Nhà hàng 39 Lê Lợi tuyển phục vụ , PR bán thời gian

chonviec

Thành viên
Tham gia
3/8/2010
Bài viết
0
Thay lao động như... thay áo!
Làm lễ tân, tiếp tân, phục vụ tại các nhà hàng, quán ăn, cà phê… cũng được xem như một nghề. Hầu hết những người này xuất thân từ “gốc rơm, gốc rạ” ở những vùng quê hay gia đình nghèo khó từ Bắc chí Nam. Trong số đó cũng có nhiều sinh viên nghèo đi làm thêm để kiếm tiền học. Họ xin làm nghề này, với một khát khao thay đổi cuộc sống bằng chính sức lao động của mình từ việc bồi bàn, rửa bát, đến những công việc nghe có vẻ sang trọng hơn như lễ tân, thu ngân… Nhưng than ôi, rất nhiều người trong số họ đã rơi vào tình cảnh bị “vắt chanh bỏ vỏ” một cách nhanh chóng.

Nhân viên phục vụ nhà hàng.

Mỗi lần ghé vào một nhà hàng trên đường Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận, chúng tôi lại thấy những gương mặt phục vụ xinh đẹp mới, tuy thời gian chỉ chưa đầy một tháng.

Trong trang phục áo dài thướt tha, Lan quê ở Hải Phòng trông thật đẹp với đôi chân dài thứ thiệt. Lan vào TPHCM làm việc mới được 8 tháng, nhưng đã “bị” thay đổi đến 5 chỗ làm. Lan tâm sự: “Cực chẳng đã mà thôi, chứ ai lại thích thay công việc như thay áo. Làm ổn định một chỗ vừa quen công việc, quen khách hàng, nếu được ký hợp đồng lao động thì đảm bảo rất nhiều quyền lợi cho mình. Hơn thế, nó còn ổn định chỗ ăn ở cho cuộc sống…”.

Hỏi về chỗ làm mới, Lan cười: “Làm ngày nào biết ngày đó thôi, có gì để đảm bảo đâu chị, không chừng hôm nay được nhận vào, mai lại ra đi cũng nên…”. Lan cho biết thêm, tiếp viên nữ là “mặt tiền” của nhà hàng nên yêu cầu tuyển dụng cũng khắt khe: dáng chuẩn, biết ăn nói, đặc biệt phải biết chịu đựng! Lỡ khách có sàm sỡ cũng cắn răng mà cười! Còn khi ông chủ mà sàm sỡ nữa, thì chỉ còn nước… “lên đường!”.

Ngoài lương ít ỏi (khoảng 600.000 đến 900.000 đồng/tháng), họ còn được khách “bo”. Tháng nào hên cũng được trên 3 triệu đồng. “Nhưng chi phí cao lắm chị ơi, ngoài tiền thuê nhà, chi tiêu vặt vãnh, khoản tân trang quần áo là tốn kém nhất, vì mặt tiền mà!”.

Có cả trăm ngàn lý do để bị đuổi việc, chẳng qua đến lúc các ông chủ, bà chủ muốn thay đổi “khẩu vị”, “cải thiện thị giác” cho khách, tạo sự mới lạ cho quán thì tìm mọi cách bắt lỗi nhân viên để sa thải. Phi lý nhất như nhà hàng S. ở đường Phạm Ngũ Lão, đuổi và trừ lương nhân viên chỉ vì họ vi phạm không tắt điện thoại trong giờ làm và để người nhà đón đưa đi làm.

Cách đây 1 năm, 6 nhân viên nữ làm việc tại nhà hàng ẩm thực J.T trên đường Nguyễn Văn Trỗi đã tức tưởi phản ánh về việc nhà hàng nợ lương quá lâu không chịu trả, bị đòi nợ nhiều quá ông chủ đã thuê đàn em đánh đuổi hết 6 nhân viên này và “xù” luôn 6 tháng lương của họ.

Các lao động khác ở nhà hàng, quán bar như bảo vệ, dọn dẹp bàn ghế… hầu hết là nam giới, làm việc quần quật từ sáng sớm đến đêm mới được nghỉ, mà lương chỉ ba cọc ba đồng. Không những thế, họ luôn bị những ông chủ bà chủ quát tháo, hễ phản ứng là… “lên đường”. Đó là chưa kể các nhà hàng, quán ăn này còn tuyển nhân viên theo mùa! Mùa đông, đám cưới hỏi nhiều họ cần số lao động tức thời và gấp rút, khi thời tiết chuyển mùa là họ cho nhân viên “lên đường” tìm chỗ làm mới.

Công việc cực nhọc, vất vả nhưng những người lao động này đều cố gắng bám trụ vì hầu hết họ là dân tỉnh lẻ, học hành ít, bằng cấp không có, lạ lẫm với thành phố, không biết phải làm gì khác để lấy tiền trang trải. Rứt áo từ cái cày, con trâu lên thành phố, họ mang theo bao kỳ vọng, ít nhất thay đổi phần nào cuộc sống hiện tại, dành dụm tiền gửi về cha mẹ, nuôi em ăn học, tích lũy vốn để học lấy cái nghề… Chính vì lẽ đó mà họ cố bấu víu vào cái nghề bạc bẽo này.

Cám dỗ khôn lường

Với đồng lương ít ỏi nhưng họ – những người làm “nghề” kể trên vẫn gắng trang trải, tằn tiện cho vòng mưu sinh khắc nghiệt, đấu tranh với chính mình trước bao cám dỗ chốn thị thành.

Chị T. ở Mỏ Cày, Bến Tre do cuộc sống chật vật đành gửi 2 đứa con cho bà ngoại lên TPHCM tìm việc. Có chút nhan sắc nên chị xin việc cũng dễ, khi thì làm phục vụ quán nhậu, khi thì nhận rửa chén bát cho nhà hàng. Mỗi tháng ngoài tiền thuê phòng trọ và sinh hoạt, chị gửi về quê 300.000 đồng nuôi con.

Chị T. tâm sự: “Nghề này bạc bẽo lắm. Những ngày khách đông thì nhân viên bị xoay như chong chóng, còn trời mưa khách vắng như chùa Bà Đanh, ông chủ, bà chủ ủ rũ bèn lại quay qua mắng chửi nhân viên. Họ nghĩ ra đủ thứ việc bắt nhân viên làm, từ kỳ cọ nhà vệ sinh, giặt đồ đến bóc tỏi, hành, lau rửa bàn ghế… mặc dù những công việc này không phải là công việc được phân công từ đầu”.

Trong môi trường làm việc sặc mùi bia rượu nên những cám dỗ cũng khôn lường. Một lần cần tiền đưa con gái đi bệnh viện, túng quẫn chị T. đã nhắm mắt đưa chân cùng với một gã khách say xỉn. Và cũng từ “cái lần khốn nạn đó” cuộc đời chị đã rẽ lối, đen tối hơn. T. đã bị nhiễm HIV và con đường trở về với mái ấm gia đình của chị giờ đây thật mờ mịt.

Còn H. quê ở Ninh Bình từng làm thu ngân cho một nhà hàng ở quận 3 kể: nhà hàng này có khoảng 25 nhân viên, chủ yếu là nữ, tùy vào nhan sắc mà các cô được xếp vào những vị trí khác nhau. H. là người khá may mắn nên được giữ lại làm gần 2 năm, còn biết bao cô xinh đẹp hơn nhiều nhưng không vượt qua quy định “đào thải” của nhà hàng.

Cũng như bao nhà hàng khác tại TPHCM, để “vắt chanh bỏ vỏ”, nhà hàng này chủ trương không ký hợp đồng lao động cho hầu hết phục vụ, để dễ bề “trở tay”! Ngoài những chuyện bức xúc như trên, nhiều em còn phải thường xuyên “tiếp khách quen của sếp”.

Nhiều khách rất thô thiển, ve vãn, mời chào đi ca ba không được đã sàm sỡ nhân viên phục vụ ngay tại chỗ. H. tâm sự: “Biết phản kháng là cực chẳng đã nhưng nhiều khi thấy nhục quá. Mình còn bị cả ông phó lẫn ông tổng nhà hàng “dụ” tình, nhiều lần bị từ chối, hai ông đã tìm cách hắt hủi và sa thải. Rất nhiều nhân viên nữ ở nhà hàng này bị sếp “dụ” tình như thế, ai chống cự quyết liệt thì đồng nghĩa với việc ra đi sớm. Một số khác dù có lên gi.ường với sếp thì chẳng bao lâu những lời hứa hão của sếp cũng bị quên lãng”.


Có thể thấy rõ nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ tại các nhà hàng, bar, cà phê cao cấp… rất lớn, góp phần tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp. Nhưng kiểu xài người “vắt chanh bỏ vỏ” của rất nhiều ông chủ, bà chủ nhà hàng đối với người lao động cũng đã và đang gây dư luận bức xúc trong xã hội. Hầu hết số lao động này không được ký hợp đồng lao động khi làm việc. Họ chỉ biết làm khi các ông bà chủ còn cần họ, còn không thì lại long đong, thất nghiệp.

Phố Tây đường Phạm Ngũ Lão luôn nhộn nhịp bởi nhiều nhà hàng quán ăn, cà phê. Đây cũng là “thiên đường” của nhiều cô gái có mộng thay đổi số phận. Họ xin vào làm phục vụ tại đây không phải để kiếm mấy đồng lương, mà mục đích chính của họ là có cơ hội để lọt vào “mắt xanh” của một chàng Tây nào đó.

Hai mẹ con Nguyễn V. say sưa kể về cô Nhung, con gái bà chủ quán phở. Năm xưa, Nhung cũng chỉ phục vụ quán ăn như mình thôi, vậy mà sau khi được chàng John người Canada trót dạ thương yêu, số phận cô ấy đã đổi 180 độ.

John tậu cho Nhung 2 căn hộ đắt tiền ở TPHCM. Nhung đã rước cả mẹ và các em ở quê lên sinh sống. Nghe nói cuối năm nay là vợ chồng John về nước và sẽ để lại căn nhà cho mẹ vợ. Thế là cuộc đời no đủ! V. năm nay mới 17 tuổi nhưng được mẹ đầu tư khá kỹ càng từ tóc tai, quần áo nên bảnh bao lắm.

Nghe lời mẹ, V. quyết định xin làm tiếp thị rượu trong một quán cà phê. Nhờ có một chút vốn liếng tiếng Anh nên V. nhanh chóng chấm được một chàng da đen, “hàng” Mỹ chính hiệu. Cả hai ăn ở như vợ chồng được ít lâu thì V. có bầu. Chàng hứa sau khi về nước làm thủ tục nhập cảnh xong sẽ đưa V. về Mỹ. Tin tưởng, mẹ con V. có bao nhiêu tiền làm vốn liếng đã đưa hết cho chàng rể quý, nhưng tiếc thay anh chàng họ Sở đã lặn không sủi tăm.

Cũng giống như mẹ con V., không chỉ ở con phố Tây mà rất nhiều khu phố, con hẻm khác ở thành phố này đang có nhiều cô gái nuôi dưỡng hy vọng viễn tưởng về một cuộc sống nhung lụa ở trời Tây bắt đầu từ cái nghề phục vụ này. Nhung chỉ là trường hợp hiếm hoi trong số hàng ngàn người đã bị trả giá như V.

SGGP
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top