Nợ xấu ngân hàng: 5 bước xử lý theo mô hình của một A.M.C

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Để xử lý nợ xấu thông qua một A.M.C thì cần phải thực hiện rất nhiều bước phức tạp, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan từ Quốc hội, Chính phủ, ngân hàng đến cả doanh nghiệp. Dưới đây là những bước cần thực hiện để cho việc xử lý nợ xấu thành công.
0-916e6.jpg

Bước 1: Tạo hành lang pháp lý
Đầu tiền cần rà soát các quy định, luật hiện tại từ Quốc hội hoặc Chính phủ để bổ sung, sửa đổi những văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho công ty mua bán nợ hoạt động.
Các văn bản này phải đưa ra những quy định cụ thể về quy trình xử lý nợ xấu, xử lý tài sản thế chấp, góp vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp… Ngoài ra, văn bản này cũng “bịt lỗ hổng” luật phá sản… để việc xử lý tài sản thế chấp, phá sản doanh nghiệp diễn ra dễ dàng hơn.
Chỉ khi hệ thống pháp luật hoàn thiện mới có đủ cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu.
Bước 2: Thành lập một A.M.C
Chính phủ cần thành lập một Công ty quản lý tài sản (A.M.C) với số vốn ban đầu khá nhỏ, có thể là 5,000 tỷ đồng. Lượng vốn này có thể được đóng góp bởi Chính phủ, các ngân hàng hay kể cả các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước… Phần lớn số vốn chỉ phục vụ trang trải chi phí cho công ty như tiền lương, tiền thuê chuyên gia và các nghĩa vụ tài chính cấp bách… chứ không dùng trực tiếp để mua nợ xấu (mô hình công ty của Hàn Quốc KAMCO).
Hội đồng quản trị là thành viên của những tổ chức đã góp vốn nhưng Chính phủ vẫn phải đứng đầu công ty này. Tuy nhiên, hồi đồng quản trị, ban lãnh đạo của công ty phải có tính độc lập để hạn chế tối đa việc bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, mục tiêu chính trị… Đây là một tiêu chí cần thiết để đảm bảo tính khách quan, độc lập hiệu quả của công ty.
Một yếu tố không thể thiếu là A.M.C phải có tổ chức vô cùng chặt chẽ và chuyên nghiệp. Những bộ phận không thể thiếu được là bộ phận định giá tài sản, bộ phận tái cấu trúc, bộ phận phận nguồn vốn… A.M.C cũng phải có được nguồn nhân lực hùng hậu trong lĩnh vực tài chính, quản trị, tổ chức… Đặc biệt, A.M.C phải có đội ngũ cố vấn gồm các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực.
Bước 3: Huy động vốn
Công ty quản lý tài sản này thành lập quỹ (Fund) để huy động vốn trên thị trường cho việc mua bán nợ xấu. Có thể thành lập một lúc nhiều quỹ đầu tư với các tiêu chí mua bán nợ khác nhau. Các chứng chỉ quỹ được bán trên thị trường tài chính để huy động vốn trong và ngoài nước.
Ngoài ra, công ty cũng phát hành trái phiếu có đảm bảo (có thể Chính phủ bảo lãnh trái phiếu) sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu để mua nợ. Cũng có thể đổi trái phiếu lấy các khoản nợ của ngân hàng…
Mô hình này có ưu điểm là Chính phủ không trực tiếp bỏ tiền ra để mua nợ xấu nên không ảnh hưởng xấu lên cân bằng ngân sách và việc lạm quyền. Việc mua bán nợ xấu của các quỹ mà AMC chịu sự kiểm soát của cổ đông và trái chủ nên sẽ hạn chế các hiện tượng tiêu cực nảy sinh.
Khi quản lý các quỹ này, A.M.C sẽ được hưởng phí quản lý nợ và các lợi nhuận được phân chia. Thực tế, việc mua bán nợ thường khá hấp dẫn đối với không ít nhà đầu tư nên phương án hoàn toàn có tính khả thi. Tất nhiên, các quỹ này không phải độc quyền trong việc mua lại nợ xấu mà phải khuyến khích thêm các công ty nước ngoài, công ty tư nhân tham gia. Do vậy, số tiền thực sự sử dụng cho mua nợ xấu sẽ không quá lớn.
Để đảm bảo tính khách quan và giảm thiểu rủi ro thì việc xử lý nợ phải dựa trên quy trình chặt chẽ, đội ngũ nhân sự thực hiện lành nghề và phải có sự giám sát tư vấn của các chuyên gia, tổ chức độc lập trong nước và kể cả nước ngoài.
Bước 4: Mua nợ và phân loại để xử lý nợ
Các khoản nợ xấu của ngân hàng sau khi được định giá một cách cẩn trọng thì công ty mua bán nợ sẽ tiến hành đàm phán với ngân hàng để mua lại các khoản nợ xấu. Giá mua nợ xấu có thể từ 10-60% giá trị sổ sách khoản nợ. Tỷ lệ bao nhiêu tùy thuộc vào việc định giá giá trị khoản nợ…

Sau khi mua được nợ thì A.M.C sẽ tiến hành phân loại và thiết lập các phương án xử lý nợ theo các cách sau:

  1. Bán tài sản thế chấp thu hồi nợ: Đây là cách nhanh nhất và đơn giản nhất nhưng chỉ nên thực hiện với những khách hàng không thể tái cấu trúc hoặc không có phương án trả nợ khả thi.
  2. Chứng khoán hóa các khoản nợ để bán trên thị trường tài chính: Những khoản nợ có chất lượng có thể được chứng khoán hóa và bán lại cho các nhà đầu tư trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có một thị trường tài chính phát triển và có công ty đánh giá tín nhiệm.
  3. Tái cấu trúc doanh nghiệp: Với những doanh nghiệp do bị mất thanh khoản nhưng phương án kinh doanh vẫn khả thi hoặc tự thanh lý được tài sản thì A.M.C có thể cho doanh nghiệp vay thêm vốn để có thể hoạt động và có lợi nhuận trong tương lai.
  4. Vốn hóa các khoản nợ, trở thành cổ đông lớn: Đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng vẫn có thể “cứu” thì công ty mua bán nợ có thể vốn hóa khoản nợ vay, tiến hành tái cấu trúc công ty một cách toàn diện như tái cấu trúc tài chính, hoạt động kinh doanh, quản trị… để doanh nghiệp có thể hoạt động có lợi nhuận trở lại. Sau đó AMC có thể bán cổ phần của mình trên thị trường tài chính.
Bước 5: Bán nợ thu hồi vốn
A.M.C là một công ty có chức năng xử lý nợ. Để có vốn hoạt động trong tương lai thì A.M.C phải liên tục bán các tài sản là nợ xấu đã mua (đã xử lý hoặc hoặc chưa) để có dòng tiền trả nợ hoặc mua nợ mới. Tùy theo loại nợ và cách xử lý mà A.M.C sẽ bán nợ theo các cách khác nhau.
Cách đơn giản nhất là thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi vốn. Phương pháp là chứng khoán hóa các khoản nợ để bán trên thị trường tài chính. Đối với những doanh nghiệp có khả năng thu hồi vốn thì hỗ trợ tài chính, nhân lực cho doanh nghiệp hoạt động và để doanh nghiệp có thể tự trả nợ trong tương lai. Đối với doanh nghiệp bị vốn hóa nợ (biến nợ thành cổ phần) thì A.M.C tái cấu trúc để doanh nghiệp hoạt động sau đó bán cổ phiếu trên thị trường tài chính để thu hồi vốn.
Trên đây là các bước tiến hành xử lý nợ xấu bằng công ty mua bán nợ, thông thường cách làm này sẽ mất một thời gian khá dài mới thu hồi được vốn. Kinh nghiệm ở các quốc gia cho thấy việc xử lý nợ này mất 3-7 năm thậm chí dài hơn. Để thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu đòi hỏi thêm các đối tượng cùng tham gia. Đặc biệt, chính ngân hàng phải tiên phong trong việc xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng đầy đủ để có nguồn lực xử lý nợ xấu.
 
×
Quay lại
Top