Nguyên nhân khiến Hy Lạp vỡ nợ?

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Trước khi nói về việc một quốc gia vỡ nợ, hãy thử hình dung sự việc phổ biến hơn trong đời sống, đó là sự vỡ nợ của một người bình thường. Khi một người không thể thanh toán một khoản nợ đúng hạn, các chủ nợ sẽ bắt đầu gửi thư hay nhấc máy gọi đòi nợ. Nếu các chủ nợ vẫn chưa nhận được tiền, tài sản thế chấp sẽ bị thu hồi.

Hầu hết các quốc gia đều đã vỡ nợ một lần trong lịch sử, thậm chí có nước từng vỡ nợ hơn 10 lần chẳng hạn như Tây Ban Nha, nhưng Hy Lạp là quốc gia phát triển đầu tiên vỡ nợ. Vì sao Hy Lạp vỡ nợ?


Người Hy Lạp xuống đường biểu tình, mong muốn ở tại EU trong ngày 30/6 (Ảnh: AFP)​

Những nguyên nhân chính khiến Hy Lạp rơi vào khủng hoảng và vỡ nợ



Nợ công Hy Lạp – vượt quá tầm kiểm soát

Sự yếu kém trong quản lý công khiến nợ công quá cao là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng nợ Hy Lạp

Cho đến nay, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã kéo dài gần 3 năm, các nỗ lực cứu trợ cũng như các chương trình thắt lưng buộc bụng của các Chính phủ vẫn không ngừng được đưa ra nhưng tình hình thậm chí ngày càng xấu đi. Trong cuộc khủng hoảng này, Hy Lạp là cái tên được người ta nhắc đến nhiều nhất.


Hy Lạp được đặt vào tình trạng khủng hoảng nợ công kể từ cuối năm 2009, khi Chính phủ mới của nước này thừa nhận rằng Chính phủ tiền nhiệm đã công bố những số liệu kinh tế không trung thực, đặc biệt là về thâm hụt ngân sách. Thực tế thâm hụt ngân sách của nước này năm 2009 là 13,6% chứ không phải là 6,7% GDP như đã từng được báo cáo, cao hơn nhiều hạn mức thâm hụt ngân sách 3% GDP cho phép đối với các nước thành viên EU. Tình trạng tiết kiệm thấp và vay nợ nước ngoài cho chi tiêu công vẫn diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn 2002-2007 là một trong những nguyên nhân giúp tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế lên mức 4.2%/năm.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên các ngành công nghiệp chủ chốt của Hy Lạp. Doanh thu ngành du lịch và vận tải biển – 2 ngành chủ chốt của nền kinh tế này, sụt giảm trên 15% vào năm 2009. Kinh tế Hy Lạp lâm vào khó khăn, các nguồn thu thuế, phí …để tài trợ cho ngân sách bị thu hẹp, trong khi Chính phủ vẫn phải tăng cường chi tiêu công để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, đã đẩy nợ công đến con số khổng lồ.

Đến năm 2010, báo cáo của OECD cho thấy nợ công của Hy Lạp đã lên tới con số 330 tỷ Euro, tương đương với 147.8% GDP. Các chuyên gia kinh tế dự đoán dù Hy Lạp có thực hiện được kế hoạch thắt lưng buộc bụng kéo dài 3 năm, nợ của Hy Lạp đến năm 2012 vẫn tăng lên mức 172% GDP.


grossgovernmentdebttogdp.jpg

(Nguồn: Morgan Stanley)

Ngoài ra, do kinh tế lún sâu hơn vào suy thoái, mặc dù đã cam kết những chính sách khắc khổ nhằm giảm thâm hụt ngân sách nhưng thâm hụt ngân sách trong 8 tháng đầu năm 2011 của Hy Lạp đã lên tới 18,1 tỷ euro (24,67 tỷ USD), tăng mạnh so với 14,813 tỷ euro cùng kỳ năm ngoái. Biểu đồ dưới cho thấy mức thâm hụt ngân sách của một số quốc gia Châu Âu, trong đó Hy Lạp và Ireland là 2 nước có mức thâm hụt lớn nhất. Trong khi thâm hụt ngân sách của Ireland chủ yếu là những khoản nợ chuyển từ khu vực tư nhân sang khu vực công do chính phủ phải “ra tay” cứu hệ thống ngân hàng, thâm hụt ngân sách Hy Lạp lại chủ yếu gây ra bởi trình độ quản lý công yếu kém.

budgetdeficitEurocountries.jpg

(Nguồn: Morgan Stanley)

Như vậy, Hy Lạp đang cùng lúc đối mặt với những vấn đề nan giải: nợ công quá cao (147,8%), thâm hụt ngân sách lớn (13,6% GDP năm 2010) và thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai lớn (trung bình vào khoảng 9% GDP – so với mức trung bình của toàn khu vực Eurozone là 1%). Cả hai mức thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân vãng lai của Hy Lạp đều vượt quá trần quy định cho phép của Liên minh Tiền tệ và Kinh tế châu Âu (EMU), đặc biệt vi phạm Hiệp ước Bình ổn và Tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) với quy định trần thâm hụt ngân sách 3% GDP.

Việc ngụy tạo các số liệu kinh tế nhằm che dấu thực trạng đất nước đã khiến uy tín của Chính phủ Hy Lạp bị suy giảm nặng nề. Cả 3 hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới hiện đều đều hạ mức tín nhiệm của Hy Lạp xuống mức gần thấp nhất trong thang điểm đánh giá tín nhiệm đồng thời cảnh báo từ sớm về nguy cơ vỡ nợ của quốc gia này là rất cao. Lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp kỳ hạn 2 năm đã tăng lên trên 60%, trong khi đó kỳ hạn 1 năm đã vượt 110%. Điều này đồng nghĩa với việc Hy Lạp gặp nhiều khó khăn trong việc huy động thêm vốn từ thị trường vốn quốc tế và chỉ có thể mong đợi các khoản cứu trợ đặc biệt từ IMF, ECB hay một số quốc gia khác.

Lợi suất TPCP Hy Lạp (1 năm)

1yrGreecebond-1.png

(Nguồn: Bloomberg)

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia rơi vào tình trạng vỡ nợ?



Khác với doanh nghiệp hoặc cá nhân khi vỡ nợ, thay vì rời khỏi ngành kinh doanh, quốc gia vỡ nợ phải đối mặt với nhiều lựa chọn và lựa chọn thường xuyên nhất là tái cấu trúc các khoản nợ.

Thông thường trong khoảng thời gian này, hạ giá đồng nội tệ là giải pháp phổ biến để giảm bớt áp lực nợ.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia còn thực hiện biện pháp "thắt lưng buộc bụng" sau khi tăng trưởng hồi phục. Trong trường hợp một quốc gia hạ giá đồng nội tệ để trả nợ dễ dàng hơn, việc định giá tiền tệ thấp hơn cũng sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu và ngành sản xuất trong nước, qua đó giúp tái phục hồi nền kinh tế.

Người cho vay cuối cùng đôi khi cũng phải tiếp tục vay mượn thêm một lần nữa. Khác với sự phá sản của một doanh nghiệp hay một cá nhân vỡ nợ, một quốc gia vỡ nợ không đồng nghĩa với việc đã mất đi tất cả. Ít nhất, họ vẫn sở hữu những tài sản quốc gia có giá trị lớn để gán nợ hoặc bán lấy tiền trả nợ. Vì thế, xu hướng tái cấu trúc nợ trở nên phổ biến: quốc gia vỡ nợ sẽ đổi những khoản nợ cũ không trả được bằng những khoản nợ mới, nhằm giảm giá trị các khoản nợ và có thêm thời hạn để chi trả. Rốt cuộc, một quốc gia không thể đóng cửa mãi mãi.

Kết



Hy Lạp chỉ là một quốc gia nhỏ ở Châu Âu với đóng góp không nhiều vào GDP hàng năm của khu vực nhưng việc vỡ nợ của Hy Lạp lại có ảnh hưởng nặng nề chưa tính toán hết được tới nền kinh tế toàn cầu. Đây là bài học rõ ràng cho những quốc gia đang phát triển nóng theo đuổi những con số đẹp về chỉ tiêu tăng trưởng, nếu cứ tiếp tục đi vay và sử dụng tiền vay như Hy Lạp đã làm trong thập kỷ vừa qua, chắc chắn di sản có thể để lại cho tương lai sẽ là một món nợ khổng lồ.

Tồng hợp từ: https://pgbankresearch.wordpress.com/2011/09/30/khủng-hoảng-nợ-cong-hy-lạp/
 
Hiệu chỉnh:
vậy là vùng đất của các vị Thần đã rời khỏi Eurozone và trở về với các vị Thần;))
 
Cảnh khốn cùng của người nghèo Hy Lạp

Sau tấm rèm của căn bếp từ thiện tại Kerameikos (Athens), một nhóm người nghèo đang ngồi trước những đĩa dưa chuột cắt lát với ba khoanh bánh mỳ, một đĩa súp đậu và một miếng thịt.
Đôi khi thịnh soạn hơn thì có cả kem. Họ coi căn phòng như nhà của mình, và ngày nào cũng đi cả đoạn đường dài tới đây để được ăn no.

Nhưng linh mục Ignatios Moschos đang lo lắng ông sẽ không còn đủ thức ăn để giúp đỡ người nghèo, nếu nền kinh tế cứ tiếp tục tê liệt. "Khoảng thời gian tới sẽ rất khó khăn và đen tối", ông chia sẻ, "sẽ rất khó để nhận đủ thức ăn".

Tình trạng nghèo đói ở Hy Lạp đã trở nên trầm trọng hơn khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu 5 năm trước. Giờ đây, các nhóm cứu trợ và chính quyền địa phương đã bắt đầu cảm nhận được hệ quả của việc ngân hàng đóng cửa, khi Hy Lạp gồng mình cứu vãn hệ thống tài chính và cố thoát khỏi thời kỳ khó khăn đã kéo dài nhiều năm.

hl-1-1276-1436756307.jpg

Người Hy Lạp cầu nguyện trước khi ăn trong một căn bếp từ thiện. Ảnh: AP

Và dĩ nhiên, nếu đạt bất kỳ thỏa thuận nào với các chủ nợ, Chính phủ sẽ phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu. Điều này cũng có nghĩa thuế sẽ tăng và áp lực lên nền kinh tế cũng mạnh theo.

Người dân đang phải xếp hàng dài ngoài ngân hàng để rút tiền mỗi ngày. Một số tổ chức cứu trợ cũng nhận thấy nguồn cung của họ đang dần hẹp lại. Thực phẩm, quần áo và thuốc men đã tăng giá gấp 5 ở một vài khu vực tại Athens chỉ trong 2 tuần qua.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu - Martin Schulz tỏ ra đồng cảm với nỗi lo lắng của Hy Lạp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuần trước cũng cho biết Liên minh châu Âu đã lên kế hoạch cứu trợ nhân đạo cho Hy Lạp nhằm làm dịu tình hình, trong trường hợp nước này không được cấp gói cứu trợ thứ ba và phải ra khỏi eurozone.

Chính quyền Athens và một vài tổ chức đã cho biết họ đang lên kế hoạch gây quỹ. Stavros Niarchos Foundation tuần trước cho biết là họ đã chuyển 20 triệu euro cho chính quyền Athens và Thessaloniko để "trang trải nhu cầu trước mắt cho dân cư ở những đô thị lớn, những người đang phải gánh chịu hậu quả sâu sắc nhất của khủng hoảng".

Đương nhiên, không phải bất cứ người Hy Lạp nào cũng đều khốn đốn vì khủng hoảng. Ở trung tâm Athens và những khu sầm uất, các quán cà phê vẫn đông vui cho tới quá nửa đêm. Và nếu thỏa hiệp được với các chủ nợ thì ngân hàng sẽ sớm mở cửa trở lại.

Nhưng phần lớn người dân Hy Lạp vẫn là nạn nhân của tình trạng thất nghiệp tăng cao, phúc lợi xã hội và trợ cấp bị cắt giảm và tình trạng bất bình đẳng thu nhập.

hl-2-7622-1436756307.jpg

Những cảnh tượng thế này ngày càng phổ biến trên đường phố Athens. Ảnh: AP

Maria Karra - nhà sáng lập quỹ từ thiện Emfasis đã không tin vào mắt mình khi chứng kiến hàng người vô gia cư trên các đường phố Hy Lạp, chẳng khác nào những nước nghèo. "Tôi từng làm việc này tại các nước đang phát triển ở Đông Nam Á. Giờ đây, tôi lại làm y như thế ở Hy Lạp - huy động quyên góp thực phẩm, như mỳ, gạo, đậu và sữa".

Từ ngày 3/7, chuỗi cửa hàng Venetis đã mở rộng chương trình từ thiện, phát miễn phí 10.000 chiếc bánh mì mỗi ngày cho những gia đình khó khăn, đông con, người thất nghiệp và đã về hưu.

Rất nhiều người đã đổ về cửa hàng của Venetis ở Pangrati, trái ngược với vẻ ngoài hào nhoáng của khu dân cư này. Những khu nghèo đói còn nổ ra ẩu đả. Tổng giám đốc Venetis - Panayiotis Monemvasiotis cho biết: "Trong lần thứ 3 thực hiện thắt lưng buộc bụng này, chắc sẽ Hy Lạp chẳng còn người tiêu dùng nào nữa đâu, sẽ toàn là người ăn xin thôi".

Ở những khu vắng khách du lịch như xung quanh quảng trường Omonia, không khó để bắt gặp người vô gia cư ngủ vạ vật trên vỉa hè hay trong công viên. Một số khác may mắn hơn khi được chủ trọ giảm tiền nhà, hay được sử dụng dịch vụ tắm và giặt miễn phí, hoặc có thể tới những căn bếp cung cấp đồ ăn miễn phí nằm rải rác trên khắp Athens.

Xenia Papastavrou - sáng lập viên cua Boroume, We Can - một tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ liên hệ để chuyển thực phẩm thừa từ các siêu thị, nhà hàng hay thậm chí là tiệc cưới tới người nghèo, cho biết ngày càng nhiều người muốn ra tay quyên góp. "Mọi thứ chắc chắn sẽ còn tệ hơn nữa", bà Papastavrou cảnh báo.

Một trong những căn bếp từ thiện lớn nhất ở Athens do chính quyền thành phố điều hành có thể phục vụ từ 600 – 1.000 người mỗi ngày. Thị trưởng George Kaminis tuyên bố chính quyền đang giúp đỡ khoảng 20.000 người mỗi ngày với thức ăn và các thực phẩm thiết yếu.

Tuy nhiên số lượng người cần giúp đỡ đang tăng lên từng ngày, khiến người ta lo lắng về sự thiếu hụt trong tương lai. Các tổ chức từ thiện và quan chức chính phủ cho biết chừng nào ngân hàng còn đóng cửa và giao dịch quốc tế còn bị hạn chế, việc nhập khẩu thức ăn, thuốc men và quần áo sẽ còn khó khăn.

Cho tới gần đây, căn bếp từ thiện của cha Moschos vẫn cung cấp thức ăn cho người dân. Nhưng nhu cầu đang tăng nhanh đến nỗi bây giờ, để nhận được thức ăn, người dân cần xuất trình giấy chứng nhận về tiền lương, tình trạng thất nghiệp hay không có khả năng trả tiền nhà.

Vào buổi sáng, căn bếp sẽ phát thức ăn cho những người muốn mang về thay vì ăn tại chỗ. Phòng ăn có 56 chỗ, và mọi người sẽ ăn theo ca. Số người đến vào cuối tuần khoảng 450, tăng so với ngày thường là 350. Tại đây cũng có lắp đặt điều hòa để làm dịu đi cái nóng thiêu đốt.

Trong bếp, Fotis Nikolaou (39 tuổi) - một thợ sơn kiêm thợ lợp ngói thất nghiệp đang ăn ngấu nghiến món súp và dùng bánh mì vét nốt phần sót lại trên đĩa. Anh phàn nàn rằng lương ngày của những người lao động chân tay như anh đã giảm xuống chỉ còn 10 euro cho 12 giờ làm việc. Những công việc như thế này trước đây chỉ dành cho dân nhập cư.

Anh tin chắc thời gian tới mọi thứ sẽ còn khó khăn hơn nữa và anh sẽ phải đợi lâu hơn để được nhận thức ăn. Nhưng Nikolaou vẫn thấy thoải mái vì ít ra cũng không phải chịu đựng chuyện này một mình. "Có thể chúng tôi còn phải chịu cảnh này 20 năm nữa. Nhưng ít nhất thì chúng tôi cũng sẽ luôn sát cánh cùng nhau", anh nói.

Hà Tường (theo NYT)
 
×
Quay lại
Top