Sách điện tử liệu có chết yểu?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Tuy thời gian hình thành và phát triển mới hơn 1 năm, thị trường xuất bản sách điện tử (ebook) trong nước đã kịp trải qua đầy đủ những giây phút thăng trầm.

Và đến nay, thị trường ebook đang đứng trước một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển thực sự chứ không chỉ bốc đồng, chạy đua theo những thành công của các nước khác.

Hy vọng ngắn chẳng tày gang

Cách nay hơn 1 năm, ebook là một danh từ đầy sang trọng và hiện đại. Cứ nhắc đến xuất bản là người ta bàn đến ebook với đủ mọi cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng tựu trung vẫn là sự hồ hởi và hy vọng. Sự háo hức này không phải ngẫu nhiên vì cũng vào thời điểm đó tại nhiều quốc gia trên thế giới doanh số bán ra của ebook lần đầu tiên vượt qua sách giấy truyền thống, đem lại khoản lợi nhuận to lớn cho các đơn vị kinh doanh sách.

Và thế người ta cho rằng, đã đến lúc ebook trở thành cứu cánh cho nền xuất bản trong nước đang điêu đứng vì nhiều nguyên nhân. Quả thật, sự trông chờ này không phải vô lý, ebook khắc phục được hầu hết các nhược điểm đang làm sách giấy lao đao. Đầu tiên là hình thức xuất bản chủ động, không lệ thuộc vào các lĩnh vực khác vốn có chi phí thất thường như giá giấy, công in ấn, chi phí phát hành, vận chuyển… Thứ hai là ebook cũng đơn giản trong công việc xuất bản, chỉ cần làm một lần và cứ thế khai thác lâu dài không như sách truyền thống phải làm nhiều khâu mỗi khi tái bản. Và điều cuối cùng là thị trường đầy triển vọng khi có lượng bạn đọc ngày càng tăng tỷ lệ thuận với sự phổ biến của các phương tiện đọc ebook như máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy đọc ebook chuyên dụng…

Thế là nhà nhà, người người làm ebook, ban đầu là các đơn vị phát hành với việc thành lập các nhà sách chuyên kinh doanh ebook như Alezza, Phương Nam… rồi đến sự tham gia của các NXB như Trẻ, Tổng hợp TPHCM. Ngay cả đến các nhà làm luật cũng cấp tốc dành cho ebook một chương lớn trong luật xuất bản sửa đổi với rất nhiều điều khoản được trao đổi, thảo luận kỹ càng. Tất cả đều trông chờ kỳ tích xuất bản sẽ đến với tên gọi ebook. Thế nhưng, ngày 1-7-2013, thời điểm mà Luật Xuất bản mới chính thức có hiệu lực thi hành với sự ưu ái đặc biệt với ebook, thì bản thân thị trường ebook lại bị bao phủ bởi một không khí u ám, nặng nề. Mọi việc đã không dễ dàng như mong muốn của mọi người, ebook đã không thể trở thành cứu cánh của ngành xuất bản mà ngược lại, nó đã trở thành một gánh nặng cho không ít đơn vị kinh doanh.

184Sachebook.JPG

Sau phút hân hoan chào đón, sách điện tử (ebook) giờ đây đang phải đối phó với những khó khăn chất chồng.

Khó, chồng khó

Thực ra mà nói, những khó khăn của thị trường ebook hiện nay không phải là điều quá bất ngờ mà đã xuất hiện ngay từ đầu. Chỉ có điều khi đó, trong sự hồ hởi của mọi người, những vấn đề đó đã chưa được xem trọng đúng nghĩa.

Lấy ví dụ như vấn đề chi phí, lúc đầu ai cũng nghĩ ebook sẽ có điều kiện thuận lợi hơn sách giấy vì né được khoản chiết khấu phát hành vốn luôn là gánh nặng cho các nhà làm sách. Thế nhưng, thay vào đó ebook lại phải gánh khoản chi phí cho thanh toán điện tử. Một thực tế là hiện nay ở Việt Nam, các cổng thanh toán điện tử mới chỉ dành cho các thanh toán tương đối lớn, ít nhất cũng vài trăm nghìn đồng trở lên, hoàn toàn chưa có cổng thanh toán nào dành cho các thanh toán nhỏ vài chục nghìn hay thậm chí vài nghìn. Mà mức thanh toán đó lại là thông dụng của ebook. Kết quả là một ebook bán giá 5.000 đồng lại phải tốn mất 2.000 đồng cho cổng thanh toán, đó là còn chưa tính đến hình thức thanh toán qua tin nhắn có mức phí lên đến 40-50%, quá vô lý để người kinh doanh có thể thu hồi vốn.

Tiếp theo là vấn đề nguồn ebook, ban đầu nhiều người cho rằng đây là vấn đề đơn giản, chỉ cần số hóa các đầu sách đang có trên thị trường là đã có nguồn ebook khổng lồ. Thực tế không đơn giản như thế, hiện nay trung bình mỗi đơn vị kinh doanh ebook chỉ đang sở hữu khoảng từ 2 đến 3 ngàn đầu sách ebook, một số thậm chí chỉ khoảng 5 đến 6 trăm đầu sách. Vài đơn vị lập lờ đánh lận bằng cách tính luôn số tài liệu điện tử khác như văn bản, luận án, giáo án, giáo trình vào kho ebook của mình để cho con số có vẻ to tát. Nhưng điều này chỉ có ý nghĩa quảng cáo, thực tế khi bạn đọc tìm sách sẽ dễ dàng thấy được sự đơn điệu của kho sách ebook chính thức. Lý do của tình trạng này chính là chi phí số hóa không hề rẻ như suy nghĩ của nhiều người, con số này có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. đó là chưa kể đầu tư ban đầu như máy móc chuyên dùng, nhân công… Còn nhớ khi Thư viện Quốc gia hay thư viện TH TPHCM tiến hành số hóa kho tư liệu của mình đã phải nhờ cả hỗ trợ của nước ngoài thì các đơn vị kinh doanh xuất bản vốn không lấy gì làm mạnh trong nước thật khó để tự làm.

Và cuối cùng, sách lậu - căn bệnh nan y của nền xuất bản Việt Nam cũng không tha ebook, thậm chí còn nặng nề hơn cả sách giấy. Ebook lậu ở khắp mọi nơi, với ưu điểm dễ sao chép, sách lậu lan tràn với tốc độ chóng mặt, từ sách cho miễn phí, ai thích đọc cứ chép trên mạng về đến sách kinh doanh qua quảng cáo, qua các phần mềm cài đặt lên các thiết bị điện tử có thu phí… Mà ai cũng biết, ebook lậu có chất lượng rất kém, sai sót nội dung tràn lan do cẩu thả trong quá trình số hóa, nhiều ebook có nội dung xấu cũng dễ dàng phát tán qua con đường này, thế nhưng về mặt kỹ thuật, hầu như không có biện pháp nào ngăn chặn ebook lậu trong khi quản lý về mặt hành chính lại hầu như chưa đề cập đến các vi phạm về ebook lậu nhất là khi các trang web cung cấp không đặt ở Việt Nam.

Đến lúc này, những người làm ebook mời bình tĩnh lại để nhìn nhận thực tế thị trường ebook trong nước cũng như bản chất thật của sự thành công của ebook tại các nước trên thế giới. Và thực tế hiển hiện, thị trường ebook Việt Nam hiện nay quá manh mún, ai cũng làm nên cuối cùng chẳng ai làm được đến nơi đến chốn.

Mỗi đơn vị khi kinh doanh ebook đều đưa ra các chuẩn mực kỹ thuật, các phần mềm đọc khác nhau trong khi lượng sách lại quá ít để bạn đọc phải lựa chọn như Alezza có phần mềm riêng, Trẻ cũng có chương trình đọc của mình, Tổng hợp cũng đòi hỏi cài đặt phần mềm chuyên dụng… Sự manh mún này cũng dẫn đến người làm sách, tác giả không biết chọn ai để gửi bán tác phẩm của mình và kết quả là dẫn đến sự manh mún của các tác phẩm khiến người đọc trở nên khó lựa chọn khi cứ phải qua lại giữa các đơn vị để tìm tác phẩm cần thiết. Còn với thế giới hiện nay, nhắc đến ebook người ta nghĩ ngay đến Amazon, từ chuẩn phần mềm, phần cứng đến nguồn sách cả triệu cuốn đều có đầy đủ, bạn đọc rất dễ lựa chọn.

Mà để làm được điều đó, thị trường ebook thế giới cũng đã chứng kiến không ít cuộc đào thải để dần có được sự tập trung như hiện nay. Thị trường ebook trong nước cũng đang đi vào con đường đó. Sau sự háo hức ban đầu, thị trường ebook trong nước cũng đang cần có một cuộc đại phẫu để có thể đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc trong tương lai gần. Còn nếu cứ như hiện nay thì thị trường ebook trong nước vẫn sẽ là thị trường của ebook lậu, tạp nham và mất kiểm soát. Theo phapluatvaxahoi
 
×
Quay lại
Top