Mùa hè của gái ế 20+

bing_bin

Thành viên
Tham gia
24/11/2012
Bài viết
22
Tác giả: Phong Sương
Thể loại: Hiện đại, tình cảm.
R: K+
Tình trạng: Đang tiến hành
Lời nói đầu​
Đây là câu chuyện về mùa hè của một cô gái. Cô gái này không có IQ khiến Einstein phải ngưỡng mộ, không có ngoại hình khiến Marilyn Monroe phải ghen tức, cô gái ấy bình thường như bao người khác. Điểm duy nhất khác biệt là cô ấy đã bước sang tuổi 20+ và cô ... Ế.



Chương 0.0:


Mùa hè đại học năm thứ ba, thời tiết oi bức khó tả. Hãy cứ tưởng tượng rằng, chiếc quạt với công suất lớn nhất cũng không xua được cái nóng hầm hập và ngâm mình trong nước là mong ước tha thiết của bất kì ai.

---​

Tôi lột bỏ chiếc áo chống nắng dày dặn, dí chân vào nút số ba đã mất nét, chỉ còn mờ mờ hai đường cong duyên dáng như hai đường lông mày. Cánh quạt quay tít mù khiến không khí bớt ngột ngạt nhưng chẳng làm khô được lớp mồ hôi bám dịt trên trán.

6 giờ tối. Ánh nắng cuối ngày cố len qua khe cửa hẹp, vạch những vùng sáng nhỏ trên nền đất. Cánh sen cuối cùng bứt khỏi đài, chao mình làm duyên một hai giây trước khi rơi vào móng vuốt sắc bén đã ngóng chờ từ lâu. Góc nhà, Xù vọt về phía trước, chộp lấy cánh sen hồng. Vờn.

“ Rảnh thật”.

Tôi ấn đầu Xù xuống, vuốt ngược chiều khiến đám lông xám dựng lên. Đôi mắt sáng như hai viên bi long lên nhìn tôi. Có lẽ là oan ức. Có lẽ là lườm nguýt. Nhưng cuối cùng vẫn cam chịu cúi xuống, tiếp tục đùa với cánh sen đã nát từ lâu.

Bên ngoài, tiếng loa phóng thanh vang lên rõ mồn một. Tin thế giới có năm phút, tin trong nước chiếm mười phút, tin khu phố và âm nhạc lấy đi mười lăm phút cuối cùng. Hôm nay, ngoài đấu trường quốc tế giữa Mỹ và Nga, giá xăng trong nước tăng dẫn đến tiếng kêu than của nhà nhà thì phát thanh viên của khu phố còn đặc biệt nhấn mạnh về giá vé xe bus dự kiến tăng thêm. Mặc dù bị thanh lọc bởi nhiều thiết bị nhưng không khó để nhận ra sự phẫn nộ và bực tức của cô phát thanh viên đang có xu hướng “ leo thang” thành bài diễn văn dài vài chục trang A4.

Tôi cá rằng, cả khu phố đã thực sự mừng rỡ khi nghe thấy giọng đọc chậm rãi kèm theo chút nghèn nghẹn như bị tắc mũi của ông bác tổ trưởng tổ dân phố. Sau một vài giây bị rít mic, việc thay đổi nhân sự trong phòng phát thanh đã diễn ra thành công và khá…êm đẹp. Ngoại trừ…bạn biết đấy. Một dáng người nặng nề chạy vụt ra khỏi phòng và ngồi úp mặt vào hai đầu gối trên ghế đá.

Tôi nghe thấy lời báo hỉ của nhà bà A có cô con gái lớn đi lấy chồng, nhà ông B bị mất chó, nhà chị C lại đánh rơi chìa khóa, khiến thợ phá khóa phải ghé qua lần thứ ba trong tuần. Tôi còn nghe thấy thông báo xây dựng sân cầu lông bên cạnh sân quần vợt hiện tại xen cùng với nhạc điệu ấm áp .

Home.

Michael Buble.

Mái ấm.
 
Chương 1: Mẹ, cục nợ này lại về ăn bám bố mẹ đây!

Mười một giờ tối nay là tứ kết Pháp – Đức. Tám giờ tối, cả nhà tôi đã quây quần ngoài phòng khách canh ti-vi. Trên bàn, dưới đất bầy đủ bánh trái, đồ ăn vặt, trong tủ lạnh còn năm sáu lon bia và vài ba con mực, chỉ chờ giờ hoàng đạo là đổ cồn vào nướng.

Bố mẹ ngồi trên ghế, bàn về đám cưới nhà chú Sơn cuối ngõ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đứa con trai sắp cưới đó là bạn nối khố của tôi từ khi sinh ra cho tới hết những năm tháng cấp hai. Cũng là thanh mai trúc mã đó, vậy mà cậu ta đã theo vợ bỏ cuộc chơi và để tôi một mình hứng chịu hậu quả của gái ế 20+.

“Còn muốn ăn đến khi nào nữa. Vào bếp rang lạc đi.”

Tôi vội vã bỏ miếng khoai đang cắn dở xuống, cun cút chạy khỏi tầm mắt của mẹ. Từ khi tôi chào đón sinh nhật lần thứ 20+ bên gia đình và bạn bè mà không có bóng dáng của một con người mang giới tính nam nào (ngoại trừ bố và em trai) bên cạnh, mẹ tôi đã biến thành một người hoàn toàn khác. Thời gian đầu, bà khủng bố tôi bằng những cuộc điện thoại hỏi thăm kèm theo thông tin về những chàng trai mà nốt ruồi thầm kín nhất của họ mọc ở đâu tôi cũng biết.

“Mẹ, hắn ta chơi với con từ khi còn đỏ hỏn. Hắn ta chảy nước mũi mỗi mùa đông, đi vệ sinh không cần mang theo giấy, ngoáy mũi xong là bôi lên tường. Mẹ bảo con làm sao có thể nói chuyện tình yêu tình báo với hắn được.”

“Vậy thằng cu lớn nhà chú Hùng thì sao? Hai bảy tuổi, trưởng phòng, mặt mũi thông minh, tính tình hiền lành, ngoan ngoãn lễ phép.” Mẹ quyết không bỏ cuộc.

“Anh ta có người yêu rồi.”

“Đập chậu cướp hoa. Mẹ tốn tiền cho mày đi học võ để làm gì chứ?”

“Người yêu anh ta là bạn thân của con.”

“…” Mẹ khó nhọc nói tiếp “Thằng Tuấn thì sao? Đẹp trai, tài giỏi, gia đình gia giáo, nhất là chưa có người yêu.”

“Nó không thích con đâu.” Tôi thở dài.

“Không thử sao biết. Cuối tuần này về đi, hai đứa gặp nhau ôn lại kỉ niệm. Hợp thì tiến tới, không hợp thì coi như gặp bạn cũ.”

“Mẹ, nó không thích người mang giới tính nữ.”

Im lặng.

Tút…tút…tút


Tôi vặn nhỏ lửa, tay đảo đều. Đám lạc lăn qua lăn lại, thỉnh thoảng hưng phấn nhảy lên rồi cười “tanh tách”. Đèn bếp tỏa xuống luồng ánh sáng êm dịu, hắt lên tường dáng người ủ rũ như quả bóng bị xì hơi.

Sau khi chấp nhận sự thật rằng tôi không thể yêu đương với ai đó quanh xóm, mẹ đã chuyển hướng tấn công sang bạn thân và người quen. Mỗi cuối tuần tôi đều được sắp xếp buổi hẹn với một người con trai lạ hoắc, ăn cơm, nói cười, trao đổi số điện thoại. Hầu hết các buổi gặp đều dừng tại đó, chỉ có vài buổi trật đường ray khiến tôi phải nghĩ nát óc cách từ chối mà không khiến mẹ tức giận.

Tôi biết mẹ lo lắng. Tôi biết mẹ mong muốn điều gì. Những buổi họp lớp hay tụ tập bạn bè gần đây, tôi không thấy mẹ hào hứng đi như trước, mỗi lần đi cũng không còn vui vẻ quay về. Trong đêm tối, những tiếng thì thầm, tiếng thở dài não nề thường xuất hiện.

Tôi thở dài, nghiêng chảo đổ lạc vào rá rồi thêm dầu, chiên nốt túi khoai cuối cùng. Tôi không sợ mẹ khủng bố, không sợ gặp mặt, chỉ sợ bố mẹ buồn phiền. Thế nên hai ba tháng nay, tôi lấy lí do phải đi công tác xa mà không về nhà vào cuối tuần. Chỉ tiếc rằng, điều bất ngờ luôn có thể đến khi ta không đề phòng nhất.

Tôi xin nghỉ việc sau trận ốm nằm liệt gi.ường. Sếp dường như quá ngạc nhiên để hỏi tôi cặn kẽ ngoài câu tại sao. Tôi bịa ra những lí do phù hợp nhất, nói vài câu tiếc nuối và hóa trang khuôn mặt buồn rầu thấy rõ. Thật ra khi đã quyết định nghỉ việc, tôi có thể thoái mái nói thật, nói thẳng mà chẳng phải cân nhắc, tuy vậy, tôi vẫn không nỡ để sếp phải buồn phiền. Tôi không thể nói, sếp của sếp ép tôi phải nghỉ việc. Cũng không thể kể ra lời gạ gẫm của lão già gần bằng tuổi bố tôi cho người chị mà tôi yêu mến. Tôi từng nghĩ, nếu sếp biết chuyện thì chị sẽ có phản ứng như thế nào? Sẽ đứng ra bảo vệ tôi chứ? Tôi không chắc. Khi con người ta đứng trước lợi ích của bản thân thì không điều gì có thể đoán biết được. Giả dụ chị có bảo vệ tôi, gây rắc rối với lão già kia thì liệu tôi có vui vẻ? Không. Tôi trả lời ngay lập tức. Phản ứng bốc đồng ấy là một sự hi sinh ngu ngốc, không giải quyết được vấn đề và càng làm mọi chuyện thêm tồi tệ. Vậy, nếu chị không đứng về phía tôi? Chắc tôi sẽ buồn chết mất.

Quyết định nghỉ việc của tôi như viên đá vô tình ném vào mặt hồ phẳng lặng, khiến không khí trong phòng sôi sùng sục, cũng khiến cho facebook và điện thoại của tôi không giây nào được nghỉ ngơi.

Phương Phương: Nghe nói em nghỉ việc rồi à? Có muốn xuống phòng chị không? Có trai đẹp, gái xinh, đồ ăn ngon luôn sẵn sàng phục vụ em.

JQK: Nghỉ rồi á? Tìm được chỗ khác tốt hơn rồi à? Tao cũng đang tính nghỉ, giới thiệu cho tao đi.

Facebook lạ số một: Sao em lại nghỉ? Có phải vì anh không?

Facebook lạ số hai: Sao đột ngột thế? Có gì khó nói sao?



098367xxx: Nghe nói chị sắp lấy chồng nên nghỉ việc. Chúc mừng chị nhé.

0167859xxxx: Mấy tháng rồi? Có bầu thì nên giữ gìn sức khỏe, nghỉ việc rồi cũng đừng ngồi trước máy tính nữa. Khi nào sinh sẽ đến thăm em.



Tôi thở dài, quyết định trả lời Phương Phương rồi tắt máy, cũng lờ đi mấy tin nhắn bị tam sao thất bản kia, tập trung dọn dẹp đồ. Thời gian làm việc tính đến cuối tháng vừa rồi cũng đã được gần hai năm, là công việc đầu tiên, những người đồng nghiệp đầu tiên, nói không buồn là giả dối nhưng tính tình lạnh nhạt không hay xúc động, lại nghĩ cũng chẳng phải không bao giờ gặp lại nhau nên hơi thờ ơ. Mãi đến khi cô nàng lắm mồm họ Thái không nhịn được nữa, lò dò đến cạnh “thỏ thẻ” mới khiến tôi bừng tỉnh.

“Chị à, mặc dù nghỉ việc không phải là chuyện vui nhưng chị xem, phòng ta cũng nên đi hát kara giải khuây một bữa chứ nhỉ?”

Tôi đặt chậu hoa nhỏ vào cuối cùng, đóng nắp hộp rồi quay người, bình tĩnh nói “Chỉ chờ cô đến để nhờ việc này thôi. Thông báo với cả phòng giúp chị, hôm nay không say không về, ai không đến thì từ giờ không cần phải quen biết nữa.”

“Xin tuân mệnh.”


Mùa hè thủ đô chạm tới ngưỡng bốn mươi độ vì hiệu ứng nhà kính, Bút Màu thở phì phò sau lớp khẩu trang dày, ca thán liên tục. Tôi đưa chiếc hộp cuối cùng cho anh phụ xe, nhân tiện hỏi thời gian xe rời bến, nhẩm tính ra còn tới ba mươi phút nữa, lại nhìn ra ngoài trời, một màu xanh ngắt không gợn mây, nắng gắt như muốn biến mặt đất thành chiếc chảo rang thịt khổng lồ.

“Về đi.”

“Ở lại cùng mày.”

“Thừa thời gian à?”

“Ừ.”

“Tao rất thiếu.” Tôi trả lời, thoáng nhìn qua vệt nước dưới sân, buông câu quyết định “Mày nhìn kìa, vệt nước đó là chai nước ban nãy mày đánh đổ. Cũng chưa đến năm phút mà đã thế kia, không phải mày cũng muốn chung số phận với nó?”

Bút Màu nhìn vệt nước một lúc, đủ lâu để nó biến mất hoàn toàn dưới nền bê tông bỏng rẫy đoạn quay lại liếc tôi “Da dẻ khô tróc, mắt quầng, môi nhợt, tốt nhất là nên nghỉ ngơi đàng hoàng, đừng nghĩ đến công việc nữa. Đời người trăm năm có đến năm mươi năm làm việc nhưng chỉ có mười năm kiếm chồng, không nên phí phạm. Tao biết mày kiêu ngạo không chịu luồn cúi, cũng không chịu được cảm giác thua thiệt nhưng lại lười tranh giành, không muốn dùng miu mô, như thế rất khó sống trong xã hội bon chen này. Chẳng thà lấy thời gian nghỉ ngơi này, chọn một con đường khác. Tao vẫn thấy, mày làm chủ chính mình là tốt nhất.”

Tôi hơi cau mày, trầm ngâm một lúc rồi mới nói ra suy nghĩ trong lòng “Nắng thủ đô thật lợi hại, khiến đứa thô lỗ như mày cũng nói được câu triết lí rồi.”

Im lặng.

Một lát sau Bút Màu mới khó nhọc quay người, trước khi ra về không quên nói câu quen thuộc “Chia tay.”

Tôi nhìn theo dáng người mảnh khảnh dần khuất sau đoàn xe nối tiếp nhau rời bến, bất đắc dĩ cười ra tiếng. Sống hơn hai mươi năm, tôi chưa một lần giành giải thưởng, không trúng sổ xố, bốc thăm chỉ được hẹn may mắn lần sau, đường công danh sự nghiệp khấp khểnh, đường tình duyên không đáng được xét tới, chỉ có may mắn là gia đình và những người bạn như Bút Màu. Đôi lúc tôi thấy cuộc sống bất công, nhưng rồi lại nhận ra bản thân đã được ưu ái đến nhường nào.

“Mẹ à.” Giọng khàn khàn sau trận ốm.

“Khi nào thì về? Có con chim câu bố phần từ đầu tuần đấy.”

“Mẹ à.”

“Ừ, không nghe rõ à? Đang ở đâu mà ồn thế?”

“Mẹ à, con gái thất nghiệp rồi. Con về ăn bám bố mẹ có được không?”

Tôi nhắm mắt, chấp nhận thực tế tàn nhẫn. Sự thật, đôi lúc cần phải vùi lấp theo thời gian.

Mẹ, cục nợ này lại về ăn bám bố mẹ đây!


“Chị, em muốn ăn phồng tôm và bánh ngọt.” Em trai chạy ào vào bếp, dáng người cao dỏng phút chốc hạ thấp xuống, phía sau lưng như có thêm chiếc đuôi ngoe nguẩy.

“Nhà không có phồng tôm, cũng không có bột” Tôi vớt khoai ra rá cho thấm dầu, trước khi bỏ vào đĩa.

“Nếu có thì chị sẽ làm chứ?”

Tôi nhìn em trai, cân nhắc thời gian đã muộn nên sẽ không có cửa hàng nào mở cửa, gật đầu đồng ý. Chỉ đợi có thế, em trai cúi rạp xuống đất, lúi húi lôi ra hộp giấy từ trong tủ rồi đưa cho tôi. Bên trong có ba túi phồng tôm, hai túi bột và nguyên liệu các loại.

Tôi trừng mắt nhìn vẻ mặt hí hửng của nó, vừa xấu hổ và bực tức giơ cao chiếc muôi thủng lỗ trong tay, quát lên.

“Đi ra ngoài. Chỉ được cái khôn lỏi.”

“ Còn hai tiếng nữa mới đến trận. Chị cứ từ từ thôi.”

“Cút.”

Em trai tên Tùng, kém tôi năm tuổi, sinh viên vừa hết năm nhất. Cao ráo, ưa nhìn, có vài tài lẻ về thể thao, nghệ thuật. Mỗi lần nhìn nó, tôi đều cảm thấy tự hào. Một người con trai ưu tú như vậy, tôi ít nhiều cũng có công nhào nặn.

Dĩ nhiên, trừ bản tính háu ăn và thỉnh thoảng nói năng khiến người khác giận điên người.

Hè này em trai về nhà một tháng. Nghe nói là về mở rộng thị trường cho công ty đang làm thêm nhưng theo kinh nghiệm của tôi, là chạy sales thì mới đúng. Tôi học ngành kinh tế, cũng đã thử sức rất nhiều lần trong lĩnh vực sales nhưng hầu hết đều thất bại. Tôi không phủ nhận sự yếu kém trong khả năng bán hàng tuy nhiên kĩ năng giao tiếp hay thuyết trình lại được đánh giá khá cao. Và tôi rất băn khoăn về sự mâu thuẫn đó. Thật sự bán hàng phải cần có duyên và năng khiếu sao? Nếu như tôi cố gắng học hỏi, liệu có thành công không?

Bù lại khuyết điểm đó, tôi dường như có thiên phú trong việc vẽ voi, vẽ vượn. Những ý tưởng mới hay những rủi ro được tính sẵn trong bản kế hoạch thường được sếp coi trọng và khen ngợi. Thỉnh thoảng có sự kiện hoặc chiến dịch thành công, tôi cũng thường lén tự hào về khả năng đó.

“Thế chứng tỏ mày thích hợp làm thinker hơn doer mà. Công việc nhàn nhã, kêu ca nữa là tao đập đấy.” Bút Màu gắt.

“Ai nói với mày salesman là doer.” Tôi càu nhàu “Muốn làm một người bán hàng giỏi, cần nhiều kĩ năng vô cùng. Không phải cứ nhảy xổ ra trước mặt một người rồi liếng thoắng, nói trên trời dưới biển là bán được hàng đâu.”

“Xì, mày hâm mộ như vậy thì kiếm chàng nào làm nghề đó đi.” Cô nàng suy nghĩ một chút, đoạn tiếp “Quấn quýt học hỏi, học xong rồi đá.”

“…” Tôi thở dài “Lượn ra xa, cũng đừng nói tao quen mày.”


Phút thứ mười ba của hiệp một, Đức ghi bàn. Em trai ôm bát khoai nhảy tưng tưng như con khỉ khiến tôi ngứa tay, ném luôn Totoro vào mặt nó. Totoro cao bằng nửa người tôi, không nặng và có lớp lông mềm mịn. Đó là món quà sinh nhật lần thứ hai mươi, cũng là con thú nhồi bông duy nhất có mặt trong nhà.

“Chị điên rồi.” Em trai gào lên “Sáng mai em phải mang con này đi thiêu trụi, đốt thành tro rồi vứt ra bãi rác. Đồ gớm ghiếc.”

Tôi uống một ngụm bia, nhúp lấy sợi râu mực còn sót rồi chăm chú nhìn lên màn hình. Với phản ứng thái quá của em trai, tôi không bận tâm. Mười năm rồi, tôi cũng đã quen.

“Hừ” Em trai vứt trả Totoro vào tay tôi, đắc ý cười “Muốn thắng được cỗ xe tăng? Gà trống gắn thêm vũ khí hạt nhân rồi nói chuyện tiếp nhé. Châu chấu đá xe, chuyện không tưởng.”

Lần này thì tôi buộc phải quay sang nhìn nó, nhìn chăm chú đến mức hai mắt đỏ hồng, nước mắt cứ thế trào ra như đê vỡ. Em trai thấy thế, chân tay luống cuống không biết làm gì, cái mồm dẻo quẹo như bị dính keo, mấp máy liên hồi chỉ thốt ra được vài từ.

“Chị…em…em...chị…”

Mẹ tôi từ trên tầng xuống, thấy chị gái là tôi đang khóc tu tu còn em trai thì đứng một bên gãi đầu gãi tai, muốn nói nhưng không thành lời, quát lên.

“Gì thế? Gần mười hai giờ đêm rồi, có để hàng xóm ngủ không?”

Mẹ vừa dứt lời, hàng xóm xung quanh gào lên một tiếng “Vào” rồi lại thêm một tràng tiếc nuối “Ôi, không”. Tôi chớp mắt, liếc nhìn em trai vì cố gồng tay nín cười mà bả vai run run, bật cười vang. Gần mười hai giờ đêm, tiếng cười lanh lảnh như tiếng chuông bạc lồng ở cổ chân tôi.

Đinh đang, đinh đang.
 
×
Quay lại
Top