Quy định mới của Bộ GD&ĐT khiến các trường ĐH, CĐ rối bời

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Bộ GD&ĐT vừa ra văn bản hướng dẫn thanh tra tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 yêu cầu các trường không được tổ chức thi tại các địa điểm dễ xảy ra mất an toàn và các trường tiểu học. Tuy nhiên, quy định này của Bộ đưa ra vào thời điểm ngày thi đang gần kề khiến nhiều trường ở trong trạng thái “tiến thoái lưỡng nan”.

947052-thi-550-x-413.jpg



Từ hồi tháng 4, các trường ĐH,CĐ tại TP.HCM đã tiến hành thuê mướn các địa điểm thi từ bậc tiểu học đến THPT. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị địa điểm thi tại các trường gần như hoàn tất. Địa điểm thi đã được thuê, in trên giấy báo thi và gửi đến các thí sinh.

Hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP.HCM cho biết, thuê được địa điểm tại các trường tiểu học cũng là may rồi, vì từ sau Tết Nguyên đán các trường đã phải cạnh tranh nhau chọn địa điểm thi sao cho thí sinh dễ tìm, chỗ ngồi rộng rãi, sạch sẽ… nên nếu chậm một chút là các trường khác sẽ thuê mất.

Tại TP.HCM trong đợt 1 thi ĐH, CĐ 2013, có 37 trường tổ chức thi thì có khá nhiều trường đã thuê địa điểm thi tại các trường tiểu học. Trường ĐH Giao thông-Vận tải TP.HCM có tới 3 địa điểm thi ở các trường tiểu học với 2.630 thí sinh, ĐH Cảnh sát nhân dân có một địa điểm thi ở trường tiểu học Nguyễn Văn Triết (Thủ Đức) với 609 thí sinh, ĐH Kiến trúc TP.HCM có 3 địa điểm thi tại các trường tiểu học Trần Quốc Thảo, Nguyễn Huệ, Nguyễn Đình Chính; trường Nông lâm TP.HCM cũng có 3 địa điểm thi…

Trong đợt 2 có 38 trường ĐH tổ chức thi thì có tới 7 trường phải thuê địa điểm thi là trường tiểu học. Trong đó nhiều nhất là Trường ĐH Y dược TP.HCM với 12 địa điểm, ĐH Sư phạm TP.HCM với 4 địa điểm; ĐH Nông lâm TP.HCM 3 địa điểm…Trong 22 trường tổ chức thi trong đợt 3 thì cũng có 4 trường thuê địa điểm tại các trường tiểu học.

Theo công văn hướng dẫn thanh tra tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 được ông Nguyễn Huy Bằng ký từ ngày 6/6 nhưng đến mãi ngày 10/6 mới được tải lên trang web của Bộ GD&ĐT, thế nên công tác triển khai thuê lại địa điểm thi đối với các trường là “bất khả thi”.

Nếu thực hiện đúng như yêu cầu của Bộ thì không chỉ các trường “loạn” lên để đi tìm địa điểm thi mới mà các thí sinh cũng rối bời vì địa điểm thi thay đổi. Còn nếu giữ đúng địa điểm thi như ban đầu thì lại trái với quy định.

TS. Lý Văn Xuân, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM cho biết Bộ ra văn bản lúc này thì trường vẫn phải thuê địa điểm thi tại các trường tiểu học vì địa điểm thi đã thuê rồi, giấy báo thi cũng đã gửi rồi nếu bây giờ mà đổi thì sẽ loạn hết cả. Do đó, trường vẫn bố trí thi tại các trường tiểu học và bố trí 30 thí sinh/phòng.

Tương tự, TS. Nguyễn Văn Thư, hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, đến giờ Bộ mới yêu cầu như vậy thì đã quá muộn, các trường ĐH không thể nào xoay xở kịp. Vì thế các trường vẫn phải tổ chức thi tại các trường tiểu học.

Từ đầu năm đến nay, Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều quy chế thi khiến cho không chỉ học sinh mà còn nhiều trường ĐH, CĐ cảm thấy rối bời. Chẳng hạn như theo quy định trước đây, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh, thành phố theo quy định sẽ phải dự thi bắt buộc tại các cụm thi trong thành phố Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn hoặc Cần Thơ. Những thí sinh thuộc diện trên nhưng tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, thành phố khác và thí sinh tự do mới không bị bắt buộc phải dự thi tại cụm thi được chỉ định.

Tuy nhiên ngày 27/5, Bộ có văn bản hướng dẫn, những thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo cụm nếu có nguyện vọng dự thi trực tiếp tại trường đăng ký học, sẽ được hội đồng tuyển sinh các trường hướng dẫn làm thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi để dự thi theo nguyện vọng. Đến thời điểm đó, hầu như các trường đều đã hoàn tất công tác gửi giấy báo thi, chuẩn bị nhân sự và phòng thi cho các thí sinh. Nếu theo đúng quy định của Bộ, nhiều thí sinh có nguyện vọng thay đổi cụm thi thì sẽ gây xáo trộn việc sắp xếp thi cử của các trường.

Dẫu biết là Bộ cũng suy nghĩ cho các em học sinh nên mới đưa ra những quy định nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh và giữ cho một kỳ thi nữa an toàn, nhưng nếu có sửa đổi thì phải là sự “nhìn xa trông rộng”, có kế hoạch đưa ra trước đó cả năm trời để xét xem có phù hợp với thực tiễn đang diễn ra hay không. Chứ Bộ cứ “đùng” phát lại đưa ra văn bản mới vừa không đúng thời điểm lại khiến nhiều trường loay hoay, trở tay không kịp. Theo thì “loạn” thí sinh, mà không theo cũng bị quy “làm loạn”. Thật là khó nghĩ và… khó hiểu!








Theo Thanh niên và Tiền Phong
 
×
Quay lại
Top