Quy định pháp lý với blogger

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
"Pháp luật quy định không được lợi dụng Internet gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù...", luật sư Phạm Thanh Bình tư vấn.

KenhSinhVien.Net-blogger.jpg


“Blog” là một thuật ngữ có nguồn gốc từ cặp từ “Web Log” hay “Weblog” dùng để chỉ một tập san cá nhân trực tuyến, một quyển nhật ký dựa trên nền web hay một bản tin trực tuyến nhằm thông báo những sự kiện xảy ra hàng ngày về một vấn đề gì đó. Do là sản phẩm mang dấu ấn “cá nhân” nên nội dung và chủ đề của blog rất đa dạng, nhưng thường là những câu chuyện cá nhân, bản tin, danh sách các liên kết web, những bài tường thuật, phê bình một bộ phim hay tác phẩm văn học mới xuất bản hoặc những sự kiện xảy ra trong một nhóm người nào đó…

Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 18/8/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet (Nghị định 97) cũng xác định blog là một trong những dạng “trang thông tin điện tử”. Theo quy định tại khoản 12 Điều 2 Nghị định 97 thì: “Trang thông tin điện tử trên Internet là trang thông tin hoặc tập hợp trang thông tin phục vụ cho việc cung cấp và trao đổi thông tin trên môi trường Internet, bao gồm trang thông tin điện tử (website), trang thông tin điện tử cá nhân (blog), cổng thông tin điện tử (portal) và các hình thức tương tự khác”.

Hiện nay, trên Internet, trang thông tin điện tử cá nhân đã trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, blog không phải là một sản phẩm báo chí. Những thông tin được đăng tải trên blog một mặt được pháp luật bảo hộ quyền tự do ngôn luận, mặt khác việc thực hiện quyền tự do ngôn luận phải đảm bảo nằm trong khuôn khổ pháp luật.

Pháp luật Việt Nam quy định không được lợi dụng Internet nhằm mục đích chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm của công dân...

Cụ thể hơn, chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân (blogger) phải “chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin do mình đưa vào, lưu trữ, truyền đi trên Internet theo quy định của pháp luật” (điểm c, khoản 2 Điều 12 Nghị định 97).

Cụ thể hóa quy định này, Mục 4 Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT ngày 18/12/2008 (Thông tư hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP) hướng dẫn: Chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân chịu trách nhiệm về nội dung thông tin được cung cấp, lưu trữ, truyền đi trên trang thông tin điện tử cá nhân của mình, bảo đảm không vi phạm quy định của pháp luật và các quy định bị nghiêm cấm tại mục 3 của Thông tư, cụ thể:

-Lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những thông tin vi phạm các quy định tại Điều 6 Nghị định 97.

- Tạo trang thông tin điện tử cá nhân giả mạo cá nhân, tổ chức khác; sử dụng trái phép tài khoản trang thông tin điện tử cá nhân của cá nhân khác; thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Truyền bá các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản.

- Sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân mà vi phạm các quy định tại Điều 31, Điều 38 Bộ Luật Dân sự.

- Cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân mà vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 24 Nghị định 97 cũng quy định trường hợp blogger đưa lên những thông tin, nội dung sai sự thật, vu khống hay xúc phạm, ảnh hưởng thiệt hại đến người khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà blogger có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Do vậy, không chỉ blogger mà cả những người khác (viết comment) cũng cần cân nhắc trước khi đưa ra những ý kiến của mình trên trang thông tin điện tử cá nhân.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Hồng Hà, Hà Nội
:KSV@08:
 
×
Quay lại
Top