Người đàn ông mưu cầu hạnh phúc - NXB Thông tin và Truyền thông

Tham gia
14/4/2013
Bài viết
6
Hạnh phúc là gì? Đó là câu hỏi mà con người muôn đời vẫn hằng khắc khoải, mải miết kiếm tìm trong hành trình cuộc sống. Hạnh phúc đôi khi là những điều thật giản dị, gần gũi, là thái độ ứng xử của con người trước những vấn đề của cuộc sống. Hạnh phúc quả là một cảm giác chủ quan tự mình trong cái khách quan tương đối ở những hiện tượng thực tế chung quanh.
Với Người đàn ông mưu cầu hạnh phúc, bạn sẽ chứng kiến một thế giới mới được mở ra với mọi khả năng có thể. Tác giả đã tặng cho chúng ta một câu chuyện lý thú, qua đó chúng ta tìm ra chiếc chìa khóa để mở cánh cửa hạnh phúc thực sự.
…Một chàng trai Pháp khỏe mạnh, có công việc ổn định và tự cho mình là thông minh nhưng lại luôn cảm thấy bất ổn, không hạnh phúc… Nhân một chuyến đi nghỉ ở Bali, chàng đã gặp được một người nổi tiếng về chữa các căn bệnh tinh thần. Ông nói với chàng: “Anh rất khỏe mạnh, chàng trai ạ, nhưng trong tâm tưởng anh không được hạnh phúc…”.
Từ đó, ông đưa chàng trai vào một cuộc phiêu lưu tìm hiểu chính mình, chủ thể mình. Những kinh nghiệm mà nhà hiền triết truyền cho chàng sẽ khiến cuộc sống của chàng đảo lộn, và trao cho chàng một chiếc chìa khóa mở ra một sự tồn tại xứng tầm với những ước mơ của chàng. Ông giảng giải cho chàng hiểu từ những điều đơn giản nhất của cuộc sống, những mối quan hệ giữa người với người, với xã hội xung quanh, với tiền bạc…; Giải phóng cho chàng khỏi những sợ hãi thường nhật, tiếp thêm cho chàng niềm tin để thực hiện ước mơ của chính bản thân mình…
Người đàn ông mưu cầu hạnh phúc giống như một cuốn cẩm nang sống với những tình tiết hết sức gần gũi, đời thường, mỗi chúng ta sẽ tìm thấy bóng dáng cái tôi của mình trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc của nhân vật chính.
Cuốn sách mang hơi hướng triết học, Phật giáo nhưng nhẹ nhàng, đầy tính bao dung, chiêm nghiệm. Lối viết đơn giản, văn phong không cầu kỳ, Laurent Gounelle đã chinh phục được đông đảo trái tim bạn đọc ở mọi lứa tuổi.
Người đàn ông mưu cầu hạnh phúc là một tác phẩm tuyệt vời, lý thú, là một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất ở Pháp hiện nay.
Đừng để ai hay bất kỳ người nào nói cho anh nghe những điều anh không có khả năng thực hiện điều gì đó. Bởi chính anh mới là người chọn cho mình cuộc sống và sống với nó - cô nhìn thẳng vào mắt tôi và dồn tâm chăm chú trong giây lát. Thế rồi vẻ trang nghiêm của cô mất dần để nhường chỗ cho một nụ cười khiến khuôn mặt cô rạng rỡ hơn lên. Cô đi xa dần với dáng đi tự tin, ánh mắt lia về phía biển, nơi con tàu vượt đại dương đang vạch đường đi thẳng về phía chân trời…

---------

Hạnh phúc ở ngay trong ta

Từ khi xuất hiện trên trái đất cho đến nay, nhân loại mải miết đi tìm hạnh phúc. Oái oăm thay! Không phải ai cũng tìm được. Tác phẩm “Người đàn ông mưu cầu hạnh phúc” chỉ ra một phương pháp tìm hạnh phúc khá đơn giản, hiệu quả nhưng rõ ràng đòi hỏi sự nỗ lực lớn trong việc thay đổi cách sống, thay đổi thói quen.
Bối cảnh của câu chuyện là khu du lịch - nghỉ mát nổi tiếng: Đảo Bali của “Đất nước vạn đảo Indonesia”. Indonesia có tất cả hơn 16.000 đảo lớn, nhỏ; với hơn 5.000 hòn đảo có người sinh sống, Bali được xem là hòn đảo đẹp nhất, hấp dẫn nhất và cũng bí ẩn nhất.
Nhân vật chính của quyển sách chỉ có hai người. Đó là Julian - cũng là người xưng “tôi” trong tác phẩm và một người đàn ông luống tuổi có tên là Samtyang. Julian là người phương Tây, là khách du lịch; còn Samtyang là dân gốc của đảo Bali, được xem là một thầy chữa bệnh, nhưng trong tác phẩm ông là một người thầy trên nhiều phương diện.
Với cách viết gần như ghi nhật ký và đặt trọng tâm vào những lời đối thoại, nhà văn Laurent Gounelle đã tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Để viết được quyển sách này, chắc tác giả phải nghiên cứu nhiều về tôn giáo, triết học, tâm lý, ngôn ngữ...; bởi vì sức hấp dẫn của quyển sách không phải là những tình tiết gay cấn, ly kỳ mà là những kết luận rất thú vị được rút ra trong khi hai người đối thoại với nhau.
Chủ đề đã bộc lộ ngay từ tên quyển sách “Người đàn ông mưu cầu hạnh phúc”. Một người đàn ông ở tuổi tráng niên, sinh ra và lớn lên ở một nước phát triển cách Bali nửa vòng trái đất. Anh ta làm nghề dạy học, nhưng không yêu nghề của mình. Anh ta chưa gặt hái được thành công nào đáng kể trong con đường sự nghiệp, tài chính, tình yêu... Vì là người xưng “tôi” trong tác phẩm nên anh ta có quyền nói rất nhiều điều mà anh ta trải qua, suy nghĩ, mong muốn. Mong muốn lớn nhất của anh ta là bỏ nghề giáo viên, tạo dựng một studio làm ảnh và trở thành một nhiếp ảnh gia.
Rõ ràng đây là một mong muốn rất bình dị, nhất là đối với một người sống ở một nước phát triển. Tuy vậy Julian gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện mong muốn này. Anh gặp khó khăn ngay từ khi chưa bắt tay vào việc thực hiện mong muốn. Có lẽ vì vậy mà trong một chuyến du lịch đến Bali, anh giành những ngày cuối cùng gặp ông thầy chữa bệnh Samtyang, mặc dù anh khỏe mạnh, cường tráng. Ban đầu, điều duy nhất thúc giục Julian gặp ông Samtyang, có lẽ là “nghe nói, đã từng chữa trị cho Thủ tướng Nhật Bản”.
Phút gặp gỡ ban đầu, ông Samtyang không gây được ấn tượng gì đối với Julian, vì ông chỉ là một người nhỏ nhắn, ăn mặc giản dị và hình như chưa bao giờ rời khỏi làng của mình. Julian cũng chỉ định gặp ông một lần duy nhất rồi thôi, nhưng sau buổi gặp đầu tiên, Julian bị ông Samtyang cuốn hút đến nỗi anh phải nộp một khoản tiền lớn đổi vé may bay để mong được gặp ông thêm một lần nữa. Nhưng cái lần cuối cùng mà Julian “đầu tư” nhiều nhất để gặp ông Samtyang lại không diễn ra. Ông chỉ để lại một tờ giấy với những dòng chữ điềm đạm và giản dị. Việc này lại khiến Julian ngộ ra thêm nhiều điều. Và đây cũng là một trong những phương pháp “trị bệnh” thông thái của ông Samtyang.
Dưới ngòi bút tinh tế của Laurent the Gounelle, ông Samtyang hiện lên đẹp lung linh, bí ẩn với sức mạnh vô cùng lớn của trí tuệ. Ông cuốn hút Julian bằng sự tự tin, vẻ lịch lãm, kho tàng tri thức phong phú, chiều sâu của đạo đức, tầm cao nhân cách... Con người này hầu như cái gì cũng biết, cái gì cũng có thể làm, có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng ông lại muốn và cần rất ít. Ông hạnh phúc theo cái cách của mình và sẵn sàng giúp đỡ người khác tạo dựng hạnh phúc theo cái cách của họ. Khi trò chuyện với ông Samtyang, Julian nhớ lại chuyện xẩy ra với mình cách đây 4 năm ở Maroc. Đó là việc lúc đầu Julian thương cảm người đánh giầy vất vả và hèn kém. Nhưng khi ông biến đôi giày tã nát của Julian thành mới mẻ, bóng loáng thì trong mắt ông có ánh sáng của niềm tự hào. Sau khi chỉ phải trả cái giá rất phải chăng, lại được mời trà bạc hà, Julian”... bất thình lình ý thức được điều mà đối với tôi lúc đó giống hệt như một sự thực hiển nhiên, một sự hiển nhiên đau đớn: người đàn ông này hạnh phúc hơn tôi, kẻ vốn có một nghề nghiệp có giá trị, và, mặc dù phương tiện tài chính không cao lắm, nhưng có lẽ còn giàu hơn ông ta cả ngàn lần”.
Lý luận và phương pháp tạo dựng hạnh phúc của Samtyang cũng không có gì quá bí ẩn, phức tạp. Cốt lõi ở đây là mỗi người phải tự tin vào chính khả năng của mình. Để làm được điều này, cần phải có cái nhìn tỉnh táo để đánh giá mình trong các mối quan hệ với những người thân xung quanh. Muốn vậy họ phải có tự do và luôn luôn giành lấy quyền được lựa chọn. Chỉ sau mấy lần trò chuyện cùng Samtyang, Julian đã trở thành một con người khác hẳn, anh mạnh mẽ, tự tin và muốn truyền niềm tin đó sang người khác. Con người đã ở trong trạng thái như vậy rồi thì việc mưu cầu hạnh phúc có lẽ không khó khăn lắm nữa.
“Người đàn ông mưu cầu hạnh phúc” là một tác phẩm được viết theo lối hiện đại: không quá dài, không nhiều nhân vật, không có nhiều tình tiết éo le, rắm rối nhưng nó vẫn chứa nhiều thông tin và đưa ra được những thông điệp quan trọng. Những ai đọc quyển sách này, có thể tự tìm thấy niềm tin, thấy sự cần thiết phải thay đổi chính mình để bắt đầu cách sống thú vị và ý nghĩa hơn.
Hà Nội, 1/3/2013
Nhà văn Hồ Bất Khuất
 
×
Quay lại
Top