Phanh xe - Cơ bản nhưng vẫn nhiều người làm sai

Thiên Ngân

Love Myself
Thành viên thân thiết
Tham gia
6/10/2012
Bài viết
1.562
Trong việc điều khiển các phương tiện di chuyển nói chung và motor nói riêng, phanh là thiết bị cơ bản và cũng là thiết bị tối quan trọng nhằm đảm bảo tính an toàn cho xe và người điều khiển. Song cũng bởi tính cơ bản của nó, nhiều người vẫn quan niệm rằng việc sử dụng phanh là việc đơn giản và phụ thuộc chủ yếu vào bản năng. Quan niệm này thực sự sai lầm và họ quên mất rằng đôi khi những yếu tố giản đơn nhất lại là những yếu tố cần hoàn thiện nhất. Khi nhận ra được điều này, bạn sẽ thấy những kĩ năng cơ bản như sử dụng phanh đúng cách không chỉ nhằm đảm bảo an toàn cho chính bạn, mà còn ẩn chứa sự quyến rũ nhất định trong đó.


Trước tiên, hãy làm mới mẻ quan niệm của bản thân về mối quan hệ giữa bạn với chiếc xe của mình. Để nắm bắt và làm chủ được các kĩ thuật điều khiển xe từ cơ bản đến nâng cao, điều đầu tiên cần thay đổi ở người lái là tư duy của anh ta về xe. Người lái cần “hiểu” chiếc xe mà mình đang điều khiển. Điều này cũng có nghĩa là mọi hành vi, tính cách của chiếc xe đều có thể được dự đoán trước và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Chiếc xe khi này không còn chỉ là một cỗ máy, người lái cũng không còn chỉ là một gã chủ nô chỉ biết ra lệnh cho chiếc xe của mình. Người lái và chiếc xe khi di chuyển trên đường phải là một thể thống nhất, không thể tách rời. Nghe có vẻ cao siêu, nhưng kì thực lại khá đơn giản và lắm khi được thực hiện một cách vô thức. Một ví dụ đơn giản, kéo tôi lại thời còn học phổ thông: Chiếc xe đạp cũ kĩ của tôi, sau thời gian “chinh chiến” trên đường phố Hà Nội, đã hư hỏng khá nhiều, trọng tâm của xe không còn cân nữa, nhưng việc thả hai tay chạy dọc một quãng dài cũng không phải là điều gì khó khăn. Con người nhạy cảm, và xe, dù có là một khối kim loại lì lợm, thì cũng vẫn nhạy cảm. Và hai sự nhạy cảm này có thể tương hỗ cho nhau.

Mọi kĩ thuật điều khiển xe đều dựa trên nguyên tắc trên, và tất nhiên là cả cách sử dụng phanh. Nếu thực hiện đúng, việc giảm tốc độ cho chiếc xe sẽ không chỉ đơn thuần là một biện pháp đảm bảo an toàn nữa, mà còn chứa đựng vẻ đẹp kín đáo về sự mượt mà và uyển chuyển trong quá trình chuyển động mà chỉ những người đủ kinh nghiệm mới thấy được. Không hào nhoáng, không bóng bẩy, không phô trương.


Phanh đĩa hợp kim-gốm trên xe đua chuyên nghiệp. (Ceramic-composite brake)

Cùng với sự phát triển của công nghệ, những chiếc xe giờ đây ngày càng nhanh, ngày càng mạnh. Do đó, phanh xe cũng phát triển song hành để theo kịp tốc độ của những chiếc xe. Nếu như cách đây chỉ khoảng 10 năm, công nghệ phanh đĩa vẫn còn là một thứ gì đó xa xỉ đối với những chiếc xe Underbone phổ thông, thì ngày nay chúng lại trở thành trang bị tối thiểu và đã xuất hiện nhiều cả ở trên xe đạp. Tuy nhiên bởi thói quen cổ lỗ, nhiều người lại trở nên “sợ” phanh đĩa vì chúng quá “ăn”, để rồi khiến phanh đĩa chỉ còn là vật trang trí. Điều này thực sự không tốt. Và sau đây là một số quy tắc cơ bản khi vận hành phanh xe nói chung và phanh đĩa nói riêng, đặc biệt là phanh đĩa ở bánh trước. Những quy tắc này tập trung vào kĩ năng sử dụng phanh đơn thuần, những kĩ năng giảm tốc độ sử dụng những thủ thuật nâng cao sẽ được đề cập tới trong những bài viết sau.

1.Phanh đúng là phanh ở bánh trước
Có thể không nhiều người để ý tới, song phanh trước mới là phanh “chính” trên chiếc xe của bạn. Trong thiết kế xe, nhất là thiết kế motor và xe máy, phanh trước thường “xịn” hơn phanh sau. Nếu chúng cùng là một loại phanh (tang trống, đĩa…) phanh trước vẫn luôn có đường kính lớn hơn. Thiết kế ô tô cũng tương tự.


Phân bố lực phanh cơ bản có thể được thấy rõ ở đây, phần lớn lực h.ãm được dồn tới bánh trước. Do đó đĩa trước hồng rực như nung, nhưng ở bánh sau lại ít thấy hơn. Cũng có, nhưng ít.

Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy các tay đua chuyên nghiệp sử dụng phanh trước trên Motor hiệu quả như thế nào, và đây cũng là phanh “chính” của họ.


Đừng ngạc nhiên, bởi họ làm điều này tại mỗi cua: Trọng lực dồn về phía trước xe lớn tới mức bánh sau nhấc khỏi mặt đất. Điều này kì thực không nguy hiểm, mà trái lại rất an toàn. Trong quá trình phanh bằng phanh trước, diễn ra một quá trình dịch chuyển trọng lượng (weight transfer). Việc đó giúp giảm sóc trước được nén lại, tạo lực nén xuống mặt đường dẫn tới gia tăng độ bám đường. Không chỉ có vậy, sử dụng phanh trước là phanh chính, kèm theo phanh sau là phanh phụ cũng giúp xe bạn giảm tốc nhanh hơn rất nhiều, cũng an toàn hơn vì loại bỏ được trường hợp trượt bánh sau dễ thấy ở thói quen chỉ sử dụng phanh sau.


2.Phanh trước như thế nào cho đúng?
Một số chuyên gia cho rằng, lực phanh nên được phân bổ theo tỉ lệ 70/30 (trước/sau). Khái niệm này khá khó giải thích và đôi khi phụ thuộc vào cảm giác phanh của mỗi người, tuy nhiên, chỉ cần bạn nắm được cách phanh trước, đặc biệt là phanh đĩa trước cho đúng, là đã khá an toàn và hiệu quả rồi. Đối với những người “sợ” phanh đĩa, nguyên nhân chính dẫn tới nỗi sợ không có thực đó là bởi họ đang sử dụng phanh đĩa sai cách, mà đã phần sẽ dẫn tới hiện tượng khóa bánh trước. Khóa bánh trước nguy hiểm hơn nhiều so với khóa bánh sau, sẽ có tới 8/10 người sẽ ngã khi bánh trước mất bám đường theo kiểu này. Lỗi lớn nhất ở đây chính là bởi người lái sử dụng phanh theo “bản năng”, và khi gặp tình huống bất ngờ, họ phanh theo phản xạ. Tới đây, có lẽ bạn đọc sẽ muốn nhớ lại quy tắc cơ bản mà tôi có nhắc tới ở trên: “Yêu”.


Chiếc xe của bạn là một cô nàng đỏng đảnh và thích được nuông chiều. Hãy tin tôi, vì sự an toàn của chính bạn, hãy nuông chiều, cô ấy muốn được âu yếm. Bởi vì mọi phản ứng đột ngột đều dẫn tới sự mất cân bằng của xe. Và khi cô ấy đau, rất có thể bạn sẽ còn đau hơn.

Thế nên, hãy phanh trước theo kiểu này: Phanh trước bằng 2 ngón và luôn đặt trong trạng thái “chuẩn bị”.

Thay vì sử dụng nhiều ngón tay, khoảng 4 ngón chẳng hạn, chỉ sử dụng 2 ngón sẽ giúp bạn phanh nhẹ nhàng và từ tốn hơn. Ga từ tốn là an toàn, phanh cũng vậy.
Đừng bóp phanh, siết phanh. Ôm một cô gái đừng gồng mình, cô ấy tắt thở mất. Mấu chốt là ở đây.

Vì sao mấu chốt lại nằm ở việc “siết” chứ không bóp?

Siết phanh là khi bạn sử dụng cả bàn tay vào việc điều khiển phanh. Thay vì “bóp”, sử dụng chỉ 2 hay 3 đốt ngón tay, “siết” sẽ cho bạn một hành trình phanh dài hơn, dẫn tới quá trình phanh mượt mà và hiệu quả hơn nhiều, hoàn toàn triệt tiêu hiện tượng khóa bánh trước do phanh đột ngột theo “bản năng”. Quy trình siết phanh: Về ga để đẩy dần bàn tay về phía trước, sau đó thu gọn nhẹ nhàng 2 ngón tay trên tay phanh tới khi cảm thấy lực phanh đã đủ.

Cho phản xạ nhanh hơn: Bởi 2 ngón tay của bạn luôn nằm ở vị trí “sẵn sàng”, việc thích ứng với các tình huống xảy ra trên đường sẽ nhanh hơn nhiều so với việc bạn nắm tay ga bằng cả bàn tay, và phải thả tới 4 ngón tay ra để phanh.

Tận dụng “engine brake” – phản lực sinh ra bởi động cơ vẫn còn đồng bộ với bánh sau khi bạn chưa bóp côn. Cũng có nghĩa là bạn không cần về hết ga trong thời gian đầu của quá trình phanh để tận dụng được khả năng này. Nếu phanh bằng cả 4 ngón, trên các xe phổ thông với côn tự động hay Scooter, nếu thả hết ga, ly hợp sẽ tự động ngắt, và bạn không thể tận dụng “engine brake”.
Với 2 ngón tay còn lại vẫn đặt trên tay ga, bạn dễ dàng gia tốc trở lại, cũng giúp bạn tránh bị “lỡ tay” bóp hết hành trình phanh.


Kĩ năng trên được một số chuyên gia gọi là “cover braking”. Kĩ năng này rất cơ bản, dễ dàng thực hiện, và là tiền đề cho việc phối hợp nhịp nhàng giữa phanh trước và ga: phanh vào ga ra, khá giống “côn ra ga vào”. Thực hiện được kĩ năng này một cách thuần thục, bạn sẽ nhận ra rằng mình có thể chạy xe êm ái và an toàn hơn rất nhiều, êm ái và nhịp nhàng tới độ như bạn đang khiêu vũ.

Theo Mann up
 
Anh em có ai có kinh nghiệm về cái này không, tôi cũng đang có ý định nghiên cứu và tìm hiểu. Thanks chủ thớt đã chia sẻ nhé.
 
×
Quay lại
Top