Người phụ nữ Hồi giáo “vô tâm” trong cuộc khủng bố tại Anh hay định kiến đáng sợ của đám đông?

Kynayo Nogato

"What must be, must be"
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/2/2017
Bài viết
65
Một đám đông giận dữ và phi lý trí đôi khi còn nguy hiểm hơn chính những kẻ giết người.

Mới đây hàng loạt trang báo và các tài khoản mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh một người phụ nữ Hồi giáo rảo bước trên cầu Westminster sau khi vụ khủng bố xảy ra với chiếc điện thoại trên tay.

Ngay khi bức ảnh được đăng tải lên mạng, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích cô vì cho rằng đây là thái độ thờ ơ trước những người bị nạn - thậm chí họ còn dùng những từ ngữ xúc phạm để lăng mạ người phụ nữ này.

anh-1-1490426259111.jpg

Bức ảnh người phụ nữ Hồi giáo bước qua một nhóm người đang giúp đỡ nạn nhân vụ tấn công.

Một người dùng có tài khoản Twitter là Texas Lone Star với gần 44.000 lượt theo dõi đã đăng tải bức ảnh người phụ nữ bước qua nạn nhân bị thương này kèm theo những lời chỉ trích cô.

"Người phụ nữ Hồi giáo chẳng hề bận tâm đến cuộc tấn công khủng bố, thản nhiên bước qua người đàn ông đang hấp hối trong khi đang sử dụng điện thoại". Chia sẻ này đã nhận được rất nhiều lượt like và hơn 2.000 lượt tweet lại.

"Thật đáng hổ thẹn. Hãy trở về thế giới của cô đi, đúng là thể hiện sự ngu dốt", có người thậm chí còn lăng mạ người phụ nữ này.

Người Hồi Giáo - đó liệu có phải là lý do?

Khuôn mặt nhăn nhó, bờ môi mím chặt... người phụ nữ này đang tỏ rõ sự sợ hãi và u buồn. Biết đâu người phụ này cũng suýt chút nữa là nạn nhân của vụ khủng bố. Biết đâu cô đang nhìn vào màn hình điện thoại để tìm kiếm sự đồng cảm từ phía người thân hay đơn giản là thông báo cho họ mình đã an toàn…

Cô không còn đủ bình tĩnh để quan tâm đến bất cứ một ai khác là điều dễ hiểu. Vậy mà bỏ qua tất cả, người ta chỉ chăm chăm lên tiếng chỉ trích, thậm chí là hạ nhục cô.

anh-2-1490426400050.jpg

Nhiều người cho rằng hành động của cô thể hiện sự thiếu tôn trọng.

Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng người Hồi giáo phải nhận những ánh mắt kì thị, những lời đồn đoán thiếu thiện cảm. Nếu trong bức ảnh là một người phụ nữ da trắng, liệu cô ấy có còn bị lên án? Phải chăng định kiến với những người Hồi giáo đã khiến mọi người có những kết luận vội vàng thiếu khách quan?

Sự kiện kinh hoàng 11/09 tại New York, đánh bom máy bay ở bán đảo Sinai, khủng bố Paris, xả súng tại Thành phố San Bernardino, giết người ở ga tàu điện London… vô hình trung những vụ việc chấn động đó đã tạo ra một làn sóng kỳ thị người Hồi giáo.

Trên trang Usnews, một cô gái trẻ tên Samia Mahfoudia đã bày tỏ nỗi buồn khi nhiều người dành ánh mắt "xua đuổi" đối với cô khi đi trên chuyến tàu điện ngầm tới nhà thờ Hồi giáo Paris. Ahmed El Mziouzi, người Morocco, đã sống ở Pháp 42 năm cũng chia sẻ: mọi người thường nhìn chằm chằm vào những người theo đạo Hồi kể từ khi cuộc tấn công Paris xảy ra khiến 129 người thiệt mạng.

Rất nhiều người Hồi giáo vô tội đã cảm thấy cô đơn ngay trong chính đất nước của mình. Ngày 16/9/2015, cậu bé Ahmed Mohamed sống tại Texas, Mỹ đã suýt nữa bị bắt giam chỉ vì cậu đã chế tạo ra một chiếc đồng hồ có hình dáng trông giống quả bom. Cho tới khi sự thật được làm sáng tỏ, không một ai (kể cả thầy cô giáo) đứng lên bảo vệ cậu.

anh-6-1490426259126.jpg

Chân dung cậu bé Ahmed Mohamed.

Và giờ đây ngay khi vụ khủng bố xảy ra tại Anh, thêm một lần nữa người ta lại quay ra chỉ trích cộng đồng những người theo đạo Hồi. Một cô gái vô tình lọt vào khung hình của một người đàn ông xa lạ, bỗng dưng phải nhận hàng loạt lời lên án từ nhiều người khác. Dù họ còn chẳng hề biết tâm trạng lúc đó của cô ra sao, cô có đang bị thương không, hay gia đình cũng đang lo lắng cho cô như thế nào.

Những kẻ khủng bố cực đoan không thể đại diện cho một tôn giáo. Chúng ta không có quyền đối xử thiếu công bằng với những người vô tội.

Sự đáng sợ của hiệu ứng đám đông…

Thời đại mạng xã hội đang tạo điều kiện cho những "phiên toà" luận tội online được mở ra bất kỳ lúc nào và với bất cứ ai. Và sẽ càng tệ hơn, khi đám đông dùng những thiên kiến sai lầm của mình để ra phán quyết.

Trong cuốn sách Tâm lý học đám đông, Gustave Le Bon cho rằng đám đông luôn bị vô thức tác động và "không kiên định, bất thường" thậm chí "có những trạng thái nhiệt tình cuồng loạn".

anh-7-1490427438264.jpg


"Không phải tên tôi" - câu nói mà nhiều người Hồi giáo muốn gửi tới thế giới khi người ta luôn định kiến rằng, người Hồi giáo nào cũng có thể là phần tử khủng bố. Hồi giáo không phải tên của họ.

Chỉ vì những định kiến "vơ đũa cả nắm", họ sẵn sàng dùng vũ lực đối với cả những người vô tội. Tại Marseille, một người phụ nữ che mặt bị hành hung sau khi rời khỏi tàu điện ngầm hay một giáo viên của trường Do Thái bị 3 kẻ lạ mặt dùng dao tấn công - tất cả chỉ vì thứ định kiến đáng sợ dành cho người Hồi giáo. Nhưng ngày nay, có lẽ sự tấn công bằng định kiến và ngôn luận còn tàn nhẫn hơn gấp nhiều lần bạo lực.

"Tôi hiểu nỗi đau và sự giận dữ của họ. Nhưng không phải vì tôi đội khăn trùm đầu thì tôi sẽ làm tổn thương người khác" - đây là những chia sẻ của bà cụ Mahfoudia 64 tuổi khi bị những người xung quanh ghẻ lạnh.

Khủng bố, đâm chém, chết chóc... không phải là mục đích của bất cứ tôn giáo nào.

Nếu chúng ta có sức mạnh để lên án cái ác, chúng ta cần phải có đủ sự tỉnh táo để phân biệt những kẻ tự xưng là đại diện cả một cộng đồng vì mục đích cá nhân với những người lương thiện. Đừng đánh đồng tất cả họ là giống nhau, đừng quay lưng lại với họ - với những người Hồi giáo.

Ngày mai trước khi "kết tội" một ai đó trên mạng, bạn hãy cân nhắc kỹ. Đừng để phán quyết vô thưởng vô phạt của bạn khiến cuộc đời của một ai đó trở nên cùng cực hơn.

Theo:HỒNG ANH SPIDERUM
 
×
Quay lại
Top