Ôn thi hiệu quả trong giai đoạn cuối

Totoro

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/12/2011
Bài viết
5.437
Kinh nghiệm của bạn Thủ khoa khối C nhằm học thi hiệu quả cho giai đoạn "nước rút".

Còn khoảng một tháng nữa là các thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh quan trọng, nay chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm, đặc biệt là từ những kinh nghiệm học thi của bạn Phạm Văn Tiên - thủ khoa khối C Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM (năm 2012) nhằm giúp các em ôn tập có hiệu quả, đặc biệt trong gian đoạn "nước rút" này.

945440-kinh-nghiem-on-thi-cho-hoc-sinh-cuoi-cap-001.jpg


Đầu tiên chúng ta xác định việc học thi khối C không hẳn là chỉ có học thuộc mà bắt buộc các em phải phát huy cả những kỹ năng cần thiết như là tổng hợp chuổi sự kiện, các tác phẩm và phân tích rồi rút ra ý nghĩa của vấn đề. Như vậy, bên cạnh những nền tảng lý thuyết cần có chúng ta cần rèn luyện các kỹ năng quan trọng khác. Đồng thời, việc học thi cần có một số điểm đáng chú ý như sau:

Phân bổ thời gian hợp lí

Thời gian còn lại tương đối ngắn nên chúng ta cần phân chia chúng sao cho hợp lí phù hợp với từng môn, chẳng hạn dành nhiều hơn cho môn Văn và chia đều cho Sử và Địa, đồng thời kết hợp thời gian ôn theo sách giáo khoa và chịu khó tham khảo một số tài liệu phù hợp. Bạn Phạm Văn Tiên cho biết: "Sách giáo khoa là tài liệu quan trọng và chúng ta cần bám sát nhất, song song với việc đọc thêm tài liệu tham khảo để phong phú thêm trong lời văn, để hiểu rõ và sâu sắc hơn các sự kiện, các yếu tố".

Cũng theo bạn Tiên, giai đoạn này cần tránh việc nhồi nhét quá mức, điều đó gây sự ức chế, rất dễ quên và tất nhiên là ôn thi sẽ không hiệu quả. Thời gian hợp lí cho buổi tối là khoảng 3 đến 3 tiếng rưỡi và chịu khó thức sớm học thêm khoảng 2 tiếng. Lưu ý, hạn chế tình trạng thức quá khuya mà thay vào đó là thức sớm, theo ý kiến của nhiều người thì học buổi sáng sớm luôn tốt hơn khi học quá khuya.

Hệ thống lại kiến thức

Trong giai đoạn này, chúng ta cần hệ thống lại những nội dung chính những phần nằm trong chương trình thi của Bộ Giáo dục- Đào tạo. Điều này nhằm giúp chúng ta xâu chuỗi nội dung theo một mạch nhất định và không cảm thấy học lan man. Việc này còn giúp chúng ta xác định rõ nội dung chính từ đó triển khai dễ dàng những phần nhỏ hơn, cụ thể hơn và quan trọng hơn chúng ta nhận thấy mối quan hệ giữa chúng và có cơ sở cho những nhận định đánh giá rồi rút ra ý nghĩa.

Bắt đầu giải đề và bám sát nội dung thi

Bạn Tiên cho hay "Việc giải đề giúp mình xác định rõ cấu trúc đề thi, cách ra đề và cả việc cho đáp án nữa..." mỗi lần giải đề chúng ta tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, rồi tự nắm được những vấn đề quan trọng, học được cách mở rộng nội dung câu hỏi cũng như biết được mình cần trả lời gì để đúng trọng tâm và có điểm tối đa. Thông qua đây chúng ta biết những khiếm khuyết của bản thân là gì và khắc phục nó. Bạn Tiên cũng chia sẻ việc học cụ thể như thế nào cho từng môn.

Môn Văn

Cần lập sườn bài cho từng tác phẩm, nắm được cốt truyện, tuyến nhân vật. Đối với thơ cần nắm được mạch thơ, ý nghĩa của thơ và nhận thấy nét mới trong nội dung, ngôn ngữ cũng như tâm tư tình cảm gửi gắm trong tác phẩm thơ. Chúng ta cần viết nhiều, tránh tối đa việc sai chính tả, tự rút kinh nghiệm trong ngôn từ, cách diễn đạt. Bên cạnh đó cần chú ý tạo thêm sự sáng tạo để gây ấn tượng cho bài viết bằng việc liên hệ tác phẩm khác và các tài liệu tham khảo. Phạm Văn Tiên lưu ý "trong đề thi có phần nghị luận xã hội nằm ở câu hai, chúng ta cần chú ý, nếu cẩn thận và liên hệ thực tế tốt thì câu này rất dễ lấy điểm". Chúng ta cần dành thời gian quan tâm đến các sự kiện và vấn đề xã hội, kết hợp hiểu biết và những quan điểm, nhận định về đời sống xã hội, chúng ta sẽ viết tốt nội dung nghị luận này.

Môn Sử

Quan trong nhất là việc nắm sự kiện hiểu sự kiện để có cái nhìn rõ ràng và phân tích xác đáng. Theo Tiên "không cần nhớ một cách máy móc và chi tiết mà chỉ cần nắm rõ từng vấn đề lịch sử, mối quan hệ giữa chúng rồi rút ra những nhận xét ý nghĩa và bài học lịch sử" Đối với môn Sử lời văn cũng không kém phần quan trọng, chúng ta cũng nên giải đề và lập dàn ý cho từng câu hỏi, đồng thời việc xâu chuỗi sự kiện là điều cần thiết.

Môn Địa

Môn Địa nhìn chung nội dung cũng tương đối nhiều nhưng kiến thức lại gần gũi và dễ nắm. Cần ôn theo những chủ đề cụ thể như Tự nhiên- Dân cư- Vùng kinh tế,... Và khi học cũng cần lưu ý những dạng câu hỏi và cần lập sườn bài cho từng câu hỏi nhất định. Phần lớn mỗi dạng câu đều có cách trình bày chung, tương đối giống nhau. Cần liên hệ thực tế và kết nối những gì trong sách vở với thực tế phát triển kinh tế, anh ninh của đất nước. Lưu ý, tuy những năm gần đây ít thấy câu vẽ lược đồ Việt Nam, tuy nhiên đây lại là câu nằm trong giới hạn thi của Bộ. Để tránh hụt hẫng, các em cần dành 2 đến 3 buổi rèn luyện kỹ năng vẽ lược đồ và điền các đối tượng đia lý.

Giữ tâm lý thoải mái và một sức khỏe tốt


Tâm lý là yếu tố quan trong trong thi cử, đặc biệt là thi khối C. Tâm lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo của các em. Thi Đại học là kỳ thi quan trong tuy nhiên nếu đã chuẩn bị kiến thức và kỹ năng vững vàng thì không có gì đáng ngại nữa. Bên cạnh việc học chúng ta cần dành thời gian thư giãn vui chơi, tránh stress. Cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng để có một sức khỏe tốt, theo nhiều chuyên gia thì giai đoạn này chúng ta nên uống nhiều nước ăn nhiều rau xanh, hoa quả... rất tốt cho trí nhớ và khả năng sáng tạo. Giữ một tâm lý thoải mái và một cơ thể khỏe mạnh là cực kỳ quan trọng cho giai đoạn nước rút này.

Chúc các em vững vàn tâm lý và thi thật tốt!

Theo Mực Tím
 
×
Quay lại
Top