Người mẹ, chiếc xe ôm và 4 đứa con mơ học Đại học

cây măng to lớn

măng tre ngâm dấm
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/6/2013
Bài viết
205
Với chiếc xe ôm, 15 năm qua, cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng đã nuôi 4 đứa con ăn học nên người. Hiện tại, hai con lớn của cô sắp tốt nghiệp đại học, cao đẳng, còn đứa nhỏ nhất cũng sắp bước chân vào giảng đường.

Nghề không của phụ nữ

Nghe cô Hồng bảo, nhà cô ở phường Bến Thành (Q. 1, TP. HCM), chúng tôi cũng ngờ ngợ vì nhà đất tại khu này đắt như kim cương. Có nhà tại phường Bến Thành mà phải chạy xe ôm, nuôi con ăn học, kể cũng lạ. Buổi chiều tháng Sáu, khi tôi đến, trong căn gác dài 10 mét, rộng khoảng 2 mét, cô Hồng cười: “Đây là chỗ sinh hoạt của 5 mẹ con tôi, suốt 15 năm qua. Ở nhà chật riết cũng quen cậu à!”.


Giờ rảnh, cô Hồng và các con làm vòng tay, dây chuyền để kiếm thêm thu nhập

Trong căn nhà chưa tới 20 mét vuông ấy, tài sản quý nhất là cái gi.ường 2 tầng. Cô nói như thanh minh: “Lúc trước, con cái còn nhỏ, chạy xe ôm tích cóp cũng mua được vật dụng nọ kia. Nhưng kể từ khi mấy đứa nhỏ vào đại học, xoay tiền đóng học phí còn không đủ, phải bán bớt đồ đi. Không để các con nghỉ học là mừng lắm rồi”.

Vóc dáng đậm, da rám nắng, đôi mắt thâm quầng vì thức đêm nhưng khi nghe nhắc đến việc học của các con, mắt cô Hồng lại sáng lên. Cô có 4 đứa con. Đứa lớn là Phạm Lộc Hồng Minh, sinh năm 1989, hiện đang học năm cuối, trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn. Đứa thứ hai là Phạm Lộc Hồng Vân, sinh năm 1991, sinh viên năm cuối, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Đứa thứ ba là Phạm Lộc Hồng Oanh, sinh năm 1993, đang học năm thứ hai, trường ĐH Tôn Đức Thắng và cậu con trai út là Phạm Lộc Tòng Bá, sinh năm 1996, đang học trường THPT Nguyễn Trãi và năm tới sẽ thi đại học. Thấy mẹ quá vất vả, các con cô Hồng từng đòi nghỉ học đi làm. Nhưng cô Hồng nhất định: “Mẹ cực mấy cũng được nhưng các con phải tiếp tục tới trường!”.

Cô Hồng đến với nghề xe ôm từ năm 1998, lúc đã 41 tuổi. Chồng cô bị bệnh gan, phải nhập viện nên cô cũng bỏ nghề buôn bán tạp hóa để vào bệnh viện chăm chồng. Với chiếc xe Citi cà tàng, cô tranh thủ ra trước bệnh viện An Bình dựng xe đón khách. Một năm sau, chồng cô qua đời. Còn cô gắn luôn với nghề xe ôm. Cô nhớ lại: “Lúc chồng mất, đứa con lớn mới 10 tuổi và con út mới 3 tuổi. Quay lại nghề buôn bán tạp hóa thì không có vốn. Chạy xe ôm thì có tiền ngay, dễ trang trải cuộc sống hằng ngày và cũng dễ đưa đón con đi học”.

Tương lai của con


Cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng chở khách trên đường Lê Thánh Tôn, Quận 1

Cứ 3h sáng mỗi ngày, cô Hồng chạy xe qua chợ Tân Quy (Q. 7) đón khách đi lấy hàng ở chợ đầu mối nông sản Bình Điền (Q. 8). Hôm nào không chở khách đi lấy hàng, cô cũng dắt xe ra khỏi nhà lúc 5h sáng để chạy qua chợ Tân Quy đón khách. Cô kể: “Cứ thấy cô, dì nào ra khỏi cổng chợ tôi chạy lại xởi lởi: Cô, dì xách đồ có nặng không, để con xách phụ cho rồi chở về nhà. Cứ như vậy, dần dần, tôi cũng có khách quen. Bây giờ, đi đâu họ cũng gọi điện cho tôi qua chở”. Chạy xe ở chợ Tân Quy đến 2h chiều, cô chạy vội về nhà ăn miếng cơm rồi dắt xe ra hẻm 268, Lê Thánh Tôn (Q. 1) tiếp tục đón khách.

Không chỉ loanh quanh trong thành phố, cô Hồng còn thường chở khách về tận miền Tây. Kỷ niệm khó quên nhất trong “đời xe ôm” của cô là một chiều muộn 30 Tết, 3 năm về trước. Một khách quen của cô ở Cần Thơ không bắt được xe đò nên nhờ cô chở về quê ăn Tết. Cô đồng ý ngay. Chạy đến Cần Thơ thì trời đã tối mịt. Đường vào nhà vị khách không có đèn mà hai bên là kênh rạch. Đúng lúc đó, đèn pha lại bị cháy. Cả cô Hồng và vị khách ấy đều lo lắng, không biết bằng cách nào về được nhà trong đêm 30. Cái khó ló cái khôn, cô Hồng chợt nghĩ ra cách bật đèn xi nhan để những người đi đường nhìn thấy mà không tông xe vào, đồng thời có chút ánh sáng tránh lọt xuống sông. Năm đó, cô Hồng có thêm chút tiền nhưng không được đón Giao thừa cùng các con.

Vừa làm mẹ, vừa làm cha của 4 con, trong suốt 15 năm, với cô Hồng là điều bình thường, đến mức chẳng có gì phải suy nghĩ. Cô chỉ nói, nhờ thế mà cô biết làm nhiều công việc của đàn ông như sửa ống nước, thay bóng đèn hư… Chiếc xe máy “cần câu cơm” của gia đình, cô cũng biết sửa chữa, mỗi khi nó “giở chứng”.

Cô Hồng tâm sự: “Không có người đàn ông để mình dựa vào thì mình phải học để tự làm lấy. Là nữ mà chạy xe ôm nên thiệt thòi nhiều, bị cạnh tranh dữ lắm. Chẳng hạn như vừa quay qua xách đồ cho khách, quay lại đạp xe đã không nổ. Tôi đinh ninh thế nào cũng bị chơi xấu. Tôi liền kiểm tra khóa xăng, mở bugi đã thấy miếng bao ni lông bị nhét vô cháy khét lẹt. Tôi nói khách chờ, lấy dao cạo sạch, rồi gắn bugi vào chạy tiếp. Nhiều lúc mệt mỏi quá nhưng nghĩ đến tương lai của con là tôi lại khỏe ra để chạy xe tiếp”.

“Con học tới đâu, tôi theo tới đó″

Mỗi ngày chạy xe ôm, cô Hồng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Thức dậy từ 3h sáng nhưng cô chỉ dám uống ly cà phê, rồi chạy xe đến 2h chiều mới về nhà ăn cơm. Cô tính: “Một ngày đổ xăng hết 30.000 đồng, ly cà phê hết 10.000 đồng nữa. Tính ra chỉ còn 160.000 đồng mà phải lo ăn uống cho 5 miệng ăn, học phí cho 4 đứa con nên chẳng dám xài nhiều”. Trong 4 đứa con, Hồng Vân là đứa phải đi học xa nhất nhưng mỗi ngày, cô chỉ cho được 20.000 đồng. Cô rơm rớm, nói: “Hai chục ngàn đồng mà vừa đi xe buýt, vừa ăn trưa thì chẳng thấm tháp vào đâu. Chiều về nghe con than đói bụng mà lòng tôi đau lắm!”

Đầu năm học hay đầu học kỳ 2 là thời điểm mà cô Hồng phải căng mình toan tính chi tiêu, kiếm tiền đóng học phí cho con. Mỗi năm, đóng học phí hết vài chục triệu đồng, cô phải vay mượn khắp nơi. Cô kể, mỗi năm cô vay của Hội Phụ nữ phường Bến Thành 10 triệu đồng, mỗi tháng trả góp 1 triệu đồng. Vừa qua Tết Nguyên đán năm nay, cả 4 đứa con cùng phải đóng học phí gần 20 triệu đồng nên cô phải cầm xe máy của Hồng Minh cho tiệm cầm đồ lấy 2,5 triệu đồng đóng học phí cho con.

Cô bảo, dù sao, cầm ở đó lãi suất cũng nhẹ hơn đi vay nóng. Đến lúc có tiền, cô sẽ chuộc ra để con có phương tiện đi học. Hồng Oanh, đang học năm thứ hai, vừa phải làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập vì không có tiền đóng học phí. Cô Hồng tâm sự: “Phải tạm thời cho Oanh nghỉ học vì ưu tiên lo cho 2 chị sắp tốt nghiệp, chứ cô xoay không nổi nữa. Dạo gần đây, xe ôm ế quá, thu nhập không được 200.000 đồng mỗi ngày như trước kia”.

Tiễn tôi xuống chiếc cầu thang sắt chênh vênh bắc lên căn gác nhỏ, cô Hồng nói: “Oanh nghỉ học chỉ là giải pháp tạm thời thôi nghe! Cô vẫn muốn cho con ăn học lên tới thạc sĩ, tiến sĩ. Ngày xưa, cô chỉ mới học hết lớp 10 nên giờ phải chạy xe ôm. Còn giờ con mình học giỏi nên cô tính rồi, tụi nhỏ học được tới đâu, cô sẽ theo lo cho từng đứa tới đó″.

Thương mẹ vất vả, các con của cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng đều học giỏi và phụ giúp mẹ. Hiện tại, Hồng Minh và Hồng Vân sắp tốt nghiệp và đi làm. Ngoài giờ học, 4 người con của cô Hồng còn bán trà chanh, phô mai que trước nhà để kiếm tiền thêm. Riêng Hồng Oanh còn làm đồ hand-made, buôn bán mỹ phẩm qua mạng. Nhiều năm liền, gia đình cô Hồng được phường Bến Thành và UBND quận 1 tuyên dương là gia đình hiếu học.

Theo SVVN
 
×
Quay lại
Top