osin”. Để gia đình được yên ấm, để đứa con sắp chào đời được có cha nên chị Phượng vẫn cố gắng sống chịu đựng.

Nhưng sự chịu đựng của chị dường như vẫn không thể khiến cho gia đình chồng được hài lòng. Có những hôm chị Phượng vừa lau nhà, vừa nghe tiếng mẹ chồng nặng nhẹ bên tai.

Đáng lẽ ra đứa con sắp chào đời sẽ sinh vào năm Dần, nhưng chỉ vì một câu bà nội phán: Nếu sinh tuổi Dần mà ba nó tuổi Tỵ thì sẽ khổ cho ba nó, gia đình nó sẽ không ngóc đầu lên được. Vậy là chồng chị Phượng lại năn nỉ, ỉ ôi bắt vợ phải sinh mổ vào cuối năm Sửu.

Buồn và lo lắng cho mình và cho cả đứa con trong bụng, vì đã đẻ mổ lại còn thiếu tháng sẽ nguy hiểm vô cùng. Đang phân vân không biết phải làm sao, thì mẹ đẻ chị Phượng lại khuyên chị nên nghe lời cho gia đình yên âm...

Rồi khi đứa con đầu lòng ra đời cũng là lúc cuộc sống của chị Phượng trở nên buồn tủi hơn. Mẹ chồng chị tỏ ý không cho cháu nội đi đâu, cứ ôm suốt ngày ở nhà.

Thế nên con chị càng được bao bọc, càng bị giữ khư khư ở nhà thì càng ốm yếu, bệnh tật nhiều hơn. Thấy vậy, mẹ chồng chị lại được cớ trút hết mọi nỗi bực dọc lên người chị Phượng.

Còn anh Trí vì công việc nên thường xuyên vắng nhà và không thể biết được những nỗi cực khổ của vợ. Từ khi bé gái ra đời là không một ngày nào cô con dâu được yên thân với mẹ chồng.

Có hôm đứa con gái đỏ hỏn đang khóc trên tay mẹ, thì bà nội chợt chạy đến giật đứa cháu trên tay như “dằn mặt”. Khi anh Trí đi công tác dài ngày mới về, thì mẹ chồng chị Phượng lại “ngon ngọt” ngồi bêu xấu con dâu mình.

Những tưởng khi nghe mẹ nói như vậy, chồng sẽ bênh vợ, sẽ càng yêu thương vợ nhiều hơn, nhưng chẳng ngờ anh Trí lại nghe lời gia đình mà quay sang xử tệ với vợ…

Ngày thôi nôi của con gái đầu lòng, sau khi tàn tiệc ở nhà hàng là chồng chị Phượng bỏ mặc vợ con thui thủi đi về để quay sang đi tiếp tăng 2 với bạn bè.

Mãi đến nửa đêm, anh Trí mới về đến nhà trong tình trạng say khướt. Đợi cho chồng tỉnh rượu đến sáng hôm sau chị Phượng mới trách móc chồng thì biết được sự thật phũ phàng: chồng chị đi bia ôm với bạn vì “lâu lắm mới được mời”.

Nghe những lời rất thản nhiên thốt ra từ miệng chồng khiến chị Phượng choáng váng. Biết bao ngày anh đi công tác xa nhà, chị vẫn luôn tin tưởng sự chung thủy của chồng. Vậy mà… niềm tin giờ đây đã hết.

Chị Phượng định sắp xếp hành lý ra đi nhưng nghĩ đến việc con chị sẽ không có 1 gia đình hoàn chỉnh, sẽ lặp lại cuộc sống như mẹ nó lúc xưa, chị lại cắn răng chịu đựng cả chồng và gia đình nhà chồng.

Chị Phượng trở thành người phụ nữ lầm lì, ít nói và chẳng bao giờ lên tiếng trong gia đình bên chồng. Đến khi chị có thai bé thứ 2, sau khi đi kiểm tra, bác sỹ yêu cầu đến khi đau bụng thì tự sinh chứ không sinh mổ nữa.

Nhưng gia đình chồng chị lại đề nghị chị Phượng phải sinh mổ cho nhanh gọn, nên chị lại tiếp tục ngoan ngoãn làm theo.

Chẳng dè đến khi chị sinh mổ được hơn 10 hôm, bà dì bên chồng ghé thăm nói những câu mà chị Phượng như chết điếng.

Dì bảo: mẹ mày nói người ta cũng sinh con, cũng là đàn bà mà đẻ thì chẳng tốn gì, còn mày thì tiêu tốn tiền bạc của thằng Trí quá! Đau đớn, chị Phượng khóc gần như hết cả tuần vì không ngờ mình chiều ý gia đình nhà chồng mà cuối cùng lại thành như thế .

Chồng chị thì chỉ biết thảy tiền về nhà rồi đi công tác, đi ăn nhậu. Còn chị thì phải chịu đựng cái cảnh sống cùng bố mẹ chồng và cả 1 người chị chồng chưa có gia đình…

Cố gắng tự an ủi mình để tiếp tục sống vì con cái, nhưng dường như cái tổ ấm nhỏ bé vốn đã có nhiều sóng gió lại càng có nguy cơ đổ vỡ hơn khi chị Phượng cảm thấy mình bị dồn đến chân tường.

Đó là lần mẹ đẻ chị Phượng từ dưới quê lên thăm cháu. Biết gia đình nhà chồng chị Phượng khó tính, lại chẳng ưa gì nhà thông gia, nên mẹ chị Phượng qua nhà em gái của chị để ở chơi.

Thấy bà lâu ngày mới lên, các cháu lại chẳng mấy khi được gặp nên chị Phượng bảo chồng xin phép bố mẹ cho 2 đứa đi chơi.

Không biết mẹ chồng chị nói gì, chỉ thấy chồng chị quay sang gắt gỏng nói với vợ rằng: đưa đứa nhỏ đi thôi, còn đứa lớn ở nhà với nội. Chị Phượng liền nói với chồng: “Lâu lâu ngoại mới lên một lần, ngoại nhớ 2 đứa lắm nên cứ nhắc cháu mãi…”

Chẳng ngờ chị vừa mới dứt câu thì chồng chị đã quát: Không thì cô đi một mình đi, muốn làm gì thì làm.

Nước mắt chị Phượng lại tuôn rơi thêm lần nữa rồi quay vào phòng ôm con mà khóc, mà buồn vì chị không quyết định được việc gì của con mình.

Một lúc sau chị Phượng nghe thấy tiếng chồng, mẹ chồng và chị chồng to tiếng ở dưới. Khi chị bước ra thì mẹ chồng chị đã nói: “Mẹ đẻ nó quan trọng thế hả? Nó lấy chồng mà không nghĩ gì đến bên chồng.

Cứ nghe mẹ nó lên là nó kiếm chuyện để đi. Tao nói cho vợ mày nghe đấy để nó khỏi thắc mắc. Ở nhà này thuộc quyền của tao…”

Nghe mẹ chồng nói mà nỗi uất ức trong lòng chị Phượng lại trào dâng, khiến chị không thể không lên tiếng: “Mẹ con lâu lâu nhớ cháu mới lên thăm, con dù không làm ra tiền nhưng ở nhà con vẫn biết thân phận con, con làm hết mọi việc để chồng an tâm đi làm.

Nhưng con thấy từ ngày lấy anh ấy đến giờ mẹ luôn xem thường con và gia đình con”.

“Tôi nói chuyện với con tôi, không nói với người ngoài” . Còn chị chồng lại nói: “Chuyện của nhà này kêu con vợ mày câm cái miệng lại” . Vậy là chồng chị Phượng lại quay sang dùng mọi lời lẽ thô tục để chửi vợ: “Không chịu đựng được thì cô cứ đi, tôi đâu có kêu cô ở lại…”

“Sau khi tiếp nhận vụ việc của gia đình anh Trí, chị Phượng, tôi đã đến nhà để làm công tác hòa giải.

Nhưng thực sự, với địa vị là 1 người phụ nữ tôi cũng cảm thấy sợ vô cùng. Gia đình nhà chồng chị Phượng rất giàu có, nhưng cũng rất khó khăn.

Mẹ và chị của anh Trí nói thẳng với tôi là không cần tôi phải mất công hòa giải, vì họ muốn 2 anh chị ly hôn từ lâu rồi.

Còn anh Trí, từ ngày chị Phượng bỏ đi cũng không thường xuyên ở nhà. Để găp được cả 2 anh chị đều rất khó khăn. Cố gắng mãi tôi mới xin được số điện thoại của anh Trí và chị Phượng.

Trái với suy nghĩ của tôi, khi nói chuyện qua điện thoại anh Trí tỏ ra bất cần và cũng không có ý định hàn gắn lại với chị Phượng nữa.

Anh ấy rất lạnh lùng, bình thản và không có chút xíu sự thương cảm nào đối với vợ mình.

Còn chị Phượng, khi nói chuyện chị chỉ khóc. Chị rất muốn ly hôn, nhưng với 1 người phụ nữ không có tài chính độc lập, không nghề nghiệp thì sẽ không thể giành được quyền nuôi con.

2 đứa con là sự sống của chị nên chị đang đau khổ, dằn vặt vì mình ra đi mà không mang được con mình.

Biết rằng sự mâu thuẫn trong gia đình chị Phượng và sức chịu đựng của chị đã đến hết giới hạn và đã không thể nào hòa giải được nữa, nên tôi chỉ còn biết khuyên chị Phượng hãy đi tìm việc làm, khẳng định được tài chính ổn định của mình, sau đó hãy nghĩ đến việc ra tòa và giành lại quyền nuôi con…” – Chị Chi kể lại…

Bạch Dương

Nguồn : Phunutoday.vn
 
×
Quay lại
Top