Miệt thị

Sun Glare

Tân Sinh Viên
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/6/2009
Bài viết
2.855
Vết thương ngoài da dù đau sẽ lành sẹo, còn vết thương do miệng lưỡi gây ra mãi tổn thương trong tâm trí mỗi người.
Đã bao giờ bạn bị những người ở vùng quê khác miệt thị, trêu chọc quê hương bạn, đại loại những câu như: “Dân Thanh Hóa ăn rau má, phá đường tàu”,
“ Nghệ An là dân xứ bọ” hay Quảng Nam điển hình với câu nói “ Độp xe độp đi lồm” ( Đạp xe đạp đi làm)?
hot.jpga.jpg
Tôi đã nghe những câu như thế nói về quê hương mình, thậm chí có bạn còn “ngây thơ” hỏi: Sao mọi người lại nói dân bạn như thế nhỉ? Ở quê bạn hay ăn rau má xong phá đường tàu lắm sao?”( vì tôi quê ở Thanh Hóa). Thực lòng tôi khó chịu vô cùng bởi những câu đùa ác ý ấy, đến mức có lần tôi ở chung phòng với một nhỏ quê Nghệ An, nhỏ đó nói thẳng luôn: “ Dân Thanh Hóa và Nghệ An ghét nhau dữ lắm đó, đánh nhau suốt à!” khiến tôi thấy rất buồn lòng.
Tôi không phải kiểu người bênh vực quê hương mình bằng một tình yêu mù quáng. Nếu ai đó làm chuyện gì sai trái, hành xử thô bỉ, vô văn hóa thì dẫu là người cùng quê tôi cũng lên tiếng, đấu tranh quyết liệt loại bỏ tới cùng. Còn những câu nói dường như có ý miệt thị thế kia tồn tại trong xã hội chỉ làm xấu đi mối quan hệ giữa người và người với nhau.
Không biết từ khi nào, mọi người cứ lấy những câu nói đặc trưng của từng vùng ra trêu chọc. Nhẹ thì nói cho vui, làm mất lòng nhau theo kiểu “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, nặng thì đấm đá, đâm chém nhau cho bõ ghét vì cái tội mỉa mai. Tôi từng chứng kiến một tốp thanh niên quê tôi đánh một anh chàng Hà Nội chỉ vì anh chàng này lỡ phát ngôn: “Dân tụi mày chỉ quen ăn rau má, phá đường tàu”. Tôi không bênh vực kiểu cả một đoàn thanh niên bu lại đánh một người, nhưng cũng không đồng tình trước lời châm chọc xúc phạm đến quê hương những người xứ Thanh của anh chàng Hà Nội đó. Lời xúc phạm ấy vô hình chung đã chạm vào sự tự ái của mọi người, của cả một vùng quê nên mới dẫn tới việc đáng tiếc xảy ra chỉ vì một chuyện “tưởng bé hóa ra không bé” là vậy.
Cùng chung suy nghĩ với tôi, M. Thu (quê Quảng Nam) chia sẻ: “giọng nói tụi mình tuy không hay như mấy bạn thành phố nói tiếng phổ thông nhẹ nhàng nhưng đó là giọng quê hương, giọng của ông bà, cha mẹ bao đời nay vẫn thế. Vì cớ gì nhiều bạn cứ lôi điều đó ra bàn tán trước mặt mình rồi cười hô hố rất chi phản cảm. Mình chạnh lòng khi điều đó xảy ra nhiều lần dù mình cũng cố sửa cho giọng dễ nghe hơn”.
Dù cùng chung tên nước Việt Nam, nhưng mỗi một mảnh đất, vùng quê lại mang nét đặc trưng riêng để chúng ta có thể phân biệt được người vùng này vùng khác. Do nét văn hóa, sinh hoạt không nơi nào giống nơi nào nên mỗi nơi mang sự độc đáo, thú vị rất quê hương mà nơi khác không bao giờ có được. Làm gì các bạn miền Bắc, miền Nam nói được chất giọng Trung Bộ: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên… là lạ dễ thương ấy? Làm sao các bạn hiểu do Nghệ An quá khổ nên mới sinh ra những vị anh hùng đại tài như Bác Hồ, cụ Phan Bội Châu…vì vậy hình ảnh “ cá gỗ” thật đáng tự hào, chứ không phải để nhiều bạn gọi đó như lời mỉa mai. Và sao các bạn biết “ Dân Thanh Hóa ăn rau má, phá đường tàu”, chỉ vì mọi người truyền nhau câu nói đó nên bỗng nhiên nó “nổi tiếng” tới mức bạn dùng làm công cụ gây sát thương người khác…
Vết thương ngoài da dù đau cỡ mấy cũng có khi lành sẹo, còn vết thương do miệng lưỡi gây nên thì độc ác tới mức rất khó lành trong tâm trí của mỗi người. Chính vì vậy, trước khi phát ngôn câu nói nào có liên quan tới toàn vùng, bạn cũng nên suy nghĩ kỹ, hãy đặt mình vào người nghe để biết được cảm giác của họ.
 
×
Quay lại
Top